Tải bản đầy đủ (.doc) (27 trang)

Luận án : Ngôn ngữ mảnh vỡ trong tiểu thuyết của toni morrison ( thông tin đưa lên website)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (237.18 KB, 27 trang )

1
MỞ ĐẦU
1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Lần đầu tiên trong văn học thế giới, nữ sĩ da đen người Mỹ gốc Phi
Toni Morrison đã nhận được giải thưởng Nobel văn học cao quý. Tiểu
thuyết của bà đã gây chấn động và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà
nghiên cứu phê bình trên thế giới.
Toni Morrison đã kiến tạo một thế giới nghệ thuật đặc sắc, bằng ngôn
ngữ và lối tư duy của hệ hình hậu hiện đại: ngôn ngữ mảnh vỡ. Đặc điểm
nghệ thuật này đã tạo nên đặc trưng cho thế giới tiểu thuyết Morrison và
sự thành công vang dội của bà. Dường như tiểu thuyết của bà đã đạt được
vị trí những kiệt tác kinh điển. Người ta xếp bà vào cùng hạng với
Chekhov, Tagore, Kawabata, Gabriel Garcia Marquez, … những nhà nhân
văn của mọi thời đại.
Vấn đề mảnh vỡ đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập, tuy nhiên,
không thấy có một công trình nào nghiên cứu về ngôn ngữ mảnh vỡ trong
nghệ thuật tự sự tiểu thuyết Morrison. Vì vậy, chúng tôi quan tâm nghiên
cứu đề tài Ngôn ngữ mảnh vỡ trong tiểu thuyết của Toni Morrison
(Fragmentary language in Toni Morrison’s novels), với mong muốn
đưa ra một hướng tiếp cận khả dĩ khám phá được những lớp ý nghĩa nghệ
thuật ẩn sâu trong tác phẩm của nữ văn sĩ người da màu này.
Thực hiện đề tài này, chúng tôi hi vọng sẽ góp phần mở ra một hướng
nghiên cứu mới đối với ngành lí luận văn học Việt Nam. Đó là nghiên cứu
các tác phẩm văn học hậu hiện đại dưới góc nhìn kí hiệu học. Nó sẽ giúp
chúng ta khai phá những khung trời mới lạ bằng sắc màu kì diệu của nghệ
thuật, khắc phục được những hạn chế của các cách tiếp cận trước đây, chủ
yếu là tiếp cận ở phương diện thế giới quan, tư tưởng hệ. Thành công của
luận án sẽ có đóng góp thiết thực cho việc thúc đẩy xây dựng diện mạo hệ
thống lí thuyết về nghiên cứu phê bình văn học hậu hiện đại trong nước.
2
2. MỤC ĐÍCH, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU


2.1. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu ngôn ngữ mảnh vỡ trong tiểu thuyết của Morrison để thấy
những đặc trưng nghệ thuật của Morrison, những sáng tạo, cách tân của bà
trong sáng tác, trên cơ sở đó, luận án hướng đến những vấn đề thuộc về
văn hóa da trắng, da đen trong sự xung đột, hòa giải và những di chứng
không thể xóa bỏ giữa các chủng tộc áp bức và bị áp bức trong đời sống
con người thời hậu hiện đại. Về mặt lí luận, khái niệm ngôn ngữ mảnh vỡ,
một đặc trưng của văn học hậu hiện đại cũng được làm rõ, có thể trở thành
một công cụ để nghiên cứu văn học hậu hiện đại nói chung.
2.2. Đối tượng nghiên cứu
Luận án tập trung nghiên cứu thế giới nghệ thuật của tiểu thuyết
Morrison. Sau khi xác lập khái niệm ngôn ngữ mảnh vỡ, luận án khảo sát
ngôn ngữ mảnh vỡ trong tiểu thuyết của bà ở các phương diện cơ bản là
ngôn từ mảnh vỡ và nhân vật mảnh vỡ.
2.3. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của luận án là ba cuốn tiểu thuyết của Morrison:
Mắt biếc (The Bluest Eye), Người yêu dấu (Beloved) và Bài ca của
Solomon (Song of Solomon). Trong đó, Mắt biếc và Người yêu dấu đã
được dịch sang tiếng Việt. Bài ca của Solomon sẽ được khảo sát trên
nguyên bản tiếng Anh. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, đối với hai
cuốn Mắt biếc và Người yêu dấu chúng tôi cũng tiến hành đối chiếu, so
sánh với nguyên tác.
Ba cuốn tiểu thuyết này có thể đại diện và kết tinh đặc trưng tiểu
thuyết Morrison và đã được giới nghiên cứu phê bình văn học thế giới
khẳng định. Trong đó, cuộc sống của người da màu được đề cập với sự có
mặt đầy đủ của các thế hệ: Mắt biếc là câu chuyện về một cô bé; Người
yêu dấu là câu chuyện về người mẹ và con gái; Bài ca của Solomon viết về
người cha và con trai
3
Ngoài ba cuốn đã được đề cập, Morrison còn có sáu tiểu thuyết khác

là Thiên Đường (Paradise), Sula, Tar Baby, Jazz, Yêu (Love) và Lòng
nhân (A Mercy). Tuy chúng tôi không khảo sát kĩ các tiểu thuyết này,
nhưng trong quá trình nghiên cứu luận án sẽ có những liên hệ và so sánh
để thấy được cái nhìn thống nhất trong sáng tác của Morrison.
3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI
Luận án kết hợp nghiên cứu lí luận với vận dụng phân tích tác phẩm
của tác giả nữ da đen Mỹ đầu tiên đoạt giải Nobel văn học.
Ở phương diện lí thuyết, chúng tôi khảo sát, nghiên cứu hoàn cảnh ra
đời, xác lập nội hàm khái niệm ngôn ngữ mảnh vỡ, như là một đặc trưng
của thời kì hậu hiện đại nói chung và văn học hậu hiện đại nói riêng.
Tiếp đó, chúng tôi vận dụng khảo sát trên ba tiểu thuyết tiêu biểu của
Toni Morrison. Tác phẩm của bà mang đặc trưng của tiểu thuyết hậu hiện
đại, với những sáng tạo nghệ thuật độc đáo, mới lạ, đóng góp cho văn học
thế giới những diện mạo mới.
Song song với quá trình nghiên cứu, chúng tôi tiến hành dịch tiểu
thuyết Bài ca của Solomon sang tiếng Việt. Công việc nghiên cứu và dịch
thuật tác phẩm của Toni Morrison góp phần giới thiệu những di sản văn
hóa của nhân loại, làm phong phú kho tàng văn học nước ngoài ở Việt
Nam. Trước mắt, luận án sẽ giúp sinh viên tiếp cận với nền văn học Mỹ -
Phi, với phong cách nghệ thuật độc đáo, những cách tân mạnh mẽ, tinh
thần nhân văn lớn lao của tác giả đương đại nổi tiếng.
Luận án có ý nghĩa khoa học, có đóng góp thiết thực cho việc nghiên
cứu lí thuyết phê bình hậu hiện đại, đó là việc xây dựng một thuật ngữ lí
luận công cụ và tập dượt vận dụng nghiên cứu những tác phẩm văn xuôi
hậu hiện đại, một lĩnh vực hãy còn khá mới mẻ ở trong nước.
Ở Việt Nam, đây là luận án đầu tiên có tính chất tổng hợp, khái quát
về thế giới nghệ thuật tiểu thuyết Morrison trên những phương diện cơ
bản. Luận án đã tập hợp được một số nhận định về đặc trưng nghệ thuật
4
tiểu thuyết, đặc biệt là tính mảnh vỡ – đặc trưng của văn học hậu hiện đại –

