VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
TRƯƠNG THỊ THU HÀ
ĐẶC ĐIỂM NGỮ NGHĨA-NGỮ PHÁP
CỦA VỊ TỪ QUÁ TRÌNH TIẾNG VIỆT
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
HÀ NỘI 2013
VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
TRƯƠNG THỊ THU HÀ
ĐẶC ĐIỂM NGỮ NGHĨA-NGỮ PHÁP
CỦA VỊ TỪ QUÁ TRÌNH TIẾNG VIỆT
Chuyên ngành: Lí luận ngôn ngữ
Mã số: 62 22 01 01
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS TS Nguyễn Hồng Cổn
HÀ NỘI 2013
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi.
Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực, minh bạch và chưa
được ai công bố trong bất cứ công trình nào khác.
Hà Nội, ngày 06 tháng 07 năm 2013
Tác giả luận án
Trương Thị Thu Hà
DANH MỤC CÁC KÍ HIỆU, CÁC CHỮ VIẾT TẮT
1. Các kí hiệu
Dấu (*): biểu thị câu không đúng ngữ pháp hay câu bất thường.
Dấu (!?): câu có thể xuất hiện trong một (một số) ngữ cảnh nào đó.
2. Các chữ viết tắt
BN: Bổ ngữ
BNĐ: Bổ ngữ Đích
BNĐT: Bổ ngữ Đối thể
BNKQ: Bổ ngữ Kết quả
BNM: Bổ ngữ Mốc
BNN: Bổ ngữ Nguồn
BNNN: Bổ ngữ Nguyên nhân
BT: Bị thể
CN: Chủ ngữ
CT: chuyển thái
CTCP: cấu trúc cú pháp
CTTT: cấu trúc tham tố
CV: chuyển vị
DV: diệt vong
ĐN: Định ngữ
ĐT: Đối thể
KN: Khởi ngữ
KQ: Kết quả
LĐT: Liên đới thể
NS: nảy sinh
QT: Quá thể
TN: Trạng ngữ
TTh: Tạo thể
TTN: Tình thái ngữ
VTQT: Vị từ quá trình
i
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 1
0.1. TỔNG QUAN 1
0.2. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI 5
0.3. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU 6
0.4. NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU 6
0.5. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU 7
0.6. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 8
0.7. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN 8
0.8. BỐ CỤC CỦA LUẬN ÁN 9
CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÍ THUYẾT 10
1.1. VỊ TỪ TRONG CẤU TRÚC NGỮ NGHĨA-NGỮ PHÁP CỦA CÂU 10
1.1.1. Quan điểm của các nhà Ngôn ngữ học trên thế giới 10
1.1.2. Quan điểm của các nhà Việt ngữ học 18
1.2. VỊ TỪ VÀ CÁC QUAN NIỆM VỀ VỊ TỪ TRONG TIẾNG VIỆT 25
1.2.1. Khuynh hướng coi vị từ là một phạm trù từ loại 25
1.2.2. Khuynh hướng coi vị từ là một phạm trù chức năng 28
1.3. VỊ TỪ QUÁ TRÌNH VÀ CÁC QUAN NIỆM VỀ VỊ TỪ QUÁ TRÌNH
TIẾNG VIỆT
31
1.3.1. Khái niệm vị từ quá trình 31
1.3.2. Các quan niệm về vị từ quá trình tiếng Việt 36
1.3.3. Quan điểm của tác giả luận án 37
1.4. TIỂU KẾT 38
CHƯƠNG 2. NHẬN DIỆN VÀ PHÂN LOẠI VỊ TỪ QUÁ TRÌNH
TIẾNG VIỆT
40
2.1. NHẬN DIỆN VỊ TỪ QUÁ TRÌNH TIẾNG VIỆT 40
2.1.1. Vấn đề nhận diện vị từ quá trình 40
2.1.2. Các tiêu chí nhận diện vị từ quá trình tiếng Việt 45
2.1.3. Quy trình nhận diện vị từ quá trình tiếng Việt 55
2.2. PHÂN LOẠI VỊ TỪ QUÁ TRÌNH TIẾNG VIỆT 55
2.2.1. Tiêu chí phân loại vị từ quá trình tiếng Việt 55
2.2.2. Các tiểu loại vị từ quá trình tiếng Việt 58
2.3. TIỂU KẾT 68
CHƯƠNG 3. ĐẶC ĐIỂM NGỮ NGHĨA-NGỮ PHÁP CỦA VỊ TỪ
QUÁ TRÌNH VÔ TÁC
69
3.1. VỊ TỪ QUÁ TRÌNH VÔ TÁC CHUYỂN VỊ 69
3.1.1. Đặc điểm ngữ nghĩa 69
3.1.2. Đặc điểm cấu trúc tham tố 76
3.1.3. Đặc điểm cấu trúc cú pháp 84
ii
3.2. VỊ TỪ QUÁ TRÌNH VÔ TÁC CHUYỂN THÁI 88
3.2.1. Đặc điểm ngữ nghĩa 88
3.2.2. Đặc điểm cấu trúc tham tố 92
3.2.3. Đặc điểm cấu trúc cú pháp 96
3.3. VỊ TỪ QUÁ TRÌNH VÔ TÁC NẢY SINH 98
3.3.1. Đặc điểm ngữ nghĩa 98
3.3.2. Đặc điểm cấu trúc tham tố 102
3.3.3. Đặc điểm cấu trúc cú pháp 105
3.4. VỊ TỪ QUÁ TRÌNH VÔ TÁC DIỆT VONG 106
3.4.1. Đặc điểm ngữ nghĩa 106
3.4.2. Đặc điểm cấu trúc tham tố 109
3.4.3. Đặc điểm cấu trúc cú pháp 112
3.5. VỊ TỪ QUÁ TRÌNH VÔ TÁC TẠO TÁC 114
3.5.1. Đặc điểm ngữ nghĩa 114
3.5.2. Đặc điểm cấu trúc tham tố 115
3.5.3. Đặc điểm cấu trúc cú pháp 117
3.6. TIỂU KẾT 118
CHƯƠNG 4. ĐẶC ĐIỂM NGỮ NGHĨA-NGỮ PHÁP CỦA VỊ TỪ
QUÁ TRÌNH HỮU TÁC
119
4.1. VỊ TỪ QUÁ TRÌNH HỮU TÁC CHUYỂN VỊ 119
4.1.1. Đặc điểm ngữ nghĩa 119
4.1.2. Đặc điểm cấu trúc tham tố 121
4.1.3. Đặc điểm cấu trúc cú pháp 128
4.2. VỊ TỪ QUÁ TRÌNH HỮU TÁC CHUYỂN THÁI 131
4.2.1. Đặc điểm ngữ nghĩa 131
4.2.2. Đặc điểm cấu trúc tham tố 134
4.2.3. Đặc điểm cấu trúc cú pháp 138
4.3. VỊ TỪ QUÁ TRÌNH HỮU TÁC HUỶ DIỆT 140
4.3.1. Đặc điểm ngữ nghĩa 140
4.3.2. Đặc điểm cấu trúc tham tố 141
4.3.3. Đặc điểm cấu trúc cú pháp 145
4.4. TIỂU KẾT 147
KẾT LUẬN 148
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ 151
TÀI LIỆU THAM KHẢO 152
NGUỒN TƯ LIỆU TRÍCH DẪN 161
PHỤ LỤC 163
iii
MỞ ĐẦU
0.1. TỔNG QUAN
0.1.1. Vị từ là những từ có khả năng tự mình làm vị ngữ hoặc làm hạt nhân ngữ
nghĩa của một vị ngữ biểu thị nội dung sự tình của thế giới được nói đến trong câu. Nó
có vị trí đặc biệt quan trọng khi nghiên cứu ngữ nghĩa-ngữ pháp của câu. Có thể nói
một trong những người đầu tiên quan tâm đến vai trò của vị từ trong câu chính là L.
