Tải bản đầy đủ (.pdf) (11 trang)

Đề tài:" VỀ VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN NỀN KINH TẾ NHIỀU THÀNH PHẦN Ở NƯỚC TA HIỆN NAY " pps

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (593.12 KB, 11 trang )




Nghiên cứu triết học

Đề tài:" VỀ VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN NỀN KINH
TẾ NHIỀU THÀNH PHẦN Ở NƯỚC TA HIỆN
NAY "
VỀ VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN NỀN KINH TẾ NHIỀU THÀNH PHẦN Ở
NƯỚC TA HIỆN NAY

NGUYỄN ĐỨC LUẬN
(*)

Trong bài viết này, tác giả đã luận giải một số vấn đề cơ bản liên quan đến
sự phát triển của nền kinh tế nhiều thành phần. Đó là, thứ nhất, nền kinh tế
nhiều thành phần ở nước ta hiện nay là kết quả do sự nhận thức và vận
dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, thể hiện tư duy mới của Đảng về chủ
nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, thứ hai, khẳng định có
những thành phần kinh tế đã thể hiện tốt vai trò của mình, song cũng có
thành phần kinh tế còn nhiều yếu kém, bất cập. Theo tác giả, bên cạnh việc
phát triển mạnh mẽ kinh tế nhà nước, chúng ta cần tập trung phát triển
thành phần kinh tế tư bản nhà nước.

Tại Đại hội lần thứ VI (năm 1986), Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới toàn
diện đất nước, trong đó lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm với nội dung cơ
bản là phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ
nghĩa. Từ đó đến nay, đất nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc,
thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội và luôn đạt mức tăng trưởng
cao. Những thành tựu đó khẳng định tính đúng đắn của đường lối đổi mới
nói chung và chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần nói riêng.


Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, chúng ta cũng cần phải nhận thức
rõ những tiêu cực do nền kinh tế nhiều thành phần gây ra, đặc biệt là nguy
cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong quan niệm của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác – Lênin, sự tồn tại
của nhiều thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là
một tất yếu lịch sử. Trong Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản,
Ph.Ăngghen đã chỉ ra rằng, sau khi giai cấp công nhân giành được chính
quyền thì không thể thủ tiêu chế độ tư hữu ngay lập tức được mà phải cải
tạo nó dần dần. Đến Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và
Ph.Ăngghen chỉ rõ, sau khi giành được thắng lợi chính trị, giai cấp vô sản
sẽ dùng sự thống trị chính trị của mình để từng bước đoạt lấy toàn bộ tư
bản trong tay giai cấp tư sản.
Thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô vào đầu những năm 20 của
thế kỷ XX càng khẳng định tính đúng đắn của việc sử dụng và cải tạo dần
dần đối với những thành phần kinh tế của xã hội cũ mà C.Mác và
Ph.Ăngghen đã vạch ra. Nhận thấy chính sách cộng sản thời chiến không
còn thích hợp trong điều kiện đất nước đã hoà bình, V.I.Lênin đã dũng cảm
thừa nhận: “Chúng ta đã thất bại trong cái ý định dùng phương pháp “xung
phong”, nghĩa là dùng con đường ngắn nhất, nhanh nhất, trực tiếp nhất để
thực hiện việc sản xuất và phân phối theo nguyên tắc xã hội chủ nghĩa”(1).
Từ đó, V.I.Lênin khẳng định cần phải thay thế chính sách cộng sản thời
chiến bằng chính sách kinh tế mới (NEP). Một trong những nội dung cơ
bản của NEP là lý luận về nền kinh tế nhiều thành phần. V.I.Lênin viết:
“Không còn nghi ngờ gì nữa, ở một nước trong đó những người sản xuất
tiểu nông chiếm tuyệt đại đa số dân cư, chỉ có thể thực hiện cách mạng xã
hội chủ nghĩa bằng một loạt những biện pháp quá độ đặc biệt, hoàn toàn
không cần thiết ở những nước tư bản phát triển”(2). Một trong các biện
pháp quá độ đặc biệt mà V.I.Lênin nói ở đây chính là việc sử dụng và phát
triển nền kinh tế nhiều thành phần. Điều đó được V.I.Lênin giải thích rõ
như sau: “Vậy thì danh từ quá độ có nghĩa là gì? Vận dụng vào kinh tế, có

