Tải bản đầy đủ (.doc) (8 trang)

Xây dựng hệ thống câu hỏi dạy học bài thơ “ Đây thôn Vĩ Dạ” (Hàn Mặc Tử).

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (142.08 KB, 8 trang )

1. Xây dựng hệ thống câu hỏi dạy học bài thơ “ Đây thôn Vĩ Dạ”
(Hàn Mặc Tử).
• Tiểu dẫn:
- Em hãy trình bày những nét chính về cuộc đời và đời thơ của Hàn
Mặc Tử? Những biến cố trong cuộc đời có ảnh hưởng như thế nào đến
hồn thơ của ông?
- Em hãy trình bày xuất xứ của bài thơ? Hoàn cảnh ra đời của bài thơ
có gì đặc biệt?
- Em hãy phân chia bố cục của bài thơ và nêu nội dung chính của từng
phần?
• Khổ 1
- Em hình dung thế nào về câu thơ “Sao anh không về chơi thôn Vĩ”?
- Những chi tiết nghệ thuật nào gây ấn tượng về vẻ đẹp của thôn Vĩ?
- So sánh hình ảnh “nắng hàng cau” trong Đây thôn Vĩ Dạ với hình
ảnh “ nắng ửng”, “ nắng chang chang” trong Mùa xuân chín ?
- Đại từ phiếm định “ai” được đặt sau “vườn” gợi cho em cảm giác gì?
- Hình ảnh “mặt chữ điền” trong câu thơ “Lá trúc che ngang mặt chữ
điền” đem lại cho em ấn tượng gì?
- Theo em, Hàn Mặc Tử đã gửi gắm tâm sự gì qua khổ 1?
• Khổ 2
- Hình ảnh thiên nhiên trong khổ thơ thứ hai có điều gì không bình
thường? Điều không bình thường đó gợi cho em cảm giác gì?
- Em hình dung cảnh sông nước trong tưởng tượng của nhà thơ khi đọc
hai câu thơ cuối của khổ thơ này
- Câu hỏi cuối cùng “ Có chở trăng về kịp tối nay” trong khổ thơ thứ
hai gợi cho em ấn tượng gì?
- Em cảm nhận như thế nào về tâm trạng của nhà thơ trong khổ thơ
này?
• Khổ 3
- “Khách đường xa” với “em” được nhắc đến trong khổ thơ là ai?
- Em có ấn tượng gì về hình ảnh “ Áo em trắng quá” trong câu thơ “ Áo


em trắng quá nhìn không ra” và hình ảnh “ Sương khói mờ nhân ảnh”
trong câu “ Ở đây sương khói mờ nhân ảnh?
- Em hãy hình dung hình ảnh con người thôn Vĩ trong khổ thơ này?
- Em hiểu thế nào về từ “ai” trong câu thơ “Ai biết tình ai có đậm đà”?
- Em hình dung tâm trạng nhân vật trữ tình ở cuối bài thơ?
- Em có nhận xét gì về tứ thơ và bút pháp của bài thơ?
2. Vận dụng hệ thống câu hỏi trên vào việc dạy học bài thơ “ Đây
thôn Vĩ Dạ”
Giáo viên vào bài: Thời gian vào bài có thể từ 3 đến 5 phút. Giáo
viên có thể vào bài bằng nhiều cách ( như giáo viên có thể ngâm một khổ
thơ trong bài thơ; giới thiệu bài bằng cách lạ hóa từ cuộc đời tác giả để đi
đến bài thơ…). Đây là một thao tác vô cùng quan trọng vì nó sẽ tạo ấn
tượng bước đầu với học sinh.
Dạy học bài thơ :
2.1 Hoạt động 1: Giáo viên hướng dẫn học sinh học hiểu phần tiểu
dẫn
2.1.1 Thao tác 1: Giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu về tác giả
Hàn Mặc Tử và đời thơ của ông.
+ Để thực hiện thao tác này, giáo viên yêu cầu học sinh đọc phần tiểu
dẫn, sau đó đưa ra câu hỏi yêu cầu học sinh trả lời. Câu hỏi có thể sử
dụng trong thao tác này như sau:
Em hãy trình bày những nét chính về cuộc đời và đời thơ Hàn Mặc
Tử? Những biến cố trong cuộc đời có ảnh hưởng như thế nào đến hồn
thơ của ông?
+ Phương pháp sử dụng trong thao tác này là phương pháp gợi tìm và
phương pháp tái tạo
+ Giáo viên sử dụng biện pháp đặt câu hỏi ( Câu hỏi này thuộc loại câu
hỏi hiểu biết hiện tượng văn học)
Hướng dẫn trả lời: Học sinh cần chỉ ra những nét cơ bản sau
+ Những nét chính về cuộc đời Hàn Mặc Tử:

