Tải bản đầy đủ (.pdf) (14 trang)

Đề tài triết học " MỐI QUAN HỆ TAM GIÁO TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ QUỐC GIA ĐỘC LẬP THỜI LÝ - TRẦN " pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (253.97 KB, 14 trang )







Đề tài triết học


MỐI QUAN HỆ TAM GIÁO TRONG SỰ
NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ
QUỐC GIA ĐỘC LẬP THỜI LÝ - TRẦN







MỐI QUAN HỆ TAM GIÁO TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO
VỆ QUỐC GIA ĐỘC LẬP THỜI LÝ - TRẦN


BÙI THANH PHƯƠNG*
Bài viết góp phần luận chứng một hiện tượng độc đáo, có một không hai trong
lịch sử của dân tộc, đó là mối quan hệ tam giáo trong sự nghiệp xây dựng và
bảo vệ quốc gia độc lập dưới thời Lý – Trần. Theo tác giả, cả Phật giáo, Nho
giáo và Đạo giáo đều được Nhà nước phong kiến sử dụng và khuyến khích phát
triển; tam giáo này không chỉ ảnh hưởng và tác động lẫn nhau, mà còn cạnh
tranh với nhau để giành vị trí hàng đầu.
Sau hơn một nghìn năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ, với chiến thắng Bạch


Đằng năm 938, nước ta đã bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc.
Từ năm 938 đến đầu thế kỷ XI là thời kỳ đất nước ta đạt được sự ổn định về
kinh tế, chính trị, văn hoá và thống nhất dân tộc - những tiền đề quan trọng tạo
nên sự phát triển rực rỡ trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, thể hiện sức
sống của dân tộc trong thời kỳ Lý - Trần.
Trong thời kỳ này, vấn đề phát triển kinh tế được nhà nước phong kiến đặc biệt
quan tâm, vì đó là cơ sở để ổn định tình hình chính trị - xã hội. Bằng các chính
sách khác nhau, nông nghiệp được đưa lên vị trí hàng đầu. Nông nghiệp phát
triển kéo theo sự phát triển của thủ công nghiệp, nhiều nghề của nước ta được
hình thành và phát triển, như đồ gốm, dệt gấm, kiến trúc Từ đó, hình thành
những trung tâm buôn bán lớn trong nước và ngoài nước, như Thăng Long, Vân
Đồn. Trong giai đoạn này, "có thể nói, bộ mặt kinh tế của nước Đại Việt đã phát
triển với một sinh lực dồi dào và đạt đến trình độ khá cao"(1).
Nhà nước trong thời kỳ này được tổ chức theo chế độ phong kiến trung ương tập
quyền và quản lý nhà nước đã có sự phát triển về chất. Nhà Lý rồi nhà Trần đều
ban bố các bộ luật. Thời kỳ này, tăng lữ quý tộc là một tầng lớp đông đảo và có
quyền lực đáng kể trong triều đình. Mặt khác, do yêu cầu của lịch sử, của thực
tiễn đòi hỏi phải có một đội ngũ trí thức liên tục được bổ sung từ những người
ngoài tông tộc để xây dựng chính quyền, tầng lớp nho sinh ngày càng có vai trò
quan trọng. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, đến năm 1267, những người văn học
bắt đầu giữ quyền bính từ đây. Như vậy, tới thời Trần đã có sự phân hoá trong
giai cấp thống trị: một bên là tôn thất nhà vua, tăng lữ có thế lực, có sản nghiệp,
có khuynh hướng ủng hộ Phật giáo; một bên là ngoại tộc đi lên bằng tài năng trí
tuệ. Nói cách khác, bắt đầu có mâu thuẫn trong hệ tư tưởng phong kiến giữa một
bên ủng hộ, đề cao Phật giáo và một bên đề cao Nho giáo.
Văn hoá tư tưởng Đại Việt thời kỳ này có điều kiện phát triển rực rỡ trong hoàn
cảnh một quốc gia độc lập. Phật giáo thời kỳ này hầu như trở thành quốc giáo,
có vai trò to lớn trong việc đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước và chống ngoại
xâm. Do đó, Phật giáo được nhà nước phong kiến đặc biệt quan tâm cả về cơ sở
vật chất lẫn giáo lý, đội ngũ sư sãi: có lần xây tới 950 ngôi chùa một lúc, nhiều

