Tải bản đầy đủ (.docx) (9 trang)

Vai trò của án lệ đối với sự phát triển của pháp luật quốc tế và sự cần thiết của việc sử dụng án lệ vào nghiên cứu và giảng dạy luật quốc tế ở việt nam nam hiện nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (142.61 KB, 9 trang )

Vai trò của án lệ đối với sự phát triển của pháp luật quốc tế và sự cần thiết của việc
sử dụng án lệ vào nghiên cứu và giảng dạy luật quốc tế ở Việt Nam Nam hiện nay
Đặt vấn đề
Án lệ trong hệ thống thông luật (common law) có vai trò hết sức quan trọng, thể
hiện ở chỗ chúng được coi là nguồn luật không thành văn áp dụng để giải quyết
các vấn đề tương tự và là cơ sở để đảm bảo sự nhất quán trong hoạt động xét xử.
Việc nghiên cứu án lệ là một yêu cầu bắt buộc đối với sinh viên và những người
làm công tác pháp luật. Trong hệ thống các giáo trình và tài liệu nghiên cứu của
nhiều nước, các án lệ luôn chiếm một tỷ lệ đáng kể và sự thành công trong việc
nghiên cứu các vấn đề pháp luật phụ thuộc rất nhiều vào việc tìm hiểu và vận dụng
các án lệ. Trong khoa học luật quốc tế, án lệ cũng đóng một vai trò hết sức quan
trọng, chúng không những là sự tổng kết của quá trình vận dụng pháp luật vào hoạt
động xét xử của các thẩm phán quốc tế mà còn là phương tiện quan trọng để xác
định các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế và là cơ sở vật chất cho quá trình hình thành và
phát triển của hệ thống pháp luật quốc tế. Mặc dù vậy, ở Việt Nam, án lệ thường
được tiếp cận như một loại nguồn bổ trợ của luật quốc tế và việc vận dụng án lệ
vào hoạt động nghiên cứu và giảng dạy luật quốc tế còn tương đối hạn chế.
Bài viết này nhằm tìm hiểu vai trò của án lệ trong hệ thống pháp luật quốc tế, qua
đó tìm hiểu ý nghĩa và sự cần thiết của việc vận dụng án lệ quốc tế trong việc
nghiên cứu và giảng dạy môn học luật quốc tế tại Việt Nam.
1.Vai trò của án lệ trong luật quốc tế
1.1Khái niệm án lệ
Án lệ hay những bản án, quyết định xét xử của Tòa án quốc tế (judicial decisions)
được xác định là một phương tiện bổ trợ nguồn của luật quốc tế hay đầy đủ hơn là
"những phương tiện bổ trợ để xác định các quy tắc pháp luật” (subsidiary means
for the determination of rules of law)[1]. Thuật ngữ "án lệ” được đề cập đến tại
điều 38(1) Quy chế Tòa án quốc tế[2]. (Thuật ngữ "án lệ” trong bài viết này chỉ
liên quan đến vấn đề vai trò của các án lệ quốc tế đối với sự phát triển của pháp
luật quốc tế).
Thứ nhất, án lệ được hiểu là những phán quyết (judgment/decision - nghị quyết xét
xử) của Tòa án Công lý quốc tế của Liên Hiệp quốc (International Court of


Justice). Ở đây khái niệm "bản án” (nghị quyết xét xử) nêu ra tại Điều 38(1) sẽ
được hiểu là những phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế trong việc xét xử
những vụ việc tranh chấp giữa các quốc gia theo quy định của Điều 34(1) và 35
của Quy chế Tòa án quốc tế. Do đó, khi Tòa viện dẫn những bản án đã xét xử thì
trước hết điều đó được hiểu đây là những bản án của chính Tòa án Công lý quốc tế.
