1
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP. HỒ CHÍ MINH
◘◘◘
LÊ NGUYÊN THANH
NGƯỜI BỊ THIỆT HẠI DO TỘI PHẠM GÂY RA TRONG TỐ
TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM
CHUYÊN NGÀNH: LUẬT HÌNH SỰ
MÃ SỐ: 62.38.40.01
TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SỸ LUẬT HỌC
TP HỒ CHÍ MINH, NĂM 2012
2
Công trình được hoàn thành tại Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí
Minh
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Thái Phúc
Phản biện 1:
Phản biện 2:
Phản biện 3:
Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Trường
họp tại: Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, số 2 Nguyễn Tất
Thành, Q.4, TP.HCM, vào hồi giờ ngày tháng năm
Có thể tìm hiểu luận án tại thư viện: Thư viện Trường Đại học
Luật TP.HCM, Thư viện quốc gia
3
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Theo Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam năm 2003, địa vị tố tụng
của người bị thiệt hại do tội phạm gây ra là người bị hại hoặc nguyên
đơn dân sự. So sánh với Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, Bộ luật tố
tụng hình sự năm 2003 đã quy định bổ sung thêm một số quyền của
người bị hại và nguyên đơn dân sự theo hướng nâng cao vai trò của
họ trong tố tụng hình sự, như quyền phát biểu, quyền tranh luận tại
phiên tòa, nhưng nhìn chung vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ.
Về mặt lý luận, mảng tri thức về người bị thiệt hại do tội phạm
gây ra trong tố tụng hình sự Việt Nam hầu như còn rất hạn chế do
chưa được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Vì thế, hoạt động
lập pháp và thực tiễn áp dụng pháp luật tố tụng hình sự chưa nhận
được sự hỗ trợ, định hướng về mặt khoa học.
Từ những hạn chế trong nhận thức và pháp luật thực định, thực
tiễn áp dụng pháp luật cũng gặp phải những khó khăn, sai lầm khi
xác định tư cách tham gia tố tụng của người bị hại và nguyên đơn
dân sự. Tình trạng bị vi phạm quyền và không đảm bảo thực hiện
nghĩa vụ của hai chủ thể này còn xảy ra. Ví dụ, tình trạng người bị
hại không được triệu tập tham gia tố tụng, triệu tập không đúng hoặc
được triệu tập quá trễ; sự khó khăn trong việc chủ động cung cấp
thông tin, tiếp cận vụ án, thực hiện quyền đề nghị; không được thông
báo về người tiến hành tố tụng; không có người đại diện hợp pháp,
người bảo vệ quyền lợi; kết quả điều tra không được thông báo;
không có cơ hội phát biểu, tranh luận dân chủ, công khai với các bên
4
tham gia tố tụng; vấn đề bồi thường thiệt hại không được chú ý từ
giai đoạn điều tra, giải quyết bồi thường theo yêu cầu không hợp lý;
công tác bảo vệ người bị hại trước nguy cơ bị trả thù còn xem nhẹ;
tình trạng xúc phạm danh dự, nhân phẩm và tiếp tục làm tổn thương
người bị hại trong quá trình giải quyết vụ án hình sự vẫn tồn tại. Tình
trạng đó đã làm cho người bị hại và nguyên đơn dân sự thật sự gặp
nhiều khó khăn khi tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi của mình,
đồng thời phần nào làm giảm hiệu quả giải quyết vụ án hình sự khi
không có sự tích cực tham gia tố tụng của họ.
Hiện nay, cải cách tư pháp ở Việt Nam có những phương hướng,
nhiệm vụ quan trọng, đó là “hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp,
đảm bảo tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và
bảo vệ quyền con người”, “nâng cao chất lượng tranh tụng tại các
phiên tòa xét xử”. Đây cũng là tiền đề tư tưởng để sửa đổi, bổ sung
các quy định liên quan đến bảo vệ người bị thiệt hại do tội phạm gây
ra nhằm nâng cao vị trí, vai trò tố tụng của chủ thể này trong tố tụng
hình sự. Có như vậy, một mặt sẽ bảo vệ được quyền của người bị hại
và nguyên đơn dân sự, mặt khác đảm bảo tranh tụng công khai, dân
chủ khi có sự thực hiện đầy đủ quyền tố tụng của các bên trong quá
trình giải quyết vụ án.
Với những lý do trên, việc chọn vấn đề “Người bị thiệt hại do tội
phạm gây ra trong tố tụng hình sự Việt Nam” làm luận án tiến sỹ
luật học là có tính cấp thiết.
2. Tình hình nghiên cứu
Ở các nước, nạn nhân trong tố tụng hình sự được chú ý nghiên
cứu từ những thập niên cuối của thế kỷ hai mươi. Tuy nhiên, số
5
lượng tài liệu viết về nạn nhân của tội phạm cũng còn hạn chế so với
những vấn đề khác của tố tụng hình sự. Ở Việt Nam, cũng không
phải là ngoại lệ khi chậm tiếp cận và nghiên cứu về những người bị
thiệt hại do tội phạm gây ra (bao gồm người bị hại và nguyên đơn
dân sự). Những điểm hạn chế chung trong các nghiên cứu khoa học
pháp lý ở Việt Nam về người bị thiệt hại do tội phạm gây ra, có thể
nhận thấy như sau:
- Các công trình, tài liệu nghiên cứu về người bị hại, nguyên đơn
dân sự thường tìm hiểu địa vị pháp lý của họ qua hệ thống các quyền
và nghĩa vụ được Bộ luật tố tụng hình sự quy định mà không lý giải
cơ sở của các quyền và nghĩa vụ tố tụng đó. Do đó, các tài liệu chưa
làm rõ được vai trò cơ bản của người bị hại và nguyên đơn dân sự
trong tố tụng hình sự.
