Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Tây Sơn bình Gia định 4 potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (124.4 KB, 6 trang )

Tây Sơn bình Gia định
4
Trên sông Ðại Giang tức sông Mỹ Tho lại có một khúc vừa sâu vừa rộng vừa dài.
Ðó là nhờ nước sông Sầm Giang tục gọi là Rạch Gầm và sông Hiệp Ðức tục gọi là
Rạch Cái La hay Rạch Xoài Mút chảy vào tăng lưu lượng cho nước sông Tiền
Giang. Từ Rạch Gầm đến Xoài Mút dông dài 5 dặm (khoảng 6 cây số), và rộng
gần cả dặm (1 cây số). Thủy triều lên thì tràn đầy, khi xuống vẫn không cạn. Giữa
sông có một gò đất bồi chu vi khoảng 5 dặm, gọi là Cù lao Thới Sơn và một cù lao
nhỏ gọi là cù lao Hộ hay bãi Tôn. Hai bên bờ sông và trên cù lao lau lách và cây
bần mọc um tùm và không có vết chân người qua lại.
Nguyễn Huệ dùng khúc sông Rạch Gầm - Xoài Mút và Rừng Dừa làm trận địa để
diệt quân thù. Vì quân Xiêm - Nguyễn tập trung toàn bộ lực lượng, cả thủy quân
tại đạo Ðông Khấu ở Sa Ðéc, lực lượng quá lớn (300 chiến thuyền và 5 vạn thủy
lục quân), không thể nào đánh thẳng vào đại doanh của địch với số quân không
đầy một nửa. Nguyễn Huệ phải dụ địch ra ngoài nơi có lợi thế cho mình. Nguyễn
Huệ cho thủy binh mai phục trong các nhánh sông Rạch Gầm, Xoài Mút và trong
các con sông nhỏ chảy quanh các cù lao. Còn bộ binh thì một đạo mai phục ở hai
bên bờ sông và trên cù lao Thới, trên bãi Tôn, một đội mai phục nơi Rừng Dừa.
Thủy binh do Nguyễn Huệ và Võ Văn Dũng chỉ huy. Bộ binh do vợ chồng Trần
Quang Diệu điều khiển.
Vạn sự cụ bị Nguyễn Huệ cho Võ Văn Dũng kéo binh đến khiêu chiến. Ðó là
chiều ngày mùng 9 tháng chạp năm Giáp Thìn, tức 19 tháng 11 năm 1785.
Quân Xiêm - Nguyễn khi được tin binh Tây Sơn kéo đến Mỹ Tho thì liền chuẩn bị
sẵn sàng để đối phó. Nhưng do chưa biết được rõ lực lượng của địch mạnh yếu thế
nào nên chưa tấn công. Bị khiêu chiến, Chiêu Tăng liền cắt Sạ Uyển cùng một vạn
bộ binh ở lại giữ đại bản doanh và các nơi hiểm yếu, còn mình thống lãnh đạo
thủy lục quân đi đánh Tây Sơn.
Bộ binh do Lục Côn chỉ huy theo tả ngạn sông Tiền Giang đi xuống.
Thủy binh do Chiêu Sương làm tiên phong kéo thẳng xuống sông Mỹ Tho.
Hai đạo thủy bộ đều có tướng sĩ của Nguyễn Phúc Ánh dẫn đường, hẹn nhau sau
khi chiến thắng Mỹ Tho thì đồng kéo nhau ra đánh thành Gia Ðịnh.


