Tải bản đầy đủ (.pdf) (12 trang)

Đề tài triết học " TƯ TƯỞNG CỦA V.I. LÊNIN VỀ TĂNG NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG VÀ Ý NGHĨA CỦA ĐÓ ĐỐI VỚI CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI Ở NƯỚC TA HIỆN NAY " pps

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (346.42 KB, 12 trang )


- - -    - - -


Đề tài triết học


TƯ TƯỞNG CỦA V.I. LÊNIN VỀ TĂNG
NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG VÀ Ý NGHĨA
CỦA ĐÓ ĐỐI VỚI CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI
Ở NƯỚC TA HIỆN NAY












TƯ TƯỞNG CỦA V.I. LÊNIN VỀ TĂNG NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG VÀ Ý
NGHĨA CỦA ĐÓ ĐỐI VỚI CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI Ở NƯỚC TA HIỆN
NAY

HOÀNG THÚC LÂN (*)
Nhiệm vụ của cách mạng xã hội chủ nghĩa không chỉ là giành chính quyền về
tay nhân dân, mà còn là sử dụng chính quyền cách mạng để cải tạo xã hội cũ,
xây dựng xã hội mới tốt đẹp. Xuất phát từ bản chất của cuộc cách mạng xã hội


chủ nghĩa, giai cấp công nhân sau khi giành được chính quyền phải tập trung
xây dựng chính quyền vững mạnh, giữ vững địa vị thống trị của mình, thực hiện
tốt nhiệm vụ quản lý đất nước, phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao năng suất
lao động là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng để giai cấp công
nhân tạo ra những cơ sở, tiền đề cần thiết nhằm ổn định chính trị, tiến tới xây
dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.
Sau khi lãnh đạo thắng lợi Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, V.I.Lênin
khẳng định rằng, muốn chiến thắng kẻ thù, giai cấp công nhân phải đẩy nhanh
tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, phải tăng năng suất lao động. Tăng năng suất
lao động là nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng sau khi giành được chính quyền, là
điều kiện để thiết lập chế độ xã hội mới cao hơn chế độ tư bản chủ nghĩa.
V.I.Lênin viết: “Trong bất cứ cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa nào, khi giai cấp
vô sản đã làm xong nhiệm vụ giành được chính quyền rồi, và trong chừng mực
mà nhiệm vụ tước đoạt những kẻ đi tước đoạt và nhiệm vụ đập tan sự phản
kháng của chúng đã được hoàn thành trên những nét chủ yếu và cơ bản, - thì tất
nhiên có một nhiệm vụ căn bản khác được đề lên hàng đầu, đó là: thiết lập một
chế độ xã hội cao hơn chủ nghĩa tư bản, nghĩa là nâng cao năng suất lao động,
và do đó (và nhằm mục đích đó) phải tổ chức lao động theo một trình độ cao
hơn”(1). Tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế ở nước Nga Xô viết là một
đòi hỏi cấp bách. Để làm được điều đó, cần phải tăng cường kỷ luật lao động,
nâng cao kỹ năng và trình độ của người lao động. Sau Cách mạng Tháng Mười,
nước Nga vẫn còn là một nước nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏ, lao động thủ
công là phổ biến, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, tình trạng vô kỷ luật là
không thể tránh khỏi. Chính vì vậy, Nhà nước Xô viết đã ban hành các sắc lệnh,
đạo luật về kỷ luật lao động, tạo ra kỷ luật sắt trong lao động, bởi có như vậy
mới có thể xây dựng được chủ nghĩa xã hội… V.I.Lênin khẳng định rằng,
“chúng ta phải nâng cao tinh thần kỷ luật của những người lao động, kỹ năng
lao động của họ, tính khéo léo của họ, phải tăng thêm cường độ lao động và tổ
chức lao động cho tốt hơn… Việc quần chúng xây dựng những nguyên tăc mới
của kỷ luật lao động là một quá trình rất lâu dài,… vì chủ nghĩa xã hội không

