Đề tài triết học
QUAN ĐIỂM CỦA V.I. LÊNIN
VỀ VAI TRÒ CỦA NÔNG DÂN
TRONG CÁCH MẠNG XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA
QUAN ĐIỂM CỦA V.I. LÊNIN VỀ VAI TRÒ CỦA NÔNG DÂN TRONG
CÁCH MẠNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
TÔ MẠNH CƯỜNG (*)
Bài viết phân tích quan điểm của V.I.Lênin về một số đặc điểm và vai trò quan
trọng của nông dân trong cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước Nga Xô viết. Từ
đó, khẳng định giai cấp công nhân cần thiết phải liên minh với giai cấp nông
dân, coi đó là một trong những yếu tố bảo đảm sự thành công của cách mạng xã
hội chủ nghĩa. Theo tác giả, ở Việt Nam, việc nhận thức và giải quyết đúng đắn
vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn là điều kiện quan trọng để thúc đẩy
sự phát triển của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong quá trình lãnh đạo nhân dân Nga đấu tranh giành chính quyền, làm nên
Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại và xây dựng chế độ xã hội mới ở nước Nga
Xô viết, V.I.Lênin luôn đánh giá cao vai trò của nông dân và coi liên minh với
lực lượng này là một điều kiện quan trọng để giai cấp vô sản Nga thực hiện
thắng lợi cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đánh giá đúng vai trò của nông dân trong
cách mạng xã hội chủ nghĩa cùng những chủ trương táo bạo, đúng đắn bắt đầu từ
nông nghiệp, nông dân chính là một trong những nguyên nhân đem đến những
thành công bước đầu của chính sách kinh tế mới (NEP) do V.I.Lênin khởi
xướng. Trong các tác phẩm của mình, V.I.Lênin đã dành hàng nghìn trang để
bàn về vấn đề nông nghiệp, nông dân. Đó thực sự là một di sản quý báu cho các
thế hệ cách mạng đời sau tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi để kế thừa và phát triển.
1. Quan niệm của V.I.Lênin về những đặc điểm cơ bản của nông dân Nga
đầu thế kỷ XX
Thứ nhất, nông dân vừa là những người lao động, vừa là những người tư hữu
nhỏ. Mặc dù khác nhau về trình độ, địa vị kinh tế và lợi ích, nhưng giữa họ có
một điểm chung là đều sinh sống bằng cách làm thuê cho các giai cấp bóc lột ở
nông thôn hoặc là tồn tại bằng chính lao động của bản thân mình với những điều
kiện sẵn có về tư liệu sản xuất chứ không sống bằng việc bóc lột lao động của
người khác. Lao động đó có thể đủ đáp ứng nuôi sống gia đình và nhu cầu sản
xuất của họ; thậm chí, với trung nông thì lao động đó có thể tạo ra sản phẩm dư
thừa để tích luỹ. “Giai cấp đó, một mặt là người tư hữu, mặt khác lại là người
lao động. Nó không bóc lột những người lao động khác”(1).
Khi khẳng định nông dân là những người sống bằng lao động của chính mình,
không bóc lột người khác, V.I.Lênin đồng thời nhấn mạnh họ là những người
sản xuất hàng hoá, như những người đầu cơ mà bản chất tư hữu của nông dân là
cơ sở kinh tế sâu xa của hành vi đầu cơ ấy. Theo ông, “nông dân là người đầu
cơ, vì anh ta bán lúa mì, một sản phẩm cần thiết mà khi người ta thiếu nó thì
người ta có thể đem toàn bộ tài sản ra để đổi”(2) và chính vì lẽ đó, họ được coi
là một giai cấp đặc biệt.
Thứ hai, nông dân không có hệ tư tưởng độc lập. Tư tưởng của họ luôn dao
động, đầy tính thực tế và phụ thuộc rất lớn vào hệ tư tưởng của giai cấp thống
trị. Nông dân chỉ sẵn sàng tin và đi theo giai cấp nào mang lại lợi ích cho họ.
