PHÁT HIỆN MỘT HỌ THỰC VẬT ĐƠN LOÀI SÓT
LẠI BỔ SUNG CHO HỆ THỰC VẬT VIỆT NAM
Nguyễn Nghĩa Thìn
Khoa sinh học - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại
học Quốc gia Hà Nội.
Từ lâu, núi Hoàng Liên đã được coi là nóc nhà của Đông
Dương, nằm trong mảnh đất được gọi là “cái nôi” phát sinh
hay ít ra cũng là một trung tâm đa dạng của thực vật Hạt
kín. Tính chất đó không chỉ được thể hiện bởi sự có mặt
của các họ nguyên thủy mà còn bởi số lượng các họ đơn
loài, chúng thường là những mắt xích quan trọng trong quá
trình tiến hóa của thực vật Hạt kín.
Những kết quả nghiên cứu vừa qua cho thấy ngoài sự đa
dạng của thực vật Hạt trần (13 loài, thuộc 10 chi và 6 họ)
và thường là những họ sót lại, nhiều loài nguyên thủy của
thực vật Hạt kín cũng đã được phát hiện thuộc các họ:
Magnoliaceae, Annonaceae, Lauraceae, Chloranthaceae,
Actinidiaceae, Ranuculaceae, Saururaceae và nhiều họ đơn
loài hay ít loài cũng được phát hiện như: Rhoipteleaceae,
Sargentodoxaceae, Lardizabalaceae, Berberidaceae,
Schisandraceae, Valenariaceae, Stachyuraceae, … Phần lớn
các họ đó là những tàn dư của hệ thực vật Đệ tam.
Trong đợt khảo sát tháng 12 năm 2004 tại Vườn Quốc gia
Hoàng Liên - Sa Pa, 1 họ đơn loài mới cho hệ thực vật Việt
Nam – Tetracentraceae với một loài duy nhất Tetracentron
sinensis Oliv. đã được phát hiện, thu mẫu và mô tả, bổ sung
vào danh sách các loài sót lại đệ tam của thực vật Phan Si
Păng.
Như vậy một lần nữa khẳng định vị trí của núi Hoàng Liên
là mảnh đất cổ, là “cái nôi” phát sinh hay ít ra cũng là
“trung tâm đa dạng” của thực vật Hạt kín (Takhtajan 1966,
1970).
Họ: Tetracentraceae Van Tieghem, 1900.
Họ này chỉ có 1 chi - Tetracentron Oliv., 1 loài duy nhất là
Tetracentron chinense Oliv. In Hook. Icon. Pl. (1889);
Flora yunnanica, Tom. 5: 2 (1991). Icon. Arb. Sinic. 1: 797,
fig. 1594 (1972).
Mô tả: cây gỗ cao 5 m, cành nhẵn, vỏ cây xán nâu, cánh
choãi ngang và vươn dài với các cành bên ngắn, có chồi
nhẵn, ở gốc có hai vảy khi già có sẹo, vảy chồi dạng vòng.
Lá hình tim mọc cách, gân chân vịt, chất giấy, có 5 đến 7
đôi gân bên, 5-10 cm x 4-7 cm, đầu nhọn, gốc lõm hình
tim, mép răng cưa có tuyến, có lá kèm dính với cuống lá;
cuống 2-2,5 cm. Cụm hoa dạng bông đơn, có nhiều hoa;
bao hoa 4, hình trứng; nhị 4 mọc đối với các cánh của bao
hoa, lá noãn 4, đính mép, 4 vòi rời, mỗi ô có 5 đến 6 noãn.
Phân bố: Tetracentron chinense Oliv., phân bố ở Nê-pan,
Trung và Tây Nam Trung Hoa, vùng cao của Myanma và
Việt Nam. Ở Việt Nam, Sa Pa, Lào Cai có thể đây là điểm
cực nam của khu phân bố của nó.