- Việc nghiên cứu về người bị hại và nguyên đơn dân sự còn
manh mún, chia cắt ở phạm vi khái niệm, ở những quyền và nghĩa vụ
cụ thể của chủ thể, như khởi tố theo yêu cầu người bị hại, yêu cầu
bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra… Do đó, không thể đưa ra
những giải pháp đồng bộ để hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự về
loại chủ thể này.
- Nguyên đơn dân sự cũng là chủ thể được Bộ luật tố tụng hình sự
quy định là “bị thiệt hại do tội phạm gây ra”, có hệ thống quyền và
nghĩa vụ tương đương với người bị hại, có nhiều loại và rất khó xác
định để đưa vào hoạt động tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án
hình sự. Thế nhưng mảng tri thức khoa học về nguyên đơn dân sự
trong vụ án hình sự còn quá ít và cũng chỉ dừng lại ở mức độ bàn về
khái niệm nguyên đơn dân sự và phân biệt với người bị hại.
6
3. Mục tiêu, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu của luận án là nhằm làm rõ những vấn đề lý
luận về người bị thiệt hại do tội phạm gây ra trong tố tụng hình sự
cùng với những bất cập của pháp luật và thực tiễn giải quyết vụ án
hình sự, từ đó đưa ra kiến nghị đối với hoạt động lập pháp và hoạt
động áp dụng pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam.
Luận án tập trung nghiên cứu về người bị thiệt hại do tội phạm
gây ra theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, bao gồm người bị
hại và nguyên đơn dân sự.
Những thông tin, tư liệu được sử dụng để nghiên cứu chủ yếu
được thu thập từ năm 2003 cho đến nay, trong phạm vi cả nước.
Nhiệm vụ nghiên cứu của luận án là tập trung làm rõ những vấn
đề cơ bản như sau:
- Phân tích, làm sáng tỏ những vấn đề nhận thức về người bị thiệt
hại do tội phạm gây ra trong tố tụng hình sự ở khía cạnh lý luận và
pháp lý.
- Tìm hiểu tư liệu lịch sử tố tụng hình sự về nạn nhân của tội
phạm, đồng thời tham khảo xu hướng lập pháp và pháp luật tố tụng
hình sự hiện nay của một số nước trên thế giới.
- Phân tích các quyền và nghĩa vụ của người bị hại và nguyên đơn
dân sự,.
- Đánh giá thực trạng áp dụng BLTTHS Việt Nam để tìm hiểu
mức độ đảm bảo thực hiện quyền, nghĩa vụ của người bị hại và
nguyên đơn dân sự.
7
- Đưa ra những kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về người bị hại và nguyên đơn dân
sự.
4. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp luận: chủ nghĩa duy vật biện chứng, duy vật lịch sử,
quan điểm của Đảng, nhà nước về cải cách tư pháp, bảo vệ quyền
con người.
Phương pháp nghiên cứu cụ thể: Phương pháp lịch sử; phương
pháp so sánh; phương pháp phân tích; phương pháp tổng hợp;
phương pháp phiếu điều tra xã hội học; phương pháp nghiên cứu vụ
án điển hình; phương pháp tham khảo các tư liệu trong các công
trình đã công bố; phương pháp thống kê, tổng hợp các số liệu trong
những báo cáo của ngành kiểm sát, của một số địa phương
5. Điểm mới của luận án
Thứ nhất, luận án nghiên cứu người bị thiệt hại do tội phạm gây
ra trong tố tụng hình sự không chỉ có người bị hại mà còn có nguyên
đơn dân sự. Hai chủ thể này tuy có địa vị tố tụng khác nhau nhưng
“gần” nhau và cùng bị chi phối bởi dấu hiệu đặc trưng: “bị thiệt hại
do tội phạm gây ra”. Chính vì vậy, trong nội dung nghiên cứu có sự
liên hệ, so sánh các dấu hiệu pháp lý giữa người bị hại với nguyên
đơn dân sự, đồng thời phân biệt với các chủ thể khác trong tố tụng
hình sự.
Thứ hai, cách tiếp cận quyền, nghĩa vụ của người bị hại và
nguyên đơn dân sự xuất phát từ vị trí, vai trò của hai chủ thể này
trong tố tụng hình sự. Trên cơ sở đó, luận án trình bày quyền, nghĩa
vụ của người bị hại và nguyên đơn dân sự theo nhóm quyền, nghĩa
8
vụ cơ bản và nhóm các quyền, nghĩa vụ khác. Mặt khác, các quyền,
nghĩa vụ của người bị hại và nguyên đơn dân sự được đề cập trong
luận án không chỉ trong phạm vi các Điều 51 và Điều 52 mà còn liên
quan với nhiều điều luật khác của Bộ luật tố tụng hình sự.
