Tải bản đầy đủ (.pdf) (14 trang)

Truyền thông và y tế pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (237.29 KB, 14 trang )

Truyền thông và y tế
Nguyễn Văn Tuấn
Báo chí nước ta hàng ngày chuyển tải nhiều bản tin liên quan đến y tế và
khoa học. Những bản tin này thường dựa vào hay dịch từ báo chí Tây phương, và
hiện tượng “tam sao thất bổn” đôi khi cũng xảy ra gây nên những sự cố đáng tiếc.
Ngoài ra, vì dựa vào nguồn thông tin hạng thứ, nên phóng viên không có điều kiện
đề truy cập thông tin gốc, và từ đó xảy ra một số ngộ nhận và diễn giải không
chính xác, gây hoang mang, thậm chí ảnh hưởng đến một bộ phận kinh tế trong xã
hội. Bài viết này sẽ điểm qua lịch sử của mối tương tác giữa truyền thông và khoa
học và trình bày những qui trình chuyển tải thông tin khoa học đến công chúng.
Vài dòng lịch sử
Mối liên hệ giữa truyền thông và y khoa có một lịch sử khá lâu đời, phong
phú và thú vị. Điểm qua các sách liên quan đến bộ môn này, có thể nói rằng giới
truyền thông bắt đầu chú ý đến các vấn đề y tế liên quan đến tình trạng sức khỏe
của các chính trị gia ở Mĩ. Tháng 6 năm 1893, tổng thống Mĩ, Glover Cleveland,
xuống một chiếc du thuyền ở hải cảng New York trong một chuyến đi được người
ta biết đến như là một chuyến du ngoạn trên biển. Tuy nhiên, trên thuyền còn có 5
bác sĩ giải phẫu và một nha sĩ, và nhiệm vụ của họ là giải phẫu qui hàm trái bị ung
thư của tổng thống. Sau khi cuộc phẫu thuật hoàn tất, các quan chức Nhà trắng
cho công chúng biết đó là một cuộc … nhổ răng.
Năm 1919, sau khi tổng thống Woodrow Wilson bị tai biến mạch máu não,
ông được các quan chức Nhà trắng khuyên phải để râu để che lấp phía trái của mặt
bị teo lại vì cơn bệnh. Chẳng những thế, văn phòng ông làm việc mỗi khi khách
đến thăm được điều chỉnh ánh sáng sao cho mờ mờ để che dấu khuyết tật của ông.
Tương tự, bệnh bại liệt (polio) của tổng thống Roosevelt và bệnh Addison của
tổng thống Kennedy cũng được các quan chức Nhà trắng dấu kín, không tiết lộ
cho công chúng biết.
Mãi đến năm 1955, khi tổng thống Dwight Eisenhower cho phép tiết lộ chi
tiết về việc ông vừa bị nhồi máu cơ tim và trải qua cuộc phẫu thuật lớn do bác sĩ
Paul Dudley thực hiện. Thậm chí bí thư báo chí của tổng thống còn tiết lộ với báo
chí về màu áo pijama ông mặc và số lần ông … đi tiêu trong ngày! Kể từ đó, các


