Tải bản đầy đủ (.pdf) (12 trang)

DANH NHÂN TRIẾT HỌC - Jean Francois Lyotard với thực tại luận và tri thức pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (198.29 KB, 12 trang )

DANH NHÂN TRIẾT HỌC

Jean Francois Lyotard với thực tại luận và tri thức luận


Thời trẻ, J.F.Lyotard học triết học và văn học tại Đại học Sorbonne, hoàn thành
luận văn thạc sĩ triết học với đề tài: Sự bàng quan như một khái niệm đạo đức
(Indifference as an Ethical Notion). Từ 1950 đến 1959, ông giảng dạy triết học tại
các trường trung học ở Constantine, Algeria. Từ 1959 đến 1966, ông làm trợ giảng
tại Khoa Triết học, Đại học Paris X ở Nanterre. Trong thời gian này, ông thường
tham gia các buổi hội thảo về phân tâm học cấp tiến của Jacques Lacan, những tư
tưởng triết học của ông trong khoảng thời gian này đã được ông thể hiện trong
công trình Diễn ngôn hình ảnh (Discourse figure. xuất bản năm 1967). Với công
trình này, J.F.Lyotard đã nhận được bằng tiến sĩ triết học.
Từ 1968 đến 1970, J.F.Lyotard phụ trách một nhóm nghiên cứu tại Trung tâm
nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS). Vào đầu thập niên 70, ông được bổ
nhiệm làm giáo sư tại Đại học Paris VIII ở Vincennes và năm 1987, ông trở thành
giáo sư danh dự tại đây.
Với công trình Hoàn cảnh hậu hiện đại (The Postmodern Condition, xuất bản năm
1979), tên tuổi của J.F.Lyotard đã nổi tiếng khắp thế giới. Trong những năm 80 -
90, ông thường xuyên đi giảng khắp thế giới, trở thành sáng lập viên và là chủ tịch
một thời của Trường quốc tế triết học (CIP).
Luận điểm xuất phát của triết học Lyotard là quan niệm về thực tại (reality). Theo
ông, thực tại luôn xảy ra những sự kiện đặc thù, kỳ dị khiến cho mọi sự mô tả
mang tính duy lý không còn đúng nữa. Trong Kinh tế dục năng (Libidinal
Economy, xuất bản năm 1974), J.F.Lyotard xem thực tại là cái luôn bao gồm
những sự kiện không thể tiên đoán được, không hề có tính quy luật, nhưng có thể
đúc kết được. Do vậy, theo ông, có nhiều cách lý giải, mô tả khác nhau về những
sự kiện và không một sự lý giải nào có thể nắm bắt chính xác được sự kiện. Các sự
kiện luôn vượt qua những lý giải; mỗi lý giải luôn để lại hay bỏ qua điều gì đó từ
sự kiện. Do vậy, sự đa dạng hoá các thể loại mô tả có thể làm biến mất cấu trúc