Đây có thể được xem là một đặc điểm quan trọng của nông dân trong bất kỳ giai
đoạn nào. Với bản chất tư hữu và thái độ dao động, ngả nghiêng, người nông
dân không dễ dàng và ngay tức khắc tin theo và ủng hộ giai cấp vô sản được.
Người viết: “Nông dân sẽ không tin bất cứ một lời nói nào, bất cứ một cương
lĩnh nào… Nông dân chỉ tin vào hành động, vào kinh nghiệm thực tiễn”(3).
Khi phân tích diễn biến tâm lý của tầng lớp trung nông, một tầng lớp mà giai cấp
vô sản phải tranh thủ sự ủng hộ của họ trước và sau cách mạng, V.I.Lênin đã chỉ
rõ rằng, tầng lớp này thường nghiêng ngả giữa vô sản và bọn culắc. Một số ít
trung nông nhờ may mắn có thể trở thành culắc, bởi vậy họ nghiêng về phía
culắc, nhưng phần lớn thì không thể trở thành culắc được. Do vậy, nếu những
người xã hội chủ nghĩa và những người cộng sản biết cách tuyên truyền, giáo
dục nói điều hơn lẽ thiệt với trung nông, thì sẽ thuyết phục được họ, làm cho họ
thấy rằng chính quyền Xô viết có lợi cho họ hơn bất cứ chính quyền nào khác, vì
mọi chính quyền khác đều áp bức và bóc lột họ.
Chính vì đặc điểm đó của nông dân mà V.I.Lênin yêu cầu những người cộng
sản, bất luận thế nào, cũng không thể dùng bạo lực để ép nông dân đi theo mình,
mà phải cương quyết xây dựng mối quan hệ hoà thuận với họ.
Thứ ba, cùng với sự phát triển của cơ cấu kinh tế thì cơ cấu giai cấp nông dân
luôn có sự biến đổi mạnh mẽ.
Trước cách mạng xã hội chủ nghĩa, do sự tác động của cơ chế kinh tế hàng hoá
và nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, cơ cấu giai cấp nông dân Nga có sự biến đổi
mạnh mẽ. Một phần trong số họ gia nhập vào giai cấp bóc lột ở nông thôn, một
phần lớn trở thành những người lao động làm thuê. Điển hình trong đó là tầng
lớp trung nông. Tầng lớp này có thể do điều kiện vốn có của mình mà phát triển
trở thành những người bóc lột sức lao động của người khác, nhưng cũng có
không ít trung nông không chịu nổi sự cạnh tranh, bị phá sản và phải tham gia
vào đội quân lao động làm thuê. Cách mạng vô sản thành công đã xoá bỏ sự áp
bức, bóc lột giai cấp, xoá bỏ sự thống trị của bọn địa chủ đối với giai cấp nông
dân, nhưng cũng chính điều kiện đó lại giúp cho người nông dân thiết lập cơ sở để
trở thành tiểu chủ. V.I.Lênin viết: “Những điều kiện sinh hoạt kinh tế và chính trị
của họ đã không làm cho họ gần nhau, mà lại còn làm cho họ xa nhau, rời nhau,
biến họ thành hàng triệu người tiểu sở hữu riêng lẻ”(4) .
Chính vì lẽ đó mà giai cấp nông dân còn có cơ sở tồn tại lâu dài, cho dù cách
mạng vô sản đã thành công. Do vậy, V.I.Lênin cho rằng, nếu ai đó nghĩ tới việc
có thể nhanh chóng xoá bỏ được giai cấp nông dân trong một thời gian ngắn thì
người đó là những người viển vông, không tưởng.
Thứ tư, giai cấp nông dân tất yếu sẽ đi theo giai cấp vô sản, ủng hộ giai cấp vô
sản tiến hành thắng lợi cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Trong xã hội có áp bức, bóc lột, nông dân là giai cấp bị áp bức, bóc lột một cách
nặng nề, bị giam hãm và phải sống trong những điều kiện thấp kém. Vì vậy, để
thay đổi cuộc sống của mình, giai cấp nông dân chỉ có thể ủng hộ và đi theo con
đường cách mạng do giai cấp vô sản lãnh đạo nhằm xoá bỏ tầng lớp địa chủ và
giai cấp tư sản. V.I.Lênin khẳng định: “Do địa vị kinh tế của mình trong xã hội
tư sản, nông dân nhất định phải đi theo hoặc công nhân, hoặc giai cấp tư sản.