vấn đề y khoa không còn là những thông tin bí mật, mà được chia sẻ một cách
thành thật trước công chúng.
Cho đến thập niên 1980s, các bản tin liên quan đến y tế bắt đầu xuất hiện
thường xuyên trên mặt báo, hệ thống truyền thanh và truyền hình, nhưng đến bây
giờ sức khỏe của tổng thống không phải là vấn đề quan tâm chính mà là các bản
tin về điều trị. Cũng chính qua những bản tin như thế này, và qua phản ảnh của
công chúng, người ta mới nhận ra được ảnh hưởng to lớn của vai trò truyền thông
đến y tế. Theo một cuộc thăm dò ý kiến ở Mĩ, 75% người được thăm dò cho biết
họ thường theo dõi các thông tin liên quan đến y khoa và y tế trên các phương tiện
truyền thông đại chúng. Trong số này, 58% người được hỏi cho biết họ sẵn sàng
thay đổi lối sống hay hành động theo các bản tin đó.
Tháng 10 năm 1984, tập san thần kinh học Neurosurgery công bố một
nghiên cứu điều trị bệnh Alzheimer gây chấn động dư luận Mĩ. Phương pháp điều
trị bao gồm việc cấy một cái bơm có chức năng liên tục bơm bethanechol chloride
vào não. Chỉ 4 bệnh nhân được điều trị, và kết quả được đánh giá một cách chủ
quan theo cảm nhận của bác sĩ. Ấy thế mà khi đến tay báo chí, phương pháp còn
trong vòng thử nghiệm rất sơ khởi đó trở thành “một sự đột phá trong việc điều trị
bệnh Alzheimer”, và “các bác sĩ hi vọng rằng bệnh Alzheimer sẽ được chinh phục
nay mai”! Khi bản tin được truyền đi, trung tâm thực hiện nghiên cứu nhận được
2600 cú điện thoại từ bệnh nhân và thân nhân xin được điều trị. Có người thậm chí
chở thân nhân đến tận nơi và kí ngay một ngân phiếu 10.000 USD. Nhưng khi
thuật điều trị đó được áp dụng cho vài bệnh nhân khác, kết quả hoàn toàn vô dụng,
và bản tin trở nên câu chuyện hài hước cho giới y khoa.
Những mâu thuẫn giữa giới truyền thông và y khoa cũng được ghi nhận qua
những kinh nghiệm như vừa trình bày trên. Y khoa, là một ngành nghề mang tính
khoa học, có truyền thống dựa vào bằng chứng nghiên cứu khoa học thu thập từ
một quần thể và được phân tích bằng các thuật toán thống kê. Trong khi đó,
truyền thông có truyền thống nhấn mạnh đến những câu chuyện mang tính cá nhân
và phải sử dụng nhiều nguồn khác nhau, kể cả những nguồn với ý kiến trái ngược
nhau. Giới y khoa không xem ý kiến cá nhân từ các chuyên gia là một bằng chứng

đáng tin cậy, nhưng truyền thông thì rất kính trọng những ý kiến của chuyên gia.
Các tin nào được truyền thông quan tâm?
Câu hỏi cơ bản nhất trong truyền thông y tế là làm sao phát hiện, xử lí và
chuyển tải một bản tin có liên quan đến công chúng hay phản ảnh được sự quan
tâm chính đáng của công chúng. Nói cách khác, thông tin nào xứng đáng được
xuất hiện trên mặt báo? Một định nghĩa về thông tin xứng đáng được giới chuyên
môn trong cũng như ngoài y khoa chấp nhận là “bất cứ thông tin gì đem lại lợi ích
cho đại đa số quần chúng, nhưng chưa bao giờ được chú ý trước đây”. Định nghĩa
này thoạt đầu xem ra đơn giản và chẳng có gì rắc rối, song vấn đề đặt ra là: ai là
nên quyết định thông tin đó đem lại lợi ích cho đại đa số quần chúng.
Trong thực tế, nhiều thông tin xuất hiện trên báo được quyết định một cách
khá tình cờ và ngẫu nhiên. Một trong những câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất
là “Hội chứng U2”. Câu chuyện này xảy ra như sau: khi tổng biên tập một tờ báo
lớn trên đường đi làm xe ông gặp phải một ổ gà làm li cà phê bị đổ ra ướt bộ
veston mới toanh, ông lập tức ra lệnh cho phóng viên điều tra cái ổ gà và thế là trở
thành bản tin báo chí! Hội chứng U2 do đó đề cập đến sự thật rằng một khi tổng
biên tập hay phóng viên cảm thấy câu chuyện có ích, và thế là người đọc cũng
phải quan tâm.
Nhưng bên cạnh cảm tính cá nhân như hội chứng U2 vừa trình bày, còn có
nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự xuất hiện của một thông tin y tế. Trong một bài
báo nghiên cứu nổi tiếng, giáo sư Jay Winsten (Đại học Harvard) đưa ra một danh
sách dài, kể cả những thông tin có thể thu hút quảng cáo của các doanh nghiệp,
đến những thông tin có thể giúp cho việc thăng tiến sự nghiệp của phóng viên.
Theo nghiên cứu công bố trên tập san British Medical Journal (BMJ) mới đây, các
nghiên cứu với thông tin liên quan đến sức khỏe phụ nữ và ung thư thường được
chú ý và xuất hiện trên mặt báo.
Y tế và nghiên cứu y khoa càng ngày càng tiến đến xu hướng thương mại
hóa. Những khám phá sinh học, những phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm
đều có thể đem lại một số lợi nhuận lớn cho trung tâm nghiên cứu. Xu hướng
thương mại hóa y khoa quan tâm đến lợi nhuận, và không ai ngạc nhiên khi có

