KHO TÀNG LỤC BÁT DÂN GIAN
Lương duyên thời Tục ngữ - Ca dao
Nói đến chuyện trai gái, lương duyên chồng vợ là tôi nhớ lại một thời đằm thắm,
thâm thúy đi qua tục ngữ ca dao, nó không bỗ bã, trắng trợn như một vài từ “tiếng
lóng” đời nay. Dường như tục ngữ ca dao thuở trước còn thấm đẫm những "bài
quốc văn giáo khoa thư" dễ thương và dễ nhớ nằm lòng. Gái trai thời mới lớn đã
sẵn có câu "Trai thời trung hiếu làm đầu, gái thời tiết hạnh làm câu trau mình".
Các tác giả vô danh cũng khá tinh túy trong khoa tâm lý học, "Gái phải lòng trai
lăng xăng như bướm, trai phải lòng gái đượm đượm như dầu", dù đến đời nay,
lương duyên thể hiện nhanh như điện, nhưng tôi vẫn còn nhận ra phản ứng tâm lý
này vẫn còn chính xác, trong đám đông bạn bè tuổi thanh xuân, cô nào có ý với
cậu nào thì cứ linh họat hẳn lên; ngược lại, các cậu khi đã có ý thì cứ im im trầm
trầm.
Tục ngữ ca dao cũng nói lên thân phận đàn bà con gái thời còn phong kiến sau
lũy tre xanh:
"Thân em như tấm lụa đào, phất phơ giữa chợ biết vào tay ai" hay "áo mặc sao
qua khỏi đầu", "Thầy với mẹ thương anh, em phải thương theo, giả như chiếc tàu
buồm đang chạy, thả neo phải dừng". Nhưng cũng đã có nhiều thế hệ hầu như
luân phiên là nạn nhân, rồi lại trở thành tác nhân với cảnh mẹ chồng hiếp đáp các
nàng dâu, nên mới có câu ví von cay đắng. "Tai em nghe thầy mẹ anh hiền, cắn
cơm không bể, cắn tiền đồng bể tư".
Trong “thương thảo hợp đồng” chồng vợ, có những mở đầu mộc mạc hồn
nhiên như “Ngó lên mây trắng, trời xanh, thương đâu cũng vậy, thương anh cho
rồi”, nhưng phía đối tác gái ra ngay điều kiện “Có thương thì thương cho chắc, có
trục trặc thì trục trặc cho luôn, đừng làm như con thỏ nọ đứng ở đầu truông, khi
vui giởn bóng khi buồn giởn trăng”. Có những lời cảnh giác vì ”Dò sông dò biển
dễ dò, ai mà lấy thước đi đo lòng người”. Cảnh giác vì “Ra đi mẹ có dặn lòng,
cam chua mua lấy, ngọt bòng chớ tham”. Bòng là một loại quả làm cảnh, đẹp vỏ
bề ngoài nhưng ruột thì nhỏ lại rất chua, ý là đừng nghe theo lời khuyến dụ mỹ
miều, ngọt bùi dụ dỗ của những người không chân thật.
Khi đã có thể tiến hành hôn lễ, tuy vẫn theo thủ tục gia phong, nhưng lại phải
“tùy tiền mải lễ”, vì “không ai chê đám cưới, không ai cười đám ma”. Đám cưới
dù giản đơn đến đâu cũng còn giữ thủ tục lễ bái, ”một bái trời đất, hai bái gia tiên
cha mẹ, ba phu thê giao bái”, tục phu thê giao bái là rất có ý nghĩa tốt đẹp, giao
hứa với nhau là “ Vợ chồng tương kính như tân”, để rồi trong đêm tân hôn động
phòng hoa chúc, có mâm cúng TƠ HỒNG. Cúng xong thì tân lang và giai nhân
cùng nâng dĩa lễ vật mà ăn “Tay bưng dĩa muối chắm gừng, gừng cay muối mặn,
xin đừng bỏ nhau”. Một dự báo, một hẹn ước rằng, đời sống vợ chồng sau này khó
tránh khỏi cảnh ”Cơm không lành, canh không ngọt”, được hạnh phúc ngọt ngào
thì tốt, nhưng cơ bản có thể lâm vào cảnh cay đắng, thì cũng gắng giữ nghĩa keo
sơn. Bởi vì trong cái khung lạc hậu bất bình đẳng gái trai, ”Làm trai năm thê bảy
thiếp, phận gái chí quyết một bề nuôi con”, theo đạo tam tòng”Tại gia tòng phụ,
xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Gông xiếng bất bình đẳng này ngày nay đã
không còn giá trị độc tôn như ngày xưa, nhưng vẫn còn ảnh hưởng trong suy nghĩ
của những người già.
