MẤY KINH NGHIỆM VỀ TIẾP CẬN VÀ PHÁT
TRIỂN
KINH TẾ TRI THỨC TRÊN THẾ GIỚI
NGUYỄN XUÂN TẾ
Tiến sĩ Khoa học chính trị, Đại học Luật TP. Hồ Chí
Minh
Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương
Đảng khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
IX đã chỉ rõ: “Phát huy những lợi thế của đất nước,
tận dụng mọi khả năng để đạt trình độ công nghệ tiên
tiến, đặc biệt là công nghệ thông tin và công nghệ
sinh học, tranh thủ ứng dụng ngày càng nhiều hơn, ở
mức độ cao hơn và phổ biến hơn những thành tựu
mới về khoa học và công nghệ, từng bước phát triển
kinh tế tri thức”. Bài viết sau đây giới thiệu một số
kinh nghiệm về tiếp cận và phát triển kinh tế tri thức
ở một số nước trên thế giới.
Nền kinh tế tri thức (knowledge economy hoặc
knowledge based economy: kinh tế dựa trên tri thức;
hoặc knowledge driven economy: kinh tế được tri
thức dẫn dắt) là nền kinh tế trong đó quá trình sáng
tạo và khai thác tri thức trở thành thành phần chủ đạo
trong quá trình tạo ra của cải, nâng cao chất lượng
cuộc sống. Cũng có thể định nghĩa giản đơn hơn như
năm 1996, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế
(OECD) đã đưa ra: kinh tế tri thức là nền kinh tế
trong đó tri thức đóng vai trò then chốt đối với sự
phát triển kinh tế – xã hội loài người.
Chúng ta đều đã rõ, trước đây trong nền kinh tế nông
nghiệp, vốn tri thức của con người còn quá mỏng
manh, công nghệ lại đang trong tình trạng chưa phát
huy được hiệu lực, tác động của tri thức thì gần như
chưa đáng kể, nên nền kinh tế nông nghiệp kéo dài
sáu, bảy nghìn năm, sự tiến triển hết sức chậm chạp.
Nhưng vào cuối thế kỷ XVIII, cuộc cách mạng kỹ
thuật lần thứ nhất đã thúc đẩy sự chuyển biến từ kinh
tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp. Từ đấy,
trong hơn hai trăm năm qua, của cải của loài người đã
tăng lên gấp rất nhiều lần so với trước, mọi người đều
dễ dàng nhận thấy là khoa học và công nghệ đã đóng
góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội.
Cho đến đầu thế kỷ XX những thành tựu to lớn của
khoa học với vai trò dẫn đầu của thuyết tương đối và
thuyết lượng tử, là tiền đề cho cuộc cách mạng khoa
học và công nghệ hiện đại ra đời và phát triển bắt đầu
từ nửa sau của thế kỷ XX, và đặc biệt trong hai thập
kỷ 80 và 90 của thế kỷ vừa qua đã bước sang giai
đoạn mới – giai đoạn bùng nổ thông tin, tri thức,
bùng nổ công nghệ… làm tăng nhanh nhịp điệu tăng
trưởng kinh tế, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, tạo
sự nhảy vọt và biến đổi về chất trong lực lượng sản
xuất, trong đó tri thức, thông tin trở thành yếu tố hàng
đầu của sản xuất, khoa học và công nghệ, trở thành
lực lượng sản xuất trực tiếp. Như Giáo sư Viện sĩ
Đặng Hữu đã lưu ý trong bản nghiên cứu “Kinh tế tri
thức với chiến lược phát triển của Việt Nam”, đây
không chỉ là cách mạng trong khoa học công nghệ,
trong phát triển lực lượng sản xuất, mà còn là cách
mạng trong các quan niệm, các cách tiếp cận, nó đòi
hỏi con người phải đổi mới cách nghĩ, cách làm để
thích nghi và làm chủ sự phát triển.
Quả vậy, chưa bao giờ vai trò động lực của tri thức,
của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển kinh
tế xã hội trở nên rõ ràng, nổi bật như ngày nay.