Nguồn gốc: Hàn Mặc Tử (1912 - 1940), tên khai sinh là Nguyễn
Trọng Trí. Quê quán: làng Lệ Mĩ, tổng Võ Xá, huyện Phong Lộc, tỉnh
Đồng Hới (nay là tỉnh Quảng Bình). Hàn Mặc Tử sinh ra trong một gia
đình viên chức nghèo theo đạo Thiên Chúa. Cha mất sớm, ông ở với mẹ
tại Quy Nhơn và có hai năm học trung học tại Trường Pe-lơ-ranh ở Huế.
Quá trình sống: Tốt nghiệp Trung học phổ thông, Hàn Mặc Tử làm ở
Sở Đạc điền Bình Định rồi vào Sài Gòn làm báo. Năm 1936, ông mắc
căn bệnh hiểm nghèo – bệnh phong, ông về hẳn Quy Nhơn. Số phận
nghiệt ngã này đã ảnh hưởng rất lớn đến hồn thơ của ông…
Hàn Mặc Tử mất tại nhà thương Quy Hòa – Quy Nhơn (năm 1940).
+ Những nét chính về đời thơ Hàn Mặc Tử: Ông làm thơ từ năm 14, 15
tuổi với các bút danh : Phong Trần Lệ Thanh, Minh Duệ Thị. Đến với
thơ, Hàn Mặc Tử bắt đầu bằng thơ Đường luật, sau đó tác giả chuyển
sang thơ mới lãng mạn. Các tác phẩm chính: Gái quê (1936); Xuân như ý,
Thượng thanh khí, Cẩm châu duyên (1939); Duyên kỳ ngộ (kịch thơ -
1939); Quần tiên hội (kịch thơ - 1940); Chơi giữa mùa trăng (thơ văn
xuôi - 1940)…
Ngoài tập thơ Gái quê, toàn tập thơ Hàn Mặc Tử được in thành tập
sau khi ông mất , thơ ông thể hiện một tình yêu đến đau đớn hướng về
cuộc đời trần thế. Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ tiêu biểu của Hàn Mặc Tử và
cũng là bài thơ tiêu biểu cho phong trào Thơ mới.
2.1.2 Thao tác 2: Giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu những nét
khái quát về bài thơ:
+ Để thực hiện thao tác này, giáo viên sử dụng câu hỏi hiểu biết nội dung
tác phẩm ở mức độ khái quát nhất. Câu hỏi cụ thể như sau:
Em hãy trình bày xuất xứ của bài thơ? Hoàn cảnh ra đời của bài
thơ có điều gì đặc biệt?
Em hãy xác định bố cục của bài thơ?
+ Với thao tác này, giáo viên sử dụng phương pháp gợi tìm, phương pháp
tái tạo và biện pháp đặt câu hỏi, biện pháp so sánh để giúp học sinh