trong tiểu thuyết của bà.
Thành công của luận án bắc một cây cầu nhỏ cho những người nghiên
cứu tiếp theo về thế giới nghệ thuật của Morrison nói riêng, cũng như
nghiên cứu về văn học hậu hiện đại nói chung.
4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Để hoàn thành đề tài này, dưới cái nhìn của lí thuyết Phê bình hậu
hiện đại, chúng tôi áp dụng một số phương pháp nghiên cứu như sau:
- Phương pháp văn hóa – xã hội: Chúng tôi nghiên cứu tiểu thuyết của
Morrison trong mối liên hệ mật thiết với hoàn cảnh văn hóa, xã hội.
Những nội dung của tiểu thuyết được phân tích, soi rọi từ góc nhìn văn
hóa, xã hội. Đó là những vấn đề văn hóa, xã hội của người da đen, cộng
đồng người da đen trong môi trường văn hóa, xã hội người da trắng.
- Phương pháp liên ngành: Được sử dụng để khảo sát và xây dựng
khái niệm “ngôn ngữ mảnh vỡ”. Ở đây, chúng tôi kết hợp nghiên cứu văn
học với nghiên cứu lịch sử, triết học, kinh tế, văn hóa, để xác lập hoàn
cảnh ra đời và nội hàm khái niệm mảnh vỡ, cũng như sử dụng để khảo sát
các tiểu thuyết của Toni Morrison.
- Phương pháp nghiên cứu thi pháp học lịch sử: Phương pháp này
chúng tôi sử dụng để chỉ ra những cách tân trong văn học hậu hiện đại –
những hình thức nghệ thuật phản truyền thống, những kĩ thuật tiểu thuyết
còn mang tính thử nghiệm.
- Phương pháp nghiên cứu thi pháp học lí thuyết: Phương pháp này
được áp dụng chủ yếu khi chúng tôi phân tích, tìm hiểu những biện pháp
nghệ thuật cơ bản của nhà văn khi xây dựng tác phẩm. Luận án chỉ ra vai
trò, giá trị của những chi tiết, kĩ thuật, hình thức nghệ thuật mà nhà văn sử
dụng để biểu đạt nội dung tư tưởng trong tác phẩm.
- Phương pháp phê bình tiểu sử: Chúng tôi nghiên cứu tiểu sử của nhà
văn để thấy được mối quan hệ, tác động qua lại giữa cuộc đời và sự nghiệp
5
sáng tác, những cơ sở để minh giải về thế giới nghệ thuật tiểu thuyết của

một cây bút khá đặc biệt trên thế giới: một nữ văn sĩ người da đen.
Ngoài ra, chúng tôi sử dụng các thao tác phân tích, bình giá… để vừa
mở rộng vừa đào sâu vấn đề cần nghiên cứu.
5. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN ÁN
Về phương diện lí thuyết, đề tài tổng hợp và xác định nội hàm khái
niệm ngôn ngữ mảnh vỡ đặc trưng của văn học hậu hiện đại. Thuật ngữ
này đã được sử dụng rải rác trong các công trình nghiên cứu về văn học
hậu hiện đại, tuy nhiên, nội hàm khái niệm vẫn chưa được làm rõ. Từ chỗ
minh giải nội hàm khái niệm, đóng góp của luận án là xây dựng một công
cụ lí luận để nghiên cứu về văn học hậu hiện đại nói chung.
Về thế giới nghệ thuật tiểu thuyết Morrison, luận án làm sáng tỏ ngôn
ngữ mảnh vỡ của Morrison, khẳng định những giá trị chân, thiện, mỹ và
những đóng góp lớn của Morrison đối với văn học hậu hiện đại thế giới -
một nữ nhà văn hãy còn khá mới mẻ đối với bạn đọc Việt Nam.
6. CẤU TRÚC CỦA LUẬN ÁN
Sau phần Mở đầu, luận án được triển khai theo bốn chương như sau:
Chương 1: Tổng quan về vấn đề nghiên cứu
Chương 2: Khái niệm “ngôn ngữ mảnh vỡ”
Chương 3: Ngôn từ mảnh vỡ
Chương 4: Nhân vật mảnh vỡ
Các chương này dù đứng độc lập vẫn có mối quan hệ mật thiết với
nhau, cùng hướng vào việc chỉ ra đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết
Morrison và ý nghĩa của nó đối với nghiên cứu, phê bình lí luận văn học.
Cuối cùng là phần Kết luận, Danh mục các công trình liên quan đến
đề tài luận án và Tài liệu tham khảo.
6
CHƯƠNG MỘT
TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.1. PHÊ BÌNH LÍ LUẬN VỀ “MẢNH VỠ”
1.1.1. Trên thế giới

Phần này chúng tôi khảo sát dựa vào các công trình nghiên cứu của
Stuart Sim, cuốn Từ điển phê bình về tư tưởng hậu hiện đại (Critical
Dictionary of Postmodern Thought) và của nhà nghiên cứu Lê Huy Bắc
trong Truyện ngắn hậu hiện đại. Các biểu hiện sinh động của nghệ thuật
mảnh vỡ ở đây được khảo cứu khá công phu: không có chủ đề, không có
kết thúc, không có cốt truyện,… không có bất kì một cảm xúc, cấu trúc
nào của tiểu thuyết truyền thống, văn tự bị biến dạng dưới nhiều hình thức:
con số, dấu hoa thị, các bức tranh, các vết bẩn…
1.1.2. Ở Việt Nam
Luận án tiến hành khảo sát sự sử dụng và xuất hiện của thuật ngữ
mảnh vỡ trong đời sống phê bình, lí luận văn học ở Việt Nam. Với 11 bài
nghiên cứu chúng tôi tập hợp được của các tác giả như: Lê Huy Bắc, Lê
Nguyên Cẩn, Châu Minh Hùng,… tuy chưa thể nói là đầy đủ, nhưng qua
đó, cũng thấy được sự xuất hiện khá dày của các công trình nghiên cứu sử
dụng thuật ngữ mảnh vỡ. Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu, dịch
thuật của Lã Nguyên, Ngân Xuyên,… là những điểm tựa chắc chắn để
chúng tôi xác lập nội hàm khái niệm, làm điểm tựa để triển khai đề tài.
1.2. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ TONI MORRISON
1.2.1. Nghiên cứu về Toni Morrison trên thế giới
Qua khảo sát các công trình nghiên cứu tiểu thuyết Morrison, chúng
tôi thấy các có hai xu hướng nghiên cứu chính. Xu hướng thứ nhất nghiên
cứu tư tưởng của nhà văn: các vấn đề chủng tộc, giới tính, lịch sử, vấn đề
bản sắc, cá nhân và cộng đồng, vấn đề nữ quyền, tinh thần nhân văn… Bên
7
cạnh đó, là xu hướng thiên về thi pháp và kỹ thuật tiểu thuyết của Toni
Morrison như chất thơ trong tiểu thuyết, các yếu tố văn hoá dân gian,
không khí tôn giáo, nghệ thuật trần thuật đa chủ thể thông qua dòng tâm tư
và sự luân phiên điểm nhìn, các đặc điểm của kỹ thuật tiểu thuyết hậu hiện
đại. Đặc biệt, tính mảnh vỡ được nhìn nhận như là một đặc trưng của tiểu
thuyết Morrison, thể hiện ở cả trong nội dung cũng như kĩ thuật tiểu