Thứ ba, những kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ
luật tố tụng hình sự nhằm thực hiện tốt hơn vai trò của người bị hại
và nguyên đơn dân sự, đảm bảo quyền con người, đồng thời đáp ứng
yêu cầu cải cách tư pháp ở nước ta. Những kiến nghị này là phù hợp
với xu hướng cải cách hệ thống tố tụng hình sự của các nước trên thế
giới, trong đó có sự cải thiện vị trí, vai trò nạn nhân của tội phạm. Vì
thế, nội dung các kiến nghị mang tính thời sự.
6. Ý nghĩa khoa học của luận án
Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ làm phong phú thêm khoa học
luật tố tụng hình sự ở nước ta.
Những kiến nghị trong luận án có thể có ích cho hoạt động lập
pháp hiện nay ở Việt Nam, là tài liệu tham khảo tin cậy đối với
những người tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình
sự.
Luận án sẽ là nguồn tài liệu có ích cho hoạt động học tập, nghiên
cứu, giảng dạy của sinh viên, giảng viên trong các trường đào tạo
luật học và bạn đọc quan tâm.
7. Cơ cấu của luận án.
Luận án có kết cấu gồm các phần: Lời nói đầu, nội dung có 3
chương, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo.
- Chương 1. Lý luận chung về người bị thiệt hại do tội phạm gây
ra trong tố tụng hình sự.
9
- Chương 2. Quyền và nghĩa vụ của người bị thiệt hại do tội phạm
gây ra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.
- Chương 3. Thực trạng áp dụng pháp luật và kiến nghị sửa đổi,
bổ sung các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về người
bị thiệt hại do tội phạm gây ra.
Chương 1- Lý luận chung về người bị thiệt hại do tội phạm gây
ra trong tố tụng hình sự
1.1. Khái niệm thiệt hại do tội phạm gây ra và người bị thiệt hại
do tội phạm gây ra trong tố tụng hình sự
1.1.1. Khái niệm thiệt hại do tội phạm gây ra
Thiệt hại do tội phạm gây ra là những thiệt hại về thể chất, tinh
thần, tài sản và tình trạng mất trật tự, an toàn xã hội, trật tự pháp luật.
Đó là những thiệt hại đáng kể cho các quan hệ xã hội bị tội phạm
xâm phạm. Thiệt hại do tội phạm gây ra bao gồm những thiệt hại
trực tiếp và thiệt hại gián tiếp.
1.1.2. Khái niệm người bị thiệt hại do tội phạm gây ra trong tố
tụng hình sự
Người bị thiệt hại do tội phạm gây ra trong tố tụng hình sự
(TTHS): là cá nhân, tổ chức bị thiệt hại hoặc đe dọa bị thiệt hại đáng
kể về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra và được cơ quan
có thẩm quyền tiến hành tố tụng (THTT) công nhận.
1.2. Người bị thiệt hại do tội phạm gây ra theo quy định của Bộ
luật tố tụng hình sự năm 2003
1.2.1. Người bị hại
Khái niệm pháp lý về người bị hại được quy định tại khoản 1
Điều 51 BLTTHS.
10
Về mặt khoa học, ngoài cá nhân, cần thừa nhận pháp nhân và kể
cả tổ chức không có tư cách pháp nhân cũng là người bị hại trong
trường hợp bị thiệt hại trực tiếp về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra.
Dấu hiệu “đã thực tế bị thiệt hại” không phải là dấu hiệu bắt buộc
của người bị hại. Chỉ cần có hành vi phạm tội đe dọa gây ra thiệt hại
cho một người được xác định thì người đó là người bị hại. Thiệt hại
của người bị hại là thiệt hại trực tiếp do tội phạm gây ra. Ngoài ra,
người bị hại có thể có thêm thiệt hại gián tiếp. Người bị hại được cơ
quan có thẩm quyền THTT công nhận tư cách tham gia tố tụng của
họ.
Như vậy, người bị hại là cá nhân, tổ chức bị tội phạm trực tiếp
gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại về thể chất, tinh thần,
tài sản. Người bị hại được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố
tụng công nhận khi xác định có dấu hiệu thiệt hại.
1.2.2. Nguyên đơn dân sự
Khái niệm pháp lý về nguyên đơn dân sự được quy định tại khoản
1 Điều 52 BLTTHS năm 2003.
BLTTHS không nêu rõ loại thiệt hại, nhưng về mặt khoa học,
ngoài thiệt hại vật chất, cần thừa nhận thiệt hại tinh thần (uy tín),
thiệt hại thể chất (nhẹ) của nguyên đơn dân sự. Thiệt hại của nguyên
đơn dân sự là thiệt hại gián tiếp. Để được công nhận là nguyên đơn
dân sự, cá nhân, tổ chức thực tế đã bị thiệt hại.
Như vậy, nguyên đơn dân sự là cá nhân, tổ chức đã bị tội phạm
gián tiếp gây ra thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản và có đơn yêu
cầu bồi thường thiệt hại.
11
1.3. Vị trí, vai trò của người bị thiệt hại do tội phạm gây ra
trong tố tụng hình sự Việt Nam
1.3.1. Vị trí của người bị hại và nguyên đơn dân sự trong tố tụng
hình sự Việt Nam
Thứ nhất, nếu tiếp cận vị trí của người bị hại và nguyên đơn dân
sự theo pháp luật TTHS Việt Nam hiện nay thì hai chủ thể này ở vị
trí của những người tham gia tố tụng. Khác với nhóm cơ quan
THTT, người THTT.