những trung tâm nghiên cứu (kể cả viện nghiên cứu và đại học) sẵn sàng sử dụng
hệ thống truyền thông đại chúng như là một phương tiện đề kiếm lời. Trong môi
trường cạnh tranh ác liệt giữa các nhóm nghiên cứu trên thế giới, có người không
ngần ngại tung ra những bản tin sai lầm, thậm chí lừa gạt giới phóng viên vốn
không am hiểu nghiên cứu khoa học, để thu hút đầu tư. Một trường hợp tiêu biểu
về tình trạng này là bản tin về việc chẩn đoán bệnh Alzheimer bằng gien, mà
người cung cấp thông tin cho báo chí là một công ti đang phát triển một kĩ thuật
gien đang cần đầu tư.
Áp lực thương mại hóa còn lan rộng đến các cuộc hội nghị khoa học. Hội
nghị khoa học thường là một diễn đàn cho các nhà khoa học trao đổi thông tin một
cách tự do mà không sợ sự xâm nhập của giới truyền thông. Nhưng ngày nay, các
hội nghị khoa học đang có xu hướng biến thành một cuộc tuyên truyền và quảng
cáo, nơi mà các nhà khoa học và các “đại gia” trong ngành dược sử dụng thông tin
để thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.
Gần đây một bản tin làm xôn xao dư luận không ít vì nó liên quan đến một
“khám phá” thuật tiên lượng ai sẽ mắc hay không mắc bệnh Alzheimer. Trong
nghiên cứu này các nhà khoa học phân tích khoảng 120 protein và so sánh biểu thị
của các protein này giữa nhóm có bệnh và nhóm không có bệnh, rồi từ đó sử dụng
các thuật toán thống kê để phát triển một mô hình tiên lượng. Trên báo chí, các
nhà nghiên cứu tuyên bố một cách giật gân rằng họ đã phát triển một xét nghiệm
máu đơn giản có tiên đoán bệnh Alzheimer chính xác đến 90%. Báo chí trong
nước có vẻ thi vị hóa hơn: với một tiêu đề như “Lắng nghe’ tế bào để phát hiện
bệnh Alzheimer”. Thật ra, thuật tiên lượng này chưa thể áp dụng rộng rãi vì chưa
được xét nghiệm độc lập ở một quần thể khác. Kinh nghiệm cho thấy xác suất mà
một thuật tiên lượng như thế thành công trong thực tế lâm sàng chỉ 1 phần ngàn.
Nói cách khác, xác suất mà nghiên cứu này rơi vào quên lãng là rất cao (trên
99.9%). Nhưng một đềiu quan trọng mà các bản tin báo chí không nhắc đến là
Tiến sĩ Tony Wyss-Coray (người chủ trì công trình nghiên cứu) cũng chính là
giám đốc công ti mà ông mới thành lập chuyên phân tích protein để tiên đoán bệnh
Alzheimer, và ông đang cần thu hút nhà đầu tư. Do đó, đằng sau mỗi "khám phá"