thống trị trong văn bản và mở ra nhiều phương thức đọc, lý giải và áp dụng cạnh
tranh nhau.
Trong Trò chơi công bằng (Just Gaming, xuất bản năm 1979), J.F.Lyotard đã đề
cập tới vấn đề đa nguyên luận (paganism), khi nhấn mạnh sự khác biệt, đa dạng
trong cách tiếp cận thực tại. Theo ông, nếu thực tại được cấu thành từ những sự
kiện đặc thù thì không một quy luật phổ quát nào có thể lý giải từng sự kiện một
cách đầy đủ, công bằng được. Bởi lẽ, trong mỗi thực tại luôn tồn tại những khác
biệt không thể quy giản theo trật tự của sự vật. Thực tại phong phú hơn lý luận và
do vậy, cần phải tiếp cận sự kiện trong tính toàn vẹn, nguyên trạng của chúng,
tránh quy giản chúng về cái phổ quát. Với quan niệm này, J.F.Lyotard cho rằng,
mọi diễn ngôn đều là những tự sự, trần thuật (narrative); mọi lý thuyết, quy luật
đều chỉ là tập hợp những câu chuyện. Từ đó, ông phủ nhận các diễn ngôn tự tuyên
xưng đặt trên nền tảng chân lý, đồng thời bác bỏ ý niệm về siêu diễn ngôn (đại tự
sự, siêu tự sự - metanarrative), bác bỏ những lý thuyết phổ quát được xem là cơ sở
cho sự phán quyết mọi tình huống (triết học Cantơ, Hêghen và Mác). J.F.Lyotard
cho rằng, đa nguyên luận là sự đáp trả phù hợp nhất đối với khát vọng công bằng.
Đó là sự từ bỏ những phán quyết phổ quát đơn nhất bằng cách sử dụng những
phán quyết cụ thể khác nhau, từ bỏ những sơ đồ lý thuyết mang tính quy luật và có
thể áp dụng cho mọi tình huống bằng cách sử dụng các lý thuyết có thể áp dụng
cho từng tình huống cụ thể. Rằng, một sự công bằng trong những cách tiếp cận đa
dạng luôn đòi hỏi một sự tiếp cận đa dạng về những cái công bằng; và đa nguyên
luận chính là nỗ lực đưa ra các phán quyết về những vấn đề chân, thiện, mỹ mà
không cần phải có những chuẩn mực được định hướng trước.
Đa nguyên luận bác bỏ mọi chuẩn mực phán quyết phổ quát, nhưng con người cần
phải phán quyết vì đòi hỏi của sự công bằng; vậy thì phán quyết sẽ như thế nào,
nếu không có những chuẩn mực? J.F.Lyotard gợi lại hai phương án của Kant và
Nietzsche. Kant cho rằng, con người phán quyết qua năng lực tự kiến thiết của tư
duy, và đó là năng lực bí ẩn. Còn Nietzsche thì cho rằng, phán quyết là sự biểu
hiện của ý chí quyền lực. Theo J.F.Lyotard, đa nguyên luận không phải là phán
quyết không có chuẩn mực, mà chính xác hơn, nó là phán quyết không có chuẩn

mực phổ quát. Điều mà ông muốn phủ nhận là sự tồn tại của một diễn ngôn đưa ra
những phán quyết thích hợp cho mọi tình huống. Theo ông, đa nguyên luận đòi
hỏi chúng ta cần phải nắm bắt từng tình huống cụ thể để tạo ra những chuẩn mực
cụ thể theo yêu cầu của tình huống đó bằng hành vi khẳng định của ý chí tưởng
tượng mà theo đó, chúng ta có thể có được sự phong phú của chuẩn mực, phán
quyết và công bằng. Do vậy, cần phải hiểu đa nguyên luận là sự tồn tại của nhiều
quy luật phán quyết.
Những ý tưởng cơ bản về tri thức, khoa học và sự hợp thức hoá được J.F.Lyotard
thể hiện cô đọng qua công trình Hoàn cảnh hậu hiện đại: Báo cáo về tri thức, xuất
bản năm 1979. Trong tác phẩm này, ông nghiên cứu về vị trí của tri thức trong xã
hội tin học hoá. Sự nở rộ của những thành tựu khoa học - công nghệ từ sau chiến
tranh thế giới thứ hai đã ảnh hưởng lớn tới vấn đề vị trí của tri thức ở các nước
phát triển. Nét đặc trưng của những thành tựu khoa học - công nghệ trong giai
đoạn này là quá trình tin học hoá xã hội. J.F.Lyotard đặc biệt chú ý tới sự hợp thức
hoá tri thức, vì đó là vấn đề quan hệ giữa tri thức và quyền lực. Vấn đề đặt ra là, ai
quyết định cái gì là tri thức và ai biết cần phải quyết định cái gì? Trong thời đại tin
học hoá, hơn bao giờ hết, vấn đề tri thức là vấn đề của chính quyền. Để nghiên cứu
vị trí của tri thức trong thời hậu hiện đại, J.F.Lyotard đã xem xét đồng thời cả hai
phương diện: phương diện chính trị và phương diện nhận thức luận. Ông nhận
thấy rằng, mối liên kết căn bản của xã hội giống như các bước đi trong trò chơi
ngôn ngữ. Do vị trí của tri thức đã thay đổi, nên bản chất của các mối liên kết xã
hội cũng thay đổi trong thời hậu hiện đại.
Trong sự phân tích tiếp theo, J.F.Lyotard đã phân biệt hai kiểu tri thức: tri thức tự
sự (narrative knowledge) và tri thức khoa học (scientific knowledge). Theo ông,
tri thức tự sự tồn tại phổ biến ở các xã hội nguyên thuỷ, truyền thống; nó dựa trên
những câu chuyện kể dưới hình thức nghi lễ, âm nhạc, điệu nhảy,… Tri thức tự sự
không cần đến sự hợp thức hoá bên ngoài. Sự hợp thức hoá của nó luôn mang tính
nội tại, được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác qua những người kể khác nhau
và trong quá trình đó, không hề xuất hiện một sự hoài nghi nào về sự tồn tại của
nó. Ông viết: “Chúng tôi đã nói rằng cái sau (tri thức tự sự - ND.) không coi

