Tải bản đầy đủ (.pdf) (24 trang)

tóm tắt luận án tiến sĩ nhà văn vũ hạnh lí luận, phê bình, nghiên cứu, sáng tác

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (375.9 KB, 24 trang )

1
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Vũ Hạnh thực sự là một nhà văn tiêu biểu của lực lượng Bảo vệ văn hóa dân tộc ở đô
thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975. Trong những cuộc đối thoại văn chương, trong sự
tranh luận về văn hóa dân tộc, trong việc điểm xuyết công trình có giá trị, Vũ Hạnh xuất
hiện với một sự cần mẫn và gan dạ hiếm có. Chính bởi thế, ngày hôm nay, trên đường tìm
lại những giá trị văn học của dân tộc, ta không thể không nhắc đến Vũ Hạnh. Thực hiện đề
tài này, luận án hướng tới các mục đích sau:
- Trước hết là để hiểu và tổng kết một cách toàn diện các thành tựu văn học của Vũ
Hạnh về tất cả các mặt lí luận, phê bình, nghiên cứu và sáng tác văn học.
- Qua nghiên cứu di sản văn học của Vũ Hạnh, chúng tôi có điều kiện để hiểu rõ hơn
về Phong trào Bảo vệ văn hóa dân tộc nói riêng và văn học đô thị miền Nam giai đoạn 1954
- 1975 nói chung.
- Hiện nay, chúng ta đang xây dựng một nền văn học tiên tiến, hiện đại và đậm đà
bản sắc dân tộc thì việc nghiên cứu toàn diện về Vũ Hạnh không những có ý nghĩa với lí
luận, phê bình, nghiên cứu văn học mà phần nào còn có ý nghĩa đối với việc sáng tác và
giảng dạy văn học ở phổ thông và đại học.
2. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng của luận án là những công trình lí luận, nghiên cứu, phê bình, biên khảo
và những tác phẩm văn học của Vũ Hạnh.
2.1. Sách báo hữu quan về lí luận văn học của Vũ Hạnh
Tiểu luận Tìm hiểu văn nghệ (1970) vv
2.2. Sách báo phê bình văn học của Vũ Hạnh
Một vài nhận xét về tình hình văn chương và báo chí năm 1959 (1960); Tình hình
văn nghệ trong năm 1960 (1961); Tiểu thuyết trong năm 1961 (1962); Hoàn cảnh sáng tác
và điều kiện sống hiện thời của văn nghệ sĩ (1962); Sinh hoạt văn học 1963 có gì lạ?
(1964); Vài nhận xét về Đề cương văn hoá của GS. Phạm Đình Ái (1964); Nhận định về
những mâu thuẫn trong quyển “Lược khảo văn học I” của Nguyễn Văn Trung (1964); Mười
năm cầm bút (hồi kí) (1967); Chu Tử và tác phẩm, hiện tượng sách bán chạy của Chu Tử
trong năm 1963 có ý nghĩa gì? (1966); Văn hoá và mạo hoá (1971).


Vũ Hạnh còn phê bình thơ của Thế Viên, Đoàn Thêm, Tường Linh, Nguyễn Phúc;
phê bình truyện của Mặc Đỗ, Đỗ Thúc Vịnh, Bình Nguyên Lộc, Nhật Tiến, Sơn Nam; phê
2
bình kịch của Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng Các công trình này được đăng trên
Bách khoa thời đại, Tin văn, Tân văn chủ yếu trong giai đoạn 1959 đến 1967.
2.3. Sách báo nghiên cứu văn học của Vũ Hạnh
Đọc lại Truyện Kiều (1966); Kim tiền của Vi Huyền Đắc (1960); Tính chất phi
thường trong con người bình thường Thuý Kiều (1970); Khách viễn phương, người là ai?
(1972); Hai nàng Thuý Kiều (1972).
2.4. Các sáng tác văn học
Tiểu thuyết có Lửa rừng (1960); Tính sổ cuộc đời (Cú đấm) (1972); Cô gái Xa Niêng
(1973); Con chó hào hùng (1973).
Truyện ngắn có Bút máu (1958); Miếng thịt vịt (1959); Chất ngọc (1964); Cuôi ba
dùm (1964); Ngôi trường lý tưởng (trích Ngôi trường đi xuống) (1966); Đại lộ nối dài
(1966); Ba ông giáo mới (1966); Một chuyện bể dâu (1966); Tiếng hú trên đỉnh non Chà
Hóc (1967); Mụ Tư Cò (1970); Con ma học trò (1971); Người chồng thời đại (1972);
Những người còn lại (1974)
3. Nhiệm vụ nghiên cứu
Thực hiện đề tài này, luận án hướng tới giải quyết các nhiệm vụ cơ bản sau đây:
- Tìm hiểu những vấn đề cơ bản trong quan điểm lí luận văn học của Vũ Hạnh để
nhìn nhận, so sánh và đánh giá những điểm mạnh, yếu trong nhận thức lí luận của ông.
- Tìm hiểu những vấn đề về phê bình văn học, chúng tôi khái quát lại sự nghiệp của
tác giả và xác định những đặc sắc trong nghệ thuật phê bình.
- Đánh giá đúng mức những sách báo nghiên cứu di sản văn học cổ điển và đầu thế kỉ
XX của Vũ Hạnh.
- Tìm hiểu nội dung và giá trị nghệ thuật trong các sáng tác của Vũ Hạnh nhằm đánh
giá được những cống hiến của ông cho nền văn học hiện đại.
4. Phương pháp nghiên cứu
Luận án vận dụng quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm cơ sở cho hoạt
động nghiên cứu. Việc nhìn nhận, đánh giá tác giả Vũ Hạnh thuộc khuynh hướng văn học yêu

nước ở đô thị miền Nam trong dòng chảy chung của văn học dân tộc sẽ được nhìn nhận một
cách toàn diện. Xác định như vậy, chúng tôi sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
4.1. Phương pháp lịch sử
Đây là một phương pháp nghiên cứu vừa có tính thực tiễn vừa có có giá trị phương
pháp luận khi tìm hiểu về Vũ Hạnh. Sự hình thành phát triển văn nghiệp của Vũ Hạnh đều
3
chịu tác động sâu sắc của những biến cố lịch sử. Nghiên cứu các hiện tượng văn học ở trong
quá khứ, nhất là văn học đô thị miền Nam 1954 - 1975 nếu không đứng trên quan điểm lịch
sử thì chúng ta rất dễ sa vào tư tưởng phiến diện. Cho nên, coi trọng quan điểm lịch sử cũng
là để chúng ta đảm bảo nguyên tắc nhận thức đối tượng theo quan điểm khoa học. Đánh giá
toàn diện nền văn học quá khứ trên quan điểm lịch sử sẽ tạo điều kiện cho chúng tôi có cái
nhìn biện chứng và đầy đủ nhất về lí luận - phê bình văn học của Vũ Hạnh trong đời sống
văn nghệ ở đô thị miền Nam 1954 - 1975.
4.2. Phương pháp nghiên cứu hệ thống - cấu trúc
Văn học miền Nam và văn nghiệp của Vũ Hạnh là một hệ thống cấu trúc gồm nhiều
phương diện, nhiều yếu tố có mối liên hệ phức tạp và luôn biến động. Việc tìm hiểu Vũ Hạnh
như một hệ thống - cấu trúc có nghĩa là phải thấy văn nghiệp của ông bao gồm nhiều bộ phận:
lí luận, phê bình, nghiên cứu và sáng tác văn học. Các bộ phận ấy không tồn tại độc lập mà
luôn vận động bởi tư tưởng thẩm mĩ và môi trường hoạt động nghệ thuật của tác giả. Chúng
lại hoàn toàn có thể được chia thành những yếu tố nhỏ hơn như phê bình văn học lại có thể
tách thành phê bình truyện, thơ, kịch; hoặc nghiên cứu văn học có thể chia thành nghiên cứu
văn học cổ điển và văn học đầu thế kỉ XX.
4.3. Phương pháp văn hóa học
Văn hóa là một lĩnh vực vô cùng rộng lớn và việc đặt lí luận - phê bình văn học của
Vũ Hạnh trong bối cảnh văn hóa - xã hội miền Nam có một ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Phương pháp này sẽ cho chúng ta thấy sự phát triển của văn hóa tư tưởng trong sự tiếp biến
và ảnh hưởng, trong sự đa tạp và thừa hưởng của các hệ tư tưởng chính thống và phi chính
thống, trong sự phồn tạp của các kiểu phong tục, các kiểu lối sống, các kiểu diễn xướng văn
hóa tất cả sẽ được nhìn nhận trong sự sinh động vốn có của nó.
Việc xác định phương pháp nghiên cứu văn hóa học còn có một ý nghĩa lớn là xác

