Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

PHONG TRÀO ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC VỚI BƯỚC CHUYỂN BIẾN TƯ TƯỞNG VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỈ XX phần 2 pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (166.6 KB, 9 trang )



PHONG TRÀO ĐÔNG KINH
NGHĨA THỤC VỚI BƯỚC
CHUYỂN BIẾN TƯ TƯỞNG VIỆT
NAM ĐẦU THẾ KỶ XX
Phần 2



Từ việc tìm hiểu quá trình chuyển tiếp tư tưởng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ
XX thông qua phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, với những giá trị tư tưởng
trong kho tàng lịch sử Việt Nam từ đó tạo nên niềm tin vững chắc tiến bước trong
quá trình thực hiện công cuộc đổi mới đưa đất nước đi lên con đường xã hội chủ
nghĩa mà Hồ Chí Minh và cả dân tộc đã lựa chọn.



Đông Kinh nghĩa thục xuất hiện ở Hà Nội từ tháng 3 – 1907 đến tháng 12 – 1907
dưới hình thức là một trường học hợp pháp (sau đó mở rộng ra các tỉnh) trên các lĩnh
vực văn hoá, giáo dục, xã hội, kinh tế được xem như là phong trào cải cách tư tưởng –
văn hoá. Là một trường học nhằm “hoá quốc cường dân” bằng con đường mở mang dân
trí và chấn hưng kinh tế. Tên trường Đông Kinh nghĩa thục tức Đông Kinh là tên thành
Thăng Long đời nhà Hồ còn nghĩa thục là trường dạy vì nghĩa. Đông Kinh nghĩa thục
cũng là một sự mô phỏng theo mô hình Nhật Bản của “Phúc Trạch Dạ Cát” với Khánh
Ứng Nghĩa Thục năm 1858, là cơ sở giáo dục vững chắc độc đáo mà các sĩ phu yêu
nước của ta tiếp thu từ Nhật Bản. Trường được mở và chiêu sinh tháng 3 năm 1907 mặc
dù đến tháng 5 năm 1907 thì Pháp mới cấp giấy phép hoạt động. Tổ chức và lãnh đạo
Đông Kinh nghĩa thục do các sĩ phu yêu nước tiến bộ mà Thục trưởng là cụ Lương Văn
Can, ngoài ra còn có Nguyễn Quyền, Đỗ Chiến Thiết … Nhà trường tổ chức thành bốn
ban công tác, ban giáo dục, ban tài chính, ban cổ động và ban tu thư, các ban này có


