Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

LỊCH SỬ CÁC NHÀ GA CỦA ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM - Ga Bàn Cờ ppsx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (88.01 KB, 4 trang )

LỊCH SỬ CÁC NHÀ GA CỦA ĐƯỜNG SẮT VIỆT
NAM


Ga Bàn Cờ




Sau khi đường sắt quốc gia được nối thêm từ ga Uông Bí C xuống ga Hạ Long,
đường sắt (ĐS) khổ 1.435 mm nằm đè lên ĐS mỏ khổ 1000 mm, năm 1985, Trạm
ga Bàn Cờ ra đời. Đến ngày 15-10-1987, trạm này được công nhận là ga, Trưởng
ga đầu tiên là đồng chí Trần Đình Tụ (nay là Giám đốc Xí nghiệp Vận tải đường
sắt Hà Quảng). Ga Bàn Cờ nằm tại trung tâm thị xã Uông Bí, gọi là ga nhưng thực
tế chỉ có một dãy nhà tranh, cuộc sống của cán bộ công nhân viên (CBCNV) thiếu
thốn mọi thứ.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân địa phương, một đường ke tuy chưa đủ
chiều dài đã nhanh chóng được xây dựng để tàu khách 2057-2058 hàng ngày đỗ và
đi, đón trả hành khách. Chỉ sau một thời gian ngắn đoàn tàu, nhà ga đã trở nên
thân thuộc với nhiều bà con, công nhân viên về hưu làm thêm. Nơi đây đã trở
thành một trạm “trung chuyển” nhu yếu phẩm từ Kép đến Uông Bí, Hạ Long
Nhiều bà con đi lại buôn bán trên tàu đều quen biết thân thiết với tất cả CBCNV
ga đến mức có thể “nợ cước” chiều đi và khi bán hết hàng, chiều về mới phải
thanh toán.

Bây giờ, nhà ga đã được xây dựng thành dãy 6 gian cấp 4. Ga hiện có 9 CBCNV,
đứng đầu là Trưởng ga Ngô Xuân Hãn. Suốt từ năm 1993 đến nay, do tính đặc thù
của nhà ga, hàng ngày ga chỉ đợi đôi tàu khách duy nhất 2057-2058, thi thoảng
mới có tàu hàng, tàu du lịch. Thời gian còn lại trong ngày ga đón các đoàn tàu từ
mỏ của Công ty than Vàng Danh chở than ra cảng Điền Công.


Có thể nói, trên toàn tuyến Hà Quảng, trực ban ga Bàn Cờ là vất vả nhất, bất kể
mùa nào, đêm hay ngày, bụi và gió lúc nào cũng phong tỏa nơi giao thẻ của trực
ban với tài xế tàu mỏ. Nhiều lúc tàu 2057 vừa chạy xuống Hạ Long, anh em trực
ban, gác ghi tay đang cầm bát cơm chưa kịp ăn, chuông lại réo, bạn lại xin đường.
Trực ban khi giao thẻ xong, quay lại nhà ăn, bát cơm đã nguội lạnh.

Ngành đường sắt Việt Nam đã trải qua bao năm đổi mới, ga ở tuyến Hà Quảng đã
được xây dựng lại, khang trang đổi mới. Riêng ga Bàn Cờ vẫn nếp nhà xưa, mái
ngói, tường quét ve màu vàng, cũ kỹ nhưng thân thuộc.

Thời gian tới, dự án đường sắt Hạ Long - Cái Lân được khởi công xây dựng, chỗ
ga Bàn Cờ đứng chân bây giờ sẽ được thay thế bằng một cây cầu vượt dài 1,8 km.
Ga Bàn Cờ sẽ không còn nữa nhưng trong lòng những CBCNV đã từng sống và
làm việc tại đây thì vẫn còn mãi nhà ga nhỏ bé trên tuyến ĐS Hà Quảng - một
trong những ngọn đèn soi sáng cho con tàu đến đích bình yên.

Ga Cầu Yên

Từ thị xã Ninh Bình đến thị xã Tam Điệp, quãng đường này chừng gần 20 km.
Con tàu chạy từ ga Ninh Bình, qua ga Cầu Yên, ga Ghềnh rồi đến ga Đồng Giao -
ga cuối cùng của tỉnh Ninh Bình. Ga Cầu Yên cách thị xã Ninh Bình 7 km.

