Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Tài liệu về kỹ thuật trồng, đặc điểm sinh lý và phân bố của cây Quế Tthanh pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (250.67 KB, 4 trang )

QUẾ THANH

Cinnamomum loureirii C. Nees, 1836

Tên đồng nghĩa: Laurus cinnamomum Lour., 1790, non L. (1753); Cinnamomum
obtusifolium (Roxb.) C. Nees var. loureirii C. Nees ex Watt, 1889,
Cinnamomum saigonicum Farw., 1918.
Tên khác: Quế thanh hoá, quế quỳ, quế tử, nhục quế, ngọc quế, de bầu, quế sài
gòn, quế Vietnam.
Họ: Long não – Lauraceae
Tên thương phẩm: Vietnamese cassia, Saigon cassia, Saigon cinnamon, Royal cinnamon,
Vietnamese cassia bark oil, Vietnamese cassia bark.


Quế thanh - Cinnamomum loureirii C. Nees
Cành mang lá và quả
Hình thái

Cây gỗ thường xanh, cao 10-15(-
20)m, vỏ thân màu nâu xám hay nâu
sẫm, rất thơm. Cành non có dạng 4
cạnh theo lát cắt ngang, nhẵn. Lá
mọc gần như đối hoặc mọc cách;
phiến hình bầu dục thuôn đến hình
mác thuôn, đầu có mũi nhọn, mềm,
gốc hình nêm; kích thước (7-)10-12,5(-
15)x(3-)4-5cm, màu xanh đậm; mặt
dưới có phủ vẩy nhỏ, gân chính 3;
cuống lá có rãnh, dài 1,2-1,5cm.

Cụm hoa dạng chuỳ mọc ở kẽ lá


hay đầu cành. Hoa nhỏ, lưỡng tính,
màu trắng hay trắng-vàng nhạt.

Quả hình trứng, dài khoảng 1cm,
khi chín có màu đen hay tím, nhẵn,
đài tồn tại. Mỗi quả 1 hạt.

Các thông tin khác về thực vật

Về sự tồn tại của loài quế thanh và tên gọi Cinnamomum loureirii hiện còn có một vài ý kiến
khác nhau. Để vấn đề được sáng tỏ việc điều tra, nghiên cứu sâu về chi Cinnamomum nói
chung và các loài quế nói riêng ở nước ta là vấn đề cần được quan tâm.

Trên thị trường thế giới, các sản phẩm của loài quế này đã nổi tiếng với thương hiệu
“Vietnamese cassia bark oil”, “Vietnamese cassia bark” hoặc “Saigon cassia” và được đánh giá
là loại quế có chất lượng cao (hàm lượng E-cinnamic aldehyd 80-95%).

Phân bố

Việt Nam:
Gặp trong rừng Trường Sơn và được trồng rải rác ở Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Nam,
Quảng Ngãi.
Thế giới:
Chưa có thông tin.

Đặc điểm sinh học

Cây mọc trong rừng nhiệt đới lá rộng, ẩm trên dãy
Trường Sơn, ở độ cao trung bình, đôi khi có thể lên tới độ cao
2.000m.


Cây ưa điều kiện nóng, ẩm; thường mọc ở các khu vực
có tổng lượng mưa hàng năm cao (2.500-3.000mm), trên các
loại đất feralit đỏ, vàng; đặc biệt là trên đất phong hoá từ
nham thạch núi lửa. Hệ rễ của cây phát triển nhanh, rễ trụ ăn
sâu vào đất. Cây tái sinh chồi khỏe. Khi còn non chịu bóng,
nhưng cây trưởng thành lại ưa sáng. Mùa hoa quả tháng 4-8.