quan hệ mật thiết với nhau. Với hình thức tổ chức một cách hợp pháp đã đẩy mạnh hoạt
động trên khắp các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, tư tưởng, kinh tế vì thế không chỉ bó hẹp
là một trường học dạy văn hoá mà trở thành phong trào góp phần quan trọng thúc đẩy
cách mạng giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX.
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX trong khi trên thế giới đã phát triển nền văn minh
vượt bật thì xã hội Việt Nam vẫn duy trì hệ tư tưởng phong kiến, những hủ tục lạc hậu…
đã làm cản trở sự phát triển đất nước. Các sĩ phu của phong trào Đông Kinh nghĩa thục
luôn trăn trở, tìm kiếm và họ đã thực hiện cuợc cải cách tư tưởng – văn hoá xã hội.
Trong số tài liệu giảng dạy của trường Nghĩa thục tuy chưa thành hệ thống chặt chẽ
nhưng đã toát lên tư tưởng canh tân, nổi bật là hai tác phẩm tiêu biểu “Văn minh tân học
sách”, “Quốc dân độc bản”, dưới nhiều bài viết của các lãnh đạo và chí sĩ yêu nước
Đông Kinh nghĩa thục. Thông qua các tài liệu giảng dạy để đưa ra những vấn đề chống
và xây nhằm khai hoá dân trí, sự mở mang học tập để tiếp thu tiến bộ và sửa đổi cái cũ
nhưng phải dựa trên nền tảng vững chắc là lòng yêu nước, ý thức độc lập, tự cường.
Cũng từ chính lòng yêu nước nhiệt thành, ý thức trách nhiệm đối với đất nước để “ngẩng
đầu lên, cúi xuống, nhìn, suy nghĩ” đi tìm nguyên nhân và đưa ra các biện pháp nhằm
khôi phục đất nước. Các sĩ phu Đông Kinh nghĩa thục nhận định rằng, chính văn minh
sẽ tạo nên sự phát triển xã hội. Vì thế, mở đầu tác phẩm “Văn minh tân học sách” có
viết: “Thiết nghĩ, văn minh là một danh từ đẹp đẽ, không phải do sự hào nhoáng màu mở
mà làm nên; các môn học văn minh là những phúc tốt lành, không phải chuyện một sớm,
một chiều có thể lấy được”3. Vậy xã hội Việt Nam đương thời có phát triển không, có
văn minh không? Chế độ phong kiến Việt Nam với sự ảnh hưởng của hệ tư tưởng Nho
giáo Trung Quốc quá nặng nề và kéo dài hàng ngàn năm ăn sâu vào tâm thức của dân
tộc. Vì thế, đầu thế kỷ XX, hệ tư tưởng ấy trở nên không còn phủ hợp khi bên ngoài chủ
nghĩa tư bản đã bước sang giai đoạn phát triển chủ nghĩa đế quốc. Trước hết, để làm cho
xã hội Việt Nam phát triển phải phá vỡ hệ tư tưởng “tam cương ngũ thường” lỗi thời
thông qua phá vỡ nền giáo dục tàn dư Hán nho, Tống nho được sự bảo hộ của thực dân
Pháp. Từ đó, xây dựng nền giáo dục mới về hình thức và nội dung phù hợp thời đại để
mở mang dân trí, tạo cơ sở, yêu cầu cho giải phóng dân tộc, đất nước tiến lên trình độ
văn minh. Đông Kinh nghĩa thục đã vạch rõ: “Nước Nam ta bây giờ dốt tệ lắm, mà cũng

vì cái dốt nên phải làm như trâu, bò được đồng nào đem sắm đồ Tàu hết. Cũng vì dốt
nên nghề hay không làm, ai cũng muốn làm cái nghề ăn không… bao nhiêu cái khổ sở,
nhục nhằn ở nước Nam ta cũng vì cái dốt mà ra cả"4. Vì dốt, nên Đông Kinh nghĩa thục
chủ trương chống bạn hũ nho, tức chống tư tưởng phong kiến, gia trưởng không mở
mang tri thức, không phát huy vai trò sáng tạo của cá nhân là nguyên nhân làm nước
yếu, dân hèn. Cải cách văn hoá, xã hội trước là phải phá bỏ các chướng ngại vật làm cản
trở bấy lâu nay. Bài “Điếu hủ nho” đã nói rõ: “Tầm mắt không trong khỏi làng, đã chê
cười Khang, Lương. Bước chân không ra khỏi ngõ, đã coi hẹp vũ trụ”5. Để khai thông
việc tiếp thu văn minh bên ngoài, các lãnh đạo Đông Kinh nghĩa thục đã lên án chữ Hán
“không bỏ chữ Hán, không cứu được nước Nam”, đó là phương tiện của nền cựu học,
cản trở việc phát triển giáo dục. Đi tìm phương tiện mới với sự ủng hộ của chữ Quốc
ngữ. Một nền giáo dục mới với sự tuyên truyền sử dụng chữ Quốc ngữ là loại chữ đơn
giản, dễ phổ cập, được ra đời trong quá trình xâm lược của thực dân Pháp. “Phàm người
trong nước đi học nên lấy chữ Quốc ngữ làm phương tiện đầu tiên, để cho trong thời
gian vài tháng, đàn bà trẻ con đều biết chữ, cho người ta có thể dùng quốc ngữ để ghi
việc đời xưa, chép việc đời nay và thư từ thì có thể chuốt lời đạt ý”6. Tức dùng chữ
Quốc ngữ để khai hoá quốc dân, dịch sách để mở mang dân trí. Tiếp theo là hàng loạt
tập tục cũ kỹ, thói quen lạc hậu của xã hội Việt Nam được thay đổi, canh tân. Đông
Kinh nghĩa thục đã mở ra cuộc cách mạng “trên chính bản thân họ”, tự mình biến đổi
tình hình, phong tục để tạo cơ sở cho sự biến đổi chính trị mà muốn làm được như thế
phải thông qua giáo dục và tự giáo dục. Như từ bỏ mái tóc bới của nam giới, mặt gọn
gàng, nam nữ bình luận với nhau một cách bình đẳng và nhất là nữ giới được đi học,
được ngồi cùng nam giới nghe diễn thuyết, trao đổi tri thức và tất nhiên gắn với khuôn
phép kỷ cương, nghiêm trang của trường học. Đông Kinh nghĩa thục là trường học có nữ
giới tham gia, điều đó khẳng định quyền bình đẳng và vai trò của phụ nữ trong xã hội.
Trong trường, nội dung đào tạo gồm giáo dục sơ đẳng và chuyên môn là trang bị kiến
thức cơ sở và kiến thức chuyên ngành, các học sinh được học rất nhiều môn mới như:
toán học, địa lý, quang học, điện học, thuỷ học… và được tiếp cận với những phương
pháp học mới. Luôn chú trọng việc phát huy óc sáng tạo của học trò, tự do bàn bạc thảo
luận chứ không áp đặt như nền giáo dục cũ. Một tư tưởng hết sức mới mẻ trong giáo dục