Nền kinh tế tri thức, trong thực tế đã tạo ra những
biến đổi to lớn về mọi mặt hoạt động của con người
và xã hội: đó là cơ sở hạ tầng mới của xã hội mới –
xã hội thông tin. Nền kinh tế này xuất hiện trong mọi
lĩnh vực, trong toàn bộ cơ cấu nền kinh tế quốc dân.
Ở Bắc Mỹ và một số nước Tây Âu, nền kinh tế tri
thức đã bắt đầu hình thành. Hiện nay ở những nước
này riêng về kinh tế thông tin (những ngành kinh tế
dựa chủ yếu vào công nghệ thông tin), trong đó kinh
tế tri thức là chủ yếu đã chiếm khoảng 45% - 50%
GDP. Trong các nước OECD, kinh tế tri thức đã
chiếm hơn 50% GDP, công nhân trí thức chiếm trên
60% lực lượng lao động. Nhiều người ước tính vào
khoảng năm 2030 các nước phát triển đều trở thành
các nền kinh tế tri thức.
Các nước ở Đông Á và Đông Nam Á cũng đang nỗ
lực thực hiện chiến lược quốc gia chuẩn bị, đón nhận
và vận dụng kinh tế tri thức. Trước hết, xin nói đến
Nhật Bản. Theo báo cáo của Cố vấn kinh tế Takashi
Kiuchi thuộc Ngân hàng Shinsei ở Tokyo (Nhật Bản)
tại hội thảo “Các xu hướng và vấn đề năm 2001:
Tăng trưởng kinh tế dựa trên tri thức và những tác
động xã hội – chính trị ở Đông Á” tiến hành tại
Tokyo ngày 25 và 26 tháng 10 năm 2000, Thủ tướng
Chính phủ Mori đã thật sự nhanh chóng lựa chọn
công nghệ thông tin là một tâm điểm quan trọng duy
nhất trong sáng kiến chính sách của mình khi cuộc
tổng tuyển cử kết thúc vào tháng 7. Điều này làm cho
nhiều nhà quan sát ngạc nhiên bởi vì từ lâu ông Mori
đã được biết đến như một nhà hoạch định chính sách
giáo dục có kinh nghiệm nhưng lại thiếu kiến thức
sâu rộng về công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, ngay từ đầu tháng 7, ông đã nhanh chóng
ban hành một loạt biện pháp chứng minh cho sáng
kiến chính sách của mình như chỉ định Hidenao
Nakagawa, Tổng thư ký Nội các mới làm Bộ trưởng
phụ trách chính sách Công nghệ thông tin, lập ra Ban
Chiến lược Công nghệ thông tin trực thuộc Văn
phòng Thủ tướng và đích thân làm Trưởng ban của
ban ấy. Thủ tướng Chính phủ còn thành lập Hội đồng
Chiến lược Công nghệ thông tin dưới sự bảo trợ của
Ban Chiến lược và mời các nhà lãnh đạo kinh doanh
và các nhà khoa học chủ chốt tham gia Hội đồng
nhằm bàn bạc kỹ lưỡng về các phương pháp tạo ra xã
hội công nghệ thông tin phù hợp nhất với đất nước.
Ông Nôbuyuki Idei, Chủ tịch Công ty Sony đã được
mời làm Chủ tịch Hội đồng. Đồng thời Thủ tướng
còn chớp mọi cơ hội nhằm đẩy mạnh chiến dịch công
nghệ thông tin của mình. Một thí dụ rõ rệt là chuyến
thăm Ấn Độ gần đây của ông, tại đó ông đã đi thăm
Bangalore, thủ đô công nghệ thông tin của Ấn Độ và
bàn bạc về khả năng hợp tác với Chính phủ Ấn Độ
trong lĩnh vực phát triển công nghệ thông tin. Và khả
năng Nhật Bản nhập khẩu chuyên gia công nghệ
thông tin từ Ấn Độ đang dồi dào nguồn cung là hoàn
toàn có thật.
Ở Trung Quốc, mấy năm trước đây cuộc tranh luận
về vấn đề nền kinh tế tri thức có phải là một bộ phận
quan trọng của nền kinh tế thế giới hay không, đã
diễn ra sôi nổi trong giới khoa học Trung Quốc.