phải nó có nghĩa là trong chế độ hiện nay có những thành phần, những bộ
phận, những mảnh của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội không? Bất cứ
ai cũng đều thừa nhận là có”(3).
Cơ sở của sự tồn tại nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên
chủ nghĩa xã hội, xét đến cùng, là do quy luật quan hệ sản xuất phải phù
hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất quy định. Trong thời kỳ
quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là ở các nước tiểu nông, do trình độ
phát triển của lực lượng sản xuất còn nhiều hạn chế và không đồng đều nên
tất yếu còn tồn tại nhiều loại hình sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; hơn
nữa, một số thành phần kinh tế của phương thức sản xuất cũ còn có tác
dụng tích cực nhất định đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Điều
đó cho thấy, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin đã giải thích rất
rõ tại sao phải phát triển nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ
lên chủ nghĩa xã hội.
Nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta hiện nay là sản phẩm của quá
trình Đảng và nhân dân ta nhận thức, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác -
Lênin, thể hiện tư duy mới của chúng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường
đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trước đổi mới, trong nhận thức cũng như trong hành động, chúng ta chưa
thực sự thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần còn tồn tại ở nước ta trong
một thời gian tương đối dài. Việc cải tạo các thành phần kinh tế phi xã hội
chủ nghĩa được thực hiện theo kiểu chiến dịch, gò ép, không căn cứ vào
trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Những sai lầm này tất yếu dẫn
đến tình trạng khủng hoảng kinh tế – xã hội nghiêm trọng vào cuối những
năm 70 - đầu những năm 80 của thế kỷ XX. Tình hình đó đòi hỏi Đảng ta
phải có những thay đổi lớn trong nhận thức và hành động, phải tìm ra con
đường, bước đi phù hợp để tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Tại Đại hội VI, khi đề ra đường lối đổi mới đất nước, Đảng ta chủ trương
đa dạng hoá các loại hình sở hữu, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần
theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là bước tiến quan trọng về tư duy lý

luận và nhận thức thực tiễn. Đảng không chỉ thừa nhận sự tồn tại như một
tất yếu của nền kinh tế nhiều thành phần trong suốt thời kỳ quá độ, mà còn
nhận thấy sự cần thiết phải có chính sách đúng đắn nhằm sử dụng và phát
triển các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân nhằm thực hiện
những mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Cùng với sự vận động của thực tiễn
và sự phát triển của nhận thức, lý luận về phát triển nền kinh tế nhiều thành
phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được Đảng Cộng sản Việt
Nam bổ sung, hoàn thiện qua các kỳ Đại hội VII, VIII, IX và X. Tại Đại
hội X (năm 2006), Đảng ta xác định cơ cấu nền kinh tế nước ta gồm năm
thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh
tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Điểm mới ở đây là
đã gộp kinh tế cá thể, tiểu chủ và tư bản tư nhân thành thành phần kinh tế
tư nhân, đồng thời khẳng định đảng viên được phép làm kinh tế tư nhân.
Văn kiện Đại hội X cũng khẳng định các thành phần kinh tế đều là bộ phận
cấu thành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước
ta, các thành phần kinh tế bình đẳng với nhau. Điều này có tác dụng tích
cực tạo sự yên tâm phát triển sản xuất kinh doanh của tất cả các doanh
nghiệp trong các thành phần kinh tế phi nhà nước.
Sự phát triển không đồng đều của lực lượng sản xuất, tính kế thừa trong
phát triển, cũng như đặc điểm cụ thể của đất nước trong thời kỳ quá độ đi
lên chủ nghĩa xã hội, v.v. quy định sự tồn tại đa dạng, đan xen của các hình
thức sở hữu và tương ứng với đó là sự tồn tại của nền kinh tế nhiều thành
phần ở nước ta hiện nay. Trong cơ cấu nền kinh tế đó, kinh tế nhà nước được
Đảng xác định là thành phần đóng vai trò chủ đạo, các thành phần kinh tế
khác góp phần quan trọng trong việc huy động mọi tiềm năng, nguồn lực
vào sản xuất, kinh doanh, phát triển lực lượng sản xuất.
Trong nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta hiện nay, có những thành
phần kinh tế đã thể hiện tốt vai trò của mình, song cũng có những thành
phần kinh tế còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém.
Về kinh tế nhà nước, thành phần kinh tế này lấy sở hữu công cộng về tư