là coi giáo dục đóng vai trò động cơ thúc đẩy, người thầy không thể là vị thẩm phán hay
quan toà… mà chỉ là cố vấn đúng đắn và nhiệt thành với người học. Mỗi học sinh đều
được bình đẳng trên khoa học, biết tự suy nghĩ hiện thực và với phương pháp dạy học
như thế, các nhà lãnh đạo Đông Kinh nghĩa thục tin rằng thanh niên sẽ có chính kiến và
ý thức được phải làm gì trước nhiệm vụ lịch sử đặt ra. Nền giáo dục của trường Nghĩa
thục, tất nhiên không nằm ngoài mục đích đó, sẽ tạo nên một nhân cách sống, lối sống
phù hợp thực tiễn. Các sĩ phu yêu nước của Đông Kinh nghĩa thục luôn nắm vững
nguyên tắc là tiếp thu cái mới nhưng trên nền tảng của giá trị truyền thống, tức là tiếp
thu nền văn minh phương Tây để canh tân đất nước nhưng không xa rời bản sắc dân tộc
Việt Nam, từ “cái sở trường của kẻ khác có thể dùng để cải biến cái sở đoản của mình”7.
Rất nhiều tài liệu giảng dạy với nội dung đề cao truyền thống lịch sử vẻ vang của dân
tộc, phát huy lòng yêu nước của dân tộc thông qua các bài “Hãy nhìn xem tình trạng đau
đớn của người Cao Ly mất nước” hay “Hải ngoại huyết thư” của Phan Bội Châu… để
vạch trần tội ác của thực dân Pháp. Khẳng định rằng, nước ta hơn bốn ngàn năm nay, có
đời hưng đời phế nhưng vẫn là người nước ta làm chủ. Cho nên trước tình cảnh hiện
nay, phải “vì tổ quốc mà quyết mù vén mây, khai thác hẳn cho nước nhà một bầu trời
quang đẵng lẫy lừng”. Từ chân lý “lòng yêu nước của dân mà sâu thì nước sẽ mạnh” hun
đúc nên ý chí cách mạng để từ đó đi đến hành động cách mạng. Chính là việc giáo dục ý
thức công dân trong nhân dân ta, mỗi công dân quan tâm đến chính sự, coi việc nước
như việc nhà trên tinh thần làm chủ đất nước. Dân trí mở mang, mỗi công dân sẽ tự ý
thức về quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với tổ quốc. Vậy trách nhiệm của mỗi
công dân trước tình cảnh nước mất nhà tan là gi? Trách nhiệm cao nhất của mỗi công
dân Việt Nam là bằng mọi cách đem lại nền hoà bình và độc lập cho dân tộc từ tay kẻ
thù cướp nước. Các nhà lãnh đạo của Đông Kinh nghĩa thục đã trang bị cho người học ý
thức về mối quan hệ giữa nước và dân “hợp cây lại thành rừng, không có cây thì không
có rừng… nước với dân như rừng với cây” cho nên “nước mất mà dân còn thì không
được”8. Vì thế, mục đích cao nhất của trường Nghĩa Thục chính là mỗi người dân phải
trang bị cho mình đầy đủ những tri thức, giá trị mới để “cứu lấy mình” tức là cứu lấy tổ
quốc.
Chính sự mở mang dân trí đã tác động tích cực đến đời sống xã hội và từng người

