Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

SỰ VA CHẠM CỦA CÁC NỀN VĂN MINH VÀ VIỆC THIẾT LẬP LẠI TRẬT TỰ THẾ GIỚI doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (164.92 KB, 4 trang )

SỰ VA CHẠM CỦA CÁC NỀN VĂN MINH
VÀ VIỆC THIẾT LẬP LẠI TRẬT TỰ THẾ GIỚI
Xuân Tùng (giới thiệu)


Tên đầy đủ của cuốn sách này là: “Sự va chạm của các nền
văn minh và việc thiết lập lại trật tự thế giới” (The
Clash of civilization and the remaking of world
order).
Tác giả: Samuel Hungtington
Người dịch: Phương Sửu, Văn Hạnh, Phương Nam, Ánh
Tuyết
Nhà xuất bản: Lao động
Năm xuất bản: 2003
Số trang: 483

Samuel Hungtington không phải là người đầu tiên nói về sự va chạm của các
nền văn minh. Ý tưởng và sự cảnh báo về sự đụng độ giữa các nền văn minh đã
xuất hiện ngay từ giữa thế kỷ XX, do nhà sử học nổi tiếng người Anh Arnold
Toynbee đề xướng.
Năm 1993, S. Hungtington, khi đó là Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến
lược thuộc Đại học Harvard, đã có bài viết mang tính dự báo: “Sự va chạm của các
nền văn minh?”. Tiêu đề đó cho thấy tác giả của nó có phần hoài nghi: liệu có khả
năng xảy ra sự đụng độ giữa các nền văn minh trong thế kỷ XXI hay không? Và
thực tế, nội dung của bài viết đã nói lên rằng sự đụng độ là điều khó tránh khỏi.
Năm 1996, Hungtington tiếp tục phát triển dự báo của mình thành cuốn sách “Sự
va chạm của các nền văn minh và việc thiết lập lại trật tự thế giới”
Một thế giới của các nền văn minh khác biệt
Trong cuốn sách của mình, S. Hungtington đã vẽ lại bức tranh chung về các
nền văn minh khác nhau trên thế giới. Về cơ bản, ông phân chia nhân loại thành 2
bộ phận là văn minh phương Tây và văn minh ngoài phương Tây, trong đó văn


minh phương Tây đóng vai trò trung tâm trong các phân tích của ông, là điểm
tham chiếu để xem xét các nền văn minh khác ngoài phương Tây.
Trên cơ sở xác định các nền văn minh chủ yếu của thế giới, Hungtington tiếp
tục làm sáng tỏ những thay đổi về cán cân giữa các nền văn minh, giải thích sự
thoái trào của văn minh phương Tây và quá trình phục sinh các nền văn minh
ngoài phương Tây. Ông cũng chỉ ra một trật tự mới của các nền văn minh cùng với
sự tái định hình nền chính trị toàn cầu thông qua văn hoá.
Một trong những phát hiện của S. Hungtington là sự nhìn nhận vai trò của
nhà nước chủ chốt trong sự hình thành và phát triển của một nền văn minh nhất
định. Đó là nhà nước dẫn đầu của khối các nhà nước đồng văn, đồng chủng và
đồng ngôn (ngôn ngữ). Hungtington đã có những phân tích đáng ngạc nhiên về 2
trường hợp của nước Nga (với các nước láng giềng) và Trung Hoa đại lục (với các
nước Đông Á) nhằm minh chứng cho luận điểm này.

