Một số điểm cần lưu ý khi tổ chức hoạt
động âm nhạc trong trường mầm non
Một trong những yêu cầu của chương trình GDMN được ban hành và
thực hiện từ năm học 2009-2010 là tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ được
tích cực hoạt động giao lưu cảm xúc, được giao tiếp thường xuyên, hoạt
động với đồ vật và vui chơi, được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi
trường xung quanh dưới nhiều hình thức. Chú trọng đổi mới tổ chức môi
trường giáo dục nhằm kích thích và tạo cơ hội cho trẻ tích cực khám
phá, thử nghiệm và sáng tạo. Mọi hoạt động giáo dục cần được vận dụng
một cách linh hoạt, không gò bó, không áp đặt.
Đối với giáo dục âm nhạc, cho trẻ tiếp cận nội dung và hình thức hoạt
động theo hình xoáy trôn ốc, tức là cho trẻ hoạt động từ đơn giản, dễ rồi
khó dần trên nền những kiến thức đã biết. Ở độ tuổi nhà trẻ, giáo viên
chủ yếu cho trẻ nghe hát, nghe nhạc (sau đây sẽ gọi chung là nghe nhạc).
Việc áp dụng các hình thức nghe nhạc phong phú sẽ giúp trẻ làm quen
dần và yêu thích âm nhạc hơn.
Ở độ tuổi nhà trẻ: giáo viên chủ yếu lựa chọn cho trẻ các bài hát đơn
giản, ngắn gọn mô tả những đồ dùng, vật dụng, môi trường gần gũi với
trẻ, những hành động phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Nhạc không lời cho
trẻ nghe có thể là các ca khúc, đặc biệt là các bài dân ca các vùng miền,
các dân tộc hòa tấu bởi dàn nhạc dân tộc; hoặc các bản nhạc rất nổi tiếng
và quen thuộc như Pô-lô-ne (Polonaise - Orginski), Thư gửi Ê-li-dơ
(Bagatelle: "Fur Elise" - L.V.Beethoven), xô nát Ánh trăng ("Moonlight"
sonata - L.V.Beethoven), Vũ khúc Hungari số 5 (Hungarian Dance No.5
- J. Brahms), Hành khúc Thổ Nhĩ Kì (Turkish Rondo - W.A. Mozart)
Trẻ từ 3-12 tháng tuổi nghe nhạc một cách thụ động, không chủ đích.
Giáo viên có thể cho trẻ nghe bất kỳ lúc nào phù hợp như ngủ chơi
Khi trẻ ngủ, nghỉ lựa chọn bài hát, bản nhạc không lời êm dịu, nhẹ
nhàng sẽ tác động tích cực vào trí não của trẻ, giúp trẻ có thể ngủ, nghỉ
ngơi được tốt; khi trẻ chơi, tập lẫy, tập bò, tập đi sử dụng những bản
nhạc vui nhộn sẽ gây hứng thú cho trẻ.
Trẻ từ 12-36 tháng tuổi bên cạnh cho trẻ nghe nhạc cần cho trẻ tập hát
các bài hát có ca từ thật đơn giản, dễ hiểu. Việc tập hát sẽ cũng hỗ trợ
cho trẻ tập nói, tập phát âm. Khi cho trẻ hát, giáo viên kết hợp gõ theo
phách, nhịp hoặc tiết tấu của bài bằng cách vỗ tay, dùng các vật phát ra
tiếng kêu khác nhau nhằm thu hút sự chú ý của trẻ và thêm phần hứng
thú cho trẻ cùng tham gia hoạt động.