Theo cách tiếp cận thứ hai về vị trí của chủ thể trong TTHS chủ
yếu dựa vào mục đích và định hướng tham gia tố tụng của chủ thể.
Người bị thiệt hại do tội phạm gây ra (người bị hại, nguyên đơn dân
sự) có vị trí tố tụng đối lập với nhóm chủ thể gây ra thiệt hại (bị truy
cứu trách nhiệm hình sự, dân sự). Những người bị thiệt hại do tội
phạm gây ra có thể được coi là cùng bên với Cơ quan điều tra, Viện
kiểm sát trong TTHS nhưng có cũng địa vị tố tụng độc lập với hai cơ
quan này. Trước Tòa án, người bị thiệt hại do tội phạm gây ra được
coi là một bên tranh tụng thực hiện quyền buộc tội, quyền yêu cầu
bồi thường thiệt hại.
1.3.2. Vai trò của người bị hại và nguyên đơn dân sự trong tố tụng
hình sự Việt Nam
Là chủ thể có quyền buộc tội nhân danh cá nhân (quyền của
người bị hại) đồng thời với quyền yêu cầu bồi thường, khắc phục
thiệt hại do tội phạm gây ra (quyền của người bị hại và nguyên đơn
dân sự). Hai là, chủ thể có nghĩa vụ khai báo trung thực trong TTHS
với lý do biết được thông tin về tội phạm, người phạm tội. Vai trò đó
giống như người làm chứng.
12
1.4. Người bị thiệt hại do tội phạm gây ra trong lịch sử tố
tụng hình sự và trong luật tố tụng hình sự của một số nước trên
thế giới
1.4.1. Người bị thiệt hại do tội phạm gây ra trong lịch sử tố tụng
hình sự
1.4.2. Người bị thiệt hại do tội phạm gây ra trong luật tố tụng hình
sự của một số nước trên thế giới.
Chương 2 – Quyền và nghĩa vụ của người bị thiệt hại do tội
phạm gây ra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003
2.1. Quyền buộc tội của người bị hại, quyền yêu cầu bồi
thường thiệt hại của người bị hại và nguyên đơn dân sự
2.1.1. Quyền buộc tội của người bị hại
Quyền buộc tội nhân danh cá nhân được coi là quyền cơ bản và
đặc trưng của người bị hại.
Quyền buộc tội của người bị hại trong TTHS Việt Nam trước hết
được thể hiện trong những vụ án mà BLTTHS quy định chỉ được
khởi tố theo yêu cầu của người bị hại (xem Điều 105 BLTTHS). Đó
quyền yêu cầu (rút yêu cầu khởi tố vụ án), quyền trình bày lời buộc
tội tại phiên tòa như một thủ tục tố tụng bắt buộc trong những vụ án
quy định khởi tố theo yêu cầu người bị hại. Những vụ án còn lại,
người bị hại cũng có quyền buộc tội qua việc trình bày quan điểm
của mình về trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo và kháng cáo
về hình phạt đối với bị cáo.
2.1.2. Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị hại và
nguyên đơn dân sự
13
Sở dĩ xem quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị hại và
nguyên đơn dân sự là quyền quan trọng, cơ bản, bởi vì nó đáp ứng
được động cơ, mục đích chủ yếu của hai chủ thể này trong TTHS.
Theo BLTTHS năm 2003, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của
người bị hại và nguyên đơn dân sự theo thủ tục TTHS được đảm bảo
trước tiên bằng nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình
sự (Điều 28).
Người bị hại có quyền yêu cầu bị can, bị cáo bồi thường thiệt hại
về thể chất, tinh thần, tài sản.
Người bị hại có quyền yêu cầu bị đơn dân sự bồi thường thiệt hại
trong các trường hợp sau:
- Người bị hại yêu cầu bị đơn dân sự là cha mẹ (hoặc người đại
diện hợp pháp) của bị can, bị cáo chưa thành niên bồi thường thiệt
hại.
- Người bị hại yêu cầu bị đơn dân sự (là tổ chức) bồi thường thiệt
hại trong trường hợp thành viên (bị can, bị cáo) phạm tội khi thi hành
nhiệm vụ do tổ chức giao.
- Người bị hại yêu cầu bị đơn dân sự là chủ phương tiện vận tải
(nguồn nguy hiểm cao độ) bồi thường thiệt hại cho người bị hại khi
người lái xe thực hiện công việc được chủ phương tiện giao, vi phạm
luật lệ giao thông gây ra.
- Người bị hại yêu cầu bị đơn dân sự (là bị can được miễn trách
nhiệm hình sự trong giai đoạn điều tra) liên đới cùng với bị cáo
(đồng phạm) bồi thường thiệt hại.
Nguyên đơn dân sự có quyền yêu cầu bị can, bị cáo bồi thường
thiệt hại trong các trường hợp sau:
14
- Nguyên đơn dân sự là cá nhân, tổ chức yêu cầu bị can, bị cáo
bồi thường thiệt hại tài sản, thể chất do tội phạm gián tiếp gây ra
thiệt hại đó.
