Tải bản đầy đủ (.pdf) (15 trang)

NGHIÊN CỨU TRIẾT HỌC: " SỰ PHÁT TRIỂN HỢP QUY LUẬT TỪ “CHIẾN TRANH TOÀN DÂN” ĐẾN “CHIẾN TRANH NHÂN DÂN” TRONG LỊCH SỬ BẢO VỆ, GIẢI PHÓNG ĐẤT NƯỚC " pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (241.59 KB, 15 trang )












Luận văn

NGHIÊN CỨU TRIẾT HỌC: " SỰ PHÁT
TRIỂN HỢP QUY LUẬT TỪ “CHIẾN TRANH
TOÀN DÂN” ĐẾN “CHIẾN TRANH NHÂN
DÂN” TRONG LỊCH SỬ BẢO VỆ, GIẢI
PHÓNG ĐẤT NƯỚC "





SỰ PHÁT TRIỂN HỢP QUY LUẬT TỪ “CHIẾN TRANH TOÀN DÂN”
ĐẾN “CHIẾN TRANH NHÂN DÂN” TRONG LỊCH SỬ BẢO VỆ, GIẢI
PHÓNG ĐẤT NƯỚC

NGUYỄN VĂN TÀI (*)
Khái quát và phân tích những đặc điểm chủ yếu của hai loại chiến tranh –
“chiến tranh toàn dân” và “chiến tranh nhân dân” trong lịch sử dân tộc Việt
Nam, tác giả đã đi đến kết luận: Sự phát triển từ “chiến tranh toàn dân”


thành “chiến tranh nhân dân” không chỉ là một quá trình hết sức sống động,
một sự nhảy vọt về chất, mà hơn nữa, còn là sự phát triển hợp quy luật cả về
mục tiêu, phương thức, lực lượng tiến hành chiến tranh lẫn ý nghĩa và giá trị
hiện thực của nó, cũng như về nghệ thuật quân sự. Đây là một giá trị to lớn
và chủ đạo trong toàn bộ hệ giá trị văn hoá quân sự Việt Nam, là bài học quý
báu mà lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc Việt Nam đã sáng
tạo nên, liên tục kế thừa và không ngừng phát triển.

Trong tất cả các cuộc chiến tranh luôn xuất hiện hai vấn đề mà các bên tham
chiến, dù với tính chất chính trị – xã hội như thế nào, cũng không thể lẩn
tránh: một là, phải tìm sức mạnh ở đâu để chiến thắng và hai là, chiến thắng
ấy đem lại lợi ích cho những ai. Các nhà nước khác nhau trong lịch sử đã giải
quyết vấn đề này bằng nhiều cách khác nhau. Song, đối với các cuộc chiến
tranh tự vệ, cả chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ, yếu tố NHÂN
DÂN luôn chiếm vị trí ưu trội trong tính toán của các nhà chiến lược để có
thể tạo lập nền tảng vững chắc cho việc tiến hành chiến tranh. Và, để làm
được điều đó, trước hết phải xác định và nêu bật được lợi ích của nhân dân
trong cả quá trình chuẩn bị chiến tranh lẫn quá trình tiến hành chiến tranh và
đặc biệt là sau khi giành được thắng lợi hoàn toàn.
Xét đến cùng, quần chúng nhân dân là người làm nên lịch sử. Cách nhìn này
không phải là sự suy diễn chủ quan, mà là một nguyên lý khoa học được đúc
kết từ chính thực tiễn lịch sử nhân loại, từ cổ chí kim, từ phương Đông đến
phương Tây… Đặc biệt, trong lĩnh vực đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc,
cách mạng xã hội, chiến tranh – quân đội, thì giai cấp và nhà nước nào thấu
triệt vấn đề này sẽ tìm ra sức mạnh thực sự và khơi dậy được tất cả những
nhân tố tiềm ẩn trong nhân dân để giành thắng lợi. Đối với dân tộc Việt Nam
ta, vấn đề này càng trở nên hiển nhiên. Bởi lẽ, lịch sử Việt Nam là lịch sử
dựng nước luôn đi đôi với giữ nước; việc cố kết dân tộc để tạo sức mạnh cộng
đồng chống chọi với cả thiên tai và địch hoạ không những là nhu cầu cấp
thiết, mà còn trở thành một giá trị truyền thống mang tính vĩnh hằng. Dưới

