Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

Nghiên cứu triết học: " TẠO SỰ HÀI HÒA VỀ LỢI ÍCH GIỮA CÔNG NHÂN VÀ DOANH NHÂN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY " ppsx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (287.49 KB, 10 trang )








Luận văn

NGHIÊN CỨU TRIẾT HỌC: " TẠO
SỰ HÀI HÒA VỀ LỢI ÍCH GIỮA
CÔNG NHÂN VÀ DOANH NHÂN Ở
VIỆT NAM HIỆN NAY "
TẠO SỰ HÀI HÒA VỀ LỢI ÍCH GIỮA CÔNG NHÂN VÀ DOANH NHÂN
Ở VIỆT NAM HIỆN NAY


VŨ TIẾN DŨNG (*)
Bài viết đề cập đến một vấn đề mang tính thời sự và đang là mối quan tâm
của người lao động – vấn đề xử lý mối quan hệ lợi ích giữa công nhân và
doanh nhân ở Việt Nam hiện nay. Theo tác giả, vấn đề này đang được giải
quyết theo hướng tích cực. Bài viết cũng luận chứng một số giải pháp cần
thiết nhằm góp phần cải thiện và tạo ra sự hài hoà trong quan hệ lợi ích giữa
công nhân và doanh nhân.
Hiện nay, ở nước ta, lực lượng sản xuất còn ở trình độ phát triển chưa cao và
không đồng đều giữa các ngành, vùng, thậm chí giữa các đơn vị trong cùng
một ngành hay một vùng; theo đó, quan hệ sản xuất của nước ta cũng được
cấu trúc phức tạp, tồn tại nhiều thành phần kinh tế cũng như hình thức sở hữu.
Mỗi thành phần kinh tế đều được xác định trên cơ sở hình thức sở hữu chi
phối và do một giai cấp hoặc tầng lớp xã hội đại diện cho nó. Sự phát triển
của kinh tế nhiều thành phần tất yếu dẫn tới sự phân tầng xã hội hay phân hóa


giai cấp. Khi đã có sự phân hóa giai tầng thì tất yếu, sẽ tồn tại cả sự thống
nhất lẫn mâu thuẫn giai cấp. Tiêu biểu cho mối quan hệ vừa thống nhất, vừa
mâu thuẫn trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng
là quan hệ giữa giai cấp công nhân và tầng lớp doanh nhân ở nước ta hiện
nay. Đây cũng là vấn đề phức tạp, đang được tranh luận khá sôi nổi ở một số
diễn đàn khoa học trong nước. Có quan điểm đã cho rằng, việc chuyển sang
nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, trong đó có thành phần kinh tế tư bản
tư nhân cũng như kinh tế tư bản nhà nước, tất yếu sẽ dẫn tới việc khôi phục
tình trạng bóc lột người lao động trong xã hội ta. Cần hiểu thực chất vấn đề
này như thế nào?
Việt Nam đang phát triển "theo hướng chủ nghĩa xã hội" (lời Chủ tịch Hồ Chí
Minh), vì lẽ đó, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định, chúng ta không đi theo
con đường phát triển tư bản chủ nghĩa; mặt khác, nước ta chưa phải là một
nước đã xây dựng xong chủ nghĩa xã hội - chế độ xã hội mà hiện tượng người
bóc lột người về cơ bản được xóa bỏ. Trong bối cảnh đó, tất yếu tồn tại hiện
tượng thuê lao động và lao động làm thuê (hiện tượng mua bán sức lao động).
Đây là một trong những cơ sở dẫn đến sự bóc lột sức lao động. Tuy nhiên,
nếu khẳng định rằng, tất cả những người làm kinh tế tư bản tư nhân là người
bóc lột sức lao động, hay doanh nhân là những người bóc lột sức lao động của
công nhân, thì chưa hoàn toàn chính xác.
C.Mác đã nhận xét, về nguyên tắc, "mỗi người sản xuất phải nhận được đầy
đủ giá trị lao động của sản phẩm của mình"(1), nhưng "nơi nào mà một bộ
phận xã hội chiếm độc quyền về những tư liệu sản xuất thì nơi đó người lao
động, tự do hay không tự do, đều buộc phải thêm vào thời gian lao động cần
thiết để nuôi sống bản thân mình một số thời gian lao động dôi ra dùng để sản
xuất những tư liệu sinh hoạt cho người chiếm hữu tư liệu sản xuất"(2).
Ph.Ăngghen bổ sung thêm rằng, "dù dưới bất kỳ chế độ xã hội nào có thể
hình dung được thì người công nhân cũng không thể nhận được giá trị đầy đủ
giá trị sản phẩm của mình để tiêu dùng". Bởi vì, xã hội nào muốn tồn tại và
phát triển cũng cần phải "thiết lập quỹ vốn dự trữ xã hội và quỹ tích lũy, và vì

