SIÊU ÂM TRONG CHẨN ĐOÁN
BỆNH THẬN-TIẾT NIỆU
1. Nguyên lý.
Siêu âm được tạo ra do sự rung cơ học những âm thanh với tần số rất cao, từ 1
Mega Hertz (MHz) - 12 MHz (1 MHz = 1 triệu xung động trong 1 giây).
Tốc độ sóng siêu âm được lan truyền trong môi trường vật chất phụ thuộc vào sự
đàn hồi của môi trường.
Sóng siêu âm qua môi trường thuần nhất sẽ đi thẳng, nhưng khi qua tiếp giáp với
hai môi trường có mật độ khác nhau thì sinh ra hiện tượng phản xạ, khúc xạ và hấp
thu. Hiện tượng này được ứng dụng trong chẩn đoán bệnh qua thể hiện trên màn
ảnh hoặc chụp ghi hình. Tuỳ theo sóng âm phản xạ trên màn hình nhiều hay ít mà
cho các hình ảnh khác nhau: sự đặc của một khối u thì cho sóng giầu âm (có hình
sáng); chất dịch, kén hoặc hơi, tổ chức xương sẽ cho phản xạ trở lại ít thì cho hình
nghèo âm (có hình tối). Dựa trên nguyên lý này, siêu âm được ứng dụng vào chẩn
đoán bệnh thận-tiết niệu.
2. Siêu âm thận.
2.1. Chỉ định:
Siêu âm thận-tiết niệu được dùng để xác định vị trí, kích thước, hình dạng, cấu
trúc và sự liên quan giữa thận với các tạng khác. Đặc biệt, siêu âm có giá trị cao
trong chẩn đoán các bệnh lý khu trú ở thận như: nang thận, sỏi thận, áp xe thận,
thận ứ nước.
Nhưng siêu âm lại cho kết quả rất mơ hồ trong các bệnh lý thận lan toả như: hội
chứng thận hư, viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mãn và nhiễm tinh bột thận. Tuy
nhiên, khi các bệnh này đã tiến triểu tới giai đoạn suy thận, ảnh hưởng nghiêm
trọng tới kích thước thận, thì siêu âm lại cho kết quả rõ ràng (thận nhỏ hơn bình
thường). Nhưng, trong đa số các trường hợp không có tỷ lệ giữa giảm kích thước
và suy giảm chức năng thận. Do vậy, trong lâm sàng phải kết hợp các xét nghiệm
về thận-tiết niệu và nếu cần siêu âm nhiều lần để có chẩn đoán chính xác giúp đạt
hiệu quả cao trong điều trị.
Siêu âm được chỉ định vào các trường hợp sau đây:
- Đái máu. - Chấn thương thận.
- Đái khó, đái bí. - Đau vùng thận-niệu quản.
- Suy thận cấp, mãn. - Nghi ngờ thận to.
- Nghi ngờ thận đa nang. - Không thấy thận trên X quang.
- Nghi ngờ dị dạng hội chứng thận-tiết niệu.
- Theo dõi quả thận ghép.
- Tăng huyết áp.
2.2. Hình ảnh siêu âm thận bình thường:
- Thận hình hạt đậu, rốn thận ở phía trong.
- Kích thước 2 thận thường không giống nhau, thay đổi 1-1,5cm, chiều dài 9 -
12cm, rộng 4-6cm, dầy 0,3 – 0,4cm, đường bờ đều, bên trái có lách đè vào nên
nhu mô thận trái có hình tam giác.
- Niệu quản không thấy trên siêu âm, nếu thấy được thường là dị dạng chỉ có một
niệu quản, hoặc niệu quản bị giãn to (chỉ thấy 1/3 trên và 1/3 dưới sát bàng
quang).
- Động tĩnh mạch thận thấy rõ, thường là một động mạch một tĩnh mạch.
2.3. Hình ảnh siêu âm thận bệnh lý:
2.3.1. Bệnh lý thận lan toả: thường thấy ở hai thận.
+ Viêm cầu thận cấp: kích thước thận lớn hơn bình thường, đường viền căng nhẵn,
giới hạn tuỷ-vỏ rõ.
+ Viêm cầu thận mãn: kích thước nhỏ, đường viền không đều, giới hạn tuỷ-vỏ
không rõ.
+ Bệnh lý thận đa nang: kích thước thận lớn, đường viền không đều, giới hạn tuỷ-
vỏ mất, toàn bộ thận có rất nhiều nang, các nang không thông với nhau, có thể có
gan- tụy đa nang.
+ Lao thận:
Kích thước thay đổi không rõ ràng, đường viền không đều, hay gặp ứ nước từng
vùng và có những nốt vôi hoá trong mỗi thận, một số trường hợp ứ nước toàn bộ
do hẹp niệu quản do viêm lao.