Cầu Yên là ga xép, nhưng là ga xép đẹp, chứ không phải là “xép lép”. Là bởi,
Nhà máy Phân lân Cầu Yên đứng ngay bên cạnh nhà ga. Từ đây, chất phân bón
cho cây trổ bông kết trái được chở trên các toa tàu, lăn bánh vô Nam ra Bắc.

Nhà ga được xây dựng trên phần đất của thôn Đông Trang, xã Ninh An, huyện
Hoa Lư - xã cuối cùng của huyện Hoa Lư, giáp với huyện Yên Mô và huyện Yên
Khánh. Cả vùng đất Ninh An nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung, ngày xa xưa
thuộc “hoàng sơn hạ khu”, đây là vùng đất chiêm trũng, năm nào, tháng tám về

cũng bị ngập lụt, nước dâng mênh mông. Đây là mùa những đàn vạc kéo về kiếm
ăn, đông đúc như những ngày hội chim. “Ngang trời đàn vạc kêu sương; Nhìn
đồng nước ngập mà thương quê mình”.

Cuối thời Mạc - vào những năm 1675-1677, tàn quân Mạc thường ẩn nấp ở Ba
Vuông, Xuân Vũ, bất thình lình ra cướp phá, chặn đường người đi chợ, bắt gà vịt,
cướp ngô khoai, lúa gạo, cướp những chuỗi tiền được xâu vào cái dây cói bện đôi.
Người đi chợ phải qua đò - chỗ gần Ga Cầu Yên bây giờ mà lòng nơm nớp lo.

Người có công dẹp bọn tàn quân Mạc là Quận công Đào Sĩ Kỳ - một vị tướng của
Chúa Trịnh. Dẹp xong bọn này, ông cho bắc một cây cầu tre qua sông, đặt tên là
Cầu Yên, tức sự yên bình đã trở lại. Có cầu, tiện đường đi lại, ông mở thêm chợ
ngay cạnh đó - phía trước mặt Ga Cầu Yên bây giờ - đó là chợ Yên.

Thôn Đông Trang, nơi Ga Cầu Yên đứng chân đã góp cho thiên hạ một vị Trạng
nguyên nổi tiếng và một dòng họ Quận công lừng danh. Đó là Trạng nguyên Đào
Sư Tích, đỗ khoa thi năm Giáp Dần (1374), đời vua Trần Duệ Tông.

Dòng họ Đào đã góp cho đất nước những vị quận công mà tên tuổi còn được ghi
trong bài vị, trong sử sách. Đó là Đào Đương Bật: tiến sĩ; Đào Sĩ Từ: đặc tiến phụ
quốc thượng tướng quân; Đào Sĩ Kỳ: Tuyên lực công thần thượng tướng công;
Đào Sĩ Lễ: Trung quân đô đốc; Đào Sĩ Hựu: Đô chỉ huy sứ; Đào Sĩ Định: Trung
quân đô đốc; Đào Sĩ Bị: Kim ngô vệ độ chỉ huy sứ. Đào Sĩ Dụ: Tả hữu điểm, tước
hầu. Ngôi đền thờ họ Đào đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng “Di tích lịch
sử” ngày 5-9-1994. Xin được dẫn đôi câu đối được khắc ở hai cột đồng trụ trước
cổng đền:

Văn tiến sĩ, vũ quận công, triều đình hiển hoạn
Quốc trung thần, gia hiển tử, thiên hạ hoàn nhân
(Văn đỗ tiến sĩ, vũ tước quận công, bậc quan triều đình vinh hiển

Trung thành với nước, hiếu lễ với nhà, thiên hạ xứng danh tên tuổi)

Ga Cầu Yên cũng là một trong những địa điểm tiễn đưa đoàn quân Nam tiến. Cụ
Thu Sơn - Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, người đã đánh trận Nà
Ngần, Phai Khắt kể lại: “Đầu tháng 10 năm 1945, theo chỉ thị của Bộ Quốc phòng,
các đơn vị hội quân tại Chợ Bút, ga Ghềnh (huyện Yên Mô) và Cầu Yên (huyện
Gia Khánh). Đại đội của tỉnh Nam Định, đại đội Quỳnh Lưu của tỉnh Ninh Bình
lên đường tại ga Cầu Yên. Trưa ngày 10-10-1945, lễ trao cờ Tổ quốc được tổ chức
trọng thể tại ga Cầu Yên. Ở đây, có bàn thờ Tổ quốc, có cờ đỏ sao vàng và ảnh
Bác Hồ. Đến dự có bà Hà Thị Quế, ông Lương Nhân là những người thay mặt
Việt Minh tỉnh Ninh Bình. Đông đảo nhân dân và các em thiếu nhi đến dự. Nhân
dân tặng các chiến sĩ Nam tiến túi gạo rang tẩm đường ”.