dân. Với hoạt động của trường Nghĩa Thục đã diễn ra một cuộc cách mạng trong đời
sống người dân. Tư tưởng “thiên mệnh” và “tôn quân” để lý giải tình cảnh mất tự do, bị
nô lệ, theo các sĩ phu chính điều đó đã làm cho con người luôn thụ động và chấp nhận số
phận làm tay sai, nô lệ cho bạn ngoại bang. Đông Kinh nghĩa thục đã vạch trần tính chất
sai lầm phản động của thuyết “tin vào số trời”, “nước yếu không nên quy vào số mệnh,
do dân bất tài mà phải thực hiện quyền lợi nhiệm vụ để cứu nước, cứu dân”9 và phải coi
việc nước như việc nhà, với tinh thần làm chủ. Với sự phê phán những ảnh hưởng tiêu
cực của các phong tục tập quán lỗi thời làm cho xã hội không phát triển, các sĩ phu đã
đưa ra tư tưởng của thời đại mới đó là: “Xưa nay ở trong, ngoài không nơi nào vài mươi
năm, vài trăm năm lại không có cuộc biến đổi về những tập tục cũ. Ngày nay vạn quốc
giao thông với nhau, học thức cũng trao đổi với nhau. Cái sở trường của kẻ khác dùng
để cải biến cái sở đoàn của mình”10. Vì thế, muốn hội nhập cùng với nền văn minh thế
giới thì công việc trước tiên làm là phải xoá bỏ những tư duy bảo thủ của Nho gia, lên án
mạnh mẽ thói hư, tật xấu tồn tại trong nhân dân. Đó chính là những trở ngại lớn cho sự
nghiệp cứu nước. Từ nếp suy nghĩ, việc làm đến cả lối ăn mặc… phải hợp với khoa học,
hợp với văn minh tiến bộ. Các nhà sáng lập và lãnh đạo Đông Kinh nghĩa thục đã tạo
nên phong trào cải cách đời sống văn hoá xã hội trong nhân dân, chỉ trích và kêu gọi bài
trừ thói hư như cờ bạc, rượu ché, thuốc phiện… Những thứ đó làm cho con người bị sa
ngã, đánh mất mình và cũng có nghĩa là đánh mất nước. Để một nhà nước tồn tại vững
chắc và xã hội luôn trong sự trật tự, quy củ thì phải gắn với việc hình thành hệ thống
pháp luật. Xã hội phải có pháp luật phù hợp tình hình, phong tục trình độ nước đó và tất
nhiên phải trang bị cho công dân quyền lợi, ý thức trách nhiệm trước pháp luật.
Hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục không chỉ chú ý trên lĩnh vực văn hoá – tư
tưởng nhằm “hoá dân”, nâng cao dân trí, ý thức của người dân Việt Nam, mà vân đề
cũng không kém phần quan trọng, được các nhà lãnh đạo quan tâm và trực tiếp thực hiện
đó là “chấn hưng kinh tế” làm cho nước mạnh. Muốn nước mạnh thì “dân phải mạnh”,
phải giàu, mà muốn vậy thì dân phải biết sản xuất, kinh doanh trao đổi… để cho có
nhiều hàng hoá đáp ứng nhu cầu người dân, nâng cao đời sống kinh tế. Đối với nông
nghiệp, việc đưa khoa học vào trong sản xuất được xem là cấp thiết, các sĩ phu yêu nước
đưa nông học vào trường học, trang bị kiến thức cho mọi người để đáp ứng quá trình sản

