Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

SÂN KHẤU CHÈO CHUYÊN NGHIỆP NHÌN TỪ MỘT HỘI DIỄNTrên sân khấu Cung Văn hóa pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (177.19 KB, 10 trang )

SÂN KHẤU CHÈO
CHUYÊN NGHIỆP NHÌN
TỪ MỘT HỘI DIỄN

Trên sân khấu Cung Văn hóa lao động Việt Nhật, TP.Hạ Long, Quảng Ninh, từ
ngày 15 đến 25-12-2009, đã trình diễn 19 tác phẩm, của 17 đơn vị nghệ thuật
chèo toàn quốc. Đó là Bát Nàn tướng quân (Nhà hát Chèo Thái Bình); Mảnh
gương nhân sự, Bà huyện trong mơ (Nhà hát Chèo Việt Nam); Oan khuất
một thời, Ngọc Hân công chúa (Nhà hát Chèo Hà Nội); Đoàn Ngự Sử ở Lục
Yên Châu (Đoàn nghệ thuật Yên Bái); Mái ấm tình quê (Đoàn Chèo Phú Thọ);
Chiến trường không tiếng súng (Nhà hát Chèo Nam Định); Danh chiếm bảng
vàng (Đoàn nghệ thuật Chèo, Ca múa nhạc Bắc Giang); Tâm đức Phật Hoàng
(Đoàn Chèo Quảng Ninh); Đào Duy Từ (Đoàn Chèo Thanh Hóa); Trang chủ
Sơn Đông (Đoàn Chèo Vĩnh Phúc); Vùng sáng Dương Kinh (Đoàn Chèo Hải
Phòng); Hùng ca Bạch Đằng Giang (Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần); Cơn bão
màu da cam (Nhà hát Chèo Hải Dương); Linh khí Hoa Lư (Nhà hát Chèo
Ninh Bình); Cờ thiêng trên núi Võ (Đoàn nghệ thuật Thái Nguyên); Tống
Trân Cúc Hoa (Nhà hát Chèo Hưng Yên) và Đợi đến mùa xuân (Đoàn Chèo
Hà Nam).
Thông qua 19 tác phẩm trong Hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn
quốc, chúng ta nhận thấy: mỗi tác phẩm tuy có đề tài, chủ đề, phong cách, màu
sắc khác nhau, nhưng chứa đựng nhiều tâm huyết, công sức cả tinh thần lẫn vật
chất của nghệ sĩ, của cả làng Chèo Việt Nam đối với đời, với nghề tổ và với cơ
chế thị trường. Vì thế, có thể khẳng định rằng: Đây là 19 công trình mỹ học với
những nội dung giáo dục về Chân, Thiện, Mỹ cho khán giả thật sâu sắc và đậm
tính đương thời. Những hình tượng nhân vật Bát Nàn, Nguyễn Trãi, Đoàn Ngự
Sử, Nhữ Tùng, ông Đăng, anh Tùng, Thân Nhân Trung, Quang Trung, Ngọc
Hân công chúa, Trần Nhân Tông, Đào Duy Từ, Trần Nguyên Hãn, Xuân
Dương, Ngô Quyền, Lý Công Uốn, Lưu Nhân Trung, Cúc Hoa, Cô giáo
Nhung, chị Đoan dù chân chất hiền lành như củ khoai, hạt lúa nhưng đề đã
biết sống vì dân, vì nước, vì lẽ phải, nhân thiện Họ trong sáng như gương,