thể thành công được nếu tính kỷ luật tự giác của giai cấp vô sản không thắng
được tình trạng vô chính phủ tự phát của giai cấp tư sản”(2).
Tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ rất khó khăn,
lâu dài và gian khổ. Việc giành chính quyền có thể tiến hành trong một thời gian
ngắn, nhưng sau khi đã giành được chính quyền, chúng ta phải mất rất nhiều
thời gian mới có thể giải quyết được đòi hỏi nâng cao năng suất lao động.
V.I.Lênin khẳng định: “Chúng ta nhận thấy ngay rằng nếu vài ba ngày cũng đủ
để giành được chính quyền nhà nước trung ương, và trong vài tuần lễ cũng có
thể dẹp tan được sự phản kháng quân sự (và sự phá hoại ngầm) của bọn bóc lột”
nhưng “vô luận thế nào… cũng mất nhiều năm mới giải quyết được vững chắc
nhiệm vụ nâng cao năng suất lao động”(3).
Trên cơ sở phân tích sâu sắc tình hình nước Nga sau Cách mạng Tháng Mười,
V.I.Lênin đã đưa ra các giải pháp phù hợp, hữu hiệu nhất nhằm phát triển kinh
tế - xã hội, tăng năng suất lao động. Đó là các biện pháp: xây dựng cơ sở vật
chất - kỹ thuật của nền đại công nghiệp; phát triển ngành sản xuất nhiên liệu,
máy móc, công nghiệp hoá chất; nâng cao trình độ học vấn và văn hoá cho quần
chúng nhân dân; nâng cao kỷ luật lao động và cường độ lao động. Bên cạnh đó,
để tăng năng suất lao động, theo V.I.Lênin, cần áp dụng chế độ trả lương theo
sản phẩm, phải tính toán cân xứng các ngành sản xuất kinh doanh để trả lương.
Ông còn chỉ rõ rằng, giai cấp công nhân phải học cách làm việc của giai cấp tư
sản; tiếp thu, kế thừa những tiến bộ mới nhất của chủ nghĩa tư bản; áp dụng
những chế độ kiểm kê, kiểm soát hoàn thiện nhất, sử dụng những chuyên gia tư
sản giỏi và cuối cùng trả lương cao cho họ. Theo V.I.Lênin, có như vậy chủ
nghĩa xã hội mới có thể thực hiện được bước tiến vượt bậc về kinh tế, tạo ra
năng suất lao động cao hơn năng suất lao động của chủ nghĩa tư bản.
V.I.Lênin còn nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của việc tổ chức thi đua, đặc
biệt là thi đua trong lĩnh vực kinh tế; đánh giá đúng thực chất và hiệu quả lao
động, phê phán và làm rõ những công xã nào hoạt động vô nguyên tắc, vô chính
phủ, lười biếng, vô trật tự, đầu cơ; khẳng định vai trò của kiểm kê, kiểm soát của
nhân dân đối với phát triển kinh tế, tăng năng suất lao động trong nền sản xuất ở

nước Nga Xô viết.
Có thể nói, tư tưởng của V.I.Lênin về tăng năng suất lao động mang tính chiến
lược, có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa. Sau
khi thực hiện thắng lợi cách mạng chính trị, cách mạng kinh tế là nhiệm vụ cơ
bản và quyết định sự thành bại của chủ nghĩa xã hội. Giai cấp công nhân chỉ có
thể chiến thắng hoàn toàn giai cấp tư sản khi nền kinh tế xã hội chủ nghĩa phải
chiến thắng nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Có thể khái quát tư tưởng V.I.Lênin
về tăng năng suất lao động tập trung vào những nội dung cơ bản sau:
- Tăng năng suất lao động có ý nghĩa quyết định sự thành công của cách mạng
xã hội chủ nghĩa. Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử, kinh tế quyết
định chính trị, chính trị là sự biểu hiện tập trung của kinh tế. Như vậy, sau khi
giành chính quyền, đập tan chế độ áp bức bóc lột bất công, giải phóng nhân dân
lao động thoát khỏi chế độ nô lệ, làm thuê, trở thành người làm chủ đất nước,
giai cấp công nhân phải lãnh đạo nhân dân lao động xây dựng và phát triển kinh
tế xã hội chủ nghĩa cao hơn nền kinh tế của chủ nghĩa tư bản. Chỉ khi nền kinh
tế xã hội chủ nghĩa phát triển bền vững thì chế độ chính trị mới ổn định; nhu
cầu, lợi ích, chất lượng cuộc sống của nhân dân mới được cải thiện và nâng cao.
Mặt khác, khi đời sống nhân dân được cải thiện, các nhu cầu vật chất được đáp
ứng ngày càng tốt hơn sẽ tạo nên động lực thúc đẩy họ quan tâm hơn nữa đến
phát triển kinh tế, đến chính trị và có ý thức trong xây dựng nền văn hoá mới
tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…
- Để tăng năng suất lao động cần thực hiện tốt những nhiệm vụ cơ bản, như phát
triển lực lượng sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn lực người lao động, phát
triển trình độ học vấn, trình độ tay nghề, ý thức lao động tự giác, tích cực;…
đồng thời, tạo đòn bẩy để kích thích, khuyến khích và khai thác năng lực lao
động tự giác, tích cực của nhân dân lao động thông qua giải quyết hài hoà mối
quan hệ lợi ích, đảm bảo công bằng, bình đẳng cho người lao động. Bên cạnh
đó, V.I.Lênin nhấn mạnh phải biết chọn lọc và kế thừa những thành tựu khoa
học của nhân loại đạt được trong xã hội tư bản, sử dụng những chuyên gia tư
sản giỏi, phát động những phong trào thi đua lao động sáng tạo trong sản xuất,

