XÂY DỰNG PHONG CÁCH TƯ DUY HỒ CHÍ MINH
TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ
Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
CN. NGUYỄN THANH DUNG
Bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khoa Lý luận chính trị
Trường Đại học Giao thông Vận tải
Tóm tắt: Cán bộ là gốc của mọi việc. Công việc thành công hay thất bại cũng từ cán bộ
mà ra. Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có vai trò quan
trọng nhằm tìm ra bước đi, cách làm mới phù hợp với từng hoàn cảnh. Muốn vậy, trước hết
người cán bộ lãnh đạo, quản lý cần xây dựng cho mình một phong cách tư duy khoa học. Việc
nghiên cứu, vận dụng phong cách tư duy Hồ Chí Minh là một việc có ý nghĩa quan trọng trong
việc xây dựng và hoàn thiện phong cách tư duy cho mỗi người đặc biệt là người lãnh đạo,
quản lý.
Summary: All problems are originated from Cadre which decides the success of every
commission. In the recent innovation period, Leaders and Managers play an important role in
discovering new suitable moves and methods to each circumstance. To carry out these tasks,
they have to form a logical thinking process for their own. Doing research along with putting
Ho Chi Minh thinking process manner into practice are some important ways to constitute and
enhance intellectual way of thinking for all people, especially today Leaders and Managers.
MLN-
VTKT
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Nghiên cứu, học tập phong cách tư duy
Hồ Chí Minh là một công việc có ý nghĩa rất
quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài đối với
nhịêm vụ bồi dưỡng và hoàn thiện nhân cách
của mỗi người, đặc biệt là người lãnh đạo,
quản lý hiện nay cũng như việc bồi dưỡng các
thế hệ cán bộ kế tục.
II. NỘI DUNG
1. Phong cách tư duy Hồ Chí Minh
Nói đến phong cách tư duy Hồ Chí Minh là
nói đến một trong những nét riêng, độc đáo của
Hồ Chí Minh. Nhưng đó cũng là phong cách
chứa đựng tính dân tộc, khoa học, cách mạng
nên có thể nghiên cứu, học tập và vận dụng
phong cách ấy vào mỗi người, nhất là cán bộ
lãnh đạo, quản lý. Nét đặc sắc nhất trong phong
cách tư duy Hồ Chí Minh là tư duy độc lập, tự
chủ, sáng tạo. Phong cách tư duy ấy xa lạ với
mọi khuôn sáo, khước từ sự sao chép, rập khuôn
giáo điều, cứng nhắc. Phong cách ấy từ bỏ các
định đề “tuyệt đối”, “vĩnh cửu” của lối tư duy
siêu hình sẵn sàng vượt qua những lối suy nghĩ
quen thuộc, cứng nhắc của các quan niệm bất
biến vĩnh cửu trên con đường truy tìm bản chất
của sự vật. Phong cách ấy giúp con người luôn
có cách nhìn mới mẻ, trong sáng một cách suy
nghĩ độc lập, tự chủ, vững vàng.
Chính nhờ phong cách tư duy khoa học
đó mà ngay từ khi còn nhỏ, chứng kiến cuộc
sống khổ cực của nhân dân và thấy sự thất bại
của các phong trào yêu nước đã cho Người
thấy, muốn cứu nước phải tìm một con đường
mới. Vậy, đi về đâu, hướng về đâu? nếu nhầm
lẫn sẽ thành bi kịch. Lúc này, nhiều người đã
đặt câu hỏi: Tại sao trong khi Nhật Bản vừa
đánh bại Sa hoàng, uy tín của Nhật Bản trên
trường quốc tế đang lên cao, Phan Bội Châu
cùng lớp lớp thanh niên Việt Nam hướng về
Nhật Bản với hy vọng cùng người da vàng,
Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam đánh thực dân
Pháp… thì Nguyễn Tất Thành lại chọn cho
mình một hướng đi khác, về phương Tây,
sang “mẫu quốc” và một số nước khác xem họ
làm như thế nào để về giúp đồng bào mình.
