QUẾ RÀNH
Cinnamomum burmannii (C. Nees & T. Nees) C. Nees ex Blume, 1826
Tên đồng nghĩa: Laurus burmanii C. Nees & T. Nees, 1823; Cinnamomum mindanaense
Elmer, 1910
Tên khác: Quế trèn, quế bì, quế xanh, quế lợn, âm hương, trèn trèn, re lá hẹp.
Họ: Long não – Lauraceae
Tên thương phẩm: Indonesian cassia, Padang cassia, Cassia vera, Indonesian cassia
bark, Indonesian cassia bark oil.
Hình thái
Quế rành - Cinnamomum burmannii
(C. Nees & T. Nees) C. Nees ex Blume
1- Cành mang lá và hoa; 2- Quả
Cây gỗ thường xanh, cao 10-20m,
đường kính thân có thể đạt 50-80cm. Vỏ
ngoài màu nâu xám, thường bong ra
từng mảnh; thịt vỏ màu nâu, dày 0,4-
0,6cm, có mùi thơm. Cành non nhẵn,
màu xanh nhạt. Lá mọc đối hoặc gần
như đối; phiến lá nguyên, đơn, hình bầu
dục thuôn tới hình mác, kích thước 4-8(-
15)x(2-)3-5(-6)cm, đầu nhọn, gốc hình
nêm hay nêm rộng; khi còn non thường
có màu đỏ nhạt và phủ lông mịn, sau đó
nhẵn; mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới
lục nhạt; cuống lá dài 0,5-1cm.
Cụm hoa chuỳ, mọc ở nách lá;
cuống ngắn, dài 0,4-1,2cm. Hoa lưỡng
tính; bao hoa 6 mảnh, màu trắng xanh
hoặc xanh vàng nhạt; nhị 9, xếp thành 3
vòng, chỉ nhị ngắn, gốc của vòng nhị thứ
3 có 2 tuyến mật; bầu thượng, nhỏ.
Quả hình trứng hay gần hình cầu;
khi chín có màu nâu vàng, đài tồn tại.
Các thông tin khác về thực vật
Quế rành là loài có nguồn gen đa dạng. Hiện đã xác định được một dạng - quế lá hẹp hay
re lá hẹp. Đó là: forma heyneanum (Nees) H. W. L., 1978 với các tên đồng nghĩa:
Cinnamomum heyneanum Nees, 1830; C. burmanni var. angustifolium (Hemsl.) Allen, 1939; C.
pedunculatum var. angastifolium Hemsl., 1891. Đây là dạng quế lá hẹp hiện phân bố ở miền
Bắc Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ.
Phân bố
Việt Nam:
Hà Tây (Ba Vì), Ninh Bình (Cúc Phương), Thanh Hóa (Phong Y), Nghệ An, Quảng Trị,
Thừa Thiên-Huế, Khánh Hoà, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng.
Phân bố của quế rành ở Việt Nam
Thế giới:
Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Phúc
Kiến, Giang Tây), Thái Lan, Phillippin, Malaysia, Indonesia.
Tại Indonesia và Philippin, quế rành đã được trồng ở qui mô
sản xuất hàng hoá.
Đặc điểm sinh học
Cây mọc rải rác trong rừng nhiệt đới, thường xanh, có
tán che thưa thớt; rất ít gặp trong rừng rậm. Cây chịu bóng ở
mức độ trung bình, ưa ẩm; song cũng chịu hạn. Tại
Indonesia, có thể gặp quế rành sinh trưởng tốt ở những nơi
có lượng mưa từ 500-1.000mm/năm (Padang) đến các khu
vực có lượng mưa lớn tới 2.000-2.500mm/năm. Quế rành
cho vỏ dày, với chất lượng cao khi sinh trưởng ở những nơi
có đầy đủ ánh sáng và đất đai giàu dinh dưỡng.
Ở điều kiện tự nhiên, quế rành tái sinh bằng hạt kém, tỷ
lệ nẩy mầm của hạt thấp. Cây có tốc độ tăng trưởng trung
bình. Trong quá trình sinh trưởng, đến giai đoạn 20-30 năm
tuổi cây có tốc độ tăng trưởng theo đường kính thân mạnh
nhất. Mùa hoa tháng 5-8.
Công dụng
Thành phần hoá học:
Hàm lượng tinh dầu trong vỏ quế rành tương đối cao (1-4%). Tinh dầu không màu hoặc
vàng nhạt, thành phần chính ngoài cinnamaldehyd (62,7-85,8%) còn có 1,8-cineol, α-terpineol,
terpinen-4-ol, camphor, β-caryophyllen cùng nhiều hợp chất khác.
Tinh dầu trong lá có các thành phần chính là 1,8-cineol, borneol, α-terpineol, para-cymen,
spathulenol, terpinen-4-ol, bornyl acetat, β-caryophyllen và một số hợp chất khác.
Hàm lượng và thành phần hoá học chính trong tinh dầu quế rành khá đa dạng, chúng phụ
thuộc vào từng giống, điều kiện sinh thái, khu vực phân bố và thời điểm thu hoạch.
Công dụng:
Vỏ và tinh dầu được dùng làm gia vị trong chế biến thực phẩm hoặc được sử dụng làm
thuốc chữa bệnh đau bụng, tiêu chảy, tả, viêm đau phổi, ho… trong y học dân tộc ở nước ta
cũng như nhiều nước khác tại châu Á. Trong “Dược thảo” của một số nước châu Âu đã ghi
nhận, dùng tinh dầu quế pha chè uống (0,05-0,2g) hoặc uống chung với các loại cây cỏ khác sẽ
có tác dụng kích thích tiêu hoá, diệt khuẩn và kháng nấm.
