Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

Bali, vẻ đẹp đời thường quyến rũ pps

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (331.46 KB, 9 trang )

Bali, vẻ đẹp đời thường quyến rũ
Đến Bali với niềm háo hức về một thiên đường du lịch tràn ngập niềm vui,
nhưng chúng tôi lại rời Bali với sự nuối tiếc cuộc sống đời thường đầy màu
sắc và thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp. Như một bảo tàng sống về Đông Nam
Á thời xa xưa, Bali thân thuộc mà bí ẩn, bình yên mà sâu thẳm.

Đường làng Bali trong một ngày hội.
Đã hơn một trăm năm kể từ ngày Bali bị đặt dưới sự cai trị của nước ngoài, khi đó,
thấy nơi đây có khí hậu trong lành và biển rừng xanh mát, chính quyền Hà Lan
quyết định biến Bali thành vùng nghỉ dưỡng nên không xây nhà máy hay trồng cà
phê. Ngoài ra, cũng không ai được can thiệp vào những nghi lễ, phong tục, nghệ
thuật, tôn giáo, cuộc sống nông nghiệp nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa và lối sống
của người dân trên đảo.
Có diện tích tương đương tỉnh Đồng Nai nước ta, cảnh quan Bali rất đa dạng:
những bãi biển cát trắng mịn màng, ruộng bậc thang lớp lớp xanh mướt điểm
xuyết bóng dừa, những hồ nước trong veo trên miệng núi lửa, những dòng sông
chảy xiết qua khe núi thăm thẳm. Các hang động bí ẩn nằm giữa rừng già nhiệt đới
vẫn là nơi sinh sống của nhiều bộ lạc với những tập tục kỳ lạ. Nhờ đó, du lịch sinh
thái ở Bali rất phong phú với các tour thám hiểm rừng nguyên sinh, du lịch cho đại
bàng ăn, du lịch tìm hiểu núi lửa…

Hồ nằm cạnh núi lửa.
Đại ngàn và hệ thống núi lửa ở Bali chứa nhiều bí ẩn về cả thiên nhiên lẫn những
tộc người sinh sống ngàn đời ở đó. Gần khu vực hồ và núi lửa Batur, một thắng
cảnh đẹp mà chúng tôi chỉ được đến chiêm ngưỡng từ xa, có làng cổ Trunyan, vốn
nổi tiếng với loại cây taru menyan kỳ diệu và tên làng cũng là chiết tự từ tên loại
cây này. Đây là loại cây tán rộng và có mùi thơm rất đặc biệt.
Khi trong làng có người chết, người Trunyan sẽ bỏ tử thi vào một chiếc rọ tre và
đem đặt dưới gốc cây taru menyan. Xác chết vẫn bị phân hủy nhưng không có mùi
tử thi vì hương thơm từ cây taru menyan đã khử hết mùi. Nhiều nhà khoa học tìm
đến đây và đã chụp được những tấm hình cho thấy đầu lâu và đống xương người