nồng ấm như ngọn lửa và đã đem đến cho khán giả một nhận thức chân lý rằng:
nếu ai chỉ biết hạnh phúc của riêng mình mà dẫm đạp lên hạnh phúc của người
khác, thờ ơ với nỗi đau của người khác và từ bỏ đạo đức truyền thống tốt đẹp
của dân tộc để trọng quyền cao hơn đức cả, trọng tiền hơn tình sẽ không bao
giờ có được hạnh phúc chân chính, hạnh phúc trường tồn. Hay nói cách khác,
bất kỳ ở đâu, ở thời đại nào không thể có hạnh phúc cá nhân tách khỏi hạnh
phúc cộng đồng và không thể có hạnh phúc cộng đồng trong bất hạnh của mỗi
cá nhân. Những điều nhân tâm, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình trong mỗi hình
tượng nhân vật đã được các nghệ sĩ khám phá, giải phẫu bằng đôi mắt biện
chứng và đã làm cho khán giả Quảng Ninh hòa vào sáng tạo với các nghệ sĩ
trên sân khấu bằng những tràng vỗ tay nồng nhiệt không ngớt, làm cho Hội
diễn thực sự là hòa cảm sáng tạo của nghệ sĩ và khán giả.
Xuất phát từ nội dung tư tưởng đậm chất nhân văn trong mỗi tác phẩm
chèo, chúng ta nhận thấy phần lớn các tác giả đã kết cấu vở diễn theo hình
thức: tự sự - kịch tính - có hậu, tức là kể chuyện bằng thủ pháp mâu thuẫn -
xung đột - đối lập sâu sắc trong mỗi hình tượng, theo tinh thần, giữa mình với
chính mình, giữa mình với hoàn cảnh và giữa mình với người khác, để rồi kết
thúc theo quy luật nhân quả "ở hiền gặp lành", "làm ác gặp ác", thỏa mãn
nguyện vọng hướng thiện của nhân dân. Nhờ có hình thức kết cấu này mà cốt
truyện được minh bạch, rõ ràng, phù hợp với loại hình chèo truyền thống, thể
hiện được cuộc sống một cách sinh động, làm cho khán giả dễ dàng tiếp thu câu
chuyện và lôi cuốn họ vào những miếng trò sáng tạo của nghệ sĩ trên sân khấu.
Nhờ có hình thức kết cấu này mà Chèo đi vào đề tài cuộc sống hôm nay được
thanh thoát, bớt gây những phản cảm mà chúng ta thường gọi là "chéo chẹo"
Bằng hình thức kết cấu tự sự - kịch tính - có hậu, các đạo diễn đã tìm được
cứu cánh cho việc xử lý không gian, thời gian của mình cho mỗi vở diễn một
cách tự do, sinh động, làm cho tiết tấu, tốc độ, không khí tác phẩm phù hợp với
nhịp sống của khán giả đương thời. Từ cảnh này sang cảnh khác, từ không
gian, thời gian này đến không gian, thời gian kia và vở nào của Hội diễn 2009
cũng được thể hiện muôn màu, muôn sắc với những mối quan hệ giữa quá khứ,

hiện tại, tương lai được liên hoàn, logic trong hành động, trong hình tượng và
trong cảm thụ nghệ thuật của khán giả. Phải nói rằng, Hội diễn này, công việc
xử lý không gian, thời gian của các đạo diễn có bước phát triển mới và hoàn
mỹ, chuyên nghiệp.
Trong phạm vi đạo diễn, thông qua các vở trên sân khấu, chúng ta thấy bàn
tay nghề nghiệp của đạo diễn bậc thầy, bậc đàn anh vẫn sung sức, phong độ,
bản lĩnh và làm cho sân khấu chèo thêm phóng khoáng, hoàn thiện, hấp dẫn.
Những vở của đạo diễn Doãn Hoàng Giang, Bùi Đắc Sừ, Lê Huệ muôn màu
muôn vẻ và đã đưa nghệ thuật chèo tới phong cách "hoành tráng", "lộng lẫy",
đậm tính đương thời
Như chúng ta đều rõ, âm nhạc bao giờ cũng là linh hồn của chèo. Không có
âm nhạc thì chèo sẽ như một thân xác ngọc ngà vô hồn. Ở Hội diễn này, các
nhạc sĩ đã hóa thân vào chèo, đã đồng điệu tâm hồn, cảm xúc với chèo, và làm
cho chèo không ngừng được vang lên những âm thanh đầy cảm hứng của mình.
Âm nhạc của chèo vang lên từ khi chưa mở mang nhung, rồi mở mang, kết
cảnh, kết vở; âm nhạc đi vào tâm trọng nhân vật, không khí, tiết tấu, tốc độ vở
diễn, đi vào trong lúc diễn, lúc múa, lúc hát cho diễn viên và cho toàn bộ thế
giới tâm hồn, tư tưởng của nghệ thuật chèo. Thông qua 19 vở, chúng ta có thể
khẳng định rằng: âm nhạc của chèo đã phát triển rất mạnh so với những lần Hội
diễn trước đây và sự phát triển nổi bật nhất của các nhạc sĩ là: chất chèo, hương
vị chèo, linh hồn chèo được đậm đà bản sắc, được nhuần nhụy và thanh thoát
trong cảm thụ của khán giả làng chèo. Những cách tân, đổi mới, bẻ làn, nắn
điệu của các nhạc sĩ không bị phản cảm, "nghịch nhĩ" người xem.
Tóm lại, trong suốt 10 ngày đêm vừa qua, chúng ta nhận thấy rằng, 19 tác
phẩm chèo, dù mang những đề tài lịch sử, hiện đại khác nhau, nhưng tất cả đều
được các nghệ sĩ thể hiện minh bạch về chủ đề tư tưởng, rõ ràng về thái độ
thẩm mỹ, nghiêm túc, công phu trong tư duy sáng tạo và đã làm cho các tác
phẩm trong Hội diễn được mang tính chuyên nghiệp, tính hấp dẫn, tính thời sự.
Có thể nói theo ngôn ngữ đời thường là: sạch sẽ, hoành tráng, hấp dẫn, chỉn
chu, có nghề