Gỗ có tỷ trọng trung bình (khoảng 650kg/m
3
); thớ gỗ mịn, cứng, lõi có màu sẫm phân biệt
rõ với dác. Trong gỗ có chứa tinh dầu nên chịu được mối mọt, có thể dùng làm cột nhà, đóng
xe cộ và đồ gia dụng. Cây có dáng và tán đẹp có thể trồng làm cây bóng mát trên đường phố
hoặc trong công viên.
Kỹ thuật nhân giống, gây trồng
Nhân giống:
Việc nhân giống quế rành cũng tương tự như với các loài quế khác (Cinnamomum cassia,
C. verum…). Có thể nhân giống bằng hạt hoặc giâm cành. Hạt được gieo ngay sau khi thu hái
thì tỷ lệ nẩy mầm cao. Nếu chưa gieo ngay, cần bảo quản trong cát ẩm. Hạt quế rành chỉ giữ
được sức nẩy mầm vài tuần sau khi thu hái. Gieo hạt tươi chỉ sau 5-15 ngày đã nẩy mầm. Có
thể gieo theo luống trong vườn ươm hoặc gieo vào bầu đất đã được chuẩn bị sẵn. Thời gian
đầu cần giữ ẩm và che bóng. Khi cây đạt 8-12 tháng tuổi có thể chuyển đi trồng.
Trồng và chăm sóc:
Tuỳ thuộc vào điều kiện dinh dưỡng của đất, chế độ quản lý và yêu cầu sử dụng có thể bố
trí mật độ trồng dày hay thưa. Thường trồng theo khoảng cách 2-4x2-4m. Công việc chăm bón,
quản lý tương tự như với các loài quế (C. cassia), quế quan (C. verum)…
Khai thác, chế biến và bảo quản
Các diện tích quế rành trồng dày chỉ sau 2-3 năm tuổi đã có thể thu hoạch kết hợp tỉa thưa
đợt đầu tiên. Sau đó hàng năm cũng cần tỉa thưa dần cho đến khi cây đạt 15 năm tuổi. Quế vỏ
thu ở những năm đầu thường mỏng và có chất lượng thấp.
Thu hoạch khi cây trên 15 năm tuổi, chất lượng vỏ tốt hơn. Cây càng lâu năm, chất lượng
vỏ càng cao. Tại Indonesia, việc khai thác vỏ quế rành thường tiến hành vào đầu mùa mưa.
Thường khoanh và bóc một vòng vỏ ở gần gốc trước khi chặt hạ cây. Sau đó vài ba ngày mới
đốn cây để bóc tiếp lớp vỏ ở phần trên thân và cành lớn. Quế vụn, quế từ cành nhỏ được dùng
để cất tinh dầu.
Sau khi khai thác, cần dọn sạch cỏ, bón phân, vun gốc nếu tiếp tục sử dụng chồi tái sinh từ
gốc. Mỗi gốc chỉ nên giữ lại một vài chồi to, mập, sinh trưởng khoẻ.
Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn
Vỏ và tinh dầu quế rành là sản phẩm hàng hoá có giá trị.
Indonesia là nước sản xuất quế rành chủ yếu trên thị trường thế giới. Đến 1998, tổng diện
tích quế rành đến tuổi khai thác tại Indonesia vào khoảng 60.000 ha, với sản lượng khoảng
40.000 tấn. Trong thời kỳ từ 1991-1994, mỗi năm Indonesia xuất khẩu vào thị trường Hoa kỳ
khoảng 13.000 tấn quế vỏ (trị giá khoảng 23 triệu USD).
Ở nước ta, đến nay quế rành vẫn chưa được khai thác và sử dụng. Cần nghiên cứu đưa
quế rành vào cơ cấu cây trồng trong vườn rừng hoặc rừng trồng để lấy vỏ và tinh dầu.
Tài liệu tham khảo
1. Lã Đình Mỡi (2001). Chi Long não - Cinnamomum Schaeffer. Tài nguyên Thực vật có tinh dầu ở Việt Nam.
Tập I. (Lã Đình Mỡi – Chủ biên). Tr. 179-227. Nxb Nông nghiệp – Hà Nội; 2. Nguyễn Kim Đào (2003). Lauraceae Juss.
– Họ Long não. Danh lục các loài Thực vật Việt Nam. T. II. (Nguyễn Tiến Bân – Chủ biên). Tr. 65-112. Nxb Nông nghiệp
– Hà Nội; 3. Phạm Hoàng Hộ (1991). Cây cỏ Việt Nam. Q.I, T.I. Tr. 423-427. Printed by Mekong Priting; 4. Ibrahim bin
Jantan & Goh, S. H. (1992). Essential Oil of Cinnamomum species from Peninsular Malaysia. Journal of Essential Oil
Research, 4: 161-171; 5. Ji Xiao-duo, Pu Quan-long, Garraffo, H. M. & Pannaell, L. K. (1991). Essential oil of the leaf,
bark and branch of Cinnamomum burmanii Blume. Journal of Essential Oil Research, 3: 373-375; 6. Wiselius, S. I., Lim,
S. C., Sosef, M. S. M. (1995). Cinnamomum Schaeffer. In: R. H. M. J. Lemmens, I. Soerianegara and W. C. Wong
(Editors): Plant Resource of South-East Asia 5(2). Timber trees: Minor commecial timbers, pp. 130-140. Bachkuys
Publishers, Leiden
.