Không có con đường trung gian”(5). Một khi nông dân đã hoàn toàn tin tưởng
vào giai cấp vô sản thì họ sẽ hết lòng đi theo và phục vụ cho sứ mệnh lịch sử của
giai cấp vô sản và khi đó, cách mạng nhất định thành công. Điều đó đã được
vạch ra trong lý luận của C.Mác và được thực tiễn cách mạng vô sản Nga chứng
minh.
Như vậy, theo V.I.Lênin, nông dân là giai cấp được hình thành từ rất lâu trong
lịch sử. Họ là những người sinh sống và lao động ở nông thôn gắn với các tư
liệu sản xuất nhỏ lẻ, phân tán mà mình sở hữu. Trong các xã hội có áp bức, bóc
lột, cùng với giai cấp công nhân, giai cấp nông dân là những người bị áp bức,
bóc lột nặng nề nhất; do vậy, con đường giải phóng của nông dân chỉ có thể là đi
theo giai cấp vô sản tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa.
2. Quan điểm của V.I.Lênin về vai trò của nông dân Nga trong cách mạng
xã hội xã hội chủ nghĩa
Cách mạng xã hội chủ nghĩa, hiểu theo nghĩa rộng, là cuộc cách mạng bao gồm
hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn giai cấp công nhân cùng với các
giai cấp, tầng lớp nhân dân lao động khác đấu tranh giành chính quyền và giai
đoạn thứ hai là giai đoạn giai cấp công nhân sử dụng chính quyền đã giành được
và cùng với các tầng lớp nhân dân lao động khác thực hiện công cuộc xây dựng
chế độ xã hội mới. Tìm hiểu vai trò của giai cấp nông dân chính là tìm hiểu mối
quan hệ giữa nông dân với công nhân và ý nghĩa của quan hệ đó trong quá trình
hiện thực hoá các mục tiêu cách mạng của giai cấp công nhân.
Từ thực tiễn cách mạng thế giới, thực tiễn cách mạng dân chủ tư sản và công
cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga Xô viết. V.I.Lênin đã đề cập nhiều
đến vai trò của giai cấp nông dân và mối quan hệ giữa công nhân với nông dân
trong công cuộc cách mạng đó.
Một là, V.I.Lênin đã khẳng định vai trò quan trọng của giai cấp nông dân trong
đấu tranh giành chính quyền nhà nước.
Trong hoàn cảnh nước Nga cuối thế kỷ XIX đấu tranh chống chế độ Nga hoàng,
V.I.Lênin đã tập trung phân tích và khẳng định vai trò lãnh đạo không thể thay
thế của giai cấp vô sản. Tuy nhiên, ông cũng chỉ rõ một trong những điều kiện
để giai cấp công nhân giữ vững được vai trò lãnh đạo và hoàn thành sứ mệnh
lịch sử của mình là giai cấp công nhân phải được sự ủng hộ của nông dân. Chỉ
có sức mạnh của sự liên minh giai cấp giữa giai cấp công nhân và giai cấp nông
dân, giai cấp công nhân mới có cơ sở để thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh cách
mạng nhằm lật đổ giai cấp tư sản thống trị và các thế lực phản động khác, giành
lấy chính quyền về tay giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động.
