BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRẦN ĐỨC HOÀN
VĂN HÓA KINH BẮC - VÙNG THẨM MỸ
TRONG THƠ HOÀNG CẦM
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 62.22.01.21
TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
THÁI NGUYÊN - 2013
Công trình được hoàn thành tại:
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên
Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS, TS. Trần Thị Việt Trung
2. PGS, TS. Nguyễn Duy Bắc
Phản biện 1:
Phản biện 2:
Phản biện 3:
Luận án sẽ đƣợc bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án cấp Học viện
tại Trƣờng Đại học Sƣ phạm - Đại học Thái Nguyên
Vào hồi: giờ , ngày tháng năm 2013
Có thể tìm hiểu luận án tại: Trung tâm Học liệu -
Đại học Thái Nguyên và Thƣ viện Trƣờng Đại học Sƣ phạm
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CỦA LUẬN ÁN
1. Trần Đức Hoàn, Trần Thị Việt Trung (2008), "Tín hiệu thẩm mỹ
trong thơ Hoàng Cầm", Tạp chí Nhà văn, số 8, Tr.57.
2. Trần Đức Hoàn (2008), "Một loại biểu trưng trong thơ Hoàng
Cầm", Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số 12, Tr.43
3. Trần Đức Hoàn, Nguyễn Thu Hương (2009), "Không gian lễ hội
Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm", Tạp chí Nhà văn, số 1, Tr.31
4. Trần Đức Hoàn (2009), "Cây Tam cúc và giấc mơ xe hồng", Tạp
chí Ngôn ngữ, số 6, Tr.38.
5. Trần Đức Hoàn (2009), "Hình tượng nhân vật truyền thuyết và
lịch sử Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm", Tạp chí Diễn đàn Văn
nghệ Việt Nam, số 7, Tr.39.
6. Trần Đức Hoàn (2010), "Không gian văn hoá Quan họ trong thơ
Hoàng Cầm", Tạp chí Nhà văn, số 2, Tr.41.
7. Trần Đức Hoàn (2011), "Về một biểu tượng trong thơ Hoàng
Cầm", Tạp chí Ngôn ngữ, số 3, Tr.47.
8. Trần Đức Hoàn (2011), "Hình tượng người Mẹ trong thơ Hoàng
Cầm", Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số 5, Tr.35.
9. Trần Đức Hoàn, Nguyễn Đức Hạnh (2011), "Biểu tượng Yếm -
Áo trong thơ Việt Nam và trong thơ Hoàng Cầm", Tạp chí Nhà
Văn, số 6, Tr.105.
10. Trần Đức Hoàn (2012), "Đặc điểm lạ hoá trong ngôn ngữ nghệ
thuật thơ Hoàng Cầm", Tạp chí Diến đàn Văn nghệ Việt Nam, số
10, Tr.26.
1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Hoàng Cầm là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thơ ca
Việt Nam hiện đại. Tiếp cận thơ Hoàng Cầm, ta thấy ảnh hưởng sâu
đậm của văn hoá vùng - một yếu tố quan trọng góp phần quyết định
tạo nên hồn thơ và phong cách nghệ thuật của nhà thơ.
Nghiên cứu ảnh hưởng của văn hóa vùng trong thơ Hoàng
Cầm chính là góp phần giải mã thơ ông, chỉ ra những đặc trưng riêng
biệt trong thơ Hoàng Cầm từ góc độ văn hóa học và dưới góc độ biểu
tượng văn hóa vùng thẩm mỹ.
Việc nghiên cứu đề tài luận án "Văn hoá Kinh Bắc - vùng
thẩm mỹ trong thơ Hoàng Cầm" góp phần làm sáng tỏ vấn đề:
vùng thẩm mỹ có giá trị quan trọng trong việc hình thành hồn thơ,
đặc trưng thơ và tư tưởng, phong cách nghệ thuật của nhà thơ. Qua
đó cũng khẳng định: Văn hóa Kinh Bắc chính là vùng thẩm mỹ độc
đáo để Hoàng Cầm tạo nên hồn thơ phong phú, đa dạng và giàu
bản sắc của mình. Thơ Hoàng Cầm đã làm sống lại những đặc điểm
văn hóa vùng Kinh Bắc trong đời sống thơ ca hiện đại, đồng thời
góp phần luận giải, tôn vinh và làm tỏa sáng những giá trị văn hóa
của một vùng đất có truyền thống văn hóa, văn hiến, văn minh lâu
đời. Đây cũng chính là đóng góp quan trọng của Hoàng Cầm đối
với thơ ca Việt Nam hiện đại, đối với vùng đất và con người, quê
hương yêu dấu của nhà thơ.
Việc lựa chọn đề tài trên nhằm phát hiện ra những điểm sáng
về giá trị văn hoá thẩm mỹ trong thơ ông từ hệ quy chiếu văn hoá học
một lần nữa khẳng định tài năng và những đóng góp nhiều mặt của
thi nhân trong dòng chảy lớn của nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Điều
đó có ý nghĩa không nhỏ đối với việc nghiên cứu, giảng dạy và học
tập môn Văn học ở trung học phổ thông, đại học và cao đẳng
Đây là một đề tài vừa có tính khoa học, vừa có tính thực tiễn,
vừa có những đóng góp thiết thực vào việc tìm hiểu, giải mã thơ
Hoàng Cầm.
2
2. Mục đích nghiên cứu
Mục đích của Luận án là nghiên cứu thơ Hoàng Cầm trong mối
quan hệ với vùng văn hóa, vùng thẩm mỹ Kinh Bắc dưới các góc độ
biểu tượng văn hóa và các hệ thống ngôn ngữ. Qua đó hy vọng sẽ gợi
mở và cung cấp một số cơ sở có tính chất thao tác để hiểu thơ ca Hoàng
Cầm khi tiếp cận văn bản ngôn từ, khám phá sâu hơn về truyền thống
văn hóa Kinh Bắc, góp phần nghiên cứu, giảng dạy và thưởng thức thơ
ca của ông được thấu đáo hơn. Đồng thời khẳng định những sáng tạo
độc đáo, những đóng góp tiêu biểu, đáng trân trọng của nhà thơ Hoàng
Cầm trong đời sống thơ ca Việt Nam.
3. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Luận án làm rõ quan niệm về vùng thẩm mỹ, vùng văn hóa và
vùng văn hóa Kinh Bắc trong mối quan hệ với sáng tác thơ Hoàng Cầm.
- Luận án phân tích, chứng minh tính chất dân tộc, bản sắc văn
hóa vùng, miền tiêu biểu kết tinh trong nghệ thuật thơ Hoàng Cầm.
- Luận án phân tích, lý giải các biểu tượng văn hóa và chỉ ra
những đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật nổi bật của thơ Hoàng Cầm
trong mối quan hệ với vùng văn hoá thẩm mỹ Kinh Bắc.
4. Đối tƣợng, phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là: Thơ Hoàng Cầm trong
mối liên hệ chặt chẽ với vùng văn hóa Kinh Bắc - Vùng thẩm mỹ đặc
trưng của thơ Hoàng Cầm.
Bản sắc, đặc trưng văn hóa thẩm mỹ Kinh Bắc trong thơ
Hoàng Cầm được xem xét ở các phương diện cơ bản là hệ thống biểu
tượng và hệ thống ngôn ngữ trong thơ ông.
