Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Cây thuốc vị thuốc Đông y - MẦN TƯỚI pps

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (171.57 KB, 5 trang )

Cây thuốc vị thuốc Đông y - MẦN
TƯỚI

Cây Mần tưới

MẦN TƯỚI
Herba Eupatorii

Tên khác: Trạch lan, Lan thảo, Hương thảo, Co phất phử (Thái),
Eupatoire (Pháp).

Tên khoa học: Eupatorium fortunei Turcz., họ Cúc (Asteraceae).

Mô tả:

Cây: Cây thuộc thảo, cao trung bình 50 cm có thể đến 1m. Thân, cành
nhẵn, phân nhiều nhánh. Lá mọc đối thuôn dài khoảng 10 cm rộng
2cm, đầu nhọn, có khía răng thưa, vò lá có mùi thơm đặc biệt. Cụm hoa
mọc ở ngọn thân và đầu cành thành ngù kép, mang nhiều đầu dài 7-
8mm; lá bắc nhỏ; hoa mầu tím hồng, đôi khi mầu trắng, tràng hoa loe
dần về phía đầu, mào lông dài 3mm; bao phấn không có tai ở gốc. Quả
bế, mầu đen, có 5 cánh lồi. Mùa hoa quả: tháng 9-11.

Dược liệu: là đoạn ngọn, cành dài, ngắn không đều, thường dài khoảng
20-30cm, đường kính 0,2-0,5cm, mặt ngoài nhẵn, màu hơi nâu, rỗng
giữa, có những rãnh nhỏ chạy dọc, lá mọc đối hình mác, mép lá có răng
cưa to và nông, phiến lá hẹp, dài 10-15cm, rộng 1,5-2,5 cm, gân chính
nổi rõ, nhiều gân phụ phân nhánh. Cụm hoa là ngù đầu. Hoa màu trắng
hoặc phớt tím hồng. Quả đóng màu đen nhạt, 5 cạnh. Thân, lá, hoa có
mùi thơm đặc biệt, vị hơi đắng, hơi cay.


Bộ phận dùng: Phần trên mặt đất phơi hay sấy khô (Herba Eupatorii).

Phân bố: Cây được trồng rải rác trong một số vườn ở nông thôn các
tỉnh miền Bắc.

Thu hái: Thu hái vào mùa hạ, mùa thu, cắt lấy đoạn ngọn cành có
mang lá, rửa thật sạch, phơi trong bóng râm hoặc sấy ở 45-50oC đến
khô.

Thành phần hoá học:

+ Các dẫn chất coumarin: coumarin chính danh (= benzo αpyron) và
ayapin.

+ Các chất khác ở dạng lỏng: 2-hydroxy-4 methyl acetophenon, 8,10,
epoxy-9-acetoxy-thymol-angelat, 9-isobutyryloxy-8,10-dihydroxy
thymol, 9-ange-loyloxy-8,10-dihydroxy-thymol.

Công năng: Tác dụng hoạt huyết, phá ứ huyết, lợi tiểu, tiêu thũng, sát
trùng.

Công dụng:

+ Chữa sốt, chữa mụn nhọt, lở ngứa.

+ Nhân dân ta thường dùng lá Mần tưới non ăn sống, ăn gỏi như các
loại rau thơm. Cũng dùng lá nấu canh ăn cho mát, giải nhiệt, giải cảm.
Lá cũng dùng hãm uống lợi tiêu hoá, kích thích ăn ngon miệng và làm
rau thơm.


+ Người ta cũng dùng Mần tưới để trừ ho gà, mạt gà, rệp, mọt, bọ chó.
Ðặt cành lá Mần tưới vào hũ đựng đậu xanh, đậu đen, cau khô để trừ
mọt và sâu, hái cành lá Mần tưới cho vào ổ gà, ổ chó sau khi đã làm vệ
sinh sẽ trừ được bọ gà, bọ chó có trong ổ, cứ vài ngày lại làm vệ sinh
và thay lá một lần. Giường có rệp sau khi giũ và diệt rệp, rải cành lá
Mần tưới dưới chiếu vài lần sẽ diệt hết rệp.

+ Người ta dùng lá Mần tưới giã nhỏ cho vào túi vải xát trực tiếp vào
tay hay chân để xoa muỗi và dín (con bọ mát) có hiệu quả tốt trong
vòng hai ba giờ. Phụ nữ nông thôn cũng thường dùng Mần tưới nấu
nước gội đầu cho sạch tóc.

Cách dùng, liều lượng: Ngày 50-150g cây tươi dưới dạng thuốc sắc.

Bào chế: Dược liệu khô, loại bỏ tạp chất, ủ mềm nhanh, cắt đoạn và
phơi khô.

Bài thuốc:

1. Chữa máu hôi không ra sau khi đẻ: Mần tưới (cả gốc và lá), Ngải
tím, Quế chi, đều nhau. Tán thành bột, lấy chừng 80g, chia làm 2 lần
uống với rượu.

2. Chữa phù thũng sau khi đẻ: Mần tưới, Phòng kỷ, đều bằng nhau tán
nhỏ, mỗi lần uống 8g với giấm làm thang.

3. Chữa mụn nhọt, vết thương ứ huyết: Mần tưới, Huyết giác đều 20g.
Sắc uống. Ngoài dùng Mần tưới giã đắp.

4. Chữa sốt, tiêu hóa kém: Mần tưới khô 20g, sắc với 600ml nước còn

200ml, chia 2 lần uống 15 phút trước hai bữa ăn chính.

Chú ý: Cây Mần tưới trắng (Eupatorium staechadosmum Hance) giải
cảm, chữa kinh nguyệt không đều. Cây Mần tưới tía (Ba dót, Bả dột)
(Eupatorium ayapana Vent.) dùng trong dân gian chữa cao huyết áp.

×