Huế - Bảo Tàng Cổ vật Huế
Bảo tàng cổ vật Huế là nơi trưng bày các bộ sưu tập đồ đồng, đồ sành, đồ sứ, đồ
đá, đồ Pháp Lam, áo mão và đồ ngự dụng của vua chúa Việt Nam xưa
Toà điện dùng làm Bảo tàng là một toà nhà bảy gian, hai chái trùng thiềm điệp ốc,
nguyên là điện Long An trong cung Bảo Định ở phường Tây Lộc.
Năm 1885, quân Pháp chiếm Cung Bảo Định làm sở chỉ huy, điện Long An bị triệt
hạ, vật hạng xếp vào kho cho đến năm 1909, đời Duy Tân chuyển ra chỗ hiện nay
(số 3 đường Lê Trực) dựng lại làm Tân Thơ Viện và trụ sở của Hội Đô Thành
Hiếu Cổ. Đến năm 1923, đời Khải Định, dùng làm bảo tàng Viện Khải Định (nay
là Bảo tàng cổ vật Huế).
Ngôi điện Long An dùng làm bảo tàng là một di tích kiến trúc hết sức quí giá.
Trên các mặt gỗ của điện có khắc chạm 35 bài văn, bài thơ, bài châm của chính
vua Thiệu Trị trước tác.
Huế - Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế
Vị trí: Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế ở tại số 3, đường Lê Trực, Tp. Huế,
tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Đặc điểm: Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế là nơi trưng bày các bộ sưu tập
đồ đồng, đồ sành, đồ sứ, đồ đá, đồ pháp lam, áo mão và đồ ngự dụng của vua
chúa đời nhà Nguyễn.
Tòa nhà chính để trưng bày các cổ vật tiêu biểu có diện tích gần 1.200m². Toà
nhà này nguyên là điện Long An được kiến trúc vào năm 1845 dưới thời vua
Thiệu Trị. Bản thân toà nhà này là một công trình bằng gỗ tuyệt mỹ, có tới 128
cây cột gỗ quý. Trên toàn bộ các bộ phận bằng gỗ của toà nhà chạm trổ hàng
trăm bức tranh cổ điển, các con vật thiêng liêng: rồng, lân, rùa, phụng và trên
1.000 bài thơ bằng chữ Hán. Nhiều nhà nghiên cứu đã đánh giá đây là một
trong những cung điện đẹp nhất ở Việt Nam.
Trong cung điện này, hiện trưng bày khoảng 300 hiện vật cổ quý hiếm bằng
vàng, bạc, ngọc, sành, sứ, gỗ Tại đây, bạn có thể trông thấy bàn, ghế, kiệu,
giường, tủ của nhà vua; giày, hia, y phục của vua, hoàng hậu, công chúa, hoàng
tử Tất cả những cổ vật được trưng bày tại bảo tàng là những tác phẩm nghệ
thuật có giá trị được các nghệ nhân thực hiện một cách công phu và tài tình.
Huế - Cầu Tràng Tiền
Vắt qua sông Hương có hàng chục chiếc cầu, nhưng chỉ có một cây cầu trở thành
một trong những biểu tượng của Huế, đó là cầu Tràng Tiền.
Theo sách Đại nam Nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn ''cầu
sắt Tràng Tiền ở Đông Nam kinh thành khởi làm năm Thành Thái thứ 9 (1897)
cầu có 6 gian (6 nhịp), dài khoảng 400m, đến năm 1899 mới xong''.
Đến tháng 8 năm 1904, một cơn bão dữ dội tràn vào miền Trung Việt Nam, cầu bị
sập 4 nhịp, chỉ còn 2 nhịp. Đến năm 1906 cầu được sửa chữa lại. Cầu Tràng Tiền
hôm nay cũng đã được tu bổ nhiều lần qua thời gian. Ngay bên tả đầu cầu xưa là
chợ nhỏ của bến đò Tràng Tiền có tên chợ Đông Ba. Nay chợ Đông Ba là 1 trung
tâm thương nghiệp của thành phố.
Huế - Di tích Đình làng Dương Nỗ
Cách Huế 7km về Phía Đông, theo tuyến Quốc lộ 49 Huế - Thuận An, có một
vùng quê trù phú và nổi tiếng bởi truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời, đó là
Làng Dương Nỗ.
Dân gian ta có câu: ”Cây đa - bến nước - sân đình” đó chính là cội nguồn lịch sử,
là truyền thống văn hoá nuôi dưỡng tâm hồn cao đẹp của bao thế hệ con người
Việt Nam. Làng Dương Nỗ với ngôi đình bề thế, uy nghi được xây dựng từ đời
vua Lê Thánh Tông (1471), toạ lạc bên dòng sông Phổ Lợi, đã gắn liền với lịch sử
hình thành và phát triển của làng quê Thừa Thiên Huế qua bao thăng trầm và biến
đổi.
