Tải bản đầy đủ (.doc) (2 trang)

Thời đại Hùng Vương trong lịch sử Việt Nam.doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (85.22 KB, 2 trang )

Thời đại Hùng Vương trong lịch sử Việt Nam
(VOV) - Đặc biệt nhà sử học Ngô Sỹ Liên khi biên soạn công trình đồ sộ Đại Việt sử ký toàn thư
đã đưa thời Hùng Vương thành một phần quan trọng trong tác phẩm này.
Trước khi những bộ sách về lịch sử của dân tộc được biên soạn thì trong dân gian đã lưu truyền
những huyền thoại, những truyền thuyết về thuở khai thiên lập địa; thuở dựng nước thời Hùng
Vương. Đó là những truyền thuyết, những câu chuyện về họ Hồng Bàng và sự tích con Rồng cháu
Tiên, chuyện về bọc trăm trứng, chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh, chuyện bánh chưng, bánh dày,
chuyện trầu cau, dưa hấu… Tập hợp những truyền thuyết đó có thể được xem như một bộ sử dân
gian vừa đượm màu sắc huyền thoại, vừa chứa đựng những cốt lõi lịch sử trong ký ức hồi cố và
truyền khẩu qua nhiều thế hệ.
Dưới thời kỳ phong kiến một số nhà sử học đã đưa thời đại Hùng Vương vào các công trình sử học
và xem đó như một phần lịch sử của dân tộc, chẳng hạn như cuốn Việt Sử lược thời Trần, Dư Địa chí
ở thời Lê. Đặc biệt nhà sử học Ngô Sỹ Liên khi biên soạn công trình đồ sộ Đại Việt sử ký toàn thư đã
đưa thời Hùng Vương thành một phần quan trọng trong tác phẩm này.
Mặc dù đã có những nhận thức rất tiến bộ nhưng do các nguồn tư liệu còn hạn chế nên phần lớn các
nhà sử học dưới thời kỳ phong kiến vẫn không khỏi băn khoăn nghi ngờ về thời đại Hùng Vương.
Tình trạng đó kéo dài cho mãi đến nửa cuối thế kỷ XX khi mà việc nghiên cứu về thời đại Hùng
Vương đã trở thành một vấn đề khoa học nghiêm túc, đã được triển khai nghiên cứu theo phương
pháp liên ngành như khảo cổ học, dân tộc học, văn hóa học… và đã thu được rất nhiều kết quả. Trong
đó khảo cổ học đã đóng một vai trò quan trọng.
Vào những năm 60 của thế kỷ trước, trên vùng đồi núi trung du và đồng bằng ở Bắc bộ và Bắc Trung
bộ, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được hàng loạt di chỉ khảo cổ thuộc thời đại kim khí. Dựa trên
những kết quả khai quật và nghiên cứu tại các di chỉ này các nhà khoa học đã phân lập được các văn
hóa khảo cổ tương đương với các giai đoạn phát triển khác nhau, bao gồm văn hóa Phùng Nguyên
thuộc sơ kỳ thời đại đồ đồng, văn hóa Đồng Đậu thuộc trung kỳ thời đại đồ đồng, văn hóa Gò Mun
thuộc hậu kỳ thời đại đồ đồng và văn hóa Đông Sơn thuộc sơ kỳ thời đại đồ sắt. Những nền văn hóa
khảo cổ trên có niên đại kéo dài từ khoảng 4.000 năm đến 2.000 năm cách ngày nay và cũng được
xác định nằm trong khung phát triển của thời đại Hùng Vương.
Những thành tựu nghiên cứu về khảo cổ học đã chứng minh rằng nông nghiệp trồng lúa nước đóng
một vai trò quan trọng trong thời đại Hùng Vương. Trong các di chỉ khảo cổ thuộc các giai đoạn văn
hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu đã tìm thấy các loại bào tử phấn hoa của nhiều loại giống lúa cũng