Các văn bản khảo sát chính: Hoàng Cầm- Tác phẩm thơ do
Lại Nguyên Ân biên soạn (Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội 2003). Các
tập thơ của Hoàng Cầm: “Mưa Thuận Thành” (Nxb Văn học
1991); “Bên kia sông Đuống” (Nxb Văn học 1993); “Lá Diêu
Bông” (Nxb Văn học 1993); “Về Kinh Bắc” (Nxb Văn học 1994;
“99 tình khúc” (Nxb Văn học 1996) và tập Men đá vàng” (Nxb
3
Văn học 1995); các bài thơ lẻ in trên các báo, tạp chí khác nhau và
các tác phẩm thuộc các thể loại khác như văn xuôi, kịch thơ…
Khảo sát, tham khảo thêm một số tác phẩm thơ ca tiêu biểu
viết về Kinh Bắc trong đời sống văn học nước nhà; một số nhà thơ
cùng thời với Hoàng Cầm (để đối chiếu, so sánh những nét độc đáo,
đặc sắc trong thơ Hoàng Cầm); các tài liệu sách, báo, những tài liệu
viết về đặc điểm văn hóa vùng Kinh Bắc nói riêng, về đặc điểm văn hóa
vùng nói chung… là cơ sở lý luận và thực tiễn để triển khai đề tài.
5. Tổng quan về vấn đề nghiên cứu (lịch sử vấn đề)
5.1. Hướng nghiên cứu về nghệ thuật thơ Hoàng Cầm
Trong số các nhà thơ hiện đại Việt Nam, Hoàng Cầm là thi
nhân được đánh giá cao với những đóng góp có giá trị nghệ thuật của
thơ trữ tình đương đại.
Các nhà nghiên cứu, phê bình như: Đỗ Đức Hiểu, Đỗ Lai
Thúy, Nguyễn Đăng Điệp, Chu Văn Sơn, Phan Huy Dũng, Đặng
Tiến, Nguyễn Việt Chiến… đã đặc biệt quan tâm đến phương diện
giọng điệu trong thơ Hoàng Cầm là giọng điệu quan họ và giọng điệu
tức nghẹn. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở việc nêu
vấn đề mà chưa đi sâu nghiên cứu, lý giải một cách cụ thể ảnh hưởng
sâu đậm của văn hóa Kinh Bắc tới hồn thơ, giọng điệu thơ Hoàng
Cầm. Những phát hiện đó đều rất tinh tế và chính xác, đó là cơ sở
khoa học để luận án kế thừa và phát triển.
Về ngôn ngữ thơ Hoàng Cầm, các nhà nghiên cứu, phê bình
như Trần Mạnh Hảo, Ngô Văn Phú, Chu Văn Sơn, Đặng Tiến, Hoài
Việt có những nhận xét, đánh giá khác nhau, thậm chí trái ngược
nhau. Tuy nhiên tất cả đã chỉ ra được các giá trị nghệ thuật sâu sắc
của thơ Hoàng Cầm, nhất là thành tựu về phương diện ngôn ngữ. Đó
là sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa tính truyền thống và tính hiện đại,
giữa đặc trưng trữ tình và phẩm chất bác học trong ngôn ngữ thơ
Hoàng Cầm. Các tác giả đã khẳng định đó chính là một thứ ngôn
ngữ của thơ mới, trẻ trung và có sức hấp dẫn lạ kỳ Bên cạnh
đó, có nhiều nhà phê bình, nghiên cứu như Đỗ Đức Hiểu, Đỗ Lai
4
Thuý, Lê Đạt, Phan Huy Dũng… đề cao dấu ấn của siêu thực
trong thơ Hoàng Cầm.
Các bài viết, bài nghiên cứu, các ý kiến trên đây đều thống nhất chỉ
ra rằng: Trong thơ Hoàng Cầm có một thế giới ảo, có những hình tượng
thơ siêu thực, có những yếu tố của tiềm thức, vô thức, tâm linh
5.2. Hướng nghiên cứu về sự ảnh hưởng của văn hóa Kinh Bắc
trong thơ Hoàng Cầm
Một số nhà nghiên cứu như: Nguyễn Đăng Mạnh, Hoài Việt,
Nguyễn Xuân Lạc, Nguyễn Đăng Điệp, Ngô Thảo, Nguyễn Việt
Chiến, Nguyễn Thị Minh Bắc… đều khẳng định những cảm hứng thơ
Hoàng Cầm đều được bắt nguồn từ vùng văn hoá truyền thống Kinh
Bắc. Các tác giả trên đã đề cập đến vùng thẩm mỹ - Kinh Bắc trong
sáng tác thơ Hoàng Cầm, nhưng chưa đi vào phân tích hoặc làm rõ,
do đó chưa có tính hệ thống, chưa khảo sát một cách toàn diện, cũng
như chưa khái quát hóa trở thành một vấn đề mang tính khoa học sâu
sắc để góp phần giải mã thơ Hoàng Cầm và chỉ ra những đặc điểm,
đặc trưng, những sáng tạo độc đáo của nhà thơ Kinh Bắc tài hoa này.
Những ý kiến, nhận xét, đánh giá của các nhà nghiên cứu, phê bình
đều có giá trị khơi gợi, mở hướng cho chúng tôi tiếp tục nghiên cứu,
làm sáng tỏ vấn đề: Văn hóa Kinh Bắc - chính là vùng thẩm mỹ độc
đáo trong thơ Hoàng Cầm. Vùng thẩm mỹ độc đáo và sâu sắc ấy đã
góp phần quan trọng tạo nên hồn thơ, tư tưởng nghệ thuật và phong
cách Hoàng Cầm. Kinh Bắc chính là vùng thẩm mỹ đặc biệt để
Hoàng Cầm dệt lên hồn thơ đẫm chất trữ tình của mình. Qua đây ông
đã tạo cho mình một cốt cách riêng, một bản sắc thơ riêng biệt không
thể trộn lẫn.
Với những lý do trên, việc lựa chọn đề tài "Văn hoá Kinh Bắc
- vùng thẩm mỹ trong thơ Hoàng Cầm" nhằm mục đích góp phần
giải mã một cách khoa học, tương đối thấu đáo về thơ Hoàng Cầm
từ góc độ văn hóa học chỉ rõ mối liên hệ của thơ Hoàng Cầm với
vùng văn hóa thẩm mỹ Kinh Bắc. Từ đó khẳng định: Văn hoá Kinh
Bắc chính là vùng thẩm mỹ độc đáo trong thơ Hoàng Cầm.
5
6. Phƣơng pháp nghiên cứu
- Luận án kết hợp phương pháp nghiên cứu liên ngành Văn hoá
- Văn học: Tiếp cận văn học từ góc nhìn văn hoá học giúp chúng tôi
lý giải trọn vẹn hơn tác phẩm nghệ thuật với hệ thống mã văn hoá
được bao hàm bên trong nó. Những yếu tố văn hoá, thẩm mỹ liên
quan đến con người, thiên nhiên, địa lý, lịch sử, phong tục, tập quán,
ngôn ngữ… có thể được vận dụng để cắt nghĩa những phương diện
nội dung và hình thức của tác phẩm. Nó cũng có thể góp phần lý giải
tâm lý sáng tác, thị hiếu độc giả và con đường phát triển nói chung
của văn học.
- Phương pháp lịch sử: Giúp người viết tìm hiểu những vấn đề
liên quan hoàn cảnh xã hội và cá nhân đã ảnh hưởng như thế nào tới
quá trình sáng tác của tác giả mà còn góp phần xác định được vị trí
của tác giả đó trong quá trình thơ ca dân tộc.
- Phương pháp hệ thống, phân tích: Giúp khảo sát, tìm hiểu
những chi tiết, hình ảnh được lặp lại. Điều đó có ý nghĩa quan trọng
trong việc xác định những biểu tượng nghệ thuật độc đáo trong thơ
Hoàng Cầm, từ đó phân tích, nhận xét, đánh giá, hệ thống khái quát
hóa cho mỗi vấn đề được trình bày.
