Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Kiruna: tiếng gọi nơi hoang dã ppsx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (187.26 KB, 4 trang )

Kiruna: tiếng gọi nơi hoang dã
Mê mẩn với cảm giác cưỡi xe chó phi vù vù qua các khu rừng tuyết trắng, rồi
hi vọng biết đâu xem được bắc cực quang, nên khi săn được chuyến bay giá
rẻ, chúng tôi vội vàng bay đến Stockholm, Thụy Điển. Kiruna – thị trấn thủ
phủ của Lapland, tỉnh cực bắc Thụy Điển – chan hòa nắng và ê hề tuyết đang
chờ sẵn.

Phóng xe chó kéo dọc sông băng – Ảnh: Trung Công
Ông già râu ria xồm xoàm mặc áo len cừu dài thượt, đi ủng da cứ như bước ra từ
chuyện cổ tích xưa cũ nào đó tập hợp cả đoàn khách hỗn độn mọi quốc tịch,
nghiêm khắc hướng dẫn nội quy lái xe chó kéo. Cả nhóm hơn chục người theo chị
phụ tá ra chuồng chó đặt trên chiếc xe lớn và tự dắt chó móc vào xe mình. Những
con đầu đàn cực khỏe lôi chúng tôi xềnh xệch ra bìa rừng.
Nhóm khách VN bốn người chung một xe dẫn đầu. Xe rất đơn giản, bằng gỗ và có
càng trượt trên tuyết, một bộ phận phanh bằng kim loại. Người lái xe đứng cuối
cùng tay cầm càng lái, chân sẵn sàng đạp phanh. Chỉ cần đạp xuống phanh một lần
dứt khoát là lũ chó biết hiệu lệnh dừng lại, còn xuất phát là đẩy nhẹ xe.
Ông già lái một chiếc xe dọn tuyết đi trước dẫn đường để đảm bảo tốc độ và an
toàn cho cả đoàn. Mỗi xe được năm con chó kéo đi. Một con đầu đàn, bốn con sau
chạy hai hàng song song, tất cả phối hợp nhịp nhàng với nhau để giữ tốc độ, cự ly
giữa các xe, đặc biệt không được làm rối dây. Xe chạy vun vút qua rừng thông,
lướt trên mặt sông băng, thỉnh thoảng dừng lại để đổi lái. Cả năm xe đều phấn
khích hò hét như đang đi với Jack London theo “tiếng gọi nơi hoang dã”.
Chuyến đi hơn chục cây số trôi nhanh như tốc độ chạy tăng tốc của lũ chó, sau đó
là những chiếc snow mobile (xe gắn máy trượt tuyết) kềnh càng với hai thanh
trượt lớn. Những chiếc xe nhảy chồm chồm băng qua những đụn tuyết hoặc vòng
qua các khúc cua. Mới đi khoảng 30-35km/g mà tuyết đã bắn tung táp vào mặt rát
rạt.