xuất. Các lãnh đạo Đông Kinh nghĩa thục đề nghị và bắt tay vào mở các đồn điền khai
hoang, gieo trông cây lương thực như ở Yên Lập, Mỹ Đức… Đi đôi với việc phát triển
nông nghiệp, là việc hình thành các ngành công thương nghiệp mới, vận dụng trí não để
chế tạo máy “chấn hưng công nghệ” thúc đẩy công nghệ phát triển. Các sĩ phu của Đông
Kinh nghĩa thục trực tiếp tham gia phát triển kinh tế với việc mở các cửa hiệu buôn như
Đỗ Chân Thiết, Nguyễn Quyền… mở các công ty kinh doanh, thành lập hội góp vốn vào
kinh doanh… Các tài liệu phục vụ cho việc phát triển kinh tế cũng được đưa vào trường
học như “Hợp quần doanh sinh thuyết” của Nguyễn Thượng Hiền, “Học công nghệ, học
buôn bán” của Phan Chu trinh… khẳng định việc muốn có một nền kinh tế phát triển, thì
việc đầu tiên là phải biết tiếp thu tư duy kinh tế của châu Aâu đương thời. Phải biết xây
dựng nền kinh tế hàng hoá phát triển tạo nên sức cạnh tranh, các nhà lãnh đạo Đông
Kinh nghĩa thục cũng xem cạnh tranh là động lực để phát triển. “Cuộc đời ngày nay cái
gì cũng cạnh tranh, cạnh tranh học thuật, cạnh tranh công nghệ… Kẻ mạnh sẽ thắng, kẻ
yếu sẽ thua”11, đó chính là sự phát triển của tư duy, của nhận thức mới.
Chỉ tồn tại trong vòng chín tháng, Đông Kinh Nghĩa Thục đã đi vào lịch sử tư
tưởng dân tộc là một cuộc cải cách chính trị, chuẩn bị về mặt tinh thần tư tưởng cho
cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Đã góp phần không nhỏ thức tỉnh lòng
yêu nước của nhân dân, tấn công vào hệ tư tưởng phong kiến đã lỗi thời mở đường cho
việc tiếp thu tư tưởng mới cho việc giải phóng dân tộc. Phong trào Đông Kinh nghĩa
thục đã là nổi ám ảnh cho thực dân Pháp trước “một cái lò phiến loạn ở Bắc kỳ”12, thực
dân Pháp buộc đóng cửa trường và đàn áp. Tháng 11 năm 1907 trường bị đóng cửa, hầu
hết các giáo viên bị bắt, tài liệu giảng dạy bị tịch thu. Nhận thấy rằng, khi phong trào lúc
đầu hoà bình đến đâu nhưng nó không phải “khai phá giúp Pháp” mà nó trở thành một
phong trào quần chúng, tạo thành một sức mạnh vật chất vô biên, một thứ cách mạng
bạo lực để giải phóng dân tộc. Đông Kinh nghĩa thục không hạn chế trong khuôn khổ cải
cách hợp pháp mà các sĩ phu đã hoạt động tích cực trong phong trào Đông Du, tham gia
tổ chức đầu độc binh lính Pháp 1908… kêu gọi mọi người phát huy lòng yêu nước cứu
lấy nước nhà “Cờ độc lập xa trông phất phới. Kéo nhau ra đòi lại nước nhà” 13.
Mặc dù, khó tránh khỏi những hạn chế của điều kiện lịch sử đương thời, nhưng
Đông Kinh Nghĩa Thục là đại biểu cho ý chí tiến bộ nhất đương thời, có ý nghĩa sâu sắc