như tìm thấy gạo cháy trong tầng văn hóa. Các loại công cụ sản xuất liên quan đến nông nghiệp trồng
lúa như cuốc, thuổng, liềm, hái chiếm một tỷ lệ lớn trong số hiện vật thu được qua các cuộc khai
quật. Đặc biệt tại di chỉ Cổ Loa (Hà Nội) đã phát hiện được rất nhiều lưỡi cày bằng đồng. Điều đó đã
chứng tỏ rằng bên cạnh việc canh tác theo hình thức “đao canh, thủy nâu” (cày bằng dao, làm nát
bằng nước), hay “hỏa canh, thủy nậu” (cày bằng lửa, làm nát bằng nước) như các nguồn thư tịch cổ
ghi chép thì nông nghiệp dùng cày bằng sức kéo gia súc đã có một vai trò to lớn thúc đẩy sản xuất
phát triển.
Do nhu cầu về sản xuất nông nghiệp mà những người Việt cổ từ các miền gò đồi ở trung du đã tràn
xuống đồng bằng đề khai phá các vùng đất màu mỡ do các con sông bồi đắp. Quá trình mở rộng đất
đai cũng gắn liền với quá trình trị thủy. Câu chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh thể hiện cốt lõi lịch sử của
quá trình này.
Một thành tựu quan trọng thứ hai trong thời đại Hùng Vương là sự ra đời và phát triển của nghề luyện
kim. Vào giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, kỹ thuật luyện đồng mới ra đời nên dấu tích đồ đồng tìm
thấy trong các di chỉ còn rất hiếm hoi, nhưng càng về sau tỷ lệ hiện vật đồng càng nhiều. Cho đến giai
đoạn văn hóa Đông Sơn, bên cạnh kỹ thuật chế tác đồ đồng thì đã có thêm kỹ thuật luyện quặng sắt
và chế tác đồ sắt. Chuyện Thánh Gióng một lần nữa lại thể hiện cốt lõi lịch sử của quá trình chuyển
biến về kinh tế, xã hội khi nghề luyện sắt ra đời. Ở đây cũng cần nhấn mạnh thêm rằng khi kỹ thuật
luyện sắt xuất hiện thì cũng là lúc kỹ thuật chế tác đồ đồng phát triển đến đỉnh cao.
Trong giai đoạn văn hóa Đông Sơn đồ đồng đã có nhiều loại hình sản phẩm phong phú từ công cụ
sản xuất đến vũ khí, nhạc cụ… Trong đó kỹ thuật đúc trống đồng đã đạt đến trình độ tinh xảo. Và
cũng vì thế mà trống đồng Đông Sơn đã trở thành biểu tượng của nền văn minh thời đại Hùng Vương
– nền văn minh đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế cộng thêm các yêu cầu về chống thiên tai và chống ngoại xâm là
tiền đề quan trọng để hình thành nhà nước mà sau này chúng ta thường được biết đến với tên gọi là
nhà nước Văn Lang, Âu Lạc. Lẽ dĩ nhiên nhà nước thời đại Hùng Vương là nhà nước còn rất sơ khai
và sự hình thành theo một quá trình phát triển từ thấp đến cao, tương đương với các giai đoạn phát
triển của các văn hóa khảo cổ Phùng Nguyên – Đồng Đậu – Gò Mun – Đông Sơn. Đứng đầu nhà
nước là các vua Hùng.
Cho đến nay tên gọi Hùng Vương về cơ bản đã được các nhà khoa học cho rằng chữ Vương có nguồn
gốc chữ Hán đã được các nhà sử học về sau sử dụng với quan niệm người đứng đầu một nước phải là

Vương hoặc Đế. Còn chữ Hùng có thể là phiên âm bằng chữ Hán một từ Việt cổ có ngữ âm, ngữ
nghĩa gần giống với các từ như kun, lang kun… là từ chỉ người tù trưởng hoặc thủ lĩnh. Danh hiệu đó
cũng cho thấy Hùng Vương vốn là thủ lĩnh của một bộ lạc mạnh nhất, đóng vai trò tập hợp các bộ lạc
khác để trở thành thủ lĩnh liên minh bộ lạc, rồi chuyển hóa thành người đứng đầu một tổ chức nhà
nước.
Thời đại Hùng Vương có một ý nghĩa quan trọng trong lịch sử. Đây là thời đại hình thành nên những
giá trị về văn hóa để rồi trở thành những hằng số trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam.
Những thành tựu nghiên cứu về thời đại Hùng Vương đã góp phần chứng minh một sự thật lịch sử
rằng mọi người dân sinh sống trên mảnh đất Việt Nam đều có chung một nguồn cội, rằng chúng ta
đều là dòng giống con Lạc cháu Hồng và dòng máu Lạc Hồng luôn chảy trong huyết quản của mỗi
người dân đất Việt. Đó là cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp gắn kết toàn dân tộc thành một
khối thống nhất, đưa đất nước vượt qua muôn vàn thử thách để phát triển ngày một mạnh giàu. Và
ngày giỗ Tổ hằng năm đã trở thành một ngày hội lớn của toàn thể già trẻ gái trai từ miền núi đến
miền xuôi, từ miền nam ra miền bắc:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mồng Mười tháng Ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”./.
Nguồn:vovnews.vn

×