Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

VUA TRẦN NHÂN TÔNG VỚI THIỀN PHÁI TRÚC LÂM 6 pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (131.64 KB, 6 trang )

VUA TRẦN NHÂN TÔNG VỚI THIỀN PHÁI TRÚC LÂM
6

Chính trong thời gian xuất gia này, ông đã bước theo chân của vị tổ Trúc Lâm
Trần Nhân Tông vĩ đại, đó là phải làm cái gì lợi ích cho đời cho người. Thế là ông
đã lao vào nghiên cứu tình hình văn tự của tiếng Việt có phần rườm rà khó học,
nên tự bản thân mình đề xuất một lối chữ quốc âm dễ học, dễ nhớ và dễ viết. Hơn
nữa, ông còn đấu tranh bác bỏ quan điểm cho rằng văn tự tiếng quốc âm không
phải là chữ thánh hiền, là một thứ “nôm na cha mách qué” và xác lập văn tự tiếng
quốc âm như một văn tự của thánh hiền:

Nói nôm tiếng thị tiếng phi
Đến lập văn tự lại y thánh hiềnỢ
Soạn làm chữ cái chữ con
San bản lưu truyền ai đặc thì thôngỢ
Vốn xưa làm nôm xe chữ kép
Người thiếu học khôn biết khôn xem
Bây chừ nôm dạy chữ đơn
Cho người mới học nghĩ xem nghĩ nhuần

Cả một cao trào dùng văn tự quốc âm để sáng tác và ghi chép trong các ngành học
thuật khác nhau từ thơ ca văn chương cho đến khoa học y dược đã phát triển sau
thời Pháp Tính. Ta có Thọ Tiên Diễn Khánh (1550 -1620?) viết Nam Hải Quan
Âm Phật sự tích ca, Minh Châu Hương Hải (1628 -1715) giải thích kinh điển bằng
tiếng Việt quốc âm qua hơn 20 đầu sách, mà hiện nay ta đã tìm lại nguyên vẹn
được 4 tác phẩm. Rồi Chân Nguyên, Như Trừng, Như Thị, Tính Quảng, Hải
Lượng, Hải Âu, Hải Hòa, Hải Huyền, An Thiền v.v Đặc biệt là Chân An Tuệ
Tĩnh (?-1711) người không chỉ nêu cao chủ trương và bản thân mình đã thực hiện
“dùng thuốc nam trị người nước Nam”, mà còn công bố những công trình khoa
học của mình bằng tiếng Việt quốc âm. Đây là những người tự nhận mình thuộc
thiền phái Trúc Lâm vào những thế kỷ 16, 17, 18, 19 và có những đóng góp to lớn


không chỉ đối với Phật giáo Việt Nam, mà còn đối với dân tộc Việt Nam trong sự
nghiệp xây dựng đất nước.

Thiền phái Trúc Lâm, sau khi Huyền Quang mất vào năm 1334, như thế, vẫn được
liên tục kế thừa với những khuôn mặt anh tài có những đóng góp to lớn và nhiều
mặt cho dân tộc, chứ không phải là “thời hưng thịnh chấm dứt”, như trước đây
nhiều người đã lầm tưởng. Tất nhiên, sự lầm tưởng này có nguồn gốc xa xưa của
nó, tối thiểu là từ khi Tính Quảng và Ngô Thời Nhiệm công bố Tam thổ thực lục
vào năm 1765,và nhất là sau khi Ngô Thời Nhiệm cho ra đời Tam tổ hành trạng
trong Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của mình. Tuy vậy, vào giữa thế kỷ thứ 19,
khi viết Đại Nam thiền uyển kế đăng lược lục và in vào khoảng năm 1858, An
Thiền đã ghi danh sách 23 vị thiền sư liên tục trụ trì sơn môn Yên Tử:

1.Hiện Quang tổ sư
2.Viên Chứng quốc sư
3.Đại Đăng quốc sư
4.Tiêu Dao tổ sư
5.Huệ Tuệ tổ sư
6.Nhân Tông tổ sư
7.Pháp Loa tổ sư
8.Huyền Quang tổ sư
9.An Tâm quốc sư
10.Phù Vân (hiệu Tĩnh Lự) quốc sư
11.Vô Trước quốc sư
12.Quốc Nhất quốc sư
13.Viên Minh tổ sư
14. Đạo Huệ tổ sư
15.Viên Ngộ tổ sư
16.Tổng Trì quốc sư
17.Khuê Thám quốc sư

18.Sơn Đằng quốc sư
19.Hương Sơn đại sư
20.Trí Dung quốc sư
21.Tuệ Quang tổ sư
22.Chân Trú tổ sư
23. Vô Phiền đại sư.