chiếm lĩnh tri thức.
+ Hướng dẫn trả lời:
Xuất xứ bài thơ: Khi còn làm ở Sở Đạc điền Bình Định, Hàn Mặc Tử
có yêu mến Hoàng Cúc – một cô gái con một viên chức cao cấp. Do tính
tình rụt rè, bẽn lẽn, Hàn Mặc Tử chỉ dám chiêm ngưỡng người đẹp từ xa.
Khi quay trở lại Quy Nhơn, Hàn Mặc Tử không gặp được Hoàng Cúc vì
cô đã theo cha về nghỉ hưu ở Vĩ Dạ (Huế). Năm 1939, trong thời gian
chữa bệnh, Hàn Mặc Tử có nhận được một tấm bưu thiếp có phong cảnh
xứ Huế kèm theo lời hỏi thăm sức khỏe của Hoàng Cúc, để đáp lại tấm
lòng cố nhân, Hàn Mặc Tử đã viết bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”. Bài thơ
được in trong tập “Thơ điên”, ban đầu bài thơ có tên Ở đây thôn Vĩ Dạ,
sau đổi tên thành Đây thôn Vĩ Dạ.
Bố cục bài thơ: Bài thơ gồm 3 khổ thơ, mỗi khổ thơ thể hiện một vẻ
đẹp riêng của cảnh sắc thiên nhiên và con người Vĩ Dạ.
2.2Hoạt động 2: Giáo viên hướng dẫn học sinh đọc – hiểu văn bản
Sau khi giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu xong những kiến thức
cơ bản cần nắm được về cuộc đời, sự nghiệp nhà thơ Hàn Mặc Tử và
những nét khái quát về bài thơ, giáo viên tiếp tục hướng dẫn học sinh đọc
hiểu văn bản “ Đây thôn Vĩ Dạ” theo bố cục bài thơ.
2.2.1 Thao tác 1: Giáo viên hướng dẫn học sinh đọc - hiểu khổ thơ đầu
- Thực hiện thao tác này, trước hết giáo viên sử dụng phương pháp đọc
sáng tạo, giáo viên có thể đọc diễn cảm hoặc ngâm thơ (đọc nghệ thuật),
sau đó yêu cầu học sinh đọc lại theo cách cảm nhận riêng của học sinh.
- Tiếp theo, giáo viên sử dụng kết hợp các phương pháp dạy học: phương
pháp gợi tìm, phương pháp đọc sáng tạo, và các biện pháp: đặt câu hỏi,
giảng, bình để hướng dẫn học sinh tìm hiểu và cảm thụ khổ thơ 1.
Những câu hỏi giáo viên có thể sử dụng trong giờ dạy học như:
Em hình dung thế nào về câu thơ “Sao anh không về chơi thôn
Vĩ”?(Câu hỏi hình dung, tưởng tượng, tái tạo)
Hướng dẫn trả lời:

+ Câu thơ vang lên như một tiếng lòng: nếu là “lâu về” có nghĩa là đến
rồi nhưng chưa trở lại , nếu là “chưa về” thì chưa đến lần nào, còn ở đây
là “không về”, không bao giờ có thể trở lại thăm Vĩ Dạ được nữa!
+ Câu thơ hàm chứa nhiều thông tin nghệ thuật: có lời mời, có lời trách
móc nhẹ nhàng, có sự tiếc nuối và niềm khát khao.
+ Đây là một câu hỏi tu từ, hỏi nhưng không cần câu trả lời , hỏi như để
đối thoại với hình tượng cảm xúc. Nhà thơ vừa tự nhủ lòng mình, vừa để
khẳng định, vừa thể hiện niềm khát khao chân thành.
+ Câu thơ ngắn gọn, Hàn Mặc Tử đã giãi bày một cách tự nhiên, giới
thiệu khái quát địa danh thôn Vĩ, đồng thời hé mở tâm trạng nhà thơ với
cảnh và người Vĩ Dạ.
Những chi tiết nghệ thuật nào gây ấn tượng về vẻ đẹp của thôn Vĩ?
(Câu hỏi hiểu biết nội dung tác phẩm văn học nghệ thuật)
+ “Nắng hàng cau nắng mới lên”: Cảnh hàng Cau vươn lên đón ánh mặt
trời, một vẻ đẹp tinh khôi, giản dị nhưng giàu sức gợi.
+ “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”: “mướt” gợi cái xanh non, nõn nà,
trong màu xanh như có pha ánh sáng. “Mướt quá” thể hiện vẻ đẹp mĩ lệ
của thiên nhiên. “mướt” kết hợp vơi “ xanh như ngọc” thể hiện vẻ đẹp
của thôn Vĩ, đồng thời thể hiện được thần thái của bài thơ – cảnh trong
buổi sớm mai, sương đêm còn long lanh, tinh khiết dưới ánh mặt trời.
So sánh hình ảnh “nắng hàng cau” trong Đây thôn Vĩ Dạ với hình
ảnh “ nắng ửng”, “ nắng chang chang” trong Mùa xuân chín ?(câu hỏi so
sánh chi tiết nghệ thuật)
Gợi ý trả lời:
+ “Nắng ửng”, “nắng chang chang” được miêu tả một cách trực tiếp…
+ “Nắng hang cau nắng mới lên” chỉ gợi chứ không tả. Cách bố trí từ
ngữ cũng rất đặc biệt “ nắng – hàng cau – nắng”…
Đại từ phiếm định “ai” được đặt sau “vườn” gợi cho em cảm giác
gì?(Câu hỏi cảm xúc nghệ thuật)
Hướng dẫn trả lời:

