Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Thông tin, liên lạc trong lịch sử Việt Nam pps

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (75.74 KB, 6 trang )

Thông tin, liên lạc trong lịch sử Việt Nam
Khá nhiều người nhầm tưởng rằng từ khi nước ta
thuộc Pháp mới bắt đầu có ngành thông tin liên lạc
bằng thư từ, điện báo, điện thoại. Thực ra, từ thời Lý
Thái Tôn (1028-1054), để chạy công văn, giấy tờ từ
kinh thành ra các tỉnh, triều đình đã đặt ra các trạm
thư, các thư tịch cũ gọi là nhà trạm.

Từ năm Quý Mùi 1043, Lý Thái Tôn đã cho phân
chia các đường quan lộ ra từng cung một, mỗi cung
có đặt một nhà trạm gọi là cung dịch hay là trạm
dịch, để chạy công văn. Nhà trạm chuyên coi việc
chạy công văn, giấy tờ từ kinh thành ra các tỉnh, lại
cùng làm nơi nghỉ chân, thay ngựa, thay phu của các
quan chức sai đi các việc. Mỗi cung đường dài chừng
20 cây số. Tới thời Hồ Quý Ly (1400-1407), nhà Hồ
đã mở rộng thêm đường cái quan để thuận tiện việc
giao thông liên lạc qua các nhà trạm. Đó chính là
hoạt động của ngành bưu điện của Việt Nam thời
xưa.

Khi Lê Lợi kháng chiến chống nhà Minh (1418),
Trần Nguyên Hãn, lúc đó đang còn đi bán dầu, có
nuôi được đôi chim bồ câu và dạy chúng biết đưa thư.
Ông đem theo cả đôi chim đưa thư vào Lam Sơn theo
phò Lê Lợi. Lúc đóng quân ở thành Võ Ninh, ông bị
quân Minh vây chặt. Nhưng đôi chim câu ấy đã đem
được thư biểu về cho Lê Lợi. Nhờ vậy, Lê Lợi đã kịp
cho quân đến Võ Ninh phá giặc, giải vây cho Trần
Nguyên Hãn. Đó là một thành tích đáng kể của hoạt
động bưu điện của ta xưa.



Qua mỗi triều đại, đều có sự chăm lo cho việc bưu
chính. Đến cuối thế kỷ 17, nhà Lê đã tổ chức hệ
thống bưu chính khá chặt chẽ. Trên các quan lộ đã có
54 cung dịch. Mỗi cung có nhà trạm xây tường, lợp
lá, chung quanh có hào, bốn góc đều đặt chòi canh.
Mỗi trạm do một người đội trạm phụ trách, có một
phó đội, 10 phu trạm và bốn con ngựa tốt. Các cung
phân bố hợp lý dọc đường huyết mạch từ bắc vào
nam. Đến triều Nguyễn, trạm dịch tăng lên rất nhiều
bố trí theo quan lộ từ Huế vào Nam kỳ và từ Huế ra
Bắc thành (Hà Nội). Những viên chức nhà trạm thuộc
Bộ binh trông nom, hưởng lương như lính và được
miễn mọi tạp dịch. ở các tỉnh thì nhà án sát phát
lương và giao công việc cho họ. Tại kinh đô Thăng
Long có Trạm Hà Trung, nay còn dấu tích là phố
Ngõ Trạm, giáp phố Hà Trung, gần chợ Hàng Da.

Lính trạm ăn mặc như người dân thường, chỉ khác là
khi đi công vụ họ có đeo chuông hoặc cái nhạc trên
vai. Như thế để mọi người biết mà tránh cho lính
trạm đi không bị cản vướng. Qua đò, qua sông, bao
giờ lính trạm cũng được đi trước. Lính trạm thường
phải đi bộ, có việc khẩn mới được dùng ngựa. Người
lính trạm cưỡi ngựa, để không bị ai cản trở trên
đường, thường tay cầm một nắm lông gà hoặc một bó
đuốc cháy dở để làm hiệu cho mọi người phải tránh.
Có tục: phải tránh hòn than, lông gà là do từ sự phải
tránh lính trạm đi ngựa. Cũng do đó mà có việc phê
hai chữ hỏa tốc vào những công văn khẩn cấp. Đặc

biệt, phu trạm đem tin chiến trường về kinh còn cầm
thêm lá cờ lệnh mầu đỏ. Đến thời Nguyễn, hoạt động
bưu chính lại kiện toàn thêm một bước. Công văn
chuyển đi phải đựng trong ống tre to, gọi là ống công
văn, hai đầu có buộc dây, gắn nhựa thông, đóng dấu
kỹ lưỡng. Lính trạm có đeo hỏa bài trên cổ, báo hiệu
đi gấp. Hỏa bài làm bằng gỗ sơn trắng viền đỏ, có
khắc chữ mỗ huyện hỏa bài. Phu trạm là những người
dai sức chạy bộ giỏi. Họ làm việc chạy chuyển công
văn từ Huế ra Hà Nội, đường dài 700 cây số, mà chỉ
trong 8 ngày là tới.

Cho đến thời Pháp thuộc, ở nước ta bắt đầu có tổ
chức bưu điện, bưu chính theo kiểu châu Âu. Ngày
11-4-1860, thủy quân Pháp đã mở bưu cục đầu tiên ở
Việt Nam, nhưng mới dùng trong nội bộ binh lính
viễn chinh. Hai năm sau, ngày 17-3-1862, đường dây
thép đầu tiên được khánh thành là đường dây thép Sài
Gòn - Biên Hòa. Bức điện tín đầu tiên được đánh đi
từ Biên Hòa lúc 6 giờ 53 phút, đúng 3 phút sau, ở Sài
Gòn, tướng Bonard nhận được. Sở Bưu điện Sài Gòn
khánh thành ngày 31-1-1863 nhưng chỉ để cho chính
quyền sử dụng. Đến đầu năm 1864, cùng với việc
phát hành đợt tem thư đầu tiên, dân chúng được sử
dụng bưu điện. Khi đó, người ta chưa quen dùng bưu
điện, nên cả vùng Sài Gòn chỉ có duy nhất một ông
bưu tá. Mỗi ngày ông bưu tá đi hai chuyến thư bằng
một chiếc xe kéo. Ông ngồi nghễu nghện trên xe,
dừng trước mỗi nhà có thư tín, ông dõng dạc kêu tên
gia chủ ra nhận thư tín, nghe trịnh trọng như kêu

danh các sĩ tử thi đỗ thời xưa.

Đấy là những bước đi ban đầu của bưu điện, bưu
chính nước ta.

×