Chữa lỗi sai trong giờ học tiếng Anh
Việc chữa lỗi (correction) cho học sinh là một trong
những nhiệm vụ của người giảng dạy ngoại ngữ.
Chính vì thế, vấn đề đặt ra không dừng lại ở câu trả
lời có nên hay không, mà phải làm thế nào để việc
chữa lỗi trở nên hiệu quả, khuyến khích người học
hăng hái hơn trong giờ học ngoại ngữ.
Tại sao chữa lỗi là cần thiết?
Việc chỉ ra lỗi sai là vô cùng cần thiết trong các môn
học khác nói chung và tiếng Anh nói riêng. Nếu giáo
viên cứ để mặc học sinh phạm lỗi, tức là họ đã vô
tình ủng hộ các lỗi sai mà các em phạm phải. Rất
nhiều giáo viên e ngại rằng nếu họ không sửa lỗi, họ
sẽ càng làm tăng việc “sản sinh” ra lỗi, tạo thành một
lối mòn trong cách sử dụng ngôn ngữ, rất khó sửa sau
này. Quan điểm nên chữa lỗi cũng được nhiều học
sinh ủng hộ, bởi các em luôn mong muốn giáo viên
chữa lỗi để tránh phạm phải cho các lần học sau.
Tuy nhiên, rất nhiều giáo viên cũng lo lắng rằng chữa
lỗi sẽ khiến các em trở nên rụt rè, làm mất đi sự tự
nhiên, trôi chảy, trái với những gì họ đang cố gắng
khuyến khích học sinh. Vậy giáo viên phải làm thế
nào để cho việc sửa lỗi sai một mặt giúp các em sửa
lỗi, một mặt động viên các em tiếp tục mạnh dạn sử
dụng ngôn ngữ. Làm thế nào để các em không có
quan niệm: việc duy nhất của cô giáo là “soi” ra lỗi.
Lỗi cần sửa?
Có rất nhiều kiểu lỗi sai mà các em thường gặp. Và
sau đây là một số lỗi mà giáo viên cần sửa cho giờ
học tiếng Anh:
• Lỗi ngữ pháp (grammatical mistakes): lỗi chia thì
động từ, lỗi giới từ, đại từ
• Lỗi từ vựng (vocabulary mistakes): việc kết hợp từ
(collocations), cách sử dụng ngữ cố định (idiomatic
phrases)
• Lỗi phát âm (pronunciation mistakes): lỗi phát âm
cơ bản (pronunciation), trọng âm (stress), ngữ điệu
(intonation)…
• Lỗi văn viết (written mistakes): ngữ pháp, chính tả,
lựa chọn từ vựng…
I. Chữa lỗi trong kĩ năng nói
Giờ học nói thường xuyên diễn ra các cuộc thảo luận
nhóm, học sinh trình bày ý kiến của mình. Vậy giáo
viên có nên chỉ ra lỗi sai ngay trong lúc các em diễn
đạt? Về cơ bản, có hai quan điểm (two schools of
thought): 1. Chữa lỗi thường xuyên và kĩ lưỡng
(Correct often and thoroughly), 2. Cứ để học sinh
mắc lỗi. (Let students make mistakes). Đôi lúc giáo
viên kết hợp 2 sự lựa chọn trên bằng cách để cho
những người mới học (beginners) mắc lỗi và chữa lỗi
đối với những học sinh ở trình độ cao hơn (advanced
learners).
Bên cạnh đó, có rất nhiều giáo viên chọn phương án
thứ 3 “selective correction” (sửa lỗi có chọn lọc). Tức
là bạn chỉ chữa những lỗi nhất định, tùy theo mục
đích của bài học hoặc là bài tập cụ thể thực hành của
buổi hôm đó.
Ví dụ như, nếu bài học trọng tâm vào các dạng bất
quy tắc của thì quá khứ đơn (simple past irregular
forms) thì chỉ chú ý vào những lỗi như goed, thinked,
để nhắc học viên sửa thành went, thought. Những
lỗi khác như khả năng kết hợp từ (collocations), ví dụ
như: I made my homework, đúng ra là “I did my
homework” thì không cần phải chữa trong buổi học
đó.
Sau đây là ví dụ về một trong những cách mà
giáo viên áp dụng để chữa lỗi trong môn nói:
Student 1: Do you go to the cinema yesterday?
Teacher: Mm…try again? (cảnh báo để học sinh tự
chữa lỗi)
Teacher: Yesterday? (gợi ý để học sinh tự chữa lỗi)
Student 1: Ah! Did you go to the cinema yesterday?
Teacher: Good! (khen ngợi)
II. Chữa lỗi trong kĩ năng viết
Thông thường, có 3 phương pháp sửa lỗi trong kĩ
năng viết: 1) Sửa từng lỗi sai (single mistakes), 2)
Chữa những lỗi chính (major mistakes), 3) Gạch chân
lỗi sai và đưa ra loại lỗi sai và để học sinh tự sửa.
Ví dụ:
• I go to the cinema yesterday? (gợi ý để học sinh tự
chữa lỗi)
Hiệu quả của công việc “chữa lỗi” cho hai hoạt động
ngôn ngữ trên sẽ cao hơn rất nhiều nếu người dạy
biến việc chữa lỗi trở thành một hoạt động cuối mỗi
buổi học (follow – up activity), trở thành cơ hội để
học sinh có thể giao tiếp, trao đổi, cùng rút kinh
nghiệm. Hãy đưa ra những nhận xét tích cực khi học
viên đã nỗ lực hết sức để truyền đạt một điều gì đó
mà không hề dễ dàng đối với trình độ hiện tại của các
em, mặt khác phân loại lỗi sai học viên mắc phải và
gợi ý cách sửa dựa trên những gì họ đã học. Hãy vận
dụng những bí quyết sau để việc chữa lỗi không
những trở thành một phần của bài học mà còn là một
công cụ học tập hữu hiệu cho học viên:
• Hãy để việc chữa lỗi vào cuối buổi học;
• Ghi lại lỗi mà nhiều học sinh cùng mắc phải;
• Phân loại lỗi sai;
• Gợi ý lỗi sai và để các em tự sửa;
• Hỏi học sinh nhận xét về lỗi mắc phải mà tự giải
thích tại sao lại mắc lỗi.
Hầu hết người học đều mong muốn được giáo viên
của mình chỉ ra lỗi sai. Tuy nhiên, cách mà giáo viên
chỉ ra lỗi đóng vai trò quan trọng, bởi sau khi chữa
lỗi, liệu các em có tiếp tục tự tin vào cách dùng ngôn
ngữ của mình hay chính việc đó lại khiến các em có
cảm giác bị hăm dọa. Việc chữa lỗi nếu được tiến
hành như một hoạt động cuối buổi học và để tự người
học chữa lỗi cho nhau đều có tác dụng khích lệ học
viên sử dụng tiếng Anh hơn là lo lắng vì đã phạm lỗi
quá nhiều. Chúc các bạn thành công trong việc chữa
lỗi đối với học sinh của mình.
Source: Cẩm Nhung