Mặt khác, ở Hội diễn, chúng ta còn thấy xuất hiện những cây bút trẻ: Đỗ
Ngọc Sơn, Trần Đình Văn , tác phẩm của họ tuy chưa đạt tới mức làm làng
chèo ngạc nhiên, bất ngờ nhưng phải nói rằng, ở họ đã có kiến thức văn học,
vốn sống, vốn nghề và có ý thức nối nghiệp cha anh, kế thừa truyền thống một
cách chân thành. Bên cạnh họ, trong Hội diễn, chúng ta cũng thấy những gương
mặt đạo diễn trẻ, như Hải Thọ, Hà Quốc Minh, Vũ Ngọc Minh, Văn Lê và, đặc
biệt hơn, là có cả những gương mặt đạo diễn nữ trẻ: Trịnh Thúy Mùi, Trần Thị
Hoàng Mai Những vở diễn của lớp trẻ, tuy không ồn ào, nhưng thật ngọt
ngào, thanh xuân, hóm hỉnh, duyên dáng và đậm màu bản sắc truyền thống.
Cùng với đội ngũ tác giả trẻ, đạo diễn trẻ, Hội diễn đã đem đến cho khán giả
nhiều gương mặt diễn viên mới có nhiều bản lĩnh nghề nghiệp trong những
nhân tố thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần nhuần nhụy trong các hình tượng nhân
vật. Ví dụ, đào Thanh Tuyền, 18 tuổi trong vai Tiêu Thị của Nhà hát Chèo
Ninh Bình; kép Quốc Phòng của Nhà hát Chèo Hà Nội, mới 20 tuổi mà đã tạo
được hình tượng Quang Trung chững chạc
Hơn nữa, trên sân khấu Hội diễn, các họa sĩ, biên đạo múa đã tham gia
tích cực vào sáng tạo cùng các đạo diễn và diễn viên. Họ đã làm cho sân khấu
chèo cao hơn mặt chiếu, đầy hơn, lung linh, huyền ảo hơn Chèo sân đình, bằng
những bục bệ, phông, màn, áo, mũ, cân đai, gươm, giáo, cờ quạt có những
trang trí đẹp, có những đám khói huyền ảo, có những đạo cụ tràn cả ra ngoài
sân, có những dàn nữ trẻ măng, yếm đỏ rực rỡ, múa như tiên giáng trần. Tất cả
đã làm cho nghệ thuật chèo được trở thành sân khấu đúng với nghĩa của một
loại hình tổng hợp - tổng hợp có văn hóa, có mỹ cảm và hấp dẫn khán giả.
Thông qua 19 vở Chèo của 17 đơn vị (nhiều hơn mọi lần Hội diễn trước)
lực lượng đạo diễn trẻ, tác giả trẻ, diễn viên trẻ, bên cạnh những bậc lão tướng,
đàn anh đàn chị có danh của làng Chèo, làm cho Hội diễn của chúng ta đông
vui tràn ngập và có thể nói rằng: "Làng Chèo chúng ta có phúc", những nghệ sĩ
chèo chúng ta hạnh phúc!
Cánh màn nhung sân khấu Hội diễn đã khép, tiếng trống chèo cũng tạm
thời ngưng nghỉ Trong giây phút văn hội, xin được có đôi lời để các bạn làng

