TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG VÀ CHẨN ĐOÁN
NHIỄM VIRUS HỢP BÀO HÔ HẤP
I. GIỚI THIỆU
- Virus hợp bào hô hấp (RSV - respiratory syncytial virus) gây bệnh
đường hô hấp cấp tính ở mọi lứa tuổi. Triệu chứng lâm sàng rất đa dạng tùy
thuộc vào tuổi, tình trạng sức khỏe. Nhiễm virus này có thể là nguyên phát
hay thứ phát.
II. DỊCH TỄ HỌC
- Mùa:
Bán cầu bắc: dịch xảy ra từ tháng 11 đến tháng 4, đỉnh cao vào tháng 1 hay
tháng 2.
Bán cầu nam: từ tháng 5 đến tháng 9, đỉnh vào các tháng 5,6,7.
Vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới: dịch thường xảy ra vào mùa mưa.
- Khả năng mắc bệnh: hầu hết trẻ 2 tuổi đều đã ít nhất một lần mắc bệnh và thường
hay tái nhiễm.
- RSV là nguyên nhân thường gặp nhất gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ <
1tuổi.
- Hằng năm có tới 120,000 trẻ nhập viện vì nhiễm RSV và con số này đang có xu
hướng ngày càng tăng.
- Tử vong: theo số liệu của trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (Centers for
Disease Control), mỗi năm có khoảng 2700 người (trẻ em và người lớn) tử vong vì
viêm phổi do RSV.
- Yếu tố nguy cơ:
Trẻ < 6 tháng tuổi;
Trẻ mắc bệnh phổi mạn tính: bệnh loạn sản phế quản phổi;
Trẻ non tháng < 35 tuần tuổi;
Bệnh tim bẩm sinh;
Suy giảm miễn dịch: bạch cầu cấp, ghép tủy xương, ghép phổi;
Sống ở độ cao trên 2500m.
- Yếu tố gen: các gen liên quan cytokine và chemokine như IL-4 và thụ thể, IL-8,
IL-10, IL-13 và CCR5. Ngoài ra còn có TLR-4, CX3CR1, SP-A, và SP-D liên
quan trong những trường hợp nặng.
III. VI SINH
- RSV có cấu trúc gồm 1 sợi đơn RNA, là thành viên của gia đình
Paramyxoviridae. Hai phân nhóm A và B thường hiện diện đồng thời trong hầu
hết các vụ dịch. Nhưng phân nhóm A thường gây bệnh trầm trọng hơn.
- Sự lây truyền: chủ yếu do tiếp xúc với dịch tiết hay vật dụng có dính virus thông
qua đường mũi họng hay niêm mạc mắt. RSV có thể tồn tại ở tay và vật dụng
trong nhiều giờ. Vì vậy, rửa tay và cách ly là cách tốt nhất tránh sự tràn lan nhiễm
trùng bệnh viện.
- Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2 đến 8 ngày.
- Sự miễn dịch: mặc dù hầu như đến 3 tuổi, ai cũng đã từng một lần nhiễm RSV,
nhưng điều này không có nghĩa bệnh nhân sẽ hoàn toàn không bị tái nhiễm dù đã
có kháng thể đặc hiệu hiện diện. Miễn dịch dịch thể có vai trò quan trọng trong
việc làm giảm độ nặng nhiễm RSV hơn là ngừa nhiễm bệnh hoàn toàn, kết luận
này dựa vào quan sát thấy một người có thể nhiễm nhiều lần RSV trong một mùa
dịch, tuy nhiên những lần sau sẽ nhẹ hơn những lần trước. Kháng thể qua nhau
thai không giúp trẻ ngừa nhiễm nhưng nếu có nồng độ cao, trẻ sẽ triệu chứng nhẹ
hơn và thường giới hạn ở đường hô hấp trên.
- Vai trò của miễn dịch tế bào chưa thấy rõ.
IV. SINH BỆNH HỌC
- RSV thường tập trung ở biểu mô đường hô hấp. Rất hiếm, một số trường hợp
RSV được tìm thấy ở những mô ngoài phổi như gan, hay dịch màng ngoài tim,
dịch não tủy. RSV chưa bao giờ được phân lập từ máu mặc dù đã có 2 báo cáo cho
thấy bộ gen RSV bằng kỹ thuật PCR trong máu.
- Đáp ứng miễn dịch, đặc biệt là cytokine và hóa chất trung gian, đóng vai trò quan
trọng trong sinh bệnh học và độ nặng của viêm tiểu phế quản
- Các cytokine IL-8, IL-6, TNF-alpha, và IL-1 beta có thể tìm thấy trong dịch tiết
đường hô hấp và nồng độ IL-6 có liên quan đến độ nặng của bệnh. Ngoài ra,
CCL3 (macrophage inflammatory protein-1 [MIP-1 alpha]), CCL2 (monocyte
chemoattractant protein-1 [MCP-1]), CCL11(eotaxin), và CCL5 (RANTES
[regulated on activation, normal T-cell expressed and secreted]) cũng ảnh hưởng
đến độ nặng của bệnh thông qua việc thúc đẩy đáp ứng viêm.
V. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG
- Tùy theo lứa tuổi, tình trạng sức khỏe cũng như nhiễm lần đầu hay tái nhiễm mà
biểu hiện lâm sàng sẽ khác nhau. Trong khi trẻ nhỏ thường viêm đường hô hấp
dưới như viêm tiểu phế quản, viêm phổi thì trẻ lớn lại thường viêm đường hô hấp
trên hay viêm khí phế quản.
- Ngừng thở: cơ chế chưa rõ.
- Khoảng 20% trẻ nhập viện có biểu hiện ngừng thở và là lý do chính của hội
chứng đột tử. Ngừng thở thường gặp ở trẻ nhỏ, non tháng, tiền sử có cơn ngưng
thở và thiếu máu nặng. Trong những trường hợp này không thể nói trước được
điều gì về tiên lượng của bệnh.
- Bệnh đường hô hấp:
Hô hấp dưới: có thể gây bệnh đường hô hấp dưới nặng, viêm tiểu phế quản,
co thắt phế quản, viêm phổi và suy hô hấp cấp. Thường gặp ở những trẻ
nhiễm lần đầu, 50% trường hợp tái nhiễm và thường biến mất khi nhiễm
lần 3.
Trong năm đầu đời, khoảng 20% trẻ có biểu hiện khò khè do RSV, 2-3%
cần phải nhập viện. Hơn nữa, 76% trẻ viêm tiểu phế quản do RSV nhập
viện có biểu hiện khò khè và con số này là 34% đối với trẻ điều trị ngoại
trú.
Hô hấp trên: thường xuyên ở trẻ lớn, triệu chứng gồm ho, sổ mũi, chảy
nước mũi, viêm kết mạc mắt.
Bội nhiễm: trẻ có thể biểu hiện sốt, viêm tiểu phế quản do RSV bị nhiễm
khuẩn huyết hay viêm màng não là rất thấp. Một nghiên cứu trên 1248 trẻ <
60 ngày tuổi ghi nhận có 269 trẻ nhiễm RSV, trong đó khoảng 5.5% có
kèm nhiễm trùng tiểu.
VI. DI CHỨNG PHỔI
- Bệnh thường tự giới hạn và không để lại di chứng về sau. Tuy nhiên, bệnh có thể
gây khò khè tái đi tái lại
- Trẻ suy giảm miễn dịch: tỷ lệ tử vong là 70-100% ở trẻ đã được ghép tủy xương
do viêm phổi RSV kèm suy hô hấp.
VII. CHẨN ĐOÁN
- Lâm sàng: các điểm hổ trợ chẩn đoán bao gồm:
Tuổi < 12 tháng
Triệu chứng lâm sàng: bệnh đường hô hấp dưới, đặc biệt là viêm tiểu phế
quản
Dịch tễ học: mùa đông
- Cận lâm sàng: phân tích dịch tiết hô hấp gồm dịch mũi, dịch rửa mũi họng, dịch
khí quản và phế quản.
Tiêu chuẩn chẩn đoán xác định là phân lập được virus
Kỹ thuật bắt giữ kháng nguyên bằng chất thử cho kết quả nhanh trong vòng
30 phút. Độ nhạy và đặt hiệu trên 90%
Huyết thanh chẩn đoán trẻ nhỏ không có giá trị
PCR rất hữu ích.
- Chẩn đoán phân biệt:
Phân biêt với virus á cúm, cúm, và adenovirus ở trẻ nhỏ
Phân biệt với virus cúm ở trẻ lớn
Phân biệt với virus á cúm ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch.
VIII. TÓM TẮT
RVS có thể gây ra những vụ dịch, thường là vào mùa đông. Hầu hết các trẻ đều đã
có ít nhất một lần nhiễm bệnh vào lúc 2 tuổi và thường hay tái nhiễm. Nhóm nguy
cơ có thể làm bệnh trở nên trầm trọng bao gồm nhỏ tuổi, non tháng, bệnh phổi
mạn tính, tim bẩm sinh, suyễn hay suy giảm miễn dịch. Triệu chứng lâm sàng rất
đa dạng phụ thuộc vào tuổi bệnh nhân, tình trạng sức khỏe và nhiễm lần đầu hay
tái nhiễm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Respiratory syncytial virus activity United States, 1999-2000 season. MMWR
Morb Mortal Wkly Rep 2000; 49:1091.
2. Spence, L, Barratt, N. Respiratory syncytial virus associated with acute
respiratory infections in Trinidadian patients. Am J Epidemiol 1968; 88:257.
3. Sung, RYT, Murray, HG, Chan, RC, et al. Seasonal patterns of respiratory
syncytial virus infection in Hong Kong: a preliminary report. J infect Dis 1987;
156:527.
4. Cane, PA. Molecular epidemiology of respiratory syncytial virus. Rev Med
Virol 2001; 11:103.
5. American Academy of Pediatrics.