Những phán quyết này có giá trị bắt buộc thi hành đối với các bên tranh chấp đã
đồng ý chấp nhận sự xét xử của Tòa[3] và có thể được Tòa viện dẫn trong các vụ
xét xử tranh chấp tiếp theo gần giống như việc viện dẫn án lệ (precedent) trong hệ
thống thông luật[4]. Tuy nhiên, khác với việc áp dụng "án lệ” trong hệ thống thông
luật, các phán quyết của Tòa chỉ có giá trị ràng buộc với các bên tranh chấp và chỉ
có giá trị đối với từng vụ việc cụ thể mà không có giá trị như là "luật” bắt buộc thi
hành đối với mọi chủ thể luật quốc tế cũng như đối với các vụ việc khác tương tự
xảy ra sau đó.[5] Trên thực tế, trong các vụ xét xử của Tòa, những phán quyết
trước đây có liên quan đến nội dung của vụ tranh chấp hoặc tình tiết tương tự về
tính chất và nội dung vụ việc thường luôn được viện dẫn nhằm làm rõ hoặc củng
cố những lập luận của Tòa[6] và thực tiễn xét xử của Tòa đã cho thấy sự áp dụng
khá phổ biến của các án lệ trước đó.[7]
Thứ hai, khái niệm án lệ hiểu cũng có thể bao gồm cả những kết luận tư vấn của
Tòa. Mặc dù về nội hàm của Điều 38(1) được hiểu chỉ bao gồm những phán quyết
có tính ràng buộc về pháp lý mà không bao gồm những kết luận tư vấn, tức là
những khuyến nghị về một vấn đề pháp lý mà Tòa án được yêu cầu phải đưa ra
quan điểm.[8] Xét về ý nghĩa và giá trị của những kết luận tư vấn, thể hiện qua
những đóng góp của chúng vào sự phát triển của hệ thống luật quốc tế nói chung,
có thể xem những kết luận tư vấn này là một dạng "án lệ” hiểu theo nghĩa rộng. Ở
cách hiểu này, các bản "kết luận tư vấn” có tính chất giống như các bản án của
Tòa: chúng đề cập đến một nội dung pháp lý cụ thể và làm sáng tỏ nội dung của
chúng, giúp cho việc thực thi và tuân thủ pháp luật quốc tế một cách thống nhất và
đúng đắn.[9] Một số các kết luận tư vấn của Tòa có giá trị thực tiễn rất lớn, bởi
chúng khẳng định nguyên tắc jus cogen của luật quốc tế, xác định nội hàm pháp lý
của những quy phạm pháp luật quốc tế.[10] Do đó, xét ở góc độ này, các kết luận

tư vấn có thể xét như một dạng "án lệ” đặc biệt.
Ngoài ra, khái niệm "án lệ” cũng có thể được hiểu bao gồm cả những phán quyết
của Pháp viện thường trực của Hội quốc liên (League of Nations).[11] Đây là cơ
quan giải quyết tranh chấp tồn tại trong thời kỳ Hội quốc liên tồn tại nhưng khác
với Tòa án Công lý quốc tế, Pháp viện thường trực quốc tế không phải là một cơ
quan chính của LHQ. Sau khi LHQ ra đời, theo Hiến chương LHQ và Quy chế
TAQT, Tòa án công lý quốc tế là cơ quan kế thừa Pháp viện thường trực quốc tế,
thể hiện ở quy định những các bên tranh chấp bằng tuyên bố đơn phương của mình
đã đồng ý chấp nhận thẩm quyền xét xử bắt buộc của Pháp viện thường trực quốc
tế mà vẫn còn hiệu lực thì Tòa án Công lý quốc tế sẽ có thẩm quyền giải quyết.
[12] Tương tự Tòa án Công lý quốc tế cũng tiếp nhận những vụ việc trong trường
hợp những điều ước quốc tế mà các bên ký kết đã đồng ý rằng khi có tranh chấp
xảy ra thì sẽ do Pháp viện thường trực quốc tế giải quyết.[13] Trong các phán
quyết sau này của Tòa án Công lý quốc tế cũng như giáo trình và tài liệu nghiên
cứu về luật quốc tế của các học giả trên thế giới thì các phán quyết trước đây của
Pháp viện thường trực quốc tế vẫn thường được viện dẫn để làm sáng tỏ những
phân tích và lập luận về các vấn đề pháp lý, đặc biệt như các vấn đề có tính truyền
thống như luật ngoại giao và lãnh sự, luật điều ước quốc tế, bảo hộ ngoại giao,
trách nhiệm pháp lý quốc tế.[14]
Thứ ba, tuy thuật ngữ "án lệ” được quy định tại Điều 38(1) Quy chế Tòa án Quốc
tế, nhưng điều đó không có nghĩa là Tòa chỉ viện dẫn những án lệ của chính mình
mà có thể viện dẫn tới những bản án của các cơ quan tài phán quốc tế khác.