Tesnière. Theo L. Tesnière, “cấu trúc cú pháp của câu xoay xung quanh động từ và các
diễn tố (actants) làm bổ ngữ cho nó” (Dẫn theo [27, tr. 42]). (Ở đây, Cao Xuân Hạo
dùng thuật ngữ “động từ” nhưng theo chúng tôi phải sử dụng thuật ngữ “vị từ” mới
chính xác. Tuy nhiên, để khách quan, trong phần trích dẫn này, chúng tôi vẫn giữ
nguyên thuật ngữ “động từ”). L. Tesnière thậm chí cho rằng, ngay cả chủ ngữ cũng chỉ
là một trong số các bổ ngữ đó. Tiếp sau ông, C.J. Fillmore, W.L. Chafe, S.C. Dik,
M.A.K. Halliday, v.v. cũng là những người đánh giá cao vai trò của vị từ trong câu.
Chẳng hạn, nhận định về vai trò của vị từ trong toàn bộ thế giới khái niệm của con
người, W.L. Chafe đã phát biểu: “toàn bộ thế giới khái niệm của con người ngay từ đầu
đã chia ra làm hai phạm vi chính. Một là phạm vi động từ bao gồm các trạng thái (tình
trạng, chất lượng) và sự kiện; phạm vi kia là danh từ bao gồm các “sự vật” (…). Tôi
chấp nhận rằng trung tâm của chúng là động từ, còn ngoại diên là danh từ.”. [9, tr.
124]. (Trong bản dịch Ý nghĩa và cấu trúc của ngôn ngữ [9] của W.L. Chafe do Nhà
xuất bản Giáo dục in năm 1998 thuật ngữ “verb” mà tác giả sử dụng được dịch sang
tiếng Việt là “động từ” nhưng thực chất khái niệm này tương đương với thuật ngữ “vị
từ” mà chúng tôi sử dụng trong luận án này. Tuy nhiên, để khách quan, ở đây, trong
phần trích dẫn này chúng tôi vẫn giữ nguyên thuật ngữ “động từ”). Ở Việt Nam, khi
đánh giá về chức năng của vị từ, Cao Xuân Hạo cũng cho rằng “chức năng của vị từ
chính là làm thành vị ngữ (ngữ đoạn vị từ) hay làm trung tâm của ngữ đoạn này, cho
nên chính nó đảm đương việc mang những đặc trưng ngữ pháp-ngữ nghĩa đánh dấu sự
phân biệt giữa các loại sự tình.”. [31, tr. 258]. Điều này có nghĩa là nó đảm nhận gánh
nặng ngữ pháp-ngữ nghĩa của câu. Sở dĩ sự tình này khác biệt với sự tình khác là do sự
khác biệt về tính chất của các vị từ. Cũng như vậy, nhận xét về vai trò của vị từ đối với
1
ngữ nghĩa của cả câu, Nguyễn Thị Quy [84, tr. 9] đã viết: “Nghĩa của các vị từ có một
tác dụng quyết định đối với ngữ pháp của câu”. Vị từ có vai trò quan trọng như vậy
trong việc diễn đạt ý nghĩa nhưng khái niệm này lại được các tác giả khác nhau hiểu
một cách khác nhau. Và do vậy các vị từ cũng được chia thành các tiểu loại khác nhau.
Chẳng hạn, căn cứ vào đặc trưng nghĩa học của vị ngữ và kết hợp với yếu tố “hoàn
cảnh”, W.L. Chafe phân chia vị từ tiếng Anh thành sáu loại sau: 1/ Vị từ trạng thái, 2/
Vị từ quá trình, 3/ Vị từ hành động, 4/ Vị từ quá trình hành động, 5/ Vị từ trạng thái
hoàn cảnh và 6/ Vị từ hành động hoàn cảnh. [9]. Hay S.C. Dik, dựa trên hai thông số cơ
bản là Động (dynamism) và Chủ ý (control), đã phân chia vị từ thành bốn nhóm cơ bản
là: 1/ Vị từ hành động, 2/ Vị từ quá trình, 3/ Vị từ trạng thái và 4/ Vị từ quan hệ. [15].
Quan điểm này của ông hiện cũng được nhiều nhà Việt ngữ học ứng dụng để khảo sát
tiếng Việt.
0.1.2. Vị từ có vai trò quan trọng trong việc phản ánh thế giới hiện thực nên vị từ
nói chung và vị từ tiếng Việt nói riêng đã được nghiên cứu từ rất sớm. Riêng về vị từ
tiếng Việt, có thể kể ra một loạt các công trình nghiên cứu tiêu biểu như: Grammaire de
la langue annamite của Trương Vĩnh Ký (1883), Việt Nam văn phạm của Trần Trọng
Kim-Phạm Duy Khiêm-Bùi Kỷ (xuất bản lần đầu năm 1940), Studies in vietnamese
(annamese) grammar của M.B. Emeneau (1951), Việt ngữ nghiên cứu của Phan Khôi
(xuất bản lần đầu năm 1955), Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam của Trương Văn Chình-
Nguyễn Hiến Lê (1963), A Vietnamese Grammar của L.C. Thompson (1965), Văn
phạm Việt Nam của Bùi Đức Tịnh (xuất bản lần đầu năm 1968), Sơ thảo ngữ pháp Việt
Nam của Lê Văn Lý (xuất bản lần đầu năm 1968), Động từ trong tiếng Việt của Nguyễn
Kim Thản (1977), Ngữ pháp tiếng Việt của Uỷ ban KHXH Việt Nam (1983), Ngữ pháp
tiếng Việt của Đinh Văn Đức (xuất bản lần đầu năm 1986), Nhóm từ chỉ hướng vận
động trong tiếng Việt của Nguyễn Lai (1990), Ngữ pháp tiếng Việt của Diệp Quang Ban
(chủ biên) (xuất bản lần đầu năm 1991), Tiếng Việt-Sơ thảo ngữ pháp chức năng của
Cao Xuân Hạo (xuất bản lần đầu năm 1991), Vị từ hành động tiếng Việt và các tham tố
của nó, so với tiếng Nga và tiếng Anh của Nguyễn Thị Quy (1995), Kết trị của động từ
tiếng Việt của Nguyễn Văn Lộc (1996), Tiếng Việt - Mấy vấn đề ngữ âm-ngữ pháp-ngữ
nghĩa của Cao Xuân Hạo (2001), Ngữ pháp chức năng tiếng Việt (Vị từ hành động) của
2
Nguyễn Thị Quy (2002), Ngữ pháp chức năng Quyển 1 (2000) và Quyển 2 (2005) của
Cao Xuân Hạo (chủ biên), Khảo sát các động từ tình thái trong tiếng Việt của Bùi
Trọng Ngoãn (2004), Vài nhận xét về ngữ nghĩa vị từ cảm giác của Nguyễn Vân Phổ
(2007), Cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu với nhóm vị từ trao/ tặng của Lâm Quang
Đông (2008), Các phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ (2009) và 777 khái niệm ngôn
ngữ học (2010) của Nguyễn Thiện Giáp, Nghiên cứu nhóm vị từ chỉ tình cảm trong
tiếng Hán và tiếng Việt của Lý Quế Phương (Li Guifang) (2012), v.v.