lần xuống chiếu viết kinh Tam Tạng, cho in lại các sách Phật giáo phổ biến
trong thiên hạ và cấp độ điệp cho nhân dân trong nước làm tăng(2). Chính nhờ
sự quan tâm lớn của nhà nước phong kiến nên các dòng Thiền vào Việt Nam lúc
này được dịp phát triển độc lập và mang bản sắc riêng của Việt Nam, đóng vai
trò quan trọng trong hệ tư tưởng của các triều đại, như phái Thảo Đường thời
Lý, phái Trúc Lâm thời Trần. Tuy nhiên, việc đề cao Phật giáo quá mức cũng
dẫn đến những hệ quả khôn lường: "Phật giáo tràn lan khắp nơi, bên cạnh cái tốt
cái hay, đã xuất hiện cái dở cái xấu"(3). Năm 1344 là năm mất mùa đói kém
nhưng nhiều người lại đi tu, thậm chí "số sư sãi ngang gần với số phu dịch"(4).
Những vấn đề trên đã ảnh hưởng đến sức sản xuất và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc
cũng như sự phát triển của xã hội. Bởi vậy, nhà nước phong kiến lúc đó đã buộc
phải đưa ra nhiều biện pháp hạn chế: sa thải các tăng đạo chưa đến năm mươi
tuổi, bắt phải hoàn tục v.v Ngoài những nguyên nhân chủ quan như trên,
nguyên nhân quan trọng nhất làm suy yếu Phật giáo là hệ thống giáo lý của Phật
giáo đã không đáp ứng được yêu cầu xây dựng nhà nước phong kiến trung ương
tập quyền ở nước ta thời kỳ đó.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo, nền giáo dục Nho học đã dần
dần đi vào nề nếp và phát triển, "có ý nghĩa rất to lớn đối với sinh hoạt văn hoá
và tư tưởng của nước Đại Việt"(5) sau này. Tại sao vậy? Vì Phật giáo là học
thuyết về giải thoát con người nhưng lại chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng
một nhà nước phong kiến tập quyền vững mạnh. Trong khi đó, Nho giáo với các
tư tưởng "trung quân”, “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" dường như đáp
ứng được yêu cầu này. Mặt khác, Nho giáo lúc bấy giờ ở phương Bắc tuy có
những hạn chế, nhưng đối với nước ta thì nó vẫn có ý nghĩa tích cực nhất định
trong việc xây dựng đạo đức, lối sống và sự phát triển văn hoá của người Việt.
Vì vậy, sau khi xây dựng Văn Miếu, năm 1075, triều đình phong kiến đã mở
khoa thi Minh Kinh bác học. Sang tới triều Trần, các khoa thi được mở 7 năm
một lần để chọn nhân tài.
Tình hình trên làm cho nền văn hoá Đại Việt có bước phát triển về chất so với
thời kỳ trước đó. Nếu như văn hóa, tư tưởng thời Lý còn chịu ảnh hưởng lớn