trọng lắm vấn đề hợp thức hoá của mình; nó khẳng định chính mình thông qua
dụng học của việc trao truyền lại của mình, cho nên không phải viện đến lập luận
hay tiến hành chứng minh”
(1)
. Tuy nhiên, đối với tri thức khoa học, vấn đề hợp
thức hoá (legitimation) luôn xuất hiện. Một trong những đặc trưng nổi bật nhất của
tri thức khoa học là nó chỉ bao hàm những phát ngôn sở thị (denotative
utterances), trong khi tri thức tự sự bao hàm nhiều loại phát ngôn (sở thị
(denotative), chỉ thị (prescriptive), thực hiện (performative)). Nếu như mọi tri thức
tự sự đều tự hợp thức hoá thì tri thức khoa học phải cần đến những chuẩn mực
khoa học nhất định để được hợp thức hoá, trong đó bằng chứng và sự đồng thuận
của các chuyên gia là hai nhân tố quyết định sự hợp thức hoá tri thức khoa học.
J.F.Lyotard viết: “Cùng với khoa học hiện đại, có hai thành tố mới xuất hiện trong
hệ vấn đề hợp thức hoá. Trước hết, để trả lời câu hỏi: làm thế nào chứng minh
được bằng chứng? hay, chung hơn: ai quyết định những điều kiện của chân lý?
người ta từ bỏ việc tìm kiếm siêu hình học về một bằng chứng đầu tiên hay về một
quyền uy siêu việt, và thừa nhận rằng các điều kiện của tính chân lý, tức là các
luật chơi của khoa học, là ở ngay bên trong trò chơi này và không thể nào được
xác lập khác hơn là trong tranh luận mà bản thân phải mang tính khoa học, và
rằng không có bằng chứng nào khác về tính đúng đắn của các quy tắc ngoài việc
chúng được hình thành trên cơ sở sự đồng thuận của các chuyên gia”
(2)
. Nếu tri
thức tự sự thường bắt nguồn từ những vị anh hùng có công lao to lớn đối với cộng
đồng, thì tri thức khoa học bắt nguồn từ những thiên tài khoa học, những người
khám phá ra chân lý khoa học. Cơ sở phân biệt giữa tri thức tự sự và tri thức khoa
học là điểm cơ bản trong tri thức luận, J.F.Lyotard cho rằng, một trong những đặc
trưng của thời hậu hiện đại là sự lấn át của tri thức khoa học đối với tri thức tự sự.
Ông viết: “Tri thức khoa học hoài nghi tính giá trị hiệu lực của các phát ngôn tự
sự và thừa nhận là chúng không bao giờ tuân theo các lập luận và dẫn chứng. Nó