quản lý và lãnh đạo.
Có thể nói, tư tưởng của V.I.Lênin về tăng năng suất lao động có ý nghĩa to lớn
cả về mặt lý luận lẫn về mặt thực tiễn đối với các quốc gia lựa chọn con đường
đi lên chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng này giúp cho các Đảng Cộng sản và Nhà nước
xã hội chủ nghĩa xác định rõ nhiệm vụ, đường lối, chiến lược đúng đắn trong
thời kỳ quá độ cũng như trong suốt tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ
nghĩa cộng sản.
Nước ta bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội từ một xuất phát còn
thấp, hậu quả của chiến tranh hết sức nặng nề, lực lượng sản xuất thấp kém,
công cụ lao động thô sơ. Do vậy, tư tưởng của V.I.Lênin về tăng năng suất lao
động và các giải pháp để tăng năng suất lao động có ý nghĩa chiến lược quan
trọng. Đặc biệt, qua hơn 20 năm đổi mới, bắt đầu từ Đại hội Đảng toàn quốc lần
thứ VI năm 1986, Đảng và Nhà nước ta đã vận dụng sáng tạo các nguyên lý của
chủ nghĩa Mác - Lênin, trong đó có tư tưởng về thực hiện các biện pháp để tăng
năng suất lao động nhằm đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, tạo dựng
những cơ sở vật chất ban đầu cho chủ nghĩa xã hội. Những thành tựu ban đầu
của 20 năm đổi mới khẳng định thêm những giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin
và tính đúng đắn của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.
Trên tinh thần cơ bản của V.I.Lênin về tăng năng suất lao động, Đảng và Nhà
nước ta đã tập trung vào những giải pháp cơ bản nhằm phát triển kinh tế - xã
hội, tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống nhân dân. Các giải pháp cơ bản
đó là:
Thứ nhất, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ dân trí, trình
độ tay nghề đối với người lao động; đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất.
Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Mỗi đất nước chỉ có thể vươn tới đỉnh cao
của sự phát triển khi tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Nghị quyết Trung
ương hai khoá VIII của Đảng đã coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, có ý nghĩa
quyết định tới việc nâng cao chất lượng nguồn lực con người, trên cơ sở đó
nâng cao hiệu quả và năng suất lao động xã hội. Hiện nay, Đảng ta tiếp tục quan
tâm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nói chung, đào tạo người lao động

nói riêng. Đại hội Đảng lần thứ X khẳng định: “Đổi mới tư duy giáo dục một
cách nhất quán, từ mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp đến cơ cấu và
hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý để tạo được chuyển biến cơ bản và toàn diện
của nền giáo dục nước nhà, tiếp cận với trình độ giáo dục của khu vực và thế
giới… Phấn đấu xây dựng nền giáo dục hiện đại, của dân, do dân, vì dân, bảo
đảm công bằng về cơ hội học tập cho mọi người, tạo điều kiện để toàn xã hội
học tập và học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất
nước”(4).
Thực tế cho thấy, yếu tố đóng vai trò quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội là
nguồn lực lao động có chất lượng cao. Vì vậy, chúng ta cần phải tạo ra đội ngũ
người lao động có chuyên môn cao, ý thức kỷ luật tốt, có sức khoẻ và năng
động, nhạy bén với cái mới… Để làm được điều đó, chúng ta phải đổi mới giáo
dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, gắn học với hành, gắn
việc đào tạo và nghiên cứu khoa học với thực tiễn cuộc sống, thiết lập chặt chẽ
mối quan hệ bốn nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp.
Có như vậy mới thúc đẩy nền kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển, vươn lên
ngang tầm khu vực và thế giới.
Thứ hai, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đưa nước ta cơ bản trở thành
nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ một điểm xuất phát thấp, chủ yếu là
nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏ. Do vậy, để rút ngắn thời kỳ quá độ lên chủ
nghĩa xã hội, chúng ta cần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước,
phát triển lực lượng sản xuất. Đại hội IX của Đảng đã nhận định rằng, trong thế
kỷ XXI, “khoa học và công nghệ sẽ có bước tiến nhảy vọt. Kinh tế tri thức có
vai trò ngày càng nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất”(5). Vì
vậy, nhiệm vụ của chúng ta là phải đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất
nước gắn với nền kinh tế tri thức, góp phần phát triển các ngành, các sản phẩm
kinh tế có giá trị và dựa nhiều vào tri thức; kết hợp với việc sử dụng nguồn vốn
tri thức của con người Việt Nam với tri thức mới nhất của nhân loại. Thông qua
công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chúng ta mới tạo ra những tiền đề và