Ga Cầu Yên bây giờ có vườn hoa, cây cảnh, ao cá, lồng chim. Xem ra, ga có vẻ
đang “lên sắc” lắm.

Ga Đà Lạt

Dù có hàng chục cái tên - mà tên nào cũng đẹp, cũng lãng mạn, thơ mộng, nhưng
tôi vẫn thích gọi Đà Lạt - thành phố nằm ở độ cao 1.500 mét bằng cái tên mộc mạc
dân dã nhưng rất đỗi thân thương - phố Núi. Trong số những công trình kiến trúc
kiểu Pháp sang trọng ở Đà Lạt, ga Đà Lạt luôn xuất hiện như một điển hình kiến
trúc về nhiều mặt. Những người dân phố Núi đều coi đó là viên ngọc quý.
Không thể phủ nhận, ga Đà Lạt là một trong số ít di tích kiến trúc ở phố Núi còn
giữ được nguyên vẹn hình dáng kiến trúc: từ tổng thể đến những chi tiết - phòng
trưởng ga, bán vé, chờ tàu, sân ke, nhà kho, trạm đầu máy đến những ô kính màu,
viên ngói lợp trên mái và chiếc đồng hồ ở nóc giữa vẫn nguyên vẹn như từ ngày
mới xây dựng cách nay gần 70 năm.
Trên đoạn đường sắt răng cưa thuộc hàng độc đáo nhất thế giới dài 84 km Tháp
Chàm - Đà Lạt được xây dựng từ đầu thế kỷ 20 chỉ còn lại 2 cây cầu sắt - Đran và

Tân Mỹ. Trong điều kiện cho phép, ngành đường sắt đã cố gắng làm sống lại hình
ảnh của dĩ vãng bằng việc đặt 7 km ray đoạn cuối nối từ ga Đà Lạt đến ga Trại
Mát rồi đưa từ Bắc vào một chiếc đầu máy diezen cũ kỹ cho nổ máy, kéo còi phun
khói đen cuồn cuộn, xình xịch đi về ngày vài chuyến, từ năm 1991.
Vậy là sau gần 20 năm chịu số phận như một ngôi nhà hoang, nay ga Đà Lạt bắt
đầu đón những “hành khách” đầu tiên là những vị khách du lịch nước ngoài. Cũng
lạ - chẳng ai kỳ vọng một tương lai sáng sủa, vậy mà không ít những đoàn du
khách đã đi ô tô từ Sài Gòn lên đề nghị cho đi 7 km tàu hỏa.
Những thành công bất ngờ ấy đã khiến những người quản lý định hướng lâu dài
cho hoạt động kinh doanh này. Họ chuyển từ Hà Nội vào một chiếc đầu máy cổ
chạy bằng củi hiệu Fuka do Nhật sản xuất từ năm 1936 để khách tham quan, rồi
đóng thêm các toa xe ghế dọc, tăng cường thêm một đầu máy TY7E, tuyển dụng
và đào tạo thêm nhân lực Ngày càng có nhiều du khách đến tham quan ga phố
Núi, lượng khách nước ngoài tăng cao. Những ngày lễ, ngày hè nhà ga phải tổ
chức chạy hết công suất - 6 chuyến kéo đủ 4 xe với lượng khách lên tới 500 người.
Trong ga, những phòng nghiệp vụ trống trải được chuyển đổi thành những gian
hàng lưu niệm giới thiệu về nét văn hóa bản địa đặc sắc và gian bán vé tàu Thống
Nhất. Từ năm 2003, ga Đà Lạt được cấp vé trực tiếp như một nhà ga trên tuyến, tổ
chức vận chuyển hành khách liên vận về Tháp Chàm, mỗi năm Ga Đà Lạt đã đem
về cho ngành trên 2 tỷ đồng dù nằm “chênh vênh” trên tận cao nguyên Lâm Đồng.

Mơ về những chuyến tàu hối hả xuôi đồng bằng như xưa quả là còn xa, nhưng
cùng với sự phát triển của Đà Lạt, hình ảnh về một nhà ga độc đáo trên núi cao
1.500 mét sẽ còn được du khách quốc tế biết đến nhiều hơn nữa trong tương lai.



×