còn có khá nhiều mối liên hệ kinh tế mà phóng viên cần phải xem xét.
Nguồn thông tin
Năm 1969, bác sĩ Franz J. Ingelfinger, lúc bấy giờ là tổng biên tập của Tập
san New England Journal of Medicine (NEJM một tập san số 1 trong ngành y),
ra một qui ước mà sau này được biết đến là Qui ước Ingelfinger. Theo Qui ước
Ingelfinger, tập san NEJM sẽ không công bố bất cứ bài báo nào nếu kết quả bài
báo đó đã được các cơ sở truyền thông đại chúng đưa tin. Thoạt đầu Qui ước này
bị giới báo chí phản đối dữ dội, và ngay cả giới y khoa cũng không đồng tình.
Nhưng ngày nay tất cả các tập san đều chấp nhận đây là một biện pháp để đảm bảo
chất lượng thông tin y khoa đến công chúng.
Ngày nay, các bản tin y tế trên báo chí đại chúng thường dựa vào những
nghiên cứu đã công bố trong một diễn đàn khoa học. Cụm từ “diễn đàn khoa học”
ở đây bao gồm các tập san khoa học và hội nghị khoa học. Giá trị khoa học và độ
xác tín của hai diễn đàn này không tương đương nhau. Cũng chính từ vấn đề này
và cùng với sự cạnh tranh giữa các cơ sở truyền thông, nhiều vấn đề về truyền
thông khoa học đã xảy ra và gây ra nhiều nhầm lẫn nghiêm trọng.
Để thấy được vấn đề chuyển tải một thông tin y học, cần phải hiểu qua qui
trình sản xuất của một bài báo khoa học. Thông thường, một công trình nghiên
cứu y học từ lúc có kết quả sau cùng đến khi được công bố trên một tập san khoa
học thường kéo dài từ 6 tháng đến 18 tháng (tùy theo trường hợp), và phải trải qua
một số giai đoạn như sau:
1. kết quả nghiên cứu được trình bày trong một hội nghị chuyên ngành
dưới dạng một bản tóm lược (abstract, khoảng 2050-500 từ);
2. sau khi nhận được những góp ý và phản biện trong hội nghị, tác giả
chỉnh sửa lại bài báo dưới một dạng báo cáo khoa học dài hơn
(thường 5.000 đến 10.000 từ) và gửi đến một tập san y học;
3. ban biên tập tập san y học đọc qua bài báo, và nếu thấy thích hợp
với tập san, họ sẽ gửi cho ba chuyên gia trong chuyên ngành để
bình duyệt (hay phản biện). Phần lớn các tập san giữ kín danh tính
của ba chuyên gia này và tác giả cũng không biết họ là ai, chỉ biết là