[15] "Án lệ” do đó có thể được hiểu là thuật ngữ pháp lý chỉ thực tiễn xét xử của
các thiết chế tài phán quốc tế.[16] Ở cách hiểu này, khái niệm "án lệ” sẽ không chỉ
dừng lại trong phạm vi những bản án đã được Tòa án Công lý quốc tế xét xử mà
còn có thể bao gồm các phán quyết trọng tài do kết quả của việc lựa chọn phương
thức trọng tài tự nguyện[17] hoặc bắt buộc[18]. Như vậy, "án lệ” sẽ bao gồm
những bản án, phán quyết của các Tòa án quốc tế khác như Tòa án quốc tế về luật
biển, các Tòa án trọng tài trong việc xét xử các tranh chấp quốc tế như vụTrail
Smelter, Las Palmas hoặc các phán quyết của Tòa án ad hoc như Tòa án quân sự

xét xử các tội phạm chiến tranh Đức và Nhật năm 1945 hay các quyết định của Ủy
ban trọng tài về các đơn kiện của Mỹ và Iran.[19] Theo một số học giả phương Tây
thì khái niệm "án lệ” thậm chí còn có thể bao gồm cả những phán quyết của các tòa
án quốc gia.[20]Tuy nhiên cách hiểu này không thể được chấp nhận, bởi lẽ các
nguồn của pháp luật trong nước (bản án của các Tòa án quốc gia) không thể viện
dẫn trực tiếp như một nguồn của pháp luật quốc tế, chúng chỉ có thể được viện dân
với tư cách nguồn luật tham khảo.
Những phán quyết của các cơ quan tài phán quốc tế khác trong trường hợp này đã
có những đóng góp nhất định đến sự phát triển của luật quốc tế, đặc biệt khi chúng
được viện dân trong các vụ tranh chấp sau đó hoặc trong các công trình nghiên cứu
về luật quốc tế cũng như được sử dụng bởi Ủy ban Pháp luật quốc tế của Liên Hiệp
quốc. Chẳng hạn phán quyết của Ủy ban Trọng tài quốc tế trong vụ Alabama
Claims 1898[21] có ý nghĩa mở đường cho việc áp dụng rộng rãi việc giải quyết
các tranh chấp quốc tế bằng phương pháp hòa bình mà cụ thể là phương thức trọng
tài và tòa án quốc tế[22]. Phán quyết của trọng tài Max Huber trong vụ
Las Palmas[23] đã đóng vai trò to lớn trong việc làm rõ vấn đề chủ quyền lãnh thổ
và phương thức chiếm hữu lãnh thổ hợp pháp trong luật quốc tế hiện đại, sau đó
được viện dân trong rất nhiều vụ quyết định giải quyết tranh chấp của Tòa có liên
quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Trong lĩnh vực môi trường quốc tế, các phán
quyết của những cơ quan tài phán quốc tế đã góp phần hình thành hệ thống các quy
phạm tập quán trong luật môi trường quốc tế. Chẳng hạn như các phán quyết của
Tòa Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration, PCA) trong vụ
MOXplant giữa Ireland và Anh,[24] Iron Rhine (Bỉ và Hà Lan),[25] Tòa án Quốc
tế về Luật biển (International Tribunal for the Law of the Sea, ITLOS) trong
vụ MOX (Ireland và Anh);[26] Trung tâm Quốc tế về giải quyết các tranh chấp về
đầu tư (International Centre for the Settlement of Investment Disputes, ICSID)
trong các vụ Trail Smelter (Mỹ và Canada)[27] hay Metaclad(Metalclad
Corporation và Mexico).[28]
Như vậy, trong khoa học luật quốc tế, khái niệm "án lệ” nên được hiểu theo nghĩa
rộng chỉ cho tất cả những phán quyết, kết luận tư vấn của các cơ quan tài phán

quốc tế, trong đó trước tiên và chủ yếu là của Tòa án Công lý quốc tế của Liên
Hiệp quốc. Trong phần tiếp theo của bài viết, tác giả sẽ sử dụng khái niệm "án lệ”
theo cách tiếp cận này.