- Nguyên đơn dân sự là người sống phụ thuộc người bị hại (chết)
yêu cầu bị can, bị cáo bồi thường thiệt hại do thu nhập bị mất hoặc bị
giảm sút vì không còn trợ cấp, nuôi dưỡng của người bị hại.
- Nguyên đơn dân sự là người thân thích của người bị hại (chết)
yêu cầu bị can, bị cáo bồi thường thiệt hại về tinh thần.
Nguyên đơn dân sự có quyền yêu cầu bị đơn dân sự bồi thường
thiệt hại trong các trường hợp:
- Nguyên đơn dân sự là cá nhân, tổ chức yêu cầu bị đơn dân sự (là
cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo chưa thành
niên) bồi thường thiệt hại.
- Nguyên đơn dân sự là cá nhân, tổ chức yêu cầu bị đơn dân sự
(trong giai đoạn điều tra là bị can nhưng được miễn trách nhiệm hình
sự) có trách nhiệm liên đới với bị cáo (đồng phạm) bồi thường thiệt
hại do bị can, bị cáo gây ra.
- Nguyên đơn dân sự là người sống phụ thuộc người bị hại (chết)
yêu cầu bị đơn dân sự là cha, mẹ (hoặc người giám hộ) của bị can, bị
cáo chưa thành niên bồi thường thiệt hại tài sản do mất hoặc bị giảm
sút thu nhập khi không còn sự trợ cấp, nuôi dưỡng của người bị hại.
- Nguyên đơn dân sự là người thân thích của người bị hại (chết)
yêu cầu bị đơn dân sự là cha, mẹ (hoặc người giám hộ) của bị can, bị
cáo chưa thành niên bồi thường thiệt hại tinh thần.
Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, người bị hại và nguyên
đơn dân sự có quyền đề nghị mức bồi thường và các biện pháp bảo
15
đảm bồi thường (điểm d khoản 2 Điều 51, điểm d khoản 2 Điều 52
BLTTHS năm 2003).
Người bị hại và nguyên đơn dân sự có quyền kháng cáo bản án,
quyết định của Tòa án về phần bồi thường (điểm e khoản 2 Điều 51
và điểm g khoản 2 Điều 52 BLTTHS).
Bàn về quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị hại và
nguyên đơn dân sự cũng cần đề cập đến nghĩa vụ chịu án phí dân sự
nếu phần yêu cầu bồi thường của họ không được Tòa án chấp nhận.
2.2. Nghĩa vụ khai báo trung thực của người bị hại và nguyên
đơn dân sự
Người bị hại và nguyên đơn dân sự còn tham gia tố tụng với tư
cách chủ thể có nghĩa vụ đối với nhà nước. Đó là nghĩa vụ khai báo
trung thực. Với nghĩa vụ này, người bị hại và nguyên đơn dân sự có
một vai trò khác của trong TTHS, vai trò tương tự người làm chứng.
BLTTHS năm 2003 quy định như sau:
- “Người bị hại phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều
tra, Viện kiểm sát, Tòa án; nếu từ chối khai báo mà không có lý do
chính đáng thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 308
BLTTHS” (khoản 4 Điều 51).
- “Nguyên đơn dân sự phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ
quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và trình bày trung thực những
tình tiết liên quan đến việc đòi bồi thường thiệt hại” (khoản 3 Điều
52).
Khoản 3 Điều 52 quy định rõ nghĩa vụ trình bày lời khai trung
thực của nguyên đơn dân sự, trong khi nghĩa vụ khai báo của người
bị hại được suy ra từ khả năng (có thể) bị truy cứu trách nhiệm hình
16
sự nếu người bị hại từ chối khai báo. Nghĩa vụ khai báo của người bị
hại và nguyên đơn dân sự là khai báo trung thực mà không phải bất
kỳ lời khai báo nào cũng được chấp nhận.
Khi quy định nghĩa vụ khai báo trung thực của người bị hại và
nguyên đơn dân sự, nhà làm luật cũng quy định biện pháp xử lý
người bị hại từ chối thực hiện nghĩa vụ khai báo. Hiện nay, lý do nào
được coi là chính đáng để người bị hại không bị truy cứu trách nhiệm
hình sự theo Điều 308 nếu họ từ chối khai báo không được giải thích
rõ ràng.
Việc quy định nghĩa vụ khai báo cũng sẽ phát sinh những quyền
khác của người bị hại và nguyên đơn dân sự chưa được quy định cụ
thể, như quyền yêu cầu bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự
nhân phẩm, tài sản của người bị hại và nguyên đơn dân sự; quyền
được bảo vệ thông tin cá nhân, quyền được thanh toán chi phí tham
gia tố tụng của người bị hại theo yêu cầu của cơ quan THTT…
2.3. Các quyền, nghĩa vụ khác của người bị hại và nguyên
đơn dân sự
Bên cạnh các quyền và nghĩa vụ tố tụng cơ bản của người bị hại
và nguyên đơn dân sự, BLTTHS còn quy định những quyền và nghĩa
vụ tố tụng khác. Nội dung, mục đích của các quyền và nghĩa vụ tố
tụng này mặc dù không trực tiếp hướng đến việc buộc tội, yêu cầu
bồi thường thiệt hại hoặc cung cấp chứng cứ theo yêu cầu của cơ
quan THTT để giải quyết vụ án nhưng nó đảm bảo cho người bị hại
và nguyên đơn dân sự thực hiện hiệu quả các quyền và nghĩa vụ cơ
bản và góp phần bảo vệ quyền con người trong TTHS nói chung.