của Phật giáo cả về thể loại lẫn ngôn ngữ, trường hợp "Chiếu dời đô", "Nam
quốc sơn hà" chưa rộng khắp, thì sang thời Trần, văn hoá, tư tưởng đã phát triển
nở rộ cả về thể loại lẫn đề tài, v.v Sự ra đời của các tư liệu được viết bằng chữ
Nôm năm 1282 được coi là "cuộc cách mạng thực sự trong văn hoá và nhà nước
nói riêng"(6), nó chứng tỏ rằng chúng ta có quốc gia lãnh thổ độc lập, có văn
hoá và phong tục riêng. Việc phát triển Nho học một cách có ý thức của các
triều đại làm cho Nho giáo dần dần chiếm vị trí quan trọng trong xã hội. Nhưng
khi Nho giáo đã đủ mạnh và Phật giáo đã bộc lộ những nhược điểm thì Nho
giáo tiến hành phê phán Phật giáo để từng bước giành vị trí hệ tư tưởng chủ đạo.
Đạo giáo dưới thời kỳ này vẫn tiếp tục phát triển, song nó kết hợp chặt chẽ với
yếu tố Mật tông của Phật giáo, tín ngưỡng bản địa nên có cơ sở vững chắc trong
dân gian và triều đình. Mức độ chi phối của Đạo giáo về mặt tư tưởng là khá
hạn chế, chủ yếu ảnh hưởng đến tín ngưỡng và mê tín. Các vị vua thời kỳ này
nhiều lần lập đền, dựng đàn cầu đảo mưa, giải hạn… Đại thần Trần Nhật Duật
tỏ ra ưa thích và thông hiểu kinh điển Đạo giáo. Cuối thời Trần, Đạo giáo còn bị
lợi dụng để phục vụ cho mục đích chính trị. Hồ Quý Ly cho đạo sĩ vào cung ép
Thuận Tông phải nhường ngôi cho con và tự xưng là Thái thượng Nguyên Quân
Hoàng Đế. Theo Việt điện u linh, các chùa, đền thờ các danh nhân có công với
nước hoặc thờ các thần linh bản địa đều là nơi cầu mưa, cầu tài, cầu lộc. Nhìn
chung, xã hội Việt Nam khá phát triển trong thời kỳ Lý - Trần. Phật giáo, Nho
giáo và Đạo giáo đều được nhà nước phong kiến khuyến khích phát triển và sử
dụng. Có lẽ, đây là thời kỳ quân bình cả ba đạo. Trong điều kiện như vậy, các
đạo không chỉ ảnh hưởng lẫn nhau, vay mượn của nhau, mà còn cạnh tranh với
nhau để giành vị trí hàng đầu.
Chúng ta biết đến mối quan hệ tam giáo trong thời kỳ Bắc thuộc chủ yếu thông
qua những cuộc tranh luận giữa các nhà Nho và sư tăng nhằm khẳng định vai
trò chủ đạo của từng học thuyết. Phật giáo ở Giao Châu được người Việt lựa
chọn làm đối trọng với văn hoá của kẻ thống trị. Mặc dù vậy, đến thời kỳ giành
được độc lập, ở mức độ nhất định, Nho giáo vẫn có vai trò quan trọng. Trước
yêu cầu khách quan cần xây dựng một nhà nước phong kiến tập quyền, các triều

đại đã có chính sách mở rộng nhằm tiếp thu những yếu tố thích hợp của Nho
giáo, biến nó thành công cụ điều hành, quản lý nhà nước và bảo vệ đất nước.
Mặt khác, học thuyết của đạo Lão ở phương diện uyên áo, thần bí vẫn phát huy
tác dụng trong hoàn cảnh niềm tin của nhân dân ta vốn cởi mở do tín ngưỡng đa
thần truyền thống; vì vậy, nó trở thành yếu tố "phụ" trong các mục đích khác
nhau của nhà nước. Có thể nói, mối quan hệ tam giáo trong thời kỳ này được thể
hiện trên tất cả các lĩnh vực, góp phần làm nên bản sắc riêng của văn hoá Đại
Việt, nhất là trong công cuộc bảo vệ đất nước.
Sau khi đất nước giành được độc lập năm 938, một vấn đề quan trọng đặt ra là
cần phải có một chính quyền trung ương tập quyền vững mạnh. Đây là một yêu
cầu khách quan, một xu hướng tất yếu của lịch sử, bởi trong điều kiện cụ thể lúc
đó, chỉ có nhà nước tập quyền mới có khả năng thống nhất được quốc gia, lãnh
đạo việc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Thời kỳ này, Phật giáo vẫn chiếm ưu thế
và được nhà nước phong kiến đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, với thế giới quan,
nhân sinh quan yếm thế, Phật giáo tỏ ra không phù hợp với yêu cầu xây dựng
nhà nước phong kiến trung ương tập quyền. Chỉ trong vòng mấy chục năm đầu
thời kỳ độc lập, đã có tới ba triều đại liên tiếp thay đổi. Đương nhiên, điều này
không phải là do Phật giáo và Đạo giáo được chú trọng, còn Nho giáo thì
không. Vấn đề là ở chỗ, các triều đại lúng túng trước sự lựa chọn mô hình nhà
nước và kèm theo đó là hệ tư tưởng thích hợp với nó. Vì vậy, sang thời kỳ Lý -
Trần, việc vận dụng những tư tưởng của Nho giáo nhằm xây dựng và củng cố
chính quyền nhà nước là một yêu cầu quan trọng. "Ngay từ thời Lý, nhà vua đã
nhiều lần nhấn mạnh trong lời phát ngôn của mình về một khuôn mẫu lý tưởng
của nhà nước phong kiến. Khuôn mẫu đó là cái nhà nước “Tam đại”, “Thang
Võ”, “Đường Ngu Nghiêu Thuấn”"(7). Đào Cam Mộc coi việc lên ngôi của Lý
Công Uẩn là: " trên thuận lòng trời, dưới theo lòng dân". Chiếu dời đô của Lý
Công Uẩn nói lên ý nguyện " mưu chọn ở chính giữa làm kế cho con cháu
muôn đời"(8). Theo tư tưởng Nho giáo, chỉ có đóng đô ở trung tâm mới quản lý
được sự thống nhất của đất nước. Việc củng cố vương quyền của nhà vua cũng
được khẳng định, "vì ngôi chí tôn và quyền hạn tối thượng của nhà vua có ý

