Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Kẻ sĩ Bình Định dưới ngòi bút Vũ Ngọc Liễn - Trần Xuân Toàn ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (214.71 KB, 7 trang )

Kẻ sĩ Bình Định dưới ngòi bút Vũ Ngọc
Liễn - Trần Xuân Toàn

Từ một ý thơ của cụ Phan Huy Ích, nhan đề Tiễn ông Nghi thành hầu họ
Nguyễn đến thành Quy Nhơn như sau:
Quy Nhơn thang mộc địa
Khu hoản ỷ khôi thạc
trong lời Tựa cho cuốn sách của mình Kẻ sĩ đất thang mộc- liệt truyện *, tác
giả Vũ Ngọc Liễn đã giải thích từ “đất thang mộc” là gì và gọi Bình Định là
“đất thang mộc”. Ý câu thơ trên nghĩa là: Quy Nhơn là ấp thang mộc, là nơi
then chốt cần và của bậc anh tài. Quy Nhơn hồi ấy là cả Bình Định bây giờ.
Rồi trong lời Bạt cho tập sách, nhà thơ Thanh Thảo đã viết những dòng
sau, như nói được giá trị và nội dung chính mà tập sách phản ánh: Năm kẻ- sĩ-
con- người ở “đất thang mộc” Bình Định là những ai? Đọc Liệt truyện (tập 1)
của Vũ Ngọc Liễn chúng ta đã nhận được câu trả lời. Về Đào Tấn – nhà sáng
tạo nghệ thuật tuồng, thì tên tuổi của ông đã lừng lẫy khắp nước, những bậc trí
giả, những nghệ sĩ không mấy ai không biết. Nhưng với Nguyễn Bá Huân,
Nguyễn Trọng Trì, Đào Phan Duân, Hồ Sĩ Tạo thì đây là dịp để bạn đọc trực
tiếp làm quen, không chỉ với tên tuổi và sự nghiệp của họ, mà trước hết là với
con người họ, nhân cách của họ. Và khi đã quen biết rồi, tôi chắc bạn đọc sẽ
chia sẻ niềm tự hào với người Bình Định. Vâng, tự hào vì chúng ta có những
con người tài ba, trung thực, nghĩa khí, thuỷ chung như thế để làm gương, để
luôn tự nhắc nhở mình ở đời, cái quý nhất không phải tiền bạc hay danh vọng,
cái quý nhất đó là nhân cách”.
Học theo cách viết của Tư Mã Thiên ngày xưa (còn kết quả của việc học
đó như thế nào là chuyện khác), Vũ Ngọc Liễn cũng viết liệt truyện. Trong liệt
truyện của mình, Vũ Ngọc Liễn chỉ khiêm tốn ghi chép lại hành trạng của
những kẻ sĩ “đất thang mộc” Bình Định, qua đó làm nổi bật cái nhân cách của
họ. Đó là cái nhân cách của một kẻ sĩ sống dưới chế độ thực dân - phong kiến
điển hình của xã hội ta cuối thế kỉ 19 - đầu thế kỉ 20 này. Nói vậy, không có
nghĩa là, qua đó ta không nhận thấy tội ác của xã hội thực dân - phong kiến,


không thấy được nỗi thống khổ của nhân dân, không thấy được cái gương thành
bại, cái dũng khí của kẻ sĩ để làm gương cho đời sau, hay nêu bật lên những giá
trị văn hoá của dân tộc mà các kẻ sĩ này để lại (như những trang viết về Đào
Tấn và nghệ thuật tuồng…).
Để làm được những điều trên, tác giả tập sánh biết đi từ chi tiết có bước
ngoặt trong cuộc đời của mỗi nhân vật - kẻ sĩ mà dựng nên chân dung họ một
cách chân xác và tinh tế.
Xuất phát từ bản chất con người Đào Tấn là một con người “đội lốt ông
quan cốt làm nghệ sĩ” (tr. 25), tác giả liệt truyện đã dành nhiều trang luận giải
tại sao “ông Đào không có chí trở thành trụ cột của triều đình mà là từ ông
quan khá to, Đào Tấn quyết biến mình thành nghệ sĩ, một nghệ sĩ tài hoa không
ngừng đi tìm ý nghĩa của cuộc đời” (tr. 34). Do đó mới giải thích tại sao cụ
Đào làm quan to cho triều đình mà lại rất thân Cao Xuân Dục, yêu quý Đặng
Nguyên Cẩn, gởi niềm tin vào Phan Bội Châu, là bạn chí thân với cụ
Nguyễn Sinh Sắc, xử chém một tên “bồi Tây” tục gọi là bồi Ba. Làm quan mà
đêm ngày viết tuồng để “vạch trần những thối nát của chốn cung đình và ca
ngợi các anh hùng nghĩa sĩ, địch thủ của triều đình” (tr. 41). Có thể nói, kẻ sĩ ở
con người Đào Tấn là một người biết “ngộ biến tùng quyền”, để không ngừng
làm ích nước, lợi dân. Giữa làm quan và làm nghệ thuật, ở Đào Tấn, không có
gì mâu thuẫn. Chân dung Đào Tấn không chỉ dừng lại ở một thiên liệt truyện
viết về họ Đào, mà chúng ta còn tìm thấy ở những trang viết về kẻ sĩ khác. Đặt
nhân vật của mình trong bối cảnh của thời đại, trong sự đối chiếu, so sánh với
các nhân vật khác là cách viết liệt truyện đã có từ Sử Ký của tư Mã Thiên. Tác
giả Vũ Ngọc Liễn cũng đã làm như thế khi muốn làm rõ chân dung cụ Đào.
Kẻ sĩ Việt Nam khác với kẻ sĩ Trung Quốc, tuy là cùng bước ra từ cửa
Khổng, sân Trình. Kẻ sĩ hiển đạt, làm quan ở Trung Quốc, trước những biến cố
của dân, của nước, có thể sẽ chọn con đường trung quân là chính. Thế nhưng,
kẻ sĩ Việt Nam, dẫu có làm quan cho triều đình, thậm chí làm quan to, bao giờ
cũng biết ái quốc, trung quân, đặt ái quốc lên trước, trung quân sau. Điều đó là
do đặc điểm của xã hội, văn hoá Việt Nam. Văn hoá Việt căn bản vẫn là văn