thuyết. Chúng tôi tóm tắt những hướng nghiên cứu cơ bản như sau:
Thứ nhất, tiểu thuyết của Toni Morrison được nghiên cứu dưới cái
nhìn phân tâm học. Những vấn đề về nỗi sợ hãi, ám ảnh, những chấn
thương tinh thần, tâm lí nô lệ… được phân tích khá kĩ để lí giải những nội
dung tư tưởng trong tiểu thuyết của Morrison. Thứ hai, tiểu thuyết của
Morrison được khám phá từ góc độ thi pháp học. Thứ ba, một hướng
nghiên cứu phê bình nổi bật không thể không nói tới đó là tiếp cận các tác
phẩm của Morrison ở phương diện văn hóa, tôn giáo.
Khuynh hướng thứ tư nghiên cứu về thế giới tiểu thuyết Morrison
dưới cái nhìn xã hội học. Các vấn đề lịch sử, chủng tộc của người da đen
trong xã hội da trắng được nghiên cứu kĩ lưỡng để giải thích những tấn
thảm kịch của người da màu phải chịu đựng trong lịch sử chế độ nô lệ.
Bên cạnh đó, các cây bút nhấn mạnh tính chất hậu hiện đại da đen của cây
bút Morrison. Đồng thời, còn có khuynh hướng nghiên cứu ở góc độ trần
thuật học về tiểu thuyết của Toni Morrison.
Các công trình này đã cho chúng tôi những nhận định quý báu, những
định hướng ban đầu để chúng tôi triển khai luận án. Bên cạnh những công
trình đề cập trực tiếp đến mảnh vỡ, có một số tuy không trực tiếp đề cập,
nhưng cũng đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc xác lập nền tảng văn
hóa xã hội cho “mảnh vỡ” và đặc thù mảnh vỡ trong tác phẩm Morrison.
1.2.2. Nghiên cứu về Toni Morrison ở trong nước
Ở Việt Nam, các công trình nghiên cứu và bài viết liên quan đến nữ sĩ
Morrison và tiểu thuyết của bà chúng tôi tập hợp được không nhiều. Ngoài
8
một số bài giới thiệu về tác giả, tác phẩm trên các sách, báo, tạp chí, trên
mạng Internet, ở nước ta có ba công trình nghiên cứu có tính chất chuyên
biệt, đó là luận văn Thạc sỹ của tác giả Nguyễn Thị Hiếu Thiện với đề tài
Con đường tới tự do của người Mỹ da đen trong nghệ thuật thuật tiểu
thuyết Toni Morrison (2003) và Nguyễn Phương Khánh với đề tài Chủ
nghĩa hiện thực huyền ảo trong tác phẩm “Người yêu dấu”(2008). Ngoài

ra, còn có công trình của Đường Thị Thùy Trâm, Luận văn Thạc sỹ,
“Người yêu dấu” của Toni Morrison dưới góc nhìn huyền thoại (2009).
Như vậy, nghiên cứu về mảnh vỡ là một xu thế tương đối tập trung,
được nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học hậu hiện đại trên thế giới
cũng như trong nước quan tâm. Có thể thấy, mảnh vỡ được khảo sát và
luận bàn trên nhiều bình diện: ngôn ngữ, nhân vật, cốt truyện… Thông qua
đó, những sáng tạo, cách tân, những quan điểm nghệ thuật mới mẻ… của
các cây bút hậu hiện đại được đào sâu, khám phá, lí giải một cách khoa
học, thuyết phục và hấp dẫn.
Nghiên cứu tiểu thuyết Toni Morrison bao gồm các vấn đề như chất
nhân văn, những chấn thương kinh hoàng người da đen phải chịu đựng
trong xã hội mà họ bị coi là nô lệ; khát vọng tự do, hạnh phúc, tình mẹ,
khát vọng về mái ấm; vấn đề chủng tộc, bản sắc, cá tính, các yếu tố lịch sử
và tôn giáo ; về kỹ thuật tiểu thuyết, các vấn đề đã được phát hiện như sự
tồn tại của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, sự lai ghép giữa các thể loại, ảnh
hưởng từ Kinh thánh, sự sử dụng nhiều khung thời gian, tính mơ hồ và đa
nghĩa, kỹ thuật dòng ý thức, sử dụng lối kể chuyện đa chủ thể, phi tuyến
tính, đặc biệt tính mảnh vỡ được nhìn nhận như là một đặc điểm nổi trội
trong nghệ thuật tiểu thuyết Morrison. Đó là những gợi ý để chúng tôi kế
thừa và phát triển trong luận án.
Ở Việt Nam hiện nay nghiên cứu về ngôn ngữ mảnh vỡ trong tiểu
thuyết của Toni Morrison còn là một vấn đề đang bỏ ngỏ. Những nhận xét
ban đầu chỉ có tính khái quát, và mới dừng ở mức độ gợi ý. Vì đây là nét
9
nghệ thuật tự sự rất đặc trưng của tiểu thuyết Morrison, nên chúng tôi
mạnh dạn chọn đề tài này, với mong muốn tìm ra một con đường để tiếp
cận các lớp giá trị của những thiên kiệt tác, mở ra một ô cửa để bước đầu
tìm hiểu những đại dương mênh mông của nền văn học thế giới, đặc biệt là
nền văn học được gọi là hậu hiện đại, với những cách tân và sáng tạo
mạnh mẽ trên nhiều phương diện.

CHƯƠNG HAI
KHÁI NIỆM “NGÔN NGỮ MẢNH VỠ”
Mảnh vỡ thường được xem như là một tính chất trong sáng tạo nghệ
thuật. Đôi lúc nó được nâng lên thành chủ nghĩa: chủ nghĩa mảnh vỡ
(fragmentarism). Từ đó, trong văn học, có thể xem đây là một khuynh
hướng sáng tác. Ở phạm vi luận án, chúng tôi chỉ tập trung xác định và
khai thác khái niệm ở khía cạnh là một tính chất của diễn ngôn nghệ thuật,
cách cắt nghĩa cuộc sống đặc thù của văn chương hậu hiện đại nói chung
và của Toni Morrison nói riêng. Trước khi xác lập khái niệm ngôn ngữ
mảnh vỡ, chúng tôi bắt đầu từ ngôn ngữ nghệ thuật.
2.1. NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT
Chúng tôi dựa vào khái niệm ngôn ngữ nghệ thuật của I.U. Lotman,
nhà kí hiệu học, đồng quan điểm với các nhà hậu cấu trúc luận về ngôn
ngữ. Theo Lotman, tất cả các yếu tố tạo nên thế giới nghệ thuật: khung,
không gian, cốt truyện, sự kiện, nhân vật, kết cấu… đều là đơn vị tạo nghĩa
và đều là ngôn ngữ nghệ thuật. Khi ngôn ngữ tự nhiên được sử dụng để kể
lại sự kiện (có yếu tố kể chuyện và có người kể chuyện) thì nó trở thành
ngôn ngữ nghệ thuật. Đó là những tiếng nói được hư cấu, nhào nặn, sáng
tạo, có giọng điệu riêng, có phong cách riêng. Đơn vị ngôn ngữ nghệ thuật,
do đó, không phải là từ ngữ, mà là những motif. Đồng quan điểm đó,
10
Ludwig Wittgenstein, Mikhail Bakhtin và các nhà hậu cấu trúc xác định
ngôn ngữ luôn thuộc về những tương tác, đối thoại nào đó, nghĩa là, bao
giờ cũng ở trong quá trình vận động. Do đó, ngôn ngữ nghệ thuật gắn liền
mật thiết với xã hội và lịch sử. Ngôn ngữ trong tinh thần hậu hiện đại được
xem là một diễn ngôn (discourse), tức ngôn ngữ đang được sử dụng, trong
quá trình sản sinh và tạo nghĩa, có khả năng mở rộng và phát triển giới hạn
của nó đến vô cùng.
Lotman quan niệm ngôn ngữ nghệ thuật rộng hơn những gì được các
nhà nghiên cứu trước đây ghi nhận và đây cũng chính là tinh thần mà các