Sự đụng độ giữa các nền văn minh
Quan điểm này xuất phát từ chỗ cho rằng, trong thế giới mới đang hình thành,
nguồn gốc của các xung đột sẽ không còn là hệ tư tưởng và kinh tế nữa, mà là văn
hoá, hay nói chính xác hơn, sự khác biệt giữa các nền văn hoá là cơ sở của các
nền văn minh khác nhau.
Hungtington định nghĩa văn minh như là một cộng đồng văn hoá bậc cao, là
mức độ rộng nhất của tính đồng nhất văn hoá của con người. Ông khẳng định,
những khác biệt giữa các nền văn minh có ý nghĩa căn bản hơn so với những khác
biệt giữa các hệ tư tưởng chính trị và các chế độ chính trị. Theo Hungtington,
trong thế kỷ XXI, sự xung đột giữa các nền văn minh sẽ là nhân tố chủ đạo của
nền chính trị thế giới, đặc biệt là giữa văn minh phương Tây và văn minh không
phải phương Tây.
Hungtington đã phân tích các nhân tố cơ bản đẩy loài người đi tới sự xung
đột giữa các nền văn minh. Qua đó, ông kết luận: sự va chạm của các nền văn
minh được triển khai theo 2 cấp độ là vi mô và vĩ mô.
Ở cấp vi mô, những nhóm người sống dọc theo các tuyến đứt gãy giữa các

nền văn minh đang tiến hành đấu tranh, thường là có đổ máu, để giành giật đất đai
và quyền lực đối với nhau. Ở cấp vĩ mô, các nước thuộc các nền văn minh khác
nhau đang cạnh tranh giành ảnh hưởng trong lĩnh vực quân sự và kinh tế, tranh
giành quyền kiểm soát các tổ chức quốc tế và các nước thứ ba, cố gắng khẳng định
các giá trị chính trị và tôn giáo của mình.
Hungtington dự báo, sự va chạm giữa các nền văn minh sẽ đưa lại 2 hệ quả
quan trọng: một là, các trục chủ yếu của nền chính trị thế giới sẽ là quan hệ giữa
phương Tây và phần còn lại của thế giới; hai là, trong tương lai, lò lửa xung đột cơ
bản sẽ là mối quan hệ qua lại giữa phương Tây và một loạt các nước Hồi giáo -
Khổng giáo.

Tương lai của các nền văn minh hay tương lai của thế giới
Những tư tưởng của S. Hungtington trong cuốn sách này đã mở ra hướng đi
mới cho cộng đồng thế giới trong việc tìm kiếm giải pháp để hạn chế những xung
đột quốc gia, khu vực và toàn cầu do sự khác biệt của các nền văn minh gây ra. Xu
hướng khả thi và tích cực nhất có lẽ là hướng tới cuộc đối thoại giữa các nền văn
minh, để đưa nhân loại xích lại gần nhau hơn.
Ngày 2/11/2001, ngay sau sự kiện khủng bố ngày 11/9 làm xấu đi mối quan
hệ giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo, UNESCO đã lập tức thông qua “Tuyên
bố chung về sự đa dạng văn hoá” - một văn kiện được đánh giá là quan trọng
không kém so với "Tuyên bố chung về quyền con người". Tuyên bố này đã phát
triển những luận giải của S. Hungtington thành một kết luận mang ý nghĩa toàn
cầu: đối thoại giữa các nền văn hoá là sự bảo đảm tốt nhất cho hoà bình thế giới.
UNESCO cũng đã xác định chủ đề đối thoại giữa các nền văn minh là mục
tiêu chiến lược của mình trong giai đoạn 2002-2007. Ngày 9/11/2001, Đại hội
đồng Liên Hợp Quốc cũng đã thông qua nghị quyết “Chương trình nghị sự chủ
yếu để đối thoại giữa các nền văn minh” với một chương trình hành động cụ thể đề
ra cho tương lai.
Có thể nói, những động thái đó của tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới đã cho
thấy nỗ lực to lớn của cộng đồng quốc tế nhằm kiến tạo một nền hoà bình vĩnh cửu

cho nhân loại, trong đó cuộc đối thoại giữa các nền văn minh được xem là mục
tiêu lớn nhất cần đạt tới. Và theo một nghĩa nào đó, những kết quả nghiên cứu của
S.Hungtington đã không chỉ dừng lại ở giá trị lý luận, mà còn góp phần hướng
nhân loại vào những hành động thực tế cấp thiết để duy trì và phát triển thế giới
này trong sự tồn tại hoà bình và bền vững.

×