1.2 Vai trò của án lệ trong luật quốc tế
Mặc dù không có giá trị pháp lý bắt buộc như hai loại nguồn cơ bản của luật quốc
tế là điều ước quốc tế và tập quán quốc tế, án lệ đóng một vai trò hết sức quan
trọng và có giá trị thực tiễn cao trong khoa học pháp lý.
Thứ nhất, chúng là cơ sở thực tế có tính thuyết phục cao nhằm xác định các tiêu
chuẩn pháp lý chung,đặc biệt khi có sự không thống nhất về một vấn đề nào đó của
luật quốc tế. Vai trò quan trọng của án lệ được thể hiện ở những khía cạnh cơ bản
sau:
Một là, các án lệ khi được viện dân có ý nghĩa quan trọng làm sáng tỏ nội hàm của
một khái niệm pháp lý trong luật quốc tế. Đây có thể được coi là một vai trò cơ bản
và rõ rệt nhất của các án lệ. Chẳng hạn, trong phán quyết về vụ Las Palmas, khái
niệm chủ quyền lãnh thổ được định nghĩa là sự "… bao hàm đặc quyền thể hiện
các hoạt động của một quốc gia. Quyền này có một nghĩa vụ tương ứng: nghĩa vụ
của các quốc gia bảo vệ trong phạm vi lãnh thổ đó đối với quyền của các quốc gia
khác, cụ thể là quyền đối với sự toàn vẹn và bất khả xâm phạm trong chiến tranh
và hòa bình, cùng với các quyền mà mỗi quốc gia có thể viện dẫn đối với công dân
của mình ở lãnh thổ nước ngoài ”[29] Tòa án Công lý quốc tế trong vụ
Nottebohm đã chỉ ra bản chất của mối quan hệ quốc tịch khi xem "quốc tịch” là
"mối liên hệ pháp lý có nền tảng là sự gắn bó thực tế về xã hội, một mối liên kết
thực sự của đời sống và tình cảm, cùng với sự tồn tại của các quyền và nghĩa vụ
tương hỗ. Nó [quốc tịch] tạo ra sự công nhận về pháp lý thực tế rằng cá nhân có
được quốc tịch, một cách trực tiếp bởi luật pháp hoặc hành vi của các cơ quan công
quyền, có sự gắn kết với dân cư của quốc gia cấp quốc tịch một cách chặt chẽ hơn
là đối với dân cư của một quốc gia nào khác”[30]. Tương tự là vấn đề bảo hộ ngoại
giao đối với người hai quốc tịch trong vụ Nottebohm[31] hay vấn đề bảo lưu điều
ước quốc tế trong vụ Genocide. Trong vụ này, Tòa đã làm sáng tỏ việc thực hiện
quyền bảo lưu đối với một hoặc một số điều khoản của điều ước quốc tế trong

trường hợp điều ước không quy định rõ điều khoản được phép bảo lưu. Tòa đã kết
luận rằng, trong trường hợp này vấn đề bảo lưu không thể đặt ra đối với những
điều khoản mà dẫn đến sự mâu thuẫn với mục đích và đối tượng của điều ước quốc
tế. Một ví dụ khác là việc làm rõ khái niệm quốc tịch của pháp nhân vụ Barcelona
Traction.[32] Sau khi nghiên cứu các quy định liên quan đến quyền của công ty và
cổ đông, Tòa đã đi đến kết luận rằng chỉ có Canada, quốc gia mà công ty nói trên
có quốc tịch, mới có tư cách khởi kiện đòi thực hiệntrách nhiệm pháp lý quốc tế.
Các phán quyết của các Tòa trọng tài trong vụ các đơn kiện giữa Mỹ và Iran và
phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ xét xử những tội phạm chiến tranh ở Nam
Tư đã có những đóng góp quan trọng cho sự pháp điển hóa các quy phạm luật quốc
tế về vấn đề trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia cũng như trách nhiệm hình
sự của cá nhân.[33] Trong vụ Anglo-Iranian Oil Company (Anh và Iran) năm
1952,[34] Tòa án Công lý quốc tế đã lập luận rằng những ưu đãi mà một quốc gia
dành cho một công ty nước ngoài không phải là một điều ước quốc tế, từ đó khẳng
định một điều kiện quan trọng để công nhận một điều ước quốc tế là nó phải được
ký kết giữa các bên là quốc gia. Vấn đề này sau đó đã được thể hiện trong Công
ước Vienna năm 1969 về Luật điều ước quốc tế.