nhà hậu hiện đại quan niệm về ngôn ngữ. Theo đó, ngôn ngữ nghệ thuật là
dạng ngôn ngữ thứ sinh, được kiến tạo trên hệ thống ngôn ngữ xã hội.
Ngôn ngữ nghệ thuật của một tác phẩm văn chương là ngôn ngữ nhân vật,
ngôn ngữ không gian, ngôn ngữ cốt truyện là bất cứ hình thức nào của
văn bản mà có thể giao tiếp tạo nghĩa, tạo khả năng thẩm mĩ đối với người
đọc. Đương nhiên, ngôn ngữ nghệ thuật hậu hiện đại sẽ khác với ngôn
ngữ nghệ thuật truyền thống. Sự khác biệt đó đến từ nhãn quan xem thế
giới là một chỉnh thể của tập hợp những mảnh vỡ và xem thế giới không là
chỉnh thể của những mảnh vỡ, mà là sự liền kề của những mảnh vỡ mà
thôi.
Tiến hành khảo sát và so sánh đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật
truyền thống và ngôn ngữ mảnh vỡ - đặc trưng của diễn ngôn hậu hiện đại,
luận án tiến đến kết luận: dưới ảnh hưởng của triết học lí tính, ngôn ngữ
văn học truyền thống là ngôn ngữ chỉnh thể, thống nhất, đăng đối, những
mảnh vỡ, nếu có, cũng chỉ là những phần của một chỉnh thể, hướng tâm.
Còn ngôn ngữ mảnh vỡ, là ngôn ngữ của hệ hình tư duy hậu hiện đại, sản
phẩm của triết học phi lí tính, phi trung tâm. Nó kêu gọi giải đại tự sự, cổ
vũ phân tán.
2.2. “NGÔN NGỮ MẢNH VỠ”
Tiếp tục làm sáng tỏ khái niệm ngôn ngữ mảnh vỡ, chúng tôi đi sâu
11
khảo sát khái niệm mảnh vỡ. Đầu tiên, chúng tôi tiến hành khảo sát bối
cảnh ra đời của thuật ngữ và tiến tới xác lập nội hàm khái niệm. Qua việc
khảo cứu các tài liệu trong nước và trên thế giới, chúng tôi kết luận mảnh
vỡ là đặc trưng của tâm thức hậu hiện đại và cũng là một đặc trưng của văn
học hậu hiện đại, với nền tảng là triết học phi trung tâm, phản đối lí tính.
2.2.1. Mảnh vỡ như là đặc trưng của tư duy hậu hiện đại: Có thể
thấy, mảnh vỡ là một đặc trưng của tư duy và của văn học hậu hiện đại
phương Tây. Các nhà văn hậu hiện đại đã nói bằng ngôn ngữ mảnh vỡ, thứ
ngôn ngữ nghệ thuật mà theo họ, có thể giải phóng được tư duy, xúc cảm,

thể hiện sinh động vẻ đẹp vốn có của cuộc sống. Ngôn ngữ mảnh vỡ là
một sáng tạo đặc biệt thành công của các nhà văn hậu hiện đại, để có thể
thể hiện, bộc lộ tâm thức của con người thời hậu hiện đại.
2.2.2. Nội hàm khái niệm: Từ những cơ sở trên, chúng tôi tạm thời
xác định nội hàm khái niệm như sau: Ngôn ngữ mảnh vỡ hay lối biểu đạt
bằng mảnh vỡ (diễn ngôn mảnh vỡ) là một đặc trưng cơ bản cho cách tiếp
cận hiện thực của văn học hậu hiện đại. Lối viết này ra đời trên cơ sở giải
tâm, bất định, đứt đoạn, rời rạc, lắp ghép, phân mảnh, trống rỗng, ngoại
biên, phi nghiêm cẩn, ngẫu nhiên xuất hiện hầu hết trong các tác phẩm
văn chương, thể hiện cảm quan “hoài nghi các đại tự sự” của con người
hậu hiện đại.
Ngôn ngữ mảnh vỡ thể hiện ở tất cả các phương diện, tất cả các yếu tố
cơ bản của hình thức nghệ thuật trong tác phẩm như: cốt truyện, nhân vật,
tâm lí nhân vật, thời gian, không gian, nghệ thuật trần thuật, ngôn từ…
Chúng ta không thể thấy sự tuân theo một trật tự, khuôn mẫu nào như
những tác phẩm văn học truyền thống, mà luôn luôn có sự xáo trộn, đứt
gãy, biến động, phi lí, bất thường. Người đọc không thể hy vọng một trật
tự tuyến tính trong cách trần thuật, mà phải tham gia tích cực vào việc sắp
xếp, tập hợp, thu gom các phần mảnh đó lại để có thể hình dung và tiếp
nhận câu chuyện.
12
Từ cái nhìn triết học, ta thấy mảnh vỡ là sản phẩm của quan niệm hỗn
độn về cuộc sống, khi xã hội đang đứng ở ngưỡng vận động, thay đổi.
Những mảnh vỡ va chạm, tương tác nhau tạo nên sự sống và sự phát triển.
Từ cái nhìn mĩ học, mảnh vỡ diễn đạt về Cái đẹp là cái chưa hoàn hảo
trong hình hài của những mảnh vỡ. Mảnh vỡ luôn cho thấy sự khiếm
khuyết, sự chưa hiện diện thành một cái “tôi” với đầy đủ nhân hình, nhân
dạng và nhân tính. Mảnh vỡ là cái đẹp đang trên sự vận động để trở thành
“nó là”.
Từ cái nhìn lí thuyết phê bình văn học: mảnh vỡ là sản phẩm của giải

cấu trúc. Khi cái ngoại biên được xem trọng như cái trung tâm và dần dịch
chuyển vào trung tâm để làm phi trung tâm một sự vật hiện tượng nào đó
thì mảnh vỡ ra đời. Vậy, khi nói đến mảnh vỡ là nói đến hiện tượng phi
trung tâm, giải chính thống, giải những đại tự sự đã trở nên lỗi thời.
Từ đó ta có, ngôn ngữ mảnh vỡ (fragmentary language) hay còn gọi
là diễn ngôn mảnh vỡ chính là cách diễn đạt ngôn từ, hình tượng mang
tính mảnh vỡ trong hư cấu nghệ thuật. Ngôn ngữ ở đây, như đã xác định,
là lối diễn đạt nghệ thuật của tác phẩm văn học thông qua các đơn vị tạo
nghĩa. Do vậy, trong phạm vi luận án này, chúng tôi tập trung vào hai lĩnh
vực: ngôn từ mảnh vỡ và nhân vật mảnh vỡ.
CHƯƠNG 3
NGÔN TỪ MẢNH VỠ
Chúng tôi chỉ ra dụng ý nghệ thuật của Morrison khi sáng tạo và sử
dụng ngôn từ mảnh vỡ. Nhận thức được sức mạnh và quyền uy của ngôn
ngữ, bà đã tập trung sức sáng tạo của mình vào đó. Ngôn ngữ là hình ảnh,
trật tự của thế giới, thông qua đó, giới cầm quyền da trắng biểu thị ý chí,
quyền lực, đặt ra luật lệ bắt mọi người phải phục tùng. Bằng các cách thức
khác nhau, bà đã đập vỡ hệ thống ngôn ngữ chuẩn mực của người da trắng
13
trên đất Mỹ, thay thế nó bằng hệ thống ngôn từ riêng của bà – của người
da đen. Tấn công vào ngôn ngữ, tức là tấn công vào hệ thống tri thức,
quyền lực da trắng được tạo dựng bao đời của diễn ngôn bá quyền. Bà
phơi bày tính bất khả tín, sự dối trá, bịa đặt của ngôn ngữ “trắng”, giáng
những đòn chí mạng vào nền tảng văn hóa trắng, làm lung lay cơ sở mỹ
học độc tôn da trắng… Một mặt, làm phi trung tâm văn hóa da trắng, mặt
khác, khẳng định ngôn ngữ, văn hóa, bản sắc da đen, đấu tranh cho quyền
được nói, được sống, được tự do của người da đen – những số phận bị vỡ
nát trong cuồng phong của lịch sử. Ngôn từ là tiếng nói, là sự sống còn của
một dân tộc, nên ta thấy trong tiểu thuyết của Morrison, bà đặc biệt chú ý
tới ngôn từ nghệ thuật. Những mảnh vỡ ngôn từ trong tiểu thuyết Morrison