Mẫu nghiên cứu: Mẫu lưu trữ ở phòng Bảo tàng Thực vật,
Bộ môn Thực vật học, khoa Sinh học, Trường Đại học
Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Người thu mẫu: Nguyễn Nghĩa Thìn
- Số hiệu mẫu NT0412-01
- Thời gian thu: ngày 15 tháng 12 năm 2004
- Địa điểm: trên đường Sa Pa - Bản Khoang, VQG Hoàng
Liên, tỉnh Lào Cai
Vị trí của họ Tetracentraceae: Họ Tetracentraceae chỉ có
một chi với một loài duy nhất, là họ thứ hai trong bộ
Trochodendrales. Bộ này cũng chỉ có hai họ, hai chi và cả
hai chi đều phân bố ở châu Á, chúng đều là thành phần của
thực vật kỉ Đệ tam Bắc bán cầu (Takhtajan, 1970: 97).
Trochodendrales thuộc liên bộ Hamamelidanae, phân lớp
Hamamelididae, lớp Hai lá mầm - Dicotyledoneae
(Takhtajan, 1970: 130). Do vậy nó được coi là mắt xích
quan trọng trong quá trình tiến hóa từ Magnoliidae lên
Hamamelididae. Điều đó được thể hiện trong các đặc điểm
giải phẫu. Về giải phẫu của nó cho thấy gần với cây Hạt
trần nguyên thủy như Cycadales. Ở đây yếu tố dẫn là quản
bào, trong phần nguyên mộc, gỗ quản bào này có những
đường vòng hay xoắn nhưng ở hậu mộc phổ biến là hình
thang. Về chức năng có sự phân phối chức năng giữa các
quản bào rộng, màng mỏng có thủng lỗ đơn tương đối rõ ở
phần gỗ sớm và các quản bào hẹp có màng dày (Takhtajan
1964). Theo Bailey tia của nó dị hình (nhiều dãy và một
dãy) có tận cùng dài. Đây là kiểu tia nguyên thủy hơn so
với các cây Hạt kín hiện đại với sự thủng lỗ hình thang. Về
mấu của lá thuộc loại ba hổng là loại mấu nguyên thủy
trong Hạt kín (Bailey & Nat, 1945, theo Takhtajan, 1964).
Chính điều đó cho thấy vai trò quan trọng của
Tetracentraceae trong chuỗi tiến hóa của thực vật Hạt kín
và một lần nữa cho chứng tỏ tính độc đáo về nguồn gen mà
còn có tầm quan trọng về khoa học của núi Hoàng Liên
trong việc nghiên cứu các mắt xích tiến hóa của cây Hạt
kín.
Lời cảm ơn: Bài báo này được hoàn thành nhờ sự tài trợ tài
chính của chương trình Khoa học cơ bản, Ngành Khoa học
Sự sống, chúng tôi xin chân thành cảm ơn !
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Flora yunnanica 1991. Tom 5: 2 – 3, fig. 1 (5 – 10).
2. Iconographia arborerum Yunnanicorum, vol. 1 (1): 234 –
235, fig. 108.
3. Iconographia arborerum Sinicorum, vol. 1: 797 + fig.,
1972. Science Publisher, Bei-jing
4. Takhtajan, A. L. 1964. Những nguyên lý tiến hóa của
thực vật Hạt kín. NXB. Nauka (Bản dịch: Nguyễn Bá -
Hoàng Kim Nhuệ, 1967. Nxb Khoa học - Kĩ thuật, Hà Nội:
124 trang).
5. Takhtajan, A. L. 1970. Nguồn gốc và sự phát tán của
thực vật có Hoa. Nxb “Nauka”, Leningrat. (Bản dịch:
Nguyễn Bá - Hoàng Kim Nhuệ, 1977. Nxb Khoa học - Kĩ
thuật, Hà Nội: 167 trang).
SUMMARRY
A relic monotype family found in vietnam.
In this paper, a new family for the flora of Vietnam -
Tetracentraceae is found in Hoang Lien National Park, Lao
Cai province. It includes one species only - Tetracentron
chinense Oliv. This is a primitive relic family of Teriate
flora and belong to Himalaya phytogeographical element.
This family together with Trochodendraceae (the second
monotype family) belong to the ordo: Trochodendrales of
the subclass: Hamamalididae of the Dicotyledons. The
presence of this family in Hoang Lien is an important
evidence that Hoang Lien mountain might be lied in a
“possible centre” of Angiosperms as Takhtajan (1970)
suggeted. However, He also indicated that the
Trochodendrales is a ordo linked with both Magnoliidae
and Hamamelididae.
Người thẩm định nội dung khoa học: PGS. TS. Ngô Trực
Nhã.