Bản danh sách này có người chép ra đầy đủ và gọi là “truyền thống Yên Tử”,1
nhưng không tìm hiểu xem danh sách truyền thống ấy có một giá trị lịch sử gì
không. Sau đó, có người lại dẫn và cho là “tính chân xác của toàn bộ danh sách
này thật đáng ngờ. Trật tự trước sau của các thế hệ ở đây xem ra không đáng tin
cậy”.1 Dẫu vậy, họ cũng thừa nhận các thế hệ trước Nhân Tông có thể dùng để
tham khảo được, vì rõ ràng Thiền uyển tập anh đã ghi thiền sư Hiện Quang (?-
1221) từng sống ở núi Yên Tử. Rồi đến khi vua Trần Thái Tông lên Yên Tử vào
năm 1236, thì Thiền tông chỉ nam tự ghi là vua gặp “quốc sư Trúc Lâm đại sa
môn”, trong khi đó ĐVSKTT 5 tờ 9b9 chép là vua gặp Phù Vân quốc sư. Còn
Thánh đăng ngữ lục tờ 8b4, Thiền tông bản hạnh và Đại Nam thiền uyển kế đăng
lược lục đều ghi là vua Trần Thái Tông đã gặp quốc sư Viên Chứng. Vì Thiền
uyển tập anh có ghi đệ tử của Hiện Quang tên là Đạo Viên, nên người ta thường
đồng nhất Viên Chứng với Đạo Viên.

Nếu quả thực Viên Chứng và Đạo Viên đều là tên của Phù Vân quốc sư, ta có thể
chắc chắn Viên Chứng đã sống cho tới những năm 1278. Bởi vì, theo Thánh đăng
ngữ lục tờ 4a5 khi vua Trần Thái Tông sắp mất, vua Thánh Tông đã “sai hai quốc
sư Phù Vân và Đại Đăng diễn thuyết pháp xuất thế gian” cho vua Thái Tông,
nhưng đã bị vua khước từ. Do thế, nếu Đại Đăng kế thừa Phù Vân trụ trì tại sơn
môn Yên Tử, thì chắc chắn cũng phải từ năm 1278 trở đi, nếu không muốn nói là
sau hơn nữa.

Kế tiếp Đại Đăng, theo bản danh sách của An Thiền kể trên, là tổ sư Tiêu Dao. Vị

tổ sư này chắc chắn không phải là đệ tử của Đại Đăng, vì Lược dẫn thiền phái đồ
trong Thượng sĩ ngữ lục đã ghi Tiêu Dao là học trò đắc pháp của cư sĩ Ứng Thuận.
Và Tiêu Dao phải mất trước năm 1291, khi Tuệ Trung qua đời. Lý do, trong số 49
bài thơ còn lại của Tuệ Trung có 4 bài liên hệ tới Tiêu Dao. Đó là Vấn Phúc
Đường đại sư tật, Thượng Phúc Đường Tiêu Dao thiền sư, Phúc Đường cảnh vật
và Điếu tiên sư. Đặc biệt là bài Điếu tiên sư đã chỉ cho biết Tiêu Dao phải mất
trước năm 1291 để cho Tuệ Trung phải viết bài thơ viếng thầy vừa nói.

Kế thừa Tiêu Dao tại Yên Tử là tổ sư Huệ Tuệ. Huệ Tuệ là ai? Trong số những đệ
tử của Tiêu Dao có tên ghi tại Lược dẫn thiền phái đồ, không thấy có tên nào là
Huệ Tuệ cả. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào cách đồng nhất Đạo Viên với Viên Chứng,
ta có thể đồng nhất Huệ Tuệ với Tuệ Trung, dù bản thân Tuệ Trung là danh tướng
Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tung. Hơn nữa, người kế thừa Huệ Tuệ trong bản
danh sách trên lại là Điều Ngự Trần Nhân Tông. Có khả năng Tuệ Trung trụ trì
sơn môn Yên Tử không? Chính hành trạng của Tuệ Trung do vua Trần Nhân Tông
viết trong Thượng sĩ ngữ lục đã ghi nhận vua Trần Thánh Tông đã tôn Tuệ Trung
làm sư huynh của mình. Đã thế, thì rõ ràng Tuệ Trung hoàn toàn có khả năng làm
trụ trì sơn môn Yên Tử. Việc vua Nhân Tông kế thừa Tuệ Trung làm trụ trì sơn
môn này là một việc dĩ nhiên, dù Tuệ Trung đã mất 4 năm, trước khi Nhân Tông
xuất gia, bởi vì vua Nhân Tông đã được Tuệ Trung ấn chứng từ những năm 1278,
như chính vua đã kể lại trong bản Hành trạng vừa nói. Sau vua Trần Nhân Tông là
Pháp Loa và Huyền Quang.

Vậy đúng là tám đời đầu tiên của bản danh sách trên, nếu ta kể luôn cả Pháp Loa
và Huyền Quang, mà tiểu sử và niên đại rất minh bạch, không có vấn đề gì quá
khiên cưỡng. Thế còn 15 đời còn lại có vấn đề gì không? Sự nghi ngờ về tính chân
xác của bản danh sách ấy chủ yếu chỉ dựa vào sự trùng tên của một vài người
trong số 15 vị thiền sư này. Cụ thể, tên của vị thiền sư đời thứ 12 là Quốc Nhất
quốc sư có tên trùng với thiền sư Quốc Nhất, đệ tử của thiền sư Ứng Thuận. Và
tên của vị thiền sư đời thứ 19 là Hương Sơn đại sư lại trùng tên với một đệ tử của

Điều Ngự Trần Nhân Tông. Dĩ nhiên Hương Sơn của Điều Ngự không thể nào kế
thừa truyền thống Yên Tử đời thứ 19 được.