xếp chúng vào một dạng tâm thức khác: hoang sơ, nguyên thuỷ, kém phát triển,
lạc hậu, hỗn loạn, dựa trên tư kiến, tập quán, quyền uy, thiên kiến, dốt nát, ý hệ.
Các truyện kể là những hư cấu, huyền thoại, truyền thuyết, thích hợp với phụ nữ
và trẻ con. Trong trường hợp tốt nhất, người ta cố rọi tia sáng vào bóng đêm tăm
tối, cố khai hoá, giáo dục, phát triển”
(3)
. Dụng học (pragmatism) của tri thức khoa
học không thừa nhận sự hợp thức hoá của tri thức tự sự bởi vì không thể quy nó về
các phát ngôn sở thị. Theo cách tiếp cận thực tại của J.F.Lyotard, sự lấn át này có
thể tạo ra một mối nguy hiểm ở chỗ, tri thức khoa học sẽ bỏ qua nhiều phương
diện của sự kiện mà tri thức tự sự có thể nắm bắt được. Hơn nữa, nguy cơ này có
thể ảnh hưởng tới tương lai của việc nghiên cứu hàn lâm vốn đang chịu sự chi phối
của cách thức hợp thức hoá tri thức khoa học trong thời hậu hiện đại.
Ở thời hiện đại, tri thức khoa học được hợp thức hoá nhờ vào các siêu tự sự, trong
đó hai siêu tự sự có ảnh hưởng lớn là triết học Hêghen và triết học Mác. Siêu tự sự
của Hêghen là sự tư biện về tính toàn vẹn của sự kiện và sự hợp nhất mọi tri thức.
Siêu tự sự của Mác mang lại cho khoa học vai trò giải phóng nhân loại. Thời hậu
hiện đại được đặc trưng bằng sự cáo chung của các siêu tự sự. Khi đưa ra định
nghĩa về chủ nghĩa hậu hiện đại như “sự hoài nghi đối với các siêu tự sự”
(incredulity towards metanarratives), J.F.Lyotard đã coi đó là những câu chuyện
bao quát về lịch sử và coi mục tiêu của nhân loại là nền tảng của sự hợp thức hoá
tri thức cùng với thực tiễn văn hoá. Hai siêu tự sự quan trọng nhất của thời hiện
đại, theo ông, là quan niệm về lịch sử như quá trình tiến tới sự khai minh và giải
phóng xã hội và quan niệm về tri thức như quá trình tiến tới toàn thể hoá. Hiện đại
được hiểu là thời kỳ hợp thức hoá các siêu tự tự, còn hậu hiện đại là thời kỳ phá
sản của các siêu tự sự. Với quan niệm về sự cáo chung của các siêu tự sự,
J.F.Lyotard cho rằng, hậu hiện đại là thời kỳ của sự phân mảnh và đa nguyên. Ông
viết: “Trong xã hội và văn hoá hiện nay, tức trong xã hội hậu công nghiệp và văn
hoá hậu hiện đại, vấn đề hợp thức hoá của tri thức được đặt ra một cách khác.
Đại tự sự mất đi tính đáng tin của nó, bất kể nó được xếp vào phương cách nhất