Sau này, Người kể lại: “Vào trạc tuổi 13, lần
đầu tiên Người nghe những từ Pháp: “tự do,
bình đẳng, bác ái”[1]. Thế là người muốn làm
quen với nền văn hoá Pháp, tìm xem những gì
ẩn dấu đằng sau những từ ấy. Vì thế mà
Người nảy ra ý muốn sang xem “mẫu quốc”
ra sao và Người đến Paris.
Sự lựa chọn này chứng tỏ, vào giai đoạn đó
tư duy của Nguyễn Tất Thành đã phát triển đến
trình độ chín chắn, độc lập và sáng tạo, không
hề bị bối cảnh xung quanh chi phối. Bắt đầu từ
đây, Người bắt đầu cuộc hành trình đi tìm
hướng đi mới cho dân tộc và đó là quá trình tư
duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Người tiếp tục
toả sáng thể hiện trên một loạt những luận điểm
về con đường cách mạng Việt nam. Độc lập, tự
chủ, sáng tạo không chỉ trong tư duy mà cả
trong hành động cách mạng, trong kháng chiến
chống xâm lược và trong xây dựng đất nước.
Đây là nét đặc trưng rất Hồ Chí Minh. Năm
1949, khi trả lời các phóng viên nước ngoài về
vấn đề Việt Nam có nhận được sự giúp đỡ từ
bên ngoài không? Có sợ bị nước ngoài thống trị
không? Hồ Chí Minh nói: “thắng lợi của Việt
Nam sẽ là độc lập và thống nhất thực sự. Chúng
tôi bao giờ cũng trông ở sức mình. Chúng tôi
không sợ ai cả. Không nước nào có thể thống trị
được chúng tối”[2]. Đặc biệt, chính tư duy độc
lập, tự chủ, sáng tạo đã giúp Hồ Chí Minh cùng
Đảng ta chèo lái con thuyền cách mạng Việt
Nam đi giữa hai ngọn sóng Xô – Trung trong
thập kỷ 60.
GS. Becnađam, trường Đại học Papau
Cộng hoà Liên bang Đức, hoàn toàn có lý khi
chỉ ra rằng: so với Tan Malaka (nhà quốc tế
chủ nghĩa Inđônêxia), Hồ Chí Minh thiết thực
hơn, gắn với thực tiễn hơn, hướng về hành
động hơn và nhận thức sâu sắc hơn về thời cơ
cách mạng. Nếu Xucácnô là người truyền giáo
khi tiến hành cách mạng tháng Tám - 1945 ở
Inđônêxia thì Hồ Chí Minh là người tổ chức,
lãnh đạo cách mạng tháng Tám – 1945 ở Việt
Nam. So với Aungxan (nhà cách mạng Miến
Điện) thì Hồ Chí Minh khôn ngoan nhưng
hành động thận trọng hơn” [2]. Phải chăng,
một trong những yếu tố làm cho Hồ Chí Minh
hơn các nhà cách mạng đương thời ở Đông
Nam Á, chính là phong cách tư duy độc lập,
tự chủ, sáng tạo, thiết thực, gắn với thực tiễn
đất nước và thời đại của Người?.
Với điểm nổi bật ấy, phong cách tư duy
Hồ Chí Minh là tấm gương sáng cho mỗi
người, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý
nhằm tìm tòi ra những cách đi đúng đắn, sáng
tạo đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi đến
thắng lợi. Vì vậy, nghiên cứu, học tập phong
cách tư duy Hồ Chí Minh là một giải pháp cơ
bản nâng cao trình độ văn hoá tư duy, khắc
phục có hiệu quả bệnh giáo điều, kinh nghiệm
của cán bộ ta trong điều kiện hiện nay.