Những quyền, nghĩa vụ tố tụng thuộc loại này bao gồm: quyền đưa
17
ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu; quyền phát biểu, tranh luận tại phiên tòa;
quyền được thông báo kết quả điều tra, quyền đề nghị thay đổi người
THTT, quyền khiếu nại các quyết định, hành vi của cơ quan THTT,
người THTT, quyền có người đại diện hợp pháp; quyền nhờ người
bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan
điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.
Chương 3 – Thực trạng áp dụng pháp luật và kiến nghị sửa đổi,
bổ sung các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về
người bị thiệt hại do tội phạm gây ra
3.1. Thực trạng áp dụng các quy định của Bộ luật tố tụng hình
sự năm 2003 về người bị thiệt hại do tội phạm gây ra
Nhìn chung, các cơ quan có thẩm quyền THTT có sự vận dụng
các quy định của BLTTHS về người bị thiệt hại do tội phạm gây ra
khi giải quyết vụ án hình sự. Quyền và nghĩa vụ của người bị hại và
nguyên đơn dân sự trong TTHS cũng đã được các cơ quan THTT
đảm bảo thực hiện ở mức cơ bản. Tuy nhiên, cũng còn nhiều hạn chế
trong thực tiễn áp dụng các quy định của luật TTHS về người bị hại
và nguyên đơn dân sự cần được khắc phục cùng với sự hoàn thiện
pháp luật TTHS trong tương lai. Có thể nêu ra một số hạn chế như
sau:
Thứ nhất, cơ quan THTT có những sai lầm trong việc xác định tư
cách người bị hại và nguyên đơn dân sự.
Thứ hai, quyền của người bị hại và nguyên đơn dân sự vẫn chưa
được đảm bảo thực hiện.
Trước hết, tình trạng có người bị hại nhưng không được triệu tập
tham gia phiên tòa; Người bị hại không được giải thích kịp thời về
18
quyền và nghĩa vụ. Trong giai đoạn điều tra, có nhiều trường hợp Cơ
quan điều tra không chủ động thông báo cho người bị hại và nguyên
đơn dân sự về kết quả điều tra Trong nhiều phiên tòa, người bị hại
chỉ được hỏi về mức yêu cầu bồi thường thiệt hại để tòa án quyết
định.
Thứ ba, những sai sót trong hoạt động lấy lời khai cũng làm ảnh
hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ khai báo của người bị hại
Thực tiễn tố tụng còn cho thấy nhiều trường hợp cơ quan THTT
làm thiệt hại thêm cho người bị hại bằng thái độ thiếu tôn trọng, đưa
ra câu hỏi thiếu tế nhị, áp đặt làm cho người bị hại bị tổn thương.
Thứ tư, công tác bảo vệ sự an toàn tính mạng, sức khoẻ, danh dự,
nhân phẩm, tài sản cho người bị hại và nguyên đơn dân sự chưa tốt.
Thứ năm, do hạn chế về ý thức pháp luật của người bị hại và
nguyên đơn dân sự nên việc thực hiện quyền, nghĩa vụ chưa đầy đủ
trong khi cơ quan THTT không có những biện pháp để đảm bảo.
3.2. Quan điểm định hướng việc sửa đổi, bổ sung các quy
định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về người bị thiệt hại
do tội phạm gây ra
3.2.1. Cải cách tư pháp ở Việt Nam với việc sửa đổi, bổ sung các
quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về người bị thiệt hại
do tội phạm gây ra
Tranh tụng theo chủ trương cải cách tư pháp sẽ được hoàn thiện
hơn nếu có sự tham gia đầy đủ của hình thức buộc tội cá nhân bên
cạnh buộc tội nhân danh nhà nước.
3.2.2. Vấn đề bảo vệ quyền con người của người bị hại và xu
hướng lập pháp của các nước trên thế giới trước yêu cầu sửa đổi, bổ
19
sung Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về người bị thiệt hại do tội
phạm gây ra
Vấn đề cải cách địa vị pháp lý nạn nhân của tội phạm là một trong
những khía cạnh của cải cách hệ thống tư pháp hình sự trên thế giới.
Xu hướng chung của cải cách này là tìm kiếm biện pháp bảo vệ nạn
nhân, khôi phục quyền lợi của nạn nhân và tạo điều kiện cho nạn
nhân tham gia tích cực, chủ động hơn trong TTHS.
Ở phạm vi quốc gia, cuối thế kỷ XX, pháp luật của các nước bắt
đầu bổ sung những quy định có tính bảo vệ nạn nhân của tội phạm
trong luật TTHS hoặc trong những đạo luật riêng.
3.3. Những kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ
luật tố tụng hình sự năm 2003 về người bị thiệt hại do tội phạm
gây ra
3.3.1. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung khái niệm pháp lý về người bị hại
và nguyên đơn dân sự
Đề nghị bổ sung, sửa đổi khái niệm người bị hại (Điều 51) và
nguyên đơn dân sự (Điều 52) trong BLTTHS như sau:
Điều 51. Người bị hại
1. Người bị hại là cá nhân, tổ chức bị tội phạm trực tiếp gây
ra thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài
sản. Người bị hại được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng
công nhận khi xác định có dấu hiệu thiệt hại.