thể hoá nào: tự sự tư biện hoặc tự sự giải phóng”
(4)
. Coi cái hợp thức hoá khoa
học ngày nay là tiêu chuẩn hiệu quả thực hiện (performativity), J.F.Lyotard gọi đó
là “tiêu chuẩn công nghệ” (technological criterion) - tỷ lệ đầu vào/đầu ra hiệu quả
nhất. Những biến đổi kỹ thuật và công nghệ trong những thập niên vừa qua và sự
phát triển của chủ nghĩa tư bản đã làm cho việc sản xuất tri thức ngày càng chịu
ảnh hưởng của mô hình công nghệ. Do phải trải qua cuộc cách mạng công nghiệp,
tri thức đã xuất hiện trong các bài toán kinh tế và trở thành một yếu tố mới của lực
lượng sản xuất. Và, trong thời hậu hiện đại, tri thức ngày càng trở thành lực lượng
sản xuất chủ yếu đến mức, trong tương lai, sự tranh giành quyền làm chủ tri thức
và thông tin có thể dẫn tới chiến tranh.
Coi sự thay đổi vị trí tri thức theo tiêu chuẩn hiệu quả thực hiện là sự thương mại
hoá tri thức (mercantilization of knowledge), J.F.Lyotard cho rằng, ở thời hậu hiện
đại, tri thức đã trở thành hàng hoá (commodity); nó được sản xuất ra nhằm để bán
và được tiêu thụ như nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất mới. Ông viết:
“Tri thức đang và sẽ được sản xuất ra để đem bán, nó đang và sẽ được tiêu dùng
để có thêm giá trị trong một tiến trình sản xuất mới: trong cả hai trường hợp đều
là để được trao đổi. Nó thôi không còn là mục đích riêng đối với chính mình, nó
mất đi “giá trị sử dụng” của mình”
(5)
.
Với xu hướng thương mại hoá ngày càng mạnh mẽ, tri thức trong thời hậu hiện đại
không chỉ mất đi giá trị chân lý, mà cả động cơ của sự sản xuất tri thức cũng
không còn là khát vọng tìm kiếm chân lý nữa. Quá trình tin học hoá
(computerization) và sự hợp thức hoá tri thức theo tiêu chuẩn hiệu quả thực hiện
đã dần xoá đi quan niệm coi sự hấp thụ tri thức là mục đích đào luyện trí tuệ và
tinh thần. Do vậy, trong tương lai không xa, giáo dục sẽ không còn được thực hiện
trọn gói một lần cho người học ở một độ tuổi nhất định như hiện nay, mà thay vào
đó, sẽ là một quá trình học tập liên tục để cập nhật thông tin, kỹ thuật mới nhất

nhằm phục vụ cho nghề nghiệp chuyên môn của mỗi người. Trong xã hội hậu hiện
đại, học tập sẽ trở thành một hoạt động kéo dài suốt đời, cả xã hội đều học tập, học
tập liên tục, ở mọi lúc, mọi nơi.
Một vấn đề đặt ra là, sự hợp thức hoá tri thức theo tiêu chuẩn hiệu quả thực hiện
tác động như thế nào trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, hàm lâm? Để minh họa,
J.F.Lyotard đã đưa ra khái niệm “khủng bố” (terror) để chỉ sự loại trừ người chơi
khỏi các “trò chơi ngôn ngữ” (language game) hay là sự loại trừ hoàn toàn một trò
chơi nào đó. Những khám phá thật sự trong một trò chơi thường dẫn tới tình
huống phải thay đổi các quy tắc của trò chơi bởi chúng không thể tiếp tục vận
hành với các quy tắc cũ - quy tắc chủ đạo đã được hình thành do sự đồng thuận
của những người chơi trước đó. Tương tự, trong nghiên cứu cơ bản, có những
khám phá không đem lại những ứng dụng ngay lập tức và do vậy, chúng được xem
như không có giá trị theo tiêu chuẩn hiệu quả thực hiện. Hơn nữa, do những
nguyên nhân kinh tế, sự hợp thức hoá theo tiêu chuẩn hiệu quả thực hiện có
khuynh hướng tuân theo ý kiến của số đông - tập hợp những chuyên gia xem xét tỷ
lệ đầu vào/đầu ra có hiệu quả nhất hay không. Do vậy, sự hợp thức hoá theo tiêu
chuẩn hiệu quả thực hiện có xu hướng loại trừ những ý tưởng lệch chuẩn, đi ngược
lại với bản chất của sự nghiên cứu. Khi bác bỏ việc tạo ra chân lý như mục đích
của nghiên cứu, đồng thời cũng không gợi lại các siêu tự sự của thời hiện đại
nhằm hợp thức hoá việc nghiên cứu, J.F.Lyotard cho rằng, mục đích của nghiên
cứu hậu hiện đại là đưa ra các ý tưởng lệch chuẩn. Song, trên thực tế, sự hợp thức
hoá tri thức theo tiêu chuẩn hiệu quả thực hiện đã loại trừ các ý tưởng lệch chuẩn.
Do vậy, lối thoát của vấn đề, theo ông, là ở chỗ, cần phải tạo ra một sự hợp thức
hoá khác - hợp thức hoá bằng nghịch luận (vượt qua hay trái lý tính - paralogy) để
xu hướng chống lại lối suy luận truyền thống. Trong mối liên hệ với nghiên cứu,
sự hợp thức hoá này có nghĩa là sản sinh ra những ý tưởng mới bằng cách chống
lại hay vượt qua các chuẩn mực, quy tắc truyền thống nhằm tìm ra những trò chơi
mới. Đây cũng chính là mục đích của khoa học hậu hiện đại - tìm kiếm những cái
bất ổn định. Tri thức không chỉ bao gồm những cái đã biết, mà còn có cả những
cái chưa biết. Do vậy, theo J.F.Lyotard, sự hợp thức hoá tri thức bằng nghịch luận