chèo tham khảo.
Như chúng ta đều biết, trong 19 vở tham gia Hội diễn, thì có 15 vở thể hiện
đề tài lịch sử. Một câu hỏi đặt ra là: Viết thế nào cho đúng với đề tài lịch sử?
Chúng tôi nghĩ, câu trả lời thuộc về các nghệ sĩ sáng tạo và, chúng tôi hoàn
toàn đồng tình, ủng hộ với mọi quan niệm của các nghệ sĩ đã được thể hiện trên
sân khấu Hội diễn, dù có quan niệm cho rằng: lịch sử chỉ là cái đinh để nghệ sĩ
chúng tôi mắc tư tưởng vào đó. Nhưng, đã là cái đinh, thì xin thưa, phải là cái
đinh đích thực, chứ không phải là "cái gai", "cái mấu", "cái tật". Cái đinh đích
thực đó, là sự thật lịch sử đã được ghi chép trong chính sử và căn cứ vào sự thật
lịch sử đó nghệ sĩ tha hồ hư cấu. Chúng tôi khó mà đồng tình với hiện tượng: Ở
chính sử, ông vua X ấy đã được sinh ra 14 ngày, nhưng ở sân khấu lại vẫn nằm
trong bụng mẹ. Ở lịch sử, luật "chu di tam tộc" là đối với đàn ông, nhưng ở sân
khấu, hành quyết có đàn bà, con gái. Một bậc danh nhân văn hóa thế giới, có
thừa thơ, ở TK XV, nhưng trên sân khấu lại đọc thơ của các tác giả TK XX,
v.v (điều này chắc các tác giả đã dựa vào những tài liệu ngoài chính sử, hoặc
vô tình chứ không cố ý).
Nghệ thuật chèo Việt Nam, như các cụ tổ nghề đã nói, là nghệ thuật được
sáng tạo theo lối tả ý, tả thần. Nhưng ở sân khấu Hội diễn này, phần lớn các vở
lại được các nghệ sĩ sáng tạo, trên cơ sở của lối tả chân. Xuất phát từ lối tả
chân này, dù có kết cấu theo hình thức tự sự, dù có cố tình ước lệ, cách điệu,
tượng trưng, và hát, múa chèo, thì, xin thưa, vở diễn vẫn là những tác phẩm,
theo ngôn từ thường ngày, là "kịch nói đâm hát chèo" (nhất là những vở chèo
thể hiện đề tài cuộc sống hôm nay).
Nhờ sáng tạo theo lối tả chân, mà sân khấu Hội diễn đã chứa đựng được:
bục cao, bục thấp; cảnh sơn thủy hữu tình như thật; có những đạo cụ, phục
trang như ở đời thường với những hoạt động sinh hoạt tả thực như cuộc sống
hàng ngày. Ở những vở diễn theo lối tả chân này, khó có thể xây dựng được
miếng trò hay, mẫu nhân vật độc đáo với những anh hề thông minh, hóm hỉnh,
hấp dẫn như ở chèo cổ, chèo truyền thống.
Khuynh hướng sáng tạo chèo theo lối tả chân này, trong lịch sử chèo, đã có

