HÀNH VI VI PHẠM VIỆC CẤP DƯỠNG CỦA
NGƯỜI
PHẢI THI HÀNH ÁN KHÔNG CẤU THÀNH
TỘI PHẠM
TRỊNH TIẾN VIỆT
Khoa luật ĐH quốc gia Hà Nội
Tạp chí Dân chủ và pháp luật số 2/2001 có đăng bài
viết của tác giả Vũ Thanh Xuân – Đội thi hành án
huyện Thới Bình, Cà Mau về trường hợp cơ quan thi
hành án tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa
án về việc cấp dưỡng, nhưng người phải thi hành án
về việc cấp dưỡng lại cố tình không chấp hành án,
mặc dù đã được cơ quan thi hành án đôn đốc và xử
phạt hành chính. Trong trường hợp này, người phải
thi hành án có phạm tội không, nếu có thì phạm tội
gì?
Tác giả bài viết có đưa ra hai quan điểm khác nhau
trong quá trình giải quyết vụ án này. Quan điểm thứ
nhất cho rằng hành vi của người phải thi hành án đã
phạm tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng
(Điều 152 BLHS năm 1999). Quan điểm thứ hai lại
khẳng định người này phạm tội không chấp hành án
(Điều 304 BLHS năm 1999).
Về trường hợp này, chúng tôi cho rằng người phải thi
hành án không phạm tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa
vụ cấp dưỡng và cũng không phạm tội không chấp
hành án bởi các lập luận dưới đây.
Trước hết, về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp
dưỡng, Điều 152 BLHS Việt Nam năm 1999 quy
định: “Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả
năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với
người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định
của pháp luật mà cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa
vụ cấp dưỡng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị
xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm,
thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai
năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Theo đó, dấu hiệu pháp lý cơ bản của tội từ chối hoặc
trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng là: Chủ thể của tội
phạm này là người có đủ năng lực trách nhiệm hình
sự và có nghĩa vụ cấp dưỡng cho người khác theo
quy định của pháp luật. Người có nghĩa vụ cấp dưỡng
có thể là cha mẹ đối với con nhỏ, con đối với cha mẹ
già yếu, giữa vợ và chồng sau khi ly hôn v.v… (Điều
36, 50, 56, 57, 60… Luật hôn nhân và gia đình Việt
Nam năm 2000) và người đó có khả năng về kinh tế
(khả năng thực tế) để thực hiện công việc cấp dưỡng.
Về mặt khách quan, tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa
vụ cấp dưỡng bao gồm các dấu hiệu: hành vi từ chối
hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, hậu quả của
hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng là
nghiêm trọng hoặc không gây ra hậu quả nghiêm
trọng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này
mà còn vi phạm. Như vậy, một người có thể bị truy
cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 152 BLHS khi có
hành vi khách quan thuộc một trong hai trường hợp
là: người đó có hành vi cố ý từ chối hoặc trốn tránh
nghĩa vụ cấp dưỡng gây hậu quả nghiêm trọng (ví dụ:
làm cho người được cấp dưỡng suy kiệt, lâm vào tình
trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe như: ốm
đau, bệnh tật…1); hoặc người đó có hành vi cố ý từ
chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng mặc dù
không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng đã bị cơ
quan Nhà nước hoặc cấp có thẩm quyền xử phạt hành
chính về hành vi này mà còn vi phạm, tức là vẫn tiếp
tục cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng.
Đối chiếu các quy định của pháp luật hình sự với
trường hợp trên thì người phải thi hành án đã thỏa
mãn dấu hiệu về chủ thể của tội phạm quy định tại
Điều 152 BLHS. Tuy nhiên, hành vi của người đó lại
không thỏa mãn các dấu hiệu về mặt khách quan của
tội phạm. Bởi lẽ, hành vi của người phải thi hành án
do không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng chưa gây hậu
quả nghiêm trọng. Việc cơ quan thi hành án đôn đốc
và xử phạt hành chính đối với người phải thi hành án
là trường hợp xử phạt hành chính đối với người có
hành vi không chấp hành án hoặc không chấp hành
các quyết định của cơ quan thi hành án.
Ở đây, bản án, quyết định của Tòa án nhân dân đã có
hiệu lực pháp luật và buộc người này phải thi hành
việc cấp dưỡng, họ đã không chấp hành nên bị xử
phạt hành chính về hành vi không chấp hành án, chứ
không bị xử phạt hành chính về hành vi từ chối hoặc
trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng. Nói cách khác, người
phải thi hành án bị cơ quan thi hành án xử phạt hành
chính do không chấp hành yêu cầu của cơ quan tố
tụng về việc thi hành quyết định của Tòa án. Như
vậy, không thể cho rằng người phải thi hành án “đã bị
xử phạt hành chính về hành vi này” – hành vi từ chối
hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng. Yêu cầu của việc
“đã xử lý hành chính” trong Điều 152 BLHS là đã bị
xử phạt do có hành vi xâm phạm tới khách thể là chế
độ hôn nhân và gia đình chứ không phải do có hành
vi xâm phạm hoạt động tư pháp.