Các tác giả trên có những quan điểm rất khác nhau về vị từ tiếng Việt nhưng về
cơ bản chia thành những khuynh hướng chính sau:
1/ Khuynh hướng coi vị từ là một phạm trù từ loại (bao gồm động từ và tính từ):
Thuộc khuynh hướng này có thể kể đến các tác giả như: Trần Trọng Kim-Phạm
Duy Khiêm-Bùi Kỷ, M.B. Emeneau, Bùi Đức Tịnh, Lê Văn Lý, Nguyễn Kim Thản,
Đinh Văn Đức, Diệp Quang Ban, Nguyễn Văn Lộc, v.v. Trọng tâm trong các công trình
của các tác giả này là coi động từ và tính từ là hai nhóm từ loại khác biệt nhau và họ cố
gắng tìm ra các tiêu chí để phân biệt hai nhóm từ này. Tiêu biểu cho khuynh hướng này
là Lê Văn Lý và Nguyễn Kim Thản.
2/ Khuynh hướng coi vị từ là một phạm trù chức năng:
Thuộc khuynh hướng này có thể kể đến các tác giả như: Cao Xuân Hạo, Nguyễn
Thị Quy, Nguyễn Thiện Giáp, Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Vân Phổ, Bùi Minh Toán,
v.v. Các tác giả này đều cho rằng tính từ và động từ đều là những từ “có thể tự mình
làm thành một vị ngữ (hay một ngữ đoạn biểu thị nội dung của cái sự tình được trần
thuật trong câu) hoặc làm trung tâm cho ngữ đoạn ấy.” [31, tr. 355] và do vậy chúng
cùng thuộc vào một nhóm gọi là vị từ. Thêm vào đó, thuật ngữ “vị từ” cũng “sát hơn
với thuật ngữ Verbe” [84, tr. 41] trong tiếng Pháp. Với quan điểm như trên thì vị từ có
thể do các từ loại khác nhau đảm nhiệm. Và thông thường, vị từ hay do động từ hay
tính từ như quan điểm của các tác giả thuộc khuynh hướng thứ nhất đảm nhiệm. Đối
với nhóm các tác giả thuộc khuynh hướng này, tiêu chí để phân biệt các tiểu loại của vị
từ cũng không phải là các khả năng kết hợp với các nhóm từ chứng như các tác giả trên
đã cố gắng xác lập. Theo họ, các tiêu chí [± Động] và [± Chủ ý] mà S.C. Dik đã đề ra
3
có thể là các tiêu chí đáng tin cậy để phân loại vị từ tiếng Việt. Theo đó, các tác giả này
đã phân chia các vị từ trong tiếng Việt thành bốn nhóm chủ yếu là:
1/ Vị từ hành động: [+ Động] [+ Chủ ý].
2/ Vị từ quá trình: [+ Động] [- Chủ ý].
3/ Vị từ trạng thái: [- Động] [+ Chủ ý].
4/ Vị từ quan hệ: [- Động] [- Chủ ý]. [27], [84]
Luận án của chúng tôi cũng hiểu vị từ theo khuynh hướng thứ hai này.
0.1.3. Trong số bốn nhóm vị từ tiếng Việt phân loại theo kiểu trên, nhóm vị từ
hành động đã được tác giả Nguyễn Thị Quy nghiên cứu rất chi tiết trong công trình
Ngữ pháp chức năng tiếng Việt (Vị từ hành động), NXB KHXH, 2002. Nhóm vị từ
quan hệ cũng đã được nghiên cứu phần nào trong luận án Tiến sĩ Đặc điểm cú pháp-
ngữ nghĩa của động từ quan hệ tiếng Anh (trong sự liên hệ với tiếng Việt) của tác giả
Hoàng Tuyết Minh. Trong khi đó, các nhóm còn lại vẫn chưa được đầu tư nghiên cứu
một cách thoả đáng, đặc biệt là nhóm vị từ quá trình, một nhóm vị từ có số lượng khá
lớn trong tiếng Việt. Nhóm vị từ này hiện chủ yếu mới chỉ được nhắc đến một cách
khiêm tốn trong một số công trình nghiên cứu ngữ pháp nói chung, trong một số công
trình nghiên cứu vị từ nói riêng hay trong một số công trình nghiên cứu các nhóm vị từ
khác như: Tiếng Việt-Sơ thảo ngữ pháp chức năng (quyển I) của Cao Xuân Hạo (1991);
Ngữ pháp chức năng tiếng Việt (Vị từ hành động) của Nguyễn Thị Quy (2002); Ngữ
pháp chức năng tiếng Việt, Quyển 2: Ngữ đoạn và từ loại do Cao Xuân Hạo chủ biên
(2005); Ngữ pháp tiếng Việt của Diệp Quang Ban (2005); Vài nhận xét về ngữ nghĩa vị
từ cảm giác của Nguyễn Vân Phổ (2007); Đặc điểm cú pháp-ngữ nghĩa của động từ
quan hệ tiếng Anh (trong sự liên hệ với tiếng Việt) của Hoàng Tuyết Minh (2008); Tìm
hiểu thêm về sự phân biệt động-tĩnh trong vị từ tiếng Việt của Đồng Thị Hằng (2008);
Bước đầu tìm hiểu cấu trúc ngữ nghĩa và cú pháp của kiểu câu biểu hiện quá trình của
Đinh Thị Hương (2009); Vị từ tiếng Việt với việc biểu hiện sự tình động và tĩnh của Bùi
Minh Toán (2011); v.v. Hầu hết các công trình trên chỉ đề cập đến nhóm vị từ quá trình
tiếng Việt như là một tiểu loại vị từ trong sự phân biệt với các tiểu loại khác. Chẳng hạn
như trong công trình Ngữ pháp chức năng tiếng Việt (Vị từ hành động) của Nguyễn Thị
Quy, để nghiên cứu nhóm vị từ hành động, tác giả cũng đã nêu ra những điểm đặc trưng
4
của vị từ quá trình so với vị từ hành động cũng như với các loại vị từ khác (vị từ trạng
thái và vị từ quan hệ) và một số tiêu chí phân biệt vị từ hành động với vị từ quá trình,
v.v.
Trong số các công trình kể trên thì công trình nghiên cứu sâu nhất về vị từ quá
trình có lẽ là công trình Tiếng Việt-Sơ thảo ngữ pháp chức năng (quyển I) của Cao
Xuân Hạo. Tuy nhiên, ở công trình này tác giả cũng mới chỉ đưa ra những nhận xét và
quan sát sơ bộ về vị từ quá trình như khái niệm, tiêu chí phân loại và các tiểu loại vị từ
quá trình, v.v. Theo ông, vị từ quá trình phân biệt với vị từ hành động, vị từ trạng thái
và vị từ quan hệ với tư cách là một tiểu loại của vị từ tiếng Việt. Đó là những vị từ biểu
thị “một biến cố không chủ ý, chủ thể của nó (thực thể trải qua nó) có thể là người,
động vật hay bất động vật”, [27, tr. 232], mang hai đặc điểm chính về mặt ngữ nghĩa là
[+ Động] và [- Chủ ý].
Trong công trình của mình, Cao Xuân Hạo chưa đi sâu nghiên cứu các đặc điểm
chi tiết của từng nhóm vị từ trên nhất là nhóm vị từ quá trình. Đặc biệt là các vấn đề
như cách nhận diện vị từ quá trình tiếng Việt, danh sách các vị từ quá trình tiếng Việt,
các tiêu chí phân loại vị từ quá trình tiếng Việt, các tiểu loại vị từ quá trình tiếng Việt
cũng như đặc điểm ngữ nghĩa-ngữ pháp của từng tiểu loại vị từ quá trình tiếng Việt
hoàn toàn chưa được đề cập đến. Như vậy, có thể nói, việc nghiên cứu vị từ quá trình
tiếng Việt vẫn còn bỏ ngỏ và cần được đi sâu nghiên cứu nhiều hơn nữa. Có hiểu rõ
cũng như hiểu đúng đặc điểm ngữ nghĩa-ngữ pháp của nhóm vị từ quá trình này chúng
ta mới có thể phát huy tối đa cái chức năng là công cụ tư duy và giao tiếp của tiếng
Việt.