Trong thời kỳ cách mạng dân chủ tư sản, mục tiêu chính đề ra là lật đổ chế độ
chuyên chế Nga hoàng, giành chính quyền về tay giai cấp công nhân. V.I.Lênin
nhận thức rõ các phong trào nông dân đấu tranh đòi dân chủ cũng có tác động
lớn tới phong trào đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội của công nhân, vì cuộc khởi
nghĩa của nông dân thành công, cuộc cách mạng dân chủ thắng lợi sẽ dọn đường
cho một cuộc đấu tranh thực sự và kiên quyết cho chủ nghĩa xã hội, trên cơ sở
chế độ cộng hoà dân chủ. Do đó, để giành thắng lợi triệt để cho cuộc cách mạng
đó và tiến nhanh sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, giai cấp công nhân
sẽ phải dốc toàn lực nhằm xây dựng khối liên minh công - nông, giúp đỡ toàn
thể giai cấp nông dân làm cách mạng dân chủ. Đó là mối quan hệ hữu cơ, gắn bó
một cách tự nhiên giữa hai giai cấp này. Mối quan hệ này được xây dựng trên
nền tảng vốn có là những lợi ích trước mắt và lâu dài cả về chính trị lẫn kinh tế
của giai cấp công nhân và giai cấp nông dân - một lực lượng đông đảo nhất
trong xã hội. Nhấn mạnh vai trò của giai cấp nông dân cũng như của liên minh
công nông trong cuộc cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới ở nước Nga,
V.I.Lênin đã khẳng định: “Chỉ có lập nên chuyên chính dân chủ - cách mạng của
giai cấp vô sản và nông dân thì cách mạng dân chủ mới có thể giành được thắng
lợi quyết định”(6).
Để giai cấp nông dân phát huy được vai trò của mình, giai cấp vô sản phải nhận
thấy và tranh thủ được sức mạnh tiềm tàng của nông dân, phải tin vào sức mạnh
đó và tạo mọi điều kiện để nông dân tham gia tích cực vào phong trào của mình,
tức là sử dụng chính sức mạnh của nông dân để giải phóng cho nông dân. Người
chỉ rõ: “Nông dân với tư cách là quần chúng, thì muốn tìm sự lãnh đạo của Đảng
cách mạng và cộng hòa… Nông dân thì có thể tiến hành cách mạng đến cùng
được, và chúng ta cần hết sức giúp cho họ làm được như thế”(7).
Hai là, V.I.Lênin khẳng định vai trò của giai cấp nông dân trong sự nghiệp xây
dựng xã hội mới
Cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi đã đánh dấu sự ra đời của một chế độ xã
hội mới, một kiểu nhà nước mới. Nước Nga Xô viết bước vào thời kỳ xây dựng
và bảo vệ chính quyền cách mạng với vô vàn khó khăn và thử thách. Thực tiễn
đó đòi hỏi V.I.Lênin cùng với Đảng Bônsêvích Nga phải tìm tòi, kiến thiết con
đường và sử dụng những biện pháp phù hợp với điều kiện mới. Trong sự nghiệp
đó, giai cấp nông dân tiếp tục đóng vai trò quan trọng và liên minh giữa công
nhân với nông dân là điều kiện quyết định để giai cấp công nhân hoàn thành sứ
mệnh lịch sử của mình.
Trước hết, liên minh với giai cấp nông dân là điều kiện để giai cấp vô sản có thể
nâng cao sức mạnh, bảo đảm giữ vững, củng cố và phát huy vai trò của chính
quyền cách mạng, từng bước xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Trong rất nhiều bài viết và các bài phát biểu của mình, V.I.Lênin luôn nhấn
mạnh điều kiện khác biệt của nước Nga là công nhân công nghiệp chiếm thiểu
số, còn tiểu nông chiếm tuyệt đại đa số. Đối với một nước như vậy thì cách
mạng xã hội chủ nghĩa chỉ có thể thắng lợi triệt để với hai điều kiện: “Điều kiện
thứ nhất là có sự ủng hộ kịp thời của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở một
nước hay một số nước tiên tiến… Điều kiện nữa là sự thỏa thuận giữa giai cấp
vô sản đang thực hiện sự chuyên chính của mình hoặc đang nắm chính quyền
nhà nước với đại đa số nông dân”(8). Ông cho rằng, chừng nào cách mạng vô
sản còn chưa nổ ra ở các nước khác, thì chỉ có thỏa thuận với nông dân mới có
thể cứu vãn được cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Nga.
