Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Lược sử Việt Nam vắn tắt 4 pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (130.66 KB, 6 trang )

Lược sử Việt Nam vắn tắt
4
Nhà Lê.

Một phong trào nổi dậy giành lại độc lập được dấy lên khắp nơi, rồi qui tụ dưới
ngọn cờ khởi nghĩa của Lê Lợi ở đất Lam Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Sau mười năm
gian khổ, Lê Lợi được sự ủng hộ của nhân dân và sự giúp đỡ của các tướng lĩnh tài
ba, trong đó có người anh hùng và nhà văn hoá Nguyễn Trãi, đã tiến hành thắng
lợi công cuộc chiến tranh giải phóng. Bài Bình Ngô Ðại Cáo của Nguyễn Trãi
được coi như bản Tuyên ngôn độc lập.
Trong thế kỷ XV, xã hội Việt Nam ổn định, nông nghiệp được phục hồi và phát
triển, công thương nghiệp đều có những bước tiến mới. Nho giáo trở thành hệ tư
tưởng chính thống. Việc đào tạo nhân tài qua khoa cử nho học được tiến hành có
nề nếp. Bộ Quốc triều Hình luật, còn gọi là bộ luật Hồng Ðức, được soạn thảo,
phản ánh trung thực trạng thái chính trị, kinh tế và xã hội Việt Nam thế kỷ XV.
Năm 1527, Mạc Ðăng Dung lật đổ vua Lê, lập ra triều đại Mạc ở Thăng Long (Hà
Nội). Dòng họ Trịnh đã làm cuộc chiến tranh chống Mạc. Ðến năm 1592, quân họ
Trịnh chiếm lại Thăng Long, vua Lê trở lại ngai vàng, nhưng mọi quyền bính đều
nằm trong tay các chúa Trịnh.
Phía Nam các chúa Nguyễn đã mở rộng vùng đất của mình cho đến đồng bằng
sông Cửu Long và đồng thời tiến hành một cuộc chiến tranh chống họ Trịnh. Cuộc
chiến tranh Trịnh - Nguyễn kéo dài từ 1627 đến 1772.
Ðây là thời kỳ Việt Nam có nhiều biến động lớn về chính trị cũng như về kinh tế -
xã hội. Từ cuối thế kỷ XVI, Việt Nam đã có quan hệ ngoại thương với các nước
phương Tây như Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp phát triển. Thời
kỳ này, đạo Kitô giáo bắt đầu được truyền bá ở Việt Nam.
Do nền kinh tế hàng hoá có khởi sắc, nhiều đô thị đã hưng khởi. Ðàng Ngoài có
Thăng Long, Phố Hiến; Ðàng Trong có Hội An, Thanh Hà, Nước Mặn.

Triều đại Tây Sơn


Năm 1771, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã lãnh đạo cuộc
khởi nghĩa Tây Sơn lật đổ được sự thống trị của chúa Nguyễn. Ðầu năm 1785, sau
khi đánh tan quân Xiêm ở Rạch Gầm - Xoài Mút (trên sông Mỹ Tho), quân Tây
Sơn lại kéo ra Ðàng Ngoài, lật đổ chính quyền chúa Trịnh. Ông vua cuối cùng của
nhà Lê là Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc, yêu cầu triều đình nhà Thanh
đem quân vào Việt Nam. Năm 1788, Nguyễn Huệ đã lên ngôi vua ở Phú Xuân
(Huế) rồi đem quân tiến ra Bắc, đánh tan 29 vạn quân Thanh vào tháng Giêng
1789 ở Thăng Long.
Quang Trung Nguyễn Huệ, người mở đầu triều đại Tây Sơn, đã bước đầu thi hành
một số chính sách tiến bộ về ruộng đất và văn hoá. Năm 1792, Quang Trung chết.
Khi đó Nguyễn ánh, với sự giúp đỡ của người Pháp, tiến hành cuộc chiến tranh
chống Tây Sơn. Ðến năm 1802, Nguyễn ánh chiếm được Phú Xuân lập nên triều
đại nhà Nguyễn.

Nhà Nguyễn

Nguyễn ánh lên ngôi vua năm 1802, tức Gia Long, mở đầu cho triều đại Nguyễn
(1802 - 1945).
Các ông vua đầu thời Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng đã thống nhất đất nước
và xây dựng được một chính quyền tập trung vững mạnh, kiểm soát được một
vùng lãnh thổ rộng lớn hơn nhiều so các triều đại trước đó. Trong nước, nhà
Nguyễn đã làm tốt chính sách khai hoang lập đồn điền, phát triển thuỷ lợi. Ðối với
bên ngoài, Minh Mạng và Thiệu Trị đã cho nhiều thuyền vượt biển để tiếp xúc
giao thương với Pháp, Anh, Inđônêxia, ấn Ðộ
Các vua Nguyễn đã tổ chức biên soạn các sách lịch sử và địa lý quốc gia, in ấn
nhiều bộ sách quan trọng, có ý nghĩa đối với văn hoá dân tộc. Nho giáo chiếm vị
trí độc tôn, trở thành hệ tư tưởng thống trị, chỗ dựa cho tư tưởng bảo thủ của nhà
Nguyễn. Nhà Nguyễn thực hiện chính sách lạc hậu, bế quan toả cảng và khước từ
các đoàn ngoại giao muốn đặt quan hệ với Việt Nam.
Giai đoạn thuộc Pháp