0.2. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Như trên đã nói, vị từ nói chung và vị từ tiếng Việt nói riêng có vai trò đặc biệt
quan trọng trong việc diễn đạt thế giới khách quan. Chính vị từ là yếu tố trung tâm của
câu và quyết định các thành phần còn lại của câu. Chính vì vậy vị từ đã được quan tâm
nghiên cứu từ rất lâu dưới nhiều góc độ khác nhau. Tuỳ theo các tiêu chí khác nhau, vị
từ được chia thành các tiểu loại khác nhau. Vị từ quá trình là một trong số các tiểu loại
vị từ. Khái niệm này đã được đề cập đến trong công trình Meaning and the Structure of
Language (Ý nghĩa và cấu trúc của ngôn ngữ) (1970) của W.L. Chafe và sau đó được
5
làm rõ hơn trong công trình Functional Grammar (Ngữ pháp chức năng) (1978) của
S.C. Dik. Quan điểm của các tác giả này đã là những gợi ý quan trọng cho nhiều nhà
Việt ngữ học trong công cuộc nghiên cứu vị từ tiếng Việt. Tuy nhiên, qua trên ta thấy,
mặc dù đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về vị từ tiếng Việt nhưng nhóm vị từ quá
trình tiếng Việt vẫn chưa được đi sâu nghiên cứu và nhiều vấn đề của nhóm vị từ này
vẫn chưa được khai thác. Do vậy, rất cần có một công trình nghiên cứu một cách hệ
thống và toàn diện nhóm vị từ này trong tiếng Việt. Việc này không chỉ có ý nghĩa về
mặt khoa học mà còn có ý nghĩa về mặt thực tiễn. Đó là lí do tại sao chúng tôi lại chọn
đề tài: “Đặc điểm ngữ nghĩa-ngữ pháp của vị từ quá trình tiếng Việt”.
0.3. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU
Mục đích nghiên cứu chính của luận án là:
- Góp phần làm sáng tỏ đặc điểm ngữ nghĩa-ngữ pháp của vị từ quá trình tiếng
Việt nói riêng và đặc điểm ngữ nghĩa-ngữ pháp của vị từ tiếng Việt nói chung.
- Góp phần làm rõ vai trò của các vị từ quá trình tiếng Việt nói riêng và vai trò
của các vị từ tiếng Việt nói chung với tư cách là hạt nhân tổ chức cấu trúc ngữ nghĩa và
cấu trúc cú pháp của câu.
- Góp phần vào việc phân tích, giải thích ngữ nghĩa của các vị từ quá trình trong
quá trình biên soạn từ điển, sách dạy tiếng Việt cho người Việt Nam và người nước
ngoài.
0.4. NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
Để đạt được những mục đích nghiên cứu trên đây, luận án phải hoàn thành
những nhiệm vụ sau:
- Tổng quan tình hình nghiên cứu vị từ quá trình ở nước ngoài và ở Việt Nam
nhằm xác định rõ hướng nghiên cứu của đề tài.
- Xây dựng cơ sở lí thuyết cho đề tài trên cơ sở giới thuyết rõ khái niệm vị từ quá
trình và các vấn đề liên quan (tiêu chí nhận diện, cơ sở phân loại, các nhóm vị từ quá
trình).
- Phân tích và mô tả đặc điểm ngữ nghĩa của các nhóm vị từ quá trình và vai trò
của các vị từ quá trình trong việc tổ chức cấu trúc vị từ-tham tố của câu.
6
- Phân tích và mô tả đặc điểm ngữ pháp của các nhóm vị từ quá trình và vai trò
của vị từ quá trình trong việc tổ chức cấu trúc cú pháp của câu.
- Trên cơ sở đó, rút ra những nhận xét chung về đặc điểm ngữ nghĩa-ngữ pháp
của vị từ quá trình tiếng Việt và vai trò của chúng trong việc tổ chức cấu trúc ngữ
nghĩa-ngữ pháp của câu.
0.5. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu của chúng tôi trong luận án này là các vị từ quá trình tiếng
Việt như: bênh, bềnh, bong, bốc, chìm, co, cóng, cuốn, dãn, dâng, đổ, đông, giật bắn,
giật mình, hửng, lan, lăn, lặn, mòn, mờ, mủn, ngã, nổi, rơi, run, rụng, sập, sụp, tái, teo,
toả, trôi, trượt, tuôn, tuột, vữa, xộc, xông, xuống, v.v.
Với hai đặc trưng ngữ nghĩa khu biệt là [+ Động] và [- Chủ ý], các vị từ này
được coi là trung tâm tổ chức cấu trúc ngữ nghĩa-ngữ pháp của kiểu câu quá trình trong
tiếng Việt. [27]. Ví dụ:
1) Những bức tường sơn vàng đã bong gần hết sơn và phủ đầy rêu mốc. [PA,
BVTTVN]
2) Việt đóng cửa xe, đến ngồi cạnh nồi nước dùng đang bốc lên những làn khói
mỏng tang nhưng toả ra mùi thơm quyến rũ. [PA, BVTTVN]
3) Mặt nó dãn ra, khi biết cây kẹp tóc, trái dừa tươi hay con cá thác lác… mà nó
dành cho chị cũng giống hệt như người ta vẫn thường cho mẹ. [NNT, CĐBT]
4) Trời chỉ hơi hửng lên một chút nhưng cũng đủ khiến những người nép mình
dưới hàng hiên lật đật chạy bổ ra ngoài với vẻ mặt hớn hở. [NNA, BBLT]
5) Thả lưỡi câu xuống nước, cái phao này sẽ nổi lên. [NNA, ĐQHC]
6) Anh tái mặt thốt lên: [NNA, BBLT]
7) Nhưng tôi không đủ can đảm và nhẫn tâm chứng kiến giây phút người ta vớt
chị lên như vớt một đám bèo trôi. [NNA, ĐQHC]
8) Trăng thượng tuần xuống đến chân trời, khuất sau những đám mây xa, toả ra
một thứ ánh sáng mờ mịt trộn lẫn với sương đêm nom như khói xám. [NNA, ĐQHC]
Phạm vi nghiên cứu của luận án này là các câu có vị từ quá trình được sử dụng
với tư cách là vị ngữ hoặc trung tâm của vị ngữ. Các câu này chủ yếu được lựa chọn từ
7
các tác phẩm văn học nổi tiếng hoặc từ Từ điển tiếng Việt. Ngoài ra, luận án cũng sử
dụng cứ liệu trong ngôn ngữ hàng ngày của người nói tiếng Việt.
0.6. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Phương pháp nghiên cứu chủ yếu trong luận án này là phương pháp miêu tả. Đó
là một “hệ thống những thủ pháp nghiên cứu được vận dụng để thể hiện đặc tính của
các hiện tượng ngôn ngữ trong một giai đoạn phát triển nào đó của nó.”. [22, tr. 19].