định tính chân thực và tính chất dân tộc của văn hóa văn nghệ miền Nam trên quan điểm và
những giá trị dân tộc - hiện đại.
4.4. Các thao tác phân tích, so sánh, phân loại
Phân tích là một thao tác cơ bản của khoa nghiên cứu văn học. Những vấn đề văn học
sử và lí luận văn học sẽ thiếu sáng tỏ nếu không được phân tích cụ thể. So sánh, phân loại…
cũng vậy. Nhà văn Vũ Hạnh là một tác giả lớn và đa dạng nên khi nghiên cứu cần phải có sự
phân tích, đối chiếu… thì mới thấy hết những nét tiêu biểu, độc đáo của tác giả.
4
5. Đóng góp mới của luận án
Lần đầu tiên nghiên cứu Vũ Hạnh một cách toàn diện và có hệ thống, luận án đã có
những đóng góp sau:
- Trình bày và lí giải những vấn đề cơ bản trong các công trình lí luận văn nghệ của
Vũ Hạnh.
- Khái quát và hệ thống lại những đóng góp về phê bình văn học từ nội dung đến
phong cách của Vũ Hạnh.
- Phân tích nội dung và giá trị trong việc nghiên cứu di sản văn học cổ điển và văn
học đầu thế kỉ XX của Vũ Hạnh.
- Phân tích và lí giải những đặc điểm trong sáng tác của Vũ Hạnh.
6. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận và phụ lục, luận án gồm năm chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu về Vũ Hạnh
Chương 2: Lí luận văn học
Chương 3: Phê bình văn học
Chương 4: Nghiên cứu văn học
Chương 5: Sáng tác văn học
5
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VŨ HẠNH
1.1. Tình hình nghiên cứu ở miền Bắc trước 1975
Vũ Hạnh được các học giả miền Bắc xem như một cây bút hiếm hoi đã dám nói lên
tiếng nói thẳng thắn, trực diện vào đời sống văn nghệ ở đô thị miền Nam. Khi viết cuốn Lịch

sử văn học Việt Nam, tập 6, Nxb Giáo dục, nhóm nghiên cứu của Đại học Sư phạm Hà Nội
gồm Huỳnh Lý, Lê Hoài Nam… đã có những đánh giá khách quan về tác phẩm Bút máu của
Vũ Hạnh. Trong các học giả miền Bắc, đáng chú ý phải kể đến nhận định của Đặng Thai
Mai. Trên tạp chí Văn học, số 7, 1962, Đặng Thai Mai tìm hiểu về Văn học miền Nam dưới
chế độ Mỹ - Diệm và cho rằng Vũ Hạnh là một ngòi bút phê bình được tín nhiệm, là nhà
bình luận khá nghiêm túc, nhà tổng kết bản lĩnh và đi đầu trong các vấn đề văn học…
1.2. Tình hình nghiên cứu ở miền Nam trước 1975
Đầu tiên phải kể đến ý kiến của Phạm Thanh trả lời bài phê bình của Vũ Hạnh (viết
dưới bút danh Nguyên Phủ) trên Bách khoa, 1959. Ông nhận lỗi của mình và “cảm ơn ông
Nguyên Phủ” đã lưu ý tới tập sách Thi nhân Việt Nam hiện đại đầy thiếu sót của ông. Còn
Bàng Bá Lân thì trách Vũ Hạnh đã bỏ hết những lời khen và dụng tâm nhặt toàn những lời
khuyết điểm rải rác đó đây, đem cắt xén, chắp vá lại cho thêm nặng nề và vu cho ông đã
sáng chế ra “Quan điểm phê bình gia tộc” ở trong cuốn Kỉ niệm văn thi sĩ hiện đại (1962).
Trái lại, Lữ Phương thì lại coi Vũ Hạnh như một người “mở đường tinh anh”. Trong
nhiều bài viết, nhà nghiên cứu coi sự xuất hiện thường xuyên của Vũ Hạnh là sự “cần mẫn”
và “gan dạ”, theo sát “hành trình tàn tạ” của văn học miền Nam 1954 - 1975.
Ngay Nguyễn Mộng Giác cũng thấy Vũ Hạnh là một người tinh tế và có tầm bao
quát, đã nhận ra sự suy tàn của văn nghệ miền Nam. Nhà phê bình xác nhận cái chân thực
trong ngòi bút của Vũ Hạnh tuy có lạnh lùng, bi đát nhưng sáng suốt.
1.3. Tình hình nghiên cứu trong cả nước sau 1975
Có thể kể đến các công trình được xem là có chất lượng của các học giả như Trần
Hữu Tá với Văn hóa văn nghệ miền Nam thời Mỹ Ngụy (1977); Trần Trọng Đăng Đàn với
Văn học thực dân mới Mỹ ở miền Nam năm 1954 - 1975, tập 2 (1991) và Văn hóa văn nghệ
miền Nam (2000); Trường Lưu với Văn hóa văn nghệ một thời hai trận tuyến (2001)… đã
đề cập đến Vũ Hạnh. Đặc biệt Trần Hữu Tá đã có những nhận định nghiêm túc về sự nghiệp
của nhà văn. Ông đã xác nhận Vũ Hạnh là một cây bút mở đường tiêu biểu, có những đóng
góp quý báu cho khuynh hướng văn học yêu nước. Nhà nghiên cứu thấy Vũ Hạnh có những
bài phê bình xác đáng, sâu sắc và dũng cảm. Văn chương của Vũ Hạnh giàu cảm xúc và thể
6
hiện vẻ đẹp dân tộc đáng trân trọng.

Trong Thi pháp Truyện Kiều, Trần Đình Sử đã nhận thấy sự sắc sảo và tinh tế của Vũ
Hạnh trong Đọc lại Truyện Kiều: “Vũ Hạnh… đã phân tích sâu sắc, tinh tế nội dung xã hội
cũng như phẩm chất thiên tài của nghệ thuật Truyện Kiều. Đặc biệt ông khám phá những
tình ý ẩn kín dưới dạng vô thức bộc lộ qua những chỗ có vẻ “sơ ý” hay “lỡ tay”… chứng tỏ
sự sáng tạo mới mẻ của Nguyễn Du”.
Mấy năm gần đây, Trần Hoài Anh đã công bố một số công trình nghiên cứu đáng lưu
ý như: Lí luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954 - 1975, NXB Quảng Ngãi, 2009;
Quan niệm về thơ trong lí luận phê bình văn học đô thị miền Nam 1954 - 1975, tạp chí
Nghiên cứu văn học số 8, 2007, trang 60-72; Quan hệ giữa sáng tác với lí luận phê bình văn
học ở đô thị miền Nam 1954 - 1975, tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam số 2, 2008. Nhìn
chung, Trần Hoài Anh đã chú ý nghiên cứu đến các vấn đề cơ bản của lí luận, phê bình văn
nghệ miền Nam, trong đó cho rằng Vũ Hạnh là một tác giả tiêu biểu, đại diện cho khuynh
hướng văn học ảnh hưởng tư tưởng Mác xít ở miền Nam. Nhưng công trình vẫn chưa đi sâu
tìm hiểu về Vũ Hạnh.
Nhìn vào tình hình nghiên cứu văn học ta thấy: Đánh giá toàn bộ giá trị văn học,
nghệ thuật của Vũ Hạnh hiện nay vẫn là một lĩnh vực còn nhiều khoảng trống. Với tầm vóc
lịch sử và sự đóng góp trên nhiều lĩnh vực, Vũ Hạnh xứng đáng để chúng ta lưu tâm và dành
nhiều bút lực hơn nữa. Lần đầu tiên, công trình của chúng tôi tiến hành nghiên cứu một cách
toàn diện văn nghiệp của Vũ Hạnh gồm tất cả các mặt: Lí luận, phê bình, nghiên cứu và
sáng tác văn học. Đây là một công việc thực sự cần thiết nhưng cũng có nhiều khó khăn
phải nỗ lực vượt qua.

CHƯƠNG 2: LÍ LUẬN VĂN HỌC
Cuốn Tìm hiểu văn nghệ (1970) tập hợp các bài viết trên Tin Văn với nhan đề Chín
điểm trong văn nghệ, là công trình tiêu biểu, hội tụ tư tưởng của Vũ Hạnh sau mười năm
cầm bút chiến đấu công khai trên văn đàn. Ngoài ra, công trình Người Việt kì diệu (1973)
cũng góp phần bổ sung làm rõ thêm cho quan điểm văn nghệ dân tộc của ông.
2.1. Đặc trưng của văn nghệ
Về cơ bản, đặc trưng của văn nghệ được Vũ Hạnh nhấn mạnh vào hai phương diện:
Đặc trưng về đối tượng và đặc trưng về phương tiện biểu hiện.

7
Vũ Hạnh cho rằng đối tượng của văn nghệ chính là hiện thực rộng lớn. Nhưng sự
thực trong văn nghệ là sự thực tiêu biểu, phổ quát, mang tính thời đại. Văn nghệ chấp nhận
hư cấu như một thủ pháp để kiến tạo ý nghĩa. Nghệ thuật chủ yếu phản ánh “một quan hệ
người kết tinh trong sự vật” hoặc bản thân con người với những giá trị biểu trưng của nó.
Họ cần phải được mô tả sâu sắc, linh động, “tức là phải thể hiện được cái cá biệt tính với cái
xã hội tính”.
Từ đó, Vũ Hạnh vươn tới những khái quát về hình tượng nghệ thuật mà ông coi như
một dấu hiệu đặc trưng của nhận thức luận văn nghệ. Hình tượng là cách thức thể hiện, là
“cách cảm nghĩ” của nhà văn. Tư duy hình tượng là đặc trưng của văn nghệ. Nó có khả năng
vô hạn trong việc thể hiện đời sống và có thể tác động vào lý trí để tạo ra những suy luận,
những kiến giải sâu xa. Hình tượng nghệ thuật có tác dụng tạo ra xúc cảm nghệ thuật, gợi
lên ở độc giả những xúc động chân thành.
Vũ Hạnh chỉ rõ hình tượng trong văn học phải có đủ tính cách tiêu biểu và linh động
mới là hình tượng hoàn chỉnh. Hình tượng có sự phối hợp nhuần nhuyễn của hai tính chất
tiêu biểu và linh động thì sẽ đạt tới mức điển hình. Điển hình là giới hạn cao nhất của hình
tượng, đồng thời là phẩm chất của nó.
2.2. Văn nghệ với ý thức, tư tưởng
Văn nghệ là một hình trạng ý thức xã hội, nhưng nó không nằm ở những nhận thức
cảm tính, hoặc ý thức thuần túy, mà là sự dung hoà đa dạng và phong phú của tình cảm
(cảm tính) với lý trí (lý tính) và ý thức xã hội. Ý thức nghệ thuật phải gắn liền với hoạt động
của đời sống. Để lý giải cho sự thấm nhuần của các hình thái tư tưởng trong văn nghệ, Vũ
Hạnh cho rằng, chính sự tác động lâu bền của nền tảng luân lí vào trong tư tưởng của con
người, khiến cho khi “bộc lộ ra tác phẩm nghệ thuật”, nó trở thành một trạng thái gần như
vô thức.
Vũ Hạnh cho rằng, yêu cầu trước nhất của tác phẩm là “thời đại tính”. Thời đại tính
gắn liền với ý thức thời đại, là phẩm chất để nâng cao giá trị của văn nghệ. Còn tư tưởng và
tình cảm của nhà văn là hai yếu tố không thể tách rời trong hành trình đi tìm sự sống cho
nghệ thuật. Nhìn vào tiểu thuyết, Vũ Hạnh thấy chính các vấn đề của nội dung tác phẩm có
tác động to lớn tới mọi yếu tố nghệ thuật của văn chương. Cho nên, vấn đề cơ bản mà ông