- Phương pháp so sánh: So sánh đồng đại và lịch đại trên quan
điểm lịch sử để thấy được tính tiếp thu và kế thừa trong sáng tác thơ
Hoàng Cầm.
- Vận dụng một số phương pháp của Thi pháp học để tiếp cận hệ
thống các phương thức biểu hiện bằng biểu tượng nghệ thuật của văn
học, bắt nguồn từ quan điểm thẩm mỹ nhận định về thế giới nghệ thuật
để soi tỏ vấn đề nghiên cứu Văn hóa Kinh Bắc - Vùng thẩm mỹ trong thơ
Hoàng Cầm.
7. Đóng góp của luận án
- Luận án góp phần làm rõ hơn quan niệm về vùng thẩm mỹ,
vùng văn hóa và mối quan hệ giữa vùng văn hoá, vùng thẩm mỹ với
sáng tác văn học. Qua đó thấy rõ hơn mối quan hệ giữa môi trường
văn hoá thẩm mỹ với sáng tác văn học.
6
- Khảo sát, hệ thống hóa, phân tích hệ thống các biểu tượng
văn hóa Kinh Bắc trong sáng tác thơ của Hoàng Cầm, chỉ rõ một số
đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật thơ Hoàng Cầm trong mối quan hệ
với vùng văn hóa thẩm mỹ Kinh Bắc.
- Khẳng định những nét đặc sắc về nội dung và những sáng tạo
nghệ thuật độc đáo mới trong thơ Hoàng Cầm từ góc nhìn của văn
hóa học, góp thêm một cách tiếp cận về thơ của ông.
- Khẳng định những đóng góp quan trọng của nhà thơ trong dòng
chảy của thơ ca Việt Nam hiện đại và góp một phần để hiểu thơ, nhận
thức, giảng dạy và cảm thụ thơ Hoàng Cầm sâu sắc hơn.
8. Cấu trúc luận án
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, nội dung của Luận án được
triển khai trong 3 chương:
Chương 1: Những vấn đề lý luận về vùng thẩm mỹ, vùng văn
hoá và vùng văn hoá Kinh Bắc.
Chương 2: Thế giới biểu tượng thẩm mỹ trong thơ Hoàng Cầm.
Chương 3: Vùng thẩm mỹ trong thơ Hoàng Cầm nhìn từ
phương diện ngôn ngữ.
Sau cùng là Tài liệu tham khảo.
Chƣơng 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ VÙNG THẨM MỸ,
VÙNG VĂN HÓA VÀ VÙNG VĂN HÓA KINH BẮC
1.1. Quan niệm về vùng thẩm mỹ trong sáng tác văn học
Trong sáng tác nghệ thuật, trong đó có văn học, các tác giả
thường có một “vùng sáng tác” nhất định để lấy thi liệu, thi đề cho cảm
hứng của mình.
Mỗi tác giả đều có một hệ đề tài quen thuộc và ưa thích của chính
mình, có thể gọi đó là “vùng đối tượng thẩm mỹ” (Nguyễn Đăng Mạnh).
Vùng thẩm mỹ ấy ghi đậm dấu ấn chủ thể sáng tác để tạo nên phong
cách thơ đặc biệt và tư tưởng nghệ thuật riêng cho nhà thơ. Nói đến
7
vùng thẩm mỹ trong sáng tác văn học trước hết phải nói đến quê hương -
nơi có thiên nhiên, văn hoá và con người với những dấu ấn riêng biệt,
đẹp một vẻ đẹp rất riêng, không thể trộn lẫn với vùng khác. Sông núi của
quê hương không những tạo nên vẻ đẹp mà còn như dấy lên khí thiêng
của đất. Trải qua hàng ngàn đời, đất và người quện bên nhau, vật vã với
thiên nhiên làm nên sự sống biến đổi không ngừng. Quê hương có tài
nguyên về văn hoá và nhân văn vô giá, biết bao thế hệ, cuộc đời đã đổ
mồ hôi, xương máu để gìn giữ và phát triển và bảo vệ nó làm nên sự
sống của con người nối tiếp nhau.
Tuy nhiên không phải tác giả nào cũng có vùng thẩm mỹ riêng
cho mình. Giá trị của vùng thẩm mỹ chỉ thực sự được nảy sinh khi
tác giả gắn bó máu thịt hoặc có một xúc cảm thẩm mỹ đặc biệt để
viết nên những tác phẩm mang dấu ấn đặc trưng cho mình. Khi tác
phẩm ra đời phải cho thấy những thi đề vừa quen thuộc, vừa mới lạ
dựa trên những thi liệu vốn có của vùng quê ấy như những hình ảnh,
cảnh vật, những sự kiện, hiện tượng, những con người và các mối
quan hệ với các yếu tố văn hóa cơ bản, cốt lõi đã và đang tồn tại ở
chính nơi đó. Từ đó góp phần tạo nên thế giới hình tượng nghệ thuật
phong phú, đa dạng, sinh động trong tác phẩm. Cũng chính từ đây,
hình tượng nghệ thuật được hình thành và bám trụ một cách sâu sắc
trong đời sống văn học của nhà văn, qua đó tư tưởng nghệ thuật của
nhà văn được hình thành và phát triển. Đó chính là không gian riêng,
hay còn gọi là vùng thẩm mỹ trong sáng tác văn học.
1.2. Mối quan hệ giữa vùng văn hóa và vùng thẩm mỹ trong sáng
tác văn học
1.2.1. Quan niệm về vùng văn hóa
Có thể hiểu vùng văn hóa là một thực thể văn hóa bao gồm những
nét đặc trưng, những sắc thái riêng mà các vùng khác không có hoặc
có mà không điển hình, không tiêu biểu. Những nét đặc trưng văn
hóa vùng thể hiện trên các lĩnh vực văn hóa vật thể và phi vật thể trên
các lĩnh vực kinh tế (làm ruộng nước hay nương rẫy, trồng trọt hay
tiến hành kinh tế chiếm đoạt, thừa hưởng của cải sẵn có của tự
8
nhiên), văn hóa vật chất (nhà cửa, y phục, trang sức, ăn uống, phương
tiện di chuyển), văn hóa xã hội (các chu kỳ trong đời người: cưới xin,
sinh đẻ, ma chay, nếp sống), văn hóa tinh thần (tín ngưỡng, lễ hội,
văn hóa dân gian, sinh hoạt cộng đồng),…
1.2.2. Quan niệm về bản sắc văn hóa vùng, miền
Bản sắc văn hóa vùng, miền là khái niệm mang tính đặc trưng
cho bản sắc riêng từng vùng, miền dưới sự thống nhất của cùng cội
nguồn tạo ra bản sắc văn hóa chung, theo đó, nó góp phần cơ bản để
tạo nên tính đa dạng cho bức tranh văn hoá dân tộc. Văn hoá vùng,
miền chỉ sự khác biệt, tính độc đáo, thậm chí là viễn dị của văn hóa
du lịch, văn hóa đại chúng cùng sự đề cao những di sản độc đáo của
mỗi vùng, miền. Đồng thời nó cũng chỉ sự khác biệt của đặc trưng về
phong tục, tập quán, nghi lễ, ngôn ngữ… Văn hoá tộc người theo
không gian địa lí trên một vùng, miền nhất định.
1.2.3. Mối quan hệ giữa vùng văn hóa và vùng thẩm mỹ trong sáng
tác của nhà văn
Vùng văn hóa và vùng thẩm mỹ có ảnh hưởng trực tiếp tới tư
duy sáng tạo của người nghệ sĩ. Văn học biểu hiện văn hoá, ghi lại
những giá trị thẩm mỹ trong đời sống văn hóa qua các biểu tượng.
Văn học là tấm gương của văn hoá. Qua văn học, người ta nhận ra
văn hóa của các dân tộc, văn hóa của các vùng miền. Qua thơ Hoàng
Cầm người ta nhận ra văn hóa Kinh Bắc, văn hóa Việt Nam.
Vùng văn hoá và vùng thẩm mỹ có liên quan mật thiết với
nhau, do đó nếu vùng văn hóa và vùng thẩm mỹ chi phối hoạt động
và sự phát triển của văn học, thì ngược lại, văn học cũng tác động
đến văn hóa, thẩm mỹ trên toàn thể cấu trúc, hoặc thông qua những
bộ phận hợp thành khác của nó. Những nhà văn tiên phong của dân
tộc bao giờ cũng là những nhà văn hoá lớn, tiêu biểu.
Cách tiếp cận vùng văn hoá, vùng thẩm mỹ qua văn học thực
chất là đặt văn học trong không gian văn hoá với những đặc trưng
của nó. Vùng văn hóa đã được thâm nhập vào thế giới sáng tạo nghệ
thuật, tư tưởng nghệ thuật của tác giả. Đó là sự thẩm thấu vào từng
9
hình tượng, chi tiết của ngôn từ, giọng điệu, hình tượng nghệ thuật.
Sự thẩm thấu này truyền đi cả theo hai chiều lịch đại và đồng đại.
Một mặt, những giá trị bắt nguồn từ văn hoá truyền thống thấm vào
thế giới hình tượng và ngôn từ của tác phẩm mà chủ thể sáng tạo
không ý thức một cách tự giác. Mặt khác, những giá trị văn hoá, thẩm
mỹ mới hình thành không thôi cám dỗ, kêu gọi, thách thức, đòi hỏi
nhà văn phải trả lời, trực tiếp hay gián tiếp, bằng ngôn ngữ nghệ thuật
trong tác phẩm của mình. Đối với những tài năng, cả hai chiều thẩm
thấu ấy hoà trộn một cách nhuần nhuyễn đến mức khó mà tách bạch
rõ ràng.
1.3. Văn hóa Kinh Bắc trong thơ ca Kinh Bắc và trong thơ
Hoàng Cầm
1.3.1. Đặc điểm vùng văn hóa Kinh Bắc
Có thể khái quát nên những đặc điểm cơ bản của văn hóa Kinh
Bắc như sau: là miền đất của vương quốc lễ hội; là vùng đất của
những huyền thoại và truyền thuyết; là quê hương của những làng
cười truyền thống và quê hương văn hoá quan họ; chốn Tổ của Phật
giáo; là quê hương của lịch sử dựng nước và giữ nước; là vùng đất
của địa linh nhân kiệt; là quê hương của đất trăm nghề và truyền
thống văn hóa ẩm thực mang đậm giá trị văn minh, giá trị nhân sinh
cao cả.
1.3.2. Văn hoá Kinh Bắc trong thơ ca Kinh Bắc
Kinh Bắc là xứ sở của huyền thoại, truyền thuyết và ca dao -
dân ca, của những làng cười truyền thống - những ngọn nguồn văn
hoá dân tộc, do đó văn học dân gian vùng Kinh Bắc không những
chiếm một vị trí quan trọng trong tiến trình phát triển văn hoá Kinh
Bắc, mà còn rất quan trọng đối với nền văn hoá, văn học Việt Nam.
Nhìn một cách tổng quát thì một nghìn năm văn học Trung đại
xuất hiện nhiều gương mặt thi nhân, họ lấy vùng đất Kinh Bắc nghìn
năm văn hiến này làm thi liệu và thi đề cho các sáng tác của mình.
Tiếp nối và kế thừa dòng thơ truyền thống - từ các thế kỷ
trước, sang đầu thế kỷ XX trong lớp nhà thơ, nhà văn tiêu biểu trước
10
Cách mạng tháng Tám năm 1945, có nhiều nghệ sĩ, thi sĩ của quê
hương Kinh Bắc.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, hơn 20 năm đánh Mỹ
và từ sau năm 1975 đến nay, thơ văn người Kinh Bắc đã tạo được
diện mạo riêng cho phong trào thơ văn Kinh Bắc trong dòng chảy
chung của văn học nước nhà. Ta có thể kể đến những tác giả thời kỳ
này như: Anh Vũ, Duy Phi, Trần Ninh Hồ,
Thơ văn Kinh Bắc thế kỷ XX là một mốc son khẳng định một
nền văn học đã có truyền thống lâu đời, góp phần quan trọng cho nền
văn học nước nhà nói chung và thơ nói riêng. Chúng ta có thể kể đến
một số tác giả như: Tương Phố, Bàng Bá Lân, Nguyên Hồng, Anh
Thơ, Hoàng Cầm, Bàng Sĩ Nguyên, Ngô Đạt, Anh Vũ, Duy Phi Tất
cả họ đều có những đóng góp không nhỏ trong tiến trình phát triển
của nền văn học Kinh Bắc. Đó là một dòng chảy liên tục, không hề bị
đứt đoạn qua các thời kỳ, điều đó tạo nên những dấu ấn văn hoá riêng
biệt cho vùng quê văn hiến này.
1.3.3. Văn hóa Kinh Bắc - cội nguồn của vùng thẩm mỹ trong thơ
Hoàng Cầm
Vùng văn hóa thẩm mỹ Kinh Bắc có tác động đến sáng tác của
nhiều nhà văn, nhà thơ nước ta. Nhưng có thể nói rằng, cái hồn cốt
của Kinh Bắc chỉ thực sự kết tinh, kết trái và thăng hoa trong những
thi phẩm của Hoàng Cầm. Nhà thơ đã đặt được dấu ấn riêng biệt trên
con đường thơ ca viết về Kinh Bắc thời kỳ hiện đại từ việc chắt lọc
ngôn từ để biểu lộ cái “tình”, cái “hồn” của mình qua thiên nhiên,
văn hoá, phong tục và con người đất Kinh Bắc. Nhà thơ từng tâm sự
“Hơn bảy mươi năm rồi, cứ nhớ đến bầu sinh quyển ấy là trong
người bỗng nao nao một cuộc hồi sinh Vậy là chúng đi vào trong
thơ tôi từ bao giờ chẳng biết”.
Viết về Kinh Bắc, nhà thơ đã tạo dựng được một không gian
văn hóa riêng biệt với những nét đặc trưng, tiêu biểu của vùng quê
này như: văn hóa phong tục; văn hóa sông nước; sự tỏa sáng của bầu
nhân quyển Kinh Bắc; núi đồi; Tranh dân gian; thế giới của Lá, Cỏ,
11
Quả Tất cả như một bức tranh nhiều gam mầu văn hóa ghim chặt
trong bến quê Hoàng Cầm - bến quê Kinh Bắc thơ ông, như nhà thơ
tâm sự: “tất cả đã khéo giao hòa từ buổi bình minh dân tộc, đã gieo
rắc đều những hạt thơ lóng lánh xuống một tâm hồn đam mê, mẫn
cảm, đa tình, đa tứ, mà anh con trai Kinh Bắc ngây thơ, đôi lúc dại
khờ, trong trắng nhiều khi đến yếu đuối, đã nâng hai bàn tay bé
bỏng, hồn nhiên hứng lấy rồi suốt đời viết được những dòng thơ, nảy
được những con chữ biết chạy nhảy, biết bay, thèm bay xa hơn nữa,
cao hơn nữa”.
Tất cả những điều đó đã tạo nên một suối nguồn cảm hứng
mãnh liệt trong thơ Hoàng Cầm, qua đó nhà thơ tạo nên hệ thống
hình ảnh sinh động, hình tượng nghệ thuật đa dạng, phong phú giàu
giá trị biểu cảm, biểu vật và giàu giá trị nhân sinh thông qua hệ thống
ngôn ngữ và giọng điệu riêng biệt của nhà thơ đất Kinh Bắc.
Chƣơng 2
THẾ GIỚI BIỂU TƢỢNG THẨM MỸ
TRONG THƠ HOÀNG CẦM
2.1. Quan niệm về biểu tƣợng và biểu tƣợng thẩm mỹ
2.1.1. Quan niệm về biểu tượng
Biểu tượng là hình ảnh cảm tính về hiện thực khách quan và
mang ý nghĩa tượng trưng khái quát, gồm hai bình diện là cái biểu
đạt và cái được biểu đạt. Biểu tượng văn hóa chính là sự vật, hiện
tượng nào đó được sử dụng nhiều trong sinh hoạt văn hóa và dần dần
được nâng cấp lên thành hình ảnh có ý nghĩa biểu trưng nhằm nói lên
ý nghĩa tinh thần ngoài ý nghĩa vật chất. Biểu tượng văn hóa mang
chiều sâu cảm xúc, tính dân tộc, tính thời đại.
2.1.2. Quan niệm về biểu tượng thẩm mỹ
Biểu tượng thẩm mỹ là một phương tiện tạo hình và biểu đạt
có tính gợi cảm, liên tưởng, đa nghĩa, mang giá trị nghệ thuật cao.
12
Biểu tượng là hình ảnh cụ thể - trong văn học - chúng là một thi liệu
được thi nhân sử dụng, tái hiện nhiều lần. Đặc biệt, ý đồ thẩm mỹ
luôn vượt ra ngoài giá trị biểu đạt. Biểu tượng- hay tượng trưng là
phép chuyển nghĩa dựa vào những ẩn dụ tu từ, hoán dụ tu từ dùng
nhiều lần, dùng phổ biến, trở nên quen thuộc với mọi người, đến mức
hễ nhắc đến nó ai cũng hiểu thống nhất nội dung biểu hiện của nó.
2.2. Biểu tƣợng thiên nhiên Kinh Bắc
2.2.1. Biểu tượng dòng sông
Hình ảnh những dòng sông vùng quê Kinh Bắc được hiện rõ
lên trong thơ Hoàng Cầm ở chiều sâu tâm thức văn hoá với những
rung cảm thẩm mỹ hết sức tinh tế, gợi nhiều liên tưởng nghệ thuật
độc đáo. Cảm hứng về sông (Sông Thương; sông Cầu, sông Đuống,
sông Tiêu Tương ) được bắt nguồn từ nội cảm vùng Kinh Bắc huê
tình, qua những mưa nắng thăng trầm vẫn dìu dặt chảy. Có một
Hoàng Cầm thi sĩ của dân tộc nặng lòng yêu nước thương quê. Lại có
một Hoàng Cầm thi sĩ của tình yêu đôi lứa đầy đắm say và mộng mị.
Cả những ẩn ức đan xen chưa thể giải mã được rành rọt, rõ ràng.
Những con sông Kinh Bắc lần lượt được hiện lên traong trang thơ
Hoàng Cầm với những dấn ấn của văn hóa, lịch sử quê hương, con
người vừa linh thiêng, vừa rất đỗi huê tình trong dáng chảy của sông
cùng chiều dài lịch sử dân tộc
Có thể nói, hệ thống sông ngòi Kinh Bắc đã tạo nên một thế
giới phù xa màu mỡ nâng đỡ cho những giá trị văn hoá, lịch sử đặc
biệt của vùng quê văn hiến này để nó phát triển, giao thoa, cộng
hưởng, và nó cũng đã kịp neo lại tên tuổi của mình trong dòng chảy
chung của văn hoá dân tộc, tạo nên một dấu ấn riêng biệt không thể
trộn lẫn của văn hoá sông nước miền Kinh Bắc.
2.2.2. Biểu tượng núi, đồi
Núi và đồi Kinh Bắc không nhiều, nhưng đồi Lim và núi Thiên
Thai là hai biểu tượng nổi bật trong thơ Hoàng Cầm khi viết về thiên
13
nhiên, văn hoá, tình yêu, tình người Kinh Bắc. Đặc biệt là chúng gắn
liền với không gian thiêng liêng đình, chùa, miếu, đền thờ… trong
không gian văn hóa Kinh Bắc để toả ánh sáng linh thiêng. Hình như
không còn thiếu một ngôi chùa, mái đình nào của Kinh Bắc trong thơ
Hoàng Cầm mà tách rời khỏi sông và núi, đồi như: chùa Dâu, Bút
Tháp, Pháp Môn, Phật Tích, đền tám vua triều Lý, đền Cổ Loa, miếu
Hai Cô, đình Lim, đình Đình Bảng…
Hệ thống núi, đồi nơi đây tạo nên những vẻ đẹp rất phong tình,
diễm lệ cho một vùng quê quan họ huê tình Theo thống kê có
khoảng hơn 40 lần nhà thơ nhắc tới hình ảnh núi, đồi Kinh Bắc. Đến
với thế giới thiên nhiên núi, đồi Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm ta
nhận thấy dường như hệ thống núi đồi nào ở đây cũng đẹp, thơ mộng,
hữu tình, gắn với những huyền tích dân gian, huyền sử, lịch sử văn
hoá lâu đời của quê hương như: núi Neo, núi Dạm, núi Tiêu, núi Chè,
núi Phượng Hoàng, núi Cô Tiên, núi Thiên Thai đã trở thành sân
khấu thi ca và đi vào thế giới thơ Hoàng Cầm như những câu chuyện
cổ tích đầy hấp dẫn và nhuốm đậm sắc màu huyền sử mà nên thơ.
Đặc biệt núi Thiên Thai và đồi Lim được coi là biểu tượng văn hóa
núi và đồi của Kinh Bắc, đồng thời tạo cảm hứng cho các nghệ sĩ và
thi sĩ của vùng Kinh Bắc. Đó là một vùng thẩm mỹ lớn để nhà thơ
Hoàng Cầm thể hiện cảm xúc của mình.
2.2.3. Biểu tượng lá, cỏ, quả
Có thể nói Hoàng Cầm là nhà thơ đã tạo ra nhiều những tín
hiệu nghệ thuật mà trước hết đó là những tín hiệu thẩm mỹ mang chủ
tính riêng biệt, biểu tượng cho một tình yêu trong ông: tình yêu quê
hương đất nước luôn xót xa cay đắng và một tình yêu đôi lứa, với
những khối u tình nhiều khi như còn đang khắc khoải, uất nghẹn
trong trái tim. Cách thể hiện tình yêu trong ông không giống với các
nhà thơ hiện đại Việt Nam khác, dường như Hoàng Cầm đã tạo lên
một thế giới tình yêu lạ lùng, huyền diệu và đầy bí ẩn từ những: lá
14
Diêu Bông, lá lan đao, cỏ bồng thi, lá trường sinh, cỏ Thiên Đồng, lá
đài bi, lá bẽ bàng…
Đó là những tín hiệu thẩm mĩ, những biểu tượng nghệ thuật đa
tầng nghĩa đã nhập vào trong điệu hồn thơ ông, mà trước hết đó là
biểu tượng của cái đẹp để nhà thơ bước vào một cõi thơ đầy bí ẩn,
siêu thực, vô lý, với những hình ảnh thơ không dễ gì nắm bắt được
bằng tư duy lôgíc thông thường, mà phải đặt nó trong mối quan hệ
với một trường văn hóa thẩm mỹ riêng mới mong một sự giải mã
nghệ thuật.
2.3. Biểu tƣợng con ngƣời Kinh Bắc
2.3.1. Biểu tượng con người trong truyền truyết và lịch sử
Dưới góc nhìn huyền thoại, hư ảo, bí ẩn, những hình tượng
nhân vật truyền thuyết, lịch sử Kinh Bắc được Hoàng Cầm đưa vào
trong thơ thật sống động, hấp dẫn và có sức quyễn rũ đặc biệt, họ trở
thành những hình tượng mang vẻ đẹp vĩnh cửu, có sức sống trường
tồn, bất tuyệt. Đó là những nhân vật như: An Dương Vương, Thánh
Gióng, Mỵ Châu, Mỵ Nương, Trương Chi, Từ Thức, Giáng Tiên, Hai
Bà Trưng, Ỷ Lan, Chiêu Hoàng, Hoàng Hoa Thám… Họ đều có xuất
thân hoặc từng lo dựng nghiệp bền lâu cùng dân tộc trên mảnh đất
Kinh Bắc.
Hoàng Cầm đã làm sống dậy không gian văn hoá tâm linh của
những nhân vật truyền thuyết và lịch sử trên đất Kinh Bắc, làm cho
họ như đang đối thoại với con người hiện tại. Có thể nói, miêu tả về
những nhân vật này, nhà thơ hẳn phải có một tình cảm đặc biệt với
con người và vùng đất quê hương. Thực vậy, tình yêu quê hương xứ
sở chính là tình yêu nước trong ông, nó ngấm vào máu thịt ông từ
thuở ấu thơ để rồi trở thành những cánh đồng thơ trù mật, của những
bờ bãi xanh tươi. Kinh Bắc như một dòng sông văn hoá chảy đều
trong ông để rồi lắng đọng lại những lớp phù xa văn hoá ấy là các
15
trang thơ, trang văn chứa đựng bao giá trị nghệ thuật đang đón đợi sự
khám phá, giải mã của bạn đọc.
2.3.2. Biểu tượng người mẹ
Theo khảo sát của chúng tôi, trong tập thơ chính, tập thơ cột
sống của ông - Về Kinh Bắc (1959- 1960) có tới 34 lần trên 48 bài
thơ tác giả trực tiếp nhắc đến hình ảnh người mẹ. Đây cũng chính là
tập thơ để thi sĩ Dâng hương hồn mẹ trong tâm trạng của đứa con
muốn trở về với Mẹ quê hương.
Mẹ được hiện lên trong rất nhiều cung bậc khác nhau, ngôn từ
thể hiện giản dị, không đao to búa lớn. Nhìn về mẹ, Hoàng Cầm có
một cái nhìn lịch sử, thời gian, một thứ thời gian đằng đẵng, chắt
chiu, tạo dựng, đắp bồi, để có những định hình trong cốt cách Việt
Nam từ thuở Âu Cơ.
Với tính chất là một hình tượng văn học, hình tượng người mẹ
trong thơ Hoàng Cầm được xuất hiện ở nhiều cung bậc và được thể
hiện bằng nhiều trạng thái tình cảm, cảm xúc khác nhau. Tựu chung
lại có thể nói thơ ông viết về mẹ chính là viết về một nét văn hoá -
văn hoá Mẫu, nó được ảnh hưởng, giao thoa, tiếp biến từ một tín
ngưỡng văn hoá Mẹ bản địa, và là sự ứng tác từ nền văn hoá vùng
miền vào cá nhân con người để hình thành nên một hồn thơ đa cảm
với giọng điệu ngọt ngào chất văn hoá quê hương. Văn hoá quê
hương, văn hoá Mẹ như những giọt mưa rơi xuống cánh đồng thơ
Hoàng Cầm để đằm lên một hương vị ngọt ngào như những làn quan
họ quê ông. Và đấy cũng chính là chất men để tạo nên một chất giọng
riêng ở nhà thơ của văn hoá Kinh Bắc.
2.4. Biểu tƣợng về văn hoá phong tục Kinh Bắc
2.4.1. Biểu tượng lễ hội
Trong thơ Hoàng Cầm hiện lên hầu như đầy đủ các lễ hội độc
đáo vùng Kinh Bắc như: Hội vật, Thi sợi bún, Hội Chen Nga
Hoàng, Hội Gióng, Hội Long Khám, Hội Vân Hà Trong tập Về
Kinh Bắc nhà thơ dành riêng cả một nhịp (nhịp 6 - Điểm trang) để
16
nói về hội hè Kinh Bắc và hội nào cũng trở thành những biểu tượng
của con người và văn hoá nơi đây. Chính điều đó đã tạo nên một thế
giới nghệ thuật, một không gian nghệ thuật đầy hấp dẫn và tiêu biểu
trong thơ ông.
Lễ hội Kinh Bắc luôn hội tụ các vẻ đẹp văn hóa của một vùng
quê văn hiến, là loại hình văn hóa dân gian tiêu biểu và được coi là
viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa Việt Nam. Trải qua bao thăng
trầm của xã hội và biến động của quê hương đất nước, lễ hội Kinh
Bắc không những không mất đi mà ngày càng phát triển phong phú
hơn, tươi đẹp hơn, tỏa sáng cùng truyền thống quê hương, thể hiện
sức sống dồi dào, mạnh mẽ và dòng chảy vô tận của văn hóa Kinh
Bắc. Một ý nghĩa văn hoá lớn khác của lễ hội trong thơ Hoàng Cầm
là tác dụng giáo dục con người, dù không có một lời rao giảng hay
một bài học được viết thành văn.
Không gian lễ hội làm nổi bật được cái hồn cốt văn hoá của
Kinh Bắc trong thơ ông. Qua đó còn khẳng định một điều rằng Kinh
Bắc luôn là vùng văn hoá, vùng thẩm mỹ lớn trong sáng tác thơ ca
của Hoàng Cầm.
2.4.2. Hát Quan họ - một biểu tượng văn hoá thẩm mỹ độc đáo
Không trực tiếp hoặc đi sâu miêu tả tiếng hát, nhưng nhà thơ
đã nói được cái linh hồn của văn hoá Quan họ. Đó là những giai điệu
“ứ hự”, “hừ la” đầy ngẹn ngào, ẩn ức, thứ ngôn ngữ riêng biệt chỉ có
trong lời ca, lời thơ Quan họ: Ứ hự tình ơi/ Đố ai lấp được Ngân hà/
Để em về lấp lời ca đêm trường (Chân trời tua tủa mảnh trai), hoặc
Ứ hự hề hi ha / U ơi ời ới a (Chân dung tự thú).
Văn hoá quan họ là một phần không gian văn hoá rất đặc trưng
ảnh hưởng đến đời sống thi ca Hoàng Cầm và cũng từ đó ông có
những mạch ngầm thi liệu phù hợp với cảm xúc thi ca. Chính giá trị
nghệ thuật đó là nguồn thi hứng, thi liệu dồi dào để nhà thơ viết lên
những vần thơ đậm chất giọng Quan họ. Hoàng Cầm sinh ra và lớn
17
lên trong vùng đất Quan họ nên ông là người hiểu và say mê Quan
họ. Tình yêu đó đã đồng điệu với tâm hồn ông mà sinh thành nên bản
ngã nghệ thuật Quan họ trong thi tứ ông. Do vậy không gian văn hoá
Quan họ trong thơ Hoàng Cầm luôn có một giá trị độc lập trong toàn
bộ di sản thơ ông.
Qua việc tìm hiểu nghệ thuật xây dựng một số hình ảnh và
biểu tượng như trên, chúng ta thấy khá rõ tài năng, sự sáng tạo và vẻ
đẹp tâm hồn của tác giả. Đó cũng chính là sức sống của những trang
thơ mang đậm giá trị thẩm mỹ, giá trị văn hoá sâu sắc! Hoàng Cầm
đã khẳng định tên tuổi của mình trong dòng thơ trữ tình Việt Nam
hiện đại. Đặc biệt, không dừng lại với những gì đã có, nhà thơ vẫn
luôn gắng gượng với mọi nỗi đau bi kịch cá nhân để dâng cho đời
những vần thơ đẹp tươi. Viết thơ là viết tiếp trang văn của sự sống, là
trái tim còn đập và cuộc đời còn niềm vui, hạnh phúc. Viết bằng tất
cả huyết lệ của một đời con tằm nhả tơ, con yến nhỏ máu xây tổ. Viết
bằng ngọn bút dũng cảm, bằng vốn sống và miền tâm cảm, tâm linh
ấp ủ trái tim thắm đỏ tình người, tình yêu quê hương Tổ quốc! Đó
chính là phong cách của Hoàng Cầm.
Chƣơng 3
VÙNG THẨM MỸ TRONG THƠ HOÀNG CẦM
NHÌN TỪ PHƢƠNG DIỆN NGÔN NGỮ
3.1. Quan niệm về ngôn ngữ và ngôn ngữ nghệ thuật trong văn học
3.1.1. Quan niệm về ngôn ngữ
Ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu, là một phương tiện để giao
tiếp và là công cụ của tư duy. Ngôn ngữ được hình thành trong quá
trình hoạt động và giao lưu của mỗi cá nhân với người khác trong xã
hội. Ngôn ngữ mang bản chất xã hội, lịch sử và tính giai cấp. Nó là
phương tiện bảo lưu và truyền thông tin; là một trong những phương
18
tiện điều chỉnh hành vi của con người. Ngôn ngữ tồn tại dưới dạng
nói (lời, tiếng; lời nói, tiếng nói) và dạng viết (chữ, văn tự)
3.1.2. Quan niệm về ngôn ngữ nghệ thuật trong văn học
Ngôn ngữ nghệ thuật là ngôn ngữ chủ yếu dùng trong các tác
phẩm văn học, không chỉ có chức năng thông tin mà còn thoả mãn
nhu cầu thẩm mỹ của con người. Nó là ngôn ngữ được tổ chức, xếp
đặt, lựa chọn, tinh luyện từ ngôn ngữ thông thường và đạt được giá
trị nghệ thuật của bản chất xã hội thẩm mỹ.
Ngôn ngữ nghệ thuật trong tác phẩm văn học là ngôn ngữ
toàn dân tộc đã được nghệ thuật hoá. Ngôn ngữ đã được hình
thành, chọn lọc, gọt giũa, trau chuốt… và đặc biệt ngôn ngữ ấy
phải đem lại cho người đọc những cảm xúc thẩm mỹ, xúc cảm
được nhận biết thông qua những rung động tình cảm. Điều đó
khác hẳn với những xúc cảm của khoa học - những rung động
thuần túy thông qua suy lý và chứng minh.
3.2. Đặc trƣng vùng văn hóa thẩm mỹ Kinh Bắc trong ngôn ngữ
nghệ thuật thơ Hoàng Cầm
3.2.1. Sự kết hợp của nhiều kênh ngôn ngữ
Ngôn ngữ thơ Hoàng Cầm là thứ ngôn ngữ của dân gian vùng
Kinh Bắc. Thơ ông hấp dẫn các thế hệ người đọc khác nhau, vì ngoài
những tìm tòi về cách tân về nghệ thuật, Hoàng Cầm vẫn gìn giữ cho
riêng mình một vốn ngôn ngữ và hình ảnh đặc trưng Kinh Bắc, độc
đáo, tài hoa. Chất thơ của ngôn ngữ thi ca Hoàng Cầm còn là sự kéo
dài của ngôn ngữ thơ Mới. Tư duy ngôn ngữ thơ Hoàng Cầm là kiểu
tư duy dân gian - tư duy cộng đồng, kết hợp với kiểu tư duy hiện đại
- tư duy của cá nhân. Nhưng thơ Hoàng Cầm không phải là thơ dân
gian kéo dài, mà trên nền tảng tư duy cộng đồng ấy, nhà thơ có
những bứt phá riêng trong tiến trình thơ lãng mạn bằng sáng tạo cá
nhân, để giữa nguồn chung dân gian, vẫn nhận ra nguồn riêng - một
gương mặt thơ Hoàng Cầm hiện đại- không thể lẫn.
19
Tuy nhiên, dù mang dấu ấn của tư duy ngôn ngữ dân gian
trong cách nhìn thế giới, Hoàng Cầm vẫn là một nhà thơ hiện đại.
Tư duy huyền ảo của ngôn ngữ dân gian kết hợp với cái nhìn siêu
thực đầy tính hiện đại đã tạo nên một Hoàng Cầm huyền ảo và siêu
thực, truyền thống và hiện đại. Tư duy siêu thực như một bước tiến
của tư duy nghệ thuật hiện đại trên cơ sở triết học là thuyết trực giác
của Bergson và cơ sở tâm lý là phân tâm học của Freud đã đưa lại
một cái nhìn mới và chính xác hơn về thực tế. Thực tế ấy được kết
hợp giữa thực và mộng, giữa vô thức và ý thức.
Có thể tìm thấy trong thơ của Hoàng Cầm dấu ấn của lối tư
duy ngôn ngữ huyền thoại này khi nhà thơ tạo lập nên một thế giới
hòa trộn cái thực và cái ảo. Cái ảo trộn lẫn trong cái thực như một tồn
tại hiển nhiên: Ao mưa dằng dịt lá trường sinh, hoặc hái quả vườn ổi
lại đi qua cầu bà Sấm, bến cô Mưa, trò chơi đố cỏ, đố lá quen thuộc,
nhưng cỏ và lá ở đây là cỏ bồng thi, lá diêu bông, thời gian cũng được
huyền thoại hóa với những chiều liêu trai, đêm hồ tinh, đêm vàng Kinh
Bắc, Đó là cái nhìn của huyền thoại, của dân gian. Thế giới là một hợp
nguyên của cái đời thường và cái kì ảo hoang đường. Thụy Khuê gọi “sa
mạc Hoàng Cầm lung linh giữa mơ và thực” vì lẽ đó.
Ở Hoàng Cầm còn có sự kết hợp giữa ngôn ngữ dân gian, ngôn
ngữ thơ lãng mạn và ngôn ngữ của thơ tượng trưng - siêu thực trong
thơ, thể hiện lồng ghép trong một cấu trúc thơ linh hoạt. Đó là cấu
trúc được định hình trong văn học dân gian - cấu trúc thách đố, đặc
biệt là truyện cổ tích và ca dao dân ca
Hoàng Cầm là người đi đầu cách tân thơ bằng cách lược từ, ít
bấu víu vào sự kiện, và là “chủ soái” (Nguyễn Việt Chiến) của trường
phái duy mỹ trong thơ Việt Nam đương đại. Vì thế, đọc thơ Hoàng
Cầm hãy cảm trước, cắt nghĩa sau. Trong cái lối tư duy truyền thống,
ông đã hiện đại hóa tư duy thơ một cách ngẫu nhiên.
20
3.2.2. Ngôn ngữ đấy ắp chất tượng trưng và giàu tính nhạc
Có thể nói lời thơ Hoàng Cầm là một lời thơ giàu tượng trưng
và tính nhạc, mang tính biểu cảm cao. Đó là cuộc hôn phối say xưa
giữa âm thanh và chữ nghĩa, giữa giai điệu của cuộc sống và cảm
hứng sáng tạo của nhà thơ.