đặc biệt giàu ý nghĩa, giàu khả năng chuyển nghĩa và xúc cảm.
3.1. NGÔN TỪ HỖN ĐỘN
3.1.1. Mảnh vụn ngôn từ - tấm gương của thế giới đảo ngược
Việc bẻ vụn và dồn ép ngôn từ để nói về hai thế giới trắng - đen, khiến
ngôn từ như một tấm gương của hai thế giới đối nghịch hoàn toàn: thế giới
của bé Pecola bị hủy diệt và thế giới đẹp đẽ chuẩn mực của người da trắng.
Ở tiểu thuyết của Toni Morrison, người đọc có thể nhận thấy tác giả sử
dụng ngôn ngữ mảnh vỡ đặc thù trong các văn bản, ở nhiều cấp độ. Sự
ngắt câu, khoảng cách giữa các từ, việc sử dụng các dấu chấm, cách thức
viết hoa…; việc cắt một đoạn từ ngữ thành mảnh nhỏ đặt lên đầu mỗi đoạn
thay cho tên chương mục… trong tác phẩm đầu tay Mắt biếc, cho thấy
dụng ý của bà trong việc tạo ra một kiểu ngôn từ vỡ vụn cho văn bản.
3.1.2. Sức mạnh phá hủy của ngôn ngữ trong thế giới ảo
SEEMOTHERMOTHERISVERYNICEMO
THERWILLYOUPLAYWITHJANEMOTH
ERLAUGHSLAUGHMOTHERLAUGHLA.
Sau đó, để nói lên những sự thật kinh hoàng và khủng khiếp sâu thẳm,
bà đã bẻ gẫy câu chuyện thành nhiều mảnh đoạn, xáo trộn trật tự tuyến
14
tính thông thường, kể cả sự tuần hoàn của tự nhiên trong các mùa. Để gia
tăng cấp độ, mỗi hình ảnh, sự kiện, nhân vật trong tiểu thuyết đều được mô
tả dưới dạng những mảnh vỡ. Ngôn ngữ mảnh vỡ có thể thấy là một đặc
trưng nghệ thuật để diễn tả sự mất mát trong Mắt biếc. Tấn bi kịch của một
cô bé da đen được mô tả bằng ngôn ngữ này tạo sức mạnh cộng hưởng
mãnh liệt từ người đọc. Người đọc buộc phải tưởng tượng, hình dung,
chắp nối, suy ngẫm, rung động Lyotard nhận xét: đó là sự kì vĩ của cái
siêu phàm mà Morrison đã làm được trong tiểu thuyết của mình.
3.2. NGÔN TỪ RỜI RẠC VÀ PHI CHUẨN
3.2.1. Ngôn từ rời rạc: Chúng tôi lập bảng thống kê các sự kiện trong
tiểu thuyết Người yêu dấu, để thấy tính phi mạch lạc, vỡ mảnh của thời

gian và sự kiện qua ngôn từ. Đó là một kĩ thuật nhằm “mảnh vỡ hóa” ngôn
ngữ kể chuyện của Morrison. Trong các tác phẩm truyền thống, chúng ta
cũng bắt gặp kiểu thời gian của hồi ức, tuy nhiên, thời gian không bị xé lẻ,
đập vụn đến mức như ở đây. Mặt khác, tất cả quá khứ, hồi ức đều có tác
dụng làm đầy đặn thêm, bổ sung thêm cho câu chuyện. Ở đây, không gian,
thời gian được kiến tạo bởi những mảnh vỡ không cùng chủ đề, hoặc có
khi cùng về một vấn đề thì lại là những góc cạnh, những màn cảnh khác
biệt, chồng chéo, không hướng tới một bức tranh đồng nhất. Đó là biểu
hiện của kiểu ngôn từ mảnh vỡ đặc thù trong sáng tác của Morrison.
3.2.2. Ngôn từ phi chuẩn: Phi chuẩn hóa ngôn ngữ tiếng Anh được
Morrison thực hiện trong việc sử dụng cách chia động từ không theo quy
tắc, bà đồng hiện và đồng nhất hóa “thì” trong tiếng Anh, bằng cách sử
dụng thì quá khứ đơn cho tất cả các sự kiện. Trong Người yêu dấu, tác giả
chú trọng việc phi mạch lạc sự kiện qua việc tạo ra những mảnh ghép
không - thời gian, tạo nên đặc trưng của ngôn từ mảnh vỡ trong tác phẩm.
Tính đứt đoạn, bất chợt, rời rạc của các sự kiện được gia tăng bằng kỹ
thuật đồng hiện về thời gian, cùng với những mảnh vỡ của thân phận, lịch
sử, văn hóa, tôn giáo; nghệ thuật ẩn dụ, lưỡng lự, mơ hồ, huyền ảo hóa các
15
sự kiện… khiến cho tác phẩm được kể bằng ngôn từ mảnh vỡ đặc biệt.
3.3. NGÔN TỪ SAI LẠC
3.3.1. Sự sai lạc ngẫu nhiên: Bài ca của Solomon là câu chuyện về
những cái tên, những cái tên bị sai lạc, bóp méo, cắt xén, hé mở về câu
chuyện của những cuộc đời bị đập vỡ. Nhân vật trong tiểu thuyết của Toni
Morrison thường bị cố ý đặt cho những cái tên không bình thường, kì dị,
trong tình trạng bị nhầm lẫn, phạm phải những điều cấm kị, điều ghê tởm,
đáng khinh. Những người đang sống lại bị đặt tên là Dead (Chết), những
phi lí nực cười này hàng ngày vẫn xảy ra trong cuộc đời của người da đen.
Ở đây, ta cũng nhận thấy sự dụng công của Morrison vào việc phá vỡ
những chuẩn mực ngôn ngữ, hệ thống từ vựng cùng ý nghĩa biểu đạt

thường thấy của ngôn từ… Những cái tên bị bóp méo, làm cho thảm hại,
những cái tên bị gọi sai, đặt sai là cả một câu chuyện kinh hoàng của một
dân tộc bị nô dịch, hủy hoại về văn hóa, lịch sử, cội rễ. Sử dụng ngôn từ
sai lạc cũng là dụng ý nghệ thuật của Morrison khi phá vỡ ngôn ngữ tiếng
Anh chuẩn, để khẳng định ngôn ngữ của đồng bào da đen của bà.
3.3.2. Nick – name (biệt hiệu): Một biệt hiệu liên quan đến ý nghĩa
xấu cuối cùng trở thành tên chính thức của nhân vật. Những thứ vốn không
chính thức, mù mịt, mờ ám về nghĩa cuối cùng lại trở thành hiện thực
trong đời sống con người nơi đây. Nghệ thuật sử dụng nickname cùng việc
sửa lại, đặt lại những cái tên mà người da trắng đặt ra nhằm tái hiện về một
thế giới khác, những gì cố tình bị che lấp, không được viết ra, đồng thời,
chống lại sự vô danh ngoại biên, chống lại sự bị tẩy trắng. Đó là ngôn ngữ
của một thế giới bị phá hủy.
3.3.3. Cái tên bị nguyền rủa: Người da đen lấy những cái tên trong
Kinh thánh để đặt tên cho con họ. Có điều, đó là tên những nhân vật giết
Chúa hay chịu số phận bất hạnh, bị ruồng bỏ, những cái tên mà người da
trắng tối kị. Nghệ thuật giễu nhại, hạ bệ, giải thiêng đối với ngôn ngữ
chuẩn mực da trắng, kể cả những thứ trong Thánh kinh, việc cố tình bóp
16
méo, hiểu sai, dùng ngược thứ ngôn ngữ mà người da trắng tôn thờ, tạo ra
một thế giới ngôn từ khác… theo Lyotard, là “sự kì vĩ của cái siêu phàm”
mà Morrison đã làm được, để khẳng định giá trị, bản sắc, xây dựng mỹ học
da đen cho những người đồng bào của bà, “Những Người yêu dấu không
được yêu dấu”.
So sánh với niềm bi cảm tuyệt vọng của F. Kafka khi viết về thân
phận cô đơn, nhỏ bé của kiếp người, ta thấy ngòi bút tràn đầy thiên tính nữ
và tình yêu thương mênh mang, sức sống lạc quan của Morrison cuộn chảy
trên từng trang viết. Viết về một thế giới bị tàn phá, lệch lạc song Morrison
không hề tuyệt vọng. Bà chỉ cho những người đồng bào yêu quý con
đường đến với tự do: đó là tình yêu thương, sự nối kết với lịch sử và văn