Đây là một phương pháp phân tích đồng đại. Cụ thể luận án đã sử dụng các thủ pháp
khác nhau của phương pháp miêu tả như: phân tích ngữ nghĩa, phân tích phân bố (phân
tích ngữ cảnh, phân tích ngữ trị, thay thế, cải biến, v.v.), phân tích vị từ-tham tố, phân
tích thành tố cú pháp và thành phần câu, v.v. để phân tích và mô tả đặc điểm ngữ nghĩa-
ngữ pháp của các vị từ quá trình tiếng Việt.
Bên cạnh đó, luận án có sử dụng một số các thủ pháp nghiên cứu chung cho
nhiều ngành khoa học như thống kê, phân loại, hệ thống hoá, tổng hợp, v.v.
0.7. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN
0.7.1. Ý nghĩa khoa học
- Luận án là sự tiếp thu và ứng dụng những xu hướng nghiên cứu ngôn ngữ mới
trên thế giới vào tiếng Việt trong lĩnh vực ngữ pháp nói chung và trong lĩnh vực ngữ
nghĩa-ngữ pháp của câu nói riêng. Đó là xu hướng nghiên cứu ngữ nghĩa chức năng với
cách tiếp cận từ ngữ nghĩa, chức năng đến hình thức, cấu trúc, tức là đi từ nghĩa học đến
cú pháp.
- Nhóm vị từ quá trình tiếng Việt là một nhóm vị từ khá phổ biến trong tiếng
Việt. Luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện các đặc
điểm ngữ nghĩa-ngữ pháp của nhóm vị từ này.
- Qua đó, luận án góp phần làm sáng tỏ bức tranh về ngữ nghĩa-ngữ pháp của vị
từ tiếng Việt nói riêng và câu tiếng Việt nói chung.
0.7.2. Ý nghĩa thực tiễn
Các kết quả nghiên cứu của luận án sẽ góp phần giúp người sử dụng tiếng Việt
hiểu biết rõ hơn đặc điểm của nhóm vị từ quá trình tiếng Việt để vận dụng vào các hoạt
động thực tiễn như: dạy và học tiếng Việt, giải thích từ ngữ trong sách giáo khoa tiếng
Việt, biên soạn từ điển tiếng Việt.
8
0.8. BỐ CỤC CỦA LUẬN ÁN
Luận án của chúng tôi ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Phụ lục gồm có bốn
chương chính như sau:
1/ Chương 1: Cơ sở lí thuyết.
Trong chương này, luận án giới thiệu một số lí thuyết về một số vấn đề liên quan
đến đề tài của chúng tôi là vị từ, vị từ tiếng Việt, vị từ quá trình và vị từ quá trình tiếng
Việt.
2/ Chương 2: Nhận diện và phân loại vị từ quá trình tiếng Việt.
Trong chương này, luận án giới thiệu hai vấn đề quan trọng của vị từ quá trình
tiếng Việt là cách nhận diện và cách phân loại vị từ quá trình tiếng Việt.
3/ Chương 3: Đặc điểm ngữ nghĩa-ngữ pháp của vị từ quá trình vô tác tiếng Việt.
Trong chương này, luận án tập trung phân tích và mô tả đặc điểm ngữ nghĩa-ngữ
pháp của vị từ quá trình vô tác tiếng Việt và vai trò của chúng trong việc tổ chức cấu
trúc ngữ nghĩa-ngữ pháp của câu.
4/ Chương 4: Đặc điểm ngữ nghĩa-ngữ pháp của vị từ quá trình hữu tác tiếng
Việt.
Trong chương này, luận án tập trung phân tích và mô tả đặc điểm ngữ nghĩa-ngữ
pháp của vị từ quá trình hữu tác tiếng Việt và vai trò của chúng trong việc tổ chức cấu
trúc ngữ nghĩa-ngữ pháp của câu.
9
CHƯƠNG 1
CƠ SỞ LÍ THUYẾT
Trong chương này, để có cơ sở cho việc phân tích và mô tả đặc điểm ngữ nghĩa-
ngữ pháp của vị từ quá trình tiếng Việt trong các chương sau, luận án giới thiệu một số
quan điểm của các nhà Ngôn ngữ học trong và ngoài nước về vị từ, vị từ tiếng Việt, vị
từ quá trình và vị từ quá trình tiếng Việt.
1.1. VỊ TỪ TRONG CẤU TRÚC NGỮ NGHĨA-NGỮ PHÁP CỦA CÂU
1.1.1. Quan điểm của các nhà Ngôn ngữ học trên thế giới
1.1.1.1. Năm 1959, cuốn sách “Éléments de syntaxe structural” của L. Tesnière
đã được xuất bản ở Paris. Mặc dù nhan đề của cuốn sách là “Các yếu tố của cú pháp
cấu trúc” nhưng nội dung thực sự mà nó đề cập đến chủ yếu lại là ngữ nghĩa và với tác
phẩm này ông được coi là người đặt nền móng cho nghĩa học cú pháp.
Khác với đa phần các tác giả đi trước, ông cho rằng cấu trúc của câu xoay quanh
vị từ và các diễn tố (actants) làm bổ ngữ cho nó. Theo ông, vị từ là yếu tố trung tâm, là
cái nút (noeud), quyết định số lượng cũng như tính chất của các diễn tố. Chủ ngữ của
câu, theo ngữ pháp truyền thống là một trong những yếu tố quan trọng nhất của câu và
thường đứng vị trí đầu tiên trong các công trình nghiên cứu về câu trước đó nhưng với
L. Tesnière chỉ là thành phần thứ yếu. Nó chỉ là một bổ ngữ cho vị từ. Nó phụ thuộc
vào vị từ giống như các bổ ngữ khác. Trong các lược đồ biểu thị cú pháp của câu trong
tác phẩm của ông, vị từ luôn chiếm vị trí cao nhất. Ví dụ:
1) Câu “Alfred peut donner le livre à Charles” (Alfred có thể cho Charles cuốn
sách ấy) được biểu diễn như sau:
peut
Alfred donner
le livre à Charles
(Dẫn theo [27, tr. 42])
10
2) Hay câu “Alfred frappe Bernard” (Alfred đánh Bernard) được biểu diễn như
sau:
frappe
Alfred Bernard
[137]
Trong khi đó, cũng câu này, ngữ pháp truyền thống biểu diễn như sau:
Alfred frappe
Bernard
[137]
Trong ngữ pháp truyền thống, chủ ngữ đứng ngang hàng với vị từ nhưng trong
ngữ pháp của L. Tesnière thì chủ ngữ lại đứng ở hàng dưới, phụ thuộc vào vị từ cũng
giống như bổ ngữ.
Mỗi vị từ có một diễn trị riêng thể hiện qua số lượng diễn tố của nó. Có vị từ có
diễn trị zero (vô diễn trị) như “pluit” (mưa) (il pleut-trời mưa). Có vị từ đơn trị
(monovalents) chỉ có một diễn tố như “tomber” (ngã). Có vị từ song trị (bivalents) có
hai diễn tố như “frapper” (đánh). Có vị từ tam trị (trivalents) có ba diễn tố như “donner”
(cho, tặng).
Khi nói về các diễn tố, L. Tesnière phân biệt ba loại diễn tố là đệ nhất diễn tố, đệ
nhị diễn tố và đệ tam diễn tố. Đệ nhất diễn tố chỉ chủ thể hành động, đệ nhị diễn tố chỉ
đối tượng của hành động và đệ tam diễn tố chỉ người hưởng lợi trong hành động. Trong
ba diễn tố này theo ông đệ nhất diễn tố là diễn tố quan trọng nhất, nó có mặt ở tất cả các
vị từ không phải là vị từ vô trị và có thể giữ cái tên gọi “chủ ngữ” cho nó. (Dẫn theo
[27, tr. 42]).