Trời tháng chạp quang đãng. Trăng thượng huyền treo cao.
Quân giặc kéo đi rầm rộ. Nhưng không thể tiến nhanh, vì trên bờ lau lách, dưới
sông thì nước triều đương dâng.
Võ Văn Dũng vừa đánh vừa lui.
Ðến giang đầu sông Mỹ Tho thì trời bắt đầu tối. Ðèn được treo trên thuyền đôi bên
thắp sáng rực trời. Thuyền Tây Sơn núp trong Rạch Gầm kéo ra hợp lực cùng
thuyền Võ Văn Dũng chặn không cho thuyền giặc tiến. Ðợi khi trăng sắp lặn, thủy
triều sắp rút thì Võ Văn Dũng trá bại. Thuyền giặc ra sức đuổi theo. Ðến Rạch
Gầm, một phần lớn thuyền Tây Sơn tắt hết đèn đuốc, trẽ vào rạch, còn phần nhỏ
thì chạy thẳng theo dòng sông Mỹ Tho. Thuyền giặc cứ trông theo ánh sáng mà
đuổi. Khi thuyền giặc đã lọt trọn vào trận địa, thì một tiếng pháo lệnh nổ vang.
Thuyền của Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy từ rạch Xoài Mút và các sông nhỏ
kéo ra chặn đánh. Ðồng thời súng đại bác trên cù lao Thới Sơn và hai bên bờ sông
nã liên thanh vào thuyền giặc. Bị đánh thình lình, Chiêu Sương hoảng hốt cho
dừng thuyền lại. Thuyền trước dừng lại một cách đột ngột, những đoàn thuyền đi
sau đương đà tiến nhanh theo nước triều rút, không sao hãm kịp, bị va vào nhau,
hết lớp này đến lớp khác. Ðoàn thuyền đi sau rốt vừa quay trở lại thì bị thuyền ở
Rạch Gầm kéo ra đánh thối lui vào trận địa.
Phần bị trước chặn đánh, sau đuổi đánh, phần bị hai bên hông và trên đầu đại bác
nã, phần thuyền va vào nhau, hàng ngũ rối loạn, hết phương day trở, hết phương
chống đỡ, thuyền địch lớp bị tan vỡ, lớp bị bắn chìm không còn một chiếc. Quân sĩ
lớp nhảy xuống nước bị chết chìm, lớp bị giết chết, trăm phần không còn được
một, hai. Thế là 300 chiến thuyền và 2 vạn thủy binh của Xiêm và một số quân của
Phúc Ánh bị hoàn toàn tiêu diệt.
Còn đạo bộ binh của giặc đương đi bỗng nghe tiếng đại bác nổ, liền dừng bước.
Thình lình trong lau lách phục binh của Tây Sơn vừa hét vừa xông ra. Lục Côn trở
tay không kịp, bị Bùi Thị Xuân chém một nhát bay đầu [49]. Binh lính hết hồn,
đều bỏ chạy tán loạn. Nhưng sau lưng có quân đánh, hai bên tả hữu cũng có quân
đánh, chúng ùa nhau chạy về phía trước, nhảy ào vào rừng dừa. Hai vạn binh
Xiêm và số quân nhà Nguyễn, lớp bị đao kiếm, lớp bị sình lầy, chết không còn

một mống !
Trời vừa rạng đông thì chiến cuộc cũng vừa dứt. Quân Tây Sơn toàn thắng, Chiêu
Tăng và Chiêu Sương tẩu thoát. Nguyễn Phúc Ánh được một bộ tướng là Nguyễn
Văn trị cứu khỏi và cõng chạy đến trốn nơi Mỹ Ðức ở Thi Giang, rồi chạy lần ra
náu ở Cồn Khơi thuộc Hà Tiên.
Tướng Xiêm Chiêu Tăng và Chiêu Sương[50] trốn thoát chạy về Sa Ðéc, bị quân
Tây Sơn truy kích, hối hả cùng Sạ Uyển kéo tàn quân chạy bộ về Xiêm. Kiểm
điểm quân số thì khi xuất quân, thủy bộ cả thảy 5 vạn, lúc trở về chỉ còn mươi
ngàn lục quân và không đầy vài ngàn thủy quân! Như vậy chỉ trong một trận Tây
Sơn tiêu diệt gần 4 vạn quân Xiêm và 300 thuyền chiến.
Còn Nguyễn Phúc Ánh hết trốn nơi này đến nơi khác, liệu không thoát khỏi tay
đối phương luôn luôn cho lùng bắt, bèn cùng một số tướng sĩ chạy qua Xiêm xin tị
nạn[51].
Quét sạch quân xâm lăng, đuổi được Nguyễn Phúc Ánh ra khỏi nước, Nguyễn Huệ
lo sắp đặt tề chỉnh việc quân việc dân, rồi giao Gia Ðịnh cho Trương Văn Ða và
Ðặng Văn Chấn trấn thủ, còn mình cùng Võ Văn Dũng và vợ chồng Bùi Thị Xuân
kéo đại binh về Quy Nhơn.

