CÁI CHẾT CỦA MỘT VỊ TỔNG THỐNG
John Kennedy đã giành được uy tín trên thế giới sau khi giải quyết thành công
cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba, đồng thời, ông cũng giành được sự ủng hộ từ
đông đảo quần chúng trong nước Mỹ. Nhiều người tin rằng ông sẽ tái đắc cử một
cách dễ dàng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1964. Nhưng ngày 22/11/1963,
ông đã bị ám sát trên chiếc xe mui trần trong chuyến đi thăm thành phố Dallas,
bang Texas. Cái chết của ông, được truyền hình trực tiếp, là một sự kiện đau
thương đối với dân chúng Mỹ, giống như cái chết của Tổng thống Roosevelt 18
năm về trước.
Khi nhìn lại, người ta thấy rõ rằng tiếng vang của Kennedy là bắt nguồn từ
phong cách và những lý tưởng được nói một cách đầy hùng biện của ông hơn là từ
việc thực thi chính sách. Ông đã có một chương trình nghị sự đầy tham vọng,
nhưng cho đến khi ông chết, vẫn còn rất nhiều chương trình ông đề xuất bị ách lại
ở Quốc hội. Chính nhờ năng lực chính trị và những thành công về lập pháp của
người kế nhiệm ông đã khiến Kennedy được ví như một động lực thúc đẩy các cải
cách tiến bộ.
LYNDON JOHNSON VÀ MỘT XÃ HỘI VĨ ĐẠI
Lyndon Johnson, một người Texas, đã từng là thủ lĩnh phe đa số tại Thượng
viện trước khi làm Phó Tổng thống của Kennedy, là một chính khách lão luyện.
Ông đã được rèn luyện tại Quốc hội nơi ông phát triển được tài năng kiệt xuất
trong việc xử lý các tình huống để hoàn thành mọi nhiệm vụ. Ông có thể bào chữa,
biện hộ, thuyết phục hay đe dọa khi cần thiết để đạt được các mục tiêu của mình.
Tư tưởng tự do của ông có thể còn sâu sắc hơn người tiền nhiệm Kennedy. Với tư
cách là Tổng thống, ông mong muốn được sử dụng quyền lực của mình để loại trừ
nghèo đói và mang cuộc sống thịnh vượng tới cho tất cả mọi người.
Johnson đã nhậm chức với quyết tâm sẽ đảm bảo cho chương trình lập pháp của
Kennedy được Quốc hội thông qua. Những ưu tiên đầu tiên của vị Tổng thống mới
là các dự luật của người tiền nhiệm về giảm thuế và đảm bảo quyền công dân. Sử
dụng những kỹ năng thuyết phục và kêu gọi sự tôn trọng của các nhà lập pháp đối
với vị tổng thống đã bị sát hại, Johnson đã thành công trong việc thuyết phục Quốc
hội thông qua cả hai dự luật ngay trong năm đầu tiên sau khi nhậm chức. Việc
giảm thuế đã thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Còn Đạo luật Quyền Công dân năm
1964 là một đạo luật có tầm nhìn xa nhất trong lĩnh vực này kể từ thời kỳ tái thiết.
Johnson cũng bắt đầu triển khai các chương trình khác. Đến mùa xuân năm
1964, ông bắt đầu nói đến Xã hội vĩ đại để mô tả chương trình cải cách kinh tế xã
hội của mình. Mùa hè năm đó, Quốc hội đã thông qua chương trình Việc làm Liên
bang cho các thanh niên nghèo không có việc làm. Đây là bước đi đầu tiên của
cuộc chiến “Chống đói nghèo". Trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 năm đó,
ông đã thắng phiếu áp đảo trước đối thủ Đảng Cộng hòa bảo thủ Bary Goldwater.
Đ áng chú ý là cuộc bầu cử tổng thống năm 1964 đã mang lại cho những người
thuộc Đảng Dân chủ tự do sự kiểm soát Quốc hội vững chắc lần đầu tiên kể từ
năm 1938. Điều đó khiến họ có thể thông qua các đạo luật mà không e ngại sự bất
hợp tác của hai phe đối lập là Đ Đảng Cộng hòa và các đại biểu bảo thủ của Đảng
Dân chủ miền Nam.
Cuộc chiến chống đói nghèo đã trở thành nhiệm vụ trung tâm của Chương trình
Xã hội vĩ đại. Cơ quan Cơ hội Kinh tế, được thành lập năm 1964, đã giúp cho
người nghèo được đào tạo và đã thiết lập các cơ quan hành động cộng đồng khác
nhau, với tư tưởng dân chủ để người nghèo có được tiếng nói của mình trong các
chương trình về nhà cửa, sức khoẻ và giáo dục.
Tiếp theo là các chương trình chăm sóc y tế. Dưới sự lãnh đạo của Johnson,
Quốc hội đã ban hành Luật Chăm sóc y tế, một chương trình bảo hiểm y tế cho
người già, và Luật Trợ cấp y tế, một chương trình hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ cho
người nghèo.
Johnson cũng thành công trong nỗ lực cung cấp nhiều trợ giúp liên bang hơn
nữa cho các trường tiểu học và trung học cơ sở, vốn theo truyền thống, là hệ thống
thuộc chức năng của các bang và các địa phương. Biện pháp hỗ trợ là cấp tiền cho
các bang, dựa vào số lượng trẻ em sinh ra trong các gia đình có thu nhập thấp. Các
quỹ này cũng có thể được sử dụng để giúp đỡ học sinh trong các trường công cũng
như các trường tư.