một khía cạnh khác, lịch sử cũng chỉ có giá trị khi mang lại lợi ích cho đông
đảo quần chúng nhân dân. Các giai cấp, nhà nước, tập đoàn thống trị xã hội
nào muốn tạo sức mạnh từ nhân dân để thực hiện được lợi ích của mình thì ít
nhiều, đều phải tính đến lợi ích của dân chúng; còn khi giữa các lợi ích ấy có
xung đột, nhất là khi lợi ích của đông đảo quần chúng nhân dân không được
đáp ứng thì sớm hay muộn, “tầng lớp bên trên” sẽ bị lật nhào. Đó cũng là tính
quy luật của lịch sử. Với lĩnh vực đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc, cách
mạng xã hội, chiến tranh – quân đội cũng vậy. Mặc dù chiến tranh không ai
muốn có, nhưng một khi nó đã xảy ra thì việc ứng xử với nó thế nào, giải
quyết nó ra sao đều dựa trên căn cứ lợi ích, trước hết là lợi ích của những giai
cấp và nhà nước tiến hành chiến tranh và xét đến cùng, là lợi ích chung của
quốc gia dân tộc khi tham gia cuộc chiến.
Cách nhìn bao quát về những giá trị văn hoá - lịch sử của sự nghiệp bảo vệ,
giải phóng đất nước xuyên suốt tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam phải
dựa trên những căn cứ lý luận xác đáng ấy. Trong lịch sử các cuộc chiến tranh
cứu nước và giữ nước của dân tộc ta, kẻ thù thường là những đội quân lành
nghề, mạnh hơn hẳn chúng ta cả về tiềm lực quốc gia lẫn thực lực quân sự
trực tiếp tham chiến. Bối cảnh ấy đòi hỏi các nhà lãnh đạo kháng chiến chỉ có
con đường duy nhất là tìm sức mạnh trong nhân dân để xây dựng cả tiềm lực
lẫn thực lực kháng chiến và điều này có thể thực hiện bởi lợi ích của việc cố
kết cộng đồng mang lại đã thể hiện đậm nét trong cả sự nghiệp dựng nước lẫn
giữ nước. Hơn nữa, ý thức độc lập dân tộc đã thấm sâu vào mỗi người dân
nước Việt, trở thành cốt cách văn hoá mang tính truyền thống, nên nhân dân
ta không chỉ là người tạo hậu thuẫn cho lực lượng kháng chiến, mà còn trực
tiếp tham gia chiến đấu, làm cho lực lượng ta lúc đầu nhỏ yếu cuối cùng cũng
lớn vượt lên và làm cho địch quân đông cũng hoá ra không mạnh. Thực tiễn
lịch sử ấy, cái nét văn hoá quân sự truyền thống đặc sắc ấy đã tỏ rõ sức sống
bền vững và phát triển mạnh mẽ qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước
của dân tộc Việt Nam, nhất là từ khi Ngô Quyền giành được nền tự chủ cho
đất nước. Với người dân nước Việt, lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc đã

trở thành ý thức thường trực, khiến họ sẵn sàng gác lại những lợi ích riêng
trước những hiểm hoạ ngoại xâm để cùng nhau đánh lại bất cứ kẻ thù nào, bất
kể là triều đình có nhận ra sức mạnh ấy và tổ chức được nó lại hay không. Các
triều đại phong kiến tiến bộ đều nhận thức rõ vấn đề này và từ đó, hình thành
nên một phương thức tiến hành chiến tranh mang đậm bản sắc Việt Nam –
chiến tranh toàn dân giải phóng và bảo vệ đất nước.
Chiến tranh nhân dân Việt Nam giải phóng và bảo vệ đất nước trong thời đại
Hồ Chí Minh là sự tiếp nối tất yếu các cuộc chiến tranh toàn dân nói trên,
đồng thời có sự phát triển nhảy vọt về chất bởi sự tích hợp giá trị trong suốt
chiều dài mấy nghìn năm lịch sử, cũng như bởi những thay đổi căn bản về
nền tảng kinh tế – xã hội và chế độ chính trị có sự phát triển mới về chất
mang lại. Nói cách khác, giữa “chiến tranh toàn dân” qua các triều đại phong
kiến và “chiến tranh nhân dân” trong thời đại mới có cả sự tương đồng lẫn sự
khác biệt. Cái đại đồng chính là huy động được toàn dân tham gia, dựa trên
nền tảng nhân dân, được nhân dân đóng góp, ủng hộ, tạo thuận lợi… cho cuộc
chiến tranh chính nghĩa bảo vệ, giải phóng đất nước; lợi ích chung của dân
tộc được giành lại và gìn giữ khi tìm thấy chiến thắng. Còn cái tiểu dị, song là
cái tiểu dị dẫn đến việc phân định sự khác biệt về chất, là ở chỗ, “chiến tranh
toàn dân” qua các triều đại phong kiến chủ yếu nhấn mạnh khía cạnh “dĩ dân”
(dựa vào dân); còn khía cạnh “vi dân” (vì dân) cũng được hiện thực hoá,
nhưng chỉ trong giới hạn mà lợi ích của dân có sự nhất trí với việc củng cố
quyền lực và lợi ích của quý tộc phong kiến và do vậy, là vi dân không toàn
diện, không triệt để. Vượt lên trên trình độ đó, “chiến tranh nhân dân” trong
thời đại mới là sự hoà quyện hữu cơ giữa các khía cạnh “của dân”, “do dân”
và “vì dân”, bởi giai cấp lãnh đạo là giai cấp công nhân và lực lượng lãnh đạo
- Đảng Cộng sản Việt Nam – bao gồm những người ưu tú, tiêu biểu trong các
tầng lớp nhân dân lao động và cách mạng, không có lợi ích nào khác ngoài lợi
ích của dân. Hơn nữa, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh là giá trị văn hoá đặc
thù, có dòng chảy tương đối độc lập, nên chiến tranh nhân dân có sự phát
triển nhảy vọt cả về nghệ thuật chiến tranh (nhân dân tham gia chuẩn bị chiến