MLN-
VTKT
2. Xây dựng phong cách tư duy Hồ Chí
Minh cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý
Có thể thấy cán bộ lãnh đạo, quản lý bao
gồm: cán bộ chủ chốt (cấp trưởng, cấp phó) ở
các cơ quan Đảng, chính quyền, lực lượng vũ
trang, đoàn thể, ban ngành, tổ chức chính trị
quần chúng từ xã, phường, trở lên, các cơ
quan trường học, cơ quan nghiên cứu, bệnh
viện và các doanh nghiệp nhà nước Đây là
đội ngũ có cấu trúc đa dạng bao gồm những
cán bộ khác nhau về cương vị, trách nhiệm,
quyền hạn… nhưng họ có đặc điểm chung là:
người lãnh đạo, quản lý.
Qua hơn hai mươi năm đổi mới, tư duy
của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đã có
những khởi sắc nhất định (về trình độ cũng như
phương pháp tư duy). Tuy nhiên, trước những
đòi hỏi của sự phát triển đất nước theo định
hướng Xã hội chủ nghĩa trong điều kiện thế
giới có những biến động lớn dưới sự tác động
của cách mạng khoa học - công nghệ thì sự
chuyển mình đó còn rất nhỏ bé. Trong đội ngũ
cán bộ hiện nay đang có nhiều vấn đề đáng lo
ngại, cả về phẩm chất và năng lực, kiến thức,
trình độ hiểu biết về lý luận, thực tiễn của
nhiều cán bộ chưa theo kịp yêu cầu chuyển
sang cơ chế mới trong tình hình hiện nay.
Về mặt phong cách tư duy, cán bộ lãnh
đạo, quản lý nước ta còn một số những biểu hiện
của lối tư duy giáo điều, bảo thủ, trì trệ, những
suy nghĩ chủ quan duy ý chí, lối tư duy khuôn
sáo, sao chép máy móc, những công thức có
sẵn, không dựa trên cơ sở thực tiễn đổi mới, lối
tư duy giản đơn, nóng vội, chạy theo nguyện
vọng chủ quan vẫn tồn tại ở một bộ phận cán bộ
lãnh đạo, quản lý. Phong cách tư duy áng chừng,
đại khái, yếu về logic, thiếu tính hệ thống. Đặc
biệt, trong điều kiện kinh tế thị trường, đã có
những biểu hiện của sự tách rời giữa tình cảm,
đạo đức cách mạng và lý trí khoa học ở một bộ
phận cán bộ lãnh đạo, quản lý.
MLN-
VTKT
Trước tình trạng đó, yêu cầu bức thiết đặt
ra lúc này là cần xây dựng một phong cách tư
duy khoa học cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo,
quản lý. Muốn vậy, cần phải thực hiện tốt một
hệ giải pháp toàn diện, đồng bộ với sự nỗ lực
cố gắng của toàn Đảng, toàn dân và của chính
đội ngũ cán bộ. Có thể đưa ra một số giải
pháp chủ yếu sau:
2.1. Tạo ra bầu không khí dân chủ trong
xã hội, tự do tư tưởng trong nghiên cứu thảo
luận, tranh luận.
Như chúng ta đều biết, nước ta quá độ lên
CNXH bỏ qua tư bản chủ nghĩa (TBCN) từ một
xuất phát điểm của một nước có nền kinh tế lạc
hậu. Cùng đó là sự thống trị hàng nghìn năm của
ý thức hệ phong kiến, những tập tục truyền
thống lạc hậu hình thành như một cốt cách bền
vững trong tâm lý xã hội, trong suy nghĩ của
mỗi con ngừơi Việt Nam. Đây là môi trường
khách quan tạo ra sức ì lớn của những yếu kém
về tư duy lý luận của cán bộ ta. Cơ chế ấy đã
“khuôn” suy nghĩ, hành động của con người vào
những quan điểm lý luận bị “chính trị hoá”, vào
những bậc thang đẳng cấp xã hội; lại bị "vòng
kim cô" của ý thức hệ Stalin bám chặt;mọi suy
nghĩ , hành động sáng tạo vượt ngoài “khuôn
mẫu” đó được coi là “xa lạ” với chủ nghĩa Mác
– Lênin. Nói gì hơi khác với lãnh đạo, với nghị
quyết, là coi như sai phạm chính trị, có thể bị
qui chụp đủ thứ… Cơ chế đó triệt tiêu bầu
không khí dân chủ, triệt tiêu môi trường sống
của tư duy khoa học, lối tư duy độc lập, tự chủ,
sáng tạo.
