Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Các thuốc chữa thiếu máu đắt tiền điều trị ung thư và suy thận pps

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (105.53 KB, 5 trang )

Các thuốc chữa thiếu máu đắt
tiền điều trị ung thư và suy thận:
Có gây hại cho bệnh nhân?

Các dược phẩm đắt tiền có khả năng kích thích sản xuất hồng cầu
được dùng phổ biến trong điều trị ung thư và bệnh thận ở các nước tiên
tiến. Những thuốc này dù mang lại hàng chục tỷ đô-la cho hãng bào chế
nhưng có thể gây hại tới người dùng.
Cuối tháng 1/2007, hãng công nghệ sinh học đứng đầu thế giới -
Amgen của Mỹ đã đưa ra một công bố: thuốc chống thiếu máu aranesp đã
làm tăng tỷ lệ tử vong cho một số bệnh nhân ung thư. Hàng triệu người trên
thế giới đã được chỉ định các thuốc trong nhóm này với các tên khác nhau,
phổ biến nhất là epogen, procrit, neorecormon Doanh thu của cả 3 biệt
dược ở Mỹ là khoảng 14 tỷ đô-la/năm. Các sản phẩm đắt tiền này có tác
dụng tương tự như erythropoietin, được sản xuất tại thận và có thể dùng để
kích thích sự sinh sản của hồng huyết cầu.
Mới đây, tạp chí New England Journal of Medicine đã cảnh báo nguy
cơ tiềm tàng do bác sĩ chỉ định các thuốc kể trên quá mạnh tay. Một nghiên
cứu lâm sàng cho thấy việc sử dụng procrit với tần số cao đã làm tăng hơn
34% số trường hợp tử vong bởi bệnh tim so với những người sử dụng thuốc
ít hơn. Điều này trái ngược với những dự đoán và mong muốn của bác sĩ
cũng như hãng bào chế.
Trong một thử nghiệm mới nhất với nỗ lực đưa aranesp vào sử dụng
cho các bệnh nhân ung thư bị thiếu máu (trước đây thuốc này đã được cho
phép sử dụng với bệnh nhân bị thiếu máu do hóa trị liệu), đã có 1.000 bệnh
nhân tham gia. Mục đích của thử nghiệm là chứng minh aranesp có thể giúp
làm giảm tần số của việc bệnh nhân phải truyền máu. Kết quả cho thấy, số
lần cần truyền máu ở bệnh nhân không giảm nhưng tỷ lệ tử vong đã tăng lên
rõ rệt ở cuối tuần thứ 16 từ khi sử dụng thuốc. Theo hãng bào chế: khoảng
12% aranesp đã được chỉ định và có khả năng làm hại bệnh nhân trong
trường hợp này.


Gần đây nhất, một thử nghiệm lâm sàng tại Đan Mạch đã cho thấy tỷ
lệ tái phát của ung thư đầu và cổ ở nhóm bệnh nhân dùng thuốc aranesp cao
hơn hẳn so với bệnh nhân không dùng thuốc (theo Cancer Letter,
16/2/2007). Tương tự, trước đó Hãng Roche đã công bố: họ bắt buộc phải
dừng lại một thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân ung thư phổi, khi các nhà
nghiên cứu nhận thấy sự tăng vọt tỷ lệ tử vong của những bệnh nhân được
dùng thuốc làm tăng sản hồng cầu. Các khoa học gia đã đặt ra nghi vấn là
chính các thuốc nhóm này đã có thể kích thích sự phát triển của các khối u ở
những bệnh nhân được điều trị.
Năm 2003, Hãng bào chế Johnson & Johnson đã bắt buộc phải dừng
lại những thử nghiệm lâm sàng, khi họ thấy sự tăng vọt các trường hợp bệnh
nhân bị bệnh do huyết khối. Các thử nghiệm này đã được hy vọng là chứng
minh việc sử dụng thuốc tăng hồng huyết cầu sẽ dẫn tới kết quả cao hơn cho
điều trị bệnh ung thư bằng hóa và xạ trị liệu.
Một nghiên cứu rộng lớn và đầy đủ hơn cũng đã được thực hiện ở
châu Âu bởi một nhóm các bác sĩ người Đức và Thụy Sĩ. Mục đích của họ là
chứng minh khả năng làm giảm tử vong và sự phát triển của khối u cho
nhóm bệnh nhân được điều trị kết hợp bằng neorecormon.
Tổng số 351 bệnh nhân ở Áo, Pháp, Đức và Thụy Sĩ đã tham gia thử
nghiệm: nhóm bệnh nhân bị ung thư được điều trị bằng xạ trị liệu kết hợp
với neorecormon và nhóm bệnh nhân bị ung thư dùng xạ trị liệu và giả dược
(placebo). Đúng như mong đợi, 82% bệnh nhân ở nhóm dùng thuốc tăng
sinh hồng cầu có được lượng hemoglobin ở mức bình thường và cao hơn
bình thường (140-150g/lít), trong khi đó nhóm dùng giả dược chỉ có 15%
bệnh nhân đạt được tiêu chuẩn này. Trái với mong đợi của các nhà nghiên
cứu, sức khỏe và tiến triển của bệnh ung thư ở nhóm dùng thuốc đã tồi tệ
hơn so với nhóm không dùng thuốc. Cụ thể: bệnh nhân dùng neorecormon bị
tái phát cao hơn 62% và số ca tử vong tăng gấp hơn 3 lần so với nhóm kia.
Các trường hợp tử vong không liên quan tới ung thư đã tăng nhiều nhất, đặc
biệt là do các bệnh tim mạch, phù não, tắc động mạch và một số trường hợp

phù nghẹt thanh quản. Như vậy, mặc dù làm tăng số lượng hồng cầu, nhưng
neorecormon không những không giúp kiềm chế bệnh và tăng tuổi thọ mà
ngược lại đã có thể làm hại bệnh nhân.
Những kết quả và công bố trên đây là lời cảnh báo cho các bác sĩ thích
đoán mò trong việc chỉ định thuốc. Vì chúng ta đều biết, trong y học, nhất là
trong thực tế lâm sàng có rất nhiều điều tưởng thế mà không phải thế. Mặc
dù không được chấp nhận chính thức, nhưng các thuốc kể trên vẫn được một
số bác sĩ chỉ định thường xuyên để điều trị thiếu máu cho bệnh nhân ung
thư. Thậm chí, nhiều bệnh nhân đã được chỉ định các thuốc rất đắt tiền này
để giảm bớt mệt mỏi. Chúng ta cần chữa bệnh vì mục đích kéo dài cuộc
sống và tăng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, chứ không phải để nâng
chỉ số này, giảm tỷ số kia cho đẹp mắt.

×