chỉ ra cho tiểu thuyết là nhân vật và tính luận đề. Từ đó, ông đi đến quan niệm tính vấn đề là
một phẩm chất của tiểu thuyết. Tuy nhiên, do quá mải mê minh chứng về tính luận đề, Vũ
Hạnh phần nào phiến diện trong cách nhìn tác phẩm như một chỉnh thể sống động…
8
2.3. Văn nghệ và hiện thực
Đây là một trong những mối quan hệ chủ yếu của văn nghệ. Khẳng định văn nghệ
thoát thai từ đời sống xã hội, Vũ Hạnh cho rằng văn nghệ cần gắn liền với “cuộc sống lớn
lao, nhọc nhằn nhưng đầy vinh quang”. Thực tế trong văn nghệ thường tô đậm và gợi cảm
hơn ở ngoài đời, hay nói cách khác, sự thực trong văn nghệ cao hơn sự thực ngoài đời. Phản
ánh là bản chất của tác phẩm nghệ thuật. Nhưng không phải văn nghệ phản ánh sự thực một
cách giản đơn, thuần tuý. Nó cần có sự tham gia của ý thức nghệ thuật của nhà văn.
Vũ Hạnh còn thấy, chân thực là một giá trị nhưng chân thực còn mang ý nghĩa là sự
sáng tạo. Mà cội nguồn của sáng tạo là sự rung động nghệ thuật. Văn chương sẽ không phải
là chính nó nếu thiếu sự rung cảm chân thành của người nghệ sĩ. Rung cảm không chỉ là yếu tố
bộc lộ sự thống nhất giữa con người và hoàn cảnh, nội dung và hình thức tác phẩm, mà rung
cảm chính là toàn bộ nghệ thuật.
Vũ Hạnh đi vào phân tích tính chất hiện thực trong thể loại tiểu thuyết, đó là một loại
thể văn chương phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức. Tiểu thuyết bao quát được
một hiện thực vô cùng rộng lớn. Phản ánh hiện thực rộng lớn và đa diện là một ưu thế của
nghệ thuật ngôn từ.
2.4. Chức năng của văn nghệ
Vũ Hạnh luôn chú ý tới khả năng tác động trở lại vô cùng mạnh mẽ của tác phẩm văn
nghệ đối với cuộc sống. Nhận thức rõ vai trò đó, ông cho văn học “là một lĩnh vực cao quý
mà sự tác động của nó có thể cứu dỗi con người khỏi nỗi cô đơn ám ảnh, khỏi sự sa đoạ về
nhân cách”…
Văn nghệ có khả năng tác động lên hầu khắp các giác quan của con người để gợi ra
những ấn tượng cụ thể, sinh động về hiện thực. Nghệ thuật có thể cảm hoá lòng ta và có tác
dụng mạnh mẽ đối với người thưởng thức. Con người làm nên tác phẩm nghệ thuật, còn
nghệ thuật lại cảm hoá nhân tâm bằng tất cả khả năng biểu hiện của mọi thể loại. Văn nghệ
hướng con người tới năng lực tự nhận thức, tự giải toả và tự giáo hoá. Nó nâng cao kĩ năng

cảm nhận đời sống, nó bồi đắp cảm quan, nuôi dưỡng tâm tình. Nhưng cũng có thể thấy, vì
quả mải mê với khả năng nhận thức của văn nghệ, Vũ Hạnh đã không đánh giá một cách
đầy đủ ý nghĩa của các chức năng khác.
2.5. Quan niệm về nhà văn
Vũ Hạnh quan niệm, nhà văn có thể “là cái máy ảnh”, nhưng “một chiếc máy ảnh dù
là tự động, cũng phải cần đến một sự sắp đặt thông minh”. Tán thành quan niệm của
9
Stendhal cho rằng văn nghệ là một chiếc gương di động, Vũ Hạnh còn thấy, “một cái gương
đã biết đi chơi thì đâu còn là cái gương nữa?”. Với người viết văn, phản ánh hiện thực là
một nhiệm vụ trước tiên và cao cả. Nhưng nhà văn cũng phải chủ động và sáng tạo trước
cuộc đời phiền tạp. Do đó, anh ta phải là một nhà khoa học dùng phương pháp nghệ thuật
khám phá cuộc đời và xây dựng con người. Nhà văn là “con người nhưng phải là con người
ý thức”. Vũ Hạnh nhận thấy “kẻ thù thứ nhất và cuối cùng mà nhà văn phải cố tiêu diệt là sự
giả dối ở bản thân mình”.
Khi cầm bút, nhà văn đã xác định được trách nhiệm lớn lao của mình. Vũ Hạnh cho
rằng nhà văn có vai trò lớn đối với tác phẩm, với cuộc đời. Vì thế, ông chủ trương văn nghệ
sĩ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong lĩnh vực mình. Vũ Hạnh xác nhận tác phẩm và
nhà văn không phải là hai cuộc đời độc lập mà luôn có sự liên hệ chặt bền. Nhà văn sáng tạo
ra hình tượng bằng cảm thức tinh tế và nhạy bén của mình. Nhà nghiên cứu đặc biệt chú
trọng đến trách nhiệm của nhà văn đối với xã hội, với thời đại. Quả thực, nhà văn có vai trò
lớn trong việc thực hiện chức năng văn học.
Tuy nhiên, đề cao ý nghĩa xã hội trong văn nghệ, Vũ Hạnh đã có phần phiến diện khi
cho rằng chỉ có hiểu sinh hoạt xã hội, hoàn cảnh sáng tác thì sẽ hiểu được hoàn toàn nhà văn.
2.6. Quan điểm văn nghệ dân tộc
Từ những lí luận có tính chất tiên đề nói trên, Vũ Hạnh cho rằng tính dân tộc là một
phẩm chất của văn nghệ. Đó là sự tích luỹ các đặc trưng riêng của từng giai đoạn rồi trải qua
thời gian nó trở thành cái vốn chung cho cả đời sống vật chất và tinh thần của con người.
Ông cho dân tộc tính là vốn quý của nhà văn. Mỗi nhà văn đều đã thừa hưởng cái vốn chung
phong phú và sâu sắc ấy. Phát huy những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc, mỗi nhà văn phải
tự rèn luyện tài năng, bút lực, phẩm chất và trình độ nghệ thuật để hướng văn nghệ tới một

giá trị ngày càng cao đẹp hơn.
Qua Người Việt cao quý, ông khám phá được “đặc tính uyển chuyển và tinh tế của tâm
hồn Việt Nam”. Trong ngôn ngữ, người Việt thể hiện tinh thần cộng đồng và xúc cảm nghệ
thuật rất tinh tế. Người Việt còn là một dân tộc có một căn bản đạo đức vững vàng. Ông thán
phục ý chí kiên cường bất khuất của dân tộc ta. Đó là sự dung hợp giữa ý chí và năng lực
sống, giữa tình yêu và truyền thống lịch sử…
Từ đó, Vũ Hạnh kêu gọi con người không ngừng học hỏi, phát huy sáng tạo, biến cái
của người thành cái của mình. Vũ Hạnh chú trọng kế thừa và sáng tạo, nhưng phải lấy dân
tộc tính làm bản sắc, lấy “tình tự dân tộc” làm niềm tự hào.
10
Nhìn chung, Vũ Hạnh đã đề cập đến hầu hết các vấn đề cơ bản của văn nghệ, lí giải
chúng một cách cụ thể, rõ ràng và sâu sắc. Những nhận thức mà ông đưa ra không chỉ có
tầm bao quát rộng lớn mà còn giàu tính chất thực tiễn. Trên cơ sở đó, ông nêu bật tính dân
tộc trong văn nghệ. Tuy nhiều nhận định còn phải xem xét lại cho thật chu đáo, nhiều vấn
đề còn đơn giản trong cách trình bày nhưng phải thừa nhận Vũ Hạnh đã có những đóng góp
tích cực cho sự phát triển của dòng văn nghệ tiến bộ, dân tộc và cách mạng ở miền Nam
Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975.
CHƯƠNG 3: PHÊ BÌNH VĂN HỌC
3.1. Nhận định chung về đời sống văn học miền Nam 1954 -1975
Trong các bài viết của mình, Vũ Hạnh đã nhận thấy một diện mạo thiếu sức sống của
nền văn nghệ miền Nam. Sự héo hắt ấy là hậu quả của quan điểm “chính trị chỉ huy văn nghệ”.
Cứ mỗi năm một lần ta lại thấy tác giả buồn rầu tổng kết trên Bách khoa thời đại: “Suốt trong
năm… không có tác phẩm nào phản ánh được thời đại, đánh dấu được xã hội chúng ta trong
mấy năm nay về một khía cạnh rộng lớn nào”. Những sáng tác văn chương đang dần xa lìa đời
sống nhân sinh để tìm về cõi phù thế một cách không thể nào cưỡng lại được.
Những sáng tác mà Vũ Hạnh dụng tâm phê bình chủ yếu là những sáng tác có tính
chất tiêu biểu mang được đôi nét tiến bộ trong nền văn nghệ miền Nam.
3.2. Phê bình truyện của Đỗ Thúc Vịnh và Sơn Nam
Trong các sáng tác tiêu biểu của Đỗ Thúc Vịnh có bộ ba tiểu thuyết Dì Mơ (1959),
Mùa ảo ảnh (1963), Những người đang tới (1964), là ít nhiều có giá trị còn phần nhiều đã

rơi vào quên lãng. Tuy là ba tác phẩm khác nhau, nhưng cả Dì Mơ, Mùa ảo ảnh và Những
người đang tới đều khai thác một đề tài chung là người trí thức trong sự biến động của cuộc
sống. Vũ Hạnh cho rằng “ba tác phẩm này ghi lại một số sự việc ở trong tình trạng đất nước
chuyển biến, khoảng trên hai chục năm nay…”, vì thế nó mang được dấu ấn thời đại rất
phong phú. Vì là những cuốn tiểu thuyết xã hội nên chúng không thể tránh được tính chất
luận đề thường thấy. Từ Dì Mơ với hình ảnh nhân vật Văn “luôn luôn với những hoài nghi,
thắc mắc” về đời nhưng cũng đang hoài nghi chính bản thân mình, đến những Hoàng,
Phong, Sơn, Mai Khanh trong Những người đang tới loay hoay tìm đường… đều thể hiện
tính chất luận đề rất rõ.
Còn với Sơn Nam, sự ra đời của Chim quyên xuống đất và Hình bóng cũ vào những
năm 1963 - 1964 là một bổ sung đáng kể cho tư tưởng nghệ thuật của ông. Hai tác phẩm là
hai khung giá trị khác nhau. Vũ Hạnh chỉ ra: “Ở Chim quyên xuống đất, tác giả viết về anh
11
Sĩ nhưng điều đáng tiếc là không hiểu rõ được anh Sĩ - hoặc không dám hiểu anh ta nên chỉ
vẽ một nhân vật chơi vơi, ngơ ngác trước cuộc đời”. Nếu Chim quyên xuống đất khai thác
đề tài một loại trí thức nửa mùa thì Hình bóng cũ (1964) lại hướng tới những mâu thuẫn
trong nông thôn Việt Nam một thời. Với khả năng bao quát rộng lớn, Sơn Nam đã tạo được
ấn tượng đối với người đọc bằng cách tiếp cận hiện thực riêng của mình.
3.3. Phê bình thơ của Đoàn Thêm, Thế Viên, Tường Linh
Tập Từ Thức của thi sĩ Đoàn Thêm đã tạo ra “sự bỡ ngỡ trước một cái gì có vẻ qui
mô, và sau đó là rất nhiều nghi vấn”. Vũ Hạnh đánh giá cao ba tiếng “kẻ tìm đường” khiêm
tốn nằm dưới cái nhan đề Từ Thức “in bằng những nét đậm đà”. Từ Thức “như một cái cớ
để nói sự đời và xem dã sử, cổ tích để mở một con đường cho văn nghệ là quay về với vốn
cổ dân tộc để phục hồi, cải tiến hầu gây nên những chuyển hoá thâm trầm trong lòng dân
tộc”.
Còn với Người yêu tôi khóc, Vũ Hạnh thấy Thế Viên có một thái độ phiếm định
trong những điều nghĩ và những điều nói. Khóc mà không biết khóc ai, Thế Viên tỏ ra
“ngây ngô” trong ái ân và “vụng về” trong hờn dỗi.
Với Tường Linh lại khác. Tác giả của Trăng treo đầu súng đã cố gắng đem đến cho
ta một thứ tình yêu lắm vẻ, nhiều màu và thoát được “cái khuôn sáo đơn điệu của những bản

năng thèm muốn tình yêu hạ cấp”. Tường Linh thật có đủ thiện chí nhưng còn thiếu tầm
nhìn. Và đó là một hạn chế cố hữu.
3.4. Phê bình kịch của Vũ Khắc Khoan và Nghiêm Xuân Hồng
Đây là loại phê bình mà Vũ Hạnh bỏ ra nhiều công sức nhất. Vở Thành cát Tư Hãn
của Vũ Khắc Khoan là một đỉnh cao của nền văn nghệ miền Nam. Mọi vấn đề của vở kịch
đều hội tụ vào một nhân vật Sơn Ca. Nhà phê bình thấy “linh hồn của vở kịch chính là nhân
vật Sơn Ca. Vấn đề của nhân vật ấy chính là chủ đề, nội dung của tác phẩm”. Đi tìm sự
thống nhất về mặt tư tưởng, Vũ Hạnh phát hiện ra một điều lí thú là “nếu đem tất cả nhân
vật của kịch sắp xếp theo một hệ thống ý thức của chính tác giả, ta có thể nhận thấy toàn bộ
các nhân vật ấy là một con người”. Nhưng nếu nội dung kịch khiến cho bố cục tác phẩm trở
nên nặng nề thì tác giả đã cố gắng bù lại bằng lời văn trau chuốt và nhiều thủ thuật, tiểu xảo
của sân khấu tạo nên dư vị hồi hộp, hấp dẫn.
Còn Người viễn khách thứ mười của Nghiêm Xuân Hồng đã hướng tới chủ điểm về
tình yêu. “Tất cả tình tiết éo le, gay cấn… đều xoay quanh chủ điểm tình yêu: Tình yêu thơ
mộng, tình yêu ngang trái, tình yêu sôi nổi, tình yêu ân tình, nhưng rõ rệt nhất là tình yêu
12
tuyệt vọng”. Vũ Hạnh cũng thấy trong Người viễn khách thứ mười không chỉ có đau khổ vì
tình. Họ còn gặp nhau ở điểm khác là cái “tâm hồn mộng tưởng”.
Theo ông, hai vở kịch Người viễn khách thứ mười và Thành Cát Tư Hãn là “hai nét
lớn của một tâm trạng, là hai giai đoạn của một cuộc đời. Chúng đều nhằm hoàn thành một
quan niệm sống, “từ chỗ muốn gượng đứng lên đến chỗ ngã xuống vĩnh viễn”.
3.5. Phê bình sách báo biên khảo, nghiên cứu, tuyển chọn
3.5.1. Về Thi nhân Việt Nam hiện đại của Phạm Thanh, Khai Trí xb (1959)
Tập thi tuyển của ông Phạm Thanh được Vũ Hạnh coi là một dấu hiệu của “sự loạn lạc
trong văn nghệ”. Ông phê bình tư tưởng của kẻ biên soạn cuốn sách đã mất hết “thể diện”, đổi
trắng thay đen, “chuốc lục tô hồng” để đề cao các “thi sĩ” của chúng ta thì ít mà vì mục đích
kinh tế thì nhiều. Ông Phạm Thanh trong khi giới thiệu và tuyển chọn đã “vô tình hay cố ý”
làm “nhuốc nhơ”, tủi hổ thêm cho những thi sĩ - hay đúng hơn, những kẻ tự nhận mình là thi
sĩ. Ông chỉ ra rằng, cho dù cái hình thức có hào nhoáng thì cũng không thể che đậy được cái
nội dung “nhầy nhụa” kia.

3.5.2. Về bài thuyết trình Viễn tượng văn nghệ miền Nam của Trần Thanh Hiệp (1960)
Phê bình ông Trần Thanh Hiệp, Vũ Hạnh không chỉ nhằm chỉ rõ những nhận định,
thiếu sót của ông, mà còn nhằm làm lu mờ hình ảnh của nhóm Sáng tạo (mà đại biểu là ông
Trần Thanh Hiệp) đang lũng đoạn nền văn nghệ.
Thứ nhất: Một thuyết trình viên thiếu tinh thần trách nhiệm. Không đồng ý với thái
độ của ông Hiệp, Vũ Hạnh cho rằng, diễn giả đã không chỉ thiếu tinh thần xây dựng mà còn
“quên hẳn vai trò chủ động” của một diễn giả, đó là quan niệm cầu toàn và “thiếu tinh thần
trách nhiệm”.
Thứ hai: Những lập luận thiếu sót và sai lầm. Phê phán lập luận “vấn đề văn nghệ và
thời đại của nước ta không có gì là trầm trọng”, Vũ Hạnh phủ nhận hoàn toàn quan điểm
“văn nghệ miền Nam không có quá khứ” của ông Trần Thanh Hiệp. Ông đúng là một kẻ có
tinh thần vong bản, một hạng “tôi đòi văn hoá” bậc thầy ở miền Nam. Nhà phê bình cho
rằng ông “ngoài cái tính chất nông nổi còn có một ý nghĩ ngược lại với nguyện vọng chung
của dân tộc là thống nhất đất nước”.
3.5.3. Về cuốn Viết và đọc tiểu thuyết của Nhất Linh, Trí Đăng xuất bản, 1962
Viết và đọc tiểu thuyết là chút kinh nghiệm làm văn mà Nhất Linh gửi lại cho đời.
Nhưng bản thân cuốn biên khảo không cứu vãn được sự lụi tàn trong con người tác giả. Bởi
chính nó không mang được giá trị “chỉ đường” thật sự.
13
Thứ nhất, Vũ Hạnh không đồng ý với thái độ chỉ dẫn của ông Nhất Linh. Định hướng
đầy thiện chí nhưng lại vô trách nhiệm trong khi thực hiện. Việc nhà phê bình nghĩ đến tác
giả Đoạn tuyệt viết quyển biên khảo này chỉ nhằm giải toả cái tâm tư của chính mình là hợp
lý. Nhưng, sai lầm lớn nhất của ông Nhất Linh trong cuốn sách này là quan niệm về tiểu
thuyết. Nhất Linh đưa ra một định nghĩa mà tính chất mơ hồ trong trong nhận thức còn đi xa
hơn khi ông bàn về đối tượng sáng tác: “Một cuốn sách hay phải có giá trị trong không gian
và thời gian”. Ông Nhất Linh không hiểu rằng lấy không gian và thời gian làm giá trị là ông
đã cho tác phẩm một giới hạn lịch sử. Nó chỉ có giá trị đối với người “ham chơi đồ cổ” mà
thôi. Nhất Linh chủ yếu chỉ chú ý đến sự thực của cá nhân, của con người cá thể nhỏ bé, đơn
côi chứ không có một ý niệm nào về con người xã hội, con người của cuộc sống lớn lao.
Quá chú trọng tả thực, thực chất Nhất Linh đã rơi vào quan niệm hình thức chủ nghĩa và