Chính vì lẽ đó, trong đường lối đổi mới,
Đảng đã hết sức quan tâm “tạo những điều
kiện xã hội thuận lợi cho quá trình đổi mới tư
duy: bầu không khí dân chủ trong xã hội, nhất
là trong sinh hoạt Đảng, trong nghiên cứu
khoa học” [4]. Qua tranh luận, cọ sát nhiều ý
kiến khác nhau, quan điểm khác nhau đã giúp
chúng ta tiếp cận chân lý, sự độc quyền về
chân lý, áp đặt quan điểm của mình cho người
khác, cho cấp dưới từng bước được khắc
phục. Tình trạng qui chụp đối với những quan
điểm, ý kiến “khác lạ” được ngăn chặn. Các
quan điểm, ý kiến khác nhau trong tranh luận,
thảo luận đều được bình đẳng trước chân lý.
Họ phải được bảo đảm về mặt chính trị, quyền
lợi cho người có ý kiến khác. Những vụ việc
đàn áp những người có ý kiến khác sẽ làm
nhụt "ý chí dân chủ", cũng là làm mất đi một
phần quyền làm chủ của một người dân, làm
mất đi tính chiến đấu của một đảng viên.
Như vậy, học tập phong cách tư duy tự
chủ, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh,
người cán bộ phải có bản lĩnh, phải tích cực
rèn luyện, học hỏi. Tuy nhiên, cũng phải thấy
rằng, việc tạo ra những điều kiện xã hội thuận
lợi cho việc học hỏi, rèn luyện có ý nghĩa hết
sức cốt yếu. Thực tiễn cách mạng nước ta
trước đây, thực tiễn hơn 20 năm đổi mới đã
chứng minh điều đó.
2.2. Đổi mới công tác cán bộ
Công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước
còn nhiều hạn chế; công tác quản lý, kiểm tra
giáo dục, rèn luyện cán bộ nhiều nơi còn yếu,
chưa có một cơ chế đầy đủ bảo đảm quyền thực
sự của nhân dân trong việc giám sát, bãi miễn
đối với cán bộ. Việc đánh giá, bố trí, sử dụng
cán bộ nhiều khi còn chủ quan, chưa thật công
tâm, chưa hợp lý, thiếu dân chủ hay dân chủ
hình thức. Hiện tượng lấy những chuẩn giá trị
chung một cách cứng nhắc làm cơ sở để đánh
giá cá nhân, khiến nhiều người e ngại, thể hiện
nhân cách cá nhân, sống theo lối “gọt chân cho
vừa giầy”, tròn trĩnh “bất lợi, vô hại” không cá
tính. Hiện tượng chạy chức, chạy "nghề" còn
khá nặng nề ở một số nơi, một số cơ quan, ngăn
trở người có tài, có đức được sử dụng vào đúng
nơi, đúng chỗ, vào các cơ quan quản lý, trong
khi những kẻ bất tài, "con ông cháu cha", chạy
tiền chiếm hết chỗ. Bác từng nói, người cán bộ
phải "công tâm, công đức", làm việc gì cũng chớ
nên dùng người tư vào việc công, chớ nên lấy
của công dùng vào việc tư; chớ vì bà con bầu
bạn mà kéo họ vào chức này chức kia hay chớ
vì tiền tài, địa vị mà dìm những kẻ có tài hơn
mình. Người như thế là "bất chính".
MLN-
VTKT
Vì vậy, một trong những việc cần làm trước
tiên là hoàn thiện cơ chế tuyển chọn, sử dụng cán
bộ theo hướng tạo ra trong họ tính tích cực, chủ
động hơn, nhạy bén và sáng tạo hơn trong công
việc cũng như trong cuộc sống nói chung.
