Nhận biết nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em
> Cảnh giác với lỵ trực khuẩn
TP - Không ít trường hợp trẻ, nhất là các
bé trai bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu
mà bậc cha mẹ không hề hay biết, để sớm
gặp bác sĩ tìm phương hướng điều trị.
Biểu hiện của bệnh
Vì bệnh không có triệu chứng đặc hữu nên
các dấu hiệu lâm sàng chỉ có giá trị gợi ý,
như:
Các dấu hiệu nhiễm khuẩn: Trẻ sốt cao, rét
run, toàn thân có tình trạng nhiễm khuẩn,
nhiễm độc. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đôi khi
không có sốt, có thể thấy các biểu hiện như
một tình trạng nhiễm khuẩn huyết: Vàng da,
trẻ bị hạ thân nhiệt
Các dấu hiệu đái ít, đái buốt, nước tiểu đục
cũng có thể gặp.
Nếu trẻ bị viêm bàng quang, hay nhiễm
khuẩn đường tiết niệu dưới có thể thấy trẻ
đái rắt, đái đau, đái rặn. Nhiều trẻ la hét, sợ
hãi hoảng hốt khi đái. Có thể để ý thấy bàn
tay của trẻ khai do trẻ luôn nắm, hoặc nắm
kéo dương vật (với bé trai). Đôi khi trẻ có
thể kêu đau vùng hạ vị.
Nếu trẻ bị viêm nhiễm đường tiết niệu trên,
ngoài tình trạng nhiễm khuẩn toàn thân trẻ
còn có thể kêu đau vùng thượng thận.
Khi nghi ngờ trẻ bị nhiễm khuẩn tiết niệu
Khi thấy trẻ có các biểu hiện gợi ý, nghi ngờ
như trên bậc cha mẹ cần phải cho bé đến các
trung tâm y tế làm xét nghiệm để chẩn đoán
kịp thời bệnh.
Các bác sĩ, tuỳ từng trường hợp để làm xét
nghiệm nước tiểu - có nhiều giá trị trong
chẩn đoán nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Soi
tươi nước tiểu sẽ thấy bạch cầu trong nước
tiểu tăng cao hơn chỉ số bình thường. Cấy
nước tiểu sẽ phát hiện được vi khuẩn gây
bệnh. Có thể xét nghiệm nước tiểu nhanh
bằng que nhúng để thêm thông tin cho chẩn
đoán bệnh.
Siêu âm, chụp X - quang có nhiều ý nghĩa
trong việc chẩn đoán nhiễm khuẩn đường
tiết niệu trên và cho trẻ nhỏ dưới một tuổi,
hay các nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái
phát.
Điều trị ra sao?
Đối với các trường hợp viêm bàng quang,
hay nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới, trẻ
thường được điều trị ngoại trú tại nhà bằng
một trong các loại kháng sinh uống, như
amoxicillin, ampixillin, cotrimoxazol theo
đơn bác sĩ kê. Thời gian điều trị từ 5 - 7
ngày.
Đối với các trường hợp nhiễm khuẩn đường
tiết niệu trên, tuỳ trường hợp các bác sĩ sẽ
giữ trẻ lại nằm viện để điều trị. Nếu trẻ có
tình trạng toàn thân tốt bác sĩ khám có thể sẽ
cho trẻ uống kháng sinh và theo dõi. Các
trường hợp nặng hơn phải nằm điều trị bằng
kháng sinh tiêm tĩnh mạch, hoặc phối hợp
kháng sinh.
Khi phát hiện có các dị dạng, hoặc bất
thường ở đường tiểu, như khít, hẹp bao qui
đầu (ở bé trai) thì cần phối hợp các biện
pháp điều trị ngoại khoa. Thời gian và liệu
trình điều trị phải tuân theo sự hướng dẫn
của bác sĩ.
Các thể nhiễm khuẩn đường tiểu ở trẻ
em
- Viêm thận, bể thận hay nhiễm khuẩn
đường tiểu trên. Trong trường hợp này
ngoài viêm nhiễm ở đường tiểu còn kèm
theo viêm mô kẽ thận.
- Viêm bàng quang, hay nhiễm khuẩn
đường tiểu dưới.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu không có
triệu chứng