+ Đại từ “ai” được sử dụng làm cho khái niệm “vườn” được mở rộng,
đồng thời nó gợi cảm giác mơ hồ, bất định gây ấn tượng về một vẻ đẹp bí
ẩn không thể chiếm lĩnh, không thể sở hữu.
Hình ảnh “mặt chữ điền” trong câu thơ “Lá trúc che ngang mặt
chữ điền” đem lại cho em ấn tượng gì? (Câu hỏi cảm xúc nghệ thuật)
Hướng dẫn trả lời:
+ Hình ảnh “mặt chữ điền” có nhiều cách hiểu:
Mặt một người con gái
Mặt một người con trai
Khuôn mặt của người xứ Huế nói chung
Bức bình phong trước cửa ở ngôi nhà của xứ Huế
+Tuy nhiên, chúng ta nên hiểu sự miêu tả của câu thơ mang tính chất
cách điệu hóa, cách điệu từ đường nét đến hình ảnh. Câu thơ tả nhưng lại
mang ý nghĩa biểu trưng cho vẻ đẹp của con người…vẻ đẹp kín đáo, dịu
dàng của người con gái Huế trong mối quan hệ giữa người với cảnh.
Theo em, Hàn Mặc Tử đã gửi gắm tâm sự gì qua khổ 1?( Câu hỏi
tái hiện tưởng tượng)
Hướng dẫn trả lời:
+ Cảnh vật trong khổ thơ đầu toát lên vẻ đẹp tinh khôi, thanh khiết, trong
sáng và e ấp nhưng cũng có vẻ hờ hững, xa xôi, điều đó càng làm tăng
thêm nỗi ước ao và niềm đắm say mãnh liệt được trở về với những kỉ
niệm đã qua ở mảnh đất này…
2.2.2 Thao tác 2: Giáo viên hướng dẫn học sinh đọc hiểu khổ thơ thứ
hai
+ Giáo viên sử dụng kết hợp phương pháp đọc sáng tạo, phương pháp gợi
tìm và biện pháp đọc diễn cảm, biện pháp đặt câu hỏi, biện pháp giảng,
bình để giúp học sinh hiểu và chiếm lĩnh nghệ thuật.
Những câu hỏi giáo viên có thể sử dụng trong giờ dạy như sau:
Hình ảnh thiên nhiên trong khổ thơ thứ hai có điều gì không bình
thường? Điều không bình thường đó gợi cho em cảm giác gì? (Câu hỏi

hiểu biết nội dung tác phẩm và câu hỏi cảm xúc nghệ thuật)
+ Điều bất thường của hình ảnh thiên nhiên trong câu thơ: Gió có thể bay
theo chiều gió thổi, nhưng mây không thể bay theo đường mây được.
Theo logic thì gió và mây không thể tách rời nhau…
+ Dường như có sự chuyển đổi cảm giác trong cách miêu tả này. Nhà thơ
không nhìn bằng mắt. Cảnh vật hiện ra trong sự mặc cảm, đó là mặc cảm
của sự chia lìa, cảnh vật nhuốm nỗi buồn của con người…
Em hình dung cảnh sông nước trong tưởng tượng của nhà thơ khi
đọc hai câu thơ cuối của khổ thơ này ( câu hỏi hình dung, tưởng tượng,
tái tạo)
+ Hình ảnh đêm trăng trên dòng Hương giang rất thơ mộng…Hình ảnh
“sông trăng ” có sự hòa quyện giữa thực và ảo đến mức tuyệt diệu.
“Sông trăng” có thể hiểu là ánh trăng loang đầy mặt sông, hay trăng tuôn
chảy thành dòng sông…Thuyền chở trăng hay chở niềm mong ước được
giao duyên hội ngộ. Hình ảnh này đã nói được thật đúng vẻ đẹp của Huế
mộng mơ và trong một tâm hồn giàu cảm xúc, giàu trí tưởng tượng.
Câu hỏi cuối cùng trong khổ thơ thứ hai “ Có chở trăng về kịp
tối nay” gợi cho em ấn tượng gì? ( Câu hỏi cảm xúc nghệ thuật)
+ Câu thơ thể hiện tâm trạng của nhân vật trữ tình: Vừa thảng thốt, vừa
lo âu phấp phỏng. Đồng thời câu thơ thể hiện rõ cốt cách thi nhân đích
thực của Hàn mặc Tử. Người nghệ sĩ này phát hiện cái đẹp, vĩnh cửu hóa
cái đẹp đến muôn đời. Ta có cảm giác như ở đây có một cuộc đuổi bắt
giữa người nghệ sĩ và cái đẹp đêm trăng huyền ảo xứ Huế: Thuyền ai chở
trăng trên dòng sông trăng có về “kịp” bến trăng vào “tối nay” chứ không
phải là một buổi tối khác.
Em cảm nhận như thế nào về tâm trạng của nhà thơ? (Câu hỏi cảm
xúc nghệ thuật)
+ Mặc cảm chia lìa và sự mong chờ da diết trong tâm hồn thi nhân…
2.2.3 Thao tác 3: Giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu khổ thơ thứ
ba