Trong trường hợp trên, người phải thi hành án bị cơ
quan thi hành án xử phạt hành chính do có hành vi
xâm phạm đến khách thể là hoạt động tư pháp mà cụ
thể ở đây là hoạt động đúng đắn và uy tín cũng như
việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của các cơ
quan tư pháp. Mặt khác, nếu cho rằng người phải thi
hành án bị xử phạt hành chính về hành vi từ chối
hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì về thẩm
quyền xử phạt hành chính trong trường hợp này lại
không đúng. Bởi lẽ, theo Nghị định số 87/2001/NĐ -
CP ngày 21-11-2001 của Chính phủ về xử phạt vi
phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình
quy định thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực này (cụ thể ở đây là xử phạt hành
chính hành vi vi phạm về cấp dưỡng)2 lại thuộc về
Ủy ban nhân dân các cấp (Điều 17), chứ không thuộc
về cơ quan thi hành án. Vì vậy, theo chúng tôi trong
trường hợp trên người phải thi hành án không thỏa
mãn cấu thành tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ
cấp dưỡng.
Thứ hai, về tội không chấp hành án, Điều 304 BLHS
năm 1999 quy định “Người nào cố ý không chấp
hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực
pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế
cần thiết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba
năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Theo
đó, dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội không chấp
hành án là: Chủ thể của tội phạm này là người có
nghĩa vụ phải chấp hành bản ám, quyết định của Tòa
án đã có hiệu lực pháp luật. Những người này có thể
là đương sự trong vụ án dân sự, người bị kết án trong
vụ án hình sự v.v… Người phải thi hành có nghĩa vụ
cấp dưỡng cho người được cấp dưỡng và nghĩa vụ đó
được xác lập bằng bản án hoặc quyết định của Tòa
án. Chính vì vậy, việc thực hiện nghĩa vụ đóng góp
về kinh tế không chỉ đơn thuần là thực hiện nghĩa vụ
cấp dưỡng mà còn là nghĩa vụ của đương sự trong vụ
án dân sự phải chấp hành bản án, quyết định của Tòa
án đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, có thể khẳng định
người phải thi hành án thỏa mãn dấu hiệu về chủ thể
của tội không chấp hành án. Còn về mặt khách quan
thì tội không chấp hành án thể hiện dưới dạng hành vi
không thực hiện bản án, quyết định của Tòa án đã có
hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp
cưỡng chế cần thiết. Như vậy, một người chỉ bị truy
cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án
khi người đó có hành vi cố ý không thực hiện bản án,
quyết định của Tòa án sau khi đã bị áp dụng biện
pháp cưỡng chế cần thiết.
Từ những quy định của điều luật trên, biện pháp
cưỡng chế cần thiết nên hiểu như thế nào? Cưỡng chế
nếu hiểu theo nghĩa rộng là biện pháp bắt buộc bằng
bạo lực của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp
dụng đối với cá nhân, tổ chức nhất định trong những
trường hợp mà pháp luật quy định, nhằm buộc các cá
nhân hay tổ chức đó phải thực hiện hoặc không được
thực hiện những hành vi nhất định hoặc phải chịu
những hạn chế nhất định về tài sản v.v… Theo quy
định của pháp luật có bốn biện pháp cưỡng chế nhà
nước – cưỡng chế hình sự, cưỡng chế dân sự, cưỡng
chế kỷ luật và cưỡng chế hành chính. Về biện pháp
cưỡng chế hành chính thì bao gồm nhiều loại trong
đó có biện pháp xử phạt vi phạm hành chính. Vấn đề
đặt ra là xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
thi hành án có được coi là biện pháp cưỡng chế cần
thiết trong quy định của Điều 304 hay không? Theo
chúng tôi, xét trong phạm vi hẹp mà cụ thể là lĩnh
vực thi hành án dân sự thì biện pháp cưỡng chế chính
là các biện pháp cưỡng chế thi hành án cần thiết quy
định tại Chương IV Pháp lệnh thi hành án dân sự
ngày 17-4-1993 bao gồm: kê biên tài sản, trừ vào thu
nhập của người phải thi hành án, trừ vào tài sản của
người phải thi hành án đang do người khác giữ,
cưỡng chế giao đồ vật, cưỡng chế trả nhà, cưỡng chế
chấm dứt hành vi trái pháp luật. Cho nên, chúng ta
không thể và không được coi xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự là biện pháp
cưỡng chế cần thiết. Bởi lẽ, xử phạt vi phạm hành
chính không phải là biện pháp cưỡng chế cần thiết
mặc dù biện pháp này do cơ quan thi hành án tiến
hành. Nếu coi xử phạt hành chính là biện pháp cưỡng
chế thi hành án cần thiết và trường hợp người có
nghĩa vụ thi hành án mà không tự nguyện thi hành bị
xử phạt hành chính mức từ 20.000 đồng đến 50.000