Câu cá trên băng lạnh buốt


Cuộc sống nơi hoang dã
Khu trại ngủ đêm rồi cũng hiện ra ven sông với khoảng chục nóc nhà gỗ, trên mái
phủ một lớp tuyết dày 40-50cm. Mọi hoạt động ở đây do một người dân tộc thiểu
số Sami tên Stieg hướng dẫn. Anh sống một mình và quán xuyến tất cả mọi thứ.
Bài học đầu tiên của chúng tôi là việc sử dụng lửa, giữ sạch tuyết, cách đi lại an
toàn trong vùng và bảo vệ tài nguyên rừng.
Sau bữa trưa với món gulash xúp thịt tuần lộc và bánh mì, cả đoàn lên xe gắn máy
trượt tuyết ra sông băng câu cá. Stieg dùng khoan băng tạo những lỗ tròn bằng
miệng nồi xuyên thủng qua lớp băng dày. Stieg bảo buổi tối sẽ được ăn cá sông
nướng, mà việc câu cá của chúng tôi chẳng hứa hẹn sẽ có gì bỏ vào lò nên lại dẫn
mọi người ra một hố băng lớn đánh dấu bởi hai cành cây và hai con cá to dài thượt
đóng băng cứng đờ. Nhấc cành cây có mắc một đầu lưới và “hạ lệnh” cho hai
người khác ra đầu kia để giữ, anh chầm chậm kéo từng đoạn lưới ngắn.
Con cá đầu tiên giãy tanh tách bị ném trên mặt băng trong tiếng vỗ tay phấn khởi
của mọi người. Chẳng mấy chốc xô đã đầy cá. Rút dao cài thắt lưng, Stieg nhanh
nhẹn làm cá ngay tại chỗ.
Cả nhóm thưởng thức một chầu cà phê và trà ngay trên băng, khoan khoái tán
chuyện bằng đủ thứ tiếng và ngắm hoàng hôn xuống. Cảnh rừng thông xanh trên
nền tuyết trắng trong buổi chiều lãng mạn ở vùng cực bắc và hương vị thức uống
nóng thơm quyện vào nhau thật tuyệt.
Trở về nơi nghỉ đã có việc phải làm ngay, cưa và bổ củi để tối có củi nấu ăn, đốt lò
sưởi và nấu nước tắm hơi (sauna). Chẳng mấy khi đụng đến cưa và rìu, nhưng hì
hụi mãi bọn tôi cũng cưa được hai thúng củi bạch dương to đùng đủ cho buổi tối.
Mọi người tản ra đi trượt tuyết, dạo chơi trong rừng theo dấu chân cáo và tuần lộc,
xem bẫy hố truyền thống của thợ săn trong vùng.
Nhá nhem tối Stieg lại “lệnh” mọi người mang xô ra sông. Anh chọn một nơi chắc
chắn, khoan và cưa băng lấy chỗ múc nước. Chúng tôi phải xách những xô đầy
oặp nước leo dốc lên khu nhà nghỉ. Đường tuyết khấp khểnh, mệt bở hơi tai nhưng
tiếng cười cứ thế vang lên không ngớt.
Săn bắc cực quang… hụt!

Nhiệm vụ cuối cùng ngày hôm đó, trong lúc đợi bữa tối, là thay phiên nhau chạy
ra sân canh chừng bắc cực quang. Hiện tượng ánh sáng kỳ thú này không biết lúc
nào xuất hiện và chỉ nhìn thấy trong vài phút nên cần có người trực canh liên tục.
Từng đôi thay nhau mặc áo ra sân, mỗi lần 10-15 phút, rồi lại chạy vào hơ tay bên
bếp.
Nhưng có lẽ năm nay bão từ không hoạt động mạnh, không phải là thời điểm tốt
nhất để chiêm ngưỡng hiện tượng thiên nhiên này. Chỉ một thoáng nhìn thấy một
dải ánh sáng mờ mờ màu xanh hiện ra, nhưng hi vọng bắc cực quang xuất hiện rõ
hơn, lung linh hơn thì… không. Thật tiếc, Stieg bảo thôi cứ ráng chờ đến năm
2012, một chu kỳ bão từ khác để… thử vận may.
Nhưng ấm ức xem hụt bắc cực quang qua nhanh, bữa tối ấm áp ngon lành có thịt
tuần lộc xào hành, khoai tây bỏ lò và cá nướng mới thu hoạch, sau đó là một chầu
sauna khô đúng chất Bắc Âu trong lều gỗ thông nóng rực. Xông hơi, ra ngoài xát
tuyết lên người rồi lại vào xông hơi. Stieg chuẩn bị sẵn xô băng trong lều sauna
như một ngạc nhiên nho nhỏ dành cho những người chưa dám bạo gan tồng ngồng
ra trời đêm lạnh chà xát cơ thể trên tuyết.
Giấc ngủ đến thật êm đềm trong lều gỗ của người Sami, lâu lắm rồi tôi mới có một
đêm không mộng mị. Hôm sau cho tuần lộc ăn, trượt tuyết từ trên dốc xuống sông
và đi dạo trên sông băng hơi bốc nghi ngút dưới nắng sớm ban mai được một lúc
là lại đến trưa.
Lại nổi lửa lên, chuẩn bị cho bữa tiệc nướng trong một căn lều gỗ khác phủ rèm
băng long lanh ngoài cửa sổ…

×