Năm 1857 chính phủ Pháp thông qua quyết định đánh chiếm Việt Nam. Nhưng do
sự đánh trả quyết liệt của những người yêu nước Việt Nam, phải sau 30 năm, thực
dân Pháp mới thiết lập được quyền thống trị của họ trên toàn lãnh thổ Việt Nam
(1887).
Năm 1887, Liên bang Ðông Dương thành lập, gồm 5 xứ là Bắc Kỳ, Trung Kỳ,
Nam Kỳ, Cao Miên và Lào. Ðến đầu thế kỷ XX, các hoạt động kinh tế xã hội của
Pháp ở Việt Nam bắt đầu được đẩy mạnh. Người Pháp tập trung đầu tư vốn vào
các ngành khai thác mỏ và một số kỹ nghệ. Ðã xuất hiện những đồn điền rộng lớn.
Và bên cạnh cây lúa, đã xuất hiện cây chè, cây cà phê, cao su, thầu dầu, Sản
phẩm nông nghiệp và thủ công nghiệp bắt đầu trở thành hàng hoá. Gắn liền với
những biến chuyển kinh tế là sự ra đời của giai cấp tư sản Việt Nam và giai cấp
công nhân Việt Nam.
Về giáo dục năm 1915, Pháp bãi bỏ chế độ thi cử cũ và quy định ba bậc học ở phổ
thông (ấu học, tiểu học, trung học) và năm 1917, chính thức mở trường đào tạo
quan chức theo "ngạch Tây".
Còn đối với nhân dân lao động, nhất là nông dân, thực dân Pháp thi hành chính
sách cai trị khắt khe, tàn bạo, thông qua hệ thống quan lại và mật thám. Người dân
phải đóng nhiều thứ thuế. Chính sách ngu dân của thực dân giam hãm họ trong u
tối.
Những người yêu nước Việt Nam vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng đất nước.
Lớp này ngã xuống thì lớp khác lại vùng dậy. Cho đến năm 1930, Nguyễn ái
Quốc, tức Hồ Chí Minh, đã sáng lập Ðảng Cộng sản Vi sau đổi tên là Ðảng Cộng
sản Ðông Dương, và từ đấy những người cộng sản lãnh đạo phong trào giải phóng
dân tộc.

Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (1945-1976)
nay là Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (từ năm 1976).
Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, phát xít Nhật đầu hàng, nhân dân Việt
Nam đã tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ngày 2 - 9 -

1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập ở quảng trường Ba Ðình
(Hà Nội), khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Ngay sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân Việt Nam đã phải
đương đầu với những âm mưu và hành động xâm lược của nhiều kẻ thù bên ngoài.
Năm 1946, thực dân Pháp đã trở lại xâm lược Ðông Dương. Nhân dân Việt Nam
dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Ðông Dương (tên của Ðảng Cộng Sản Việt
Nam thời đó) và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến hành cuộc kháng chiến, bảo vệ nền
độc lập của mình. Chiến thắng Ðiện Biên Phủ lịch sử đã kết thúc cuộc kháng chiến
trường kỳ, gian khổ lần thứ nhất của nhân dân Việt Nam. Với Hiệp định Genève
(1954), độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đã được thế giới
chính thức thừa nhận.
Sau khi Thực dân Pháp rút khỏi miền Bắc, nước Việt Nam vẫn bị chia cắt làm hai
miền. Miền Bắc (từ vĩ tuyến 17 trở ra) là nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, bắt
đầu công cuộc xây dựng đất nước. ở miền Nam, từ vĩ tuyến 17 trở vào gọi là Việt
Nam Cộng hoà, vẫn diễn ra cuộc chiến tranh giữa một bên là nhân dân miền Nam
và một bên là chính quyền Sài Gòn và quân đội Mỹ.
Nhân dân Việt Nam một lần nữa phải chịu đựng một cuộc chiến tranh ác liệt trong
gần 20 năm để giành lại độc lập dân tộc. Sau hiệp định Pari (1973), quân đội Mỹ
rút khỏi Việt Nam. Với chiến thắng mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ
Chí Minh lịch sử, ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền Sài Gòn sụp đổ. Ðất
nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất, lấy tên là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa
Việt Nam, thủ đô là Hà Nội. Dân tộc Việt Nam bắt tay vào khắc phục những hậu
quả nặng nề của 30 măm chiến tranh, xây dựng lại đất nước. Ngày nay, dân tộc
Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới xây dựng và phát triển kinh tế, thực hiện
mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh.

×