vậy lúc đó người công nhân này, nghĩa là mọi thành viên của xã hội, sẽ - thật
vậy - chiếm hữu và sử dụng tất cả sản phẩm của mình, nhưng mỗi người riêng
lẻ sẽ không sử dụng "toàn bộ số thu nhập lao động" của mình"(3).
Chúng ta cũng cần phải thừa nhận rằng, một trong những mục đích cốt lõi của
hoạt động sản xuất kinh doanh là lãi suất (lợi nhuận) - đó cũng là cơ sở cho sự
tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp cũng như doanh nhân trong mọi
nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường. Mặt khác, doanh nhân còn là
những người đầu tư tiền của, công sức, trí tuệ của mình vào quá trình sản xuất
kinh doanh. Mặc dù họ chỉ là lực lượng gián tiếp tạo ra sản phẩm, nhưng việc
khấu hao tài sản cố định cũng như sự sinh lời (lợi nhuận đương nhiên) của số
tiền đầu tư vào sản xuất kinh doanh ban đầu (nếu như doanh nhân không đầu
tư vào sản xuất kinh doanh mà mang tiền đi gửi tiết kiệm), là một trong
những căn nguyên dẫn đến việc họ phải khấu trừ một phần giá trị thặng dư
hay giá trị sản phẩm do công nhân sản xuất ra để bù đắp (tạo lợi nhuận đương
nhiên). Ở đây, chúng ta còn chưa tính đến công sức trí tuệ mà doanh nhân bỏ
ra trong suốt quá trình tạo ra sản phẩm. Bên cạnh đó, việc trích lại một phần
giá trị thặng dư còn nhằm mục đích tái sản xuất và điều này, xét cho cùng,
cũng là cơ sở để duy trì việc làm – nguồn tạo thu nhập cho người lao động.
Rõ ràng, công nhân không thể tạo ra giá trị thặng dư nếu trong quá trình lao
động sản xuất thiếu sự tác động (quản lý, lãnh đạo) của doanh nhân.
Như vậy, đứng ở góc độ xem xét này, chúng ta có thể chấp nhận hiện tượng
doanh nhân khấu trừ một phần giá trị thặng dư do người công nhân sản xuất
ra ở mức độ hợp lý (nếu việc khấu trừ đó nhằm mục đích phục vụ cho lợi ích
không chỉ của bản thân doanh nhân, mà còn phục vụ cho lợi ích của xã hội).
Điều đó có nghĩa là, tuy còn tồn tại hiện tượng bóc lột sức lao động trong cơ
sở sản xuất kinh doanh ở một mức độ nhất định khiến người lao động chưa tỏ
ra "bức xúc", song hiệu quả của việc "khấu trừ" đó lại được chuyển vào
những hoạt động vì cộng đồng xã hội. Ở đây, xét cho cùng, doanh nhân là đối
tượng trung gian đưa một phần hiệu quả lao động sản xuất kinh doanh của
người lao động vào việc phục vụ xã hội.