điều kiện cần thiết để nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy sự phát triển mạnh
mẽ của nền kinh tế - xã hội.
Thứ ba, giải quyết hài hoà mối quan hệ lợi ích giữa cá nhân - tập thể - xã hội,
thực hiện công bằng xã hội.
Để tạo động lực thúc đẩy nền sản xuất phát triển, nâng cao năng suất lao động,
chúng ta phải giải quyết hài hoà mối quan hệ lợi ích, coi trọng những lợi ích
chính đáng của người lao động, thực hiện công bằng xã hội. Chỉ khi Nhà nước
có cơ chế, chính sách phù hợp, đảm bảo lợi ích cho nhân dân lao động mới tạo
được động lực để phát huy tính tích cực, tự giác và sáng tạo của người lao động
nhằm sản xuất ra nhiều của cải vật chất cho xã hội. Lợi ích là đòn bẩy tạo nên
động cơ hành động của con người. Thực tiễn cho thấy, trong giai đoạn trước đổi
mới, việc duy trì kiểu phân phối mang tính bình quân đã không phát huy được
vai trò to lớn của nguồn lực con người, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội và
cản trở sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước. Kể từ đổi mới tới
nay, Đảng và Nhà nước ta đã gắn nguyên tắc phân phối với sự phát triển của lực
lượng sản xuất, thực hiện đa dạng hoá các hình thức phân phối, trong đó lấy
phân phối theo hiệu quả sản xuất kinh doanh là chủ yếu. Chính sự đa dạng hoá
các hình thức phân phối đã khắc phục tình trạng cào bằng trước kia và tạo ra cơ
chế phù hợp tác động trực tiếp tới lợi ích của người lao động. Với cơ chế phân
phối mới, các cá nhân, tổ chức kinh tế có điều kiện, cơ hội phát huy năng lực của
mình nhằm tăng năng suất lao động, cống hiến ngày càng nhiều hơn cho xã hội.
Sự đa dạng hoá các hình thức phân phối đã hình thành phong trào lao động tự
giác, tích cực sâu rộng trong tất cả các thành phần kinh tế ở nước ta, thúc đẩy sự
phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Đảng và Nhà nước ta tạo mọi điều kiện cho các cá nhân, các tổ chức kinh tế, các
thành phần kinh tế tự do sản xuất kinh doanh làm giàu cho xã hội trong khuôn
khổ pháp luật. Dựa vào tài năng của mình cũng như những sự trợ giúp cần thiết
của Nhà nước, tất cả mọi người lao động đều có thể tham gia vào quá trình sản
xuất kinh doanh, làm giàu cho bản thân và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng
chủ nghĩa xã hội.

Nhà nước xã hội chủ nghĩa tạo các điều kiện thuận lợi cho mọi người lao động,
như xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, giúp đỡ về vốn, công nghệ,… để họ
có thể phát huy và thực hiện hiệu quả vai trò, trách nhiệm, lợi ích của bản thân
trước xã hội.
Thứ tư, cần có chính sách, cơ chế để khai thác và sử dụng hợp lý đội ngũ
chuyên gia tư sản và đội ngũ doanh nhân giỏi; mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế
quốc tế trong quá trình hội nhập và toàn cầu hoá.
Nếu trước đổi mới chúng ta mắc phải những hạn chế, sai lầm, siêu hình trong
đánh giá về chủ nghĩa tư bản, thì hiện nay Đảng và Nhà nước ta đã có tư duy
mới, luôn tranh thủ cơ hội khai thác, học hỏi các chuyên gia giỏi, trả lương cao
cho họ để tạo tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời,
chúng ta cũng mở rộng mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước trên thế giới,
thực hiện đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế, khẳng định Việt
Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới. Đại hội Đảng
toàn quốc lần thứ X nêu rõ: “Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động kinh tế đối ngoại,
hội nhập kinh tế quốc tế sâu hơn và đầy đủ hơn với các thể chế kinh tế toàn cầu,
khu vực và song phương, lấy phục vụ lợi ích đất nước làm mục tiêu cao nhất.
Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình, phù hợp với chiến
lược phát triển đất nước đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020… Thúc đẩy
quan hệ hợp tác toàn diện và có hiệu quả với các nước ASEAN, các nước châu
Á - Thái Bình Dương; củng cố và phát triển quan hệ hợp tác song phương tin
cậy với các đối tác chiến lược; khai thác có hiệu quả các cơ hội và giảm tối đa
những thách thức, rủi ro khi nước ta là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới
(WTO)”(6). Từ sau đổi mới tới nay, nước ta đã mở rộng quan hệ hợp tác với hàng
trăm nước trên thế giới, tiếp thu thành tựu nhân loại đạt được trong các nước tư
bản, đặc biệt là các tiến bộ khoa học công nghệ để phát triển mạnh lực lượng sản
xuất, tạo tiền đề để tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ năm, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong
lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay, Đảng Cộng sản