tranh ngay trong thời bình) cũng như về nghệ thuật quân sự (phương thức tác
chiến của nhân dân hiện đại hơn, hiệp đồng chiến đấu, kết hợp giữa tiến công
của các binh đoàn chủ lực với nổi dậy rộng khắp của nhân dân…).
Trong thực tiễn lịch sử của dân tộc Việt Nam, sự phát triển từ “chiến tranh
toàn dân” thời phong kiến thành “chiến tranh nhân dân” trong thời đại mới là
một quá trình hết sức sống động.
Chiến tranh toàn dân thời kỳ mở nước là chiến tranh toàn dân tự phát nhằm
định hình dân tộc. Từ công cuộc giữ thành Cổ Loa của An Dương Vương đến
các cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ, toàn dân được huy động để đánh giặc,
thậm chí lực lượng quân sự không được tổ chức hoàn toàn chuyên biệt. Cách
đánh phù hợp với trang bị bạch khí, rất gần với cách sử dụng công cụ lao
động sản xuất thường ngày của người dân. Về mục tiêu, việc giành lại độc lập
là độc lập cho cả dân tộc, chứ không gắn với lợi ích cụ thể của một cá nhân hay
tập đoàn xã hội nào. Trong kháng chiến, có người đứng ra dấy nghĩa, nhưng sự
phân biệt quyền lực giữa bề trên với kẻ dưới, hay sự phân biệt giữa lợi ích giai
cấp với lợi ích dân tộc… đều rất mờ nhạt. Hơn nữa, cuộc đấu tranh chống đồng
hoá luôn chiếm vị trí ưu trội so với tiến hành đấu tranh vũ trang.
Chiến tranh toàn dân bảo vệ đất nước thời Lý – Trần là cuộc chiến tranh toàn
dân trong điều kiện quốc gia độc lập có chủ quyền, nhân dân vừa là chỗ dựa
của triều đình, của quân đội, vừa trực tiếp tham gia đánh giặc giữ nước, bảo
vệ kinh thành. Nghệ thuật dựng binh là lấy dân làm điểm tựa quan trọng. Cả
nhà Lý và nhà Trần đều định chế độ binh dịch theo kiểu “ngụ binh ư nông”,
quân lính thời bình chia phiên về sản xuất và khi có biến thì mọi đinh tráng
đều được chiếu sổ gọi ra phục vụ quân đội. Việc xây dựng lực lượng vũ trang
đều theo cách thức xây dựng nhiều thứ quân để huy động được nhân dân
tham gia trực tiếp chiến đấu: quân chủ lực của triều đình, quân các lộ (và
quân của các vương hầu), dân binh (hương binh các làng xã, thổ binh các bản,
nguồn, động…). Sức dân cũng được huy động mạnh mẽ trong xây dựng thế
trận và các tuyến phòng thủ, nhân dân luôn sát cánh sẵn sàng chiến đấu cùng
các thứ quân. Nhân dân cả nước tự giác thực hiện kế thanh dã triệt nguồn