2.3. Quy hoạch lại hệ thống đào tạo và
bồi dưỡng lý luận về chủ nghĩa Mác – lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh.
Công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận là
nhiệm vụ hàng đầu trong sự nghiệp lãnh đạo
đất nước của Đảng. Nó góp phần xây dựng
những con người vừa “hồng” vừa “chuyên”,
có đủ năng lực và phẩm chất đáp ứng được
yêu cầu của thực tiễn đòi hỏi. Tuy nhiên,
trong thời gian qua, “chất lượng và hiệu quả
đào tạo còn thấp” thể hiện ở chỗ:
- Việc học tập lý luận chủ nghĩa Mác –
Lênin nhiều nơi còn mang tính chắp vá, thiếu
hệ thống, thiếu đào tạo sâu suy nghĩ, chưa có
sự phân tích luận giải đến nơi đến chốn.
- Nội dung chương trình, phương pháp
học tập, kiểm tra, đào tạo cán bộ chậm đổi
mới, buông lỏng giáo dục, rèn luyện lập
trường giai cấp và đạo đức cách mạng.
- Sự thấp kém cả trong nội dung và hình
thức giáo dục lý luận, hạn chế tính sáng tạo
của người học, hạn chế phát triển tư duy biện
chứng. Đây là một trong những nguyên nhân
dẫn đến đội ngũ cán bộ lý luận và cán bộ khoa
học nói chung còn nặng về số lượng, thiếu cán
bộ quản lý giỏi, thiếu chuyên gia đầu ngành
nhất là lý luận và khoa học công nghệ.
Trước tình trạng trên, cần quy hoạch lại
hệ thống đào tạo và bồi dưỡng lý luận về chủ
nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
cũng như hệ thống bằng cấp trên lĩnh vực này
nhằm nâng cao chất lượng mà không rơi vào
chủ nghĩa hình thức, thiếu thực chất. Nên xác
định nội dung học tập chủ nghĩa Mác - Lênin
cho từng đối tượng; nên lược bỏ những gì
không còn phù hợp với Việt Nam. Cần khắc
phục tình trạng tràn lan, xu hướng “cử nhân
hoá”, “Thạc sỹ hoá” và “Tiến sỹ hoá” một
cách hình thức đối với cán bộ lãnh đạo và
quản lý. Đồng thời nâng cao chất lượng của
đội ngũ cán bộ nghiên cứu và giảng dạy chủ
nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
2.4. Động viên tinh thần tự giác học tập,
rèn luyện phương pháp tư duy biện chứng duy
vật mác xít của bản thân cán bộ Đảng viên
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “năng lực
con người không phải hoàn toàn do tự nhiên
mà có, một phần lớn là do công tác, do tập
luyện mà nên”. Trong khi đó, không ít cán bộ
thiếu ý thức tự tu dưỡng rèn luyện phương
pháp tư duy độc lập, sáng tạo. Họ bằng lòng,
thoả mãn, dừng lại, ngại học tập, lười suy nghĩ,
“nhiều cán bộ lười học, lười ngiên cứu, một số
học lướt chỉ cốt để lấy bằng”. Năng lực tư duy
của con người, nếu không được rèn luyện, bồi
dưỡng thường xuyên, nếu không tự giác rèn
luyện hệ thống các thao tác cần thiết của lao
động trí tuệ như: phân tích, so sánh, tổng hợp,
luận chứng, suy luận thì sẽ dần dần bị mai một.