2…
Điều 52. Nguyên đơn dân sự
20
1. Nguyên đơn dân sự là cá nhân, tổ chức đã bị tội phạm gián
tiếp gây ra thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản và có đơn yêu cầu
bồi thường thiệt hại.
2. …
3.3.2. Kiến nghị bổ sung, sửa đổi Điều 51 và Điều 52 BLTTHS về
một số quyền, nghĩa vụ cơ bản của người bị hại và nguyên đơn dân
sự
Thứ nhất, cần sửa đổi, bổ sung một số quyền của người bị hại có
nội dung buộc tội.
- Bổ sung vào khoản 2 Điều 51 BLTTHS quyền của người bị hại
“buộc tội đối với bị can, bị cáo”. Đồng thời sửa đổi, bổ sung điểm đ
khoản 2 Điều 51: người bị hại có quyền “tham gia phiên tòa; trình
bày ý kiến, tranh luận tại phiên tòa về việc truy cứu trách nhiệm hình
sự đối với bị cáo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.
- Sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 2 Điều 51 về phạm vi kháng cáo
phần trách nhiệm hình sự trong bản án. Nội dung đề nghị sửa đổi, bổ
sung điểm e khoản 2 Điều 51 như sau:…“kháng cáo bản án, quyết
định của Tòa án về phần bồi thường cũng như tội phạm bị xét xử và
hình phạt được tuyên đối với bị cáo”.
- Đối với vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại cần sửa đổi,
bổ sung khoản 2 Điều 105 BLTTHS theo hướng mở rộng thời điểm
thực hiện quyền rút yêu cầu khởi tố vụ án cho đến trước khi Hội
đồng xét xử sơ thẩm nghị án. Nội dung đề nghị cụ thể như sau:
Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án
phải được đình chỉ. Tại phiên tòa sơ thẩm, nếu người yêu cầu rút yêu
cầu trước khi nghị án thì phải chịu án phí hình sự theo quy định.
21
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của
người bị hại và nguyên đơn dân sự tại điểm d khoản 2 Điều 51 và
điểm d khoản 2 Điều 52. Cần thay cụm từ “đề nghị mức bồi thường”
bằng “đề nghị bồi thường thiệt hại”. Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung
thời hạn nguyên đơn dân sự gửi đơn yêu cầu giải quyết bồi thường
thiệt hại.
Thứ ba, bổ sung nghĩa vụ “khai báo trung thực” của người bị hại
tại khoản 4 Điều 51 trước khi quy định trách nhiệm hình sự đối với
hành vi từ chối khai báo. Mặt khác, cũng cần bổ sung quy định cấm
khai báo gian dối như đã quy định đối với người làm chứng.
Bên cạnh đó, cần quy định bổ sung vào Điều 51 và Điều 52
BLTTHS quyền được miễn thực hiện nghĩa vụ khai báo của người bị
hại và nguyên đơn dân sự nếu lời khai có nội dung chống lại chính
họ và người thân thích của họ, đồng thời bỏ điều kiện có nội dung
chung chung “nếu từ chối khai báo mà không có lý do chính đáng”
của người bị hại.
3.3.3. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quyền và nghĩa vụ khác
của người bị hại và nguyên đơn dân sự
- Bổ sung quy định: người bị hại mất tích, người bị hại là người
chưa thành niên, người bị hại là người có nhược điểm về tâm thần
hoặc thể chất thì người đại diện hợp pháp có những quyền của người
bị hại. Để đồng bộ, BLTTHS cũng phải bổ sung một quy định riêng
về người đại diện hợp pháp trong TTHS (bổ sung một chủ thể mới
trong TTHS). Như vậy, sau khi sửa đổi, bổ sung, khoản 5 Điều 51 có
nội dung như sau: “Trong trường hợp người bị hại chết, người bị hại
mất tích, người bị hại là người chưa thành niên, người bị hại là
22
người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì người đại diện
hợp pháp có những quyền quy định tại Điều này”.
- Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 51 và điểm b khoản 2
Điều 52 BLTTHS như sau: Quyền được nhận kết luận điều tra và kết
quả các hoạt động điều tra khác; bản sao các quyết định: khởi tố vụ
án, khởi tố bị can, đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ điều tra, nhập hoặc
tách vụ án để điều tra; bản sao cáo trạng và quyết định đình chỉ
hoặc tạm đình chỉ vụ án của Viện kiểm sát.
Để quyền của người bị hại và nguyên đơn dân sự được đảm bảo
thực hiện, cần bổ sung nghĩa vụ của cơ quan THTT giao bản sao các
quyết định và các loại văn bản trên cho người bị hại, nguyên đơn dân
sự tại các Điều 117, Điều 160 (đối với nguyên đơn dân sự), Điều
162, Điều 166.
- Bổ sung quyền được thông báo về những người tiến hành tố
tụng, người giám định, người phiên dịch tại điểm c khoản 2 Điều 51
và điểm c khoản 2 Điều 52.