Dù bị đối xử bất công như vậy, nhưng phận gái vẫn một lòng “Đi mô cho thiếp
đi cùng, đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp theo. Theo nhau cho trọn đạo trời, dẫu
mà không chiếu trải tơi mà nằm”. Nhưng phía đàn ông do có những đặc quyền phi
lý, nên dễ sinh thói hư tật xấu gây khổ lụy cho gia đình “Đêm năm canh anh mê
tam túc yêu lượng (một cách đánh bạc lú) ngày sáu khắc anh theo tướng sĩ tượng
với pháo xe (đánh bài tứ sắc hay chơi cờ tướng) cơi chi thiếp nói chàng nghe, đến
nỗi mô nay chừ chừ, tay bưng nón gạo, tay xách bó củi nè, ngó đã thảm chưa”.
Gạo đựng trong nón là gạo xin hay mua thiếu, củi nè là loại mót hàng rào. Gia
đình có thể sụp đổ chia tay.
Tình duyên lứa đôi cũng có khi có duyên mà không có nợ. Nhưng đến nay, tôi
vẫn còn mũi lòng, mỗi khi nhớ đến câu dặn dò: "Một mai mận có xa đào, thì xin
mận giữ tiếng chào năm xưa"
Tiếng cười trong “Thơ dân gian Tacta”(*)
Tính đến nay, nhà thơ, dịch giả Triệu Lam Châu đã xuất bản 14 đầu sách văn
học gồm hai mảng: sáng tác và dịch. Ấn phẩm mới nhất của anh là tập Thơ dân
gian Tacta do NXB Văn hóa Dân tộc cho ra mắt bạn đọc vào quý II năm 2007.
Tập thơ 36 bài, dày gần 100 trang khổ 13x19cm, trình bày giản dị.
Thơ được chuyển ngữ sang tiếng Việt và tiếng Tày, trình bày theo thể thơ lục
bát truyền thống của Việt Nam. Mỗi bài thơ lại được người dịch kèm thêm lời bình
với cảm nhận riêng như một sự “bàn thêm” thường thấy ở các sách biên soạn
những mẩu chuyện theo lối “ôn cố tri tân”. Anh cũng không ngần ngại đưa tiếng
địa phương Phú Yên vào ngôn ngữ thơ dịch:
“Ông kia ngỏ ý chân thành:
- Nếu chồng em mất, anh thương vô cùng
Nhưng chồng còn sống ung dung
Anh ghen với “nẫu” vô cùng em ơi!”
(Người đàn ông nhạy cảm)
Về các nét chính trong tập, như nhà thơ Triệu Lam Châu đã giới thiệu trong
“Lời người dịch”: “Dân tộc Tacta nhỏ bé có một kho tàng thơ dân gian phong
phú. Thơ dân gian Tacta là một di sản văn học đặc sắc và quý báu trong kho tàng
văn học của các dân tộc thiểu số thuộc Liên bang Nga.
Thơ dân gian Tacta phản ánh sinh động cuộc sống dân dã, bình dị của nhân dân
lao động Tacta. Nó độc đáo bởi nét trí tuệ sắc sảo, hóm hỉnh và đậm đà chất nhân
văn.”