Trong thời gian gần đây, để góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện
đại hóa đất nước và thực hiện thắng lợi mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã
hội công bằng, dân chủ, văn minh", nhiều doanh nhân đã và đang phải "lao
tâm khổ tứ" góp tâm huyết, trí tuệ giải quyết những vấn đề bức thiết của quốc
gia: tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động, xóa bỏ các hủ tục cũng
như tệ nạn xã hội, giới thiệu và quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra cộng
đồng quốc tế Những tấm gương doanh nhân "Tâm - Tài", "Nhà quản lý
giỏi", "Doanh nhân tiêu biểu" cùng những tấm bằng khen của Đảng, Nhà
nước, các hiệp hội, tổ chức kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, đặc biệt là sự
xuất hiện một bộ phận không nhỏ doanh nhân chủ động đứng ra đảm nhiệm
một số công việc đáng khích lệ trong xã hội, như phụng dưỡng các bà mẹ
Việt Nam anh hùng, nuôi dạy những trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi không
nơi nương tựa, phát triển những biện pháp nhằm cải thiện môi trường, ủng hộ,
góp phần xây dựng các Hội người cao tuổi, tu bổ các trường học, lập các quỹ
khuyến học,… đã khẳng định vị trí, vai trò to lớn của đội ngũ doanh nhân
trong xã hội ta nói chung, trong mối quan hệ với người lao động nói riêng.
Những danh hiệu cao quý trên sẽ không đến tay những nhà doanh nghiệp đã
và đang có những hành vi hay biểu hiện tiêu cực trong mối quan hệ với người
lao động (như bóc lột sức lao động, ngược đãi người lao động hoặc không
quan tâm và giải quyết những nhu cầu chính đáng của người lao động ).
Như vậy, trong giai đoạn hiện nay ở nước ta, sự hài hoà trong mối quan hệ
công nhân - doanh nhân đang được thiết lập và từng bước đi vào ổn định.
Mặc dù đâu đây còn tồn tại một số bất đồng trong quan hệ lợi ích kinh tế của
hai đối tượng này, nhưng dẫu sao đó cũng chỉ là một trong những vấn đề tồn
tại tất yếu của bất kỳ nền kinh tế nào đang trong giai đoạn xây dựng và phát
triển nền kinh tế thị trường nhiều thành phần với bộ máy quản lý hành chính
nhà nước chưa hoàn thiện.
Nhằm góp phần vào việc cải thiện, tạo sự hài hoà trong quan hệ lợi ích giữa hai
tầng lớp xã hội - doanh nhân và công nhân, cần thực hiện đồng bộ các giải
pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện môi trường sản xuất kinh doanh
cũng như tạo thêm nhiều chính sách thuận lợi và ưu đãi nhằm kích thích sự
đầu tư của các doanh nhân, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước, giúp họ
có thể thu được lợi nhuận một cách thích đáng. Trong điều kiện hiện nay, vấn
đề không phải là tìm cách thủ tiêu hoặc hạn chế việc sản xuất ra giá trị thặng
dư, mà là phải khuyến khích, đẩy mạnh sản xuất để làm gia tăng thêm giá trị
thặng dư trên cơ sở phân phối một cách thỏa đáng nguồn giá trị này nhằm
từng bước thực hiện công bằng xã hội. Hình thức bóc lột nào cản trở sự phát
triển của lực lượng sản xuất thì phải xoá bỏ, hình thức nào còn thúc đẩy sự
phát triển lực lượng sản xuất thì phải duy trì. Nhà nước phải đảm bảo quyền
sở hữu và lợi ích hợp pháp của các nhà tư bản, khuyến khích họ đẩy mạnh sản
xuất kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Điều đó cũng hoàn toàn
phù hợp với quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Kinh tế ta sẽ phát triển
theo hướng chủ nghĩa xã hội chứ không theo hướng chủ nghĩa tư bản". Trong
nền kinh tế nhiều thành phần, có thành phần kinh tế tư bản, mà “nhà tư bản
thì không khỏi bóc lột. Nhưng Chính phủ ngăn cấm họ bóc lột công nhân quá
tay. Chính phủ phải bảo vệ quyền lợi của công nhân. Đồng thời, vì lợi ích lâu
dài, anh chị em thợ cũng để cho chủ được số lợi hợp lý, không yêu cầu quá
mức. Chủ và thợ đều tự giác tự động, tăng gia sản xuất lợi cả đôi bên"(4).
Thứ hai, chấp nhận để kinh tế tư nhân phát triển không có nghĩa là các doanh
nhân có thể mặc sức tự do bóc lột sức lao động dưới mọi hình thức. Số liệu
thống kê gần đây cho thấy, "chỉ có 38% người lao động trong các doanh
nghiệp tư nhân, liên doanh, 100% vốn đầu tư nước ngoài được ký hợp đồng
lao động. Vẫn còn trên 6,5% người lao động phải làm trên 10 giờ/ngày, 7
ngày/tuần, nhiều doanh nghiệp bắt người lao động làm thêm 500 - 600
giờ/năm, gấp 2 - 3 lần quy định. Nhiều doanh nghiệp xây dựng thang lương
đến 37 - 40 bậc, mỗi bậc cách nhau 10.000đ"(5). Trước thực tế đáng báo động
này, Đảng, Nhà nước và các Hiệp hội doanh nghiệp cùng quần chúng nhân
dân cần tăng cường kiểm tra, giám sát để đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực trên.
Chúng ta cần thực hiện xã hội hóa, tăng cường các hình thức tín dụng, vay