Cách mạng thành công, chính quyền non trẻ mới ra đời đã gặp phải sự chống đối
quyết liệt của các lực lượng phản động trong và ngoài nước. Chính vì vậy, vấn
đề bảo vệ và củng cố chính quyền được đặt lên hàng đầu. Nhiệm vụ cách mạng
quan trọng của giai cấp công nhân lúc này, như V.I.Lênin đã chỉ rõ, là làm thế
nào để không những quét sạch giai cấp tư sản cũ, mà còn làm cho các nhà tư sản
mới không thể nảy ra được; làm thế nào cho chính quyền được củng cố một cách
vững chắc, hoàn toàn và tuyệt đối vì lợi ích của những người lao động, những
người sống bằng lao động của mình. Vấn đề là ở chỗ, giai cấp công nhân phải
làm thế nào để đạt được mục tiêu đó? Về điều này, như V.I.Lênin đã khẳng
định, “chỉ nhờ có sự ủng hộ hết sức thành thực của đa số nhân dân lao động,
chính quyền đó mới có thể đứng vững được”(9).
Ba là, nông dân cung cấp sản phẩm nông nghiệp để đảm bảo nhu cầu của xã hội,
nâng cao đời sống nhân dân, đồng thời góp phần khôi phục và phát triển nền đại
công nghiệp, tạo cơ sở vững chắc để giai cấp công nhân từng bước xây dựng và
phát triển nền kinh tế mới cũng như các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
Việc nông dân tích cực sản xuất nhằm cung cấp lương thực cũng như những sản
phẩm nông nghiệp khác sẽ giúp đưa nền kinh tế nước Nga ra khỏi sự khủng
hoảng do tình trạng thiếu lương thực xảy ra triền miên sau cách mạng. Theo
V.I.Lênin, Đảng phải thuyết phục để công nhân và nông dân thấy rằng, nếu
không có sự hợp lực mới, không có các hình thức đoàn kết mới trong nội bộ nhà
nước thì sẽ không thoát ra khỏi tình trạng phá sản về kinh tế.
Ý thức được tầm quan trọng của nông nghiệp và nông dân, đặc biệt là ở một
nước mà nông dân chiếm đại đa số dân cư, V.I.Lênin chỉ thị sau khi giai cấp
công nhân giành được chính quyền, các công xưởng, nhà máy và đường sắt đã
chuyển vào tay công nhân thì thực chất mối quan hệ kinh tế giữa giai cấp công
nhân và nông dân phải thể hiện ở việc công nhân sẽ sản xuất các sản phẩm cho
nông nghiệp và nông dân, vận chuyển về cho nông dân và đổi lấy các sản phẩm
nông sản thừa của nông dân.
Phân tích mối quan hệ giữa công nghiệp với nông nghiệp, V.I.Lênin đã chỉ ra cơ
sở thực sự và duy nhất để làm tăng các nguồn dự trữ, để xây dựng chủ nghĩa xã
hội chỉ có thể là đại công nghiệp; bởi lẽ, không có công xưởng lớn với quy mô
như chủ nghĩa tư bản đã tạo ra, không có một nền đại công nghiệp được tổ chức
cao, thì không thể nói đến chủ nghĩa xã hội nói chung, càng không thể nói đến
chủ nghĩa xã hội ở một nước nông nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, ông cũng chỉ rõ,
nếu không có dự trữ lương thực đầy đủ và thực sự đảm bảo thì nhà nước hoàn
toàn không thể tập trung chú ý để tiến hành có hệ thống công tác khôi phục đại
công nghiệp dù là trên một quy mô nhỏ bé. Ngay sau khi Cách mạng tháng
Mười Nga thành công, V.I.Lênin thẳng thắn chỉ ra rằng, những người cộng sản
phải tự coi là mắc nợ nông dân và phải trả “món nợ” đó bằng cách khôi phục
nền công nghiệp.