Ngôn ngữ tạo nên chất nhạc cho câu thơ cứ ngân vang bất tận,
nhà thơ như lạc vào mê cung của trường trận chữ trong “Đường mê”,
vấn vương như tình người Quan họ. Văn hoá thẩm mỹ vùng Kinh
Bắc cứ bám lấy ông, theo đuổi lấy ông mà nảy sinh ra những chồi
tâm nghệ thuật.
Tính chất tượng trưng trong thơ Hoàng Cầm thực chất được
soi chiếu từ góc độ “lạ hóa” trong cấu trúc câu và ý thơ. Hoàng Cầm
rất tinh tế trong việc sử dụng động từ. Mỗi động từ làm nên cái hồn
của câu thơ, bài thơ, từ đó hướng đến những trường nghĩa khác rộng
hơn cái mà nó vốn có, nhằm tạo ra một nét nghĩa mới với sự lạ hoá
trong lối tư duy. Ví dụ: Giếng ngọc ễnh ương quát đêm tiền sử (Đêm
hoả), Trăng lên chém đầu ngọn gió (Đêm hoả), Tiếng trống chèo
vuốt ngực Châu Long (Luân hồi), Gió mát chồi xuân đay nghiến luỹ
tre làng (Đêm mộc) Đó là những động từ biểu cảm thế giới tâm
trạng, cảm quan của nhà thơ về cuộc đời, văn hoá tâm lý sống của
con người nơi vùng quê Kinh Bắc đã khúc xạ vào trong thơ ông. Đó
còn là hiệu quả thẩm mỹ của thi pháp mới với tính chất dán cắt, tô
nhấn cái bình dân và cái cao siêu, cái sáng tỏ và cái tối tăm đến một
không gian văn bản phù hợp để “nối mạng” biểu tượng - những đặc
trưng thẩm mỹ của chủ nghĩa hậu hiện đại. Đặc điểm này trong thơ
ông có cái hay là từ đó tạo nên các liên hệ ngữ pháp và thi pháp
truyền thống, cho đến khi có thể bất ngờ úp lên nó một lưới siêu liên
kết nối liền những ngữ “nội gián” đặc tuyển lại để tạo thành biểu
tượng mới.
21
Hoàng Cầm sử dụng chất liệu ngôn ngữ dân gian vốn có để tạo
ra một chỉnh thể nghệ thuật trong những hình tượng chập chờn giữa
biểu hình và chất liệu. Song, cái chất liệu truyền thống, khi được nhà
thơ sử dụng như một cái nền để triển khai sự đọc của mình trên đó đã
không còn giữ nguyên cái sắc thái thẩm mỹ quen thuộc xưa kia nữa -
nó đã được lạ hoá giống như trên sân khấu của Bertolt Brecht, bởi tác
giả đã điểm vào đó, xếp chồng lên đó những biểu tượng văn hoá khác
lên cái biểu tượng văn hoá cũ có tính chất nền tảng và tính chất liệu
này. Đó rõ ràng là một sự sáng tạo ngôn ngữ tuyệt vời của nhà thơ.
Có thể nói với những gì đã đạt được trong những cách tân
ngôn ngữ nghệ thuật của mình, Hoàng Cầm đã tiến thêm một bước xa
hơn trong cách thể hiện bản lĩnh nghệ thuật của mình với sự mới lạ
độc đáo, tân kỳ mà cũng cổ điển, dân dã hơn bao giờ hết.
KẾT LUẬN
1. Văn hoá và văn học luôn có mối quan hệ qua lại và gắn bó
chặt chẽ với nhau. Văn hoá hình thành nên tư tưởng nghệ thuật, khiếu
thẩm mỹ của người nghệ sĩ. Ngược lại qua đó, người nghệ sĩ sẽ làm
giàu và đẹp thêm cho nền văn hoá dân tộc. Trong cuộc chuyển mình
của đời sống văn hoá dân tộc như thời đại ngày nay, có sự tiếp xúc,
giao thoa với nhiều trường phái văn học trên thế giới, thì việc dựng
lại và gìn giữ bản sắc văn hoá vùng miền, dân tộc trong thơ của
Hoàng Cầm là một việc làm rất đáng trân trọng và đang chờ đợi sự
đồng cảm, khám phá nhiều chiều. Hơn nữa, thức nhận được, về mặt
lý luận, bản chất của mối quan hệ văn học và văn hoá giúp cho
nghiên cứu sáng tác thơ Hoàng Cầm xử lý được một số trường hợp
vướng mắc, mâu thuẫn do cách tiếp cận cũ để lại, đồng thời có cơ sở
lý thuyết để xây dựng một phương pháp tiếp cận mới: Tiếp cận văn
học từ góc độ văn hóa. Phương pháp này bước đầu có sự thuận lợi để
22
thúc đẩy việc tìm ra các biểu tượng văn hoá trong thơ của ông trong
mối quan hệ với vùng thẩm mỹ Kinh Bắc.
2. Hoàng Cầm là nhà thơ hiện đại nổi tiếng với một phong
cách thơ rất riêng biệt, độc đáo, thi pháp thơ mới lạ. Trên con đường
nghệ thuật của riêng mình, ông luôn có sự tìm tòi, thể hiện bản ngã
nghệ thuật mới. Nhưng cội nguồn văn hoá quê hương vẫn là nơi ông
tìm về, đón lấy đó làm nguồn cảm hứng chủ đạo, là nơi thể hiện tình
cảm để tạo nên bản sắc riêng cho thơ mình. Tính nhất quán này cũng
tạo cho thơ ông những đặc sắc khi xây dựng những biểu tượng nghệ
thuật về vùng văn hoá Kinh Bắc.
3. Thế giới nghệ thuật thơ Hoàng Cầm là những biểu tượng đa
dạng, đa tầng nghĩa mang giá trị sâu sắc về yếu tố văn hoá miền Kinh Bắc.
Trong thi đàn Việt Nam, Hoàng Cầm là một nhà thơ lớn, cả về
tài năng và nhân cách. Người ta thường nói mỗi một con người sinh
ra đã là một sản phẩm của quê hương mình. Và Hoàng Cầm chính là
“đặc sản” của đất Kinh Bắc! Trong thơ ông hiện lên rõ nét một tính
cách, một tâm hồn, một miền quê Quan họ. Cuộc đời và thi nghiệp
của Hoàng Cầm là một trường hợp điển hình cho một trong những
“bí quyết” thành công trong văn giới Việt Nam hiện đại. Đó là sự
dùng dằng “nằm giữa”. Nằm giữa con người thi nhân và con người
chiến sĩ (dân tộc và dân chủ), con người Hoàng Cầm là một mẫu lý
tưởng cho một bộ phận trí thức văn nghệ sĩ; thất bại trong cuộc đời
tranh đấu phủ thêm hào quang cho thi nghiệp của ông. Nằm giữa lối
sáng tác truyền thống và hiện đại. Nằm giữa một cái nôi văn hóa dân
gian đậm đà tâm thức tập thể và một chân trời tự do cá nhân hấp thụ
từ văn minh phương Tây, nằm giữa kể chuyện và giãi lòng, nằm giữa
thực và mộng, lộ và ẩn, hình ảnh và biểu tượng, huyền thoại và thực
tế, văn chương và thế sự để tạo nên một thi pháp Hoàng Cầm. Thơ
Hoàng Cầm có cách riêng để dễ lan truyền mà không bình dân, vẫn
đáp ứng tâm lý thưởng thức của công chúng trung lưu Việt Nam