lương thảo của giặc, làm hậu thuẫn cho triều đình và trực tiếp tham gia đánh
giặc tại chỗ… Đặc biệt, để huy động cao nhất sức dân, các đời vua thời Lý –
Trần đều chủ trương “khoan – giản – an – lạc”, cơi nới sức dân để làm “kế
sâu rễ bền gốc”. Về nghệ thuật dụng binh, chiến tranh toàn dân thời Lý – Trần
được thể hiện rất rõ qua việc vận hành thế trận phòng thủ, phòng ngự, tổ chức
cho quân và dân thực hành chiến đấu trên các tuyến phòng thủ nhiều tầng
hoặc đánh địch rộng khắp. Việc lập thế liên kết giữa kinh thành với các vùng
phụ cận đã tạo được hậu phương chiến lược cho chiến tranh toàn dân. Chính
vì vậy, quân nhà Lý chiến đấu trên trận tuyến sông Cầu luôn an tâm ở phía
sau đã có hậu phương cực mạnh là kinh thành Thăng Long; còn nhà Trần, tuy
phải rút lui chiến lược, nhưng nhân dân đã tích cực góp phần cùng quân triều
đình tạo thế chuyển hoá dần lực lượng để phản công chiến lược. Lực lượng
được tổ chức hợp lý, phân công và phối hợp chặt chẽ giữa quân triều đình,
quân các lộ và dân binh, đồng thời huy động được nhân dân tham gia đúng
thời cơ. Do vậy, nhân dân đã được huy động tối đa để phục vụ chiến đấu trên
phòng tuyến (thời Lý), cũng như trực tiếp và phối hợp nổi dậy giành lại quyền
làm chủ đất nước (thời Trần).
Cách đánh của chiến tranh toàn dân thời kỳ này đã được hình thành và phát
triển đa dạng: từ chủ động tiến công sang đất địch bằng nhiều hướng, nhiều
mũi, phòng thủ vững chắc trên phòng tuyến chuẩn bị sẵn và phản công truy
kích địch rút chạy… thời Lý đến cách đánh chặn bước tiến nhanh kết hợp với
chủ động rút lui bảo toàn lực lượng, bỏ thuyền chiến đánh thuyền lương, chọn
điểm đột phá trong phản công chiến lược… thời Trần. Tất cả các cách đánh
ấy chỉ thực hiện thành công và đạt hiệu quả tối ưu trên nền chiến tranh toàn
dân. Chính vì dựa được vào dân – “chúng chí thành thành”, nơi nào có dân là
giặc bị đánh – nên quân và dân nước Việt thời Lý – Trần đã hình thành được
các cách đánh phòng ngự – phản công rất đa dạng: khi phòng thủ phòng
tuyến, đánh diệt viện thì dĩ tịnh chế động; khi chủ động tấn công trước vào
căn cứ địch thì dĩ động chế tịnh; trong đánh vận động, truy kích địch thì dĩ
động chế động, dĩ đoản binh chế trường trận. Yếu tố nhân dân tham chiến

trực tiếp đã làm cho tất cả các cách đánh trong thế trận phòng ngự ấy đều
thấm đậm tinh thần tích cực tiến công và đánh giặc rộng khắp.
Chiến tranh toàn dân bảo vệ đất nước thời Hậu Lê là cuộc khởi nghĩa vũ
trang toàn dân giành lại độc lập dân tộc, nhân dân và lực lượng vũ trang phối
hợp trên nhiều lĩnh vực khá toàn diện, tính chất dĩ dân và tính chất vi dân bộc
lộ rõ ràng hơn và được kết hợp khá sâu sắc. Về nghệ thuật dựng binh, quan
điểm dĩ dân thể hiện trước hết ở tư tưởng chủ đạo chở thuyền và lật thuyền
đều là dân do Nguyễn Trãi đề xướng. Trên thực tế, toàn bộ sự nghiệp Lam
Sơn đã dựa vào dân để phát động khởi nghĩa và nêu cao đại nghĩa, từ nhân
dân mà xây dựng, phát triển lực lượng. Khi còn yếu thế, nghĩa quân luôn
được nhân dân nuôi dưỡng, đùm bọc, chở che. Khi đã lớn mạnh, đủ sức đánh
chiếm các thành, các vùng thì nhân dân hết lòng ủng hộ, nô nức đóng góp sức
người, sức của và làm hậu thuẫn tinh thần to lớn. Lực lượng khởi nghĩa lớn
mạnh đến mức cho phép bộ chỉ huy kháng chiến có thể “sĩ tốt kén người hùng
hổ, bề tôi chọn kẻ vuốt nanh”, “đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai
trận tan tác chim muông”. Sở dĩ có thể thực hiện được điều đó là nhờ chính
sách vi dân nhất quán của Lê Lợi – Nguyễn Trãi, với tư tưởng chủ đạo “việc
nhân nghĩa cốt ở an dân”. Trên thực tế, nghĩa quân ở thời kỳ gây dựng lực
lượng đã thực hiện tốt vai trò một “đội quân công tác”, sẻ chia gánh nặng và
cùng dân lo xây dựng hậu phương, căn cứ địa kháng chiến; khi đánh chiếm
kho lương của giặc đều chia cho dân để bồi dưỡng sức dân. Chính sách bình
công ban thưởng cả nước, miễn thuế cho dân sau chiến thắng, nhất là kế sách
“ngoại giao mềm” để dân yên ổn làm ăn… đều thể hiện tinh thần vi dân sâu
sắc.
Về nghệ thuật tiến hành chiến tranh và phát triển cách đánh của chiến tranh
giải phóng, tính chất toàn dân được thể hiện rất đậm nét. Nghệ thuật mở đầu
chiến tranh là vừa đánh, vừa gây dựng lực lượng, nên cách đánh du kích là
chủ yếu và theo đó, lực lượng vũ trang thực sự đóng vai trò nòng cốt cho một
cuộc chiến tranh đã manh nha dáng dấp của kháng chiến trường kỳ, toàn dân,
toàn diện. Chính vì dựa được vào dân, nên nghĩa quân không những vượt qua