có thể thoả mãn cả khát vọng công bằng lẫn khát vọng về cái chưa biết.
Sự thay đổi vị trí của khoa học và công nghệ là một đặc trưng cơ bản của hoàn
cảnh hậu hiện đại. Sự sụp đổ của các siêu tự sự đã làm nảy sinh các “trò chơi ngôn
ngữ” đa dạng, vô ước, mà khoa học cũng chỉ là một trong những trò chơi đó. Sự
xuất hiện các “trò chơi ngôn ngữ” mới đã thể hiện rõ quan niệm của J.F.Lyotard
về thực tại bao gồm nhiều sự kiện đặc thù, kỳ dị, đòi hỏi nhiều cách lý giải khác
nhau. Với ông, sự phát triển của tư bản, khoa học và công nghệ thông qua sự hợp
thức hoá theo hiệu quả thực hiện chính là một mối đe doạ, là “chủ nghĩa khủng
bố” - sự đe doạ loại trừ việc tham gia một “trò chơi ngôn ngữ”.
Nguyên lý hợp thức hoá đã vận hành một cách có hiệu quả trong chủ nghĩa tư bản
và đang cố gắng trở thành cái chi phối mọi thứ. Khoa học và công nghệ là những
ứng viên sáng giá cho nỗ lực đó, bởi sự đóng góp của chúng vào sự phát triển của
tư bản là điều không thể bác bỏ. Tiêu chuẩn hiệu quả thực hiện có thể là sự hợp
thức hoá phù hợp đối với công nghệ, nhưng đối với khoa học thì không. Khuynh
hướng của khoa học hậu hiện đại là sự đề xuất những ý tưởng lệch chuẩn, nghiên
cứu những cái bất ổn định trong hệ thống, như thuyết fractal của Benoit
Mandelbrot, thuyết tai biến của René Thom… Với tính chất loại trừ cao, tiêu
chuẩn hiệu quả thực hiện không thể nắm bắt chính xác những kiểu tri thức được
hình thành ở các khoa học hậu hiện đại (postmodern sciences). Nếu xem khoa học
là một “trò chơi ngôn ngữ” thì tiêu chuẩn hiệu quả thực hiện hoàn toàn không
thích hợp. Nó chỉ khiến khoa học lệ thuộc vào tư bản. Sự xâm nhập tiêu chuẩn
hiệu quả thực hiện vào khoa học gắn liền với sự xuất hiện của tất định luận
(determinism) - cái cho phép tiên đoán và tính toán các giá trị đầu vào/đầu ra. Với
sự hợp thức hoá bằng nghịch luận, khoa học hậu hiện đại quan tâm tới những cái
không thể quyết định một lần là xong, tới các giới hạn của điều khiển chính xác,
những xung đột được đặc trưng bởi thông tin không đầy đủ, những cái gãy khúc,
tai biến,… nhằm xoá bỏ tiêu chuẩn hiệu quả thực hiện dưới dạng tất định luận.
Khoa học được coi là sự phát triển không mang tính tiệm tiến về phía một tri thức
hợp nhất, mà theo cách gián đoạn và nghịch lý, thay thế hệ chuẩn cũ bằng những
cái mới. Có thể khoa học đang phải trải qua một sự dịch chuyển hệ chuẩn, từ tiêu