Nhưng hai năm gần đây, một số đã cho rằng nền kinh
tế tri thức không chỉ tồn tại trong nhận thức mà đã trở
thành một thực tế trong đời sống kinh tế của các nước
tiên tiến cũng như ở Trung Quốc. Theo nhà nghiên
cứu Tian Zhong Qing thì trong vòng 10 đến 20 năm
đầu của thế kỷ XXI, Trung Quốc có nhiều điều kiện
thuận lợi để phát triển mạnh mẽ nền kinh tế tri thức
vì những lý do sau:
- Một là, Chính phủ trung ương đã ban hành chiến
lược “thúc đẩy nền kinh tế dựa trên khoa học và giáo
dục”.
- Hai là, Trung Quốc đã thiết lập một cơ sở nghiên
cứu khá vững chắc về khoa học cơ bản và công nghệ
với một hệ thống làm việc có sự tính toán kỹ lưỡng
đến nhu cầu hiện tại và sự phát triển trong tương lai.
- Ba là, việc cải cách hệ thống quản lý trong nghiên
cứu khoa học và công nghệ đã đạt được nhiều tiến
bộ.
- Bốn là, Trung Quốc đang đẩy nhanh việc hình thành
cơ chế đổi mới của mình với mục tiêu làm cho sức
mạnh của đổi mới đạt đến mức độ của các quốc gia
tiên tiến trung bình vào năm 2010.
- Năm là, sự phát triển nhanh của các ngành công
nghệ cao. Thí dụ các ngành điện tử và thông tin đã
nằm trong 10 ngành công nghiệp chủ yếu của Trung
Quốc.
- Sáu là, sự hình thành các công viên công nghệ cao.
Trung Quốc đã có 53 công viên công nghệ cao ở cấp
Nhà nước. Đến nay chúng đang đóng vai trò quan
trọng trong việc thu hút công nghệ, xây dựng cơ chế
đổi mới.
- Bảy là, sự lớn mạnh của các doanh nghiệp tư nhân.
Hàn Quốc hiện nay đang đứng ở hàng thứ 30 trên thế
giới về sức cạnh tranh khoa học công nghệ, xác định
chỉ có phát triển công nghệ thông tin mới đứng vững
trong xu thế cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ và đặt
mục tiêu năm 2010 sẽ vươn lên đứng hàng thứ 12,
ngoài ra còn đặt kế hoạch tăng khoảng 18% vốn đầu
tư cho các dự án phát triển công nghệ cao.
Cũng nên kể thêm rằng ngay cả những nước đang
phát triển và kém phát triển cũng đã và đang tích cực
vạch ra chiến lược tranh thủ tiếp cận và phát triển
kinh tế tri thức.
Một số nước như Malaysia, Thái Lan… cũng tích cực
chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế tri thức,
trong đó coi công nghệ thông tin là ưu tiên hàng đầu.
Một thí dụ thành công điển hình trong việc hướng tới
kinh tế tri thức là vùng Bangalore (Ấn Độ) mà chúng
ta đã nhắc đến ở trên. Trước kia, nơi đây rất lạc hậu,
nhờ Chính phủ nước này tập trung đầu tư phát triển,
Bangalore ngày nay trở thành một trong những trung
tâm sản xuất và xuất khẩu phần mềm lớn nhất Châu
Á với hơn 250 công ty trong và ngoài nước. Ấn Độ
dự kiến doanh thu từ xuất khẩu phần mềm đạt hơn 5
tỷ USD năm 2000 và đến năm 2008 đạt 50 tỷ USD.
Ở Phần Lan, một đất nước về mặt địa lý, rừng và đầm
lầy chiếm đại bộ phận diện tích. Trước đây 50 năm,
nước này là một nước nông lâm nghiệp, dân số nông
nghiệp chiếm trên 70%, nay chỉ còn 6%, rừng trước
đây giữ vai trò chủ yếu trong kinh tế nay chỉ chiếm
không đến 3% GDP. Nước này từ kinh tế nông
nghiệp đi nhanh vào kinh tế tri thức, hiện nay đang
đứng đầu thế giới về tỷ lệ số người sử dụng Internet
và điện thoại di động.