nghĩa quyết định sự hưng vong của một nhà nước phong kiến"(9). Bài thơ Thần
được cất lên trong cuộc kháng chiến chống Tống ở bến sông Như Nguyệt đã
khẳng định chủ quyền độc lập của đất nước:
"Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhất đẳng hành khan thủ bại hư"
(Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời)(10)
Sang tới thời Trần, mặc dù có tư tưởng độc lập và khẳng định "Nam Bắc không
phải noi nhau"(11), nhưng Hịch tướng sĩ vẫn lấy chính những điển tích của Nho
giáo để kích động tinh thần yêu nước. Các kỳ thi vẫn được tổ chức thường
xuyên nhằm tìm nhân tài cho đất nước. Nếu nhà Lý mở khoa thi đầu tiên vào
năm 1075 với nội dung là những kiến thức của tam giáo, thì nhà Trần tổ chức kỳ
thi đều đặn hơn, cứ 7 năm một kỳ. Những tư tưởng về trách nhiệm của nhà cầm
quyền đối với dân được thể hiện khá rõ, như "Trẫm là cha mẹ dân, nếu thấy dân
lầm than thì phải cứu ngay há nên so đo khó dễ, lợi hại"(12). Như vậy, đứng
trước yêu cầu xây dựng một nhà nước phong kiến trung ương tập quyền, tư
tưởng Nho giáo từng bước được vận dụng vào thực tiễn và đã phát huy tác dụng
tích cực.
Theo Thiền uyển tập anh, các nhà sư thời kỳ này đều giỏi chữ Hán. Nhiều vị sư
tinh thông cả ba giáo, như Hiện Quang, Vạn Hạnh; sư Viên Thông đỗ đầu kỳ thi
tam giáo, sư Trí Hiền đỗ tiến sĩ. Tiếp nối truyền thống yêu nước quật cường của
dân tộc, các quốc sư không thể không dùng tư tưởng của Nho, Lão vào công
cuộc chấn hưng đất nước và bảo vệ quốc gia độc lập. Như vậy, các nhà sư Việt
Nam đã phần nào thoát ra khỏi tư tưởng có tính chất xuất thế của Phật giáo Ấn
Độ để nhập thế. Nếu như Thiền Tông Trung Hoa có khuynh hướng nhập thế
được nêu trong Pháp Bảo Đàn Kinh rằng, "Phật pháp ở thế gian, không lìa thế