Với thao tác này, giáo viên sử dụng phương pháp đọc sáng tạo, phương
pháp gợi tìm,phương pháp tái tạo, biện pháp đặt câu hỏi, biện pháp giảng,
bình để giúp học sinh tìm hiểu khổ thơ.
“Khách đường xa” với “em” được nhắc đến trong khổ thơ là ai?(Câu
hỏi chi tiết hình thức)
+ “Khách đường xa” vơi “em” là một. Đây là các kiểu của nhân vật trữ
tình. Đây cũng là người mà thi sĩ hướng tới. Nếu theo ngữ cảnh rộng thì
“khách đường xa” chính là tình người trong cuộc đời này. Câu thơ viết ra
từ một tình yêu: yêu đời, yêu sống mãnh liệt…
Em có ấn tượng gì về hình ảnh “ Áo em trắng quá” trong câu thơ
“Áo em trắng quá nhìn không ra” và hình ảnh “ Sương khói mờ nhân
ảnh” trong câu “ Ở đây sương khói mờ nhân ảnh? (câu hỏi cảm xúc
nghệ thuật)
+ “Áo em trắng quá” có thể cảm nhận được , tuy nhiên màu trắng ấy là
màu của tâm tưởng hơn là màu của hiện thực, màu gợi về từ trong ký ức
nên đó là màu của “mơ”, rất huyền ảo, đặc biệt từ “quá” ở đây nó đã
khẳng định vẻ đẹp của tâm hồn Huế khó có thể phai mờ.
+ “Sương khói mờ nhân ảnh”: Cảnh thật của xứ Huế trong những đêm
trăng . Thi sĩ mượn cảnh của thiên nhiên để diễn tả những suy nghĩ đầy
uẩn khúc và cả những hoài nghi của mình để từ đó đặt lên câu hỏi “ Ai
biết tình ai có đậm đà”.
Em hãy hình dung hình ảnh con người thôn Vĩ trong khổ thơ này?
(câu hỏi hình dung, tưởng tượng, tái hiện)
+ Con người thôn Vĩ hiện lên vừa thực vừa ảo, vừa thân thiết vừa xa xôi.
Mờ ảo vì là mơ là mộng, là “khách đường xa”, vì “nhìn không ra”.
Nhưng ngay trong sự nhạt nhòa ấy của tâm tưởng, vẻ đẹp tinh khiết của
tâm hồn Huế được hiện ra rất đời thực.Thân thiết vì đã trở thành kỷ niệm,
đã từng sống trong tâm tưởng, hình ảnh đó đã xa vời bởi lẽ không gian và
thời gian quá đỗi cách xa nên tất cả đều “mờ nhân ảnh”. Xa vời còn vì
mối tình cũng đã xa vời, mối tình trong quá khứ chưa hề được ước hẹn,