Trẻ ở tuổi mẫu giáo: việc tổ chức các hoạt động âm nhạc phong phú, đa
dạng hơn. Trẻ học hát, nghe nhạc, vận động theo nhạc, trò chơi âm nhạc
và kết hợp âm nhạc với các hoạt động giáo dục khác:
-Dạy hát: Phương pháp tổ chức thực hiện các nội dung nêu trên cũng cần
phải linh hoạt, không cứng nhắc theo một khuôn mẫu gò bó. Vừa kết
hợp phương pháp truyền thống, vừa sáng tạo để "làm mới" mỗi tiết
dạy.Ví dụ như dạy hát cho trẻ. Phương pháp truyền thống là giáo viên
hát, rồi bắt nhịp cho trẻ hát và cô cùng hát theo hoặc ghi âm sẵn bài hát
rồi mở nhạc lên, cô trò cùng hát. Trẻ hát vài ba lần, sau đó gọi nhóm, rồi
tổ, rồi cá nhân hát. Sau đó cô sửa lấy lệ vài chỗ rồi lại cùng hát, hát
nhóm, hát cá nhân Tuy nhiên, cách sửa sai hiệu quả nhất vẫn là cô hát
mẫu, đàn mẫu nhiều lần chỗ đó, cho trẻ hát lại nhiều lần theo cô, theo
tiếng đàn là tốt nhất. Cần lưu ý cô không nên nhận xét "con hát sai rồi,
phải hát như thế này" hoặc những câu tương tự.Cần xác định việc dạy
hát cho trẻ không có nghĩa là "luyện" cho trẻ phải hát thật đúng, thật hay
bài hát mà mục đích chính là cho trẻ bước đầu tiếp cận với giai điệu,
hình ảnh của bài hát.Từ đó trẻ sẽ yêu thích bài hát và tích cực tham gia
hát.
Việc sử dụng hình ảnh, đồ dùng, vật dụng hỗ trợ cho học hát là điều vô
cùng cần thiết vì trẻ tư duy trực quan là chủ yếu. Giáo viên có thể sử
dụng trong lúc giới thiệu bài, trong lúc dạy hát hay lúc ôn lại bài để giúp
trẻ dễ hình dung về bài hát vốn dĩ là những âm thanh, hình ảnh khá trừu
tượng.
Cô giáo và trẻ người dân tộc Chăm (Phú Yên) sử dụng "nhạc cụ" vận
động và hát
-Nghe nhạc: ở độ tuổi mẫu giáo việc nghe nhạc sẽ có chủ đích hơn.
Ngoài việc vẫn cho trẻ nghe như khi còn ở lứa tuổi nhà trẻ, giáo viên mở
rộng hình thức tổ chức cho trẻ nghe. Một điểm rất đáng lưu ý là giáo
viên nhất thiết không được "độc diễn" trong khi cho trẻ nghe nhạc. Khi
trẻ nghe nhạc từ băng, đĩa cũng như từ cô biểu diễn, giáo viên luôn quan
sát, chú ý thái độ của trẻ, hướng trẻ vào bài, cùng trẻ vận động, múa hát
theo nếu trẻ muốn cùng tham gia. Nếu nhiều trẻ miễn cưỡng nghe hoặc
bỏ ra khỏi vị trí, giáo viên có thể chuyển đổi sang hình thức khác chứ
không nhất thiết phải cho nghe cô hát đủ số lần, như đã chuẩn bị.
-Tổ chức trò chơi âm nhạc: không những giúp trẻ cảm nhận về âm thanh
âm nhạc tốt hơn mà nó còn giúp trẻ phát triển trên nhiều lĩnh vực khác
nữa. Lúc tham gia chơi, trẻ được hòa vào với không khí chung của
nhóm, lớp, được vận động, sáng tạo Tổ chức mỗi trò chơi, giáo viên
nên chọn một nội dung nhỏ làm chủ đạo, từ đó phối hợp với 1 - 2 nội
dung là cùng, tránh ôm đồm dễ dẫn đến việc chơi xong trẻ không đọng
lại gì cho dù tham gia hoạt động đủ thứ.