chuẩn hiệu quả thực hiện sang tiêu chuẩn nghịch luận của những cái bất ổn định;
song hiện nay, tiêu chuẩn hiệu quả thực hiện vẫn đang còn là cái chi phối chủ đạo
khoa học và các lĩnh vực khác. Theo đó, trong một chừng mực nhất định, tiêu
chuẩn nghịch luận của J.F.Lyotard tỏ ra vượt trội hơn tiêu chuẩn hiệu quả thực
hiện, bởi nó góp phần xây dựng sự công bằng trong hoạt động nghiên cứu, đồng
thời làm suy yếu tham vọng kiểm soát mọi cái của tư bản.
J.F.Lyotard cũng đề cập tới ảnh hưởng xã hội của khoa học và công nghệ trong
thời hậu hiện đại. Ông nhận thấy rằng, tiêu chuẩn hiệu quả thực hiện không chỉ
đang được vận dụng vào khoa học, công nghệ và tư bản, mà còn vào cả lĩnh vực
nhà nước. Theo tiêu chuẩn này, xã hội với tư cách một hệ thống vận hành tiến tới
sự hiệu quả qua việc phát huy tối ưu các chức năng của nó và do vậy, sự hiệu quả
này là một kiểu khủng bố, là mối đe doạ loại trừ những thành tố không hiệu quả.
Hơn nữa, trong xã hội hậu công nghiệp, khi thông tin đã trở thành phương thức
sản xuất chủ yếu, nó có thể trở thành tài sản của những tập đoàn muốn tối đa hoá
lợi nhuận. Do vậy, mọi người cần được tự do tiếp cận đối với các kho lưu trữ và
ngân hàng dữ liệu. Điều này cho phép quá trình tin học hoá đóng góp vào sự hình
thành tri thức theo nghịch luận hơn là theo hiệu quả thực hiện và theo đó là sự
hình thành xã hội tự do như tập hợp các yếu tố dị biệt hơn là một hệ thống hiệu
quả, loại trừ sự đe doạ, khủng bố.
Triết học của J.F.Lyotard thường xuyên thể hiện sự hoài nghi về các quyền lực của
lý tính, bác bỏ nhiều quan điểm của triết học truyền thống. Những giới hạn của lý
tính bộc lộ rõ ràng ở các vấn đề phản ánh. Kể từ Descartes, các mô hình của tư
duy lý tính trong triết học phương Tây đều cho rằng, chủ thể phản ánh, mô tả thế
giới khách quan qua cái Tôi của nó. Và, bằng cách này, về nguyên tắc, có thể đạt
tới tri thức đầy đủ và xác thực. J.F.Lyotard đã phủ nhận quan điểm này khi cho
rằng, mọi sự kiện đều có thể vượt qua sự phản ánh. Ngoài ra, lý tính luôn có
khuynh hướng vận hành trong những hệ thống khái niệm chặt chẽ, nên nó thường
loại trừ phương diện cảm xúc, cảm tính. Tuy vậy, sự loại trừ như thế không bao
giờ được duy trì một cách trọn vẹn, một mặt, mọi sự phản ánh luôn bỏ qua điều gì
đó của sự kiện; và mặt khác, những động năng phi lý tính, như cảm xúc, khát vọng

