Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Có nên quan tâm tới lời dị nghị của thiên hạ không? ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (95.16 KB, 5 trang )

Có nên quan tâm tới lời dị nghị của thiên hạ không?


Suốt thời thanh niên tôi luôn luôn nhận được hai lời cảnh báo này:
"Người khác sẽ phê bình mình ra sao?" và "Đừng để cho ý kiến của người
khác ngăn cản hành động của mình". Hai lời cảnh báo đó hoàn toàn trái
ngược, ít nhất là bề ngoài, thành thử hồi đó tôi hoang mang đau khổ lắm.
Nhưng bây giờ tôi hiểu song thân tôi muốn khuyên tôi ra sao rồi, vì hai lời
đó thuộc về hai quy tắc luân lý khác nhau:
- Một mặt, ta có bổn phận làm điều phải, bất chấp ý kiến của "thiên
hạ" (nghĩa là của những kẻ ngu ngốc, tàn ác hoặc những kẻ chỉ nghĩ tới
phương diện vật chất của các vấn đề).
- Mặt khác, trước khi có một hành động nào dị thường có thể làm cho
người khác phật ý, bực mình hoặc buồn rầu thì ta phải chú ý tới ý kiến của
người.
Lời khuyên thứ nhất (phải chú ý tới ý kiến của người khác) ai cũng
cho là đúng; cho nên dưới đây tôi chỉ xét lời khuyên thứ nhì thôi:
"Thiên hạ muốn nghĩ sao thì nghĩ, mặc!" câu đó có thể thốt ra nhiều
cách: hoặc là tự cao tự đại, muốn thách thiên hạ, hoặc là bình tĩnh, cương
nghị hoặc là chán nản. Nhưng dù thốt ra cách nào thì cũng có vẻ là mình tự
tin rằng mình hơn người, mà sự thực mình thiếu đức tự tin, nên mới làm bộ
bất chấp dư luận như vậy. Câu đó còn tỏ rằng mình nhận được hành động
của mình có cái gì khác thường, trái với tập quán, và không được người đời
chấp nhận. Mình sẽ tách ra khỏi một đoàn thể: gia đình, cộng đồng, giai cấp
xã hội. Thái độ tự tách ra khỏi đoàn thể có thể có nhiều nguyên nhân:
- Tin chắc rằng người khác là bậy nên chẳng những không liên kết với
họ mà còn chống đối họ bằng một cách tích cực hay tiêu cực;
- Hoặc muốn tỏ ra "ta đây nào phải như ai", thái độ này nguyên do là
tại một mặc cảm tự ti, người nào nhận định được giá trị của mình thì không
khi nào tỏ vẻ khoe khoang muốn cho thiên hạ chú ý tới mình;
- Hoặc do bẩm sinh, do giáo dục mà trở thành một kẻ "nan du", không