trong quá trình đổi mới đất nước ta ở giai đoạn hiện nay. Trong bối cảnh đất nước đang
đổi mới “đổi mới nhằm kế thừa và phát huy những thành quả, giá trị mà chủ nghĩa xã
hội đã đạt được, thay đổi, uốn nắn những quan điểm, nhận thức về chủ nghĩa xã hội chưa
được xác định đúng hoặc hiện nay không phù hợp với tình hình mới, sửa chữa những sai
lầm khuyết điểm, đồng thời xây dựng những chính sách đổi mới, những giải pháp đúng,
phù hợp với cuộc sống để đưa chủ nghĩa xã hội phát triển lên một giai đoạn mới”14, đó
chính là sự nghiệp đổi mới từ 1986 đến nay trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, tư tưởng,
văn hoá, giáo dục… Trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay, dường như vẫn thấy
được bóng dáng của những điều mà phong trào Đông Kinh nghĩa thục đã ấp ủ. Trước
tình hình khủng hoảng đất nước, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng ta đã
quyết định đổi mới và việc đầu tiên phải đổi mới tư duy kinh tế, mở cửa để phát triển
kinh tế. Đảng ta đã nhấn mạnh: “Con đường đi lên của nước ta là sự phát triển quá độ
lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tức là bỏ qua việc xác lập vai trò
thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng tiếp thu,
kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc
biệt về khoa học và công nghệ, để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền
kinh tế hiện đại”15. Như Đông Kinh nghĩa thục đã nói: “Ngày nay các nước giao thông
với nhau, học thức trao đổi với nhau một cách dễ dàng” phải biết áp dụng khoa học kỹ
thuật các nước tiên tiến vào phát triển kinh tế, giá trị đó càng gần với phương châm mà
Đảng đã xác định “rút ngắn, nhảy vọt” và “đi tắt, đón đầu”. Xây dựng nền kinh tế hàng
hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường với nhiều hình thức sở hữu để
phát triển được mọi nguồn lực kinh tế.
Về mặt tư tưởng, giá trị của phong trào Đông Kinh nghĩa thục đó là tinh thần tiếp
thu cái mới tiến bộ có chọn lọc trên giá trị truyền thống của dân tộc. Xây dựng lý luận
phát triển “Văn minh không có giới hạn, càng tiến thì càng cao. Có thể nói nước kia văn
minh hơn nước này, nhưng lại không thể nói văn minh nước kia đã đạt đến đỉnh điểm”
bởi vì “Các nước Âu và Mỹ có sự chế tạo tinh vi, pháp luật hoàn bị, giáo dục phổ cập,
giao thông đầy đủ. Thế mà nhà tù vẫn chưa hết, nạn hút xách, rượu chè vẫn chưa hết, mù
chữ đâu đã vắng bóng”16. Đó là tư tưởng có giá trị hết sức sâu sắc trong việc phát triển
đất nước đi đôi với giáo dục con người. Có thể thấy giá trị Đông Kinh nghĩa thục để lại

cho chúng ta ngày nay rõ nét nhất vẫn là lĩnh vực giáo dục – tư tưởng. Những áng thơ
văn của các sĩ phu Đông Kinh nghĩa thục đã bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần cách
mạng cho thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục giữ vững và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc. Tư tưởng xã hội hoá giáo dục xây dựng một xã hội học tập, không ai
không được giáo dục và giáo dục phù hợp với từng đối tượng, giáo dục gắn với đổi mới
phát triển đất nước, “nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài” là tư tưởng mà ngày nay xã
hội chúng ta đang từng bước cố gắng thực hiện. Trong đó, vị trí của Đông Kinh Nghĩa
Thục đã góp phần không nhỏ trong quá trình xây dựng truyền thống yêu nước vẻ vang
của dân tộc Việt Nam, cũng như trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.
Tóm lại, những tư tưởng cải cách tiến bộ dù trong bối cảnh lịch sử nào đều xuất
phát từ lòng yêu nước và với mục đích nhằm đưa đất nước phát triển tiến lên. Từ việc
tìm hiểu quá trình chuyển tiếp tư tưởng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX thông qua
phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, với những giá trị tư tưởng trong kho tàng lịch sử
Việt Nam từ đó tạo nên niềm tin vững chắc tiến bước trong quá trình thực hiện công
cuộc đổi mới đưa đất nước đi lên con đường xã hội chủ nghĩa mà Hồ Chí Minh và cả
dân tộc đã lựa chọn.

×