thời kỳ nguy hiểm, mà còn chuyển hoá lực lượng, xây dựng hậu phương, căn
cứ địa kháng chiến vững mạnh, thực hiện được chủ trương vừa kháng chiến,
vừa kiến quốc. Đặc biệt, khi nghĩa quân đã đủ lực lượng và thời cơ tiến ra
Bắc vây thành Đông Quan – mục tiêu cuối cùng của cuộc kháng chiến – thì
đông đảo nhân dân trong kinh thành đã cùng nghĩa quân giăng “thiên la địa
võng”, thực hiện “mưu phạt tâm công”, các đội dân binh, thổ binh vừa ủng hộ
hết mình, vừa trực tiếp tự vũ trang cùng nghĩa quân diệt tan viện binh địch tại
Chi Lăng, buộc Vương Thông ở Đông Quan phải đầu hàng. Nghệ thuật kết
thúc chiến tranh theo hướng thực hiện chính sách ứng xử nhân văn với tù,
hàng binh và gây lại hoà hiếu với nhà Minh cũng chỉ thành công khi được sự
đồng tình, sẻ chia của nhân dân, nhất là nhân dân Thăng Long đã từng phải
chịu đựng gian khổ, hy sinh hàng chục năm ròng dưới ách đô hộ vô cùng tàn
bạo của quân Minh xâm lược.
Chiến tranh toàn dân bảo vệ đất nước thời Tây Sơn được phát triển từ cuộc
khởi nghĩa nông dân chống áp bức phong kiến thành cuộc chiến tranh toàn
dân bảo vệ Tổ quốc, trong đó lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Trong cuộc
chiến tranh này, tính chất của dân, do dân, vì dân bộc lộ khá rõ, song vẫn
chưa vượt ra khỏi ý thức hệ phong kiến do nông dân nắm ngọn cờ. Đây thực
sự đã là cuộc chiến tranh của dân, bởi người lãnh đạo là thủ lĩnh nông dân,
tôn chỉ là chống ách áp bức cường quyền để cải thiện đời sống nhân dân, lực
lượng khởi nghĩa chính là những nông dân mặc áo lính, là nhân dân nổi dậy
chống thù trong (dưới danh nghĩa phù Lê) và chống giặc ngoài (đánh tan các
đạo quân xâm lược Xiêm, Mãn Thanh). Đây cũng là cuộc chiến tranh do dân:
dân tự nguyện đóng góp cả sức người và sức của, dân hậu thuẫn, dân ủng hộ,
nuôi dưỡng, dân trực tiếp cầm vũ khí phối hợp với nghĩa quân đánh giặc trên
mọi mặt trận. Đặc biệt, cuộc chiến tranh vì dân được bộc lộ ở nhiều khía
cạnh: khi là cuộc khởi nghĩa nông dân thì nhằm mục đích lật ách áp bức
cường quyền Trịnh – Nguyễn, thống nhất đất nước, thống nhất dân tộc, xây
nên chế độ mới theo tôn chỉ cơi nới sức dân; khi đánh quân xâm lược Mãn
Thanh thì “đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng, đánh cho sử tri Nam