Hai là, thông qua các án lệ những nội dung cơ bản của các nguyên tắc và quy phạm
luật quốc tế được ghi nhận trong các điều ước quốc tế được làm rõ. Các phán quyết
của Tòa án quốc tế lại có giá trị khẳng định những quy phạm pháp luật quốc tế đã
được ghi nhận trong các điều ước quốc tế (bao gồm cả những dự thảo điều ước
quốc tế) và những tập quán quốc tế tồn tại vào thời điểm ban hành phán quyết.
Chẳng hạn như Điều 31 của Công ước Vienna về Luật Điều ước quốc tế được
khẳng định trong các phán quyết của Tòa trong vụ Territorial Dispute (Lybia và
Chad) năm 1990[35] và cả trong kết luận tư vấn của Tòa về tính chất hợp pháp của
việc xây dựng bức tường trên phần lãnh thổ của người Palestine, về quyền tự vệ
hợp pháp trong vụ Gabcikovo - Nagymaros hoặc các điều 4, 8 và 16 của Dự thảo
các điều luật về trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia trong vụ việc liên quan
đến việc áp dụng Công ước quốc tế về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng
(Bosnia Herzegovina và Nam Tư). Tương tự, phán quyết của Tòa án Công lý quốc

tế trong vụNhững hoạt động quân sự chống lại Nicaragua (Nicaragua kiện Mỹ năm
1986) là một ví dụ. Tòa đã xem xét và lập luận những hành vi của Mỹ đã vi phạm
nguyên tắc cấm dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế nêu ra tại
Điều 2.4 Hiến chương LHQ trong việc thực hiện các hành vi giúp đỡ các nhóm
phiến loạn tấn công, xâm nhập lãnh thổ Nicaragua. Tòa cũng đã bác bỏ lập luận
của Mỹ trong việc thực hiện "quyền tự vệ tập thể” với lý do Nicaragoa đã có thái
độ thù địch với các nước láng giềng là Honduras và El Sanvador. Đồng thời, hành
vi ủng hộ, giúp đỡ tài chính, huấn luyện và trang bị cho tổ chức Contras được Tòa
xác định là sự vi phạm nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của một
quốc gia có chủ quyền. Trên cơ sở những lập luận đó, Tòa đã kết luận Mỹ đã vi
phạm các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và xử cho Nicaragua thắng kiện.
Phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế trong vụBarcelona Traction[36] đã góp
phần làm rõ khái niệm về quyền chung của tất cả các quốc gia đối với những vi
phạm làm phương hại đến lợi ích chung của nhân loại (nghĩa vụ erga omnes).
Quyền khởi kiện đối với một hành vi như thế được thừa nhận cho không chỉ quốc
gia bị thiệt hại mà còn được thừa nhận đối với tất cả các quốc gia.[37] Trong các
phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế, một vấn đề luôn được Tòa làm rõ đó là tất
cả các quy phạm có tính bắt buộc chung (jus cogen) đều là những quy phạm tạo ra
các nghĩa vụerga omnes)[38].
Ba là, các án lệ có ý nghĩa khẳng định sự tồn tại một vấn đề cơ bản ở những lĩnh
vực trong khoa học luật quốc tế mà hiện nay quá trình pháp điển hóa còn đang tiếp
diễn, chẳng hạn như vấn đề trách nhiệm pháp lý quốc tế. Trong vụ Spanish Zone of
Marocconăm 1923, Tòa Thường trực Hội quốc liên đã kết luận: "trách nhiệm pháp
lý là một hệ quả tất yếu của một quyền. Tất cả các quyền của một chủ thể luật quốc
tế đều liên hệ tới trách nhiệm pháp lý quốc tế. Trách nhiệm pháp lý dẫn đến nghĩa
vụ thực hiện việc bồi thường nếu những nghĩa vụ được nói đến là không được thực
thi”.[39] Đồng thời, trong vụ kiện nhà máy Chorzow (Chorzow Factory Case -
Đức và Ba lan (1928), Tòa án Thường trực Quốc tế của Hội Quốc liên (tiền thân
của Tòa án quốc tế đã kết luận: "Một nguyên tắc của luật quốc tế được thừa nhận
rộng rãi là bất kỳ một sự vi phạm đối với một nghĩa vụ quốc tế nào đều sẽ dẫn đến

việc bồi thường”.[40] Tòa án Quốc tế trong các bản án của mình đã công nhận
trách nhiệm bảo đảm sự cân bằng về sinh thái của trái đất là một lợi ích thiết yếu
của mọi quốc gia và mục đích của chúng chính là sự bảo vệ cộng đồng quốc tế nói
chung.[41]
Bên cạnh đó, các nguyên tắc pháp luật chung và nội dung của nó được tuyên bố
thông qua những án lệ kinh điển của Tòa án quốc tế (bao gồm Tòa án Công lý và
Pháp viện Thường trực quốc tế). Mặc dù các án lệ chỉ có giá trị ràng buộc đối với
các bên tranh chấp, về góc độ học thuật, các học giả luật quốc tế thường căn cứ vào
những án lệ của Tòa để ghi nhận và thống nhất với nhau về các nguyên tắc pháp
luật chung. Chẳng hạn, nguyên tắc sự vi phạm một nghĩa vụ quốc tế dẫn đến nghĩa
vụ bồi thường của quốc gia có hành vi vi phạm được Tòa Công lý thường trực của
Hội Quốc liên (PCIJ) nêu ra trong vụ Chorzow Factory năm 1928 (Đức và
Ba Lan).[42] Hay nguyên tắc phán quyết của tòa (thẩm phán) có giá trị pháp lý
ràng buộc các bên tranh chấp (res judicata) và không thể bị kháng cáo,[43] nguyên
tắc "một người không thể là thẩm phán trong vụ việc mà anh ta theo đuổi”,
[44] hoặc nguyên tắc một bên tranh chấp không thể từ chối thừa nhận một sự thật
hoặc thực tế đã được chứng minh rõ bằng những hành động cụ thể (principle of
estopeỉ)[45]
Cũng cần phải lưu ý rằng, bản thân một bản án (phán quyết) và cả kết luận tư vấn
của Tòa án quốc tế thường không chỉ đề cập đến một vấn đề pháp lý cụ thể mà sẽ
liên quan đến một số các vấn đề pháp lý liên quan, chẳng hạn, vụ nhà máy
Chorzow[46] đề cập đến vấn đề trách nhiệm và bồi thường của quốc gia trong
trường hợp có sự vi phạm những nghĩa vụ quốc tế và việc đối xử với công dân
nước ngoài; vụ Barcelona Traction liên quan đến vấn đề quốc hữu hóa, xác địch
quốc tịch của pháp nhân và vấn đề bồi thường; vụ eo biển Corfu (Anh và Albania)
[47] về eo biển quốc tế, quyền của các quốc gia trong việc sử dụng eo biển quốc tế,
nghĩa vụ của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình không
làm phương hại đến quyền của quốc gia khác trong đó có vấn đề môi trường; vụ dự
án đập thủy điện Gabcikovo - Nagymaros[48] liên quan đến các vấn đề như hiệu
lực của điều ước quốc tế, trách nhiệm pháp lý quốc tế và vấn đề môi trường quốc

tế; vụ Con tin Iran liên quan đến vấn đề trách nhiệm pháp lý của quốc gia trong
trường hợp hành vi vi phạm của công dân và vấn đề nghĩa vụ của quốc gia nhận
đại diện theo Công ước Vienna 1961 về ngoại giao và lãnh sự. Trong các phán
quyết của Tòa án Công lý quốc tế nói riêng và các thiết chế tài phán khác nói
chung, các án lệ có thể được viện dân để chứng minh hoặc là cơ sở lập luận đối với
nhiều vấn đề pháp lý khác nhau một cách có hệ thống.