gian giác", thì các dòng thiền khi vào Việt Nam đã thể hiện tính nhập thế mãnh
liệt hơn, tích cực hơn do hoàn cảnh thực tiễn của đất nước đòi hỏi. Khi đánh giá
tinh thần nhập thế của các thiền sư thời Lý - Trần, các tác giả cuốn Lịch sử tư
tưởng triết học Việt Nam, tập 1, viết: "Có một sự gắn bó huyết thống, một sự
thâm nhập vào nhau hết sức chặt chẽ giữa thế lực cầm quyền và thế lực Phật
giáo… Không có thời nào mà sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tôn giáo lại được
sự tham gia rộng khắp, hăm hở tinh thần nhập thế đến như vậy của các thiền
sư"(13).
Thời kỳ này, nhiều nhà sư đã tham gia công việc của chính quyền; thậm chí họ
còn liên quan đến hưng và phế của cả một triều đại. Trước cuộc xâm lược lần
thứ nhất của nhà Tống, với tư cách "quốc quân của triều đình" Tiền Lê, nhà sư
Khuông Việt đã thay mặt nhà vua đến ngôi đền mà ông lập thờ người gặp trong
mộng là Tỳ Sa Môn để cầu xin thần phù hộ. Như vậy, yếu tố đạo giáo phù thuỷ
thần linh cũng được sử dụng như một yếu tố tinh thần để chống giặc ngoại xâm.
Sư Đa Bảo dùng tư tưởng "mệnh Trời" để nói với Lý Công Uẩn thuở còn hàn vi
rằng, mệnh Trời đã định như thế dù trốn tránh cũng không được. Sư Vạn Hạnh,
người có công lớn trong việc đưa thân vệ Lý Công Uẩn lên ngôi, đã được vua
Lý Nhân Tông truy tán: "chống gậy trấn kinh kỳ". Câu chuyện Lý Thần Tông
lên ngôi rất ly kỳ, đầy rẫy những yếu tố ma thuật, mê tín. Nhưng nếu tách bỏ
những yếu tố ma thuật huyền bí đó thì sư Từ Đạo Hạnh là người có công lớn
trong việc đưa Lý Thần Tông lên ngôi. Thực tế cho thấy, trong thời kỳ này,
nhiều nhà sư đã kết hợp tư tưởng Nho, Lão để góp phần vào sự nghiệp xây dựng
và củng cố chính quyền vững mạnh. Khi trả lời vua Lý Nhân Tông hỏi về kế
"hưng vong trị loạn", quốc sư Viên Thông đã khuyên vua phải "hành xử đức
hiếu sinh cho hợp lòng dân", có vậy thì thiên hạ mới được yên và nhà vua sẽ
được "dân kính yêu như cha mẹ, ngưỡng mộ như mặt trăng mặt trời"(14). "Đức
hiếu sinh" của Viên Thông là sự kết hợp tinh thần của tam giáo; trong đó, tư
tưởng đức trị của Nho giáo, nguyên tắc thuận theo tự nhiên của Lão giáo và tinh
thần cứu khổ cứu nạn của Phật giáo được thể hiện. Đề cập đến việc trị loạn, nhà
sư Viên Thông nhấn mạnh: "Trị hay loạn là ở dân, quan lại được lòng dân thì trị,

mà mất lòng dân thì loạn"(15). Lòng dân là cái gốc để duy trì sự tồn tại của triều
đình, duy trì trật tự xã hội. Có lẽ tư tưởng nhập thế đó của Nho giáo đã tồn tại phổ
biến trong thời kỳ này và có ảnh hưởng mạnh đến các thiền sư, làm cho tư tưởng
của họ được Nho giáo hoá do yêu cầu cấp bách, khách quan của đất nước và thời
đại.
Để duy trì sự tồn tại của triều đình cũng như nền độc lập của đất nước, sau này,
Trần Quốc Tuấn đã tiếp tục tinh thần của "quốc sư" Viên Thông và tổng kết
thành câu nói nổi tiếng: "Phải khoan sức dân để làm kế sâu bền gốc rễ, đó là
thượng sách để giữ nước"(16). Nhà sư Viên Thông còn dùng các khái niệm
"quân tử" và "tiểu nhân" của Nho giáo để nói về sự hưng vong của đất nước:
thần trải xem các bậc đế vương đời trước, chưa từng có triều đại nào không
dùng quân tử mà hưng thịnh, mà cũng không có triều đại nào không dùng tiểu
nhân mà suy vong. Ông nói tiếp: "Nguồn gốc dẫn đến điều đó không chỉ một
sớm một chiều mà có manh nha từ trước Bậc nhân quân chỉ trong một lúc
được hay mất thiên hạ, tất là do đức thiện ác đã tích tụ từ lâu". Như vậy, "đức
thiện ác" là nhân quả dẫn đến sự hưng vong của triều đình, nên các bậc vua
chúa, thánh vương phải "bắt chước trời không ngừng sửa mình, bắt chước đất
không ngừng tu đức để giữ yên dân". "Bắt chước Trời" là tuân theo đạo Trời, là
thuận theo lẽ tự nhiên. "Không ngừng tu đức" là "làm sáng đức sáng" mà Nho
gia kêu gọi: "Từ Thiên tử cho chí thường dân, ai cũng phải lấy tu thân làm gốc"
(Đại học). Chỉ có như vậy thì mới hợp lòng dân, trị được quốc và bình được
thiên hạ, nhưng biện pháp thực hiện phải hết sức thận trọng, như “đi trên băng
mỏng", "cầm cương mục"(17). Những tư tưởng trên đây tuy mang nội dung sâu
sắc của Nho giáo, nhưng đó lại là lời nói của bậc thiền sư nổi tiếng, quốc sư của
triều đình.
Lý Nhân Tông là một vị vua hâm mộ đạo Phật. Ông bày tỏ quan điểm của mình
trong cuộc đàm đạo với nhà sư Mãn Giác: "Các bậc chí nhân thị hiện tất phải
làm việc cứu giúp chúng sinh "thì phải toàn diện", các đức hạnh phải có đầy đủ,
"không hạnh nào không cần có đủ", phải luôn chăm lo đến mọi việc của dân
chúng, "không việc gì không phải chăm lo", "sức định tuệ" cũng chỉ là phương

