Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

làng nghề truyền thống - Nam Định - Nghề chạm gỗ La Xuyên pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (128.1 KB, 5 trang )


Nam Định - Nghề chạm gỗ La Xuyên
Làng La Xuyên thuộc xã Yên Ninh, Huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, bên cạnh
những cánh đồng lúa là những xưởng thợ chạm gỗ cùng hàng nghìn thợ thủ
công đang ra sức phát huy nghề truyền thống.
Tới nay, không ai nhớ rõ nghề chạm gỗ ở La Xuyên có từ khi nào, chỉ biết rằng,
tương truyền, khoảng thế kỷ X, dưới thời Đinh-Lê, La Xuyên đã trở thành làng
nghề chạm gỗ có tiếng. Những người thợ La Xuyên không chỉ tạc tượng, chạm
phù điêu mà còn đi khắp mọi miền đất nước tôn tạo, xây dựng đình, đền, chùa
Tuy nhiên, làm sập gụ, tủ chè, salon vẫn là công việc chính hàng ngày ở ngay tại
làng: Sập gụ, tủ chè La Xuyên gọn, nhỏ, xinh xắn, phù hợp với không gian sống
của người Việt. Hình chạm khắc trên bề mặt sản phẩm gỗ La Xuyên thật phong
phú, độc đáo với những cảnh Bát Tiên quá hải, Văn Vương cầu hiền các nhân
vật gần gũi, giản dị như: Phúc, Lộc, Thọ, Thợ gỗ La Xuyên luôn biết cách cải
tiến mặt hàng cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Cụm công nghiệp La Xuyên rộng 6 ha, có hàng chục nhà xưởng sản xuất, có
nhiều gian hàng trưng bày sản phẩm nối liền hai làng nghề truyền thống La
Xuyên và Ninh Xá, hình thành một liên làng công nghiệp tạo thế phát triển trong
cơ chế mới. Ởû đây từ sáng sớm đến chiều tà lúc nào cũng nhộn nhịp người và
xe. Cả làng tập trung làm nghề gỗ chủ yếu ở 23 công ty, doanh nghiệp và một
hợp tác xã.
Chúng tôi đến thăm và có dịp tìm hiểu doanh nghiệp gỗ mỹ nghệ Hiền Oanh,
một trong những doanh nghiệp tiêu biểu của làng nghề La Xuyên. Anh Dương
Văn Hiền, Giám đốc doanh nghiệp cho biết: trước kia, để đóng một bộ bàn ghế
đúng thương hiệu “La Xuyên” mất tới vài tháng. Trong điều kiện kỹ thuật hiện
nay, doanh nghiệp Hiền Oanh mỗi tháng có thể sản xuất được hàng trăm bộ bàn
ghế bảo đảm các tiêu chuẩn về kỹ thuật, mỹ thuật không chỉ phục vụ nhu cầu của
người tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu sang Australia, Nhật Bản, Tây Ban
Nha. Sản phẩm gỗ của người thợ La Xuyên ngày nay càng tinh xảo mang đậm
dấu ấn truyền thống của một làng nghề luôn tìm cách khẳng định chỗ đứng của
mình trên thương trường.




- Nón lá Nghĩa Châu
Xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm nón lá truyền thống.
Hình ảnh các bà, các chị túm năm tụm ba bên gốc tre làng chuyện trò vui vẻ, tay
thoăn thoắt khâu nón… Rồi cảnh chợ Đào Khê náo nhiệt, đông vui với la liệt
những lá nón, mo tre, vành nón, búi cước, len đủ màu và những chồng nón trắng
lấp loá dưới nắng… Tất cả đẹp như một bức tranh quê.
Để tạo ra những chiếc nón thanh thoát, bền đẹp… ngoài sự khoé léo của đôi tay,
người làm nón phải thật sự tài hoa và có óc thẩm mỹ cao. Lá nón mua về được tãi
ra phơi nắng, hấp diêm sinh để lá có độ trắng ngà, không bị mốc khi gặp mưa.
Xong công đoạn đó, người thợ đặt từng lá nón lên mặt lưỡi cày nung nóng, dùng
búi giẻ vuốt cho lá phẳng ra, tay vuốt đều, không được nhanh quá hoặc chậm quá
để tránh cho lá bị xém, ngả màu vàng hoặc không phẳng. Những lá nón làm xong
được xếp lên khuôn, giữa 2 lớp lá lót một lượt mo nang lạng thật mỏng và được
buộc cho chắc; sau đó tới công đoạn khâu. Những bàn tay thoăn thoắt luồn mũi
kim lên, xuống đều đặn nhịp nhàng sao cho lỗ khâu thật khít. Người thợ khâu nón
tài hoa thường có tài lẩn chỉ, khéo léo giấu những nút nối vào trong. Chiếc nón khi
hoàn chỉnh vừa bền, vừa đẹp, soi lên trước ánh sáng mặt trời thấy kín đều. Nón
được trang trí thêm hình hoa lá, chim muông phong phú, sinh động, phù hợp với
thị hiếu thẩm mỹ của các thiếu nữ nông thôn. Nếu là nón cưới, phần trang trí nhất
thiết phải có đôi chim câu ngậm dải lụa đào tượng trưng cho hạnh phúc lứa đôi.
Cuộc sống hiện đại ngày nay càng xuất hiện nhiều loại mũ, nón đa dạng về màu
sắc, kiểu dáng, chất lượng nhưng nón lá vẫn gần gũi với mọi người, đặc biệt là với
các thiếu nữ nông thôn. Chiếc nón còn là vật kỷ niệm, đồ trang sức, có mặt trong
những điệu múa nón uyển chuyển, nhịp nhàng cùng với áo dài tạo nét duyên dáng
đặc biệt cho các thiếu nữ Việt Nam.