Một trong những đặc điểm quan trọng nhất để phát
triển kinh tế tri thức là lao động phải qua đào tạo ở
trình độ cao. Nguồn lao động ấy hiện nay đang ở
trong các trường học. Nâng cao chất lượng giáo dục
đào tạo để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế tri thức,
tiến hành thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện
đại hóa đất nước là một trong những nhiệm vụ quan
trọng thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.
Về vấn đề này, Giáo sư Phạm Minh Hạc trong bài:
“Kinh tế tri thức và giáo dục – đào tạo, phát triển con
người” (Nhân Dân số ra ngày 10/7/2000) đã nêu rõ
nền kinh tế tri thức đòi hỏi phải có một cách nhìn mới
đối với giáo dục và có đề xuất một số biện pháp chiến
lược chấn hưng và phát triển giáo dục đào tạo phục
vụ công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Là người từng
giữ cương vị phụ trách Bộ Giáo dục và đã viết nhiều
cuốn sách bàn về giáo dục, nên các biện pháp ông
đưa ra đều có tính thuyết phục đối với mọi người. Vì
vậy, chúng tôi chỉ nhấn mạnh thêm phương hướng
mới để phát triển giáo dục: đó là giáo dục suốt đời,
phổ cập công nghệ trên cơ sở giáo dục nhân cách
theo tinh thần giáo dục nhân văn, nhân bản. Cũng cần
nhắc lại là quan điểm giáo dục suốt đời do UNESCO
đề ra từ năm 1972 ngày càng trở thành một quan
điểm chủ đạo của nền giáo dục cuối thế kỷ XX đầu
thế kỷ XXI, đặc biệt trong nền giáo dục phục vụ sự
phát triển nền kinh tế tri thức. Tư tưởng đó đã được
Ủy ban Giáo dục đi vào thế kỷ XXI của UNESCO
khẳng định lại một lần nữa như là một tư tưởng chỉ
đạo sự phát triển giáo dục đào tạo trong thời đại ngày
nay; có thể nói quả quyết rằng thế kỷ XXI là thế kỷ
của giáo dục thường xuyên.
Nền kinh tế tri thức đòi hỏi mỗi người phải luôn luôn
bổ sung tri thức mới và trong thời đại thông tin có cơ
sở vật chất để làm việc đó. Nhìn chung, chúng ta thấy
rất rõ các nước đang vạch ra chiến lược tranh thủ tiếp
cận và phát triển kinh tế tri thức chú ý thực hiện các
vấn đề này.
Nhật Bản gần đây đã đẩy mạnh cải cách giáo dục
nhằm đào tạo ra những con người năng động, sáng
tạo hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học của đất
nước trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Mỹ chi phí
khoảng 7% GDP/năm cho việc đào tạo và phát triển
nhân tài. Ở Mỹ, trung bình một nhân viên của tập
đoàn Microsoft và hãng chế tạo máy bay Boeing tạo
ra 6,7 và 3,8 việc làm. Mới đây, Quốc hội Mỹ đã
thông qua dự luật cho phép cấp thị thực H-1B không
hạn chế trong vòng 3 năm tới cho những chuyên gia
và công nhân lành nghề nước ngoài. Giáo sư Hoàng
Tụy trong bài: “Đổi mới tư duy để vào kinh tế tri
thức” (Văn Nghệ số 15 ra ngày 14/4/2001) có kể lại
câu chuyện khá tiêu biểu sau đây: Nhận thấy vai trò
trung tâm của tư duy toán học trong sự phát triển
công nghệ thông tin, trong cuộc cách mạng số hóa,
những phát minh công nghệ khoa học lớn đều dính
đến toán học, những lĩnh vực nghiên cứu nóng nhất
ngày nay đều sử dụng toán ở trình độ rất cao, hãng
IBM đã trả lương cho một nhà toán học hàng chục
năm chỉ với nhiệm vụ tự do theo đuổi những ý tưởng
toán học của mình, nhờ đó ông này đã phát minh ra
lý thuyết Fractals ngày nay có ứng dụng rộng rãi,
chẳng những trong công nghệ thông tin mà cả nhiều
lĩnh vực khác, kể cả nghệ thuật.
