Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Suy dinh dưỡng ở trẻ em: vấn đề của kinh tế ppsx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (262.09 KB, 6 trang )

Suy dinh dưỡng ở trẻ em:
vấn đề của kinh tế
Nguyễn Văn Tuấn
Năm 2007 đi qua để lại nhiều dấu ấn đẹp về phát triển kinh tế, nhưng vẫn
còn những “mặt chìm” ít khi nào gây sự chú ý hay quan tâm của các quan chức và
công chúng nói chung. Một trong những mặt chìm đó là vấn đề suy dinh dưỡng ở
trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở vùng nông thôn hay vùng xa thành phố. Trong hội
nghị tổng kết đánh giá các hoạt động dinh dưỡng năm 2007 do Bộ Y tế và Viện
Dinh dưỡng quốc gia tổ chức vào đầu năm nay, có báo cáo cho thấy “tỷ lệ trẻ em
dưới 5 tuổi trên cả nước suy dinh dưỡng đã giảm từ 23,4% (năm 2006) xuống còn
21,2%.” Nói cách khác, cứ 5 trẻ em ở nước ta thì có 1 em suy dinh dưỡng, và đó
là một vấn đề y tế công cộng rất lớn.

Ảnh: Phan Xuân Trung
Thật ra, con số 1/5 có lẽ còn thấp so với thực tế. Theo báo cáo của
UNICEF (Quĩ nhi đồng của Liên hiệp quốc), trên thế giới ngày nay có khoảng 146
triệu trẻ em dưới 5 tuổi được xem là thiếu cân (underweight, một chỉ tiêu chính
của định nghĩa “suy dinh dưỡng”), phần lớn tập trung ở châu Á, châu Phi và châu
Mĩ Latin. Trong số này có khoảng 2 triệu em từ Việt Nam. Theo thống kê, số trẻ
em dưới 5 tuổi ở nước ta hiện nay khoảng 5,65 triệu (chiếm 6.71% dân số toàn
quốc), cho nên con số 2 triệu em thiếu cân cũng có nghĩa là cứ 3 em thì có 1 em
thiếu cân.
Thật vậy, trong một nghiên cứu về tình trạng suy dinh dưỡng trong cộng
đồng ở Đồng Nai, các nhà nghiên cứu ước tính trong số trẻ em dưới 5 tuổi, có đến
31% ở trong tình trạng suy dinh dưỡng [1]. Do đó, có thể nói rằng, dù tỉ lệ suy
dinh dưỡng ở trẻ em có xu hướng giảm, nhưng vẫn còn khoảng 1 phần 3 trẻ em
mà cơ thể ở trong tình trạng kém phát triển. Con số này đặt nước ta vào số 36
nước trên thế giới có tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao nhất thế giới.
Ngoài các nguyên nhân sinh học và lâm sàng, đứng trên quan điểm của y tế
cộng đồng, nguyên nhân chính của suy dinh dưỡng như tên gọi rất chính xác
là thiếu ăn. Thiếu ăn là do nghèo và hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Trong


khi nền kinh tế nước ta phát triển nhanh, một bộ phận dân số nhất là những
người sống trong vùng nông thôn hay vùng xa vẫn chưa đủ ăn (và chưa đủ
mặc). Theo kết quả nghiên cứu ở Đồng Nai mà tôi vừa đề cập trên, phần lớn
(76%) trẻ em suy dinh dưỡng là những em có cha mẹ là nông dân hay làm thuê.
Gia đình càng có nhiều con, tỉ lệ suy dinh dưỡng càng cao.

Ảnh: Phan Xuân Trung
Suy dinh dưỡng là một trong những yếu tố nguy cơ có liên quan đến hay
nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy, nhiễm trùng, sốt rét, một số bệnh đường hô hấp,
và tử vong [2, 3]. So với trẻ em phát triển bình thường, trẻ em suy dinh dưỡng
thường có chiều cao thấp hơn tiềm năng tăng trưởng, thể lực kém, và trí thông
minh suy giảm. Do đó, suy dinh dưỡng, là một vấn nạn y tế cộng đồng, một phần
vì những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nhưng một phần tác hại đến tương lai và
phát triển của một dân tộc. Vì thế, không ngạc nhiên khi thấy nhiều nghiên cứu
cho thấy người suy dinh dưỡng có năng suất lao động thấp. Giới kinh tế đặt vấn
đề rằng suy dinh dưỡng có ảnh hưởng đến phát triển kinh tế quốc gia [4,5].
Có quan điểm (vào thập niên 1950s và 1960s) cho rằng phát triển kinh tế
sẽ giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng. Nhưng cho đến nay, chúng ta biết rằng quan
điểm vừa đơn giản, vừa ngây thơ này không đúng, bởi vì phát triển kinh tế nhanh
không có nghĩa là suy dinh dưỡng sẽ được khắc phục. Ngược lại, nghiên cứu của
nhà kinh tế học Amartya Sen (giải Nobel kinh tế 1998) [6], Reutlinger và
Selowsky [7] cho thấy tốc độ phát triển kinh tế nhanh chỉ là điều kiện cần, nhưng
phân phối thu nhập đồng đều mới là điều kiện đủ để xóa bỏ nghèo đói. Các nhà
kinh tế này đề ra khái niệm “tăng trưởng từ hỗ trợ” (support-led growth) nhấn
mạnh đến vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp cung cấp những dịch vụ nhằm
đáp ứng nhu cầu của người nghèo như y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng để biến sự
tăng trưởng kinh tế ở mức độ quốc gia thành hiện thực xóa đói giảm nghèo.