Lúc đầu, đình có cấu trúc xây dựng đơn giản bằng tranh, tre, nứa, lá. Trải qua các
đời chúa Nguyễn cho tới Triều Tây Sơn, quy mô kiến trúc của đình chỉ gồm một
gian hai chái. Mãi đến năm Gia Long thứ 7 (1808), Tri tượng Chánh trưởng Tượng
quân kiêm Cai tào vụ giám quân Nguyễn Đức Xuyên đã giúp dân làng xây dựng
lại ngôi đình từ tranh, tre thành ngôi đình có quy mô rộng lớn (năm gian hai chái)
bằng gỗ lim bền vững.
Ngày nay, Đình Làng Dương Nỗ là một di tích tiêu biểu trong hệ thống di tích lưu
niệm về thời niên thiếu của Bác Hồ tại Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, trong thời gian
Bác Hồ cùng anh trai Nguyễn Sinh Khiêm theo cha về sinh sống, học tập tại Làng
Dương Nỗ (1898 - 1900).
Trải qua thời gian và những biến động lịch sử, di tích Đình Làng Dương Nỗ có
phần bị hư hỏng, nhưng nhìn chung về mặt tổng thể và cấu trúc, vật dụng bên
trong vẫn giữ nguyên trạng như thời gian Bác Hồ về sống ở làng mà thường ngày
Người vẫn đến chơi và viếng cảnh.
Ngoài giá trị di tích lưu niệm Bác Hồ, Đình Dương Nỗ còn mang những nét độc
đáo, đặc trưng về kiến trúc, nghệ thuật, văn hoá tiêu biểu của thiết chế văn hoá
làng, xã Việt Nam trên đất Huế. Cùng với nhà lưu niệm ở Dương Nỗ, Đình làng
Dương Nỗ đã khắc ghi trong trí nhớ Bác Hồ bao kỷ niệm tuổi thơ trong sáng, nơi
đã có tác động không nhỏ đến đời sống tình cảm và nhận thức của Người.
Đình làng Dương Nỗ được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích văn hoá
nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 3777/QĐ-BT ngày 23 tháng 12 năm
1995.
Huế - Di tích Nhà Lưu niệm Bác Hồ ở Dương Nỗ
Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Dương Nỗ thuộc xã Phú Dương, huyện Phú Vang,
tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống từ năm
1898 - 1900, khi Người cùng anh trai Nguyễn Sinh Khiêm theo cha về đây dạy
học.
Năm 1898, sau khi thi Hội lần thứ hai không đỗ, cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh
Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã được ông Nguyễn Sĩ Độ mời về nhà dạy học (tại làng
Dương Nỗ). Hai anh em Khiêm, Cung theo cha về đây, một phần để đỡ gánh nặng
kinh tế gia đình cho bà Loan, một phần để cụ Sắc có điều kiện dạy học cho hai con.
Tại lớp học chữ Hán của cha trong ngôi nhà này, Người đã được cha chính thức
khai tâm cho mình. Hai chữ khai tâm đầu đời là chữ “Nhân, Nghĩa” như một lời
răn dạy đầu tiên về đạo đức làm người. Hai năm theo học cùng cha tại đây,
Nguyễn Sinh Cung tiếp thu rất nhanh, trở thành cậu học trò thông minh xuất sắc.
Và những tri thức mà Người tiếp thu được là nền móng vững chãi cho sự phát
triển về học vấn sau này.
Được về sống ở Làng Dương Nỗ, một làng quê yên ả, thanh bình, giàu truyền
thống văn hoá, Nguyễn Sinh Cung có điều kiện hoà nhập với đời sống cộng đồng
làng xã, được bao bọc bởi tình cảm yêu thương chan hoà, nhân hậu bao dung của
những người dân quê chất phác, thuỷ chung; được chứng kiến cuộc sống lao động
cần cù của những người nông dân lam lũ. Đời sống đó đã góp phần hình thành nên
cội nguồn nhân bản trong tâm hồn Người.
Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Làng Dương Nỗ là một ngôi nhà tranh ba gian, hai chái,
vách ghép ván. Đồ đạc trong nhà đơn sơ, giản dị, ở gian giữa kê bộ phản gỗ gõ để
cụ Sắc ngồi dạy học, hai bộ phản khác kê hai bên dành cho học trò ngồi học; ở góc
trong, gian bên trái có kê giường gỗ, dát tre là nơi Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn
Sinh Cung thường ngủ; góc trong gian bên phải kê một chiếc rương để đựng đồ
đạc. Hai chái hai đầu là nơi sinh hoạt và cất trữ thực phẩm của ba cha con. Nối với
nhà chính là ngôi nhà ngang ba gian, mái lợp tranh, vách trát đất được sử dụng làm
bếp sinh hoạt của gia đình.
Ngôi nhà đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử Văn hoá
cấp quốc gia theo Quyết định 296/QĐ-BT ngày 26.03.1990.