đồng vì có các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 21
Nghị định số 69/CP ngày 16-10-1993 về thủ tục thi
hành án dân sự: “a) Cố tình không đến nơi thi hành
án để thực hiện việc thi hành án, mặc dù đã được
triệu tập đến lần thứ hai; b) Trì hoãn việc thực hiện
nghĩa vụ thi hành án” cũng bị truy cứu trách nhiệm
hình sự về tội không chấp hành án như người bị xử
phạt hành chính trên 50.000 đồng vì có các hành vi
quy định tại khoản 2, 3 Điều 21 Nghị định này: “b)
Cản trở hoặc có hành vi thô bạo, lăng nhục người thi
hành công vụ; c) Cố tình không thực hiện các quyết
định khẩn cấp tạm thời hoặc bản án, quyết định phải
thi hành ngay; d) Tẩu tán tài sản để tránh việc kê
biên, phá hủy niêm phong hoặc có hành vi tiêu dùng,
chuyển nhượng, đánh tráo, hủy hoại tài sản đã kê
biên” sẽ không hợp lý vì có trường hợp người phải
thi hành án bị xử phạt hành chính khi chưa bị áp dụng
biện pháp cưỡng chế cần thiết (bị xử phạt dưới
50.000 đồng) và cũng có trường hợp bị xử phạt hành
chính khi đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần
thiết (bị xử phạt từ 50.000 đồng trở lên nếu có hành
vi đã dẫn ở trên). Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 47 Pháp
lệnh thi hành án dân sự ngày 17-4-1993 về xử lý vi
phạm đã quy định “Người nào cố ý không thi hành
bản án, quyết định của Tòa án mặc dù đã bị áp dụng
biện pháp cưỡng chế cần thiết; lợi dụng chức vụ,
quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án hoặc ép buộc
chấp hành viên thi hành án trái pháp luật; phá hủy
niêm phong hoặc có hành vi hủy hoại tài sản đã kê
biên trong khi thi hành án thì tùy theo tính chất, mức
độ vi phạm xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị
truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp
luật; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường”.
Như vậy, mức độ vi phạm của người phải thi hành án
được phân ra thành các mức độ khác nhau: nếu nhẹ
thì bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc nếu nặng
thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không coi dấu
hiệu đã bị xử phạt hành chính làm dấu hiệu định tội
hình sự. Đặc biệt, Điều 304 BLHS cũng không quy
định là “đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm”
mà quy định là “đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế
cần thiết mà còn vi phạm”. Do đó, theo chúng tôi
không thể coi bị xử phạt hành chính là biện pháp
cưỡng chế thi hành án cần thiết và như vậy, hành vi
của người phải thi hành án không thỏa mãn dấu hiệu
về mặt khách quan của tội không chấp hành án quy
định tại Điều 304 BLHS. Chỉ trong trường hợp người
này có hành vi không chấp hành án mặc dù đã bị cơ
quan thi hành án dân sự áp dụng biện pháp cưỡng chế
cần thiết như: kê biên tài sản, trừ vào thu nhập của
người phải thi hành án, trừ vào tài sản của người phải
thi hành án đang do người khác giữ v.v… để buộc họ
chấp hành án (thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng) mà còn
vi phạm (như tẩu tán tài sản, phá hủy niêm phong, có
hành vi tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, hủy
hoại tài sản đã kê biên…) thì người đó mới phạm tội
không chấp hành án quy định tại Điều 304 BLHS.
Tóm lại, qua những phân tích và lập luận trên, theo
quan điểm của chúng tôi hành vi vi phạm việc cấp
dưỡng của người phải thi hành án trong trường hợp
trên không cấu thành tội phạm. Hay nói cách khác,
người phải thi hành án không phạm tội từ chối hoặc
trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng và cũng không phạm
tội không chấp hành án quy định tại các Điều 152 và
304 BLHS năm 1999. Như vậy, việc định tội đòi hỏi
phải có sự trùng hợp giữa các tình tiết thực tế của
hành vi đã xảy ra với các dấu hiệu pháp lý của cấu
thành tội phạm tương ứng được nêu ra trong Phần các
tội phạm BLHS. Có như vậy mới đảm bảo xử lý đúng
người, đúng tội và đúng pháp luật, không bỏ lọt tội
phạm và người phạm tội, không làm oan người vô
tội.
Xem cụ thể hơn: Điểm 8 trong Thông tư liên tịch số
01/2001/TTLT - BTP - TANDTC -VKSNDTC ngày
25-9-2001 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân
dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng
dẫn áp dụng các quy định tại Chương XV – “Các tội
xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của Bộ luật
hình sự năm 1999.
2 Xem: Điều 12 Nghị định số 87/2001/NĐ – CP ngày
21-11-2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.