tiện cứu giúp chúng sinh mà thôi nên "phải kính nhận nó""(18). Như vậy, có thể
nói, "đức hạnh" của Nho giáo được kết hợp với "sức định tuệ" để cứu giúp
chúng sinh. Sự kết hợp Nho, Phật ở đây thật là nhuần nhuyễn. Điều đó chứng tỏ
rằng, sức lan toả của Phật giáo tới giới trí thức ở Giao Châu lúc bấy giờ là rất
lớn.
Tăng phó Nguyễn Thường còn dùng chính điển tích trong Kinh Thi của Nho
giáo để can gián vua đừng có chơi bời quá độ. Ông nói: "Ta nghe bài tựa Kinh
Thi nói rằng: Âm thanh của nước loạn ai oán và bực tức, nay dân loạn, nước
nguy, chúa thượng chơi bời không điều độ hiểu biết về, chính sự của triều đình
thì rối loạn, lòng dân trái lìa, đó là triệu chứng bại vong"(19). Những lời nói trên
chứng tỏ sự am hiểu của nhà sư về Nho giáo hết sức uyên thâm. Lời khuyên của
quốc sư triều đình đối với vị vua đầu tiên của nhà Trần rất cụ thể và thấm đậm
màu sắc Nho giáo: "Phàm là người làm vua thì lấy tâm của thiên hạ làm tâm của
mình, lấy ý muốn thiên hạ làm ý muốn của mình"(20). Đó là tư tưởng "dĩ thiên
hạ chi dục vi dục dĩ thiên hạ chi tâm vi tâm" của Nho giáo được thiền sư phát
biểu. Phải chăng đây chính là lý do khiến "Phật giáo thời Lý - Trần mang một
tinh thần tiến bộ, vì nước, vì dân, quên thân phục vụ, hay cũng chính là tinh thần
vô ngã vị tha của nhà Phật"(21). Nhờ thấm nhuần tư tưởng đó, trước họa xâm
lăng của kẻ thù và nguy cơ mất nước, các nhà sư đã vượt lên trên giới luật của
Phật giáo để tham gia công cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, như sư Khuông
Việt, Vạn Hạnh. Không những vậy, các ông còn là những nhà tham mưu quân
sự kiệt xuất, có khả năng dự đoán thế thắng thua của kẻ thù. Với "tinh thần vô
ngã vị tha", khi luận về vận nước dài, ngắn, nhà sư Pháp Thuận đã đáp lại vua
Lê Đại Hành:
"Ngôi nước như mây cuốn
Trời Nam mở thái bình
Vô vi trên điện các
Chốn chốn tắt đao binh"(22).
Ở đây, khái niệm "vô vi" được vận dụng vào công cuộc trị nước. "Vô vi" chính
là chính sách trị nước của Lão Tử (vô vô vi, tắc vô bất trị), có nghĩa là để cho