Cao Tắc Tựu và Triệu Ðình Tiếp bàn cùng nhau:
+ Cuộc chiến thắng này đã làm sáng tỏ chính nghĩa của nhà Tây Sơn. Cái tội rước
voi của Nguyễn Phúc Ánh đã sờ sờ ra đó, và có công giải thoát ách ngoại xâm của
Long Nhương Tướng quân đã đủ trang bị cho chúng ta để chinh phục nhân tâm
của sĩ phu và lê thứ đất Gia Ðịnh.
+ Phần đông sĩ phu Gia Ðịnh hiểu nghĩa chữ trung một cách lệch lạc. Họ chỉ nghĩ
đến Vua, cho rằng trung quân tức ái quốc. Cho nên cứ khư khư ôm chữ trung quân
vào lòng, mặc dù Vua kia, chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng của mình mà dẫm đạp lên
trên quyền lợi chung của Tổ quốc và Dân tộc. Họ nghĩ rằng đất này là của nhà
Nguyễn bị nhà Tây Sơn chiếm đoạt, thì Nguyễn Phúc Ánh có quyền nhờ ngoại
bang giúp mình đánh lấy lại. Phá nước hại dân là tội của quân Xiêm, chớ không
phải tội của Phúc Ánh. Cho nên họ không oán giận họ Nguyễn mà chỉ căm thù

quân Xiêm. Phải đả phá cho được tư tưởng sai lầm đó, thì lời nói phải của chúng
ta mới lọt được vào tai.
+ Ðất Gia Ðịnh rộng mênh mông mà chỉ có hai chúng ta thì không thể nào dẫy hết
cỏ dại đã ăn sâu vào trí não, để cấy lúa trồng dâu.
Hai ông liền bàn cùng Trương Văn Ða và Ðặng Văn Chấn rồi một mặt làm sớ gởi
về Quy Nhơn xin thêm người, một mặt chiêu nạp nhân tài ở địa phương làm phụ
tá.
Vua Thái Ðức liền sai Huỳnh Văn Thuận và Lưu Quốc Hưng vào tăng cường.
Từ ấy đồng bào Gia Ðịnh được an cư lạc nghiệp.
Việc học hành được tổ chức khắp nơi. Ruộng đất mỗi ngày mỗi thêm mở rộng.
Quân sĩ thay phiên nhau làm việc canh tác với đồng bào. Gia Ðịnh trở thành nơi
trù phú.

[48]Ðích danh là Hỏa hổ lớn bằng cổ tay, làm bằng đèn khối, rất nhạy lửa, nước
tưới không tắt, chỉ đất bùn mới dập tắt.
[49] Nghe truyền rằng viên tướng Xiêm thấy Bùi nữ tướng đường kiếm tuyệt luân,
sắc đẹp lại tuyệt mỹ, đứng ngó sững sờ nên bị nữ tướng chém không đỡ kịp. Ðầu
giặc bay xa đến mấy dặm và bị rơi dính trên cây cao.
[50] Các sách Quốc ngữ đều chép là Chiêu Sương và giải thích rằng Chiêu là một
chức quan. Nhưng sách Nguyễn triều long hưng sự tích lại chép là Triệu Tăng và
gọi là Thế Tử.
[51] Các sách Quốc ngữ đều chép rằng trong số tướng tá chạy theo Nguyễn Phúc
Ánh có Lê Văn Quân. Song nghe truyền Quân bị thua trận Ba hai xấu hổ tự sát.
Lời truyền phù hợp với lời ghi trong Ðại Nam Nhất Thống chí nơi mục sông ngòi
và mục nhân vật.

×