vốn trong nhân dân, hoặc cần có những quy định và giám sát chặt chẽ về thời
gian lao động, chế độ phân phối cho người lao động trong những môi trường,
thời điểm cụ thể
Thứ ba, việc xác định có hay không có hiện tượng bóc lột sức lao động trong
một cơ sở sản xuất kinh doanh có thể căn cứ vào tỷ lệ tiền công và lợi nhuận
của cơ sở đó. Cần nghiên cứu một cách tổng thể để đặt ra những tiêu chuẩn
của một cơ sở sản xuất kinh doanh không có biểu hiện bóc lột sức lao động
(cần lưu ý rằng, lợi nhuận của nhà doanh nghiệp và tiền công của người lao
động thường vận động ngược chiều nhau). Nhà nước cùng các hiệp hội doanh
nghiệp cần nghiên cứu để xây dựng thêm những chính sách nhằm tác động
hợp lý hơn vào quá trình phân chia lợi nhuận trong các cơ sở sản xuất kinh
doanh, làm cho việc phân phối không quá thiên về các doanh nhân; đồng thời,
cần có những biện pháp thiết thực nhằm bảo đảm lợi ích thỏa đáng của người
lao động. Cần tạo mối quan hệ hài hòa giữa Nhà nước - nhà doanh nghiệp -
người lao động theo phương châm "chủ thợ đều lợi", "công tư đều lợi". Sự
công bằng xã hội trong quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế cũng như
trong các cơ sở sản xuất kinh doanh hiện nay ở nước ta sẽ là một trong những
động lực chủ yếu đưa nền kinh tế Việt Nam sớm đạt được những mục tiêu
mang tính nhân văn của mình.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác biểu dương dưới nhiều hình thức những doanh
nhân có thành tích cao trong sản xuất kinh doanh dựa trên một hệ tiêu chí cụ
thể; trong đó, tiêu chí hàng đầu là doanh nhân được biểu dương phải thiết lập
được quan hệ hài hòa về lợi ích kinh tế với người lao động nói riêng và với xã
hội nói chung. Hệ tiêu chí đánh giá một doanh nhân tiêu biểu phải ngày càng
được nâng cao và có tính toàn diện, nghĩa là cùng với tiêu chí sản xuất kinh
doanh giỏi, doanh nhân tiêu biểu còn phải là người có trách nhiệm xã hội cao.
Chính phủ hay các Hiệp hội doanh nghiệp cần lập ra một ban thanh tra độc
lập với nhiệm vụ chủ yếu là nghiên cứu, lấy phiếu điều tra trực tiếp từ người
lao động trong những cơ sở sản xuất kinh doanh đánh giá về các doanh nhân
trên cơ sở những tiêu chí cụ thể (thái độ làm việc, cung cách ứng xử, mức độ