dân thuận theo lẽ tự nhiên mà sống: "thánh nhân xử sự theo thái độ "vô vi" dùng
thuật không nói mà dạy dỗ, để cho vạn vật tự nhiên sinh trưởng mà không can
thiệp vào" (thị dĩ thánh nhân xử vô chi sự, hành bất ngôn chi giáo; vạn vật tác
yêu nhi bất từ, sinh nhi bất hữu)(23). Như vậy, theo quan điểm của nhà sư Pháp
Thuận, việc thi hành chính sách "vô vi" sẽ giúp dập tắt được nạn binh đao, giữ
được ngôi nước và "trời Nam mới mở cảnh thái bình". Với tình yêu quê hương,
đất nước, khi tìm được "kiểu đất Long Xà", nhà sư Không Lộ đã nói:
"Có khi xông thẳng lên đỉnh núi
Một tiếng kêu vang lạnh cả trời"(24).
Điều đó cho thấy, nhà sư đã muốn vượt ra khỏi yếu tố Mật tông của Phật giáo,
vượt ra khỏi phạm vi và khả năng của thân thể để tác động đến ngoại giới; thể
hiện tham vọng muốn có được khí lực quảng đại, phép thuật diệu kỳ. Nếu gạt bỏ
yếu tố phép thuật huyền bí, có thể thấy ở đó nghị lực, khí phách và khát vọng
của con người Việt Nam. Chúng ta thấy lời thơ của ông, ở mức độ nào đó, đã
vượt ra khỏi giáo lý và giới luật của đạo Phật.
Tựu trung lại, các nhà sư Việt Nam thời kỳ Lý - Trần đã vận dụng một cách
sáng tạo quan điểm của các học thuyết Nho, Phật, Lão, biến nó thành cái của
riêng mình để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tinh thần "Phật pháp ở thế gian,
không lìa thế gian giác" - một khuynh hướng nhập thế vốn có từ thiền Nam tông
Trung Quốc, đã được nhân lên nhiều lần trong tư tưởng của các thiền sư Việt
Nam thời Lý - Trần. Các nhà sư sẵn sàng cởi áo cà sa, mặc áo chiến lúc Tổ quốc
lâm nguy; khi đất nước hòa bình, họ lại trở về với cuộc sống tôn giáo, nhưng
không bao giờ tách rời thế sự. Đó là nét đặc sắc của mối quan hệ tam giáo thời
Lý - Trần.r

(*) Thạc sĩ, Trưởng khoa Mác-Lênin, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
(1) Nguyễn Tài Thư (chủ biên). Lịch sử tư tưởng Việt Nam, t.1. Nxb Khoa học
Xã hội, Hà Nội, 1993, tr.153.
(2) Xem: Ngô Sĩ Liên. Đại Việt sử ký toàn thư, t.1. Nxb Khoa học xã hội, Hà
Nội, 1972, tr.209, 199, 197.

(3) Nguyễn Hùng Hậu. Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam. Nxb
Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr.29.
(4) Thơ văn Lý - Trần, t.1. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr.526.
(5) Nguyễn Tài Thư (chủ biên). Lịch sử tư tưởng Việt Nam. Sđd., t.1. tr.155.
(6) Nguyễn Hùng Hậu. Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam. Sđd.,
tr.31.
(7) Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý - Trần. Nxb Khoa học xã hội, Hà
Nội,1981, tr.579.
(8) Ngô Sĩ Liên. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd., t.1, tr.186, 190.
(9) Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý - Trần. Sđd., tr.580.
(10) Thơ văn Lý - Trần. Sđd., t.1, tr.321.
(11) Ngô Sĩ Liên. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd., t.2, tr.161.
(12) Ngô Sĩ Liên. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd., t.2. tr.134.
(13) Nguyễn Trọng Chuẩn (chủ biên). Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam (Từ
đầu Công nguyên đến thời Trần - Hồ), t.1. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006,
tr.122.
(14) Phân viện Nghiên cứu Phật học. Thiền uyển tập anh (Ngô Đức Thọ,
Nguyễn Thuý Nga dịch và chú giải). Nxb Văn học, Hà Nội, 1990, tr.192, 240.
(15) Phân viện Nghiên cứu Phật học. Thiền uyển tập anh. Sđd., tr.240.
(16) Ngô Sĩ Liên. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd., t.2. tr.89.
(17) Phân viện Nghiên cứu Phật học. Thiền uyển tập anh. Sđd., tr.240.
(18) Phân viện Nghiên cứu Phật học. Thiền uyển tập anh. Sđd., tr.43.
(19) Ngô Sĩ Liên. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd., t.1, tr.299.
(20) Thơ văn Lý - Trần. Sđd., t.2. tr.114.
(21) Nguyễn Hùng Hậu. Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam. Sđd.,
tr.34.
(22) Phân viện Nghiên cứu Phật học. Thiền uyển tập anh. Sđd., tr.181.
(23) Nguyễn Hiến Lê. Lão Tử. Nxb Văn hoá, Hà Nội, tr.165-166.
(24) Phân viện Nghiên cứu Phật học. Thiền uyển tập anh. Sđd., tr.106.



×