Nguyễn Công Trứ - một nhà nho tài
tử bậc nhất trong lịch sử Việt Nam
trung đại
Cuộc đời thăng trầm của ông (đã từng được ông tổng kết trong Bài ca
ngất ngưởng) nói lên hình ảnh của con người xông xáo giữa cuộc đời
nhưng có những khoảnh khắc bản thân ông là sự hoà trộn của con đường
Tam giáo. Tiêu biểu nhất là trường hợp bài hát nói “Cầm đường ngày
tháng thanh nhàn”. Bài hát nói lấy tên là một câu thơ Truyện Kiều nói
cái thú an nhàn của một bậc “dân chi phụ mẫu” dùng đức trị mà khiến
cho dân được yên ổn còn mình thì vui vẻ với “Sớm khuya tiếng hạc
tiếng đàn tiêu dao”. Đó là mẫu hình ông quan lí tưởng của Nho giáo,
nhưng trong bài hát nói này lại nhắc đến:
Thoắt sinh ra thời đà khóc choé
Trần có vui sao chẳng cười khì
Hai dòng thơ mang đậm dấu ấn bi quan của triết lí Phật giáo. Phật giáo
coi “khổ” là khái niệm xuất phát để xây dựng lý thuyết của mình. Toàn
bộ giáo lí đạo Phật là nhằm chỉ ra các nỗi khổ của con người, nguyên
nhân và cách giải thoát. Nguyễn Công Trứ thấy con người khổ từ khi lọt
lòng và tiếng khóc của đứa trẻ là minh chứng cho điều đó. Nguyễn Gia
Thiều cũng có một ý thơ tương tự:
Thảo nào khi mới chôn rau
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra.
(Cung oán ngâm)
Tuy nhiên cảm quan Phật giáo chỉ dừng ở đó. Hai câu thơ tiếp theo trong
bài hát nói này:
Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc?
Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn?
thì lại là những tôn chỉ rõ ràng của tư tưởng Lão Trang khuyên con
người “tri túc”, “tri chỉ” vui với cảnh “cái thân ngoại vật là tiên trong
đời”. Ảnh hưởng tổng hợp mang tính bác tạp của các học thuyết trong
bài hát nói này đã được Uy Viễn tướng công vận dụng nhuần nhuyễn
như chính lới ăn tiếng nói hàng ngày – một đặc trưng đễ nhận của thơ
ông.
Trong mối quan hệ của trí thức nho sĩ phương Đông với Tam giáo, có
những ràng buộc và biểu hiện mang tính cốt lõi nhưng cũng có những
quy định khá lỏng lẻo và không phải là bất biến. Trước kia Hàn Dũ, Tô
Đông Pha đã từng công kích Phật giáo rất mạnh nhưng khi về già lại kết
bạn với nhà sư và lui tới các chốn chùa chiền. Hai bài phú “Tiền Xích
Bích” và “Hậu Bích Xích” của Tô Đông Pha lại có sự phóng dật của một
ẩn sỹ mang cốt cách Lão Trang. Con người và tác phẩm của Nguyễn
Công Trứ trong quan hệ với các học thuyết kia cũng vậy. Nguyễn Công
Trứ có nhắc đến triết lí Phật giáo, có lúc buông xuôi:
Thôi cũng muốn Nam mô di đà phật
(Nhàn nhàn với quý nhân)
nhưng những triết lý hay ý nghĩ đó chỉ là thoáng qua. Trong hành trang
của Nguyễn Công Trứ, ông chẳng đã từng cà khịa với nhà chùa bằng câu
đối (không quân thần phụ tử đếch ra người; trai chay nào đó vại cà sư)
và bằng hành động (lên chùa dắt theo “yến yến hường hường”) đó sao?
Và đối với một người hay đùa cợt (đã từng coi Chữ kiến tính cũng là
suất tính…) như ông thì “Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng”. Có
những lúc chất Lão Trang lại bùng lên trong ông như một phần không
thể thiếu của con người suốt một đời xuôi ngược. Đúng như có người đã
nói: Phải qua bao thăng trầm như ông mới có thể nói về thế thái nhân
tình, phải vất vả và luôn luôn hành động như ông mới có thể nhắc đến
chữ “nhàn” một cách thoải mái và xứng đáng như thế. Con người ẩn dật
giữa thiên nhiên:
+ Sườn non bầu rượu túi thơ
Thảnh thơi ngồi ngẫm cuộc cờ Tràng An
(Vịnh Trương Lưu Hầu)
+ Cúc tùng phong nguyệt mới vui sao
Thú yên hà trời đất để riêng ta.
(Thoát vòng danh lợi)
+ Toà đá Khương công đôi khóm trúc
Áo xuân Nghiêm tử một vai cày.