đồng nghiệp;
4. ba chuyên gia bình duyệt bài báo về ý tưởng, phương pháp, kết
quả, diễn giải, hình thức trình bày dữ liệu, v.v… và gửi lại bài phản
biện cho ban biên tập. Ban biên tập xem qua ba bài bình duyệt, và
nếu thấy tác giả có khả năng chỉnh sửa, sẽ chuyển cho tác giả bài
báo;
5. tác giả bài báo phải trả lời tất cả những phê bình của ba chuyên gia,
và nếu cần thiết, phải làm thêm thí nghiệm, và chỉnh sửa lại bài báo
một lần nữa. Tác giả lại gửi bản thảo thứ hai của bài báo cho ban
biên tập;
6. ban biên tập xem lại các trả lời của tác giả; nếu thấy đã trả lời tất cả
bình duyệt, có thể quyết định chấp nhận cho công bố; nếu thấy tác
giả chưa đáp ứng các yêu cầu, ban biên tập có thể gửi lại cho ba
chuyên gia để bình duyệt một lần nữa, hoặc họ có thể từ chối công
bố.
7. nếu được chấp nhận cho công bố, tác giả còn phải chờ đến khi bài
báo được công bố trên mặt báo, và khi đã công bố, trung tâm
nghiên cứu có thể ra thông cáo báo chí về công trình nghiên cứu.
Thật ra, chỉ có khoảng 1/4 các công trình nghiên cứu công bố đi kèm với
một bản thông cáo báo chí. Giới phóng viên thường dựa vào các thông cáo báo
chí để viết tin. Vì dựa vào thông cáo báo chí, nên phóng viên thường không có cơ
hội đọc bài báo gốc trên tập san khoa học. Và, qua quá trình “chuyển ngữ” từ
những thuật ngữ khoa học đến các ngôn từ cho người ngoài khoa học hiểu, cũng
xảy ra tình trạng “tam sao thất bổn”. Thật vậy, nạn nhân của quá trình chuyển ngữ
này là tính khách quan của khoa học. Trong khi khoa học phân biệt mối liên hệ
nhân quả (cause-effect relation) và mối liên hệ tương quan (correlation hay
association), giới truyền thông thì thích nhấn mạnh đến ảnh hưởng mang tính nhân
quả. Điều này đã gây ra rất nhiều hiểu lầm trong công chúng.
Trên thế giới ngày nay có khoảng 3.000 tập san y sinh học được công nhận,
và con số vẫn tăng mỗi năm. Được công nhận ở đây có nghĩa là được nằm trong

danh sách của tổ chức Index Medicus. Tiêu chuẩn mà các tập san này dựa vào để
công bố hay không công bố một bài báo khoa học cũng rất khác nhau. Một số tập
san như Science, Nature, Cell, hay Physical Reviews chỉ công bố những bài báo
khoa học mà ban biên tập cho rằng thể hiện những cống hiến cơ bản, những phát
hiện quan trọng, hay những phương pháp mới có tiềm năng ứng dụng rộng rãi
trong cộng đồng khoa học. Theo một báo cáo gần đây các tập san này chỉ công bố
khoảng 1% những bài báo họ nhận được hàng năm (tức từ chối 99% các bài báo
nhận được). Các tập san lớn và nổi tiếng trong y học như New England Journal of
Medicine, Lancet, và JAMA từ chối khoảng 95% các bài báo gửi đến, và chỉ công
bố những bài báo quan trọng trong y khoa. Các tập san chuyên ngành từ chối
khoảng 70 đến 50% bài báo nhận được. Các bài báo bị từ chối hoặc sẽ đi vào
quên lãng, hoặc được gửi đến các tập san kém chất lượng hơn, phần lớn các tập
san này xuất bản ở các nước Âu châu, Úc châu, hay Á châu.
Vấn đề trở nên phức tạp khi một số nhà nghiên cứu, vì lí do thương mại
hay vội vã, ra thông cáo báo chí ngay tại các hội nghị mà bài báo chưa qua bình
duyệt và chưa được chấp nhận công bố trên một tập san khoa học. Đây là một
việc làm không đúng với Qui ước Ingelfinger, và không được giới y khoa tán
thành. Nhưng cũng có phóng viên do thiếu kinh nghiệm lại bị thu hút vào những
thông cáo báo chí như thế, và hệ quả là một số “khám phá”, “phát hiện”, “đột
phá”, v.v được xuất hiện trên báo đại chúng gây ra nhiều nhầm lẫn đáng tiếc, có
khi khôi hài đến mức cười ra nước mắt.
Vai trò của phóng viên và kĩ năng
Tường thuật một bản tin xã hội – chính trị khác với một bản tin y tế và khoa
học. Các sự kiện xã hội – chính trị được tường thuật theo công thức truyền thống:
ai, việc gì, ở đâu, lúc nào, và tại sao. Nhưng các thông tin y khoa là một phần của
dòng chảy các nghiên cứu hay thí nghiệm, mà dữ liệu mới thu thập được là hệ quả
của các nghiên cứu hay thí nghiệm trong quá khứ.
Trong khi các sự kiện xã hội – chính trị dựa vào sự thật và ý kiến, các bản
tin y học thường dựa vào dữ liệu, xác suất và kết luận. Những bằng chứng mang
tính giai thoại, truyền miệng thường là những “viên gạch” cho những bài báo xã