Tin rằng nước Mỹ đang đứng trước một cuộc khủng hoảng đô thị mà biểu hiện
rõ nét là các khu nội thị đang thu hẹp dần, những người kiến tạo nên Chương trình
Xã hội vĩ đại đã đưa ra một Đạo luật mới về Nhà ở, và đã cung cấp các khoản hỗ
trợ tiền thuê nhà cho người nghèo. Đồng thời, họ cũng đã lập ra Bộ Nhà ở và Phát
triển đô thị.
Các đạo luật khác cũng được ban hành và có ảnh hưởng rất lớn đến muôn mặt
đời sống của người Mỹ. Trợ giúp Liên bang còn được cấp cho các nghệ sỹ và các
giáo viên trung học và tiểu học nhằm hỗ trợ cho công việc khó khăn của họ. Tháng
9/1966, Johnson đã ký hai Đạo luật về giao thông. Đạo luật thứ nhất cấp quỹ cho
chính quyền các bang và địa phương nhằm xây dựng các chương trình an toàn
giao thông. Đạo luật thứ hai xác lập các tiêu chuẩn liên bang về độ an toàn của
săm lốp và của các loại xe ôtô. Chương trình thứ hai này phản ánh nỗ lực của một
luật sư trẻ cấp tiến - Ralf Nader. Trong cuốn sách ấn hành năm 1965 của mình,
Nguy hiểm ở mọi tốc độ, những hiểm họa tiềm tàng của ôtô Mỹ, Nader đã chỉ
trích rằng các nhà sản xuất đã hy sinh những tiêu chuẩn an toàn để đạt những mục
đích về kiểu dáng ôtô, và cáo buộc rằng những lỗi trong thiết kế và chế tạo đã góp
phần gây ra tai nạn trên xa lộ.
Năm 1965, Quốc hội đã bãi bỏ đạo luật phân biệt đối xử năm 1924 quy định hạn
ngạch nhập cư tuỳ thuộc vào quốc tịch gốc của họ. Động thái này đã gây ra một
làn sóng nhập cư mới, chủ yếu từ Nam Á, Đông Á và châu Mỹ La-tinh.
Chương trình Xã hội vĩ đại quả là một thời kỳ bùng phát các hoạt động lập pháp
kể từ thời Chính sách kinh tế mới. Nhưng sự ủng hộ cho chính quyền của Johnson
đã bắt đầu yếu đi vào đầu năm 1966. Một số chương trình của Johnson không
được thực thi đúng theo những mong đợi của dân chúng; nhiều chương trình được
cấp tiền không đủ. Cuộc khủng hoảng đô thị có chiều hướng xấu đi. Tuy vậy, dù là
nhờ vào những khoản chi tiêu công trong Chương trình Xã hội vĩ đại hay nhờ vào
sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nghèo đói đã giảm bớt, dù chỉ là giảm đôi chút,
dưới thời của Tổng thống Johnson.
CUỘC CHIẾN TRANH VIỆT NAM
Sự không hài lòng với Chương trình Xã hội vĩ đại lại càng trùng hợp với những
thất vọng trong Chiến tranh Việt Nam. Hàng loạt các nhà lãnh đạo quyền lực ở
miền Nam Việt Nam cũng tỏ ra chẳng hơn Diệm là bao trong việc vận động quần
chúng. Các lực lượng Việt Cộng, được miền Bắc Việt Nam trợ lực, đã giành được
ưu thế tại khu vực nông thôn.
Quyết tâm ngăn chặn những bước tiến của cộng sản ở miền Nam Việt Nam,
Johnson đã biến cuộc chiến tranh ở Việt Nam trở thành cuộc chiến của chính ông.
Sau khi lấy cớ một cuộc tấn công của hải quân Bắc Việt Nam vào hai tàu trục hạm
của Mỹ, ngày 7/8/1964, Johnson đã thuyết phục được Quốc hội thông qua Nghị
quyết Vịnh Bắc Bộ, cho phép Tổng thống thi hành tất cả các biện pháp cần thiết để
đẩy lui bất kỳ một cuộc tấn công vũ trang nào chống lại các lực lượng quân sự của
Hoa Kỳ và ngăn ngừa một cuộc xâm lược tiếp theo. Sau khi tái đắc cử tháng
11/1964, ông đã lao vào tiến hành chính sách leo thang chiến tranh ở Việt Nam.
Từ 25.000 binh sỹ vào đầu năm 1965, con số binh lính - bao gồm cả lính tình
nguyện và lính quân địch - đã tăng tới 500.000 người vào đầu năm 1968. Một
chiến dịch ném bom ồ ạt đã tàn phá nặng nề cả hai miền Nam và Bắc Việt Nam.
Sau khi chứng kiến những trận đánh rùng rợn được trình chiếu trên truyền hình
với những bình luận đầy tính phê phán, người Mỹ bắt đầu phản đối việc nước Mỹ
dính líu vào cuộc chiến tranh này. Một số người cho rằng cuộc chiến này là vô đạo
đức, một số khác thì tỏ ra hoang mang khi chiến dịch quân sự ồ ạt dường như
không hiệu quả. Sự phản đối chiến tranh ngày càng rộng khắp trong dân chúng
Mỹ, đặc biệt là trong tầng lớp thanh niên và sự bất mãn của dân chúng ngày càng
tăng đã buộc Johnson phải bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình.