Tải bản đầy đủ (.pdf) (27 trang)

tóm tắt luận án tiến sĩ ngôn từ nghệ thuật thơ mới

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (489.38 KB, 27 trang )


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN







LA NGUYỆT ANH





NGÔN TỪ NGHỆ THUẬT THƠ MỚI


CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC VIỆT NAM
MÃ SỐ: 62 22 01 21




LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM














THÁI NGUYÊN - 2013
Công trình được hoàn thành tại Trường Đại học Sư phạm
Đại học Thái Nguyên



Người hướng dẫn khoa học 1: PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp
Người hướng dẫn khoa học 2: TS Lê Hồng My


Phản biện 1:

Phản biện 2:

Phản biện 3:



Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Đại học Thái Nguyên
họp tại:
Vào hồi…….giờ……ngày……tháng… năm 2013


Có thể tìm hiểu Luận án tại:
Thư viện Quốc gia Việt Nam
Trung tâm học liệu Đại học Thái Nguyên




1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Ngôn từ là yếu tố thứ nhất của văn học. Sáng tạo, tiếp nhận và đánh giá văn
học nói chung và thơ nói riêng không thể thiếu được yếu tố này. Ngôn từ nghệ thuật
(ngôn từ văn học) là một sự “phân tầng khác” của ngôn ngữ tự nhiên, “tương xâm”
(Iu.M.Lotman) nhưng không đồng nhất với ngôn ngữ tự nhiên. Nếu ngôn ngữ tự
nhiên thường mang tính ổn định, thì ngôn từ nghệ thuật - đặc biệt là ngôn từ thơ - với
tư cách là một “mã” nghệ thuật lại luôn thay đổi. Mỗi thời đại văn học, mỗi trào lưu,
khuynh hướng và mỗi tác giả lại có cách sử dụng ngôn ngữ riêng để mang đến một
“thực tại” và hình thức mới cho ngôn từ nghệ thuật.
1.2. Trong dòng chảy của thơ ca Việt Nam, phong trào Thơ mới (1932 – 1945)
là một hiện tượng độc đáo, đặc sắc. Trên hành trình sáng tạo, các nhà thơ mới đã đạt
được thành công rực rỡ, đặt nền móng vững chắc cho công cuộc hiện đại hóa thơ Việt
Nam. Hơn tám thập kỷ đã trôi qua, Thơ mới vẫn luôn thu hút sự quan tâm, yêu mến
của độc giả và của giới nghiên cứu - phê bình văn học. Đặc biệt, những sáng tạo của
Thơ mới về ngôn từ nghệ thuật luôn hấp dẫn người sáng tác, người thưởng thức và
những người nghiên cứu thơ.
1.3. Các công trình nghiên cứu và bài viết về Thơ mới đã khám phá ngôn từ thơ
ở nhiều phương diện như: vần thơ, nhịp thơ, nhạc điệu, từ ngữ, phương thức biểu đạt,
cấu trúc ngôn ngữ… Tuy nhiên, những đánh giá, phân tích, lý giải chủ yếu tập trung
vào khẳng định sức sáng tạo của từng cây bút hoặc nét độc đáo của từng thi phẩm.
Vấn đề ngôn từ nghệ thuật Thơ mới vẫn thiếu cái nhìn toàn diện, hệ thống và còn có

những điểm cần tiếp tục đi sâu tìm hiểu, phân tích, tổng hợp.
Tiếp thu thành tựu của những người đi trước, tìm hiểu kết quả nghiên cứu về
ngôn từ nghệ thuật những thập niên gần đây, chúng tôi thấy rằng, đã đến lúc cần thiết
và có cơ sở để thực hiện một công trình nghiên cứu chuyên sâu về Ngôn từ nghệ
thuật Thơ mới.
1.4. Thơ mới có một vị trí quan trọng trong chương trình Ngữ văn ở các bậc học.
Thực tiễn giảng dạy và học tập về Thơ mới đòi hỏi sự chiếm lĩnh ngày càng sâu sắc


2
những sáng tạo nghệ thuật của các nhà thơ mới. Việc tìm hiểu, nghiên cứu nhằm đáp
ứng nhu cầu giảng dạy, học tập Thơ mới nói riêng và văn học Việt Nam hiện đại nói
chung trong nhà trường cũng là một lý do thôi thúc chúng tôi mạnh dạn lựa chọn đề
tài này. Hy vọng kết quả nghiên cứu vấn đề Ngôn từ nghệ thuật Thơ mới không chỉ
có ý nghĩa thiết thực đối với tác giả luận án mà còn có ý nghĩa tích cực đối với thực
tiễn nghiên cứu, dạy và học môn Ngữ văn trong nhà trường.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận án xác định đối tượng nghiên cứu là ngôn từ nghệ thuật trong các sáng tác
của các nhà thơ mới 1932 – 1945.
2.2. Phạm vi nghiên cứu
Trong quá trình thực hiện đề tài, tập trung vào đối tượng nghiên cứu, chúng tôi
khảo sát, nghiên cứu sáng tác của các tác giả Thơ mới qua các tuyển tập thơ và tập
thơ được xuất bản hoặc tái bản trong nước từ trước Cách mạng tháng Tám đến nay,
cụ thể là: Thi nhân Việt Nam (Hoài Thanh – Hoài Chân, Nxb Văn học, Hà Nội,
1998, in lần thứ 14) [172]; Thơ mới (1932 - 1945): Tác giả và tác phẩm (Nxb Hội
Nhà văn, H., 2006, in lần thứ 6) [187]; Các tập thơ tiêu biểu trong phong trào Thơ
mới.
3. Mục đích nghiên cứu
- Nhận diện, phân tích, khái quát những đặc trưng cơ bản, cách thức tổ chức và

những đặc sắc trong tổ chức văn bản ngôn từ nghệ thuật Thơ mới. Khẳng định những
đóng góp đáng trân trọng của Thơ mới trong quá trình hiện đại hóa thơ ca và hành
trình cách tân ngôn ngữ văn học Việt Nam.
- Khẳng định mối quan hệ biện chứng giữa sáng tạo ngôn từ và tư tưởng nghệ
thuật, giữa hình thức và nội dung; sự quy định của ý thức xã hội, trạng thái tri thức và
hệ thống quyền lực đối với sáng tạo ngôn từ nghệ thuật.
- Luận án cũng hướng tới khẳng định một hướng tiếp cận có hiệu quả trong
nghiên cứu, tiếp nhận và thưởng thức thơ ca.



3

4. Nhiệm vụ nghiên cứu
Luận án đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu sau: 1) Khảo sát tình hình nghiên cứu ngôn
từ nghệ thuật Thơ mới; 2) Tìm hiểu cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn về ngôn từ nghệ
thuật và ngôn từ nghệ thuật Thơ mới; 3) Khái quát quá trình hình thành hình thức
giao tiếp nghệ thuật mới từ hiện tượng Thơ mới; 4) Chỉ ra đặc trưng cơ bản và tổ
chức văn bản nghệ thuật Thơ mới.
5. Phương pháp nghiên cứu
Luận án phối hợp sử dụng các phương pháp sau: phương pháp cấu trúc - hệ
thống, phương pháp thống kê - so sánh, phương pháp phân tích văn bản, phương pháp
nghiên cứu liên ngành.
6. Đóng góp mới của luận án
Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách toàn diện và hệ thống về ngôn
từ nghệ thuật Thơ mới.
Luận án đã phân tích cụ thể những yếu tố nội sinh, ngoại sinh, những điều kiện
văn hóa, lịch sử… như là những tiền đề quan trọng tạo nên sự thay đổi của ngôn từ
nghệ thuật Thơ mới. Qua đó khẳng định: Thơ mới là một hình thức diễn ngôn nghệ
thuật mới khác với loại hình diễn ngôn thơ ca trước và sau nó.

Luận án đã khái quát những đặc trưng cơ bản của ngôn từ nghệ thuật Thơ mới
với những biểu hiện chủ yếu: mang đậm tính chủ quan, thiên về cảm xúc, cảm giác,
hiện đại và đầy cá tính. Luận án cũng cho rằng, sự đổi mới của ngôn từ nghệ thuật
Thơ mới là kết quả của quá trình tiếp thu và tiếp nhân những tinh hoa nghệ thuật thơ
ca truyền thống, tinh hoa nghệ thuật thơ ca nhân loại. Đây là sản phẩm của quá trình
giao lưu và tiếp biến văn hóa.
Luận án đã lựa chọn và khai thác một số bình diện tiêu biểu trong tổ chức văn
bản ngôn từ nghệ thuật Thơ mới như: từ ngữ, cú pháp và tổ chức bài thơ; trên cơ sở
đó, luận án khẳng định những cách tân, những bứt phá mới và quá trình hiện đại hóa
ngôn ngữ thơ của thế hệ thi nhân Thơ mới.
Kết quả của luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo phục vụ cho công tác


4
nghiên cứu, dạy và học thơ ca Việt Nam hiện đại ngành Ngữ văn trong các trường
Cao đẳng, Đại học.
7. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, phần nội dung chính của
luận án gồm bốn chương như sau:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu ngôn từ nghệ thuật Thơ mới
Chương 2: Thơ mới – Một hình thức giao tiếp nghệ thuật mới
Chương 3: Đặc trưng ngôn từ nghệ thuật Thơ mới
Chương 4: Tổ chức văn bản ngôn từ nghệ thuật Thơ mới

NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH
NGHIÊN CỨU NGÔN TỪ NGHỆ THUẬT THƠ MỚI
Hơn tám mươi năm qua, kể từ khi xuất hiện trên thi đàn Việt Nam đến nay,
Thơ mới đã được nghiên cứu ở nhiều góc độ. Đóng góp của Thơ mới ngày càng được
khẳng định; các công trình nghiên cứu về Thơ mới không ngừng tăng theo thời gian.

Quá trình triển khai đề tài, chúng tôi đã tập hợp một khối lượng lớn các công
trình nghiên cứu về Thơ mới; từ đó, tập trung vào các ý kiến, luận giải, đánh giá về
ngôn từ nghệ thuật Thơ mới. Trong phần Tổng quan nghiên cứu của luận án này, kết
quả khảo sát những công trình, chuyên luận, những bài báo liên quan gần và trực tiếp
đến ngôn từ nghệ thuật Thơ mới được tổng hợp, sắp xếp theo trình tự thời gian; theo
đó, có thể khái quát tình hình nghiên cứu ngôn từ nghệ thuật Thơ mới qua các giai
đoạn như sau:
1.1. Nghiên cứu về ngôn từ nghệ thuật Thơ mới giai đoạn 1932 - 1945
Ngay từ lúc Thơ mới xuất hiện, dư luận khen, chê khá sôi nổi, có ý kiến khẳng
định, có ý kiến phủ định. Đáng chú ý là những công trình, những bài viết sau:
- Phong trào Thơ mới của Lưu Trọng Lư [184].
- Thơ mới, Thơ mới Nguyễn Vỹ… của Lê Tràng Kiều [184].


5
- Thi nhân Việt Nam Hoài Thanh, Hoài Chân [172].
- Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan [136]…
Ở giai đoạn này vấn đề ngôn từ thơ của Thơ mới đã được đặt ra nhưng vẫn còn
bỏ ngỏ. Đây cũng chính là vấn đề mà các tác giả Thi nhân Việt Nam còn “khất lại”.
1.2. Nghiên cứu về ngôn từ nghệ thuật Thơ mới giai đoạn 1945 -1985
Vấn đề Thơ mới được đặt lại. Do nhiều nguyên nhân, cái nhìn đối với Thơ mới
ở giai đoạn này có phần khắt khe. Ngay những đại biểu ưu tú của Thơ mới cũng
nghiêm khắc với chính mình. Tuy nhiên, những nhận định về ngôn từ nghệ thuật Thơ
mới lại có những điểm cụ thể, sáng rõ hơn. Nhìn một cách khái quát, tình hình nghiên
cứu Thơ mới diễn ra theo hướng phân cực ở hai miền đất nước.
Ở miền Bắc, có thể kể đến những nghiên cứu về Thơ mới của tác giả Phan Cự
Đệ [37], Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức [125], Hoài Thanh [171]…
Ở miền Nam, có thể kể đến ý kiến của Phạm Văn Diêu [22], Thanh Lãng [88],
Nguyễn Tấn Long, Phan Canh [101], Phạm Thế Ngũ [124].
Nhìn bao quát giai đoạn này, Thơ mới vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của giới

nghiên cứu, phê bình văn học. Phương diện nội dung tư tưởng của Thơ mới được nhìn
nhận đánh giá nghiêm khắc nhưng những cách tân hình thức, đặc biệt những cách tân
trên phương diện ngôn từ của Thơ mới vẫn được khẳng định. Tuy nhiên các nhà nghiên
cứu vẫn chỉ dừng lại ở những nhận xét mang tính khái quát, định hướng, gợi mở.
1.3. Nghiên cứu về ngôn từ nghệ thuật Thơ mới từ 1986 đến nay
Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), trên tinh thần đổi mới ở tất cả
các lĩnh, Thơ mới cũng được quan tâm đánh giá một cách khách quan và khoa học
hơn. Vấn đề ngôn từ Thơ mới được tiếp tục bàn đến. Tiêu biểu là các công trình sau:
- Nhìn lại một cuộc cách mạng trong thi ca do Huy Cận, Hà Minh Đức chủ biên [13];
- Ngôn ngữ thơ Việt Nam của Hữu Đạt [36];
- Giọng điệu thơ trữ tình của Nguyễn Đăng Điệp [43];
- Thơ mới, những bước thăng trầm của Lê Đình Kỵ [86]…
- Nhìn lại Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn do Trần Hữu Tá, Nguyễn Thành
Thi, Đoàn Lê Giang chủ biên [166].


6
Bên cạnh đó vấn đề ngôn từ Thơ mới còn được quan tâm tới trong các chuyên
luận, các công trình chuyên biệt về tác giả, tác phẩm [54], [59], [64], [76], [142],
[151], [152], [199], , các luận án [5], [29], [52], [75], [126], [145], [146], , luận văn
thạc sỹ [195], [196], , các bài báo [68], [127],…
Tiểu kết
Qua tìm hiểu quá trình và kết quả nghiên cứu về Thơ mới, chúng tôi nhận thấy,
vấn đề ngôn từ nghệ thuật Thơ mới đã được chú ý ngay từ khi Thơ mới hiện diện trên
thi đàn và ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Các ý kiến bàn về ngôn từ nghệ thuật
Thơ mới hướng tới sự khẳng định ở một số phương diện sau: Thứ nhất, ngôn từ nghệ
thuật Thơ mới đã có những thay đổi cơ bản, từ ngôn ngữ “điệu ngâm” sang ngôn ngữ
“điệu nói”; Thứ hai, cấu trúc ngôn từ Thơ mới tự do, phóng khoáng; Thứ ba, những
thành tựu trên phương diện ngôn từ nghệ thuật của Thơ mới đã góp phần hiện đại hóa
ngôn ngữ tiếng Việt.

Trân trọng và kế thừa thành tựu của người đi trước, tiếp thu những định hướng
khoa học đã được đặt ra, chúng tôi tiếp tục triển khai nghiên cứu toàn diện và hệ
thống về ngôn từ nghệ thuật Thơ mới. Hy vọng kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp
phần soi sáng hơn một phương diện quan trọng làm nên dấu ấn của phong trào Thơ
mới trong lịch sử thi ca Việt Nam.

CHƯƠNG 2: THƠ MỚI – MỘT HÌNH THỨC
GIAO TIẾP NGHỆ THUẬT MỚI
2.1. Ngôn từ nghệ thuật – một hình thức giao tiếp đặc biệt
2.1.1. Khái niệm ngôn từ và ngôn từ nghệ thuật
2.1.1.1. Khái niệm ngôn từ
“Ngôn từ là sự biểu hiện cụ thể của ngôn ngữ trong sự giao tiếp sống động của
con người qua các lời nói của một cá nhân mang đậm sắc thái cá nhân để tác động
đến một người khác” [205, tr. 51].


7
Tuy nhiên trong đời sống hàng ngày cũng như trong văn phong khoa học, văn
phong nghệ thuật… hiện tượng ngôn ngữ/ ngôn từ chưa được phân tách một cách
rạch ròi, trong nhiều trường hợp còn thay thế cho nhau.
Từ mục đích nghiên cứu và đối tượng của luận án, chúng tôi thấy cần thiết có sự
phân định giữa khái niệm ngôn ngữ và ngôn từ:
1) Khi nói ngôn ngữ (langue) là nói đến kho từ chung với những đặc trưng tiêu
biểu mặc nhiên được toàn xã hội thừa nhận; Ngôn ngữ là tổng thể tất cả các đơn vị,
phương tiện, các kết hợp mà lời nói sử dụng như ngữ âm, từ vựng.
2) Ngôn từ (parole) là lời nói cá nhân mang màu sắc thẩm mỹ riêng được sử
dụng trong giao tiếp. Khi nói ngôn từ là nói đến cách sử dụng ngôn ngữ gắn với
phong cách cá nhân. Tuy nhiên, thấm nhuần tư tưởng của các nhà ngữ học, chúng tôi
hiểu rằng sự phân biệt trên chỉ mang tính chất tương đối, bởi mối liên hệ biện
chứng của chính đối tượng.

2.1.1.2. Khái niệm ngôn từ nghệ thuật
Ngôn từ nghệ thuật: “Khái niệm chỉ loại hình ngôn ngữ dùng để biểu đạt nội
dung hình tượng của các tác phẩm nghệ thuật ngôn từ (sáng tác lời truyền miệng và
văn học viết). Về mặt chất liệu, các phương tiện ngôn ngữ được sử dụng ở nghệ thuật
ngôn từ có thể không khác gì các phương tiện từ vựng, ngữ pháp của ngôn ngữ toàn
dân cũng như không khác gì các yếu tố phương ngữ, ngôn ngữ thông tục và biệt
ngữ…” [70, tr. 1090 - 1091].
Ngôn từ nghệ thuật được phân biệt với các loại hình ngôn từ khác như ngôn từ
thực dụng, ngôn từ khoa học
Ngôn từ thực dụng còn gọi là ngôn từ tự nhiên, ngôn từ phi nghệ thuật (để phân
biệt với ngôn từ nghệ thuật hay còn gọi là ngôn từ văn học) được dùng trong sinh
hoạt hàng ngày, là phương tiện giao tiếp trong xã hội.
Ngôn từ khoa học được dùng trong lĩnh vực khoa học như sánh báo khoa học,
các công trình nghiên cứu khoa học, ở dạng chuyên sâu (như những phát minh, luận
án) hoặc phong cách khoa học giáo khoa (như sách giáo khoa)… Ngôn từ khoa học
được dùng để xây dựng các thuật ngữ, các khái niệm và kết quả khoa học.


8
Mặc dù bắt nguồn và được nuôi dưỡng từ vốn ngôn ngữ toàn dân, ngôn ngữ tự
nhiên nhưng ngôn từ nghệ thuật vẫn mang những đặc trưng riêng.
2.1.2. Đặc trưng của ngôn từ nghệ thuật và ngôn từ nghệ thuật thơ
2.1.2.1. Đặc trưng của ngôn từ nghệ thuật
Phương pháp truyền thống xác định đặc trưng của ngôn từ nghệ thuật theo định
tính. Với hướng này người ta đã liệt kê các tính chất, thuộc tính mà ngôn từ nghệ
thuật có thể có, đó là: tính hình tượng, tính cụ thể, tính cá thể hóa, tính hàm súc, tính
chính xác.v.v…
R. Jacobson cho rằng: “Ngôn ngữ cần được nghiên cứu trong toàn bộ sự đa dạng
về chức năng của nó” và quan tâm đến những thành phần cơ bản tạo nên một sự kiện
ngôn ngữ, một hành động giao tiếp [149]. Lý thuyết giao tiếp của R.Jakobson hướng

sự chú ý tổ chức lời thơ tuy nhiên hạn chế của R. Jacobson là chỉ chú ý vào tổ chức
vật liệu mà chưa chú ý đến mối quan hệ giữa cách tổ chức vật liệu với những người
giao tiếp bằng vật liệu đó.
Bàn về ngôn từ, M. Bakhtin cũng đặt ngôn từ trong hoạt động giao tiếp. Tuy
nhiên, M. Bakhtin lại đi xa hơn, quan tâm đến bản chất xã hội, thẩm mỹ của ngôn từ
và xem đối thoại như thuộc tính nguyên sinh của lời nói. Bakhtin cho rằng: Ngôn từ
ra đời trong đối thoại như một lời đối đáp sống động, nó hình thành trong quá khứ
tương tác đối thoại với lời của người khác về đối tượng; Tính đối thoại của ngôn từ
không phải chỉ bởi sự thâu tiếp đối tượng, bất kỳ lời nói nào cũng nhằm để được đáp
lại và không thể tránh khỏi ảnh hưởng sâu xa của lời đáp dự kiến [110, tr.87-101].
Như vậy, lời đối thoại nào cũng bao gồm: lời người phát (lời người nói), lời
người nhận (lời đáp), đối tượng hoặc lời đáp dự kiến. Hoạt động giao tiếp bị chi phối
bởi chất đối thoại và mang cấu trúc đối thoại đặc trưng.
Lý thuyết của M.Bakhtin đã hướng sự quan tâm đến bản chất xã hội, thẩm mỹ
của ngôn từ và có điểm gần với những mệnh đề nổi tiếng trong lý thuyết của chủ
nghĩa hậu hiện đại mà đại diện tiêu biểu là M. Foucault.
Có thể nói, đến khi M. Foucault đưa ra khái niệm diễn ngôn (discourse), thì vấn
đề bản chất xã hội, thẩm mỹ của ngôn từ văn học đã được “hiện ra rõ thêm một


9
bước”(Trần Đình Sử). Theo cách hiểu của M. Foucault, diễn ngôn là hình thức biểu
hiện ngôn ngữ của một quần thể trong một điều kiện xã hội, lịch sử nhất định. Trong
đó, cơ chế thầm kín chi phối ngôn từ đó là ý thức xã hội, trạng thái tri thức của con
người và cơ chế quyền lực trong xã hội. Sự quan tâm của M. Foucault tới hệ thống
các hạn chế, các giới hạn đối với hành vi ngôn ngữ là một bước tiến mới trong nhận
thức luận. Theo M. Foucault, hướng nghiên cứu cấu trúc vô tình đã tước bỏ các điều
kiện hình thành và tạo tác văn bản, khiến văn bản bị cô lập và như một thực thể tĩnh
tại, còn các nhân tố tạo nên ý nghĩa của văn bản thì lại bị bỏ quên [164].
Theo đó, mỗi thời đại sẽ sản sinh ra những diễn ngôn tương ứng. Các loại hình

diễn ngôn ấy tất nhiên chịu sự quy định của “khung tri thức” và tầm văn hóa của thời
đại. Ngôn ngữ văn học, từ góc nhìn diễn ngôn, không phải là ngôn ngữ đã “ngủ quên”
trong từ điển mà thứ ngôn ngữ mang chứa, khúc xạ trong đó nhiều tầng vỉa khác nhau
của lịch sử, văn hóa, xã hội, tôn giáo, các quan hệ đời sống… Điều này đã được Trần
Đình Sử nhấn mạnh: “Sự phân tích diễn ngôn trong từng xã hội cho thấy cái logic nội
tại, cái cơ chế thầm kín chi phối ngôn từ đó là hình thái ý thức xã hội, trạng thái tri
thức của con người và cơ chế quyền lực trong xã hội…” [158].
Có thể thấy, từ nhiều góc độ và mức độ các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, các nhà
thi học đều khẳng định: mối quan hệ biện chứng giữa ngôn ngữ tự nhiên và ngôn từ
nghệ thuật. Trong đó ngôn từ nghệ thuật là sự “tái cấu trúc”(Trần Đình Sử) từ ngôn
ngữ tự nhiên theo nguyên tắc nghệ thuật.
Sự phát triển của tri thức về ngôn ngữ, về lý luận ngôn từ, thi pháp ngôn từ cho
thấy, nghiên cứu ngôn từ nghệ thuật không tách rời yếu tố chất thể và bản chất xã hội
của ngôn từ. Nói khác đi, ngôn từ nghệ thuật cần được đánh giá với tư cách một diễn
ngôn nghệ thuật, một hình thức giao tiếp nghệ thuật đặc biệt.
Mặt khác, ngôn từ nghệ thuật còn bị chi phối bởi đặc trưng thể loại. Mỗi thể loại
thể hiện một kiểu quan hệ đối với thực tiễn đời sống và đối với người đọc, tức là một
kiểu giao tiếp.




10

2.1.2.2. Đặc trưng của ngôn từ nghệ thuật thơ
Từ góc độ loại hình, thơ là thể loại thuộc loại hình trữ tình, hiện thực trong thơ
là hiện thực tâm trạng. Tiếng nói trong thơ là tiếng nói của tình cảm. Theo M.
Bakhtin: “Ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ của anh ta”[110, tr.115]. Ý kiến của M. Bakhtin
nhấn mạnh yếu tố chủ quan của ngôn từ thơ.
Kate Hamburger qua khảo sát lý thuyết thơ cũng cho rằng diễn ngôn thơ khác

các diễn ngôn hàng ngày và các diễn ngôn kịch, sử thi. Sự khác biệt này là ở chỗ, nó
không hướng đến cực đối tượng mà hướng đến cực chủ ngữ, vào chủ thể phát ngôn.
[80, 325 – 354].
Sự khác biệt lớn nhất giữa ngôn từ thơ ca và ngôn từ văn xuôi được cho là ở
cách thức tổ chức ngôn ngữ. Trong nhiều tiêu chí đánh giá, các nhà hình thức cho
rằng dấu hiệu đặc trưng để phân biệt ngôn ngữ thơ và văn xuôi là ở phương diện âm
thanh và cấu trúc nhịp điệu.
J.Tynianov định nghĩa thơ là một cấu trúc đặc biệt được đặc trưng bởi sự phụ
thuộc của toàn thể các yếu tố vào nguyên tắc nhịp điệu.
B. M. Eikhenbaum lại quan niệm: “phải đi từ âm thanh câu thơ”, nhịp điệu lẫn
thanh điệu tự bản thân chúng không quyết định được đặc điểm của phong cách và
không có khả năng xác lập các nguyên tắc kết cấu và do đó không tạo ra cơ sở để
nghiên cứu sự khác biệt mang tính đặc thù giữa phong cách này với phong cách kia.
Yếu tố có thể xác định đặc điểm đích thực của thơ đó là cấu trúc ngữ điệu của câu
văn với vai trò kết cấu của nó [6].
Như vậy, có thể thấy rõ sự chi phối của thể loại đến đặc trưng của ngôn từ. Việc
nghiên cứu ngôn từ nghệ thuật thơ, dĩ nhiên, không tách rời việc nghiên cứu thể loại,
chủ thể lời nói, tổ chức lời nói.
Thuộc phạm trù lời nói, ngôn từ văn học nói chung, ngôn từ thơ nói riêng, thể
hiện sâu sắc quan niệm, cách sử dụng, trình độ văn hóa, nghệ thuật của chủ nhân nền
văn học. Tham gia vào giao tiếp nghệ thuật, ngôn từ thơ ca của một thời kỳ lớn gắn
với đặc trưng tư duy hình tượng của thời ấy, là “hóa thạch” của đời sống tâm lý, xã
hội; chịu sự ước định của tri thức, quyền lực, trách nhiệm.


11

Những phân tích trên là cơ sở để chúng tôi tiến hành nghiên cứu ngôn từ nghệ
thuật Thơ mới với tư cách là một hình thức giao tiếp nghệ thuật đặc biệt, một diễn
ngôn hiện đại, có đặc trưng ngôn từ riêng và một cách thức tổ chức đặc thù.

2.2. Giao tiếp nghệ thuật Thơ mới- một hiện tượng văn hóa mới
2.2.1. Những tiền đề lịch sử, văn hóa, xã hội dẫn đến sự ra đời Thơ mới
Những yếu tố nội sinh chính là nguồn nuôi dưỡng thơ ca dân tộc, tuy nhiên các
yếu tố ấy chưa đủ để tạo ra được một biến cố mong đợi.
Cuộc tiếp xúc với Phương Tây đã làm thay đổi mọi sinh hoạt, mọi quan niệm
của người Việt Nam. Ý thức dân chủ lan tỏa trong đời sống dẫn đến những biến
chuyển sâu sắc trong tinh thần thời đại. Yêu cầu hiện đại hóa văn học được đặt ra một
cách cấp bách. Thơ mới tự nó đã có sự chuẩn bị đầy đủ để tạo ra một cuộc cách mạng
thi ca với định hướng mới và bằng một hình thức giao tiếp nghệ thuật mới.
Trong lịch sử thơ ca dân tộc, “Thơ mới” đã trở thành định danh của phong trào
thơ mở đầu cho thơ ca hiện đại Việt Nam, xuất hiện và phát triển rực rỡ trong những
năm đầu của thế kỷ XX, một nền thơ phong phú và đa dạng, hiện đại và đầy cá tính,
một hiện tượng văn hóa độc đáo và giàu bản sắc.
2.2.2. Chủ thể lời nói trong giao tiếp nghệ thuật Thơ mới
Lịch sử thơ ca cho thấy, mỗi thời đại thường gắn với sự lựa chọn một kiểu trữ
tình, một ý thức về sứ mệnh, vai trò của chủ thể trong quan hệ với đời sống. Ở mỗi
giai đoạn mới của lịch sử, luôn có xuất hiện của những diễn ngôn mới. Đó thực chất
là sự thay đổi những quy ước giao tiếp.
Trong thơ trung đại Việt Nam, nhà thơ mang một tư thế trữ tình đặc trưng. Ý thức
trữ tình truyền thống là thuật, kể nỗi lòng, cảm xúc, chí hướng của mình. Kiểu “ngôn
chí”, “tỏ lòng” trong thơ trung đại có xu hướng xóa nhòa ranh giới giữa chủ thể và khách
thể, tiếng nói trong thơ là tiếng nói siêu cá thể, “tiếng nói giữa trời” (Chế Lan Viên). Bút
pháp thơ trung đại mang tính chất gián tiếp đầy ngụ ý, kí thác. Giao tiếp trực tiếp không
trở thành vấn đề, mối quan tâm quá lớn đối với nhà thơ trung đại
Thơ mới là tiếng nói của từng cá nhân cụ thể. Chủ thể lời nói trong Thơ mới
xuất hiện “ngạo nghễ”, “không e ấp, sợ sệt” (Nguyễn Đăng Điệp). Nhu cầu biểu hiện


12


cảm xúc, khát vọng vô biên, tuyệt đích đã mở rộng chân trời sáng tạo cho thơ ca. Quá
trình này, Thơ mới đã giải phóng triệt để cá tính sáng tạo của nghệ sĩ, giải phóng
cảm giác, trí tưởng tượng, giải phóng sức diễn đạt để trình bày thế giới tâm hồn như
một đối tượng phức tạp, đầy bí ẩn. Theo đó, thế giới ngôn từ Thơ mới cũng chuyển
động liên tục.
Trong quá trình vận động, một mặt diễn ngôn Thơ mới chống lại diễn ngôn thơ
ca trung đại như một phủ định lịch sử, nhưng mặt khác nó vẫn chịu khúc xạ của văn
học trung đại và văn học truyền thống. Đó là sự khúc xạ của những trầm tích văn hóa.
2.2.3. Loại hình ngôn từ và tổ chức giao tiếp nghệ thuật Thơ mới
Sự ra đời của Thơ mới đã làm thay đổi hệ hình tư duy từng tồn tại hàng nghìn
năm trong văn học nước nhà. Mô hình cuộc sống hiện đại cùng sự tự do thể hiện đã
mở đường cho những phát triển của hình thức văn học mới. Phạm vi thơ được mở
rộng: “Đây là quán tha hồn muôn khách đến/ Đây là bình thu hợp trí muôn phương/
Đây là vườn chim nhả hạt mười phương/ Hoa mật ngọt chen giao cùng trái độc”
(Cảm xúc – Xuân Diệu).
Trong mạch vận động đó, nhãn quan ngôn ngữ cũng thay đổi. Nhãn quan ngôn
ngữ Thơ mới gắn với nhãn quan ngôn ngữ cá nhân và dòng ngữ điệu cảm xúc. Tổ
chức ngôn từ tuân theo ngữ pháp của cảm xúc. Hệ quả là câu thơ Thơ mới mang đậm
chất điệu nói, ngôn từ Thơ mới tiêu biểu cho loại hình ngôn ngữ điệu nói. Bằng nhiều
nỗ lực, các nhà thơ mới đã tạo ra bước ngoặt trong việc mở rộng khả năng giao tiếp
trực tiếp của thơ, góp phần tạo nên chuyển biến quan trọng trong ngôn ngữ thơ.
Tiểu kết
Thơ mới ra đời như một tất yếu lịch sử, đủ sức đứng ở vị trí mới của thơ ca Việt
Nam, tiên phong cho quá trình hiện đại hóa thơ Việt. Thơ mới đã tạo ra một bước
ngoặt lớn trong việc mở rộng khả năng giao tiếp trực tiếp của thơ. Đây là sự cách tân
có ý nghĩa thi pháp. Trong đó, ngôn từ – yếu tố thứ nhất của sáng tạo văn học - sẽ
thay đổi như là sự khẳng định bản chất của cái mới. Phong trào Thơ mới không chỉ
mang lại cho thơ ca Việt Nam một “gương mặt” mới mà còn góp phần cách tân ngôn
ngữ thơ ca dân tộc.




13


CHƯƠNG 3
ĐẶC TRƯNG NGÔN TỪ NGHỆ THUẬT THƠ MỚI
3.1. Ngôn từ Thơ mới mang đậm tính chủ quan, thiên về cảm xúc, cảm giác
3.1.1. Sự chủ thể hóa ngôn từ Thơ mới
Về bản chất, thơ trữ tình là phương thức biểu hiện trực tiếp các trạng thái cảm
xúc và suy tư của nhà thơ trước các hiện tượng đời sống. Tuy nhiên không phải lúc
nào đặc trưng này của thơ cũng được bộc lộ rõ.
Trong tiến trình văn học dân tộc, thơ trữ tình đã có bề dày lịch sử gắn với dòng
chảy bốn ngàn năm của thơ trữ tình dân gian và hàng ngàn năm của thơ trữ tình trung
đại. Song thơ trữ tình dân gian là sản phẩm của tập thể, hiển nhiên yếu tố chủ quan bị
triệt tiêu. Ở thơ trung đại, phạm vi chủ quan là chí hướng, hoài bão, nó hướng con
người nhìn vào một miền lý tưởng để ngợi ca và khẳng định. Chủ thể trữ tình ít khi
xuất hiện trực diện mà thường ở trạng thái vô nhân xưng.
Đến Thơ mới, dòng ý thức chủ quan của chủ thể được bộc lộ một cách trực tiếp.
Ý thức chủ thể bộc lộ ở sự tự khẳng định của ý thức cá nhân. Có thể nói lần đầu tiên
trong lịch sử văn học Việt Nam, ý thức cá nhân được bộc lộ một cách đầy đủ. Sự thức
tỉnh của ý thức cá nhân đã tạo cho cái tôi trữ tình trong Thơ mới một tư thế mới. Họ
xác lập địa vị cái tôi trong thế giới để rồi phản chiếu cả tạo vật qua cái tôi tự ý thức.
Cái tôi Thơ mới tự ngắm, tự nghiệm, tự mê mình. Các nhà thơ mới tổ chức trữ tình
theo cái nhìn của cái tôi chủ quan, nội cảm. Cái tôi Thơ mới trở thành cái tôi chủ ngữ.
Ngôn ngữ Thơ mới đã được chủ thể hóa cao độ.
Với ý thức bộc lộ cái tôi cá nhân một cách trực tiếp, Thơ mới giải phóng triệt để
cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ cho phép sự nảy nở tự do của các phong cách nghệ
thuật. Sự giải phóng cá tính đưa đến sự giải phóng cách nghĩ, cách cảm, cách diễn đạt
bằng những hình tượng mới, ngôn ngữ mới để trình bày thế giới tâm hồn phức tạp,

đầy bí ẩn. Ngôn từ Thơ mới cũng hình thành một hệ thống với những đặc thù riêng
mang đậm tính chủ quan.


14

3.1.2. Sự đa điệu của cảm xúc, cảm giác
Sự phát triển của Thơ mới chính là bước cải tạo hết sức quan trọng của thơ trữ
tình Việt Nam. Tiếp xúc với luồng sinh khí mới từ phương Tây, tư duy, cảm xúc của
các nhà thơ mới có những thay đổi. Chủ trương đào sâu nội cảm, các nhà thơ mới đã
hữu hình hóa những vi diệu của đời sống tâm hồn.
Thơ mới bộc lộ một cách trực tiếp tất cả mọi cung bậc và sắc thái tình cảm: vui,
buồn, hờn, giận, thiết tha, say đắm, mộng mơ, cay đắng, xót xa Cái tôi trữ tình Thơ
mới trở về đúng nghĩa của nó – một cái tôi cảm xúc. Sự đa dạng của cảm xúc hiện ra
trong từng “mao mạch” của thế giới ngôn từ.
Trong chặng mở đầu, ngôn ngữ Thơ mới thường mang theo cái rạo rực, mê say
tạo nên những khúc ca vui, niềm hy vọng với chất lãng mạn say người. Càng về sau,
cảm xúc của các nhà thơ càng nhức nhối, đau đớn tựa như những con sóng tràn bờ,
miên man một giai điệu buồn với những màu sắc khác nhau, tạo thành một tổng phổ
nhiều cung bậc.
Cùng với sự đa điệu của cảm xúc, ngôn ngữ Thơ mới đầy cảm giác. Thơ mới
phá tung ước lệ cổ điển để đi đến tận cùng của cảm giác. Các nhà thơ mới đã “Sống
toàn thân! và thức nhọn giác quan”(Xuân Diệu), cảm nhận cuộc sống bằng tất cả
những rung động của tâm hồn. Mỗi nhà thơ, bằng tài năng sáng tạo đã góp phần tô
điểm cho thế giới ấy thêm huyền nhiệm, mê hoặc.
3.2. Ngôn từ Thơ mới tiếp nối và phát triển ngôn ngữ thơ trữ tình truyền thống
3.2.1. Tiếp nối và phát triển ngôn ngữ thơ trữ tình dân gian
Trong tiến trình văn học Việt Nam, Thơ mới (1932 – 1945) được xem là “cuộc
cách mạng thi ca”(Hoài Thanh) vĩ đại của thế kỷ XX. Song đó không phải là cuộc cải
tạo theo kiểu “bỏ cũ thay mới” (Lại Nguyên Ân). Các nhà thơ mới bằng tài năng sáng

tạo phi thường đã tạo nên mạch nối giữa thơ ca hiện đại với thơ ca truyền thống, với
nguồn mạch dân tộc.
Điều đó đã được chứng minh bằng sự xuất hiện và trường tồn của dòng Thơ mới
mang phong vị dân gian với những tên tuổi như Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Đoàn Văn
Cừ… Đặc biệt sự hiện diện của thi sĩ “chân quê” - Nguyễn Bính khiến Thơ mới trở


15

thành nơi thăng hoa và kết tinh hồn quê, tình quê… bằng chất liệu ngôn từ và lối diễn
đạt mang đậm chất “chân quê”…
Từ thơ trữ tình dân gian đến Thơ mới là khoảng cách của nhiều thế kỷ. Song
khoảng cách ấy đã dần được thu hẹp lại, không những thế nó chứng tỏ nội lực dân tộc
chính là sức mạnh là cội nguồn của sáng tạo nghệ thuật.
3.2.2. Tiếp thu những sáng tạo ngôn ngữ thơ trữ tình trung đại
Từ cuối thế kỷ XVIII, diện mạo ngôn ngữ thơ trung đại đã có những thay đổi.
Bên cạnh thành tựu của thơ ca chữ Hán, thơ Nôm phát triển rực rỡ. Cùng với ý thức
dân chủ, tinh thần tự tôn dân tộc là ý thức dùng chữ Nôm trong hành chính quan
phương. Trong sáng tác thơ ca, ý thức ngôn ngữ thể hiện ngày càng rõ rệt. Lời nói
thông tục, dân dã đã đi vào thơ, ngôn ngữ thơ mất dần sự ngâm nga nội tại, yếu tố
“điệu nói” gia tăng. Thơ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn
Khuyến, Tú Xương, Nguyễn Công Trứ… đã chứng minh điều đó.
Mặc dù có những cách tân, nhưng ngôn ngữ thơ Việt Nam đến Hồ Xuân Hương,
Nguyễn Khuyến, Tú Xương vẫn nằm trong phạm trù trung đại. Song ý nghĩa của sự
đổi thay đó vô cùng lớn lao. Các nhà thơ mới đã tiếp nhận tinh thần đổi mới ấy.
Nguyễn Bính tự nhận là “học trò nhỏ” của Nguyễn Du. Bích Khê không ít lần gặp Hồ
Xuân Hương trong mộng: “Đêm nay nửa gối nghiêng nghiêng mộng – Muôn dặm
người xa đã thấy về - Xanh liễu ngoài song vừa đổi biếc – Màu thi sắc lá đọ dung
nghi” (Hồ Xuân Hương – Bích Khê). Trong nguồn thơ của Xuân Diệu, trong nét nhí
nhảnh của Hoa đêm: “Thoảng tay tình gió vuốt bỗng lao đao - Hương hiu hiu nên gió

cũng ngạt ngào” phảng phất âm hưởng của câu thơ Nguyễn Khuyến: “Gió hây hẩy
nức mùi hương xạ - Nhác trông lên vách phấn đã đôi bài – Thơ ai xin họa một vài”
(Chơi Tây Hồ)…
Đi tìm ảnh hưởng của thơ trung đại đến Thơ mới, chúng tôi đồng thời nhận diện
sự vận động của ngôn ngữ thơ Việt Nam. Có thể thấy, từ thế kỷ XVIII ngôn ngữ thơ
Việt Nam đã chuyển động dần từ công thức, ước lệ sang hướng giản dị, gia tăng yếu
tố hiện thực và chất “điệu nói”. Song sự đổi thay ấy, về cơ bản chưa đủ sức để vượt


16

thoát sự chi phối của ý thức hệ phong kiến, phải đến khi gặp làn gió phương Tây, ý
thức cách tân và nhu cầu đổi mới ngôn ngữ thơ thực sự trở nên thôi thúc để tạo nên
những cuộc “nổi loạn ngôn từ”.
3.2.3. Dịch chuyển gần hơn với ngôn ngữ đời sống
Trải qua hàng ngàn năm phát triển, chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung
Hoa, thơ ca Việt Nam vẫn giữ được bản sắc riêng. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận,
quá trình tiếp xúc ngôn ngữ đã để lại trong lòng thơ ca dân tộc những dấu ấn của thi
ca phương Đông. Đó là hình thức diễn đạt của lối từ chương, thơ ngâm vịnh, thơ
xướng họa cùng với lối dùng điển cố mang đậm màu sắc bác học. Thơ luôn có một
khoảng cách nhất định với đời thường.
Tiếp nối nguồn mạch từ thơ ca trữ tình truyền thống, tiếp thu ý thức sáng tạo
ngôn ngữ của các nhà thơ trung đại và tiếp nhận những tư tưởng mới từ cuộc tiếp xúc
văn hóa phương Tây, các nhà thơ mới đã đưa ngôn từ thơ dịch chuyển gần với ngôn
ngữ hàng ngày. Ngôn từ Thơ mới dày đặc lời ăn tiếng nói của nhân dân. Trong nhiều
bài thơ các tác giả sử dụng cách nói rất khẩu ngữ: “Đêm nay lại giống đêm nào –
Nhấp xong chung rượu buồn vào đến gan” (Say chết đêm nay - Hàn Mặc Tử),
“Quanh quẩn mãi… Trông ra ngày sắp ngả - Lần cuối cùng, nhất định bước ra
đường” (Chủ nhật – Tế Hanh)… Bên cạnh đó nhiều bài Thơ mới mang bóng dáng
của lời đối thoại. Hiện tượng lời trần thuật, những câu mệnh lệnh, những câu cảm

thán, cũng xuất hiện với mật độ dày đặc trong thơ. Ví dụ: “Có một bận em ngồi xa
anh quá/ Anh bảo em ngồi xích lại gần hơn/ Em xích gần thêm một chút: anh hờn/
Em ngoan ngoãn xích gần thêm chút nữa/ Anh sắp giận. Em mỉm cười, vội vã/ Đến kề
anh, và mơn trớn: “em đây!”” (Xa cách - Xuân Diệu)
Xu hướng đời thường hóa ngôn ngữ thơ là một nhu cầu nội tại nhằm đưa thơ
gần với đời sống và thu hẹp khoảng cách giữa thơ với công chúng.
3.3. Ngôn từ Thơ mới có sự kết hợp giữa thơ Đường và thơ Pháp
3.3.1. Từ xung khắc đến hòa giải
Khi Thơ mới xuất hiện, sự va chạm mạnh mẽ giữa tinh thần cổ điển và tinh thần
hiện đại đã tạo thành mối xung đột giữa Thơ cũ và Thơ mới, một bên “giành quyền


17

sống”, một bên “giữ quyền sống”. Lúc đầu đó là sự xung khắc quyết liệt giữa hai thời
đại văn hóa, hai hệ hình thi pháp. Sau những cú sốc, những chao đảo thi đàn trở lại
thế cân bằng, một cuộc hội ngộ tuyệt vời diễn ra. Sự gặp gỡ giữa tư duy hiện đại
phương Tây và tư duy thơ truyền thống của phương Đông đã chứng tỏ rằng: “mọi sự
cách tân văn học chân chính đều phải cắm rễ sâu rất sâu vào quá khứ”(Nguyễn Đăng
Mạnh), và chứng minh cho sự liền mạch của “trí nhớ của thể loại” (Bakhtrin).
Song cũng phải thấy rằng, trước khi hấp thụ văn minh phương Tây, văn minh
phương Đông đã ăn sâu vào tâm thức Việt Nam, “trong cái gen của họ, văn minh
phương Đông đã trở thành máu thịt, từ cha ông truyền lại” (Ngô Văn Phú) dễ hiểu vì
sao các nhà Thơ mới đã “đi tới thơ Đường với một tấm lòng trong sạch và mới mẻ”
(Hoài Thanh).
Trong cuộc cách tân thơ ca đầu thế kỷ, các nhà thơ mới đã tiếp nhận thơ Pháp và
tiếp thu thơ Đường làm nên cuộc cách mạng thơ ca trong lịch sử dân tộc. Hai nguồn
thi cảm ở hai phương trời, hai khoảng cách xa nhau vời vợi không phủ định nhau mà
trở về hội tụ trong Thơ mới góp phần tạo nên vẻ đẹp cho thế giới nghệ thuật Thơ mới,
tạo nên một hình thức ngôn từ mới.

3.3.2. Sự ra đời của một hình thức ngôn từ mới: hiện đại đầy cá tính
“Ngôi nhà Thơ mới” (Phương Lựu) đã nồng nhiệt tiếp đón hai vị khách quý vốn
xa nhau cả về không gian và thời gian. Cuộc gặp gỡ tuyệt vời này đã sáng tạo nên
một loại hình ngôn từ mới hiện đại và đầy cá tính.
Ý thức khẳng định cá thể, cá tính, tự do tìm tòi, khát vọng được giãi bày thôi
thúc các nhà thơ mới tìm chữ, tìm câu để diễn tả những rung động của tâm hồn. Bằng
nhiều nỗ lực và sức sáng tạo không ngừng, các nhà thơ mới đã nhanh chóng tạo được
những dấu ấn riêng trên thi đàn.
Thơ mới đã thực hiện một quá trình tích hợp nghệ thuật độc đáo. Nó là sự kết
nối, chuyển hóa nhuần nhụy, hai nền văn minh, hai nền thi ca xa nhau vời vợi trên cơ
sở nền tảng thi ca và văn hóa Việt Nam.



18

Tiểu kết
Trong vòng một thời gian ngắn, ngôn từ nghệ thuật Thơ mới đã có những cách
tân mạnh mẽ. Sự đổi mới ngôn từ Thơ mới, trước hết, nhằm biểu đạt những nhận thức
mới về đời sống, về xã hội, nhằm diễn đạt những cảm xúc, những khát vọng. Từ thực
tế biểu hiện ấy, các nhà thơ mới đã tạo cho ngôn từ một quyền lực mới. Đồng thời với
nỗ lực biểu đạt những cảm nhận mới, tư duy ngôn ngữ của các nhà thơ mới đã thay
đổi. Họ đã tạo ra những dấu ấn ngôn từ riêng của thế hệ mình. Quá trình ấy, các nhà
thơ mới đã thực hiện một nhiệm vụ lịch sử: Đổi mới ngôn ngữ thơ Việt Nam, bảo tồn
và phát triển ngôn ngữ tiếng Việt. Kết quả của quá trình này, diễn ngôn thơ Việt Nam
đã chuyển từ trữ tình “điệu ngâm” sang một lộ trình mới gắn với dòng trữ tình “điệu
nói”, đưa thơ về gần với đời sống, hòa nhập với quá trình hiện đại hóa văn học thế giới.


CHƯƠNG 4

TỔ CHỨC VĂN BẢN NGÔN TỪ NGHỆ THUẬT THƠ MỚI
4.1. Từ ngữ Thơ mới phong phú, đa dạng
4.1.1. Sáng tạo từ ngữ trên cơ sở kết ghép
Nếu thơ hiện đại là “sự bùng nổ của từ”, “từ là con tắc kè hoa” (J.Tynianov), thì
hiện tượng này đã rất phổ biến ở Thơ mới.
Có thể thấy rõ những chuyển động đổi thay của ngôn từ Thơ mới theo nhiều
hướng mà tiêu biểu là theo xu hướng kết ghép từ ngữ. Theo xu hướng này những tổ
hợp từ mới xuất hiện: “Nhạc gây hoa mộng, nhạc ngát trong mây - Nhạc lên cung
hường, nhạc vô đào động - Ô nàng tiên nương! – hớp nhạc đầy hương” (Nhạc –
Bích Khê)…
Kết hợp các danh từ, tính từ, động từ trong một tổ hợp, một dòng thơ, các nhà
Thơ mới đã tạo nên cách diễn đạt mới: “Cậy em đan hộ tấm tình yêu” (Đan áo - Lưu
Trọng Lư), “Mộng nở trong lòng sắc đỏ hoe” (Mây trắng - Lưu Trọng Lư), “Này lắng
nghe em khúc nhạc thơm” (Huyền diệu - Xuân Diệu)…


19

Hệ thống từ vựng tiếng Việt được lạ hóa. Nhiều từ ngữ vốn quen thuộc bỗng trở
nên mới lạ và mang một sức biểu hiện ngoài tưởng tượng. Có những cách kết hợp từ
mang đậm dấu ấn tác giả: “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần” (Vội vàng -
Xuân Diệu), “Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách - Ông lái buồn để gió
lén mơn râu” (Bến My Lăng - Yến Lan)
Bên cạnh đó, các nhà thơ mới khá ý thức khi sử dụng từ láy để tăng màu sắc
cảm xúc và nhạc tính của thơ. Trong giải phổ đa sắc màu của Thơ mới, từ láy đã góp
phần hữu hình hóa tâm trạng của chủ thể đồng thời tạo nên âm vang đặc biệt và khả
năng biểu cảm của Thơ mới.
4.1.2. Sáng tạo từ ngữ theo cơ chế chuyển nghĩa
Các nhà ngữ học đã chứng minh, từ ngữ lúc ban đầu chỉ có nghĩa gốc, quá trình
sử dụng nó có thêm nhiều nghĩa mới trên cơ sở sự giống nhau hoặc gần nhau của hai

khách thể theo phương thức chuyển nghĩa. Trong đó ẩn dụ là phương thức chuyển
nghĩa phổ biến được sử dụng trong ngôn từ văn học và ngôn từ thực dụng.
Ở Thơ mới, các thi nhân Thơ mới sử dụng ẩn dụ theo quan niệm riêng. Hệ
thống ẩn dụ Thơ mới không “chân chất” như ẩn dụ của ca dao cũng không phải kiểu
ẩn dụ biểu cảm “hằng thường” như trong Thơ trung đại.
Nhìn chung hệ thống ẩn dụ Thơ mới nghiêng về diễn tả những cảm giác nghẹn
ngào, cay đắng, rạn vỡ, chia ly… tạo thành giải phổ riêng trong màu sắc tình cảm của
các nhà thơ mới.
Có thể nói, sự sáng tạo của các nhà thơ mới đã tránh cho ngôn ngữ cái nguy cơ
“trơ lì” ấy. Trên hành trình truy tìm cái đẹp của từ ngữ, vận dụng những thủ pháp tạo
nghĩa trên cơ sở kết ghép, chuyển nghĩa các nhà thơ mới đã mang đến cho hệ thống
từ ngữ tiếng Việt tưởng đã sáo mòn, quen thuộc ý nghĩa mới.
4.2. Cú pháp Thơ mới linh hoạt, sáng tạo
4.2.1. Xu hướng kế thừa cú pháp câu thơ truyền thống
Điển hình cho điệu hát chính là câu thơ lục bát truyền thống nảy sinh và phát
triển từ thơ trữ tình dân gian. Được coi là “hơi thở giống nòi”, là “thể thơ ca hát kể
chuyện” của dân chúng, từ trong truyền thống, câu thơ lục bát đã chứa đựng ý thức


20

sáng tạo của dân gian. Bên cạnh những câu lục bát chuẩn mực, Thơ mới tạo nên
những lệch chuẩn với sự so lệch nhiều hơn là sự cân đối, nhịp điệu dựa trên nhịp điệu
cảm xúc.
Cùng với câu thơ lục bát, câu hát nói từ ca trù đến Thơ mới tám chữ đã tạo nên
sự đột phá của câu thơ Việt. Sáng tạo độc đáo của hát nói đã kết tinh trong Thơ mới 8
chữ. Với con số 253/1081 bài thơ (sau thơ bảy chữ: 475/ 1081 bài), Thơ mới tám chữ
đã khẳng định ưu thế của nó đồng thời chứng minh sự tìm tòi, sáng tạo của các nhà
thơ mới. Sự phóng túng của câu thơ, sự giãn nở của dòng thơ, sự linh hoạt trong nhịp
điệu và cách hiệp vần, sự gia tăng của yếu tố tự sự, lời kể thơ tám chữ tỏ rõ khả

năng thể hiện tiếng nói sâu kín của tâm hồn.
4.2.2. Xu hướng nới lỏng cú pháp câu thơ Đường luật
Trong phong trào Thơ mới, nhiều nhà thơ vẫn có ý thức kế thừa thi luật cổ
Trung Hoa. Bên cạnh ý thức kế thừa, các nhà thơ mới đã sáng tạo ngay trên thể thơ
khó tính này. Thơ mới mạnh dạn thể nghiệm lối ngắt câu giữa dòng, phá vỡ tính đơn
điệu do sự trùng khít của dòng và câu trong thơ thất ngôn bát cú truyền thống
Những con số này tự nó đã nói lên sự cách tân mạnh mẽ của Thơ mới. Không
thỏa mãn trong những khuôn hình cũ, trên cơ sở truyền thống, các nhà thơ mới đã nới
lỏng câu thơ Đường luật. Cùng với sự gia tăng của số câu thơ trong bài các thể thức
của thơ bảy chữ cũng thay đổi.
Như vậy có thể nói, Thơ mới đã kế thừa thơ cổ điển theo hướng cách tân. Ở một
khía cạnh nào đó cũng phải nhận thấy, nếu có lúc nhà thơ mới “bài cổ” cũng là với ý
thức đổi mới. Song như bất kỳ một nghệ sĩ tài hoa thông minh nào họ cũng chú trọng
học cổ (nhưng không tập cổ).
4.2.3. Những bứt phá mới
Cùng với nhu cầu giải phóng cái tôi cá nhân, Thơ mới đã tìm đến sự tự do cho
cái biểu đạt. Các nhà thơ mới tìm cách phá bỏ các quy tắc nghiêm ngặt về định
lượng, cấu trúc câu thơ.
Dấu hiệu đầu tiên của sự đổi mới là sự thể nghiệm ở thơ tự do. Ảnh hưởng từ lối
bắc cầu của thơ Pháp, hiện tượng vắt dòng khá phổ biến ở Thơ mới. Bên cạnh những