hóa. Morrison là người đã ca khúc ca chiến thắng, đã cất đôi cánh vĩ đại
kết tinh từ tôn giáo da đen nhân bản nguyên thủy và sức mạnh của cộng
đồng, của tình yêu thương.
Trong tiểu thuyết của Morrison, ta thấy bà đặc biệt nhấn mạnh vai trò
và sức mạnh của ngôn ngữ. Dường như nó chi phối toàn bộ đời sống tâm
hồn, tư tưởng, hành động của con người, chi phối diện mạo của cuộc sống,
quyết định trật tự thế giới. Bà cũng đồng thời chỉ ra sự bất khả tín, phi
nhân văn của thứ ngôn ngữ trung tâm. Sử dụng ngôn từ mảnh vỡ để lập lại
vẻ đẹp của ngôn ngữ da đen bấy lâu cố tình bị tẩy xóa, bà kêu gọi sự bình
đẳng giữa các tiếng nói, các màu da, các chủng tộc. Theo bà, không có
ngôn ngữ nào là trung tâm, vượt trội hơn ngôn ngữ nào, và mặc dù bị hủy
hoại, người da đen vẫn dùng thứ tiếng nói riêng của họ, để sống, để yêu
thương và đấu tranh giành lấy những gì họ đã bị tước đoạt. Những lời rì
rầm, thì thầm qua hơi thở, ngôn ngữ tắc nghẹn, không thể nói ra… vẫn có
một sức mạnh phi thường, không thể xóa nhòa. Bà cũng cho thấy một sự
thật khủng khiếp, gớm ghiếc của cái ác tràn lan khi tất cả cộng đồng khuôn
theo một ngôn ngữ da trắng bá quyền. Ngôn từ mảnh vỡ là một sáng tạo
kiệt xuất của Morrison, để đấu tranh và giành quyền sống cho đồng bào
17
đáng thương của bà. Đồng thời, bà cũng đề nghị tha thiết về một sự bình
đẳng giữa các tiếng nói, các ngôn ngữ; đồng nghĩa với việc giành quyền
sống bình đẳng giữa các chủng tộc, màu da. Bà kêu gọi một thế giới ngôn
ngữ bình đẳng, đó chính là công nhận sự hiện tồn của ngôn ngữ mảnh vỡ.
CHƯƠNG 4
NHÂN VẬT MẢNH VỠ
Ở chương ba, luận án đã khảo sát những sáng tạo của Morrison qua
ngôn từ mảnh vỡ. Chương này, chúng tôi tiếp tục khảo sát ngôn ngữ mảnh
vỡ qua những nhân vật mảnh vỡ của Morrison. Chúng ta thấy Morrison nói
bằng ngôn ngữ nhân vật mảnh vỡ. Chúng tôi cũng có những so sánh, khảo
sát với kiểu nhân vật truyền thống, để thấy được những đặc trưng trong

ngôn ngữ nhân vật mảnh vỡ, những cách tân trong tư duy và sáng tạo nghệ
thuật của nhà văn. Trước khi khảo sát kiểu ngôn ngữ nhân vật mảnh vỡ,
chúng tôi tiến hành xác lập khái niệm nhân vật, nhân vật mảnh vỡ.
4. 1. KHÁI NIỆM “NHÂN VẬT” VÀ “NHÂN VẬT MẢNH VỠ”
4.1.1. Nhân vật: Theo Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán, Trần
Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên), thì nhân vật là: “Con người cụ
thể được miêu tả trong tác phẩm văn học. Nhân vật văn học có thể có tên
riêng, cũng có thể không có trên riêng (…). Khái niệm nhân vật văn học có
khi được sử dụng như một ẩn dụ, không chỉ một con người cụ thể nào cả,
mà chỉ một hiện tượng nổi bật trong tác phẩm.
4.1.2. Nhân vật mảnh vỡ: Phần này chúng tôi khảo sát nội hàm khái
niệm nhân vật trong văn học hậu hiện đại, với kết luận về kiểu nhân vật
mang những nét phản truyền thống, mà nhân vật mảnh vỡ là ví dụ tiêu biểu.
4.1.2.1. Nhân vật truyền thống: Theo cách nhìn truyền thống, nhân
vật là một chỉnh thể, là ngôn ngữ trọn vẹn, thống nhất, liên kết chặt chẽ.
18
Nhân vật truyền thống là tiếng nói của một thế giới chỉnh thể, hướng tâm.
4.1.2.2. Nhân vật mảnh vỡ: Kiểu nhân vật phản truyền thống, nhân
vật bị phá bỏ, đối lập hoàn toàn với sự trọn vẹn của nó trong quá khứ.
Nhân vật mảnh vỡ là những mảnh rời, vụn vỡ, mâu thuẫn, tan rã, không
liên kết… Là tiếng nói của một thế giới phi tâm, hỗn độn…
4. 2. NHÂN VẬT MẢNH VỠ CỦA TONI MORISON
Nhân vật mảnh vỡ là một diễn ngôn Morrison dụng công xây dựng để
nói với thế giới về những sự thật bấy lâu bị vùi lấp. Số phận của những
người phụ nữ, những người đàn ông da đen, nhất là các bé gái da đen được
hiện lên dần dần qua kĩ thuật ghép mảnh, cho ta hình dung về một thế giới
khổng lồ và vô cùng của cái ác. Khác với nhân vật truyền thống trước đây,
nhân vật mảnh vỡ cho thấy sự tan rã của chỉnh thể, của những gì thống
nhất, trọn vẹn. Nó không phải là một vũ trụ của sự thống nhất, hài hòa, mà
là một tập hợp những mảnh vỡ, đối với những người da đen trên đất Mỹ,

mảnh vỡ nhân vật càng trở nên khốc liệt. Qua đó, ta thấy sự nhấn mạnh
của Morrison về mối liên quan giữa ngôn ngữ và cuộc đời, số phận nhân
vật. Bà vẫn khao khát đấu tranh để khẳng định tiếng nói, đòi quyền sống,
làm dịu bớt đau thương cho các nhân vật của mình. Ngôn ngữ nhân vật
mảnh vỡ, có thể thấy là một lựa chọn đặc biệt thành công của Morrison để
thể hiện những tư duy nghệ thuật của mình.
Luận án tiến hành khảo sát 5 nhân vật chính trong 3 cuốn tiểu thuyết
của bà ở các tiểu mục:
4.2.1. Sự phá hỏng bản thể - Pecola: Nhân vật Pecola, một bé gái
người da đen đã được phân tích ở phương diện là tiếng nói với thế giới về
sự bị phá hỏng bản thể. Là một cô bé trong quá trình hình thành nhân
cách, nhưng cô không có bất kì một cái gì để hình thành niềm tin, vẻ đẹp,
giá trị của bản thân. Tất cả mọi người, từ cha, mẹ, bạn học, thầy cô giáo,
cộng đồng… đều thấy rằng cô bé xấu xí quá, và cô cũng tự phải công nhận
điều đó. Mọi người đều làm lơ và lánh xa mỗi khi thấy cô, sự phá vỡ diễn
19
ra tầng tầng lớp lớp… điều đó dẫn đến mong ước thảm thương của cô bé
về đôi mắt xanh, điều kiện để cô được yêu thương và chấp nhận trong
cộng đồng. Sự hủy hoại lên đến đỉnh điểm sau khi cô bị chính bố đẻ cưỡng
hiếp. Morrison đã hé lộ sự thật về nỗi đau bị mất mát văn hóa, lịch sử, cội
rễ. Sự bị nô dịch về văn hóa đã hủy hoại cô bé một cách không tiếc
thương. Bà kêu gọi những tiếng nói tương đồng, sự bình đẳng về ngôn
ngữ, về các giá trị mỹ học, đòi quyền được nói, quyền sống cho người da
đen, đặc biệt là người phụ nữ.
4.2.2. Ghép nối mảnh vỡ bản thể – Milkman: Milkman là một
nickname, cái tên liên quan đến ý nghĩa xấu, ẩn dụ về sự lệ thuộc, ích kỉ
của nhân vật này. Là con của một gia đình da đen giàu có nhất thành phố,
nhưng Milkman luôn cảm thấy sợ hãi và bị động, bị cộng đồng tẩy chay.
Bản thân là một đống đổ nát, Milkman lúng túng trong sự rối rắm, phức
tạp của những câu chuyện không xác định được sự thật của gia đình,