- Bổ sung quyền nhờ người bảo vệ quyền lợi của người bị hại và
nguyên đơn dân sự tại khoản 2 Điều 51 và khoản 2 Điều 52. Để đồng
bộ, khoản 1 Điều 59 nên sửa lại: Người bảo vệ quyền lợi của đương
sự là luật sư, bào chữa viên nhân dân hoặc người khác được người
bị hại, nguyên đơn dân sự… nhờ bảo vệ quyền lợi cho mình và được
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án chấp nhận.
- Bổ sung vào khoản 2 Điều 51 như sau: người bị hại là người
chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất,
nếu có yêu cầu nhưng không tự mời được người bảo vệ quyền lợi thì
theo đề nghị của họ hoặc người đại diện hợp pháp, cơ quan THTT có
23
trách nhiệm mời người bảo vệ quyền lợi từ nguồn ngân sách nhà
nước
1
.
- Bổ sung vào Điều 51 và Điều 52 quyền yêu cầu bảo vệ an toàn
cho người bị hại và nguyên đơn dân sự.
- Bổ sung quy định: người bị hại được thanh toán chi phí đi lại và
chi phí khác phát sinh khi phải tham gia tố tụng theo triệu tập của cơ
quan THTT.
- Bổ sung quyền “yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố
tụng bảo vệ thông tin cá nhân” và quyền “yêu cầu Tòa án xét xử kín
để bảo vệ lợi ích chính đáng” của người bị hại và nguyên đơn dân sự
tại khoản 2 Điều 51 và khoản 2 Điều 52 BLTTHS.
3.3.4. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số trình tự, thủ tục tố tụng và
những đảm bảo nhằm thực hiện quyền, nghĩa vụ của người bị hại và
nguyên đơn dân sự
Thứ nhất, bổ sung quy định về sự có mặt của họ tại phiên tòa
(Điều 191) như sau :
Điều 191
1. Người bị hại, nguyên đơn dân sự, được triệu tập tham
gia phiên tòa.
2. Nếu người bị hại, nguyên đơn dân sự vắng mặt
3. Nếu thấy sự vắng mặt của người bị hại, nguyên đơn dân
sự, chỉ trở ngại cho việc giải quyết vấn đề bồi thường
1
Đề nghị này nhận được sự đồng tình của 71% của 341 ý kiến (thẩm phán
và cán bộ tòa án) được hỏi và 67% ý kiến (của 266 điều tra viên, kiểm sát
viên, cán bộ kiểm sát) được hỏi.
24
Thứ hai, đối với trường hợp vụ án khởi tố theo yêu cầu người bị
hại, cần bổ sung thủ tục trình bày lời buộc tội tại phiên tòa của người
bị hại (khoản 3 Điều 51). Cụ thể: “Trong trường hợp vụ án được khởi
tố theo yêu cầu người bị hại quy định tại Điều 105 của Bộ luật này
thì người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày lời
buộc tội tại phiên tòa sau khi kết thúc việc xét hỏi”.
Thứ ba, sửa đổi trình tự xét hỏi (Điều 207 BLTTHS). Khoản 2
Điều 207 BLTTHS cần được sửa đổi như sau: “Khi xét hỏi từng
người, Kiểm sát viên hỏi trước rồi đến người bảo vệ quyền lợi của
người bị hại. Những người tham gia tố tụng có lợi ích bị tội phạm
gây ra thiệt hại có quyền đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về
những tình tiết của vụ án. Tiếp theo là người bào chữa hỏi; bị cáo,
người đại diện hợp pháp hoặc có nghĩa vụ bồi thường có quyền đề
nghị chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết của vụ án. Người
giám định được hỏi về những vấn đề có liên quan đến việc giám
định. Thẩm phán và các hội thẩm tham gia xét hỏi nếu thấy cần
thiết”.
Thứ tư, sửa đổi bổ sung trình tự phát biểu khi tranh luận (Điều
217 BLTTHS. Điều 217 cần được sửa như sau:
1. Sau khi kết thúc việc xét hỏi tại phiên tòa, kiểm sát viên trình
bày lời luận tội, đề nghị kết tội bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử
tuyên bố bị cáo không có tội (giữ nguyên đoạn 1 khoản 1 Điều 217,
bỏ đoạn 2 khoản 1 điều 217).
Nếu vụ án khởi tố theo yêu cầu người bị hại thì người bị hại trình
bày lời buộc tội trước, Kiểm sát viên trình bày lời luận tội sau.
25
2. Người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày lời
buộc tội bổ sung và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu có người bảo
vệ quyền lợi thì người này phát biểu trước. Nguyên đơn dân sự trình
bày yêu cầu bồi thường thiệt hại.
3. Bị cáo trình bày lời bào chữa
4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người
đại diện hợp pháp của họ được trình bày ý kiến để bảo vệ quyền và
lợi ích của mình
Bên cạnh những kiến nghị hoàn thiện BLTTHS năm 2003, những
người THTT cũng phải đảm bảo điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa
vụ của người bị hại và nguyên đơn dân sự trong quá trình giải quyết
vụ án hình sự. Bởi lẽ nếu chỉ có hoàn thiện BLTTHS nhưng cơ quan
có thẩm quyền áp dụng pháp luật thiếu trách nhiệm thì mọi nỗ lực
lập pháp đều vô ích.