Trong tác phẩm Bàn về thuế lương thực, V.I.Lênin đã khẳng định dứt khoát
rằng, giai cấp công nhân phải tạo mọi điều kiện giúp nông dân cải thiện đời sống
của mình. Tư tưởng đúng đắn mang tầm chiến lược và đậm nét nhân văn đó xuất
phát từ việc ông ý thức sâu sắc được vai trò của giai cấp nông dân trong cách
mạng xã hội chủ nghĩa ở một nước mà nông dân chiếm đại đa số. V.I.Lênin
khẳng định: “Phải bắt đầu từ nông dân. Người nào không hiểu điều đó, người
nào có ý coi đưa vấn đề nông dân lên hàng đầu như thế là một sự “từ bỏ” hoặc
tương tự như sự từ bỏ chuyên chính vô sản, thì chẳng qua chỉ là vì người đó
không chịu suy nghĩ kỹ càng vấn đề đó và bị lời nói trống rỗng chi phối”(10).
Chuyên chính vô sản là sự lãnh đạo chính trị của giai cấp vô sản. Giai cấp vô sản
với tư cách giai cấp lãnh đạo trong cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa phải biết
hướng chính sách vào việc giải quyết trước tiên vấn đề cấp thiết nhất, “mấu chốt”
nhất. Vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là dùng những biện pháp có thể để phục hồi
ngay những lực lượng sản xuất của kinh tế nông dân. Chỉ có bằng con đường ấy
mới có thể cải thiện được đời sống của công nhân và nông dân, tăng cường được
liên minh công nông, củng cố được chuyên chính vô sản.
Trong diễn văn tại Đại hội ngành nông nghiệp tỉnh Mátxcơva tổ chức vào tháng
11 năm 1921, V.I.Lênin đã tiếp tục nhấn mạnh vấn đề phát triển nền kinh tế nói
chung, trước hết là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Như vậy, vấn đề nông
nghiệp, nông thôn và nông dân là vấn đề cơ bản và mấu chốt nhất trong giai
đoạn đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chỉ có sự tham gia của giai cấp nông dân
vào cách mạng xã hội chủ nghĩa mới có thể đảm bảo cho thắng lợi toàn diện và
triệt để của giai cấp công nhân.
Việt Nam là một nước nông nghiệp đang trong quá trình phát triển. Trong lịch
sử cũng như hiện tại, vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn luôn giữ vị trí
quan trọng. Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức rằng, trong công cuộc đổi
mới, xây dựng đất nước hiện nay, giải quyết tốt vấn đề nông dân, nông nghiệp,
nông thôn không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mà điều quan trọng
không kém là còn tạo sự ổn định chính trị - một trong những yếu tố mấu chốt
đảm bảo sự phát triển của đất nước. “Chỉ thị 100”, “Nghị quyết 10”, các chỉ thị,
nghị quyết của các đại hội và hội nghị Trung ương Đảng khoá V, VI, VII, VIII,
IX, X, trong đó nổi bật là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá IX và gần
đây nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X đã minh chứng cho nhận
thức đó.
Dưới tác động của những chính sách đó, nông dân, nông nghiệp, nông thôn Việt
Nam đã có nhiều khởi sắc, góp phần quan trọng đưa nước ta thoát khỏi khủng
hoảng kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh
công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Giai cấp nông dân nước ta hiện chiếm
gần 73% dân số và 56% lực lượng lao động cả nước. Nhận thức đúng vai trò của
nông dân và tiếp tục có những quyết sách đúng đắn trong nông nghiệp sẽ góp
phần phát huy tốt nguồn nhân lực quan trọng này, đảm bảo thắng lợi của sự
nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển đất nước theo định hướng xã
hội chủ nghĩa./.
(*) Thạc sĩ, Trường Đại học Thuỷ lợi.
(1) V.I.Lênin. Toàn tập, t.38. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.237.
(2) V.I.Lênin. Sđd., t.38, tr.435.
(3) V.I.Lênin. Sđd., t.38, tr.443.
(4) V.I.Lênin. Sđd., t.43, tr.161.
(5) V.I.Lênin. Sđd., t.38, tr.438.
(6) V.I.Lênin. Sđd., t.11, tr.356.
(7) V.I.Lênin. Sđd., , t.11, tr.113.
(8) V.I.Lênin. Sđd., , t.43, tr.69.
(9) V.I.Lênin. Sđd., t.38, tr.75.
(10) V.I.Lênin. Sđd., t.43, tr.263.
c