Qua tập sách, ta bắt gặp mỗi bài thơ là một nét chấm phá cuộc sống của người
dân Tacta xa xôi về địa lý mà gần gũi về tâm hồn đối với người Việt Nam. Gần
gũi về cái nhìn trào lộng mà thâm thúy. Có thể kể ra một số tình huống khôi hài
thường gặp trong đời sống hằng ngày.
Đây là những quan niệm sống khá độc đáo:
Một cô gái xinh đẹp sống bên người chồng xấu xí về ngoại hình. Nếu cô không
hài lòng chắc cũng chẳng có gì lạ, cái lạ đối với mọi người là cô lại sống rất hạnh
phúc. Câu hỏi được đặt ra cho “cái lạ” đó, và đây là câu trả lời hết sức thuyết
phục:
Bạn ơi, sao bạn dở hơi
Lấy chồng xấu xí cho người đời chê?
- Đừng nên lo nghĩ nhiều bề
Mình thêm đẹp, bởi cận kề bên anh
(Tương phản)
Người ta cũng có thể thấy lạ khi có người tuyên bố sống “độc thân trọn đời” lại
“bỗng dưng” lấy vợ. Và câu trả lời này cũng thuyết phục không kém:
Tình cờ gặp mái tóc xinh
Cũng thề quyết sống một mình như tôi
Vậy là có điểm chung rồi
Thành ra tôi đã lấy người như tôi.
(Lý do chính đáng)
Bên cạnh những quan niệm sống “đáng yêu”, người ta cũng có thể bắt gặp
những cách “đối nhân xử thế” thật khôi hài:
Một chàng trai “học thuộc bài” khi về nhà vợ làm rể đã để lộ ra sự trống rỗng
của tâm hồn:
Thăm nhà mẹ vợ, trước tiên
Anh chàng rể nọ huyên thuyên suốt ngày
Anh luôn đắc chí ta đây
Hào hoa phong nhã, lòng đầy bao dung.
Hôm sau anh chẳng hé răng
Lặng câm như thể ngậm vàng ai ơi.
-Hôm qua sao nói lắm lời/Mà nay cô vợ mỉm cười hỏi anh.
-Những gì bố mớm cho mình
Hôm qua nói sạch sành sanh hết rồi.
(Đã nói hết rồi)
Nếu như trong cách xử thế có chuyện đáng cười thì ta cũng gặp những chuyện
đáng trách. Thơ dân gian Tacta cũng vậy, và ở đây tác giả dân gian lại dẫn dắt mọi
người trở về với bài học làm người giản dị mà sâu sắc:
Anh kia đã chán cha già
Nên mua một hộp gỗ to sơn hồng
Đưa người cha ấy vào trong
Định mang ra tận cuối đồng, bỏ luôn.
Đứa con nhỏ xíu, lệ tuôn:
-Bố ơi hộp ấy đừng chôn, mang về
Đợi khi tuổi bố đã già
Con cho vào hộp, thế là mang đi
Nghe lời nói ấy, anh kia
Giật mình nghĩ lại, thương cha của mình.”
(Đừng phụ bạc)
Ở đây ta thấy bóng dáng của luật nhân quả trong tâm thức dân gian “gieo gì gặt
nấy”, gieo phụ bạc sẽ gặt phụ bạc, gieo yêu thương sẽ gặt yêu thương. Những lời
răn ấy rất gần với các truyện cổ dân gian Việt Nam. Thêm vào đó, bản dịch sang
thơ lục bát của nhà thơ Triệu Lam Châu cũng góp phần cho sự gần gũi giữa hai
nền văn hóa.
Một tập thơ với những tiếng cười nhẹ nhàng không chỉ giúp thư giãn mà còn,
quan trọng hơn, giúp tâm hồn trong trẻo hơn lên.
_______
Chú thích:
(*) Thơ dân gian Tacta, song ngữ Tày-Việt (Triệu Lam Châu dịch), NXB Văn hóa
Dân tộc, quý II năm 2007.