Thứ hai, trên cơ sở khẳng định sự đúng đắn và hợp lý, các án lệ có vai trò là cơ sở
vật chất (material sources) làm nền tảng xây dựng các quy phạm mới của luật quốc
tế (ví dụ tính đúng đắn của đường cơ sở thẳng[49], nguyên tắc công bằng trong
phân định biển,[50]vấn đề chiếm hữu thực sự đối với tranh chấp lãnh thổ.) kể cả
việc hình thành các quy phạm luật quốc tế dưới dạng các tập quán. Ví dụ, quy
phạm tập quán của luật môi trường quốc tế "không một quốc gia nào có quyền sử
dụng hoặc cho phép sử dụng lãnh thổ của mình dân đến việc gây thiệt hại bởi việc
gây ô nhiễm do khói bay sang hoặc trên lãnh thổ của một quốc gia khác” được nêu
ra trong vụ Trail Smelter (Mỹ và Canada) của Tòa án Trọng tài.[51] Nguyên tắc đó
sau này đã trở thành cơ sở pháp lý cho những điều ước quốc tế về môi trường,
chẳng hạn như Nghị định thư Kyoto của Công ước khung của Liên Hiệp quốc về
biến đổi khí hậu năm 1997.[52] Các phán quyết của các cơ quan tài phán quốc tế
chính là cơ sở đề hình thành những quy phạm tập quán của luật môi trường quốc tế
khi tại thời điểm phán quyết ra đời chưa có các quy phạm điều ước quốc tế. Ví dụ
tiêu biểu như các phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế trong vụ Gabcikovo-
Nagymaros (Hungary và Slovakia);[53] Pulp Mills (Argentina và Urugoay).[54]
Trong vấn đề trách nhiệm pháp lý quốc tế, nguyên tắc về trách nhiệm của quốc gia
do những hành vi sai trái áp dụng đối với người nước ngoài đòi hỏi người nước
ngoài bị vi phạm đó trước tiên phải áp dụng hết mọi biện pháp bảo vệ hiện có ở
nước sở tại là kết quả của việc vận dụng quy tắc tương ứng của pháp luật quốc gia,
thể hiện trong vụ Ambatielos (Hy Lạp kiện Anh) năm 1956.[55] Vai trò của các án
lệ được thể hiện khá rõ nét trong những vụ tranh chấp về lãnh thổ và luật biển.
Trong vụ Ngư trường Anh - Na Uy, một loạt các vấn đề được giải quyết trong phán
quyết của Tòa án đã được công nhận và sau đó được ghi nhận trong Công ước của

LHQ về Luật biển năm 1982 về đường cơ sở thẳng, vùng nước lịch sử.[56] Ngoài
ra, các án lệ có giá trị thực tiễn trong việc giải quyết tranh chấp quốc tế tại Tòa án
quốc tế (được viện dẫn trong phần lập luận của Tòa và luận điểm của các bên về vụ
tranh chấp). Chúng thường là nguồn viện dẫn quan trọng của các quốc gia trong
việc đưa ra các lập luận, các phân tích ý kiến của mình và bác bỏ quan điểm, lập
trường của bên tranh chấp.
2.Sự cần thiết sử dụng án lệ trong giảng dạy và nghiên cứu luật quốc tế
Từ vai trò của các án lệ trong luật quốc tế, có thể thấy rằng, việc sử dụng chúng
trong hoạt động nghiên cứu và giảng dạy có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận lẫn
thực tiễn. Điều này thể hiện ở những vấn đề sau:
Thứ nhất, các án lệ có vai trò quan trọng trong việc làm sáng tỏ những nội dung cơ
bản của luật quốc tế. Qua tìm hiểu các án lệ kết hợp trong quá trình giảng dạy, sinh
viên có khả năng gắn kết và liên hệ với nội dung trình bày và thực tiễn. Những án
lệ có thể đóng vai trò như những bài tập (vụ việc) tình huống không chỉ giúp sinh
viên nắm kiến thức tốt hơn và hiệu quả hơn là những ví dụ do giảng viên giả định
như trước đây.[57] Điều này cũng cho phép sinh viên có thể tự tìm hiểu thêm các
vụ việc đó trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc mạng internet, thu thập
thêm các bài viết, bình luận mở rộng có liên quan hoặc kiểm chứng vụ việc. Điều
này sẽ hỗ trợ tích cực cho việc phát triển mô hình giảng dạy hiện đại theo hướng tự
nghiên cứu, đặc biệt là các bậc học cao hơn như cao học và nghiên cứu sinh.