Ninh Bình - Nghề thêu ở Văn Lâm


Cùng với thời gian, nghề thêu ở Việt Nam đã từng nổi tiếng với sản phẩm
của các làng nghề Hà Tây, Bắc Ninh, Hải Dương nhưng những tác phẩm đặc sắc
thêu pha dua ở làng Văn Lâm (xã Ninh Hải, Hoa Lư - Ninh Bình), có lẽ chưa nơi
nào sánh kịp. Theo thần phả, nghề thêu ở đây có từ hơn 700 năm trước. Ông tổ
nghề là Ðỗ Công Hậu - một vị tướng thời Trần vốn có tài quân sự lại tài hoa.
Tương truyền, ông đã học được nghề thêu nhân một lần đi thi tướng tài ở Trung
Quốc thấy một bức trướng tuyệt đẹp đã dụng công quan sát, nhập tâm về dạy cho
dân làng. Tỏ lòng biết ơn người đã truyền nghề, dân làng lập đền thờ ông và bảo
ban con cháu học và cố giữ lấy nghề. Sống cũng như nhiều làng nghề khác, để có
chỗ đứng trong thị trường, người Văn Lâm đã bao phen trôi nổi tìm hướng đi cho
mình.
Các cụ nghệ nhân còn lại ít ỏi trong làng : Chu Văn Chõn (gần 70 tuổi), Chu
Văn Lương (76 tuổi) và Chu Văn Huê (gần 80 tuổi) đã chứng kiến không ít thăng
trầm về nghề của quê hương. Trước những năm 70, khi các mặt hàng mỹ nghệ
chưa được xuất sang các nước Ðông Âu, việc sản xuất ở làng mang tính chất làm
ăn nhỏ, tự sản tự tiêu. Cho đến lúc cánh cửa sang khu vực này rộng mở, số người
làm thêu tăng lên gấp bội. Nhưng vào thời bao cấp đó , người sản xuất lại bị hạn
chế nhiều mặt nên so với nghề trồng lúa, nghề thêu có thời kỳ mờ nhạt người dân
gọi nôm na là hai chân đi bằng nhau và vất vả chẳng kém gì. Chừng 15 năm trở lại
đây, cơ chế thị trường khiến người thợ thêu Văn Lâm phải tự lo "chuyển mình".
Trong làng nhiều tổ, nhóm sản xuất được thành lập, mỗi nơi chừng vài chục tay
kim. Từ các mặt hàng thêu ren đủ màu sắc truyền thống, các cơ sở sản xuất hầu
hết đã dần chuyển sang làm hàng thêu pha dua trắng chất lượng cao tạo nên những
mẫu hàng mới đáp ứng yêu cầu và thị hiếu thời hiện đại. Giờ đây nói đến Văn
Lâm, người tiêu dùng nghĩ ngay đến những sản phẩm với nhiều chủng loại phong
phú, hấp dẫn thị trường trong và ngoài nước. Ðó là những tấm ga trải giường, mặt
gối, bộ khăn ăn từ 6 đến 36 chiếc, mảnh rèm cửa, những chiếc áo ki-mô-nô với
những chi tiết thêu mượt mà, óng ánh như bạc điểm những phần dua mềm mại
duyên dáng.
Hiện ở Văn Lâm có hơn 700 hộ trong số 830 hộ gia đình theo nghề thêu ren.

Nghề còn gặp nhiều khó khăn đang phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường từ
nguyên liệu, mẫu mã, nhân công đến bao tiêu sản phẩm nhưng cũng thu nhập gấp
nhiều lần so với trồng lúa, giữ thăng bằng cuộc sống khi ruộng đất chưa đủ một
sào cấp cho mỗi đầu người ở làng quê nhỏ bé này.

×