2.3.2. Bệnh lý thận khu trú:
+ Thận ứ nước: hình ảnh siêu âm được đánh giá qua sự tổn thương giữa bể thận
với đài thận và niệu quản, có thể có 3 mức độ:
- Độ 1: vùng phản âm trung tâm có một vùng siêu âm trắng ở giữa do nước ứ lại
gây giãn bể thận, các đài thận giãn nhẹ.
- Độ 2: bể thận giãn rõ rệt chèn ép làm nhu mô thận hẹp lại.
- Độ 3: bể thận và đài thận giãn thành một nang lớn, không phân biệt được bể thận
và đài bể thận. Nhu mô thận còn rất mỏng.
Thấy vị trí và nguyên nhân gây tắc nghẽn:
. Sỏi niệu quản.
. Dị dạng khúc nối niệu quản-bể thận.
. Teo niệu quản bẩm sinh.
. Lao thận.
. Chèn ép từ ngoài vào như: hạch, u vùng chậu, thai, ung thư cổ tử cung, u xơ
tuyến tiền liệt, K tuyến tiền liệt, các bệnh lý vùng sau phúc mạc (u hay xơ hoá ),
chảy máu thận gây cục máu đông bít tắc niệu quản, trào ngược bàng quang do
bàng quang căng to (bàng quang thần kinh).
+ Sỏi thận: hình ảnh siêu âm là bóng siêu âm dày có hình vòm (có thể thận ứ nước
do sỏi ở niệu quản), thường gặp sỏi ở bể thận, đài thận, sỏi ở nhu mô thận, sỏi san
hô thường có dạng nhiều sỏi nằm liên tục nối tiếp nhau.
+ Abces thận: thường là khối siêu âm hỗn hợp trong có hoá dịch, giới hạn không
rõ, thay đổi trong quá trình bệnh lý.
+ Abces quanh thận: quanh thận có lớp dịch không đồng nhất, có khi thấy hơi bên
trong.
+ Máu tụ quanh thận: hình ảnh có lớp siêu âm trống hình liềm ở vùng dưới bao
thận có thể đẩy lệch thận, thường có nguyên nhân gây chấn thương thận.
+ Chấn thương thận: có thể thấy các hình ảnh trên siêu âm đặc trưng cho mức độ
tổn thương.
- Dập nhu mô đơn thuần: thường là vùng có hình siêu âm kém ở một cực của thận,
giới hạn không rõ.
- Dập nhu mô có tụ máu dưới bao: thấy lớp siêu âm trống dưới bao thận, nếu nặng
hơn tạo ra một ổ máu tụ lớn quanh thận, thường đi kèm theo có dịch trong ổ bụng
nên cần phải khám kỹ để không bỏ sót tổn thương vỡ gan lách (phải theo dõi 6-
24h).
- Dập nát thận: thận mất, lẫn vào khối máu tụ sau phúc mạc.
+ U thận: siêu âm chỉ xác định được u nhưng không phân biệt được u lành, u ác,
trừ trường hợp: angiomyolipoma: có hình ảnh khối siêu âm rất dày có thể nhỏ hay
lớn, có thể một hay nhiều khối, giới hạn rõ, thường ở cực trên vùng liên quan với ô
mỡ quanh thận. Thường gặp ở nữ nhiều hơn nam, lâm sàng không có triệu chứng.
+ Dị dạng thận tiết niệu bẩm sinh: siêu âm có thể phát hiện dị tật bẩm sinh hệ tiết
niệu, thường gặp ở nữ và kết hợp với dị tật phụ khoa, có thể gặp là:
- Teo thận bẩm sinh.
- Thận lạc chỗ thường nằm ở vùng chậu.
- Có một thận.
- Thận hình móng ngựa (giống tuyến giáp): hai thận dính với nhau ở cực dưới và
bắt ngang qua cột sống.
- Thận đôi: hai bể thận, hai niệu quản (thường có tắc nghẽn một trong hai niệu
quản).
- Bể thận ngoài thận.
2.3.3. Đánh giá quả thận ghép:
Siêu âm Doppler được dùng như là một phương pháp chủ yếu để xác định suy
chức năng của quả thận ghép là do nguyên nhân gì: cơ giới (tắc nghẹt bể thận, tắc
mạch) hay do nguyên nhân đào thải quả thận ghép.
3. Siêu âm bàng quang.
Thường được chỉ định khi có siêu âm thận tiết niệu, tuy nhiên trong một số trường
hợp được chỉ định siêu âm bàng quang.
3.1. Chỉ định:
- Đau tức vùng bàng quang (hạ vị).