Bên cạnh diễn tố, là các vai nghĩa bắt buộc, còn có các chu tố (circontants) là các
vai nghĩa không bắt buộc trong biểu thị ý nghĩa của câu. Các chu tố biểu thị các ý nghĩa
về thời gian, nơi chốn, phương thức, v.v. của sự tình do vị từ trung tâm biểu thị. Các
chu tố tương đương với các phó từ hay trạng từ (adverbes). Nếu như các diễn tố có số
11
lượng hạn chế thì các chu tố, ngược lại, không có số lượng hạn chế. Và nếu như các
diễn tố thuộc cái nút của vị từ (noeud verbal) thì các chu tố lại không thuộc cái nút đó.
Như vậy, đối với L. Tesnière, vị từ không chỉ là yếu tố trung tâm trong cấu trúc
ngữ nghĩa mà cả trong cấu trúc cú pháp (CTCP).
1.1.1.2. Bài viết The case for case (Tác dụng của Cách) là một trong số những
bài viết nổi tiếng nhất của C.J. Fillmore. Công trình này của C.J. Fillmore tập trung làm
rõ mối quan hệ mà ông gọi là quan hệ cách giữa vị từ và các tham tố (arguments) của
nó. Theo ông, một sự tình bao gồm một vị từ trung tâm và các tham tố của nó là những
ngữ đoạn biểu thị những cách ngữ nghĩa hay vai nghĩa nào đó. Trong các công trình của
mình, ông đã đề xuất các quan hệ cách sau: Tác thể (Agentive), Công cụ (Instrument),
Tặng cách (Dative), Tạo thể (Factitive), Vị trí (Locative), Đối thể (Objective), Lợi thể
(Benefactive), Liên đới thể (Comitative), Thời gian (Time), Nguồn (Source), Đích
(Goal), Hướng (Direction), Khoảng cách (Extent).
Danh sách các cách của ông sau đó đã được các tác giả theo khuynh hướng của
ông chỉnh lí, bổ sung thêm. Có thể kể thêm một số cách sau: Đối thể/ Bị thể (Patiens),
Đương thể (hay Quá thể) (Undergoer hay Processsed), Lực (Force), Kẻ mang tư thế
(Positioner), Tuyến đường (Path), Đích (Terminus), Nguyên nhân (Cause), Kết quả
(Result). (Dẫn theo [27, tr. 43-44], [37, tr. 42-50]), [128].
1.1.1.3. S.C. Dik cũng là một trong những nhà ngôn ngữ đề cao vai trò của vị từ
trong cấu trúc ngữ nghĩa cũng như trong CTCP của câu. Theo ông, “các đơn vị từ vựng
có ‘tính nội dung’ đơn giản (động từ, tính từ, danh từ) được xử lí như những vị từ cơ
bản theo quy tắc của Bach (1968). Chúng được cho sẵn trong vốn từ vựng, và ở đó
được cung cấp tất cả những thông tin quan yếu đối với thái độ ngữ nghĩa và cú pháp
của chúng trong các biểu thức ngôn ngữ học.”. [15, tr. 29]. Những thông tin được chứa
đựng trong khung vị từ này gồm có:
(i) hình thức từ vựng của vị từ.
(ii) phạm trù cú pháp của vị từ: Được chỉ định bằng một nhãn (V(erbal),
A(jectival), N(ominal)) trên vị từ.
(iii) số tham tố mà vị từ đòi hỏi: Mỗi khung vị từ có số lượng các tham tố khác
nhau. Số lượng tham tố tuỳ thuộc vào đặc điểm của vị từ. Có vị từ chỉ có một tham tố
12
nhưng có vị từ có thể có hai hay ba tham tố. Theo kinh nghiệm của ông, một kết cấu vị
ngữ hạt nhân khó có thể có hơn bốn tham tố.
(iv) những hạn định mà vị từ đòi hỏi ở các vai nghĩa của nó: Những hạn định
chọn lựa mà vị từ nêu ra đảm bảo sự tương hợp giữa vị từ và các ngữ định danh được
điền vào các vị trí tham tố trong kết cấu vị ngữ hạt nhân.
(v) các chức năng ngữ nghĩa của tham tố. [15, tr. 29; 44-45]. S.C. Dik đã nêu
một số chức năng ngữ nghĩa hạt nhân sau: 1/ Tác thể (Agent), 2/ Đích (Goal), 3/ Tiếp
thể (Recipient), 4/ Hướng (Direction), 5/ Nguồn (So), 6/ Kẻ mang tư thế (Positioner), 7/
Vị trí (Location), 8/ Kẻ chịu tác động của quá trình (Processed), 9) Lực (Force), 10/
Zero (Ø), 11/ Thời gian (Time), 12/ Lợi thể (Beneficiary), 13/ Công cụ (Instrument),
14/ Kẻ trải nghiệm (Experiencer). [15, tr. 54-63].
Minh hoạ cho quan điểm của mình ông đã đưa ra khung vị từ cơ bản sau:
give
v
(x
1
: human (x
1
))
Ag
(x
2
)
Go
(x
3
: animate (x
3
))
Rec
[15, tr. 29]
Trong khung vị từ trên, “v” cho biết “give” là một vị từ-động từ (verbal
predicate); các biến “x
i
” đánh dấu vị trí các tham tố; Ag (agent: Tác thể), Go (go: Đích),
Rec (recipient: Tiếp thể) đánh đấu chức năng ngữ nghĩa của các tham tố. Các biểu thức
“human (x
1
)” và “animate (x
3
)” (người và động vật) chỉ định những hạn lệ chọn lựa ở
Tác thể và Tiếp thể.
Trong khung vị từ cơ bản của S.C. Dik, thuật ngữ “tham tố” (arguments) mà ông
sử dụng được hiểu là yếu tố bắt buộc, cần thiết của vị từ và như vậy nó tương đương
với khái niệm “diễn tố” (actants) chứ không tương đương với khái niệm “tham tố”
(participants) bao gồm diễn tố (actants) và chu tố (circontants) theo quan điểm của L.
Tesnière.
Kế thừa sự phân biệt các chức năng ngữ nghĩa của C.J. Fillmore nhưng một số
chức năng ngữ nghĩa trên của ông có nội dung khái niệm không giống như quan điểm
của C.J. Fillmore. Trong số đó có thể kể đến các chức năng ngữ nghĩa như Công cụ
(Instrument), Đích (Goal), Kẻ trải nghiệm (Experiencer). Chẳng hạn, ông đã phân tích
cặp câu sau:
1) John opened the door with the key.
2) The key opened the door.
13
C.J. Fillmore gán chức năng Công cụ cho ngữ định danh “the key” trong cả hai
câu. Trong khi đó, theo ông, chỉ có “the key” trong câu 1) là có chức năng Công cụ, là
chu tố của kết cấu vị ngữ hạt nhân còn trong câu 2) nó mang chức năng Lực và là một
tham tố của vị từ “open”.