xếp ngay ngắn trên các tảng đá lớn, nhìn thật rùng rợn.
Muốn ngắm cảnh núi rừng Bali, chúng tôi quyết định tham gia tour đi bè trên suối
tại khu rừng cách khách sạn khoảng một giờ xe. Chiếc bè bằng cao su, được bơm
căng, đủ chỗ cho sáu hành khách. Mỗi người được phát một cái chèo để giữ thăng
bằng bè, không cần khua nước vì sức nước chảy đã đủ đẩy bè trôi nhanh hơn mức
mong đợi của những ai yếu tim. Tuy đã được quảng cáo là trò chơi này thích hợp
với độ tuổi từ 5 – 75, có một người hướng dẫn ngồi phía sau vừa là lái chính, vừa
là chỉ huy, mặc áo phao, đội nón bảo hiểm nghiêm túc, thế nhưng chúng tôi vẫn
thấy rờn rợn khi nhìn những chiếc bè khác lao qua những ghềnh đá theo dòng
nước chảy mạnh.
Đi được một quãng, sau khi vượt qua vài đoạn nước xoáy và thấy những chiếc bè
chung quanh có nhiều trẻ em, chúng tôi mới hết cảm giác sợ bị văng xuống nước.
Con suối rộng khoảng từ 15 đến 40 mét tùy đoạn, có những đoạn hai bên là vách
đá dựng đứng. Trên đoạn đường dài gần chục cây số chèo bè, chúng tôi đã có dịp
ngắm vẻ kỳ vĩ của hai vách núi với đủ thứ cây cối nhiệt đới mọc chi chít, đôi khi
lại có những dòng suối nhỏ từ khe núi trên cao đổ xuống. Được la hét thỏa thích
trong không khí mát rượi hơi nước nên ai cũng thấy sảng khoái, thú vị, nhất là cảm
giác khi dòng nước xiết đẩy bè đi giữa các tảng đá trong lòng suối hay khi bè mắc
kẹt trên ghềnh đá hoặc giữa các khe đá.
Thế giới của cái đẹp
Trong số 250 dân tộc ở Indonesia thì người Bali được coi là tài hoa nhất, nghệ sĩ
nhất. Điều này có nguyên nhân từ lịch sử. Hơn 1.500 năm trước, đạo Hindu (Ấn
giáo) từ Ấn Độ cùng với những kiến thức thiên văn học, hàng hải, điêu khắc… du
nhập vào đảo Java và nhanh chóng được tầng lớp quý tộc tiếp nhận, kết hợp với
văn hóa bản địa tạo nên một nền văn hóa nghệ thuật Java rực rỡ. Đến thế kỷ XIV,
Java bị một nhà nước đạo Hồi thâu tóm, toàn bộ tầng lớp quý tộc Ấn giáo bỏ trốn
đến Bali.
Nền văn hóa, triết học tôn giáo Hindu Java vốn đã vô cùng phong phú khi đến Bali
lại kết hợp được với tín ngưỡng đa thần giáo và trở nên hết sức độc đáo, là nền
tảng, nguồn cảm hứng của nhiều loại hình nghệ thuật ở đây. Quy mô chế tác và

chất lượng tranh tượng, trang sức, vải vóc và hàng mỹ nghệ của Bali làm nhiều du
khách phải sửng sốt. Nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc phương Tây đến định cư hẳn ở
Bali vì không khí sáng tác nghệ thuật ở đây luôn náo nức và nền văn hóa đa dạng
của vùng đất này là nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ.
Nghệ thuật điêu khắc đặc biệt phát triển tại Bali. Trên những con đường làng
chúng tôi đã đi qua đều có các xưởng điêu khắc và phòng trưng bày đồ mỹ nghệ
với mẫu mã vô cùng tinh tế, phong phú. Tại các ngã ba, ngã tư ở những thị trấn
nhỏ cũng có rất nhiều tượng đài mang tính nghệ thuật cao, từ những tượng nữ thần
lúa duyên dáng thanh thoát đến các hung thần có vẻ mặt hết sức biểu cảm.

Có vô số những bức tượng như thế này trên các nẻo đường Bali.
Với 3,2 triệu dân, 1.200 khách sạn và resort từ bình dân đến sang trọng, Bali là nơi
có mật độ dân số và mức sống thuộc hàng cao nhất Indonesia, vậy mà thật khó tìm
được ở đây tòa nhà nào cao quá ba tầng, nhà ống và mái tôn lại càng không thấy.
Nổi bật trên nền trời chỉ có những ngọn tháp uy nghiêm nhiều tầng, mái được làm
bằng xơ dừa màu đen rất độc đáo.
Nhà cửa ở Bali dù bề thế hay nhỏ xíu hầu như đều theo kiến trúc truyền thống là
hình vuông bốn mái lợp ngói, quanh nhà trồng rất nhiều hoa, trông thật dễ chịu.
Phong cách nghệ thuật kiến trúc, trang trí của Bali được pha trộn, ảnh hưởng từ
nhiều nền văn hóa khác nhau: Ấn Độ, Trung Hoa, Ai Cập, Java và cả phong cách
thuộc địa (Hà Lan) hòa trộn cùng lối kiến trúc truyền thống của Bali.
Tình yêu nghệ thuật và trình độ thẩm mỹ của người Bali có thể thấy ngay từ
những ngôi nhà bên đường, dù vẫn tuân theo kiến trúc và lối trang trí cổ truyền
nhưng không nhà nào giống nhà nào, từ cổng vào cho đến am thờ, tường cột đều
được chạm khắc và cả các bức phù điêu đặc sắc, tuyệt đẹp. Hoa được trồng cả bên
ngoài hàng rào và ven những lối đi chung mà không có ai hái. Ý thức công cộng
của người dân ở đây thật đáng khen, những người chúng tôi gặp trên đường đều
rất thân thiện và nói năng từ tốn. Bali cũng hầu như không có người ăn xin, nạn
chèo kéo du khách hay trộm cắp vặt.
Gương mặt Bali