Thứ hai, việc tăng cường đưa các án lệ vào nghiên cứu và giảng dạy sẽ góp phần
tích cực trong việc đào tạo sinh viên luật theo hướng rèn luyện tư duy pháp lý,
thông qua việc tìm hiểu phương pháp lập luận, hệ thống, liên hệ các vấn đề cũng
như khả năng chuẩn bị tốt về nội dung cho việc thực hành tranh tụng, bảo vệ một
vấn đề trước cơ quan tài phán quốc tế, từ đó có thể áp dụng trong hoạt động nghề
nghiệp, nhất là việc tham gia vào các vụ việc tranh chấp quốc tế không chỉ trong
lĩnh vực công pháp quốc tế. Lấy ví dụ, khi nghiên cứu việc xác lập chủ quyền của
nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ đó sử dụng
luận cứ pháp lý về chiếm hữu lãnh thổ theo nguyên tắc hữu hiệu để đưa ra luận
điểm bảo vệ chủ quyền hợp pháp theo luật quốc tế, các luật sư, chuyên viên pháp

lý nhất thiết cần phải nắm vững và viện dân lập luận nêu ra trong các vụ việc tranh
chấp liên quan như vụ Las Palmas (Mỹ và Hà Lan), Minquier and Ecrehous (Pháp
và Anh), Palau Islands (Malaysia và Singapore)
Cũng ở khía cạnh này, tác giả muốn nhấn mạnh đến vấn đề Việt Nam cần phải có
ngày một nhiều hơn các bài viết khoa học hoặc công trình nghiên cứu được thừa
nhận ở quy mô quốc tế. Điều này không chỉ nhằm giới thiệu pháp luật của Việt
Nam ra nước ngoài, thể hiện quan điểm và lập trường của nhà nước mà quan trọng
hơn là cung cấp những nguồn tài liệu tham khảo có thể truy cập và có thể sử dụng
(viện dân) bởi các chuyên gia và nhà nghiên cứu nước ngoài, lấy ví dụ như về vấn
đề tranh chấp biển Đông, chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Truờng Sa.
[58] Để đạt tới mục tiêu này, không những chúng ta cần chú trọng về chất lượng
(thể hiện qua việc viện dân các bằng chứng và thực tiễn pháp lý thông qua các án
lệ của Tòa án Công lý quốc tế và các cơ quan tài phán quốc tế khác) mà còn về
hình thức (sự trích dân các án lệ và các công trình nghiên cứu của các học giả
khác).
Thứ ba, việc đẩy mạnh sử dụng nghiên cứu án lệ cho các môn học thuộc chuyên
ngành luật quốc tế có ý nghĩa tích cực đối với sinh viên việc làm quen và chuẩn bị
cho việc nghiên cứu một số môn học tiếp theo của khoa luật quốc tế,[59] đặc biệt
là thương mại quốc tế (việc nghiên cứu thực hiện thông qua việc tìm hiểu các vụ
việc tranh chấp thương mại quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ cơ chế giải quyết
tranh chấp thương mại quốc tế của WtO).
Thứ tư, việc đưa các án lệ vào trong giáo trình, tài liệu nghiên cứu, giảng dạy là
cần thiết giúp cho chương trình đào tạo chuyên ngành luật quốc tế trở nên gần gũi
với xu hướng chung của các nước. Hiện tại hệ thống các giáo trình tài liệu nghiên
cứu chuyên ngành luật quốc tế thường đề cập không nhiều các án lệ phổ biến trong
luật quốc tế,[60] trong khi đây lại là một điểm chung thường thấy ở đại đa số các
giáo trình, tài liệu nghiên cứu bằng tiếng nước ngoài, do đó sinh viên và cán bộ
nghiên cứu khi ra nước ngoài học tập hoặc tiếp cận với các nguồn tài liệu nước
ngoài thường gặp nhiều bỡ ngỡ trong khi đây lại là một yêu cầu quan trọng các bài
luận (essay hoặcassignments) khi nghiên cứu luật quốc tế nói riêng và pháp luật

nói riêng. Việc làm quen với các án lệ ngay từ bậc học cử nhân trong nước giúp
cho sinh viên và cán bộ nghiên cứu khi ra nước ngoài không mất nhiều thời gian để
tìm hiểu hoặc học lại từ đầu các khái niệm, các án lệ cũng như có khả năng thực
hành nghiên cứu theo tình huống (case study), một phương pháp phổ biến ở các
nền giáo dục tiên tiến.

×