Những diễn biến trong thời đại đồ đồng ở Việt
Nam (tiếp theo)
Thứ Hai, 21/02/2011, 04:17 CH | Lượt xem: 184
Hình thái kinh tế xã hội nguyên thủy ở thời Phùng
Nguyên mới bước đầu có dấu hiệu tan rã và nó tiếp
tục tan rã cùng với các bước phát triển của văn hóa
đồng thau trong các giai đoạn tiếp theo.
Những chuyển biến về kinh tế - xã hội
Sự phát minh ra kỹ thuật luyện kim đánh dấu bước
ngoặc lớn trong xã hội nguyên thủy. Tuy nhiên nói
như thế không có nghĩa là một khi con người tìm ra
đồ đồng là xã hội ngay lập tức có những biến chuyển
cơ bản. Thật ra suốt cả thời kỳ văn hóa Phùng
Nguyên, con người nguyên thủy Việt Nam mới chỉ
đủ thời gian để kịp chuẩn bị những tiền đề cho những
nhảy vọt. Hình thái kinh tế xã hội nguyên thủy ở thời
Phùng Nguyên mới bước đầu có dấu hiệu tan rã và nó
tiếp tục tan ra cùng với các bước phát triển của văn
hóa đồng thau trong các giai đoạn tiếp theo.
Văn Hoá Đồng Đậu
Văn hoá tiếp nối văn hoá Phùng Nguyên trong hệ
thống văn hoá Tiền Đông Sơn của Việt Nam. Phân
bố chủ yếu ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ, song có
phần rộng hơn văn hoá Phùng Nguyên chút ít. Ngoài
di tích Đồng Đậu, văn hoá này còn có một số di tích
tiêu biểu như Gò Diễn, Mã Lao, Nội Gan, Thành
Dền, Đồng Dền, Bãi Mèn, Đình Tràng (lớp dưới),
Tiên Hội, Đông Lâm (lớp dưới), vv. Đồ đá có rìu bôn
hình tứ giác, phổ biến loại dài mỏng. Đồ trang sức
phổ biến loại vòng lớn, mặt cắt ngang hình tam giác
và hình chữ D, được xem là loại vòng đặc trưng của
VHĐĐ, hoa tai gần tròn 4 mấu, ống chuỗi hình gối
quạ, vv.
Đồ gốm Đồng Đậu thường có thành dày được nung ở
độ nung khá cao nên gốm cứng, phần lớn có màu
xám. Hoa văn trang trí trên gốm tiêu biểu là loại chải
kiểu khuông nhạc thành các đồ án làn sóng, hình chữ
S nối đuôi nhau, hình sâu đo, hình số 8, văn thừng
bện, v v. Về loại hình chủ yếu vẫn là nồi, vò, bình,
bát, chạc gốm, dọi xe sợi, bi gốm, v v. Chân đế bình,
bát cũng như chân chạc gốm thường thấp. Đồ đồng
đã khá phát triển và có đặc trưng riêng, xuất hiện loại
rìu xoè cân lưỡi tròn, mũi lao thường, mũi lao có
ngạnh, mũi tên hình cánh én, lưỡi câu có ngạnh, dũa
4 góc nhọn cạnh thẳng hoặc lõm vào, dũa 2 góc
vuông 2 góc tròn, vv.
Bên cạnh đồ đồng còn phát hiện được khá nhiều
khuôn đúc đồng bằng đá và bằng gốm có đủ đậu rót,
đậu ngót cẩn thận, cho thấy kĩ thuật luyện đúc đồng
của cư dân Đồng Đậu đã đạt đến trình độ khá cao. Sự
phong phú đa dạng của đồ xương là một đặc trưng
nổi bật của VHĐĐ. Đồ xương ở đây gồm có các loại
mũi nhọn, mũi tên, mũi lao thường, mũi lao có
ngạnh, vòng tay và vật hình tù và, vật hình chân
ngựa, vv. Hầu hết đều được mài nhẵn bóng rất đẹp.
Đã có hàng chục niên đại 14C cho VHĐĐ, xác định
tuổi vào khoảng 3500 đến 3000 năm trước đây, thuộc
giai đoạn phát triển của thời đại đồ đồng. Người
Đồng Đậu sống bằng nghề nông trồng lúa nước là
chủ yếu, ngoài ra còn chăn nuôi gia súc, săn bắn,
đánh cá, các nghề thủ công khá phát đạt, đặc biệt là
nghề đúc đồng.
Văn Hoá Đông Sơn
Văn hoá khảo cổ học thời đại kim khí Việt Nam, gọi
theo tên di tích Đông Sơn trên bờ Sông Mã tỉnh
Thanh Hoá.
Các địa điểm VHĐS bao gồm những khu cư trú,
những khu mộ, trong đó có mộ huyệt đất, mộ vò hay
mộ có quan tài thân cây khoét rỗng (còn gọi là mộ
thuyền); phân bố rất rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ,
từ biên giới Việt - Trung đến bờ Sông Gianh.
VHĐS được đặc trưng bằng bộ đồ đồng đa dạng và
độc đáo, gồm rìu nhiều kiểu (như rìu lưỡi xéo, rìu
hình hia), giáo, dao găm (đẹp nhất là loại có cán hình
người hay động vật), các đồ đựng như thố, bình, thạp,
và các nhạc cụ như chuông, trống. Trống đồng loại
sớm (loại I Hêgơ) với hoa văn đẹp là tiêu biểu cho
VHĐS. Hợp kim chủ yếu mà cư dân Đông Sơn đã
dùng phổ biến là đồng - thiếc - chì.
Trước đây, người ta thường coi VHĐS thuộc thời đại
đồ đồng, nhưng nay, do đã tìm thấy nhiều di vật sắt
cũng như lò nấu sắt, các nhà nghiên cứu cho VHĐS
thuộc thời đại sắt sớm. Cư dân Đông Sơn là cư dân
nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa, đã chăn nuôi trâu,
bò, lợn, gà, biết nhiều nghề làm thủ công như làm
mộc sơn, làm gốm, đặc biệt là luyện kim và chế tác
kim loại phát triển. Nhiều học giả ngoài nước trước
đây cho rằng VHĐS có nguồn gốc từ Trung Quốc,
Trung Á và thậm chí từ Đông Âu hay Biển Đen.
Nhưng hiện nay, với việc phát hiện các văn hoá Tiền
Đông Sơn (Văn hoá Tiền Đông Sơn), các nhà khảo
cổ học Việt Nam đã chứng minh được nguồn gốc bản
địa của VHĐS. VHĐS tồn tại trong khoảng từ thế kỉ
7 TCN, cho đến vài thế kỉ SCN., khi Việt Nam đã ở
trong thời kì thuộc Hán. VHĐS là cơ sở cho sự ra đời
của nhà nước sơ khai ở Miền Bắc Việt Nam, mà theo
truyền thuyết là nước Văn Lang thời đại các vua
Hùng.
Bài trước: Sơ kì thời đại đồ đồng ở Việt Nam
Nguồn: lichsuvietnam.vn
thaydo.com1