hội – chính trị, nhưng đối với y học các thông tin như thế hoàn toàn không có ý
nghĩa gì. Thật vậy, trong ý kiến cá nhân được xem là quan trọng trong các bản tin
thời sự xã hội, nhưng trong y học thì các ý kiến cá nhân – cho dù cá nhân là một
chuyên gia cấp cao nhất – có giá trị khoa học thấp nhất.
Trong khoa học, dữ liệu thực tế đóng vai trò quan trọng nhất. Nhưng dữ
liệu khoa học được thu thập từ những mô hình nghiên cứu khác nhau, và giá trị
của chúng cũng tùy thuộc vào các mô hình này. Ngoài ra, cùng một dữ liệu thực
tế nhưng tác giả bài báo khoa học có nhiều cách thể hiện dữ liệu đó, và có thể gây
hiểu lầm cho người đọc. Người phóng viên, do đó, phải phân biệt được các mô
hình nghiên cứu, phải phân tích điểm mạnh và yếu của từng mô hình nghiên cứu,
phải diễn giải dữ liệu một cách chính xác, v.v…
Những kĩ năng này chỉ có thể tiếp thu qua các khóa học về dịch tễ học và
thống kê học. Do đó, theo tôi, các phóng viên chuyên viết về khoa học và y học,
ngoài các kĩ năng cần thiết về truyền thông, cần phải trang bị cho mình các kĩ năng
cơ bản về thống kê học và dịch tễ học. Tất nhiên, tôi không có muốn nói chỉ có
bác sĩ hay nhà dịch tễ học mới viết được những bài báo y tế tốt, nhưng chỉ muốn
nói rằng phóng viên không có những kĩ năng khoa học trên thì rất khó hiểu và do
đó khó có thể chuyển tải một cách chính xác các thông tin y học.
Tránh nhầm lẫn
Chúng ta ai cũng quan tâm đến sức khỏe cá nhân và của người thân. Giới
truyền thông (kể cả báo chí, đài radio và truyền hình, báo mạng) nhận thức được
sự quan tâm này của quần chúng nên thường cung cấp cho bạn đọc những thông
tin liên quan đến y khoa và khoa học. Có thể nói không ngoa rằng thông tin y học
đã trở thành một món ăn tinh thần hàng ngày cho công chúng. Nhưng thông tin
nhiều không đồng nghĩa với thông tin phong phú; ngược lại, tình trạng nhiễu
thông tin cũng tăng theo cấp số nhân.
Nếu một trong những vai trò của truyền thông là chuyển tải đến cộng đồng
những thông tin chính xác và khách quan, thì có thể nói rằng truyền thông y tế và
khoa học nói chung ở nước ta chưa đạt yêu cầu này. Một phân tích 1203 bản tin
từ các cơ sở truyền thông của Mĩ cho thấy khoảng 20% các bài báo này hàm chứa