Việc trùng tên của hai vị trong bản danh sách đó đáng ra không nêu lên những
nghi ngờ vừa nói, vì sự trùng tên, đặc biệt là tên đạo của những vị thiền sư rất
thường xảy ra trong lịch sử Phật giáo của mỗi nước cũng như giữa các nước Phật
giáo. Trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc, có trường hợp trùng tên nổi tiếng của
Tuệ Viễn (334-417) đời Tấn với Tuệ Viễn của đời Ngụy cách nhau trên cả trăm
năm. Ở nước ta việc trùng tên cũng khá nhiều. Chẳng hạn, ta có thiền sư Mãn Giác
(1052-1096) đời Lý với thiền sư Mãn Giác đời Lê Trung Hưng, vị thầy đã trao
giới cho Chân Nguyên Tuệ Đăng (1647 -1726), hay Minh Châu Hương Hải của
thế kỷ thứ 17 trùng tên với một vị cũng nổi tiếng không kém, thậm chí cùng có
chung quê quán nữa, tức cùng là gốc người Nghệ An cả. Còn nhiều nữa mà ta
không thể kể hết ra đây. Vì thế, nếu gặp sự trùng tên của các vị thiền sư, đặc biệt ở
những thời điểm khác nhau, ta không cần phải nêu lên những nghi ngờ quá đáng.

Ngoài ra, nếu 8 đời đầu của bản danh sách trên là đáng tin cậy, thì ta thử nghiên
cứu đời cuối của bản danh sách xem thế nào. Đời cuối là thiền sư Vô Phiền, ta
hiện chưa có một dữ kiện gì để xác định niên đại cụ thể. Tuy nhiên, đời kế cuối,
tức đời 22 ghi tên tổ sư Chân Trụ thì rõ ràng là thiền sư Minh Nguyệt Chân Trụ, vị
thầy đầu tiên của thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng. Dù Chân Nguyên không ghi rõ
lại Chân Trụ mất vào năm nào, nhưng ta biết Chân Nguyên xuất gia vào năm 19
tuổi. Vậy Chân Trụ phải còn sống cho tới những năm 1665. Và Chân Nguyên
cũng cho biết sau khi đắc pháp với Chân Trụ không lâu thì Chân Trụ qua đời. Từ
đó Chân Nguyên đã đến xin thọ giới tỳ kheo với Minh Lương Mãn Giác. Vậy
Chân Trụ phải sống vào khoảng những năm 1600 - 1670.

Sự có mặt của Chân Trụ trong bản danh sách ấy chứng thực cho tính chính xác của
nó. Truyền thống Yên Tử, như vậy, được nối tiếp liên tục, từ thời Huyền Quang
cho đến Vô Phiền, tức từ năm 1200 -1700. Có người sẽ hỏi sau Vô Phiền tại sao

không thấy ghi thêm tên của một vị thiền sư nào nữa cho đến thời An Thiền, tức từ
năm 1700-1850. An Thiền không ghi thêm tên người nào nữa vào danh sách đó vì
An Thiền đã ghi tên họ ở một nơi khác. Đó là Ngự chế thiền điển thống yếu kế
đăng lục của Như Sơn, mà An Thiền viết tiếp phần các thế hệ truyền thừa của
Chân Nguyên với các thiền sư Như Trừng, Tính Tuyền, Hải Quýnh, Tịch Truyền,
Chiếu Khoan và Phổ Tịnh., dù đây không phải là những người trực tiếp ở Yên Tử
nữa.

Như vậy, dòng thiền Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông thành lập đã có những tác
động to lớn đối với lịch sử dân tộc và Phật giáo và được kế thừa liên tục thậm chí
cho đến ngày nay. Đây không những là một dòng thiền do một người Việt Nam
sáng lập, mà dòng thiền này còn có những điểm đặc biệt về học lý và thực tiễn tu
tập, mà ta đã vạch ra ở trên, nhằm đáp ứng lại yêu cầu phát triển của lịch sử dân
tộc. Dòng thiền này đúng ra phải có một nghiên cứu riêng độc lập mới có thể làm
rõ nhiều vấn đề về lịch sử và học lý. Chúng tôi chỉ trình bày sơ lược nhân khi đề
cập đến những cống hiến to lớn của vua Trần Nhân Tông đối với lịch sử dân tộc
và Phật giáo nước ta. Một nghiên cứu độc lập như thế sẽ có tác dụng điều chỉnh
những nhận thức sai lầm về lịch sử cũng như học lý của dòng thiền này hiện vẫn
đang tồn tại.

×