Bên cạnh đó, các thế lực thù địch lợi dụng sự
mở cửa về kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế…
nhằm chống phá chế độ bằng cách mua chuộc,
dụ dỗ, đe doạ, khống chế, lôi kéo cán bộ vào
con đường sa đoạ về đạo đức, lối sống, phai
nhạt lý tưởng để chúng dễ bề thực hiện chiến
lược “diễn biến hoà bình”, phá hoại Đảng ta từ
bên trong. Chính vì chưa nắm chắc và chưa vận
dụng đúng đắn, nhuần nhuyễn phương pháp tư
duy biện chứng duy vật mác xít nên trong tư
duy của cán bộ ta còn biểu hiện của tính siêu
hình, rơi vào các bệnh giáo điều, kinh nghiệm
chủ nghĩa, chủ quan, phiến diện một chiều…
Vì vậy, muốn khắc phục một cách căn bản,
triệt để những yếu kém đó trong tư duy của cán
bộ lãnh đạo, quản lý, xây dựng cho họ phong
cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, thiết
thực, gắn với thực tiễn cần phải không ngừng
học tập, rèn luyện phương pháp tư duy biện
chứng duy vật mác xít. Bản thân mỗi cán bộ
cần nhận thức được tư duy là xuất phát của mọi
việc; muốn có hành động đúng trước hết phải
có tư duy đúng; không ai tư duy hộ, làm thay
cho mình, phải tự mình học tập, trau dồi và rèn
luyện để có tư duy đúng. Đó là cơ sở để có
những hành động đúng.
MLN-
VTKT
Trên đây là một số giải pháp nhằm xây
dựng phong cách tư duy Hồ Chí Minh trong
đôi ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Những giải
pháp ấy có quan hệ chặt chẽ, không tách rời
nhau trong đó ý thức tự rèn luyện của mỗi cá
nhân giữ vai trò quyết định đến sự hình thành
phong cách tư duy ấy. Để thực hiện được điều
đó, chúng ta cũng cần tiến hành đồng thời các
giải pháp khác, làm cơ sở, nền tảng để rèn
luyện tự ý thức của mỗi cán bộ lãnh đạo, quản
lý. Đồng thời, cũng cần kết hợp với cuộc vận
động học tập và làm theo tấm gương đạo đức
Hồ Chí Minh, đặc biệt, nên có những hình thức
"học tập và làm theo riêng với cán bộ quản lý.
Mục đích cuối cùng nhằm hình thành phong
cách tư duy khoa học, sáng tạo cho mỗi cán bộ
để họ là những cán bộ thực sự vừa hồng, vừa
chuyên, nhân tố quan trọng quyết định thành
công của sự nghiệp cách mạng nước nhà.
III. KẾT LUẬN
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh,
cán bộ là “gốc” của mọi việc, công việc có
thành công hay thất bại đều do năng lực cán bộ
cao hay thấp mà ra. Nhờ phong cách tư duy độc
lập, tự chủ, sáng tạo đã giúp Người lãnh đạo
cách mạng Việt Nam từ đêm tối của nô lệ, cần
lao ra với cuộc sống của độc lập, tự do. Người
đã thực sự trở thành tấm gương mẫu mực của
mỗi người dân Việt Nam và đặc biệt đối với cán
bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta. Sự nghiệp xây
dựng Chủ nghĩa xã hội đang đòi hỏi có những
nhà lãnh đạo, quản lý tài ba, chèo lái con thuyền
cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Điều đó càng thấy đựơc sự cần thiết, ý nghĩa của
việc nghiên cứu Hồ Chí Minh nói chung, phong
cách tư duy Hồ Chí Minh nói riêng trong việc
xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở
nước ta hiện nay.
Tài liệu tham khảo
[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, tr.477.
[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc
gia Hà Nội, 1995, tập 5.
[3]. Đặng Xuân Kỳ chủ biên. Phương pháp và
phong cách Hồ Chí Minh, NXb Chính trị quốc gia,
HN 1997, tr 154
[4]. Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng
dân tộc, nhà văn hoá lớn, NXB, Khoa học xã hội,
HN, 1995, tr.75-81.
[5]. Xem Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện hội
nghị lần ba Ban chấp hành trung ương khoá tám,
NXB chính trị quốc gia, HN 1997, tr. 68-69.
[6]. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ 6, NXB. Sự thật, HN, 1987, tr.126♦