không sao thấu hiểu được hết con người. Khái niệm của Nhất Linh đã gián tiếp thừa nhận
“quan điểm nghệ thuật tháp ngà, nghĩa là ngồi yên một chỗ để mà suy tưởng ruột gan thiên hạ”.
3.5.4. Về Lược khảo văn học I của Nguyễn Văn Trung, Nam Sơn xb, 1962
Vũ Hạnh xác nhận: Lược khảo văn học I đã có được những thành công cơ bản, vượt
hẳn những công trình biên khảo trước đó. Nhưng nó vẫn không tránh khỏi có những thiết
sót và sai lầm. Ông cho rằng Nguyễn Văn Trung đã nhận thức vấn đề không rạch ròi dẫn
đến những mâu thuẫn cơ bản: (1) Mâu thuẫn trong quan niệm về vai trò của lý luận phê
bình; (2) Mâu thuẫn trong việc xác nhận ý nghĩa cho tác phẩm; (3) Mâu thuẫn về tính giai
cấp trong văn nghệ; (4) Mâu thuẫn trong vai trò của người cầm bút; (5) Mâu thuẫn về quyền
xét đoán luân lí. Tuy nhiên vẫn thừa nhận Lược khảo văn học I đã có những đóng góp rất
đáng ghi nhận trong đời sống văn nghệ miền Nam.
3.6. Nhận định chung về phong cách phê bình của Vũ Hạnh
3.6.1. Tinh thần nghiên cứu trung thực và khách quan
Trong các vấn đề văn học, Vũ Hạnh luôn tôn trọng sự trung thực của các hiện tượng.
Lấy khách quan để duy trì sự trung thực và sự trung thực nâng cao tinh thần khách quan
khoa học, nhà phê bình đã đem lại cái nhìn tương đối toàn diện về các vấn đề văn học. Tính
trung thực trong nghiên cứu còn được thể hiện ở việc ông luôn chú trọng đến các hiện tượng
chính của sinh hoạt văn nghệ như: Hiện trạng văn chương, báo chí, biên khảo, dịch thuật…
3.6.2. Năng lực hệ thống hoá các vấn đề văn học một cách khoa học
Vũ Hạnh không chỉ có năng lực hệ thống các sáng tác phẩm và sinh hoạt văn nghệ
trong năm mà còn khám phá tính chỉnh thể trong một tác phẩm văn học cụ thể. Trong những
14
lời nhận xét khái quát của ông bao hàm một dung lượng lớn các yếu tố trong hệ thống, từ
nội dung đến hình thức thể loại và tính sinh động của nó… Vì thế, những nhận định của ông
có một tầm bao quát rộng lớn. Nhưng đáng nói hơn là năng lực tổ chức một bài phê bình.
Đó không đơn thuần chỉ là một bài định giá tác phẩm mà là sự khám phá vào cấu trúc của
hệ thống tác phẩm với những vận động nghệ thuật tinh vi của nó.
3.6.3. Ngòi bút phê bình trực diện, mạnh mẽ và kịp thời
Trước trào lưu tư tưởng vong bản và cuồng loạn, Vũ Hạnh đã cất lên tiếng nói thẳng
thắn, trực diện và kịp thời nhằm lên án và kêu gọi những người có lương tâm và có nhiệt

tình với nghệ thuật phải bày tỏ thái độ quyết liệt của mình. Các bài tổng kết hàng năm,
không ít thì nhiều đều tỏ rõ một thái độ không hề khoan nhượng, không hề e sợ đối với
những loại văn hoá phẩm suy đồi đội lốt nghệ thuật.
3.6.4. Ngòi bút sâu sắc và nhạy cảm với các vấn đề văn học
Ngòi bút Vũ Hạnh không chịu dừng lại ở những phát hiện về nhân vật và thế giới
nghệ thuật mà luôn luôn hướng tới những khám phá về đời, tìm kiếm những giới hạn của
chiều sâu tác phẩm. Phê bình không chỉ để nhận định về những ưu nhược của tác phẩm mà
còn là dịp để đánh giá người sáng tạo, từ đó tự “làm mới” chính mình.
3.6.5. Ngôn ngữ phê bình giàu sắc thái biểu cảm
Trong các công trình phê bình văn học của mình, Vũ Hạnh đã sớm xác định một
phương thức thể hiện riêng, mang đậm dấu ấn cá nhân. Ta có thể thấy trong ngôn ngữ phê
bình của ông đã bộc lộ một thái độ thẳng thắn và giàu cảm xúc. Đó là một hệ thống ngôn
ngữ giàu sắc thái. Phê bình vì thế đã có được sức sống nội tại, sức sống từ một tâm hồn tràn
trề nhiệt tình và một ý thức nghệ thuật sâu sắc.
Có thể nói, những bài tổng kết tình hình văn học, những bài phê bình các công trình
của Vũ Hạnh đã giúp chúng ta có một cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn về nền văn nghệ ở
đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975. Từ đó, ta có thêm cơ sở để nhìn lại nó, nhận lại
những gương mặt đã góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn nghệ nước nhà.
CHƯƠNG 4: NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
Vẫn biết rằng tính hiện đại của phê bình không phải chỉ ở đề tài đương đại mà ở chủ
đề, cho nên có thể phê bình tác phẩm quá khứ miễn là có sự liên hệ trực tiếp với các vấn đề
trong văn học đương đại. Tuy nhiên, trong trường hợp của Vũ Hạnh, ta thấy khối lượng
những bài phê bình đã quá phong phú. Vì vậy, chúng tôi tạm xem những sách báo ông viết
về di sản văn học dân tộc là phần nghiên cứu, nên tách ra thành mục riêng. Tất nhiên, việc
15
nghiên cứu di sản văn học quá khứ của Vũ Hạnh cũng có thể chia thành hai phần là di sản
văn học đầu thế kỉ XX và phần tinh hoa của văn học cổ điển dân tộc: Truyện Kiều của
Nguyễn Du.
4.1. Về một thành tựu văn học đầu thế kỷ XX: Vở Kim tiền của Vi Huyền Đắc
Vũ Hạnh đã nhận thức tác phẩm dưới quan điểm nghệ thuật hành động. Ông muốn

tác phẩm phải thể hiện được giá trị nhân sinh của cuộc đời, làm thay đổi cuộc sống của
chúng ta không chỉ trước đây mà ngay cả hôm nay. Nhà nghiên cứu không hài lòng với kết
cấu hai chiều của Kim Tiền mà ông cho rằng cần có một nhận thức quyết liệt của người làm
văn nghệ. Cấu trúc của vở kịch đã không định được giá trị của nó trong bối cảnh văn hóa
mới. Vì thế, giá trị của Kim tiền còn ít nhiều hạn chế.
Nhận định về hành động kịch, Vũ Hạnh thấy dấu ấn của tư tưởng tác giả trong từng
xung đột. Vi Huyền Đắc đã tạo cho tác phẩm một luận đề tư tưởng bằng cách tập trung khai
thác tính kịch. Tác phẩm trở thành một hệ thống mà các yếu tố đều có sự tương hỗ với nhau.
Chính điều đó làm nên hứng thú của kịch. Thành công về nhân vật cũng là cơ sở để xem xét
độ bền vững của tác phẩm. Vở kịch mang dấu ấn hiện thực trên từng lời thoại. Nhân vật
không xa lạ mà trở nên gần gũi, không gân guốc mà rất thân thiện…
4.2. Biểu dương đỉnh cao của văn học dân tộc: Truyện Kiều của Nguyễn Du
4.2.1. Tình hình nghiên cứu Truyện Kiều ở miền Nam và sự ra đời của công trình Đọc
lại Truyện Kiều
Trong giai đoạn 1954 - 1975, ở miền Nam có nhiều nhà nghiên cứu phê bình về
Truyện Kiều, một số công trình đã có những thành công nhất định. Có thể kể đến Trần
Thanh Hiệp với Để giải quyết mâu thuẫn trong Đoạn trường tân thanh; Nguyên Sa với
Nguyễn Du trên những nẻo đường tự do; Lý Văn Hùng và Bùi Hữu Sủng với Nghệ thuật
Vang và Bóng trong Truyện Kiều; Trần Ngọc Ninh với Ý nghĩa của Truyện Kiều trong
truyền thống dân gian; Nguyễn Văn Trung với Đặt lại vấn đề Truyện Kiều.
Đọc lại Truyện Kiều là tác phẩm tập hợp các bài viết của Vũ Hạnh về Truyện Kiều từ
1963 đến 1966, được Cảo Thơm xuất bản năm 1966 để kỉ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn
Du (dù đã cố gắng nhưng cuốn sách ra đời vẫn muộn một năm). Tác phẩm đã chứng tỏ được
sự sáng tạo độc đáo của Vũ Hạnh.
4.2.2. Giá trị của Đọc lại Truyện Kiều, 1966
Trong công trình này, Vũ Hạnh đã đặt ra những vấn đề khá mới mẻ, với cách trình
bày vấn đề độc đáo, khác lạ.
16
4.2.2.1. Đôi mắt nàng Vân, nàng Kiều
Vũ Hạnh đặt vấn đề nghiên cứu đôi mắt nàng Vân, nàng Kiều không phải vì đôi mắt