Ngoài ra, phải kể đến Ấn Độ là quốc gia đã đạt được
thành công bước đầu trong việc hàng năm đưa hàng
chục nghìn chuyên gia và công nhân lành nghề sang
nghiên cứu và làm việc tại các trung tâm công nghệ
cao của Mỹ. Nhiều người trong số họ thành đạt, nắm
bắt được tri thức tiên tiến, trở về quê hương góp phần
phát triển kinh tế đất nước.
Và ngay trong khu vực các nước ASEAN, Chính phủ
Singapore từ lâu đã thừa nhận tầm quan trọng của
nguồn vốn con người như một nguồn lực cơ bản cho
phát triển kinh tế. Bên cạnh việc đầu tư mạnh vào
giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, Chính phủ đã
mở rộng tối đa việc tuyển dụng những nhân công của
các công ty đa quốc gia nước ngoài ngay từ khi bắt
đầu quá trình công nghiệp hóa, và thực hiện một
chính sách năng động để thu hút lao động có kỹ năng
và tài năng ở nước ngoài vào tất cả các lĩnh vực của
nền kinh tế, bao gồm cả khu vực công cộng. Song,
việc dịch chuyển hướng tới một nền kinh tế dựa trên
tri thức đã làm tăng mạnh vốn đầu tư vào phát triển
nguồn nhân lực. Một bộ mới – Bộ nhân lực đã được
thành lập theo kiến nghị của Ủy ban cạnh tranh
Singapore, và một kế hoạch nhân lực chiến lược mới
được gọi là “Kế hoạch nhân lực 21” đã được đưa ra.
Kế hoạch nhấn mạnh cả hai khía cạnh thu hút những
tài năng mới vào các ngành công nghiệp sử dụng
nhiều tri thức đã được xác định, cũng như đào tạo lại
và tận dụng nguồn lao động đang có sẵn. Kế hoạch
cũng nhấn mạnh tầm quan trọng phải chuẩn bị những
công nhân cho “một đời nhiều nghề nghiệp” hơn là
“một nghề nghiệp suốt đời”, trong nền kinh tế mới,
và nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của
việc học tập suốt đời.
Các thể chế nghiên cứu và phát triển khoa học R&D
được công nhận có một vai trò quan trọng ngày càng
tăng trong việc thu hút và đào tạo toàn bộ thế hệ mới
các nhà khoa học và kỹ sư “sáng tạo tri thức” R&D.
Nhiều người trong số họ được trông đợi sẽ làm việc
trong khu vực tư nhân. Như vậy các thể chế nghiên
cứu và phát triển khoa học R&D được nhìn nhận như
một chất dẫn xuất cho việc chuẩn bị và phân phối
nguồn vốn con người cho các ngành công nghiệp mới
sử dụng nhiều tri thức trong trung hạn. Điều này có
thể được xem như một sự bổ sung cho vai trò giáo
dục rộng hơn của các trường Đại học và các trường
kỹ nghệ.
Chính phủ Singapore luôn công nhận tầm quan trọng
của việc học hỏi từ các nước tiên tiến. Tuy nhiên, mãi
cho tới gần đây, Singapore mới đồng ý với việc nhận
tri thức được tạo ra từ các nước khác, thông qua việc
phối hợp gửi những người giỏi nhất đi học ở các
trường Đại học danh tiếng ở nước ngoài, nhập khẩu
các thiết bị công nghệ mới nhất, li-xăng bằng sáng
chế công nghệ từ những công ty và thể chế ở nước
ngoài, khuyến khích các công ty đa quốc gia nước
ngoài chuyển giao công nghệ vào những hoạt động
của họ ở Singapore, thu hút những tài năng ở nước
ngoài và tiến hành những hoạt động học tập mô
phỏng khác nhau.
Trên đây là một số việc làm của một vài nước khi
tiếp cận và phát triển kinh tế tri thức. Với Việt Nam,
để tiến tới nền kinh tế tri thức, chúng ta cần tiến hành
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển
nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ
nghĩa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đi đôi với
việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc đồng thời
học tập những bài học thành công của những nước đi
trước. Thực hiện tốt các giải pháp trên đây, chúng ta
tin chắc sẽ gặp nhiều thuận lợi trên bước đường tiến
vào nền kinh tế tri thức.