ít nhất là một nhầm lẫn hay sai sót về thông tin.
Ngoài ra, nhiều bản tin trên báo chí thường có xu hướng cường điệu hóa lợi
ích và hiệu quả của các thuật điều trị, thổi phồng những nguy cơ liên quan đến
thực phẩm. Trong số 207 bài báo liên quan đến y tế được nghiên cứu, 53% bài
báo không đề cập đến những tác hại, 70% không đề cập đến chi phí, 83% mô tả lợi
ích qua ngôn ngữ tương đối. Chẳng hạn như một nghiên cứu về loãng xương cho
biết một thuốc mới có khả năng giảm 50% nguy cơ gãy xương, thoạt đầu mới
nghe thì rất đáng chú ý, nhưng thật ra mức độ khác biệt là giữa 1% và 2%, do đó,
mức độ ảnh hưởng chính xác là 1% (lấy 2% trừ cho 1%). Tuy nhiên, hiệu quả 1%
này còn phải xem xét với các yếu tố khác như chi phí điều trị và ảnh hưởng phụ
của thuốc.
Hệ quả là giới truyền thông tạo nên những hi vọng hảo huyền, và gây nên
những phiền muộn và hoang mang không cần thiết cho công chúng. Đã đến lúc
vấn đề này cần phải được giải quyết. Để khắc phục vấn đề, giới phóng viên cần
phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về qui trình nghiên cứu y học, xử lí
số liệu và thông tin, và nhất là xem xét cẩn thận nguồn gốc của nghiên cứu và
đánh giá chất lượng của nghiên cứu. Trong tương lai, chúng tôi dự định sẽ tổ
chức một khóa học ngắn hạn cho các phóng viên chuyên về y tế và khoa học các
kĩ năng cần thiết để đánh giá một bài báo khoa học.
Một số “sự cố” truyền thông khoa học trong năm 2007
Vấn đề diễn giải kết quả nghiên cứu. Tháng 7 năm 2007, một số báo phương
Tây đưa tin bưởi có liên quan đến ung thư vú (“Grapefruit linked to breast
cancer”), và bản tin gây chấn động thế giới này được báo chí Việt Nam dịch lại
với những tiêu đề khá giật gân, như “Phụ nữ sẽ bị ung thư vú vì ăn bưởi?” hay
“Phụ ăn bưởi có nguy cơ bị ung thư”, v.v… Chỉ vài ngày sau khi bản tin được
truyền đi, giá bưởi giảm từ 8.000-10.000 đồng/kílô xuống còn 1.000 đồng/kílô, và
gây thiệt hại không ít cho nhiều nông dân sản xuất và doanh nghiệp phân phối
bưởi. Người viết bài này đã có dịp đọc bài báo khoa học gốc, và có ý kiến rằng
bưởi không gây ung thư vú. Tiếp theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt
hành chính các báo Khuyến học, Dân trí, Thanh Niên, Netnam, và Khoa học phổ

thông.
Vấn đề nguồn gốc thông tin. Câu chuyện về vắcxin viêm gan trong năm 2007 là
một bài học quí báu cho việc kiểm tra nguồn gốc thông tin. Khởi đầu là 4 trường
hợp trẻ em mới sinh bị tử vong sau khi tiêm vắcxin ngừa viêm gan B làm cho
nhiều người chất vấn chính sách này. Một số báo chí bắt đầu đặt câu hỏi về hiệu
quả và an toàn của vắcxin. Một bài báo trên Tuổi Trẻ với tựa đề khá giật gân
“Hàng trăm ca tử vong sau khi tiêm văcxin viêm gan B ở Mỹ”, mà trong đó tác giả
lthông tin trên website của ông Joseph Mercola ở bang Illinois (Mĩ), một bác sĩ vật
lí trị liệu (osteopathic doctor) có nhiều ý kiến “phi chính thống” và nổi tiếng chống
đối các chương trình tiêm chủng ngừa. Ông Mercola đã bị các cơ quan y tế Mĩ
cảnh cáo vài lần về việc đưa tin … sai lạc. Người viết bài này có nêu vấn đề thông
tin, và bài báo trên đã được rút xuống.
Nghiên cứu chưa công bố. Bệnh tiêu chảy và tả bộc phát ở một số tỉnh phía Bắc
vào cuối tháng 10/2007. Các quan chức y tế tuyên bố rằng qua nghiên cứu họ đã
đi đến kết luận rằng mắm tôm là nguyên nhân của sự bộc phát bệnh. Tuy nhiên,
“nghiên cứu” mà các quan chức tuyên bố thật ra chưa bao giờ được công bố trên
một tập san có bình duyệt trước khi họ thông báo với báo chí. Đó là một cách làm
việc thiếu tính khoa học. Cố nhiên, sau nhiều tuần điều tra và phân tích, mắm tôm
được xác định không phải là nguyên nhân của nạn dịch tiêu chảy vừa qua.