là “tấm gương soi phản chiếu linh hồn”, hay vì Nguyễn Du chỉ tả đôi mắt Thuý Kiều mà
không tả đôi mắt Thuý Vân. Vấn đề ở đây là đôi mắt trong sự liên hệ với thái độ sống của
nhân vật, đến tính cách của Thuý Vân và Thuý Kiều. Tả hay không tả đôi mắt đã nằm trong
ý đồ nghệ thuật của nguyễn Du.
Đôi mắt Thuý Vân là đôi mắt quen với những trật tự, những rập khuôn kiểu cách,
quan trọng hơn, đôi mắt thể hiện sự trống rỗng của tâm hồn. Nhưng với Kiều, Vũ Hạnh
thấy, trong từng cái nhìn của Kiều có sự chỉ dẫn của trái tim đa sầu, đa cảm, khao khát tự do
và mong muốn vươn lên. Vũ Hạnh thấy rằng, trong mỗi ánh nhìn, Thuý Kiều đều đã để vào
đó toàn bộ năng lực sống của lòng mình.
4.2.2.2. Đứa con của nàng Kiều
Kiều có con là một giả định nghệ thuật được Vũ Hạnh đặt ra nhằm phát hiện những
bi kịch sau khi đoàn viên của nàng Kiều. Cái nhìn của nhà nghiên cứu khiến ta nhận ra “đứa
con của nàng Kiều” không có ở trong tác phẩm không phải vì tác phẩm cổ điển không có
“chỗ” cho con trẻ mà bởi vì ý đồ nghệ thuật của cụ Tiên Điền. Kiều có con sẽ là một “báo
hại” to lớn cho nội dung tác phẩm.
Vũ Hạnh phân tích nỗi đau lớn lao, nỗi tuyệt vọng vô hạn của nàng Kiều không chỉ ở
trong kiếp đoạn trường đã qua mà còn ở trong sự “tái hợp” vừa đến. Thực ra, sau sự kiện
này, Kiều chỉ còn lại một nỗi trống vắng mênh mông. Những kẻ vô tình, nào có ngờ rằng
“khi xếp sách lại, một nỗi khổ khác của Kiều - dằng dặc, mênh mông - mới lại bắt đầu”. Cái
màn tái ngộ cuối cùng như một tặng thưởng chẳng khác nào một thứ “huy chương giả”.
4.2.2.3. Từ Hải, sự lỡ tay của thiên tài
Vũ Hạnh xem Từ Hải xuất hiện trong tác phẩm là một sự “lỡ tay”, một sự “quá đà”
của thi hào Nguyễn Du. Từ Hải là một giá trị mới được thoát thai từ tâm thức của tác giả, là
hình ảnh mang những ám ảnh từ miền tiềm thức và vô thức của Nguyễn Du. Điều này khiến
cho Từ Hải trở nên phi thực. Tác giả băn khoăn “phải chăng Từ là hiện thân của một giấc
mộng anh hùng” mà cụ Tiên Điền đã gửi gắm vào trong nhân vật của mình.
4.2.2.4. Những khuôn mặt tình yêu trong Truyện Kiều
Tình yêu là một vấn đề lớn của Truyện Kiều. Từ những “khuôn mặt” ái tình khác
nhau, nhà nghiên cứu tìm về một “khuôn diện” lí tưởng trong tình yêu. Vũ Hạnh thấy: “Nếu
17

Kim Trọng biểu hiện cho phần tình cảm, Thúc Sinh đồng nghĩa với tính dục bản năng, thì
Từ Hải là lí trí”. Người tình nhân lí tưởng của Kiều phải hội đủ ba phẩm chất ấy.
Sự thiếu vẹn toàn trong tình yêu và sự lệch lạc không thể bù đắp trong ái tình của tác
phẩm đã dẫn đến bi kịch. Tình yêu hoàn chỉnh “đòi hỏi phối hợp ý chí, tâm tình, phối hợp
thân xác để hướng về một phối hợp năng lực cho đời”.
4.2.2.5. Trường hợp hai Nguyễn Du của Đoạn trường tân thanh
Bài viết đã khám phá tư tưởng nghệ thuật ở hai bình diện: Ý thức và tiềm thức. Có thể
nói, con người Nho sĩ ở trong Nguyễn Du đã chi phối lên tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm.
Con người ấy tạo ra một hệ thống hình tượng để bảo vệ cái thành trì tư tưởng, cái chế độ xã
hội mà mình đã được hưởng mọi lợi quyền. Nhưng cái tiềm thức được nuôi dưỡng bởi khát
vọng cuộc đời ở trong Nguyễn Du - con người Nhân bản, đã tạo nên sự sáng tạo cho những
nhân vật Thúy Kiều, Từ Hải. Họ là hiện thân cho ước vọng bị đè nén bấy lâu ở trong tác giả.
Cho nên, các nhân vật Truyện Kiều là sự kết tinh của ý thức sâu xa về người và giá trị người.
4.2.3. Một số vấn đề của Đọc lại Truyện Kiều lần thứ hai
Đọc lại Truyện Kiều lần thứ hai là cách nói của tờ báo Bách khoa để chỉ các bài viết
của Vũ Hạnh sau khi Đọc lại Truyện Kiều xuất bản vào năm 1966. Cả ba bài viết sau này
đều chung một ý hướng là “làm mới” Truyện Kiều. Trong bài Tính chất phi thường trong
con người bình thường Thuý Kiều, nhà nghiên cứu thấy Thuý Kiều có hai phẩm chất đặc
biệt tương phản nhau: Bình thường và phi thường. Hai phẩm chất này không xung khắc mà
tạo thành một sự thống nhất cao độ bằng tài năng Nguyễn Du. Với Hai nàng Thuý Kiều, tác
giả khám phá ra những điểm sáng tạo trong ngòi bút Nguyễn Du. Từ Thuý Kiều của Thanh
Tâm Tài Nhân “còn đậm màu hiện thực và thô ráp, thiếu hẳn tính thẩm mỹ và ý nghĩa tiêu
biểu đến Thuý Kiều của Nguyễn Du có sự nhất trí, đẹp đẽ hơn nhiều, quý giá hơn nhiều…”.
Trong Khách viễn phương, người là ai? Vũ Hạnh lại thấy, vị khách ấy mang màu sắc điển
hình của một lớp người ở trong hiện thực đã xuống dốc, lớp người “vứt bỏ kinh sách chạy
theo nhan sắc, dẹp bỏ đạo lý chạy theo đồng tiền, mỗi ngày mỗi bỏ thánh hiền lại phía sau
xa, mỗi ngày mỗi quên vai trò rường cột chống đỡ mái nhà triều đại”.
4.3. Khái quát về văn phong nghiên cứu của Vũ Hạnh
Có thể nói, Đọc lại Truyện Kiều là một công trình đã thể hiện được một cách rõ ràng
nhất con người Vũ Hạnh. Bằng sự tinh tế và nhạy cảm của mình, nhà nghiên cứu đã đưa

chúng ta đi kiếm tìm những giá trị mới cho tác phẩm.
Thủ pháp phân đôi chủ thể bằng cách đưa ra một con người mới, tương phản với con
người đã có và khéo đặt nó vào trong những chỗ “sơ ý”, “lỡ tay”, đã khiến Vũ Hạnh tìm ra
18
những giá trị mới, ý nghĩa mới. Đặc biệt, ông đã tạo cho mình một văn phong nghiên cứu
riêng, độc đáo, giàu cá tính. Các bài viết của ông sự kết hợp của ngôn ngữ chính luận và
ngôn ngữ nghệ thuật. Tác giả luôn có ý thức tạo cho mình một ấn tượng đặc biệt bằng việc
“làm mới” ngôn từ. Nhưng có lẽ, ấn tượng nhất là những lời bình có tầm bao quát rộng lớn,
nó chứng tỏ một năng lực thẩm định tinh tế và nhạy cảm cùng với một nhận thức thẩm mĩ vô
cùng sắc sảo. Và bao trùm trong các bài nghiên cứu phê bình của Vũ Hạnh về tác phẩm vĩ đại
của dân tộc là một tư duy nghệ thuật có chiều sâu văn hóa, lịch sử.
Qua công trình nghiên cứu tiêu biểu là Đọc lại truyện Kiều, Vũ Hạnh đã góp thêm
một tiếng nói, đồng thời trau dồi vốn sống nghệ thuật của mình và làm rạng rỡ thêm cho lâu
đài nghệ thuật Truyện Kiều. Sự tự tin trong khoa học của ông đã cổ vũ cho lòng tự hào dân
tộc - một “kích thích tố” vô cùng cần thiết cho nền văn nghệ miền Nam trong giai đoạn này.