hoá làng xã. Kẻ sĩ Việt Nam lúc bình thường (hàn nho) thì làm thầy đồ, thầy
thuốc giúp dân, lúc hiển đạt, làm quan (hiển nho) thì giúp nước, giúp đời, gắn
bó với dân, với nước. Dù ở vị trí nào, kẻ sĩ Việt Nam vẫn gắn bó với nhân dân
và dân tộc. Nếu phải lựa chọn thì kẻ sĩ sẽ lựa chọn con đường ái quốc, để khỏi
rơi vào tình thế ngu trung. Đó cũng chính là sự lựa chọn của ông tiến sĩ cuối
cùng của đất Bình Định: Hồ Sĩ Tạo- “vị tiến sĩ rẽ ngang, một tâm hồn cao
thượng”. Tác giả liệt truyện đã khéo léo thuật lại cái chi tiết có tính bước ngoặt
đó, thể hiện rõ ràng cái nhân cách của kẻ sĩ. Ông tiến sĩ họ Hồ từng làm thư lại
ở bộ Lại, tri huyện. Nhân dịp về quê cư tang mẹ, năm 1908, gặp lúc phong trào
“xin xâu chống thúê” ở Bình Định sôi sục, thế là ông tiến sĩ – tri huyện đã đứng
vào hàng ngũ những người cùng đinh, biểu tình “xin xâu chống thuế” cùng họ.
Đó chính là cái nhân cách mà kẻ sĩ Việt Nam phải có, cần có. “Nếu không làm
theo ý dân? – Là trái mệnh trời, là phản bội cái sở học của kẻ sĩ, phản bội Đào
tướng công, người đã bảo ta ở nhà mà ta lại cứ đi” (tr. 114).
Với cách viết linh hoạt, Vũ Ngọc Liễn đã phác hoạ chân dung kẻ sĩ đất
thang mộc Bình Định mỗi người mỗi vẻ, nhưng đều toát lên cái chính trực,
nghĩa khí và tài năng của họ. Trong thời buổi nhiễu nhương đó, kẻ sĩ Bình Định
xứng đáng với danh hiệu kẻ sĩ mà người đời tôn vinh vậy! “Kẻ sĩ đất thang
mộc” đã làm rõ được điều đó!
Khắc hoạ chân dung các nhân vật – kẻ sĩ bằng thể liệt truyện, nhiều lúc
tác giả đã đưa ra nhiều mặt tính cách nhân vật để làm rõ nhân cách của họ. Đó
là đoạn tả Tham Mậu và Hiệp Trì đang đánh cờ, uống rượu, rồi Tham Mậu kết
tội, chôn sống Quản Tân, Hiệp Trì thì phó mặc cho Tham Mậu hành động mà
không ngăn cản. Sau, Mai Xuân Thưởng thất trận, Tham Mậu ra đầu thú Pháp,
còn Hiệp Trì thì “thà bỏ thây nơi rừng rú chứ không cuí mặt trước kẻ thù”. Qua
đó, càng thấy khí tiết kẻ sĩ của Hiệp Trì hơn (tr. 73-74).
Tác giả biết tận dụng các chi tiết trong cuộc đời nhân vật. Có những chi
tiết tưởng như nhỏ nhặt, người đọc rất dễ bỏ qua, nhưng có nó, nhân cách của
kẻ sĩ càng được tôn vinh hơn. Ví dụ, chi tiết Nguyễn Trọng Trì biết mình không
sống nổi nữa, trước khi nhắm mắt, muốn bạn bè tổ chức lễ điếu sống, qua đó đã