một mối tình hiện tại “anh” đã biết mình trong căn bệnh hiểm nghèo, một
mối tình trong tương lai thật là vô vọng.
Em hiểu thế nào về từ “ai” trong “Ai biết tình ai có đậm đà”. (câu
hỏi hiểu biết chi tiết hình thức tác phẩm)
+ Từ “ai” trong câu thơ là một đại từ phiếm chỉ , có thể hiểu theo hai
cách: “ai” có thể là là “anh”, là “em” hoặc là cả hai. Tuy nhiên, nỗi lo âu
chỉ thuộc về tác giả bởi khoảng cách không gian, thời gian , bởi trong quá
khứ chưa có một lời ước hẹn nên ai biết tình ai có đậm đà hay không.
+ Cái hay của câu thơ là ở chỗ, từ tình cảm riêng, tác giả đã viết nên tâm
trạng chung của bao lứa đôi xa cách. Tâm trạng của nhà thơ đã đạt đến độ
điển hình.
Em hình dung tâm trạng nhân vật trữ tình ở cuối bài thơ? (câu hỏi
hình dung, tái hiện, tưởng tượng)
+ Sự hoài nghi trong tâm trạng nhà thơ, đồng thời là sự thiết tha đối với
cuộc sống nhưng cũng đầy mặc cảm, đầy nỗi buồn đau.
Em có nhận xét gì về tứ thơ và bút pháp của bài thơ? (câu hỏi cấu
trúc hình thức tác phẩm)
+ Tứ thơ trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là hình ảnh thiên nhiên và con
người Vĩ Dạ. Cảm xúc vận động xung quanh tứ thơ ấy là nỗi lòng thương
nhớ bâng khuâng, với niềm hi vọng, tin yêu nhưng đầy uẩn khúc và mặc
cảm.
+ Để làm rõ tứ thơ ấy, bài thơ là sự kết hợp của nhiều bút pháp , bài thơ
vừa tả thực, vừa lãng mạn, vừa chân thực lại vừa trữ tình.
Tâm trạng của em thế nào sau khi đọc tác phẩm này?(Câu hỏi cảm
xúc vật chất)
Chú ý:
+ Sau mỗi câu hỏi giáo viên đưa ra, học sinh phụ thuộc vào loại câu hỏi
để trả lời. Sau mỗi câu trả lời của học sinh, giáo viên nhân xét, bổ sung
(nếu cần) sau đó tổng kết lại những kiến thức học sinh cần nắm được.
+ Trong qúa trình tổ chức hoạt động dạy học, giáo viên cần kết hợp linh

hoạt các phương pháp và biện pháp dạy học. Đặc biệt, giáo viên cần chú
ý “ giảng” – phân tích cho thật rõ nghĩa của các từ, các hình ảnh, các chi
tiết có ý ngĩa nghệ thuật cao, đồng thời lời bình của giáo viên đan xen
trong quá trình giảng phải hay, sâu sắc, dễ hiểu, có sức tác động cảm xúc
lớn, như vậy mới có thể gây hứng thú và khơi dậy niềm yêu thích văn
chương trong lòng học sinh.
+ Giáo viên cần có phương pháp dạy học phù hợp với loại thể, cụ thể là
loại tác phẩm trữ tình, do đó giáo viên cần hình thành cho các em những
năng lực cơ bản trong tiếp nhận văn chương như năng lực tri giác ngôn
ngữ, năng lực tái hiện hình tượng, năng lực cảm xúc thẩm mĩ…,hình
thành cho các em kỹ năng, kỹ xảo phân tích ngôn ngữ và hiện tượng văn
học…
Kết thúc bài dạy: Để tránh gây sự nhàm chán, giáo viên không nên thực
hiện thao tác “củng cố, dặn dò” trong dạy học các tác phẩm văn chương.
Giờ học đó kết thúc nhưng quá trình tìm tòi, sáng tạo và những vấn đề
hình tượng trong văn học vẫn lung linh phát triển, người đọc có thể tìm ra
những cách hiểu mới ở nhiều góc độ, do đó không nên kết thúc giờ học
một cách tùy tiện.
Phần kết thúc bài dạy có thể giáo viên đưa ra một câu hỏi, hoặc một
nhận xét nào đó, những câu hỏi – nhận xét…đó bên cạnh việc tổng hợp
lại vấn đề, nó còn để lại “dư âm”, “dư vị”…và kích thích niềm say mê
tìm tòi, khám phá trong lòng người học.

×