Tóm lại, S.C. Dik đã đưa ra 18 cấu trúc kết hợp các chức năng ngữ nghĩa hạt
nhân gắn với bốn kiểu sự tình cơ bản như sau:
Hành động
Ag John
Ag
ran away
Ag Go John
Ag
read a book
Go
Ag Go Rec John
Ag
gave a book
Go
to Peter
Rec
Ag Go Dir John
Ag
sent a book
Go
to London
Dir
Ag Go So John
Ag
took a book
Go
from the shelf
So
Tư thế
Po John
Po
stayed motionless
Po Loc John
Po
was sitting in his chair
Loc
Po Go Loc John
Po
kept his money
Go
in an old sock
Loc
Po Go John
Po
kept the present
Go
Quá trình
Proc John
Proc
fell down
Fo The wind
Fo
was blowing hard
Fo Go The wind
Fo
opened the door
Go
Fo Go Rec The climate
Fo
gave John
Rec
new strength
Go
Fo Go Dir The wind
Fo
blew the leaves
Go
into the kitchen
Dir
Fo Go So The wind
Fo
swept the papers
Go
from the table
So
Trạng thái
Ø Rose
Ø
are red
Ø Ø That man
Ø
is the killer
Ø
Ø Loc The cup
Ø
is on the table
Loc
[15, tr. 55-56]
14
Các cấu trúc hạt nhân nêu trên nếu được bổ sung thêm chu tố (satellites) [15, tr.
31] sẽ cho các cấu trúc mở rộng. Chu tố là sự mở rộng tuỳ chọn của kết cấu vị ngữ hạt
nhân. S.C. Dik đã phân biệt năm chức năng ngữ nghĩa tiêu biểu sau của chu tố:
“(i) chỉ định chi tiết các sự tình hạt nhân: Phương thức, Đặc trưng, Công cụ;
(ii) quan hệ của sự tình với các tham tố khác: Lợi thể, Liên đới thể;
(iii) quan hệ của sự tình với các chiều kích thời gian: Thời gian, Thời đoạn, Tần
số;
(iv) quan hệ của sự tình với các chiều kích không gian: Vị trí, Nguồn, Phương
hướng, Lối đi;
(v) quan hệ của sự tình với các sự tình khác: Chu cảnh, Nguyên nhân, Lí do,
Mục đích, Kết quả.”. [15, tr. 70-71].
Trong công trình của S.C. Dik vai trò của vị từ trong CTCP của câu đã được ông
nhắc đến trong phần nói về việc ấn định các vai chủ ngữ và bổ ngữ. Trước hết, ông cho
rằng: “Về mặt hình thức, sự ấn định chủ ngữ và bổ ngữ được thể hiện trong ngữ pháp
chức năng đơn giản chỉ như là việc thêm chức năng chủ ngữ và bổ ngữ cho các tham tố
với chức năng ngữ nghĩa đã được xác định.”. [15, tr. 98]. Theo ông, việc gán các vai
chủ ngữ và bổ ngữ trong các ngôn ngữ khác nhau có thể khác nhau ở các điểm như: i/
loại thành tố có thể đảm nhận vai chủ ngữ, ii/ điều kiện để các thành tố có thể đảm nhận
vai chủ ngữ, iii/ kết quả hình thức của việc ấn định chủ ngữ, iv/ quy tắc ngữ pháp có
tính chất hệ quả đòi hỏi quy chiếu chủ yếu đối với chức năng chủ ngữ. [15, tr. 97-98].
Tuy nhiên, ông cũng nhận xét rằng: “a/ Sự ấn định chủ ngữ về bản chất không chỉ hạn
định ở tham tố Tác thể và Đích, b/ Sự ấn định chủ ngữ không nhất thiết phải dẫn đến
bất cứ sự chuyển vị nào của tham tố.”. [15, tr. 97]. Thêm vào đó, “khả năng ấn định bổ
ngữ bị giới hạn nhiều hơn so với các khả năng ấn định chủ ngữ, cả trong nội bộ một
ngôn ngữ cũng như giữa các ngôn ngữ với nhau. Sự ấn định bổ ngữ nói chung tuỳ
thuộc vào sự ấn định chủ ngữ.”. [15, tr. 98]. Từ đó ông đưa ra đánh giá về vai trò của vị
từ trong việc xác định các thành phần cú pháp của câu như sau:
“(c) Nếu có sự phù ứng giữa động từ và bất kì thành tố nào khác trong cú, chủ
ngữ sẽ là ứng viên thứ nhất và bổ ngữ là ứng viên thứ hai cho việc xác định sự phù ứng
đó.
15
(d) Việc lựa chọn chủ ngữ và bổ ngữ sẽ thường được ‘mã hoá’ ở động từ dưới
hình thức thái (chủ-bị động) của động từ tương liên với những lựa chọn chủ ngữ và bổ
ngữ khác nhau.”. [15, tr. 100].
Tóm lại, mô hình cấu trúc ngữ nghĩa của S.C. Dik gồm có kết cấu vị ngữ hạt
nhân và kết cấu vị ngữ mở rộng. Kết cấu vị ngữ hạt nhân chỉ bao gồm vị từ và các tham
tố. Vị từ là yếu tố quyết định số lượng cũng như đặc điểm của các tham tố. Các tham tố
do các ngữ định danh biểu thị và là yếu tố cần thiết, yếu tố bắt buộc của khung vị ngữ.
Kết cấu vị ngữ mở rộng được hình thành nhờ bổ sung các chu tố vào kết cấu vị ngữ hạt
nhân. Các chu tố cũng do các ngữ định danh biểu thị nhưng đó không phải là các yếu tố
bắt buộc của khung vị ngữ và nó gắn liền với bản chất của sự tình hơn là với bản chất
của vị từ. Thuật ngữ “tham tố” (arguments) của S.C. Dik chỉ tương đương với thuật ngữ
“diễn tố” (actants) của L. Tesnière. Mỗi kết cấu vị ngữ hạt nhân có thể được diễn đạt
bằng các CTCP khác nhau. Và trong các CTCP chính vị từ là yếu tố quyết định việc lựa
chọn cũng như gán các vai cú pháp cho các vai nghĩa của câu.
1.1.1.4. Khi viết về ngữ nghĩa của câu, M.A.K. Halliday cho rằng câu luôn hàm
chứa ba kiểu ý nghĩa khu biệt là ý nghĩa thông điệp, ý nghĩa trao đổi và ý nghĩa thể hiện
hay biểu hiện (clause as representation). Câu có ý nghĩa như là một sự thể hiện có nghĩa
là câu là “một sự giải thích một quá trình nào đó trong kinh nghiệm đang diễn ra của
con người”. [24, tr. 102]. Hay nói một cách khác, một trong những nội dung ngữ nghĩa
của câu là phản ánh thế giới kinh nghiệm. Đó là những cái đang diễn ra (goings-on) như
“sự kiện, hành động, cảm giác, ý nghĩa, tồn tại và đang trở thành”. [24, tr. 205]. Thế
giới kinh nghiệm này được hệ thống chuyển tác (transitivity) phân chia thành một tập
hợp các kiểu quá trình (process type). Trong tiếng Anh, theo ông, có sáu quá trình sau:
1) Quá trình vật chất (material processes): biểu thị các kinh nghiệm bên ngoài,
các quá trình thuộc thế giới bên ngoài.
2) Quá trình tinh thần (mental processes): biểu thị các kinh nghiệm bên trong,
các quá trình của ý thức.
3) Quá trình quan hệ (relational processes): gồm các quá trình phân loại và đồng
nhất nhằm liên hệ mảng này với mảng kia của thế giới kinh nghiệm.
16
4) Quá trình hành vi (behavioural processes): là quá trình thể hiện những biểu
hiện bên ngoài của hành động nội tâm, các quá trình của ý thức và trạng thái sinh lí.
5) Quá trình phát ngôn (verbal processes): các mối quan hệ tượng trưng được
thiết lập trong ý thức của con người và được thể hiện dưới hình thức ngôn ngữ như là
sự phát ngôn và thể hiện ý nghĩa.
6) Quá trình hiện hữu (existential processes): các hiện tượng thuộc tất cả các loại
thuần tuý được công nhận là tồn tại hay xảy ra.