Ví dụ giáo viên cho trẻ chơi trò chơi Đi tìm xuất xứ bài hát:Làm một
tấm bản đồ Việt Nam phóng to, tô màu ba miền Bắc-Trung-Nam khác
nhau. Phác họa hình ảnh và tên bài hát dân ca quen thuộc của 3 miền cho
trẻ quan sát, sau đó gỡ ra và đề nghị trẻ xung phong lên dán lại. Có thể
hát một đoạn một bài nào đó rồi cho trẻ lên đính lại bài hát cho đúng khu
vực. Trò chơi này sẽ giúp trẻ cảm nhận được giai điệu của một số bài hát
khác nhau, bước đầu nhận biết về sự khác nhau của âm nhạc mỗi vùng.
Cô giáo (người Kinh) và trẻ dân tộc Raglai (Thuận Nam, Ninh Thuận)
đang múa hát
- Kết hợp hoạt động âm nhạc với các hoạt động giáo dục khác: việc dùng
các phương tiện diễn tả âm nhạc như một công cụ hữu hiệu để kết hợp
với các hoạt động giáo dục khác như làm quen với toán, chữ viết, môi
trường, kết hợp vận động đã trở nên phổ biến trong các hoạt động
giáo dục.Ví dụ: hoạt động làm quen với toán, ta có thể sử dụng âm nhạc
giúp trẻ làm quen với các con số một cách tự nhiên, nhẹ nhàng thụng
qua các trò chơi với lời ca có số, số người tham gia
VD: Bài hát Năm ngón tay ngoan
Chọn 5 trẻ xung phong đứng lên, mỗi trẻ cầm một mảnh bìa cứng hoặc
tờ giấy vẽ một số(từ 1-5) và hình vẽ bàn tay có 4 ngón nắm lại, một
ngón xòe ra lần lượt là ngón cái, trỏ, giữa, áp út và út. Khi hỏi đến ngón
nào thì người đó bước lên phía trước. Khi cả 5 trẻ đứng lên hết thì cùng
giơ cao lên và vừa hát vừa đưa hình vẽ qua bên trái, bên phải đều nhau.
Có thể thay đổi bài hát có số khác hoặc lần lượt chơi.
Âm nhạc như làm nền cho các hoạt động, như phương tiện tiếp cận các
khái niệm, các hình ảnh, các hoạt động một cách nhẹ nhàng, vui vẻ phù
hợp với trẻ mầm non. Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng âm nhạc vào các
hoạt động khác sẽ có thể khiến trẻ không tập trung với hoạt động đó. Do
vậy, mỗi khi đưa âm nhạc kết hợp với các hoạt động khác, giáo viên cần
cân nhắc kĩ lưỡng dung lượng cần thiết và phù hợp.
- Xây dựng môi trường hoạt động âm nhạc trong lớp: Ở góc nghệ thuật,
giáo viên có thể cùng với trẻ vẽ tranh, cắt dán, tạo mẫu các đồ vật, nhạc
cụ; tự tạo ra các nhạc cụ đơn giản, cùng phụ huynh sưu tầm các nhạc cụ
như chiêng, trống (kể cả đồ thật lẫn đồ chơi) để trang trí cho góc nghệ
thuật. Có thể sắp xếp theo bộ, theo chủ đề tránh rườm rà. Giáo viên cho
trẻ cùng tham gia, góp ý kiến cách sắp xếp, tạo cho trẻ hứng thú và được
tôn trọng. Cần tận dụng tối đa sản phẩm ở góc vào các hoạt động nghệ
thuật chứ không nên chỉ để trưng bày cho đẹp.
Điểm đáng chú ý ở đây là trong một tiết hoạt động âm nhạc , giáo viên
không nhất thiết phải thực hiện đầy đủ các nội dung trên và theo đúng
trình tự mà có thể thực hiện một cách linh hoạt trên cơ sở kế hoạch lâu
dài,tổng thể trong một kì, một năm, đảm bảo tiếp cận được kết quả mong
đợi như mục tiêu chương trình.
Hoàng Công Dụng