những mảnh vỡ không nguồn đích. Chỉ khi kết nối được với văn hóa da
đen, hiểu được tiếng nói của cộng đồng, anh mới trưởng thành.
4.2.3. Nửa người nửa ma hay bản thể Beloved: Nhân vật Beloved
xuất hiện dưới hình dạng hồn ma đội lốt người. Có ý kiến cho rằng
Beloved xuất hiện như một phương tiện để tái hiện lại một lịch sử kinh
hoàng. Cô có lẽ là sự tái sinh của linh hồn và máu thịt của những người da
đen bị giết hại trong lịch sử chế độ nô lệ đẫm máu nói chung và linh hồn
của các cô gái da đen nói riêng trong một xã hội tàn bạo. Những mảnh vỡ
nhân vật Beloved không chỉ làm sống lại những câu chuyện không thể kể,
mà còn là tiếng nói đòi quyền sống, quyền được yêu thương, được là con
người sống dưới ánh mặt trời cho các cô gái da đen bất hạnh.
4.2.4. Vị thánh bất hạnh hay bản thể vỡ nát của Baby Suggs: Baby
Suggs là nhân chứng của một chế độ lịch sử nô lệ với tất cả sự nhơ bẩn của
nó. “Cuộc đời nô lệ đã ngốn trọn của bà đôi chân, đôi tay, đôi mắt, cái dạ
dày và cái lưỡi”. Tám đứa con của bà có tới sáu ông bố, tất cả đều bị bán
20
đi, “có đứa bị bán đi khi chưa kịp mọc răng khôn”… Đôi chân bị bại liệt
nhưng bà vẫn phải làm mọi việc để phục vụ chủ nô… Chứng kiến cảnh
con dâu giết cháu ruột vì không muốn chúng quay về kiếp nô lệ mà bà
đành bất lực. Cuộc đời bà là chuỗi dài của những bất hạnh, chia cắt, đổ
vỡ… Đến khi được tự do, bà còn mỗi trái tim, đem hiến cho cộng đồng,
kêu gọi mọi người da đen hãy yêu quý bản thân, yêu quý nhau để cùng
sống và vượt qua hoạn nạn, nhưng bà đã trở thành vị thánh bất hạnh vì
cộng đồng da đen đã mang nặng tâm lí nô lệ. Thể chất bị bại liệt, trái tim
vỡ nát, bà đã chết trong sự tuyệt vọng vì trái đất quá thiếu vắng tình người.
4.2.5. Cuộc chiến đấu vì bản thể của người mẹ giết con – Sethe:
Lần tan vỡ thứ nhất xảy ra với Sethe tại Sweet Home, khi mà bọn học trò
xếp cô vào hàng thú vật, lo sợ cho những đứa con, Sethe đã lên kế hoạch
cùng chồng và các bạn chạy trốn. Nhưng kế hoạch bại lộ, Halle - chồng cô
đã phát điên khi chứng kiến cảnh vợ bị cưỡng hiếp, bị hành hung với đứa

con 7 tháng trong bụng… Nhưng Sethe vẫn trốn, đến Ohio không lâu, bọn
người da trắng lại đến để bắt các con cô, tuyệt vọng và cùng quẫn, người
mẹ quyết định giết con để ngăn không cho nó phải sống kiếp nô lệ. Cả
cuộc đời của Sethe về sau chìm đắm trong đau thương, sám hối, dày vò vì
việc này. Quá khứ đã sống cùng hiện tại của Sethe khi đứa con gái - hồn
ma xuất hiện và biến mất rất khó hiểu. Nhân vật Sethe góp thêm một tiếng
nói về những sự thật kinh hoàng bấy lâu bị chôn vùi, về khát vọng và tình
yêu của người nô lệ.
Ở chương này, ta vẫn thấy sự nhấn mạnh của Morrison về mối liên
quan giữa ngôn ngữ và cuộc đời, số phận nhân vật. Bà vẫn khao khát đấu
tranh để khẳng định tiếng nói, đòi quyền sống, làm dịu bớt đau thương cho
các nhân vật của mình. Ngôn ngữ nhân vật mảnh vỡ, có thể thấy là một lựa
chọn đặc biệt thành công của Morrison trong việc đưa nhân vật bước đi
trên hành trình gian khó để tìm kiếm bản thể, để thể hiện những tư duy
nghệ thuật sâu sắc và đầy bao dung của mình.
21
KẾT LUẬN
Trên hành trình phi trung tâm những đại tự sự, tư duy nghệ thuật hậu
hiện đại đã hướng đến ngôn ngữ mảnh vỡ như một tất yếu. Mảnh vỡ đã trở
thành chuẩn mực mới về cái đẹp. Mảnh vỡ tham gia kiến tạo nên một đội
ngũ tác giả và độc giả mới cho kỉ nguyên con người không tin vào quyền
năng tuyệt đối của lí tính. Từ cảm quan hậu hiện đại này, mảnh vỡ đã xâm
nhập vào sáng tác và phê bình văn học như một phạm trù cốt lõi. Tất
nhiên, mỗi tác gia văn học đều có một diễn ngôn riêng khi sử dụng ngôn
ngữ mảnh vỡ. Toni Morrison là bậc thầy ở nghệ thuật này.
Với đề tài Ngôn ngữ mảnh vỡ trong tiểu thuyết của Toni Morrison,
luận án là công trình đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu văn học hậu hiện đại
Mỹ dưới góc độ tiếp cận tu từ học, thi pháp học. Chúng ta có thể thấy,
bằng cách tiếp cận này, luận án đã khắc phục được phần nào những vướng
mắc trước đây của một số công trình nghiên cứu về ngôn ngữ nghệ thuật

trong quá trình tạo nghĩa.
Về vấn đề thuật ngữ, luận án xem xét và xây dựng khái niệm ngôn
ngữ mảnh vỡ. Ngôn ngữ nghệ thuật mà chúng tôi nghiên cứu ở đây được
hiểu theo nghĩa rộng, đó là tất cả các đơn vị tạo nghĩa của tác phẩm văn
học theo quan điểm kí hiệu học mà nhà kí hiệu học I.U. Lotman và các nhà
hậu cấu trúc đã làm sáng tỏ. Chúng ta có thể thấy, từ bản chất, ngôn ngữ
nghệ thuật lồng trong nó rất nhiều loại ngôn ngữ. Đó là ngôn ngữ được
sáng tạo, nhào nặn trên cơ sở ngôn ngữ nguyên sinh theo ý đồ của nhà văn,
là một dạng kí hiệu đặc biệt được nhà văn sử dụng để mô hình hóa thế
giới. Do thế giới hậu hiện đại là một hiện thực thậm phồn, nên ngôn ngữ
nghệ thuật, do đó, có khả năng phát triển, mở rộng giới hạn đến vô cùng,
tạo ra tầng tầng lớp lớp ý nghĩa nhờ sự cộng hưởng từ phía bạn đọc…
Luận án cũng tiến hành khảo sát và chỉ ra đặc trưng của ngôn ngữ hậu
22
hiện đại, đó là ngôn ngữ mảnh vỡ, kiểu diễn ngôn thể hiện cảm quan tư
duy của con người thời hậu hiện đại. Ngôn ngữ đó có sức mạnh tạo ra
những cái siêu phàm, vượt qua sức biểu đạt của ngôn ngữ nghệ thuật
truyền thống. Trong khuôn khổ luận án, chúng tôi đi sâu phân tích biểu
hiện ngôn ngữ mảnh vỡ ở hai phương diện: lớp ngôn từ và lớp nhân vật.
Ngôn ngữ mảnh vỡ trở thành nét chủ đạo trong nghệ thuật tự sự của
Morrison. Tiểu thuyết của bà đã xảy ra trận chiến quyết liệt trên bình diện
ngôn từ. Tấn công vào ngôn từ, với Toni Morrison, tức là tấn công vào nền
tảng văn hóa da trắng, diễn ngôn đại tự sự bấy lâu ngự trị trên một đất
nước được thêu vẽ bằng những ngôn từ hoa mĩ nhưng thực tế lại không
phải như vậy, để thiết lập nền tảng văn hóa, mĩ học da đen tương đồng với
mĩ học da trắng. Toni Morrison thật xứng đáng là một trong những chiến
binh dũng cảm trong công cuộc phi tâm hóa những đại tự sự. Trở thành đại
biểu xuất sắc của nền văn chương hậu hiện đại, bà đã kiến tạo một thế giới
ngôn từ mảnh vỡ độc đáo, kết dính hoặc tách rời về hình thức, dùng chữ
với nghĩa sai lạc khi so với cách sử dụng truyền thống, nhằm làm sống lại