có vai trò đặc biệt quan trọng. Sự lãnh đạo của Đảng giúp cho nền kinh tế hàng
hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường của nước ta không đi
chệch định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện gắn phát triển kinh tế với thực
hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Nhà nước thực hiện nhiệm vụ tổ chức, điều
hành và quản lý xã hội trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Về phương diện
kinh tế, sự quản lý của Nhà nước, một mặt, góp phần ngăn chặn và khắc phục
những mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường; mặt khác, góp phần tạo ra hành
lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển theo hướng dân
chủ, bình đẳng. Sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa không mang tính
chuyên quyền, độc đoán, mà luôn tạo mọi điều kiện để nhân dân tham gia vào
quản lý nhà nước và quản lý xã hội, giám sát các chủ thể sản xuất, kinh doanh,
làm cho nền kinh tế - xã hội ngày càng phát triển…
Nhà nước thực hiện đúng chức năng định hướng phát triển kinh tế - xã hội; tạo
lập khung pháp lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi pháp luật; tạo môi
trường cạnh tranh lành mạnh trong phát triển kinh tế; đấu tranh chống tham
nhũng, ngăn chặn những tiêu cực trong sản xuất kinh doanh góp phần đưa nền
kinh tế nước ta vận hành đúng quỹ đạo.
Trong thời gian vừa qua, nền kinh tế nước ta đang trên đà phát triển, đời sống
nhân dân từng bước được cải thiện và có mặt được nâng cao. Tuy nhiên, trong
bối cảnh toàn cầu hoá, nhất là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu,
nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn: tăng trưởng chưa
đồng đều, thiếu bền vững, chỉ chú trọng tăng về số lượng mà chưa thực sự nâng
cao chất lượng. Chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền
kinh tế còn thấp. Uy tín và chất lượng hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam chưa
cao, lực lượng sản xuất phát triển không đều, trình độ tay nghề người lao động
còn thấp, thiếu đội ngũ công nhân lành nghề. Việc khai thác các nguồn lực trong
nước còn chưa tương xứng với khả năng và yêu cầu; trình độ quản lý nền kinh
tế, quản lý lao động còn hạn chế; hiện tượng hàng giả, trốn thuế, cạnh tranh
không lành mạnh cộng với một số biểu hiện quan liêu, tham nhũng, bất công
vẫn còn tồn tại, gây cản trở sản xuất. Mặt khác, cải cách hành chính còn chậm,

luật pháp thiếu đồng bộ, công tác qui hoạch tổng thể và cụ thể cho từng ngành,
từng địa phương chưa theo kịp yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội. Đáng
lưu ý là, một số chính sách kinh tế vĩ mô chưa có tác dụng tích cực trong việc
phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công tác tổ chức
và điều hành, chỉ đạo của các cấp, các ngành còn thiếu đồng bộ, kỷ cương phép
nước chưa nghiêm…
Do vậy, để nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và
bền vững ở nước ta hiện nay, cần phải thực hiện nhất quán và đồng bộ các giải
pháp trên.
Mặc dù đã trải qua hơn 90 năm, song những tư tưởng của V.I.Lênin về tăng năng
suất lao động vẫn còn nguyên giá trị đối với các nước lựa chọn con đường phát triển
xã hội chủ nghĩa. Để xây dựng một nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, có
năng suất lao động cao, đòi hỏi Đảng Cộng sản với tư cách Đảng cầm quyền phải có
sự vận dụng sáng tạo tư tưởng của V.I.Lênin về phát triển nền kinh tế xã hội chủ
nghĩa nói chung và tăng năng suất lao động nói riêng.r

(*) Thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
(1) V.I.Lênin. Toàn tập, t.36. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, tr.228 - 229.
(2) V.I.Lênin. Sđd., t.36, tr.230-231.
(3) V.I.Lênin. Sđd., t.36, tr.229.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X.
Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.206 -207.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX.
Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.13.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X.
Sđd., tr39-40


×