đọc được các câu đối điếu của bạn, mà ngẫm về mình. Rõ là, kẻ sĩ coi “cái chết
nhẹ tựa lông hồng”, cuối đời muốn biết đã làm được gì cho dân, cho nước (tr.
86). Viết về kẻ sĩ đất Bình Định, tác giả đã biết khai thác tài văn chương, nghệ
thuật ở họ. Tài năng về văn chương của kẻ sĩ thì ai cũng có, còn tài năng về
nghệ thuật (nhất là nghệ thuật tuồng) thì không phải là ở đâu cũng có. Khai thác
và đưa vào trong liệt truyện một mặt thể hiện ưu thế của tác giả là một nhà
nghiên cứu tuồng, mặt khác cho thấy tài năng của kẻ sĩ Bình Định. Điều này thể
hiện ở các điểm sau:
- Thứ nhất, đánh giá về các nhân vật –kẻ sĩ, đôi chỗ tác giả đóng vai của một sử
gia, trực tiếp thẩm bình, khen chê, nhưng hầu hết tác giả đưa vào liệt truyện
những đánh giá của người cùng thời, hay hậu thế, thông qua những vế đối,
những bài thơ… nên tính khách quan được thể hiện rõ. Cuối mỗi thiên truyện ta
đều bắt gặp cách kết cấu này.
- Thứ hai, tác giả có những đoạn, những trang phân tích, chú giải những bài thơ,
đặc biệt là những trích đoạn tuồng của nhân vật – kẻ sĩ đề cập so sánh một cách
hào hứng.
- Thứ ba, chính vì để bổ sung cho phần chính truyện, trong phần phụ lục tác
giả đã cung cấp rất nhiều áng văn, thơ, câu đối… của các nhân vật – kẻ sĩ mà
tác giả không có điều kiện dẫn ở trong bài. Phần phụ lục quả thật rất bổ ích cho
bạn đọc, thể hiện trách nhiệm của tác giả với bạn đọc sau này…
Thể liệt truyện, chính là truyện kí, cho phép người cầm bút xông xáo,
tung hoành, trên mớ tư liêụ hỗn độn, thậm chí đôi lúc hư cấu, để đưa ra một
chân dung hấp dẫn, sinh động, hệ thống và tiệm cận với hiện thực. Điều đó
chúng ta đã gặp ở Sử Ký Tư Mã Thiên hay ở Hoàng Lê nhất thống chí của
Ngô gia văn phái.
Vẫn theo thể tài liệt truyện, nhưng tính chất “truyện” trong liệt truyện của
tác giả Vũ Ngọc Liễn còn hạn chế. Người đọc thấy tác giả đôi chỗ còn lúng
túng trong việc xử lí nhiều nguồn tài liệu. Có nhiều trang, người đọc bị lôi cuốn
vì cách dẫn chuyện theo thể truyện đầy hấp dẫn, sinh động (những trang viết về
Hồ Sĩ Tạo, về Đào Tấn…) chứng tỏ tác giả muốn tiếp cận với người xưa ở thể

tài này. Bên cạnh đó, có những đoạn, những trang tác giả để cho tài liệu, sự
kiện lịch sử gò bó ngòi bút của mình. Người đọc có cảm giác tác giả đang liệt
kê (theo kiểu biên niên) những sự kiện lịch sử có liên quan đến cuộc đời nhân
vật, nhằm minh hoạ cho trang viết của mình (ví dụ phần sau bài Nguyễn Trọng
Trì). Có lẽ tác giả phân vân giữa hai cách viết: một, chọn những thời điểm lịch
sử có tính chất bước ngoặt trong cuộc đời nhân vật để khái quát lên nhân cách
của nhân vật; hai, muốn cung cấp trọn vẹn chân dung nhân vật thông qua cuộc
đời của họ. Tuy vậy, cách viết liệt truyện của Vũ Ngọc Liễn có những thành
công nhất định.
Thế mới biết, học theo người xưa không dễ. Học ở nghệ thuật đã không
dễ; học ở cuộc đời, sự nghiệp, nhân cách của những con người - kẻ sĩ như tác
giả liệt truyện cung cấp, thật càng không dễ hơn. Và mới biết, những tập sách
như liệt truyện của Vũ Ngọc Liễn có ích và giá trị biết dường nào…
Đọc xong Sử Ký, chúng ta giữ một cảm tình không hề phai nhạt với: Bá
Di, Thúc Tề, Quản Trọng, Khổng Tử, Khuất Nguyên, Liêm Pha, Hạng Võ,
Kinh Kha… thì đọc xong liệt truyện của Vũ Ngọc Liễn ta hiểu thêm về Đào
Tấn, tự hào có những người như: Hồ Sĩ Tạo, Nguyễn Trọng Trì, Nguyễn Bá
Huân, Đào Phan Duân của đất Bình Định này.
Mong sao tác giả Vũ Ngọc Liễn còn cho chúng ta thêm tự hào về mảnh
đất “văn cũng là đây, võ cũng là đây” của Bình Định qua những trang sách viết
về: Đào Duy Từ, Mai Xuân Thưởng, Nguyễn Diêu, Lê Công Miễn… trong tập
hai “Liệt truyện kẻ sĩ đất thang mộc”.
Mong lắm thay!

×