CHƯƠNG 5: SÁNG TÁC VĂN HỌC
Vũ Hạnh trong quá trình hoạt động của mình đã để lại nhiều sáng tác văn học độc
đáo, có giá trị nghệ thuật. Các tác phẩm của ông như truyện ngắn Bút máu (1958), truyện
dài Lửa rừng (1960), các tập truyện ngắn Vượt thác (1963), Chất ngọc (1964) và một loạt
tác phẩm sau này như truyện vừa Ngôi trường đi xuống (1966), truyện dài Cú đấm, Người
chồng thời đại (1972), Con chó hào hùng (1973) và tiểu thuyết Cô gái Xa Niêng (1973)
đặc biệt là Bút máu đã tạo được sự chú ý trong giới văn nghệ và công chúng. Sáng tác của
ông đã thể hiện bản sắc dân tộc và tinh thần nhân bản. Điều đó được cụ thể hóa trong các
vấn đề cơ bản sau đây:
5.1. Đề tài, chủ đề
5.1.1. Đề tài miền núi
Qua các tiểu thuyết Lửa rừng (hay Chuyện về nàng Y Kla, 1960); các truyện ngắn
Mùa xuân trên đỉnh non cao (1962); Tiếng hú trên đỉnh non Chà Hóc (1967); tiểu thuyết Cô
gái Xa Niêng (1974)… Vũ Hạnh đã tái hiện lại đời sống dữ dội của đồng bào Tây Nguyên

bằng một tình yêu và sự thán phục chân thành. Ông đã bao quát được hiện thực đấu tranh
của người miền núi bằng cái nhìn khám phá và bằng tình yêu và sự cảm phục chân thành.
5.1.2. Đề tài dã sử
Vũ Hạnh cũng tìm đến những cảm giác lạ lẫm của người đọc về hiện thực cuộc đời
trong một thế giới thuộc về quá khứ đã xa vời. Cũng như Viễn Phương với Sắc lụa trữ La,
nhà văn đã tái hiện một không gian huyền thoại bằng một cái nhìn giả tưởng về hiện thực.
19
Từ Chất ngọc đến Vượt thác và Con chó hào hùng… để rồi hội tụ lại trong Bút máu như là
điểm nhấn nghệ thuật. Đề tài này đã tạo nên nhiều cảm xúc ở nơi người đọc và đã gián tiếp
gửi đi một thông điệp đầy tính sáng tạo.
5.1.3. Đề tài thế sự
Với mảng đề tài này, Vũ Hạnh đã thể hiện một nhận thức đa dạng về thế giới nghệ
thuật. Các sáng tác: Cú đấm (đăng lần đầu trên Tin sáng những năm 1970 - 1971, sau đổi
tên thành Tính sổ cuộc đời - 1990); Ngôi trường lí tưởng (đăng trên Bách khoa năm 1966),
Một chuyện bể dâu (Bách khoa năm 1966), Ba ông giáo mới (Tin văn 1966), Đại lộ nối dài
(Tin văn khởi đăng từ số 7 năm 1966) đến những tác phẩm như Người chồng thời đại
(1972)… đã khắc họa được sự đa dạng của hiện thực đời sống. Vũ Hạnh giúp người đọc
nhận thấy những mối lo toan thường nhật của con người đời thường đồng thời khéo léo nhắc
nhở ý thức dân tộc trong mỗi một hình tượng nghệ thuật.
5.2. Nhân vật
5.2.1. Nhân vật sử thi gắn liền với truyền thống văn hóa dân tộc
Nhân vật sử thi trong những sáng tác của Vũ Hạnh luôn thể hiện được nhận thức đa
dạng của nhà văn. Tác giả tìm đến nhân vật không chỉ với khát vọng lí giải thế giới mà quan
trọng hơn là nhằm nâng cao giá trị lịch sử. Đưa nhân vật trở thành một vấn đề trung tâm của
tác phẩm văn học, nhà văn đã tiến tới kiến giải tư tưởng bằng những nhận thức nhân sinh.
Trong thế giới nghệ thuật của nhà văn, hình ảnh những con người gắn liền với núi
rừng là một hình ảnh được trở đi trở lại. Dấu ấn nhân vật loại này thực sự đậm nét trong
hình ảnh nhân vật sơn nữ hay cô gái Thượng, mang trong mình dường như trọn vẹn cái vẻ
hoang dại của núi rừng. Nhân vật cô gái Xa Niêng trong Cô gái Xa Niêng và nhân vật Y Kla
trong tiểu thuyết Lửa rừng là một ám ảnh khắc khoải về một thế giới bí ẩn mà những con

người văn minh chưa từng trải qua. Họ là một thái cực hoàn toàn khác so với những gì mà
đa phần thế giới văn minh từng chứng kiến. Đọc Vũ Hạnh, ta chợt nhận thấy có một sự giao
thoa về mặt văn hóa, một sự tương ngẫu trong ý thức về cội nguồn.
5.2.2. Nhân vật thế sự
Nhân vật trong tác phẩm của Vũ Hạnh luôn có nhu cầu muốn thể hiện nhận thức của
mình với thế giới. Những con người ấy được tạo dựng bằng một nhãn quan thẩm mĩ có tính
nhân sinh và một niềm say mê lạ thường. Nhưng có lẽ rõ ràng nhất cho một hiện thực đới
sống miền Nam đang trên con đường Tây hóa là tác phẩm Cú đấm. Nhân vật Hoàng ở trong
câu chuyện đã nhìn lại mình trong suốt những năm tháng đã qua và rút ra những bài học
20
cuộc đời. Tác phẩm đã đặt ra cho mỗi người có ý thức dân tộc một câu hỏi lớn về trách
nhiệm của mình trong cuộc đời và nhận thức về giá trị nhân sinh.
Cho nên, thành công lớn nhất ở trong tác phẩm là việc xây dựng biểu tượng con
người thiếu lí tưởng trong hành trình đi tìm giá trị sống. Ngoài ra, dấu ấn của con người hiện
thực còn được mô tả khá cụ thể trong những tác phẩm như Mụ Tư cò, Miếng thịt vịt, Người
chồng thời đại… Với Người chồng thời đại, Vũ Hạnh lại thể hiện một nhận thức u hoài về
thế giới mà các giá trị đang bị trêu ngươi, đang trở thành một thứ kệch cỡm, đáng khinh.
5.3. Nghệ thuật
5.3.1. Nghệ thuật huyền thoại hoá
Vũ Hạnh đã đạt được sự thành công nhờ khả năng kiến tạo không gian nghệ thuật và
đẩy lùi thời gian về quá khứ để tạo điều kiện cho những phát ngôn tranh đấu. Vì thế từ Bút
máu (1958) đến Vượt thác (1964) và Chất ngọc (1964)… có một sự gia tăng không ngừng
cấu trúc không gian và thời gian giả định. Đây là tiền đề tạo nên những “ẩn dụ huyền thoại”
được nhà văn chủ định tiếp nhận và tạo cho nó một sức sống nghệ thuật lớn lao.
Kết cấu sử thi đã tái hiện hình ảnh con người có sự hòa quyện chất sử thi với nét bình
dị đời thường. Điều đó đã khiến những trang văn của Vũ Hạnh vừa mềm mại vừa mạnh mẽ,
vừa thanh thoát lại vừa sinh động. Vì thế, nhà văn có được điểm tựa để trình bày nhận thức
của mình về thế giới.
Nhưng cái độc đáo và sáng tạo nhất là tác giả đã khéo léo tạo dựng những hình tượng
nghệ thuật có tính văn hóa cao. Chính điều này đã khiến những nhân vật của ông vừa thống

nhất lại vừa đa dạng. Ta bắt gặp những hình tượng nghệ thuật mang theo vẻ đẹp của văn hóa
ngàn đời. Đó là con người Việt Nam trong sự đa dạng mà thống nhất, trong tổng hòa tất cả
các ưu điểm và khuyết điểm.
5.3.2. Cách tân ngôn từ nghệ thuật
Cùng với nghiên cứu và phê bình văn học, sáng tác của Vũ Hạnh đã tiếp tục thể hiện
một sự sáng tạo trong ngôn từ nghệ thuật. Ở trong các tác phẩm như Bút máu, Chất ngọc,
Vượt thác… người ta bắt gặp một không khí huyền ảo thông qua hệ thống ngôn từ vừa cổ
kính, vừa điêu luyện. Vũ Hạnh như một nhà nho đang phô diễn vẻ đẹp lung linh của câu
chữ. Ngôn từ nghệ thuật được thể hiện như một thao tác bản năng, một sự sáng tạo vô hạn
của bút lực. Ta thấy ở ông có sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn chất văn cổ điển và hiện
đại, có sự nhuần nhị thắm thiết của văn phong nho nhã và sự điêu luyện của một triết gia.
21
Lời văn vì thế có được sức mạnh để lay động lòng người, khơi dậy ở nơi người đọc suy nghĩ
về thế nhân.
Vũ Hạnh đã bao quát điều đó bằng một tư tưởng kiên định và một trách nhiệm lớn
đối với lao động nghệ thuật. Các nhân vật của tác giả được soi chiếu ở một nhận thức mang
tính truyền thống: nhận thức văn hóa - lịch sử. Chính nhận thức này đem đến sự ổn định
trong kết cấu, trong việc định vị tư duy nghệ thuật và trong việc tiếp cận thế giới tâm hồn
của nhân vật. Sự thông minh trong tổ chức ngôn từ giúp Vũ Hạnh có được niềm tin để triển
khai một cách có hệ thống các hình thức tổ chức nghệ thuật vốn mang đầy tính kĩ thuật.

KẾT LUẬN
Một nền văn học phát triển là một nền văn học có sự kế tục và thừa hưởng, có sự trân
trọng và khẳng định các giá trị văn học trong quá khứ đồng thời không ngừng vươn lên tiếp
nhận và xây đắp các giá trị mới, hiện đại. Sự nghiệp lí luận, phê bình, nghiên cứu và sáng
tác văn học của Vũ Hạnh là một di sản của văn nghệ dân tộc vẫn cần phải được nhận thức,
đánh giá sao cho xứng với những gì tác giả đã làm được trong suốt những năm tháng ở
trong lòng địch.
Nhìn lại văn học ở đô thị miền Nam một thời chia cắt bằng một tinh thần khoa học
nghiêm túc, bằng một cái nhìn “gạn đục khơi trong”, chúng ta ngày càng nhận thức được