phân chia lợi nhuận, thời gian lao động, cường độ lao động, sự quan tâm tới
đời sống của người lao động ). Động thái này vừa có tác dụng nâng cao ý
thức đạo đức, thái độ làm việc, sự phân chia lợi nhuận của doanh nhân, vừa
góp phần phát huy những quyền lợi hợp pháp và vốn có của người lao động.
Đảng ta cũng đã từng nhấn mạnh rằng, cần phải “thực hiện Chiến lược quốc
gia về phát triển doanh nghiệp. Xây dựng một hệ thống doanh nghiệp Việt
Nam nhiều về số lượng, có sức cạnh tranh cao, có thương hiệu uy tín, trong
đó chủ lực là một số tập đoàn kinh tế lớn dựa trên hình thức cổ phần. Nhà
nước định hướng, tạo môi trường để phát triển có hiệu quả các doanh nghiệp
theo cơ chế thị trường; bồi dưỡng, đào tạo và tôn vinh các doanh nhân có tài,
có đức và thành đạt”(6).
Thứ năm, để từng bước thực hiện công bằng xã hội nói chung, sự hài hoà
trong quan hệ lợi ích giữa công nhân với doanh nhân nói riêng, Nhà nước
phải có chiến lược điều tiết thu nhập hợp lý, sự điều tiết này không chỉ hướng
vào việc phân phối kết quả sản xuất, mà còn phải hướng vào việc tạo thêm
điều kiện cải thiện thu nhập và đời sống cho những nhóm người có thu nhập
thấp, chẳng hạn như việc tạo thêm cơ chế để người nghèo hay người có thu
nhập thấp được sở hữu hay sử dụng những yếu tố sản xuất (tài sản sinh lời),
như cổ phần, ruộng đất, công nghệ… Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có
chính sách điều tiết vĩ mô quan hệ cung - cầu và giá cả thị trường để đảm bảo
tiền công của công nhân là tiền công thực tế chứ không phải là tiền công danh
nghĩa (tiền công đuổi theo sự gia tăng của giá cả thị trường). Có thể dùng
những công cụ điều tiết thu nhập, như thuế thu nhập doanh nhân, thuế sử
dụng đất, thuế tài sản… Tuy nhiên, vấn đề còn là ở chỗ, các chính sách, công
cụ đó phải vừa bảo vệ được lợi ích của người lao động, vừa không làm triệt tiêu
hoặc suy giảm động lực đầu tư và đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh của
người sử dụng lao động - doanh nhân. Đây là một trong những công việc quan
trọng, cần có sự tính toán rất tỷ mỉ và linh hoạt của các cơ quan chức năng nếu
muốn tạo sự hài hoà về lợi ích trong quan hệ giữa công nhân và doanh nhân.
Tóm lại, với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất ở nước ta hiện nay, các

quan hệ sản xuất phi xã hội chủ nghĩa không những không kìm hãm mà còn
góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất. Giữa công
nhân và doanh nhân có sự thống nhất trong quan hệ lợi ích (thống nhất trong
mâu thuẫn). Doanh nhân, dù tham gia làm kinh tế tư nhân hay kinh tế nhà
nước, thì đều có lợi nhuận bền vững. Lợi ích của giai cấp công nhân, của dân
tộc, của chủ nghĩa xã hội cũng có trong đó. Không thể không thấy rằng,
những người làm kinh tế tư bản tư nhân là những người có điều kiện để bóc
lột sức lao động. Tuy nhiên, phải nhìn vào điều kiện thực tế hiện nay ở nước
ta để có sự đánh giá đúng mức và khách quan vị trí, vai trò của một lớp người
đang hình thành và phát triển mạnh mẽ trong nền kinh tế nhiều thành phần –
các doanh nhân. Vị trí và vai trò ngày càng quan trọng của họ trong đời sống
kinh tế cũng như trong kết cấu xã hội - giai cấp ở nước ta trong những năm
gần đây là không thể phủ nhận. Cần khẳng định thêm rằng, sự hài hoà về mặt
lợi ích giữa công nhân - doanh nhân và xã hội ở nước ta hiện đang được thiết
lập và cải thiện khá nhanh chóng. Những hạn chế trong quá trình phát triển
của đội ngũ doanh nhân - một tầng lớp xã hội non trẻ ở nước ta là không tránh
khỏi. Tuy nhiên, những hạn chế đó hoàn toàn có thể được khắc phục trong
tiến trình phát triển tất yếu khách quan của tầng lớp xã hội này cùng với sự
hoàn thiện về chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như quy định của các
tổ chức, các Hiệp hội doanh nghiệp và sự góp sức của mọi tầng lớp nhân dân
ở nước ta./.

(*) Thạc sĩ triết học, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
(1) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.24. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội,
1994, tr.28.
(2) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.23, tr.347.
(3) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.21, tr.283.
(4) Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.7. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.
248, 222.
(5) Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 11 tháng 9 năm 2007.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X.
Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.84.



×