liệu sản xuất là cơ sở kinh tế. Kinh tế nhà nước không chỉ bao gồm các
doanh nghiệp nhà nước, mà còn bao gồm các tài sản, công cụ kinh tế quan
trọng thuộc sở hữu nhà nước, v.v Văn kiện Đại hội X của Đảng xác định
rõ: “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, v.v Kinh tế nhà nước và kinh tế
tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc
dân”(4).
Trong những năm qua, tỷ trọng GDP của kinh tế nhà nước có xu hướng
giảm xuống. Trước thực trạng này, đã có nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế nhà
nước chỉ cần nắm lấy những yết hầu của nền kinh tế là đủ. Tuy nhiên, theo
chúng tôi, đó chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ, bởi nếu nắm được yết
hầu kinh tế mà các doanh nghiệp vẫn thua lỗ triền miên, tỷ trọng GDP quá
thấp thì sẽ không thể đem lại sức mạnh cho kinh tế nhà nước. Vì vậy, kinh
tế nhà nước chỉ có thể phát huy được vai trò chủ đạo của mình khi nó vừa
nắm được huyết mạch của nền kinh tế, vừa có năng suất lao động cao và
chiếm tỷ trọng lớn trong GDP. Vấn đề là ở chỗ, làm cách nào để các doanh
nghiệp nhà nước hoạt động có hiệu quả.
Cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể được coi là một thành phần kinh
tế của chủ nghĩa xã hội. Thành phần kinh tế này tồn tại và phát triển dựa
trên hình thức sở hữu tập thể và sở hữu của các thành viên. Sự phát triển
theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đòi hỏi phát triển mạnh mẽ và
vững chắc thành phần kinh tế này, bởi như V.I.Lênin đã nhấn mạnh, đó là
mô hình dễ tiếp thu nhất của những người nông dân để tiến lên sản xuất lớn
xã hội chủ nghĩa. Rút bài học kinh nghiệm sâu sắc từ phong trào tập thể
hoá trước đổi mới và thực tế những năm đổi mới vừa qua, Đảng và Nhà
nước ta rất quan tâm đến việc phát triển thành phần kinh tế này, chủ trương
xây dựng các hợp tác xã kiểu mới phù hợp với trình độ của lực lượng sản
xuất và nhu cầu của các chủ thể sản xuất.
Những năm qua, mặc dù được xác định là cùng với kinh tế nhà nước ngày
càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, song sự phát
triển của kinh tế tập thể còn nhiều hạn chế: hoạt động chưa có hiệu quả, cơ