quốc sơn hà chi hữu chủ”, vì độc lập dân tộc và sự tồn vong của nền văn hiến
nước Việt; sau chiến thắng, chính sách giao hảo với nhà Thanh và ban hành
một số chính sách mới nhằm khuyến dân của vua Quang Trung cũng chính là
sự thể hiện chính sách vì dân.
Về nghệ thuật tiến hành chiến tranh và nghệ thuật quân sự, cuộc chiến tranh
toàn dân trong thời kỳ này cũng có những bước phát triển mới. Trước hết, để
có thể dựa vào lòng dân nhằm bình định Bắc Hà, Bắc Bình Vương Nguyễn
Huệ đã coi trọng cuộc chiến thu phục nhân tâm hơn là các đòn tiến công quân
sự. Bởi lẽ, mặc dù ý chí “phá Trịnh, phục Lê” lúc này đang cháy bỏng trong
nhân dân và các nhân sĩ Bắc Hà, nhưng sự nghi ngại về một thứ “giặc cỏ”
(chỉ quân Tây Sơn) từ phía Nam ra chưa thể ngay một lúc làm cho nhân dân
Bắc Hà hân hoan chào đón đội quân giải phóng. Lần tiến quân ra Bắc để đại
phá quân xâm lược Mãn Thanh lại khác, Nguyễn Huệ đã đủ uy tín để lên ngôi
Hoàng đế, đặt hiệu Quang Trung. Ngài vừa hành binh thần tốc, vừa phát triển
lực lượng như vũ bão nhờ nhân dân cả nước, nhất là nhân dân Bắc Hà, đã
hoàn toàn thuận theo và hết lòng ủng hộ. Đặc biệt, trận “rồng lửa Thăng
Long” do quân và dân sở tại phối hợp chặt chẽ với đại quân Tây Sơn đã mang
dáng dấp của nghệ thuật tác chiến chiến lược, kết hợp giữa tổng tiến công của
các binh đoàn chủ lực với nổi dậy rộng khắp của nhân dân, thực sự là cả
nước chung lòng, toàn dân đánh giặc.
Chiến tranh bảo vệ đất nước khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược có thể nói
là cuộc chiến tranh toàn dân “một nửa”, tức là chỉ thể hiện ở phía nhân dân
(có tiếng nói ủng hộ của một số nhân vật chủ chiến trong triều đình), còn hầu
hết triều đình đứng ngoài cuộc. Chính sự rời bỏ tư tưởng chiến tranh toàn
dân đã làm cho nhà Nguyễn từng bước thất bại ê chề, đầu hàng nhục nhã và
cuối cùng hoàn toàn sụp đổ. Cũng có những nhân vật trong phái “chủ chiến”
để lại tấm gương trung liệt như Vua Duy Tân, Vua Hàm Nghi, Tôn Thất
Thuyết, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu và những chí sĩ yêu nước khác,
song cái thế xuống dốc không phanh của phong kiến Việt Nam thời kỳ suy
tàn và tiêu vong, sự bị vượt qua về mặt hình thái kinh tế – xã hội và sự thối

nát về chính trị là tất yếu. Điển hình như trong cuộc tử thủ thành Hà Nội, cách
thức hoạt động quân sự hoàn toàn kém hiệu quả, vì thiếu chỗ dựa là nhân dân,
ỷ vào thành cao hào sâu để cố thủ nên bị động, không chịu nổi sức công phá
của đại bác quân thù. Về phía nhân dân, tính chất toàn dân bộc lộ rất rõ ngay
từ đầu, như việc tự lập các đội vũ trang chống Pháp, bảo vệ làng xã, phố
phường, tiến hành các hoạt động du kích gây rối quân Pháp, sẵn sàng đem lực
lượng hỗ trợ quan quân giữ thành… Nhiều nét mới về tổ chức lực lượng, tư
tưởng vận động cách mạng và kháng chiến xuất hiện, như dựa vào dân, giữ
hiểm địa để tiến tới đánh vào vùng Hà Nội (khởi nghĩa Yên Thế, khởi nghĩa
Bãi Sậy); lập kế hoạch phối hợp giữa đánh chiếm bằng lực lượng quân sự với
nổi dậy của dân (vụ Hà thành đầu độc, khởi nghĩa Yên Thế); thực hiện vận
động chiến đánh địch càn quét (hai trận Cầu Giấy)… Nhưng trong tình thế
phải “vượt cạn” do thiếu sự lãnh đạo tập trung và đường lối cứu nước đúng
đắn, nên các phong trào toàn dân đánh giặc này không đủ sức đi đến chiến
thắng cuối cùng. Một số trào lưu khác chủ trương ám sát cá nhân, đầu độc,
manh động, bạo động non…, do không dựa được vào dân, nên cuối cùng
cũng thất bại.
Chiến tranh toàn dân bảo vệ và giải phóng đất nước trong Cách mạng Tháng
Tám và kháng chiến chống Pháp là cuộc chiến tranh toàn dân đã có sự phát
triển nhảy vọt về chất, trở thành chiến tranh nhân dân giải phóng với đầy đủ
các yếu tố của dân, do dân, vì dân theo quan điểm cách mạng tiến bộ, phù hợp
với xu thế thời đại. Trong các triều đại phong kiến, kể cả triều đại phong kiến
tiến bộ nhất, điểm xuất phát hình thành chiến tranh toàn dân vẫn trước hết là
lợi ích của giai cấp lãnh đạo, rồi mới tìm đến sức mạnh của nhân dân. Song,
trong công cuộc giành và giữ độc lập dân tộc do Đảng lãnh đạo, chính nhu
cầu, nguyện vọng và ý chí của dân về giải phóng, về độc lập dân tộc đã tìm ra
người lãnh đạo là giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản Việt Nam để hình
thành đường lối cứu nước mới. Chiến tranh nhân dân Việt Nam là bước phát
triển tiếp theo của chiến tranh toàn dân trước đây, song chỉ với ý nghĩa “dĩ
dân”, nó cũng đã có bước nhảy vọt về chất: cũng là toàn dân tham gia nhưng