Một ngôi đền tiêu biểu trên đảo.
Vì hơn 90% dân số trên đảo theo đạo Hindu nên Bali có đến hơn 20.000 ngôi đền
lớn nhỏ, nhiều ngôi đền được xây cách đây cả ngàn năm vẫn còn nguyên vẹn. Mỗi
ngôi nhà trên đảo thường có ba đền thờ nhỏ, mỗi làng có ba đền thờ lớn, mỗi thửa
ruộng cũng có miếu thờ. Thế nên du khách đi đâu cũng gặp những kiến trúc cổ.
Người Bali đôi khi bị châm biếm là chỉ dành thời gian, sức lực cho các nghi lễ tôn
giáo. Quả thật, các lễ hội với nghi thức cúng tế, ca múa nhạc nhiều màu sắc, trau
chuốt, công phu diễn ra hàng ngày trên đảo, luân phiên qua các thị trấn, làng mạc.
Những lễ hội, đám cưới, đám ma, lễ hỏa táng… thường có sự tham gia đầy thích
thú của nhiều du khách nhưng vẫn giữ được không khí trang trọng truyền thống.
Tính cách người Bali luôn là một câu hỏi lớn với nhiều người nước ngoài. Qua
100 năm xây dựng thiên đường du lịch, nền văn hóa phương Tây hầu như không
tác động nhiều đến nhân sinh quan và cách sống của người Bali. Mặc cho hàng
loạt quán bar, vũ trường, các phương tiện giải trí hiện đại, các trung tâm mua sắm
ngày đêm nườm nượp du khách, người Bali ung dung vẫn giữ niềm tin tuyệt đối
vào đấng tối cao và bình thản đắm mình vào lễ lạt, ca vũ và nghệ thuật. Hầu hết
người dân vẫn trung thành với lối ăn mặc, lối sinh hoạt cùng phương thức ứng xử
truyền thống.

Lễ lạt, niềm say mê bất tận của người Bali.
Thùy, một cô sinh viên đang theo học tiếng Indonesia tại đây cho chúng tôi biết
người Bali dễ gần nhưng khó trở thành thân thiết. Họ luôn giữ một khoảng cách
nhất định với du khách và hoàn toàn xa lạ với những gì gọi là kịch tính, mãnh liệt,
bi tráng. Việc bộc lộ cảm xúc, tình cảm một cách nồng nhiệt ở đây dễ bị cho là
thiếu tự chủ.
Những chiếc mặt nạ – món hàng mỹ nghệ làm du khách thích thú với nụ cười an
nhiên tự tại – phảng phất vẻ thấu hiểu cuộc đời dường như cũng chính là gương
mặt người dân ở đây. Đằng sau vẻ bình thản an vui đó là chiều sâu tâm linh thăm
thẳm của một dân tộc. Và phải chăng, Ấn giáo với hệ thống các phương châm ứng

xử và cách sống luôn hướng đến sự cân bằng đã cho Bali một lịch sử yên ổn, ít bi
kịch? Tình yêu và sự nhạy cảm với cái đẹp của người Bali đã biến hòn đảo ngọc
ngà này thành thiên đường. Một thiên đường có được không chỉ nhờ xây dựng mà
còn do con người biết giữ gìn và tô điểm thêm những nét đẹp mà thiên nhiên đã
ban tặng.

×