sở vật chất - kỹ thuật còn lạc hậu, tỷ trọng GDP liên tục giảm. Do vậy, để
thực hiện mục tiêu mà Chính phủ đề ra là kinh tế tập thể chiếm 13,8% GDP
vào năm 2010 và quan trọng hơn, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền
tảng của nền kinh tế quốc dân, chúng ta cần có những biện pháp tích cực để
kinh tế tập thể phát triển từng bước, vững chắc.
Kinh tế tư nhân bao gồm cá thể, tiểu chủ và tư bản tư nhân. Nhìn chung,
sau hơn 20 năm đổi mới, kinh tế tư nhân đã có bước phát triển mạnh mẽ và
đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Trong những
năm gần đây, kinh tế dân doanh phát triển khá nhanh, hoạt động có hiệu
quả trên nhiều lĩnh vực, chiếm 45,7% GDP (trong đó kinh tế hợp tác đóng
góp 6,8%GDP). Như vậy, kinh tế tư nhân đạt 38,9% GDP, tương đương
với tỷ trọng GDP của kinh tế nhà nước(5).
Trong kinh tế tư nhân, kinh tế cá thể, tiểu chủ dựa trên hình thức tư hữu
nhỏ về tư liệu sản xuất, có vai trò quan trọng trong nhiều ngành nghề ở cả
thành thị và nông thôn, có khả năng huy động vốn và lao động. Đóng góp
của kinh tế cá thể, tiểu chủ trong lĩnh vực nông nghiệp khá lớn, tỷ trọng
GDP khá cao nhưng lại đang giảm liên tục. Sự giảm sút này không đáng lo
ngại, thậm chí là một dấu hiệu tích cực, phản ánh sự di chuyển khá mạnh
mẽ của nó vào các bộ phận, các thành phần kinh tế có trình độ cao hơn;
thực chất, là sự thu hẹp cách thức sản xuất nhỏ lẻ để tiến lên những hình
thức sản xuất tiến bộ hơn. Đây là một xu thế tất yếu, do sự phát triển của
nền kinh tế thị trường và quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đang diễn
ra một cách mạnh mẽ buộc những thành viên của kinh tế cá thể, tiểu chủ
phải thay đổi, di chuyển vào các bộ phận, các thành phần kinh tế khác để
bảo đảm lợi ích, do đó làm tăng sức cạnh tranh và cơ hội để phát triển khoa
học và công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất.
Đối với kinh tế tư bản tư nhân, đây là bộ phận kinh tế dựa trên hình thức sở
hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. Trong thời kỳ quá độ đi
lên chủ nghĩa xã hội, bộ phận kinh tế này đã đóng góp tích cực vào việc
phát triển lực lượng sản xuất, huy động vốn, tạo việc làm cho người lao

động, v.v
Từ khi Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty ra đời (21/12/1990),
các doanh nghiệp tư nhân đã thực sự đi vào hoạt động với đầy đủ tư cách
pháp nhân, kinh tế tư bản tư nhân đã có sự phát triển đáng kể, phát huy có
hiệu quả khả năng huy động vốn và tạo việc làm mới cho người lao động;
đóng góp của nó cũng ngày càng tăng. Tuy nhiên, do mới hình thành, nên
tỷ trọng cơ cấu GDP của nó chưa cao. Đối với thành phần kinh tế này,
Đảng ta chủ trương khuyến khích phát triển rộng rãi trong những ngành
nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm; tạo môi trường kinh
doanh thuận lợi về chính sách, pháp lý để nó phát triển trên những định
hướng ưu tiên của Nhà nước, v.v
Kinh tế tư bản nhà nước là thành phần kinh tế dựa trên hình thức sở hữu
hỗn hợp về vốn giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tư bản tư nhân trong và
ngoài nước dưới các hình thức hợp tác, liên doanh. Trong quan niệm của
V.I.Lênin, kinh tế tư bản nhà nước là hình thức kinh tế quá độ đặc biệt
quan trọng và cần thiết để đi lên chủ nghĩa xã hội. Ông coi nó là thứ chủ
nghĩa tư bản mà 2/3 là chủ nghĩa xã hội, là cái “không đáng sợ”, thậm chí
còn là “phòng chờ” để đi vào chủ nghĩa xã hội.
Tuy vậy, sự vận động hiện thực của thành phần kinh tế này ở nước ta đang
là một vấn đề cần phải bàn. Các cơ chế, chính sách, điều kiện ở Việt Nam
hiện nay chưa tạo ra sự thuận lợi cho thành phần kinh tế này phát triển.
Những năm đầu tiên khi chúng ta mới thực hiện đường lối mở cửa, có lẽ
các doanh nghiệp nước ngoài hy vọng vào việc khai thác những tiềm năng
của một thị trường còn rất mới mẻ, nên họ đã đầu tư rất lớn vào Việt Nam,
liên doanh, liên kết giữa kinh tế nhà nước với các doanh nghiệp nước ngoài
diễn ra mạnh mẽ, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ở mức cao. Tuy
nhiên, chỉ sau đó một thời gian, số vốn này giảm mạnh. Chính vì nguồn
vốn đầu tư giảm nên tỷ trọng GDP của thành phần kinh tế này cũng liên tục
giảm. Đầu tư nước ngoài là bộ phận phát triển nhất của kinh tế tư bản nhà
nước ở nước ta, nếu đầu tư nước ngoài giảm sút thì tất yếu sẽ làm cho