những sự thật bị che giấu, phơi bày những khoảng tối, những mảnh vỡ
không thể chối cãi của lịch sử, văn hóa và phận người bị áp bức.
Từ những mảnh đoạn ngôn từ bị cắt xẻo, hỗn độn, ta dễ dàng nhận
thấy một kết cấu mảnh vỡ ở tất cả các hình ảnh, sự kiện chi tiết, nhân vật
đã được dụng công xây dựng để có thể nói về một sự đổ vỡ đau đớn,
không gì có thể cứu vãn của số phận nhân vật của Toni Morrison. Những
hồi ức, những mảnh đoạn sự kiện rời rạc, những lời thì thầm vĩnh viễn
không được viết trên trang giấy, đã được tập hợp để kể về những sự việc
mà “tốt hơn hết không nên biết gì về chúng”. Bóc tách câu chuyện dần dần
qua những mảnh vỡ, cũng là một nghệ thuật mà Toni Morrison cố gắng
xoa dịu, giảm bớt nỗi đau, tránh những cảm giác phải tiếp xúc với những
gì quá thô bỉ, quá gớm ghiếc diễn ra trong đời sống thường nhật. Nghệ
thuật tạo ra từ những câu chuyện không nói hết, “vẫn còn vướng mắc ở
23
trung tâm của chuyện kể”, tạo ra sức sáng tạo, liên tưởng và cộng hưởng
mãnh liệt từ phía người đọc, thể hiện một tài năng nghệ thuật bậc thầy,
khiến Lyotard trầm trồ kính nể bà, khẳng định đó là “sự kì vĩ của cái siêu
phàm”.
Ngôn từ mảnh vỡ tất yếu khai sinh ra nhân vật mảnh vỡ. Từ các nhân
vật đa dạng và sinh động khác nhau, những mảnh vỡ thân phận được hiện
lên dần dần, xoay đi lặp lại tạo nên một kiểu ngôn ngữ mảnh vỡ nhân vật
đặc thù, để người đọc nỗ lực tập hợp và cùng nhà văn kiến tạo bức tranh
về thế giới, về phận người nô lệ, người bị áp bức nói chung. Những mảnh
vỡ hiện tại–quá khứ; thực–ảo, người–ma còn khiến cho tác phẩm của Toni
Morrison mang bầu không khí huyền hồ, khiến người đọc mãi bâng
khuâng, trăn trở.
Toni Morrison qua nghệ thuật ngôn ngữ mảnh vỡ còn cho thấy sự
sáng tạo, cách tân lớn khi bà sử dụng lời nói của cộng đồng người da đen
bên rìa thị trấn, về cái tên bị xóa và sự nỗ lực tìm lại họ tên, tìm lại tổ tiên,
tìm lại chính mình. Vậy nên, ngôn ngữ, như Morrison cho thấy, có một sức

mạnh phi thường, kết tinh trong nó là văn hóa, là lịch sử, là sự sống còn
của một dân tộc. Việc bị đặt sai tên, hiểu sai là tấn bi kịch của người da
màu trong lịch sử, một dân tộc bị “xóa mất trí nhớ”. Bên cạnh đó, sự hiểu
khác, dùng ngược, làm nôm na hóa thứ ngôn ngữ chuẩn mực của người da
trắng, bẻ gãy nó theo nhiều cách khác nhau, cũng là cách mà người da đen
chống lại sự nô dịch của nền văn hóa áp đảo này.
Nếu mảnh vỡ ngôn từ chủ yếu cho thấy sự mất mát đớn đau của một
chủng tộc người trong quá khứ và cả thực tại khi họ và tất thảy mọi người
vẫn sống trong bầu khí quyển nghi kị, đố kị và xa lạ, thì ngôn ngữ nhân
vật mảnh vỡ lại là nơi để Toni Morrison cho người đọc thấy được hành
trình đi tìm bản thể hòng chấm dứt nỗi đau, sự mất mát của những người
da đen trong thế giới da trắng.
Như thế, ngôn ngữ mảnh vỡ trở thành một dấu hiệu đặc thù trong tư
24
duy nghệ thuật tiểu thuyết của Toni Morrison. Dùng mảnh vỡ để lạ hóa
ngôn từ, để nói lên nỗi bi thương cho kiếp người, dùng mảnh vỡ để đấu
tranh đòi bình đẳng giữa hai chủng tộc trắng – đen, dùng mảnh vỡ để kiến
tạo bản thể của những con người mới và của nền văn hóa mới, Toni
Morrison đã khẳng định được quyền năng của mình với tư cách là nhà
sáng tạo trên chất liệu ngôn từ. Bà đã thực sự thành công khi dùng ngôn
ngữ mảnh vỡ để kiến tạo thế giới nghệ thuật. Bà đồng thời cũng khẳng
định rằng, bản chất của ngôn ngữ, cũng như bản chất của sự tồn tại, thực ra
không phải là những chỉnh thể tròn trịa như bấy lâu nay người ta vẫn nhầm
tưởng, mà thực sự, trong sự sinh động của tồn tại, bản chất của nó là
những mảnh vỡ. Tư tưởng này mang bản chất nhân văn lấp lánh của thời
đại. Đã đến lúc, con người cần nhìn nhận về những tiếng nói và những sự
sống có quyền tồn tại ngang bằng nhau, có cùng cơ hội như nhau để sống
và phát triển. Ngôn ngữ mảnh vỡ, như Morrison khẳng định, là bản chất tất
yếu của ngôn ngữ hậu hiện đại, con người cần nhận ra và công nhận nó.
Từ những nghiên cứu trên, luận án đã mở ra một hướng nghiên cứu

hứa hẹn. Đó là, nghiên cứu tác phẩm văn chương hậu hiện đại từ góc độ kí
hiệu học. Việc khảo sát và minh định nội hàm khái niệm của thuật ngữ
ngôn ngữ mảnh vỡ giúp phê bình hậu hiện đại có một công cụ hữu hiệu để
khám phá văn học hậu hiện đại Việt Nam và thế giới. Đây có thể trở thành
một con đường để phê bình lí luận văn học trong nước chinh phục những
đỉnh cao nghệ thuật của nhân loại.
Trước nghệ thuật kì vĩ của Toni Morrison, những khám phá của chúng
tôi quả thật còn vô cùng nhỏ bé. Chúng tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều
công trình tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi sâu hơn về văn nghiệp của bà, một
cây bút chiến đấu không mệt mỏi cho tự do, lẽ phải và sự công bằng bằng
một tình yêu bất diệt và một tài năng nghệ thuật trác việt, phi thường.
25
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

NGUYỄN THỊ MINH THẢO
NGÔN NGỮ MẢNH VỠ TRONG
TIỂU THUYẾT CỦA TONI MORRISON
Chuyên ngành: LÝ LUẬN VĂN HỌC
Mã số: 62.22.01.20
TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
Người hướng dẫn khoa học
GS.TS. LÊ HUY BẮC

×