(Thú điền viên)
+ Của trời trăng gió kho vô tận
Cầm hạc tiêu dao đất nước này
(Thú điền viên)
với suy nghĩ:
Người ta ở trong trời đất
Chữ vô cầu là chữ thiên nhiên
(Vô cầu)
xuất hiện rất nhiều trong thơ ông và có một sức hấp dẫn riêng bởi có lúc
đã đạt tới cảnh giới “Được mất dương dương người Thái thượng - Khen
chê phơi phới ngọn đông phong” của một người “không Phật, không
tiên, không vướng tục”. Đây cũng là chu trình phát triển của một mô
hình nhân cách mà ông tổng kết trong “Luận kẻ sĩ”, một mô hình phát
triển chọn vẹn mà những kẻ sĩ đúng nghĩa phải trải qua và mơ ước được
trải qua, những kẻ “vi chi tiên” trong hàng “dân hữu tứ”.
Nguyễn Công Trứ là một người thành thật với đời và thành thật với
chính mình. Gần như những việc ông hứa với mình từ thời “hàn nho”,
“đi thi tự vịnh” ông đều làm được và làm một cách vẻ vang. Ông khác
hẳn với những nhà nho thông thường ở chỗ đó. Nhà nho thường phân
thân (con người trong đời sống không trùng khít với con người khi sáng
tác) nhưng ở Nguyễn Công Trứ hai con người đó là một. Ở ông có chất
bác tạp không chỉ vì có Phật, có Đạo mà còn vì ông chịu ảnh hưởng rất
nhiều lời ăn tiếng nói dân gian và “những dấu hiệu vượt thoát” ra khỏi
mô hình nhà nho truyền thống mà một số công trình, chuyên luận đã gọi
đó là “nhà nho tài tử”. Có thể nói Nguyễn Công Trứ đã thể nghiệm và
trải qua cả mẫu hình người anh hùng thời loạn (dù chỉ là “hồi quang” –
chữ dùng của PGS.TS Trần Ngọc Vương) và người tài tử phong lưu.
Con người tài tử trong ông khoe tài:
Thiên phú ngô địa tái ngô
Thiên địa sinh ngô nguyên hữu ý
Dã thị giang sơn chung tú khí
và kiêu ngạo với cái “dở’ đa tình, một lối kiêu ngạo rất khác lạ với cái
kiêu ngạo về sự “vụng về” (chuyết) của các nhà thơ thời trước:
Đa tình là dở
Đã mắc vào đố gỡ cho ra
(Vịnh chữ tình)
Thế nhân mạc oán tài tình luỵ
Không tài tình quang cảnh có ra chi
(…) Gẫm tài tình rằng luỵ ai nào
Ai rằng luỵ đây xin chịu cả.
(Tài tình)
Thậm chí con người tài tử còn đem so sánh:
Minh quân lương tướng tao phùng dị
Tài tử giai nhân tế ngộ nan
và ngang nhiên ca ngợi cái thú:
Thơ một túi gieo vần Đỗ Lí
Rượu lưng bầu rót chén Lưu Linh.
Đàn Bá Nha gảy khúc tính tang tình
Cờ Đế Thích đi về xe pháo mã
(Cầm kì thi tửu)
như người cung nữ trong Cung oán ngâm từng khoe:
Câu cẩm tú đàn anh họ Lí
Nét đan thanh bậc chị chàng Vương
Cờ tiên rượu thánh ai đang
Lưu Linh, Đế Thích là làng tri âm
Nhà nho tài tử thị tài và đa tình. Họ thị tài với những môn nghệ thuật
cầm kì thi hoạ và đa tình với khách hồng nhan. Đó là cái sở đắc của
những kẻ tự coi mình là “Ngã bối tài tình chính sở chung” (Hồ Xuân
Hương). Nguyễn Công Trứ sống trong lòng thời đại và góp phần làm
nên bản sắc của thời đại đó.
Khi tổng kết về phong trào Thơ mới, tác giả Thi nhân Việt Nam đã nói
về việc: Nếu nhìn qua chúng ta sẽ thấy mỗi nhà thơ Việt Nam phải đội
trên đầu dăm ba nhà thơ Pháp nhưng xét kĩ thì mọi sự mô phỏng ngu
muội đều sớm bị loai bỏ. Trong mối quan hệ giữa văn chương và tư
tưởng, các tác giả không phải là cái loa phát ngôn cho các lý thuyết mà
mình là môn đồ một cách khô khan, máy móc. Họ biết cách chuyển hoá
các tư tưởng thành hình tượng nghệ thuật để tạo ra văn chương thực sự.
Nguyễn Công Trứ cũng vậy. Dù có lúc ông nghênh ngang “ngoài vòng
cương toả chân cao thấp – trong thú yên hà mặt tỉnh say” nhưng quĩ đạo
của Tam giáo vẫn bao lấy ông như một định mệnh. Nguyễn Công Trứ về
cơ bản là một nhà nho đã bứt mình lên thành nhà nho tài tử, bác tạp và
không thuần thành có những nét ẩn hiện của văn hoá dân gian. Cái chết
của ông, một cách ngẫu nhiên, trùng khớp với mốc thời điểm tạm dừng
“tung hoành” của con người tài tử khi giặc Pháp xâm lược nước ta, văn
học đi theo một hướng mới: yêu nước, cần vương. Đó là cái ngẫu nhiên
đầy ý nghĩa của lịch sử.