thành phần kinh tế này kém phát triển, thậm chí là không phát triển.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, trong thời gian tới, kinh tế tư bản nhà nước có
khả năng phát triển mạnh mẽ, bởi hiện nay, chúng ta đã gia nhập Tổ chức
Thương mại thế giới (WTO), Đảng và Nhà nước ta đang tìm mọi biện pháp
tích cực và hiệu quả để cải thiện môi trường đầu tư. Hơn nữa, hiện nay,
một số thành phần kinh tế khác đang phát triển rất mạnh mẽ, nên trong
tương lai không xa, nhu cầu liên doanh, liên kết sẽ tăng cao, từ đó sẽ làm
cho kinh tế tư bản nhà nước phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc
chuyển sang nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.
Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một thành phần kinh tế mới nảy sinh
trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Năm 1987, khi Luật
Đầu tư trực tiếp nước ngoài được ban hành thì kinh tế có vốn đầu tư nước
ngoài mới thực sự có bước phát triển nhanh chóng. Hiện nay, đã có hàng
ngàn công ty nước ngoài có dự án đầu tư ở Việt Nam. Tính từ năm 1988
đến năm 2003, nước ta đã thu hút được trên 40 tỷ USD đầu tư trực tiếp
nước ngoài và đã thực hiện được hơn 20 tỷ USD. Năm 2005, các doanh
nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp khoảng 15,9% GDP, năm 2007
khoảng 17%. Từ khi chúng ta gia nhập WTO, nguồn vốn đầu tư trực tiếp
nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam tăng đột biến, năm 2007 là hơn 20 tỷ
USD (tăng khoảng 70% so với năm 2006), sáu tháng đầu năm năm 2008 là
31,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, sự phát triển của thành phần kinh tế này đã và đang nảy sinh
một vấn đề - đó là sự lệ thuộc vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Giả định
rằng, vì lý do nào đó, chẳng hạn lạm phát, các nhà đầu tư nước ngoài đồng
loạt rút một số lượng lớn nguồn vốn đầu tư thì tình hình kinh tế – xã hội
Việt Nam sẽ thế nào? Hoặc là tỷ trọng GDP của thành phần kinh tế này
ngày càng lớn đến mức ngang bằng hoặc vượt kinh tế nhà nước thì liệu
kinh tế nhà nước có thể duy trì được vai trò chủ đạo của mình không? Nhà
nước có thể kiểm soát được thành phần kinh tế này hay không? Rõ ràng, sự
phát triển của thành phần kinh tế này đem lại những lợi ích kinh tế – xã hội

rất lớn, đồng thời cũng tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến
định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Theo chúng tôi, để tận dụng
được những đóng góp và hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực của nó
đối với nền kinh tế – xã hội nước ta, một mặt, chúng ta phải phát triển
mạnh mẽ kinh tế nhà nước để tạo nên sức mạnh thực sự của Nhà nước; mặt
khác, phải có biện pháp hướng thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước
ngoài vào kinh tế tư bản nhà nước.
Như vậy, cùng với quá trình tổng kết kinh nghiệm và phát triển sáng tạo lý
luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta đã
bước đầu tìm ra những biện pháp, bước đi mang tính quy luật của quá trình
đi lên chủ nghĩa xã hội. Một trong những biện pháp đó, xét về mặt kinh tế,
là phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Để nền kinh tế nhiều thành phần
phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, một mặt, chúng ta phải
tạo môi trường phát triển thuận lợi, đảm bảo tính độc lập, tự chủ của các
thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước phải thực sự đóng vai trò chủ
đạo; mặt khác, chúng ta phải tăng cường vai trò của Đảng và Nhà nước
trong lãnh đạo, quản lý kinh tế.r


(*)Thạc sĩ triết học, Khoa Mác – Lênin, Trường Đại học Lâm nghiệp Việt
Nam.
(1) V.I.Lênin. Toàn tập, t. 44. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr. 254.
(2)V.I.Lênin. Sđd., t. 43, tr. 68.
(3)V.I.Lênin. Sđd., t. 43, tr. 248.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
X. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 83.
(5) Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ X. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 146.



×