rằng, đó chính là một phần của Văn học Việt Nam hiện đại (Phan Cự Đệ). Ngoài những yếu tố
cần phải loại bỏ, văn học miền Nam 1954 - 1975 thực sự vẫn còn có những giá trị đang cần
được xem xét lại để bảo lưu, gìn giữ. Vũ Hạnh và văn nghiệp của ông cũng vậy. Cho nên,
nghiên cứu Vũ Hạnh, ta không chỉ thấy ông là một nhà văn hướng về cuộc sống nhân sinh
với một niềm thao thức khôn nguôi về sứ mệnh của mình, mà còn tìm thấy ở ông một nhà lí
luận, phê bình, nghiên cứu và sáng tác văn học đang nỗ lực không biết mệt mỏi trên con
đường bảo vệ văn hoá dân tộc.
Kế thừa có chọn lọc, tiếp thu có phê phán ý kiến của những nhà nghiên cứu ở cả hai
miền trước năm 1975 và cả nước sau khi thống nhất, lần đầu tiên chúng tôi nghiên cứu một
cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực lí luận, phê bình, nghiên cứu và sáng tác văn học của
Vũ Hạnh và đã thu được một số kết quả. Công trình này hoàn thành, dù chưa khái quát được
diện mạo của văn học ở đô thị miền Nam trước 1975, nhưng có tác dụng khẳng định lại một
tài năng văn học thực sự, có những đóng góp rất đáng ghi nhận. Có thể tóm lược như sau:
22
1. Những vấn đề lí luận văn học của Vũ Hạnh tuy chưa được trình bày một cách thực
sự công phu và hệ thống nhưng là những nhận thức tiến bộ, mang giá trị thực tiễn rất cao.
Các vấn đề văn học của ông được tiếp cận và kế thừa một cách sáng tạo hệ tư tưởng Mác
xít. Điểm đáng biểu dương ở Vũ Hạnh là một lòng nhiệt tình hiếm có, một tư tưởng nghệ
thuật kiên định từ trước đến sau, phong phú, sinh động về mặt biểu hiện. Tác phẩm Tìm hiểu
văn nghệ là công trình có giá trị về tư tưởng cách mạng và tinh thần duy vật biện chứng.
Trong đó, Vũ Hạnh nhận thức rõ ràng, sáng tỏ những vấn đề cơ bản của lí luận văn học hiện
đại như: Đối tượng của văn nghệ; Văn nghệ với ý thức tư tưởng; Văn nghệ với hiện thực;
Chức năng của văn nghệ; vấn đề Nhà văn; Tính dân tộc trong văn nghệ… Trong các vấn đề
mà Vũ Hạnh đưa ra, nhiều điểm ông đã có những sáng tạo đáng lưu ý và những phân tích lý
giải khá sâu sắc. Người đọc sẽ còn nhớ đến văn nghệ trong mối liên hệ với rung cảm nghệ
thuật hay nhà văn với năng lực sáng tạo lớn lao… mà ông đã chú tâm tìm hiểu. Điểm đáng
trân trọng ở Vũ Hạnh là ông luôn hướng các vấn đề văn học tới một nhận thức về một nền
văn nghệ nhân dân, hướng về “tình tự dân tộc”…, đồng thời tha thiết kêu gọi một thái độ
nghệ thuật lành mạnh và nhân bản. Ai có thể ngờ rằng giữa lòng miền Nam với những cuộc
bắt bớ, khủng bố gắt gao, với những cấm đoán vô lí… lại vẫn xuất hiện một ngòi bút sắc sảo

với khuynh hướng hiện thực, đề cao con người và tính hình tượng, điển hình trong nghệ
thuật… nhằm đưa nhận thức văn học lên một tầm cao mới, vượt lên những toan tính cá
nhân, những chán chường, u tối, nghèo nàn của không ít nghệ sĩ đương thời.
Nhận thức sâu sắc vai trò của người cầm bút trong thời đại mới, Vũ Hạnh luôn có ý
thức trách nhiệm cải tạo hiện thực và cải tạo lòng người bằng lòng nhiệt tình của một “thủ
lĩnh văn nghệ” thực sự. Vạch rõ những kiểu nhà văn thoái hóa, Vũ Hạnh khẳng khái lên
tiếng và không ngừng cổ vũ cho một tinh thần dân tộc hướng về đại chúng. Cùng với những
cây bút tiến bộ khác, Vũ Hạnh góp phần định hướng cho nền văn nghệ miền Nam hướng về
cuộc đấu tranh chung của nhân dân ở các đô thị miền Nam.
2. Từ lí luận văn nghệ chịu ảnh hưởng chủ nghĩa Mác - Lê nin, Vũ Hạnh đã tiếp cận
với đời sống văn học ở đô thị miền Nam trên các lĩnh vực truyện, thơ, kịch và sách báo, biên
khảo… bằng một quan điểm tiến bộ và tầm nhìn thời đại. Nhà phê bình đã thể hiện một
phong cách đa dạng, đầy tinh thần chiến đấu và lòng nhiệt tình… Với ý thức phải phá vỡ
những cái “hầm trú ẩn” của con người văn nghệ xây nên để tự nhốt mình, tự biến thành một
kẻ ngoài cuộc, xa rời cuộc sống lớn lao, quay lưng lại với những kêu cứu ngoài đời…, Vũ
Hạnh đã tỏ rõ thái độ và lập trường của mình với những tên bồi bút. Với dòng văn học suy
23
đồi, ông đã có những bài viết công kích trực diện hoặc mỉa mai sâu sắc. Phê phán những cõi
sống cá nhân bẩn chật và những kêu đòi đầy thú tính…, Vũ Hạnh đã góp phần ngăn chặn sự
suy đồi của văn nghệ, dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh với những người cầm bút còn đang
“nhận đường” hãy nhìn rõ “lối đi”. Tuy nhiên ông cũng không bỏ qua những công trình
nghệ thuật có mục đích chân chính và những thái độ chân thành thực sự. Vì thế, ta được gặp
trong những bài phê bình tác phẩm của Đỗ Thúc Vịnh, Sơn Nam, Vũ Khắc Khoan, Nghiêm
Xuân Hồng… một người luôn thao thức cùng với trang viết, một tâm hồn thiết tha, nhạy
cảm với những nhận định sâu sắc và cởi mở về con người và tác phẩm.
3. Nghiên cứu các di sản văn học của dân tộc, Vũ Hạnh đã đưa Kim Tiền của Vi
Huyền Đắc trở lại với người đọc ở đô thị miền Nam và khẳng định một lần nữa vị trí của tác
phẩm. Đặc biệt với Đọc lại Truyện Kiều, Vũ Hạnh không chỉ nhận ra những giá trị mới về
tư tưởng tác phẩm mà còn thể hiện những cách thức mới trong sự khám phá nghệ thuật. Từ
việc nhận thức tư tưởng của tác phẩm, Vũ Hạnh đã nhận thấy thế giới của những khát vọng

tự do, công bằng và niềm cảm thông chia sẻ, niềm thổn thức sâu xa với những nỗi đau
thương và sự bất hạnh… vốn được che giấu hàng ngày bởi một con người “mũ cao áo dài”,
con người Nho sĩ, thánh hiền. Sáng tạo đến từ tiềm thức, khát vọng đến từ những rung động
dày vò bao năm… đã tạo nên sự “lỡ tay” cho một Từ Hải, một “khuôn diện” mới cho tình
yêu và một Nguyễn Du mới cho Truyện Kiều… Truyện Kiều là một sự thể hiện cõi lòng
thẳm sâu của Nguyễn Du, ở đó con người chốn quan trường đã không thể níu giữ được
những con người đến từ những rung động sâu xa, đến từ những khát vọng chân thành. Sự
sống nghệ thuật cũng khởi sinh từ con người đó. Các nhân vật trong Truyện Kiều trở nên sống
động và giàu ý nghĩa nhân sinh là bởi sự thức dậy của con người Nhân bản - Nguyễn Du. Vũ
Hạnh khám phá Truyện Kiều cũng chính là đem tấm lòng của thi sĩ Tiên Điền về với chúng ta,
để ta sống trong niềm tự hào mênh mông về con người thiên tài ấy, từ đó không ngừng trăn
trở về thái độ sống của mình trước kho tàng văn học vô giá của dân tộc.
4. Trong sáng tác văn học, Vũ Hạnh đã hướng tới một thế giới nghệ thuật mang tính
dân tộc và thời đại. Sáng tác của ông trở thành điểm sáng trong quan niệm thẩm mĩ. Lần đầu
tiên ta thấy được vẻ đẹp văn hóa trong cách tiếp cận cuộc sống, trong việc khẳng định các
giá trị nhân sinh tiến bộ. Nhà văn đã đem một sức sống văn hóa vô hạn vào trong tác phẩm
của mình, làm cho từng câu, từng chữ trở nên lung linh, đẹp đẽ. Kết hợp vẻ đẹp của hình
tượng con người lịch sử, huyền thoại với con người thế sự đầy trăn trở, Vũ Hạnh đã thực sự
làm rung động người đọc bằng những hình tượng có khả năng diễn hóa cao độ. Không cầu
24
kì trong câu chữ mà bằng chính cái tâm của mình, văn của ông đã đạt đến độ nhuần nhị
hiếm có. Và qua thế giới nghệ thuật của nhà văn, chúng ta có cơ hội được nhìn thấy một tinh
thần yêu nước sâu sắc được ẩn giấu trong những nhân vật mang tính chất huyền thoại, nhân
vật sử thi và nhân vật đời thường. Lí luận và sáng tác đã đồng thời hiện hữu và phát huy giá
trị trong các nhân vật văn học, tạo nên vẻ đẹp văn hóa thẩm mĩ và nâng tầm sự sáng tạo của
Vũ Hạnh.
Tóm lại có thể thấy rằng, trên cơ sở bước đầu thấm nhuần tư tưởng văn học cách
mạng, Vũ Hạnh đã xây dựng một quan điểm văn nghệ dân tộc tiến bộ, rồi từ đó làm một
cuộc “mĩ học vận động” (Biêlinxki) vào thực tiễn văn nghệ ở đô thị miền Nam giai đoạn
1954 - 1975, lại vươn lên biểu dương đỉnh cao của văn hóa, văn học dân tộc…, Và tất cả

như được hô ứng với thực tiễn sáng tác giàu tính dân tộc của nhà văn trong những năm
tháng chiến đấu giữa lòng địch. Mặc dù không thể giống nhau hoàn toàn nhưng vai trò nghệ
sĩ - chiến sĩ của Vũ Hạnh làm cho chúng ta không khỏi liên tưởng đến Hải Triều trong thời
kì 1930 - 1945. Cho đến hôm nay, nhìn lại, chúng ta khó mong mỏi gì hơn ở một ngòi bút
toàn diện như thế.


×