- Có biểu hiện viêm nhiễm đường tiết niệu dưới: đái dắt, đái buốt.
- Đái ra máu chưa rõ nguyên nhân.
3.2. Các bệnh lý bàng quang được phát hiện qua siêu âm:
3. 2.1. Ung thư bàng quang:
Có dạng u chồi sùi nhô vào lòng bàng quang.
Thường ở nhiều vị trí, nhưng hay gặp là ở tam giác bàng quang. Lưu ý một số
trường hợp sớm chỉ thấy dày vách khu trú ở một vùng nào đó, bệnh nhân đi khám
bệnh vì đái ra máu.
- Khi siêu âm có máu cục trong bàng quang làm khó chẩn đoán vì:
. Máu cục có thể gây và hình ảnh giống như u.
. Máu cục có thể che lấp hình ảnh thực sự của u.
- Khi thấy K hay nghi ngờ qua hình ảnh siêu âm phải xem có di căn của các tổn
thương ác tính lân cận không, thường gặp nhất là: tiền liệt tuyến, tử cung, đại tràng
sigma.
3.2.2. Các bệnh lý khác của bàng quang:
+ Sỏi bàng quang: thường dễ chẩn đoán vì ít bị cản trở, đôi khi sỏi rất lớn, hình
tròn nhẵn đến mức khó tin là sỏi.
+ Viêm bàng quang: với hình ảnh viêm bàng quang cấp và mãn không rõ trên siêu
âm, chỉ có tính chất gợi ý như: dày vách và phù nề lớp niêm mạc, giảm khả năng
chứa nước tiểu, có nhiều cặn trong bàng quang.
+ Máu trong bàng quang: tùy theo mức độ ít hay nhiều:
- Nếu có máu số lượng ít: có thể có hình ảnh cặn bàng quang.
- Nếu có máu số lượng nhiều và mới: do chấn thương thận hay do u bàng quang,
cho hình ảnh siêu âm dày thành đám có giới hạn rõ rệt, có thể có fibrin hoá thành
hình mạng lưới.
4. Siêu âm chẩn đoán bệnh lý tiền liệt tuyến.
4.1. Chỉ định:
Tiểu tiện khó, có cảm giác ngắt ngừng, đái buốt, đái dắt thường gặp ở nam giới độ
tuổi > 50.
4.2. Hình ảnh tuyến tiền liệt bất thường qua siêu âm:
Bình thường tiền liệt tuyến có hình tam giác trên mặt cắt ngang dọc trên xương
mu, với trọng lượng và kích thước: ngang 2,5-3cm; cao 3-3,5cm; trước sau 2,5-
3cm.
4.3. Hình ảnh bất thường tiền liệt tuyến qua siêu âm:
+ Phì đại lành tính tiền liệt tuyến (u xơ), kích thước tiền liệt tuyến to hơn bình
thường (quan trọng nhất cao > 4cm), bờ đều, có chấm vôi hoá nhỏ, 2 thùy bên có
thể nhô hẳn vào lòng bàng quang, thấy rõ miệng niệu đạo, gianh giới bàng quang
và tiền liệt tuyến rõ, không xâm lấn.
Chú ý: Có thể hình ảnh siêu âm và triệu chứng lâm sàng không tương ứng với
nhau: tiền liệt tuyến rất lớn không gây bí tiểu, nhưng có trường hợp tiền liệt tuyến
không to lắm nhưng lại gây bí tiểu, nguyên nhân do sự phì đại xẩy ra ở những
phần khác nhau của tuyến.
+ Ung thư tiền liệt tuyến:
- Tiền liệt tuyến to không đều.
- Tổn thương khu trú ở bên trái hay bên phải, siêu âm kém hay dày.
- Bao tuyến bị phá vỡ và xâm lấn ra ngoài vùng chậu hay vách bàng quang.
+ Viêm tiền liệt tuyến:
- Cấp tính:
. Kích thước tiền liệt tuyến to (đặc biệt ở người trẻ tuổi).
. Siêu âm kém sáng hơn bình thường.
. Nếu nặng có thể có tổn thương khu trú là những ổ áp xe.
. Thường kèm với viêm mào tinh hoàn, tinh hoàn.
- Mãn tính:
. Cấu trúc tuyến không đồng nhất.
. Nhiều chấm vôi.
+ Còn có những biểu hiện bất thường khác của tiền liệt tuyến qua siêu âm như:
- Vôi hoá tiền liệt tuyến.
- Nang tiền liệt tuyến: có thể sinh ra do nhiều nguyên nhân, khi nang quá to
hay nằm ngang cổ bàng quang có thể gây ra các triệu chứng tắc nghẽn.