có tinh thần đoàn kết, tinh thần trách nhiệm;
- Hoặc có thể hồi nhỏ bị dạy dỗ nghiêm khắc mà oán đời, thấy cần
phải nói thẳng vào mặt thiên hạ rằng mình chẳng coi dư luận thiên hạ ra cái
quái gì cả (thái độ đó là thái độ gây gổ của biết bao thanh niên đối với thế hệ
cha anh họ);
- Cũng có thể là mình tự tin quá, tự cao tự đại quá, coi người khác là
đồ bỏ nên không cần để ý tới dư luận;
- Sau cùng có thể là thấy thế của mình yếu, nên phải lấy sự bất chấp
dư luận làm một thứ áo giáp để tự che chở cho mình.
Bất kì là do nguyên nhân nào, thái độ khinh thường người khác và ý
kiến của họ cũng là một thái độ xấu vì nó tỏ rằng ta có một quan niệm lệch
lạc, phi nhân bản về xã hội. Chỉ có mỗi thái độ này là đúng đắn: nhận trong
đáy lòng rằng không ai có thể sống một mình trên đời được, cũng chưa có ai
sống như vậy bao giờ, mỗi người chỉ là một cái khoen trong cái dây xích ba
tỉ cá nhân, đồng thời cũng là một thành phần của một dân tộc, một giai cấp,
một gia đình nữa. Thực trạng như vậy. Kẻ nào điên thì mới cho mình là một
biệt lệ, vì ai cũng liên kết với tất cả các người đồng loại bằng từng đường
gân, thớ thịt của mình. Không ai có thể độc lập tới cái mức người khác
không liên quan chút gì tới mình mà mình cũng chẳng liên quan gì tới họ.
Người ta nói khoa học ngày nay có thể chế tạo một thứ máy vô tuyến
truyền hình cho bất kì lúc nào và bất kì ở đâu, bất kì ai cũng có thể nhìn thấy
một người khác được. Viễn tưởng đó ghê gớm quá! Bị Chúa lúc nào cũng dò
xét, còn đỡ sợ hơn vì chắc chắn là Người từ bi hơn con người! Nhưng dù
không có cái máy quỉ đó thì sự thực mỗi người trong chúng ta cũng luôn
luôn bị người khác kiểm soát. Người khác tuy không thấy hành động của
chúng ta, nhưng cũng biết chúng ta là gì; mỗi hành vi, cử chỉ của ta đều ảnh
hưởng tới họ.
Tôi còn nhớ rõ một khí cụ vật lý hồi tôi còn là sinh viên: có nhiều quả
tròn treo trên một cái cột hễ đụng vào quả thứ nhất thì quả này lại đụng vào
quả thứ hai, quả thứ hai đụng vào quả thứ ba, cứ như vậy mà truyền đi cho

tới quả cuối cùng. Và ngay từ hồi đó tôi đã nghĩ bụng: "Bây giờ mình phát ra
một tiếng thì những làn sóng âm thanh sẽ lan đi khắp thế giới, và nếu ngón
tay mình chạm vào cái bàn này thì tất cả những phần tử trong vũ trụ sẽ bị
kích động".
Các hành vi, cử chỉ của ta cũng ảnh hưởng tới người khác như vậy,
lan dần từ gần tới xa, gây ra những sự biến đổi ta không sao kiểm soát nổi.
Vậy chúng ta không thể làm một cái gì chỉ can hệ tới riêng ta mà thôi, không
liên can gì tới người khác. Ta làm cái gì là làm cho người khác, cho cả thế
giới. Ai có chút tinh thần trách nhiệm, nghĩ tới điều đó, tất phải hoảng sơ; và
ta chỉ có quyền bất chấp dư luận khi lương tâm ta buộc ta hành động vì một
chân lí tối cao nào đó. Trong các trường hợp trái lại, ta không được phép
hành động chỉ vì chuyên đoán của ta mà bất chấp ý kiến của người khác ( )
Nhưng như vậy là phải luôn luôn chú ý tới lời dị nghị của thiên hạ ư?
Không phải là luôn luôn nhưng ít nhất mỗi khi ta có quyết định gì quan
trọng chẳng hạn khi ta tự cho mình cái quyền làm một việc bậy gì đó, từ chối
không tỏ rõ thái độ khiến cho người khác hóa nhút nhát, không dám lãnh
trách nhiệm; hoặc trái lại, khi ta muốn giúp đỡ ai mà bênh vực một ý kiến
nào đó chống lại dư luận chung.
Nhưng như vậy là lệ thuộc vào dư luận rồi, còn đâu tự do nữa? Phải,
nhưng bạn đã có ý niệm sai lầm về tự do rồi đấy, cho nó là đồng nghĩa với
độc lập, không có trách nhiệm. Người nào hiểu rõ thực tế, luôn luôn nhận
định được thân phận thực sự của mình, tức thân phận của một cá nhân cột
chặt với toàn thể nhân loại bằng một sợi dây xích - sợi dây đó không làm ta
đau khổ đâu nếu ta biết kiên nhẫn chịu và biết yêu đồng loại - thì người đó
mới thực xứng đáng được gọi là tự do.

×