từ thời cụ Nguyễn Đình Nghi, trên sân khấu chèo cải lương, năm 1924, được
phát triển trong chèo cách mạng và hôm nay, nó được công khai, tự giác, phát
triển, hoàn thiện trên sân khấu Hội diễn. Khuynh hướng này, hiện nay, như một
giải pháp cần thiết để cứu vãn số phận của chèo đang trong hoàn cảnh vắng
khán giả! Khuynh hướng này, công bằng mà nói, rất hấp dẫn, nên các đơn vị
vốn nặng nghĩa, nặng tình với chèo truyền thống thì cũng phải tự đổi mới mình
và tiếp nhận nó với tinh thần sáng tạo, làm cho các vở trên sân khấu được muôn
màu muôn vẻ, khắc phục được lối mòn "khuôn mẫu truyền thống" khô khan,
cứng nhắc.
Khuynh hướng này đang hiện hữu khách quan trong làng chèo, đang có
thực ở đời sống văn hóa xã hội và đang hữu ích cho nghệ sĩ. Do đó, chúng tôi
cũng xin công khai đồng tình, ủng hộ và coi đó là một trong nhiều cách tiếp
biến văn hóa của chèo Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng khó đồng tình với nhiều trang trí quá đầy trên
sân khấu, quá thừa đối với vở diễn; vẽ tả cái tháp lại tưởng cái cột điện; cung
phi, hoàng hậu thời Trần lại đội mũ Nam Phương hoàng hậu thời Nguyễn; vua
mặc áo hoàng bào lại đi hia và nam nhân lại dùng hài mũi nhọn. Hoặc có nhiều
mảng, miếng của đạo diễn bị "nhại lại" hết vở này đến vở khác, bị "hoành tráng
hóa" vào các vở không thể hoành tráng nổi, bị "hề hóa" vào các vở không thể
hề và, ép các khuôn múa, làn điệu chèo vào chỗ không hợp với bản chất của
múa, của hành động chèo. Đặc biệt, nhiều vở kết cấu dài dòng, thừa thãi. Trên
sân khấu đã hết truyện, khán giả đã ra về, thế mà nghệ sĩ cứ kêu gọi, cứ múa,
cứ hát, cứ than khóc nhiệt tình, vô nghĩa.
Như chúng ta đều rõ, chủ đề tư tưởng là một vấn đề quan trọng của mọi
sáng tạo nghệ thuật. Nhìn vào 19 vở của Hội diễn, chúng tôi nhận thấy rằng rất
ít vở có được những chủ đề tư tưởng mang tính triết lý nhân sinh cao, mà phần
lớn chỉ là những minh họa lịch sử, minh họa cuộc sống với nội dung ca ngợi
những tấm gương hy sinh của những bậc danh nhân lịch sử, của những con
người bình thường vì dân, vì nước, vì nghĩa cả và phê phán những thói hư, tật
xấu, ích kỷ, bạo tàn, hại dân hại nước với môtip ta thắng, địch thua, ở hiền gặp

lành, ác giả ác báo cũ kỹ, chưa thắt nút đã biết mở nút, tình huống mở đầu chưa
giao đãi xong đã hiểu kết quả của tình huống cuối cùng; vở nào cũng giống
nhau, giống từ nội dung sang hình thức một cách nhạt nhòa đến vô lý. Ở đây,
chúng tôi hiểu rằng nguyên nhân của hiện tượng này, là do các vở chèo viết
theo đơn đặt hàng "đề tài địa phương" để giáo dục truyền thống cho nhân dân
địa phương, nhân dịp những ngày lễ lớn phục vụ chính trị.
Bên cạnh vấn đề triết lý nhân sinh của chủ đề tư tưởng tác phẩm là cốt
truyện. Cốt truyện có vai trò quan trọng đặc biệt vì "có tích mới dịch nên trò".
Nhìn vào từng tác phẩm trên sân khấu Hội diễn, chúng tôi thấy, rất hiếm vở có
cốt truyện hay, mới lạ, hấp dẫn mà phần nhiều là "tích quen quen" đã xem, đã
nghe, đã đọc, đã thấy ở đâu đó từ lâu. Thậm chí không ít vở khán giả khó có thể
kể được câu chuyện từ đầu đến cuối. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên, nhiều bạn
nghề của làng chèo đã nói với chúng tôi: Đó là vở phóng sự sân khấu, "ca cảnh
dài" hoặc là "diễn ca lịch sử" Đã thiếu cốt truyện hay, lại bị tác giả kết cấu
lỏng lẻo, chỗ thì dài thừa, chỗ thì ngắn thiếu, chỗ thì thiếu logic, chỗ lại bị tẻ
nhạt. Có vở diễn đến 1/3 thời gian mà khán giả không biết tên nhân vật là gì; có
vở lại 6 lần quỳ thề như nhau và có vở, chỗ cần nghiêm trang, nghiêm túc lại
biến thành trò cười, đã gây phản cảm không ít trong cảm thụ của khán giả một
cách đáng tiếc.
Sân khấu là nghệ thuật tổng hợp và trong đó, nghệ sĩ là "ông hoàng bà
chúa" của nghệ thuật tổng hợp đó. Suốt gần 10 ngày đêm trên sàn diễn, các
nghệ sĩ chúng ta đã lao động "thổ tận can trường" để khẳng định chân lý đó và
đã đem lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả về ca, về múa, về diễn
với sức thanh xuân trong thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần của hình tượng. Tuy
vậy, từ sàn diễn, chúng tôi vẫn nhận thấy không ít nghệ sĩ đã hát phô, chênh,
chệch nhịp, hụt hơi, khàn tiếng và đôi khi va chạm vào micro tạo ra âm thanh
khó chịu, không cần thiết.
Trong phạm vi diễn viên, chúng tôi nhận thấy rằng: có nhiều nghệ sĩ tài
năng, nhưng chưa có tác phẩm phù hợp cho mình. Họ như "ngựa xích thố chạy
trong sân, như tùng bách mọc trong chậu" thì làm sao thể hiện được vẻ đẹp kỳ