Các biện pháp cần thiết để nâng cao hiệu quả một bản tin khoa học

1. Kiểm tra sự chính xác và tính cân bằng của câu chuyện hay bản tin.
 Kiểm tra uy tín của nguồn gốc bản tin, tức là tác giả của công trình
nghiên cứu.
 Tham vấn các nhà khoa học có uy tín khác xem họ có tin tưởng vào
công trình nghiên cứu hay đánh giá thế nào về kết quả của nghiên
cứu đó.
 Ý kiến của nhà khoa học mà phóng viên trích dẫn có phản ảnh
luồng tư tưởng chính thống hiện hành liên quan đến vấn đề trong

bản tin hay không; nếu không phóng viên nên trình bày cho người
đọc hay người nghe biết luồng tư tưởng chính thống là gì.
 Tránh sử dụng những từ ngữ mang tính liên hệ nhân quả (cause-
effect relationship), hay những từ ngữ dễ gây cảm tính như “đột
phá”, “bức phá”, “khám phá”, v.v…
 Đảm bảo những tiêu đề và hình ảnh minh họa phải thích hợp với nội
dung bài báo.

2. Hoài nghi, hoài nghi và hoài nghi!
 Khi dịch lại bản tin từ báo chí nước ngoài, hay một thông cáo báo
chí từ trung tâm nghiên cứu, phóng viên cần phải phân biệt được sự
thật của dữ liệu (fact) và ý kiến hay bình luận cá nhân.
 Kiểm tra xem kết quả nghiên cứu có khả năng thực tế hay không?
 Cần phải áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong suy luận khoa
học để thẩm định mối liên hệ giữa nhà khoa học, trung tâm nghiên
cứu, và cơ quan tài trợ cho nghiên cứu. Nhiều khi các kết quả
nghiên cứu được thổi phồng một cách quá đáng chỉ vì quyền lợi
kinh tế chứ không vì lợi ích khoa học.

3. Kiểm tra xem bản tin có cung cấp những khuyến cáo, hay chỉ dẫn thực tế
cho công chúng và người tiêu thụ.
 Diễn giải kết quả nghiên cứu sao cho có liên quan đến những
khuyến cáo thực tế cho công chúng.
 Nếu nghiên cứu liên quan đến một hóa chất có ảnh hưởng đến sức
khỏe, cần phải cho người đọc biết hoá chất đó đến từ đâu và
thường hay thấy trong các thực phẩm nào.
 Trong những trường hợp liên quan đến dịch bệnh, cần cung cấp cho
công chúng những nguồn thông tin chính thống khác để người đọc
có thể tìm hiểu thêm, chẳng hạn như website, báo cáo khoa học, số
điện thoại của cơ quan chức trách, v.v…


4. Kiểm tra nguồn gốc bản tin
 Kiểm tra bài báo gốc (tức bài báo đăng trên một tập san khoa học
mà bản tin dựa vào). Ngoài việc đọc thông cáo báo chí hay các bản
tóm lược do trung tâm nghiên cứu phát tán, phóng viên cũng cần
đọc hay truy cập cho được bài báo khoa học để có thêm thông tin.
 Phân biệt sự khác biệt giữa bằng chứng khoa học và ý kiến cá nhân
của nhà nghiên cứu.
 Bản chất của nghiên cứu khoa học là tiến hóa, chứ không phải cách
mạng hay đột phá.
 Nắm vững các khái niệm về kiểm định giả thuyết, nhóm chứng,
ngẫu nhiên hóa, khách quan, v.v…
 Phân biệt những mô hình nghiên cứu như bệnh chứng, cắt ngang,
đối chứng ngẫu nhiên, cơ bản, v.v…



×