21

câu thơ rất dài (27 tiếng) lại có những câu thơ ngắn (2 tiếng hoặc 3 tiếng). Có những
cấu trúc câu thơ khá phức tạp: vừa ngắt câu, vừa vắt dòng. Tổ chức câu thơ không theo
trật tự ngữ pháp mà tuân theo dòng cảm xúc, bị chi phối bởi ngữ điệu của cảm xúc
Có thể nói, trong khi biểu đạt những cảm xúc cá nhân các nhà thơ mới, bằng
nhiều nỗ lực đã “tạo dáng lại câu thơ”, thay đổi cú pháp câu thơ truyền thống.
4.3. Tổ chức bài thơ trong Thơ mới tự do, phóng khoáng

4.3.1. Tổ chức bài thơ theo dòng âm thanh ngôn ngữ
Các nhà tâm lý học cho rằng, dưới áp lực của cảm xúc, con người thường cất
cao giọng, biến lời nói thành có ngữ điệu. Trong việc truyền đạt các trạng thái cảm
xúc, nếu nội dung của lời nói tác động nhiều vào ý thức, thì thanh điệu, độ mạnh nhẹ,
cao thấp, tiết tấu, nhịp điệu lại tác động nhiều vào lĩnh vực cảm xúc. Qua nhịp điệu
và độ vang ngân của từ ngữ, con người cảm giác được mình, tri nhận xúc cảm của
chính mình. Trong văn bản ngôn từ thơ, nhịp, vần và thanh điệu là những yếu tố cơ
bản tạo nên âm thanh của ngôn ngữ, tạo nên tính thơ của văn bản. Đặc biệt với loại
hình ngôn từ giàu nhạc điệu như Thơ mới thì tổ chức của các yếu tố trên càng có ý
nghĩa quan trọng.
Sự kết hợp của nhịp, vần, thanh điệu trong tổ chức bài thơ đã tạo nên những kiến
trúc đầy “âm vang” trong Thơ mới. Tổ chức văn bản ngôn từ Thơ mới được dẫn dắt
bởi âm nhạc, tạo nên những bài thơ thần tình diễm ảo như những cung cầm chơi vơi.
4.3.2. Tổ chức bài thơ theo dòng cảm xúc
Bài thơ được tổ chức theo sự vận động của tình cảm. Việc tôn trọng dòng chảy
tự nhiên của cảm xúc có một ý nghĩa quan trọng trong việc giải phóng thơ khỏi
những ràng buộc. Tổ chức bài thơ không chịu sự quy định của niêm luật với số dòng,
số câu nhất định mà tuôn theo dòng chảy của cảm xúc. Ví dụ: Bao la sầu, Một chút
tình (Lưu Trọng Lư); Âm thầm, Thao thức (Hàn Mặc Tử); Tương tư, Vẩn vơ (Nguyễn
Bính); Phải nói, Buồn trăng, (Xuân Diệu)
Tuân theo dòng ngữ điệu cảm xúc, tổ chức bài thơ trong Thơ mới chịu sự chế
ước của tình cảm. Dung lượng bài thơ được nới lỏng theo dung lượng cảm xúc. Tự nó


22

có một nhạc điệu riêng mà chủ âm là tiếng nhạc lòng với sự hòa điệu của những cung
bậc tình cảm.
4.3.3. Tổ chức bài thơ theo dòng tự sự
Bài thơ được tổ chức theo lối kể chuyện, gắn với dòng sự kiện. Hiển nhiên là

thơ, kiểu kết cấu này cũng phải tuân theo dòng cảm xúc, nhưng là cảm xúc sự kiện.
Kiểu kết cấu này có ưu thể nổi trội trong tổ chức của những bài thơ dài song nếu
người làm thơ non tay thơ sẽ dễ thành vè, thành diễn ca. Trong Thơ mới, nhiều bài
thơ cấu trúc theo dòng tự sự gây được những ấn tượng rất riêng: Sơn Tinh Thủy Tinh,
Chùa Hương (Nguyễn Nhược Pháp), Quê hương, Lời con đường quê (Tế Hanh), Hai
sắc hoa ti-gôn (T.T.KH), Mười hai bến nước, Lỡ bước sang ngang (Nguyễn Bính)
Sự đa dạng của tổ chức bài thơ khiến Thơ mới như một dàn đồng ca của muôn
ngàn tâm trạng cá biệt, cụ thể, hiện hữu một cách tự do, phóng khoáng. Quá trình giải
mã nó là quá trình đi tìm cái đẹp của nghệ thuật ngôn từ trong tính toàn vẹn, tính
chỉnh thể.

Tiểu kết
Nghiên cứu tổ chức văn bản ngôn từ nghệ thuật Thơ mới, mặc dù mới tìm
hiểu ở các thành tố bộ phận (từ ngữ, cú pháp câu thơ) và ở cấp độ toàn văn bản (tổ
chức bài thơ) chúng tôi nhận thấy những cách tân của táo bạo và cả những thể
nghiệm của Thơ mới. Về cơ bản sự đổi mới của Thơ mới là trên cơ sở của thi học
truyền thống, sự gặp gỡ đúng lúc kịp thời với thi học phương Tây. Sự đổi mới của
Thơ mới là sự biến đổi về chất, là sự thay đổi theo hướng hiện đại từ trong chính sinh
thể nghệ thuật. Hiện đại mà vẫn rất truyền thống, rất dân tộc. Sức mạnh và sự trường
tồn của Thơ mới chính là ở đó.







23

KẾT LUẬN


1. Thơ mới là tiếng lòng của một thế hệ thi nhân khát khao được “thành thực”,
khát khao tận hiến cho nghệ thuật. Sự phát triển của Thơ mới vừa là nhu cầu nội tại,
tự thân, vừa là quy luật khách quan. Những cách tân táo bạo của Thơ mới đã đưa thơ
Việt Nam thoát khỏi sự ràng buộc của những công thức từng tồn tại hàng nghìn năm
theo mô hình văn học phương Đông, đồng thời tiếp nhận phương Tây, nhanh chóng
đưa thơ ca Việt Nam vào quỹ đạo hiện đại của thơ ca thế giới. Thành tựu của Thơ
mới trên cả hai phương diện nội dung và hình thức đã được thừa nhận và khẳng định.
Thơ mới không chỉ là một hiện tượng độc đáo trong văn học dân tộc giai đoạn đầu
thế kỷ XX mà còn là một hiện tượng văn hóa lớn của dân tộc
2. Ở phương diện ngôn từ, Thơ mới đã có những đóng góp đáng kể vào quá trình
đổi mới ngôn ngữ văn học dân tộc. Điều đó vừa chứng tỏ một nội lực mạnh mẽ đã
tiềm ẩn ở các thế hệ thơ Việt mà các nhà thơ mới là người kế nhiệm xứng đáng. Nghệ
thuật không phải là tiếng nói giữa trời, nghệ thuật trước hết là vì nghệ thuật và cao
hơn là vì con người. Với ý nghĩa đó, Thơ mới đã thực hiện một cuộc giao tiếp nghệ
thuật mới, đưa thơ Việt Nam từ trữ tình “điệu ngâm” sang trữ tình “điệu nói”. Chủ
thể trữ tình Thơ mới đã trực tiếp tham gia vào quá trình giao tiếp nghệ thuật. Họ đã
nói lên tiếng nói của lòng mình, bằng ngôn ngữ của mình. Theo đó phạm vi trữ tình
được mở rộng. Nó thực sự nói lên tiếng nói nhân bản khi con tim xúc động với đủ các
cung bậc cảm xúc: yêu thương, hờn giận, đau khổ, xót xa, sự say mê, chán chường,
thất vọng… Với ý thức đó, các nhà thơ mới đã sáng tạo một hệ thống ngôn từ riêng
mang đậm dấu ấn chủ thể, hiện đại đầy cá tính.
3. Sự sáng tạo ngôn từ nghệ thuật Thơ mới biểu hiện trên nhiều cấp độ, nhiều
bình diện. Luận án đã lựa chọn và khai thác một số bình diện tiêu biểu trong tổ chức
văn bản ngôn từ nghệ thuật Thơ mới như từ ngữ, cú pháp và tổ chức bài thơ.
Ở cấp độ từ ngữ, ngôn từ Thơ mới sáng tạo theo hai hình thức cơ bản trên cơ sở
kết ghép và chuyển nghĩa. Trên tinh thần ấy các nhà thơ mới đã tạo ra một hệ thống
từ ngữ, phong phú, đa dạng và giàu khả năng biểu hiện.

×