vĩ của mình. Nguyen nhân của hiện tượng này, là do phần lớn các tác giả chưa
có ý thức xây dựng hình tượng nhân vật, với tính cách điển hình trong hoàn
cảnh điển hình, mà đã biến nhân vật là công cụ để thực hiện một câu chuyện
cho có đầu có đuôi. Nghĩa là, sáng tác không từ nhân vật cho nhân vật mà từ
câu chuyện bằng nhân vật. Cho nên, nhiều nhân vật sinh ra, có mặt trên sân
khấu chỉ là tên, mà không có số phận, tính cách, hình tượng. Sân khấu đã đông
người nhưng rất ít nhân vật!
Thông qua hiện tượng này và thông qua toàn Hội diễn, chúng tôi nhận thấy:
làng chèo đã và đang thiếu một đội ngũ tác giả ngang tầm đạo diễn và diễn
viên. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên, trên sàn diễn, đã xảy ra không ít vở được
dựng lại, được chuyển thể lại, tuy được các đạo diễn và diễn viên trổ tài "biến
hóa" thì dẫu sao chúng vẫn là "chuyện cũ kể lại", "rượu cũ pha lại"!
Thông qua Hội diễn này, chúng ta có thể nói, chèo Việt Nam đang dần
thích nghi với cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đã mang
trong mình hai thành tố quan trọng là: hàng hóa đặc biệt và phục vụ chính trị.
Nghĩa là chèo của thời này, vừa phục vụ chính trị theo đường lối văn hóa văn
nghệ của Đảng và Nhà nước, lại vừa tham gia vào thương trường, cạnh tranh
khốc liệt, một mất một còn với các hình thái văn hóa nghệ thuật khác, không
chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Bất kỳ đơn vị nghệ thuật chèo nào mà tách
hai thành tố đó, thiếu một trong hai thành tố đó thì đều khó có thể tồn tại.
Chèo là văn minh của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước Việt Nam. Chèo
là lương tâm, khí phách, khát vọng, tâm hồn của người nông dân vùng châu thổ
sông Hồng và đã trở thành quốc hồn, quốc túy Việt Nam. Trong suốt chiều dài
lịch sử phát triển của mình, chèo đã từng trải qua bao thăng trầm biến động, lúc
thì được vua yêu, chúa mến, lúc thì lại bị coi là kẻ "xướng ca vô loài". Nhưng
chèo Việt Nam vẫn như hạt lúa, củ khoai và sống bền vững cùng nhân dân lao
động trong những mùa lễ hội quê hương.
Bước vào TKXXI, thế kỷ hội nhập quốc tế của thế giới thương trường,
chèo Việt Nam như gặp phải một môi trường khốc liệt, khác biệt với bản thể
sinh thành của mình, đã làm cho nhiều đêm vắng tiếng trống chèo, làm nhiều

nghệ sĩ khó nhọc cất lên tiếng hát. Nhưng, chèo Việt Nam vẫn tồn tại, vẫn hàng
ngày tự mình vượt qua mình, vẫn thường xuyên tự biến cải mình để phù hợp
với thời đại. Sự có mặt của 17 đơn vị với 19 tác phẩm cùng gần 1000 nghệ sĩ và
sự nồng nhiệt của khán giả suốt gần 10 ngày qua đã như một minh chứng hùng
hồn về chân lý đó.

×