Công dụng

Thành phần hoá học:
Vỏ chứa tinh dầu và hàm lượng thay đổi từ 1-7% (trung
bình 2,5-3%). Tinh dầu là chất lỏng, sánh, màu vàng nâu.
Thành phần hoá học chủ yếu của tinh dầu cũng là E-
cinnamaldehyd (80-95%). Theo Lawrence (1994) thành phần
hoá học trong tinh dầu từ vỏ quế thanh gồm chủ yếu là (E)-
cinnamaldehyd (92,5%), 3-phenylpropanal (0,8%), (Z)-cinnamaldehyd (0,6%), coumarin (0,6%),
benzaldehyd (0,3%) và (E)-cinnamylacetat (0,3%).
Phân bố của quế thanh
ở Việt Nam


Hàm lượng (E)-cinnamaldehyd trong tinh dầu vỏ quế thương phẩm từ một số loài
trên thị trường thế giới (theo Lawrence và cộng sự, 1994)
Loài Hàm lượng (E)-cinnamaldehyd (%)
C. loureirii – Quế thanh
C. cassia – Quế
C. burmanni – Quế rành
C. verum – Quế quan
92,5

73,2-89,4
62,7-85,8
65,4-75,0

Công dụng:
Vỏ và tinh dầu quế thanh được sử dụng làm thuốc và làm gia vị tương tự như với loài quế
(Cinnamomum cassia). Trong dân gian thường dùng nhục quế (“quế thượng châu”, quế thương
biểu” và “quế hạ căn”) mài với nước sôi để nguội uống chữa cảm lạnh, đau bụng, tiêu chảy…
Cả Đông và Tây y đều coi quế là dược liệu có tác dụng kích thích và sát trùng mạnh.
Kỹ thuật nhân giống, gây trồng

Nhân giống:
Việc nhân giống và gây trồng quế thanh cũng tương tự như với loài quế (Cinnamomum
cassia). Có thể nhân giống bằng hạt, bằng cành giâm hoặc chiết cành. Thu hạt vào tháng 7-8;
cần chọn hạt chắc, mập, loại bỏ hết thịt quả và gieo ngay sau khi thu hái. Có thể gieo trong
vườn ươm, khi cây được 1 năm tuổi (cao chừng 0,3-0,4m) sẽ chuyển đi trồng. Cũng có thể
gieo hạt trực tiếp vào từng hố đã đào sẵn trên sườn đồi núi; mỗi hố gieo vài ba hạt, sau đó tỉa
bỏ những cây gầy yếu.
Trồng và chăm sóc:
Thời vụ trồng thích hợp là mùa xuân hoặc đầu mùa mưa. Tuỳ điều kiện địa hình, độ màu
mỡ của đất có thể trồng với những khoảng cách khác nhau. Nếu trồng dày năng suất vỏ cao,
nhưng vỏ sẽ mỏng và chất lượng tinh dầu thấp. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cũng tương tự như
với loài quế (C. cassia).

Khai thác, chế biến và bảo quản

Có thể khai thác vỏ khi cây đạt 10-12 tuổi, nhưng tốt nhất là giai đoạn 20-30 tuổi. Cây càng
già thì chất lượng vỏ càng cao. Vỏ quế được bóc vào các tháng 4-5 và 9-10; thời kỳ này dễ bóc
vỏ và không bị sót lòng. Thường bóc vỏ ngay trên cây; đôi khi còn làm giàn tre xung quanh cây
để bóc vỏ. Đồng bào các dân tộc tại một số địa phương thuộc Quảng Nam, Quảng Ngãi thường

bóc một khoanh vỏ sát gốc (cách mặt đất 20-30cm) và đợi một vài tuần sau mới bóc vỏ trên cả
cây. Khi bóc hết vỏ trên thân mới đốn cây để thu hoạch tiếp vỏ cành. Sau khi bóc vỏ, một vài
địa phương tại Thanh Hoá, Nghệ An còn áp dụng biện pháp ủ một số ngày rồi mới đem phơi.
Mỗi địa phương có cách ủ riêng. Ủ tốt, chất lượng quế được nâng cao; nhưng nếu ủ không tốt
phẩm chất quế cũng giảm. Ủ quế là cách xử lý đặc biệt, chỉ áp dụng đối với vỏ bóc từ thân và
cành to.

Trung bình một cây quế thanh cho tới 20-30 kg quế vỏ loại tốt và khoảng 10kg loại vừa.

Đông y rất quan tâm tới các sản phẩm từ quế thanh và chia chúng thành các loại khác
nhau: quế thượng châu (vỏ thân ở độ cao từ chỗ cách mặt đất 1,2m đến chỗ bắt đầu phân
cành) là loại tốt nhất; quế thượng biểu (vỏ từ cành to); quế hạ căn có chất lượng kém hơn (vỏ
lấy từ đoạn thân cao 1,2m trở xuống gần mặt đất) và cuối cùng là quế chi (gồm các loại vỏ bóc
từ cành nhỏ).

Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn

Quế thanh là sản phẩm được đánh giá cao không chỉ ở trong nước mà còn được thị
trường thế giới ưa chuộng. Quế thanh là sản phẩm đặc biệt từ miền Trung Việt Nam. Tiếc rằng
những nghiên cứu sâu về các loài quế nói riêng và cả chi Long não (Cinnamomum) nói chung ở
nước ta còn chưa nhiều, nên hiểu biết của chúng ta còn bị hạn chế. Chi Long não
(Cinnamomum) cũng như từng loài trong chi khá đa dạng. Đến nay còn có nhiều quan điểm
khác nhau về việc phân loại các loài trong chi Long não (Cinnamomum). Cũng vì vậy mà các
dẫn liệu đã đưa ra về số loài trong chi Long não (Cinnamomum) trên thế giới thường thay đổi
trong một giới hạn rất rộng (ước khoảng 150-250 loài). Tên khoa học của nhiều loài có thể đã bị
lẫn lộn và còn có nhiều ý kiến khác nhau. Việc nghiên cứu sâu hơn về các đặc điểm hình thái,
sinh thái, về giải phẫu tế bào, về nguồn gen và về thành phần hoá học của tinh dầu… sẽ là cơ
sở xác đáng cho việc giám định chính xác tên khoa học của các loài quế hiện có ở nước ta.
Đây sẽ là vấn đề có nhiều ý nghĩa khoa học và có giá trị thực tiễn rất cao.


Tài liệu tham khảo

1. Nhiều tác giả (2004). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Tập II. Tr. 545-553. Nxb Khoa học và kỹ
thuật – Hà Nội; 2. Đỗ Tất Lợi (1995). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Tr. 1066-1069. Nxb Khoa học và Kỹ thuật;
3. Lã Đình Mỡi (2001). Chi Long não – Cinnamomum Schaeffer. Tài nguyên Thực vật có tinh dầu ở Việt Nam. Tập I.
(Lã Đình Mỡi – Chủ biên). Tr. 179-127. Nxb Nông nghiệp – Hà Nội; 4. Nguyễn Kim Đào (2003). Lauraceae Juss. 1789 –
Họ Long não. Danh lục các loài Thực vật Việt Nam. Tập II. (Nguyễn Tiến Bân – Chủ biên). Tr. 65-112. Nxb Nông nghiệp
– Hà Nội; 5. Nguyễn Thị Tâm (2003). Những tinh dầu lưu hành trên thị trường. Tr. 29-30. Nxb Khoa học và Kỹ thuật –
Hà Nội; 6. Phạm Hoàng Hộ (1991). Cây cỏ Việt Nam. Q.I. T.I. Tr. 423-437. Mekong Printing; 7. Trần Hợp (1984). Một số
đặc tính sinh học của cây quế (Cinnamomum cassia Nees ex Bl.) ở Việt Nam. Tóm tắt luận án PTS. Khoa học - ĐH
Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh. 24 tr; 8. Võ Văn Chi (1997). Từ điển cây thuốc Việt Nam; 9. Vũ Ngọc Lộ (1997). Những cây
tinh dầu quý. 97 Tr. Nxb Khoa học và Kỹ thuật – Hà Nội; 10. Coppen, J. J. W. (1999). Flavours and fragrances of plant
origin. Non-wood Forest Products 1. FAO, pp. 7-17. Rome, Italy; 11. Lawrence, B. M., Reynolds R. J. (1995). Is the
Development of an Essential Oil Industry in Malaysia a Viable Commercial Opportunity. In: Lawrence, B. M. (Editor):
Essential oil 1992-1994 “Ferfumer & Flavourist”. pp. 187-219, Published by Allured Publishing Cooporation; 12.
Nguyen Kim Dao, Tran Hop & Siemonsma, J. S. (1999). Cinnamomum Schaeffer. In: C. C. de Guzman and J. S.
Siemonsma (Editors): Plant Resources of South-East Asia 13-Spice. pp. 94-99. Backhuys Publishers, Leiden.


×