Trong đó, ba quá trình đầu là ba kiểu quá trình chính và ba quá trình sau là ba
quá trình trung gian giữa các quá trình chính trên. Mỗi quá trình như trên luôn bao gồm
ba thành phần:
“(i) chính quá trình;
(ii) các tham thể trong quá trình;
(iii) các chu cảnh liên quan đến quá trình.”. [24, tr. 208].
Các tham thể chính yếu trong ngữ pháp tiếng Anh mà ông đã xác định được gồm
có: Hành thể, Đích thể, Ứng thể, Cảm thể, Hiện tượng, Phát ngôn thể, Đích ngôn thể,
Đương thể, Thuộc tính, Bị đồng nhất thể, Đồng nhất thể, Biểu hiện, Giá trị, Hiện hữu
thể, Lợi thể và Cương vực.
Các kiểu chu cảnh chủ yếu gồm có: Phạm vi, Định vị, Phong cách, Nguyên
nhân, Ngẫu nhiên, Đồng hành, Vai diễn, Vấn đề và Quan điểm.
Mỗi quá trình trên được biểu thị bằng một biểu thức ngôn ngữ được gọi là cấu
trúc vị từ-tham thể gồm một vị từ và các tham tố của nó. Trong cấu trúc này, vị từ giữ
vai trò là yếu tố trung tâm quyết định số lượng cũng như đặc điểm của các tham tố đi
kèm với nó. Chẳng hạn, xét hai câu sau:
1) The lion sprang. (Con sư tử nhẩy).
2) The lion caught the tourist. (Con sư tử vồ người khách du lịch).
Hai câu trên có cấu trúc vị từ-tham thể như sau:
1) The lion sprang 2) The lion caught the tourist
Hành thể Quá trình Hành thể Quá trình Đích thể
[24, tr. 209]
Câu 1) chỉ có một tham thể nhưng câu 2) thì có hai tham thể.
17
Hay xét câu sau:
I don’t like it
Cảm thể Quá trình: tình cảm Hiện tượng
Tôi không thích nó
[24, tr. 221]
Trong câu trên, tham tố thứ nhất “I” bắt buộc phải là một sự vật có ý thức. Trong
khi đó, tham tố thứ hai “it” có thể là một sự vật hay một thực tế.
Mỗi cấu trúc vị từ-tham thể có những tham thể điển hình khác nhau. Thông
thường, mỗi tham thể điển hình cho một hay một vài cấu trúc nào đó. Tuy nhiên, trong
số các tham thể mà ông nêu ra, tham thể Lợi thể và Cương vực lại không điển hình cho
một cấu trúc vị từ-tham thể nào cụ thể.
Tóm lại, theo M.A.K. Halliday, nghĩa biểu hiện của câu chính là các quá trình.
Mỗi quá trình trên được biểu thị bằng một biểu thức ngôn ngữ được gọi là cấu trúc vị
từ-tham thể gồm một vị từ giữ vai trò là yếu tố trung tâm và các tham tố của nó. Trong
cấu trúc này, chính vị từ quyết định số lượng cũng như đặc điểm của các tham tố đi kèm
với nó.
1.1.2. Quan điểm của các nhà Việt ngữ học
1.1.2.1. Trong bài viết Một số biểu hiện của cách nhìn Âu châu đối với cấu trúc
tiếng Việt, Cao Xuân Hạo đã nhận xét về chức năng của vị từ như sau: “chức năng của
vị từ chính là làm thành vị ngữ (ngữ đoạn vị từ) hay làm trung tâm của ngữ đoạn này,
cho nên chính nó đảm đương việc mang những đặc trưng ngữ pháp-ngữ nghĩa đánh
dấu sự phân biệt giữa các loại sự tình.”. [31, tr. 258]. Quan điểm này của ông được
nhắc lại trong phần ông viết về phân loại câu theo nghĩa biểu hiện của khung vị ngữ.
Theo đó, “các sự tình, được biểu hiện trong ngôn ngữ bằng những câu mà hạt nhân là
khung vị ngữ, gồm lõi vị ngữ, (mà trung tâm là vị từ) và các tham tố của nó.”. [27, tr.
232]. Với quan điểm vị từ là trung tâm của lõi vị ngữ, là yếu tố đánh dấu sự phân biệt
ngữ nghĩa-ngữ pháp giữa các loại sự tình, Cao Xuân Hạo đã áp dụng các lí thuyết của
những nhà ngữ pháp chức năng tiêu biểu như L. Tesnière, C.J. Fillmore, W.L. Chafe,
S.C. Dik, M.A.K. Halliday, v.v. để phân biệt các sự tình trong tiếng Việt.
18
Trước hết, ông cho rằng có thể áp dụng các tiêu chí [± Động] và [± Chủ ý] của
S.C. Dik để phân biệt các sự tình trong tiếng Việt. Tuy nhiên, theo ông cần phải thêm
sự tình [Tồn tại] (Hiện hữu) vào hàng các sự tình cơ bản ngang hàng với Biến cố và
Tình hình. Cũng vậy, để phù hợp với tình hình tiếng Việt hơn, ông đã thay thế ô Tư thế
trong lược đồ các sự tình của S.C. Dik bằng loại Quan hệ trong bảng phân loại các sự
tình (các quá trình) của M.A.K. Halliday. Còn các sự tình thuộc ô Tư thế này của S.C.
Dik sẽ thuộc vào nhóm các sự tình hành động không chuyển tác không di chuyển và
được ông gọi là Ứng xử (behavioural), thuật ngữ của M.A.K. Halliday. Các sự tình này
đã được ông hệ thống thành một biểu đồ. (Xin xem Phụ lục Biểu đồ phân loại các sự
tình của Cao Xuân Hạo, tr. 163).
Tiếp đó tác giả đã giới thiệu khái quát bốn kiểu câu (sự tình) cơ bản sau:
- Câu chỉ hành động
Câu chỉ hành động biểu thị một biến cố có chủ ý. Chủ thể của hành động nêu
trong câu được gọi là Hành thể, hay kẻ hành động (actor). Có hai loại câu hành động:
hành động vô tác và hành động chuyển tác. Một hành động vô tác có thể chỉ có một
diễn tố là Hành thể nhưng hành động chuyển tác phải có ít nhất hai diễn tố: Hành thể và
Đối thể hay Bị thể hay có ba diễn tố: 1/ Tác thể (agens), 2/ Đối thể hay Bị thể và 3/
“Người nhận (Nhận thể) trong những hành động như trao, cho, tặng, hoặc là nơi đến
(đích) trong những hành động làm thay đổi vị trí của đối tượng.”. [27, tr. 235].
- Câu chỉ quá trình
Câu chỉ quá trình biểu thị một biến cố không chủ ý. Có hai loại câu quá trình:
quá trình vô tác và quá trình chuyển tác. Một quá trình vô tác thường không có diễn tố
hay chỉ có một diễn tố. Diễn tố trong quá trình vô tác được gọi là Động thể hay Quá thể.
Quá trình chuyển tác là quá trình trong đó “một vật vô tri gây một tác động thay đổi
trạng thái hay vị trí của một đối tượng khác, hoặc huỷ diệt đối tượng đó đi.” [27, tr.
238]. Quá trình chuyển tác cũng thường có ít nhất hai diễn tố trong đó diễn tố thứ nhất,
chủ thể của sự tác động là Lực.
- Câu chỉ trạng thái
Câu chỉ trạng thái thường là những câu có một diễn tố. Diễn tố này chỉ chủ thể
mang tính chất hay trạng thái và được gọi là Tỉnh thể hay Đương thể (carrier). Tuy
19