tham gia tự giác, có tổ chức, lãnh đạo theo một đường lối chính trị đúng đắn,
tiên tiến; nhân dân tham gia toàn diện, liên tục từ đầu đến cuối cuộc chiến
tranh… Hơn nữa, chiến tranh nhân dân vượt hẳn chiến tranh toàn dân thời
phong kiến ở mục tiêu chiến tranh là không chỉ giành và giữ độc lập dân tộc –
lợi ích trừu tượng, mà còn gắn độc lập dân tộc với “người cày có ruộng”, trực
tiếp đem lại lợi ích căn bản, hữu hình, lâu dài cho mọi tầng lớp nhân dân. Giai
cấp lãnh đạo không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của sự nghiệp cứu nước,
giải phóng dân tộc khỏi ách xâm lược, đồng thời giải phóng nhân dân lao động
khỏi mọi xiềng xích áp bức, bóc lột - điều mà các triều đại phong kiến không
thể làm nổi, dù là triều đại tiến bộ nhất. Nói cách khác, nếu chiến tranh toàn
dân trước đây nhấn mạnh “do dân” thì chiến tranh nhân dân trong thời đại mới
là tổng thể hữu cơ giữa “của dân”, “do dân” với “vì dân” - điểm khởi đầu và
điểm kết thúc đều là DÂN.
Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cũng như cuộc đấu tranh của nhân
dân và lực lượng vũ trang bảo vệ nền độc lập non trẻ trước hết là sự nghiệp
của nhân dân. Giành chính quyền tại Hà Nội và ở tất cả các địa phương khác
đều là cuộc nổi dậy đồng loạt của quần chúng nhân dân nhằm tạo khí thế áp
đảo, còn lực lượng vũ trang đóng vai trò sẵn sàng ứng chiến ngầm và trên
thực tế, chưa có xung đột vũ trang đẫm máu. Nhìn nhận về cuộc Tổng khởi
nghĩa vũ trang giành chính quyền, có thể thấy, nó nằm trong hình thái tổng
thể của việc “tận dụng chiến tranh đế quốc để giành thắng lợi cho cách mạng
vô sản”, nhất là từ khi phát xít Nhật hất cẳng Pháp tại Đông Dương, thì ở một
khía cạnh nhất định, sự kiện này đã lôi cuốn Việt Nam vào vòng xoáy của
Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo đó, chiến tranh nhân dân Việt Nam đã bắt
đầu hình thành và tiếp đó, đã thể hiện đầy đủ hình hài khi Hà Nội nổ súng mở
đầu phong trào toàn quốc kháng chiến. Cũng theo đó, chiến tranh nhân dân
Việt Nam trong thời đại mới chính là sự kế thừa và phát triển đến đỉnh cao
những tinh tuý của chiến tranh toàn dân cứu nước và giữ nước trong lịch sử
dân tộc. Với phương pháp loại suy – lôgíc thì chính “chiến tranh nhân dân
Thủ đô” được mở rộng thành “chiến tranh nhân dân giải phóng” trên phạm vi

toàn quốc kháng chiến, cũng như “chiến tranh nhân dân thành phố” do được
vận dụng vào điều kiện tác chiến ở các thành phố khác của đất nước trong
thời điểm lịch sử ấy và tiếp tục sau này. Vì thế, nói đến phạm trù cặp ba
“chiến tranh nhân dân” – “chiến tranh nhân dân thành phố” – “chiến tranh
nhân dân Thủ đô” là nói đến sự tích hợp giá trị từ trong ra, chứ không phải sự
ứng dụng chiến tranh nhân dân từ ngoài vào.
Điều đó thể hiện nổi bật ở 60 ngày đêm “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”
của quân và dân Thủ đô - điều mà trước đó, khi Nam Bộ kháng chiến, chiến
tranh nhân dân Việt Nam vẫn chưa đủ hình hài rõ nét. Giữ chính quyền bằng
hoạt động vũ trang là nét nổi trội, song yếu tố quyết định thắng lợi của 60
ngày đêm ấy chính là sự hậu thuẫn và trực tiếp góp sức người, sức của cực kỳ
to lớn của nhân dân. Thế trận được lập bằng các chiến luỹ đường phố, vật cản
tại chỗ, nhưng có sự liên thông cao độ do nhân dân Thủ đô tự nguyện đục nhà
thông nhà nọ sang nhà kia, phố nọ sang phố kia. Các lực lượng vũ trang có
thể đánh địch rộng khắp, đánh bất cứ nơi nào quân Pháp đặt chân đến chính là
nhờ dựa được vào thế trận lòng dân. Cùng với các chiến sĩ Trung đoàn Thăng
Long, Trung đoàn Thủ đô, Tự vệ Hoàng Diệu, Tự vệ thành Hoàng Diệu, công
an xung phong và các Đội cảm tử còn có nhiều thanh niên Hà Nội (trừ những
người không đủ khả năng chiến đấu vũ trang) đều được vũ trang tham gia
chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Cách đánh cũng là của nhân dân, mang tính
toàn dân tham gia, quân với dân cùng đánh, điển hình như trận đánh tại chợ
Đồng Xuân. Người dân được vũ trang bằng mọi loại công cụ có thể dùng làm
vũ khí để phối hợp tham gia mọi hình thức tác chiến: tập kích hoả lực, đánh
chốt chặn, đánh tập kích, đánh vận động, đánh cảm tử (bằng bom ba càng),
đánh vào mục tiêu quan trọng, thực hiện nội thành và ngoại thành cùng
đánh… Trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ của cả nước, các lực lượng vũ
trang ta cũng chỉ hoạt động hiệu quả trong vòng tay che chở, đùm bọc của
nhân dân.
Chiến tranh toàn dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là cuộc
chiến tranh toàn dân có sự phát triển cao về chất trong điều kiện mới – chiến

tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc ở miền Bắc và chiến tranh nhân dân giải
phóng ở miền Nam. Đến thời kỳ này, phạm trù “chiến tranh nhân dân” đã
định hình rõ nét, phát huy tác dụng to lớn. Đặc biệt, nếu trong kháng chiến
chống Pháp, Hà Nội khởi đầu cho chiến tranh nhân dân giải phóng thì trong
kháng chiến chống Mỹ, Hà Nội lại khởi đầu chiến tranh nhân dân thuộc loại
hình chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đó là loại hình chiến tranh
nhân dân diễn ra trong điều kiện ta đã có chủ quyền quốc gia, có thành quả
cách mạng cần bảo vệ. Bảo vệ Tổ quốc gắn liền với bảo vệ tính mạng, tài sản,
cuộc sống lao động hoà bình của nhân dân; bảo vệ Thủ đô gắn liền với bảo vệ
trái tim thiêng liêng của cả nước, bảo vệ niềm tự hào của dân tộc, bảo vệ
lương tri và phẩm giá con người… Nhân dân cả nước không chỉ đóng góp sức
người, sức của cho hoạt động chiến đấu của các lực lượng vũ trang, mà còn
trực tiếp tham gia chiến tranh. Ở miền Bắc, đó là những hoạt động phòng thủ
dân sự, phục vụ chiến đấu và vũ trang chiến đấu, tạo lưới lửa phòng không
nhân dân nhiều tầng và rộng khắp. Ở miền Nam, đó là sự đối mặt trực tiếp với
Mỹ – nguỵ của mọi tầng lớp nhân dân, từ các cụ già, em nhỏ đến những đội
quân tóc dài, những đội biệt động thành; trên tất cả các địa bàn rừng núi,
thành thị, nông thôn; bằng tất cả các hình thức đấu tranh sáng tạo và đòn
quyết định là cuộc tiến công thần tốc của các binh đoàn chủ lực kết hợp với
nổi dậy của toàn dân.
Về nghệ thuật quân sự, ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa là thế trận phòng không
nhân dân được xây dựng nhiều tầng và rộng khắp, có phương án hiệp đồng và
bảo đảm chu đáo chuẩn bị kỹ cả thế phòng tránh (phòng không nhân dân) và
thế đánh trả (các trận địa); phân công các binh chủng hoả lực hợp với sở
trường và tính năng vũ khí; kết hợp vừa chiến đấu, vừa duy trì sản xuất, vừa
bảo đảm chi viện cho chiến trường… Ở miền Nam, đó là thế trận toàn dân
đánh giặc, “kết hợp hai chân, ba mũi, ba vùng”, nối thông giữa vùng tự do,
căn cứ địa và vùng địch hậu. Lực lượng trong chiến tranh nhân dân thời kỳ
này là lực lượng toàn dân và lực lượng vũ trang ba thứ quân. Cách đánh của
chiến tranh nhân dân cũng được phát triển cực kỳ đa dạng và sáng tạo. Trong

chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc ở miền Bắc, đó là cách đánh chặn bảo
vệ từ xa; đánh tiêu diệt lớn; đánh tập trung vào hướng chủ yếu, tầm hoạt động
trên không chủ yếu của địch; vạch nhiễu tìm thù; đánh ba điểm, đánh gần;
đánh đồng loạt nhiều tầng, đánh tập kích, cơ động phục kích, nguỵ trang nghi
binh lừa địch… Trong chiến tranh nhân dân giải phóng đất nước ở miền Nam,
đó là cách đánh du kích kết hợp với cách đánh chiến dịch tiêu diệt lớn; các
cuộc tập kích, phục kích chống địch càn quét; kết hợp giữa tổng tiến công và
nổi dậy. Nhân dân không chỉ là lực lượng ủng hộ, mà thực sự đã trở thành chủ
thể mấu chốt của chiến tranh nhân dân ở cả hai miền đất nước.
<="" td="">


×