Ảnh: Phan Xuân Trung
Từ những kinh nghiệm thực tế trong thập niên 1950s và 1960s, thay vì chỉ

chú tâm đến tăng trưởng kinh tế, các nhà nghiên cứu kinh tế và xã hội bắt đầu
quan tâm đến tăng trưởng kinh tế với mục tiêu đảm bảo nhu cầu của người dân.
Dinh dưỡng là một trong những nhu cầu cơ bản nhất của con người. Cố nhiên,
chúng ta không còn lạ gì với quan niệm này, vì câu “đủ ăn đủ mặc” vẫn là câu nói
nằm lòng, là ước mơ của biết bao thế hệ người Việt.
Nghiên cứu kinh tế và y tế cho thấy một cách nhất quán rằng phương án
hữu hiệu nhất để xóa tình trạng suy dinh dưỡng trong cộng đồng là nâng cao thu
nhập cho người dân [8]. Phần lớn các trẻ em suy dinh dưỡng ở các vùng nông
thôn, nơi mà thu nhập trung bình của nông dân còn quá thấp (có khi chỉ 20.000
đồng/ngày hay thấp hơn). Với những gánh nặng về chi phí học hành và những chi
phí nhân danh “xã hội hóa” hiện nay, việc xóa bỏ tình trạng dinh dưỡng có lẽ vẫn
còn khó khăn.
Tuy nhiên, với tốc độ phát triển kinh tế ở nước ta như hiện nay, rất khó
chấp nhận được tình trạng mà một bộ phận dân số với cả 2 triệu trẻ em sống trong
cảnh thiếu ăn. Chúng ta vẫn nói trẻ em là tiền đồ của quốc gia; do đó, cần phải có
những hành động đi đôi với lời nói. Nhà nước cần phải có chính sách đặc biệt
quan tâm giúp đỡ các em này, có thể dưới hình thức tài trợ ăn uống ngay tại nhà
trường, để sao cho trong tương lai gần nước ta không nằm trong danh sách các
nước có tỉ lệ suy dinh dưỡng cao nhất thế giới.
Chú thích:
[1] Xem bài “Tỉ lệ suy dinh dưỡng và yếu tố liên quan ở trẻ em dưới 5 tuổi tại xã
Bàu Cạn, Long Thành, Đồng Nai, năm 2004”, tạp chí Y học TPHCM, Tập 9, năm
2005.
[2] Xem bài “Undernutrition as an underlying cause of malaria morbidity and
mortality in children less than 5 years”, đăng trên tập san y học nhiệt đới
American Journal of Tropical Medicine and Hygiene., 71(2 suppl), 2004, pp. 55-
63.
[3] Xem “Undernutrition as an underlying cause of child deaths associated with
diarrhea, pneumonia, malaria, and measles” đăng trên tạp san dinh dưỡng học
American Journal of Clinical Nutrition, Vol. 80, No. 1, 193-198, July 2004.

[4] Behrman J. The Economic Rationale for Investing in Nutrition in Developing
Countries. World Development 1993; 21 (11): 1749-71.
[5] Behrman J. Economic Considerations for analysis of Early Childhood
Development Programmes. Food and Nutrition Bulletin 1999; 20:1, 146-70.
[6] Sen A. Health In Development: Critical Reflection. Bulletin of the World
Health Organization 1999;77:8, 619-23.
[7] Reutlinger S, elowsky M. Malnutrition and Poverty: Magnitude and Policy
Options. Baltimore: Johns Hopkins University Press 1976.
[8] World Bank. Enriching Lives: Overcoming Vitamin and Mineral Malnutrition
in Developing Countries. Washington, D.C.: The World Bank 1994.

×