cũng luôn xuất hiện để phá vỡ những sơ đồ tư duy lý tính.
Những giới hạn của lý tính và phản ánh được J.F.Lyotard thể hiện trong “Diễn
ngôn, hình ảnh”, xuất bản năm 1967. Sự phê phán lý tính và sự phản ánh đã làm
dịch chuyển triết học hậu hiện đại của J.F.Lyotard từ sự tập trung vào những động
cơ hình ảnh và dục năng phá vỡ hệ thống sang sự phân tích tính vô ước trong ngôn
ngữ và những giới hạn của năng lực lý tính. J.F.Lyotard đã vay mượn ý tưởng “trò
chơi ngôn ngữ” của Wittgenstein để chỉ rõ vì sao lý tính và sự phản ánh không thể
trở thành toàn thể hoá. Theo ông, sự cáo chung của siêu tự sự có nghĩa là, không
một lý thuyết phổ quát nào có thể lý giải được mọi cái. Hoàn cảnh hậu hiện đại
được cấu thành từ những “trò chơi ngôn ngữ” phân mảnh đã gắn kết với những
hình thức vô ước của cuộc sống. Ngôn ngữ được cấu tạo từ sự đa dạng các cơ chế
biện minh vốn không thể phiên dịch qua lại được. Một số là sở thị, số khác là chỉ
thị… Chúng không có các tiêu chuẩn so sánh bên ngoài, giữa chúng là sự khác
biệt, một sự khác biệt không thể hoà giải được. Do vậy, trong triết học của
J.F.Lyotard, lý tính và sự phản ánh là những giới hạn cố định, và do tính vô ước
của “trò chơi ngôn ngữ”, lý tính không thể hiểu được mọi cái qua một hệ thống
phản ánh. Trong triết học hậu hiện đại, các sự kiện được phân tích dưới dạng các
phát ngôn và do vậy, chúng luôn vượt qua sự phản ánh, bởi không một hệ thống
phản ánh nào có thể lý giải cho mọi phát ngôn.
Nhìn chung, mặc dù còn mang tính võ đoán và chưa thật sự thuyết phục khi đồng
nhất các học thuyết triết học phổ quát với các đại tự sự, quy mọi tri thức về các
phát ngôn ngôn ngữ, xoá nhoà ranh giới phân biệt có tính bản thể giữa khoa học
với truyện kể, song có thể nói, J.F.Lyotard đã đưa ra những kiến giải mới về vấn
đề tri thức và cách tiếp cận đối với thực tại trong hoàn cảnh xã hội hậu hiện đại.
Đó là cơ chế của sự hợp thức hoá tri thức, vạch rõ sự độc quyền khoa học dưới sức
mạnh của tư bản; đồng thời chỉ ra những mối hoạ trong nghiên cứu trước sự chi
phối của tiêu chuẩn hiệu quả thực hiện, gợi mở hướng đi mới cho hoạt động
nghiên cứu và giáo dục, đề xuất cách tiếp cập đa chiều đối với thực tại, chống giáo
điều, phê phán ý đồ triệt tiêu vai trò của cảm xúc, cảm tính trong nhận thức luận
truyền thống. Với những ý tưởng mới mẻ này, J.F.Lyotard đã xác lập những nền

tảng căn bản đầu tiên cho nhận thức luận của chủ nghĩa hậu hiện đại.

(1)
J.F.Lyotard. Hoàn cảnh hậu hiện đại (bản dịch của Ngân Xuyên). Nxb Tri thức,
2007, tr.124 - 125.
(2)
J.F.Lyotard. Sđd., tr.131 - 132.
(3)
J.F.Lyotard. Sđd., tr.125 - 126.
(4)
J.F.Lyotard. Sđd., tr.151 - 152.
(5)
J.F.Lyotard. Sđd., tr.64.

×