Tải bản đầy đủ (.doc) (27 trang)

tóm tắt luận án quan hệ dòng họ của người nùng phàn slình (nghiên cứu ở huyện cao lộc, tỉnh lạng sơn)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (254.26 KB, 27 trang )

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
LÊ MINH ANH
QUAN HỆ DÒNG HỌ
CỦA NGƯỜI NÙNG PHÀN SLÌNH
(Nghiên cứu ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn)
TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÀNH NHÂN HỌC
Mã số: 62 31 03 02
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC 1:
PGS.TS.VƯƠNG XUÂN TÌNH
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC 2:
TS. TRẦN VĂN HÀ
Hà Nội, 2014
Công trình được hoàn thành tại:
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
Tập thể hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS.VƯƠNG XUÂN TÌNH
2. TS. TRẦN VĂN HÀ
Người phản biện 1:PGS.TS. Nguyễn Văn Chính
Người phản biện 2:PGS.TS. Nguyễn Duy Bính
Người phản biện 3:PGS.TS. Nguyễn Duy Thiệu
Luận án được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Học viện, họp tại:
Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam
Số 477 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội
Vào hồi…………………
Ngày…… tháng……năm 2014
Có thể tìm luận án này tại:
Thư viện Quốc gia
Thư viện Học viện Khoa học Xã hội
Thư viện Viện Dân tộc học
DANH MỤC


CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ
1. Vấn đề nghèo đói của người Khơ Mú ở bản Cha, xã Chiềng Lương,
huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, Tạp chí Dân tộc học số 2 năm 2006, tr. 45-
50.
2. Vài nét về tình trạng đói nghèo của người Nùng ở xã Liên Sơn, huyện
Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, Tạp chí Xã hội học số 1 năm 2006, tr. 77- 82.
3. Vài nét về hôn nhân hỗn hợp ở một xã miền núi Bắc Việt Nam (Viết
chung với Nguyễn Thị Thu), Tạp chí Khoa học về phụ nữ số 3 năm
2006, tr. 36-43.
4. Biến đổi tập quán ăn uống của người Dao Thanh Phán ở Tân Dân, huyện
Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh. (Viết chung với TS. Trần Văn Hà), Tạp chí
Dân tộc học số 2 năm 2007, 43- 52.
5. Infuence of Socio – Cultural Factors on Food Security of the Tho People
(A case Study of Ke Mui Village, Giai Xuan Commune, Tan Ky District,
Nge An Province) (Viết chung với TS. Trần Văn Hà), Anthropology
Review N
o
.2 (9) - 2006, page. 68 - 88.
6. The Transfofmation of Rituals in Two Mien Villages in Nothreast
VietNam (viết chung với TS. Trần Văn Hà). Trong: " Living in a
Globlized World Ethnic Minorities in the Greater Mekong Subregion”,
Mekong Press. 2008.
7. Đám ma truyền thống của người Cao Lan ở Lập Thạch, Phú Thọ, Văn
Hóa Nghệ Thuật, số 294, tháng10 năm 2008, tr. 87 - 90.
8. Lễ cưới truyền thống của người Cao Lan, Văn Hóa Nghệ Thuật, số 303,
tháng 9 năm 2009, tr. 73 -75.
9. Hôn nhân truyền thống của người Nùng Phàn Slình, Văn hóa Nghệ thuật,
số 327, tháng 9 năm 2011, tr. 21 - 26.
10. Tín ngưỡng thờ cúng của người Nùng Phàn Slình ở vùng cao biên giới
(Nghiên cứu ở huyện Cao Lộc, Tỉnh Lạng Sơn), Nghiên cứu Đông Nam

Á, số 6 (147), năm 2012, tr. 49 - 57.
11. Tương trợ cộng đồng trong cưới xin và tang ma của người Nùng Phàn
Slình ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, Tạp chí Dân tộc học, số 5&6
(179), năm 2012, tr. 35 - 45.
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Nghiên cứu về dòng họ và quan hệ dòng họ trong xã hội Việt Nam truyền thống
và đương đại từ lâu đã thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh
vực sử học, dân tộc học/nhân học, xã hội học, văn hoá học, Nghiên cứu về dòng
họ và quan hệ dòng họ góp phần tạo cơ sở khoa học cho việc xây dựng những
chính sách thiết thực đối với vấn đề phát triển nông thôn - nông nghiệp - nông dân
nước ta trong bối cảnh đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trong
quá trình đổi mới và hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam hiện nay, vai trò và
chức năng của quan hệ dòng họ ở cả người Kinh (Việt) và các tộc người thiểu số cũng
đang có một số đổi thay. Sự thay đổi này được biểu hiện ở liên kết dòng họ, cơ chế vận
hành trong các tổ chức dòng họ. Tuy nhiên, vai trò của quan hệ dòng họ trong đời sống
xã hội vẫn rất quan trọng, cần tiếp tục quan tâm nghiên cứu.
Luận án này lấy quan hệ dòng họ của người Nùng ở Việt Nam là đối tượng
nghiên cứu. Người Nùng sinh sống chủ yếu tại các tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn,
gồm nhiều nhóm địa phương, mỗi nhóm có đặc điểm văn hóa riêng, nên việc
nghiên cứu quan hệ dòng họ của người Nùng nói chung trong luận án là điều khó
có thể thực hiện. Bởi vậy, chúng tôi chỉ lựa chọn một nhóm địa phương của người
Nùng trong địa bàn một huyện để khảo sát - nhóm Nùng Phàn Slình ở huyện Cao
Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Đây là nhóm Nùng có dân số đông nhất trong các nhóm Nùng
của huyện, cư trú chủ yếu ở các xã vùng biên và có quan hệ dòng họ xuyên biên
giới. Xuất phát từ lý do trên, chúng tôi lựa chọn đề tài “Quan hệ dòng họ của
người Nùng Phàn Slình (Nghiên cứu ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn)” làm đề
tài luận án tiến sĩ nhân học của mình.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Một là, tìm hiểu cấu trúc quan hệ dòng họ của người Nùng Phàn Slình ở huyện

Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn;
Hai là, xem xét chức năng của quan hệ dòng họ đối với đời sống cá nhân, gia
đình và sự liên kết cộng đồng tộc người hiện nay;
Ba là, tìm hiểu vai trò của quan hệ dòng họ và đề xuất khuyến nghị nhằm phát
huy yếu tố tích cực, giảm thiểu yếu tố tiêu cực của quan hệ dòng họ ở người Nùng
Phàn Slình trong xây dựng nông thôn mới.
3. Đối tượng, phạm vi và địa bàn nghiên cứu
Luận án tập trung nghiên cứu những hoạt động liên quan đến quan hệ dòng họ và
mối quan hệ của cá nhân, gia đình - dòng họ trong các lĩnh vực: tín ngưỡng, tương
trợ, hợp tác kinh tế, giáo dục, văn hóa…
Tập trung nghiên cứu mối quan hệ dòng họ của người Nùng Phàn Slình ở
huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đang diễn ra hiện nay và trong một số trường hợp,
có so sánh với thời kỳ trước khi tiến hành công cuộc Đổi mới (1986).
Địa bàn nghiên cứu là người Nùng Phàn Slình ở xã Gia Cát, xã Thụy Hùng và
xã Thanh Lòa của huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.
4. Nguồn tài liệu của luận án
- Nguồn tài liệu chủ yếu của luận án là từ tài liệu điền dã do chính nghiên cứu sinh
thu thập tại thực địa các điểm nghiên cứu trong suốt thời gian từ năm 2007 - 2013.
- Tài liệu báo cáo của các ban, ngành ở cấp tỉnh, huyện, xã.
- Kế thừa các nguồn tài liệu đã công bố về dòng họ và quan hệ dòng họ, đặc
biệt là những công trình công bố về dân tộc Nùng và nhóm Nùng Phàn Slình của
các học giả trong và ngoài nước từ trước đến nay.
5. Đóng góp của luận án
- Trên cơ sở nghiên cứu ba chiều của quan hệ dòng họ, luận án trình bày một
cách toàn diện về cấu trúc và mối quan hệ dòng họ người Nùng Phàn Slình ở
huyện vùng cao biên giới tỉnh Lạng Sơn trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại
hóa và hội nhập của nước ta;
- Góp phần làm rõ vai trò, ảnh hưởng của quan hệ dòng họ đến phát triển kinh tế -
xã hội và quan hệ tộc người của người Nùng Phàn Slình tại địa bàn nghiên cứu;
- Xây dựng cơ sở khoa học và bước đầu đưa ra khuyến nghị nhằm phát huy

yếu tố tích cực, giảm thiểu yếu tố tiêu cực của quan hệ dòng họ ở người Nùng
Phàn Slình trong xây dựng nông thôn mới hiện nay.
6. Bố cục luận án
Luận án ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, phần nội
dung chính được trình bày trong 6 chương:
Chương 1: Tổng quan tài liệu, cơ sở lý thuyết, phương pháp và khái quát địa bàn
nghiên cứu.
Chương 2: Dòng họ của người Nùng Phàn Slình ở huyện Cao Lộc
Chương 3: Quan hệ dòng họ trong đời sống tín ngưỡng
Chương 4: Quan hệ dòng họ trong hoạt động kinh tế và tương trợ
Chương 5: Quan hệ dòng họ với hệ thống chính trị cơ sở
Chương 6: Kết quả và bàn luận.
CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN TÀI LIỆU, CƠ SỞ LÝ THUYẾT,
PHƯƠNG PHÁP VÀ KHÁI QUÁT ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU
1.1. Tổng quan nghiên cứu về quan hệ dòng họ
1.1.1. Các nghiên cứu về quan hệ dòng họ trên thế giới và quan hệ dòng họ
của người Kinh (Việt)
Nghiên cứu dòng họ là nền tảng cơ bản để tìm hiểu về quan hệ xã hội của tộc
người trong bất cứ xã hội nào, vì vậy đã có nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài như
Maine, McLennan và Morgan, Lévi-Strauss và Radcliffe-Brown, Grant Evans Lévi-
Strauss đã xây dựng nên một lý thuyết về cấu trúc thân tộc, trong đó hạt nhân là vấn đề
“lớp hôn nhân”…
Ở Việt Nam, dòng họ cũng được đề cập từ khá sớm. Thời kỳ phong kiến, những
ghi chép về dòng họ chủ yếu được tìm thấy trong các thư tịch cổ Trung Quốc, các
bộ sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại
Nam thực lục Trước năm 1945, đã xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu có giá
trị tham khảo như của Phan Kế Bính, Đào Duy Anh, Pierre Gourou… Từ năm
1945 đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu về dòng họ từ góc độ sử học và
dân tộc học như Trần Từ, Trần Quốc Vượng, Phan Đại Doãn, Đặng Nghiêm

Vạn đề cập đến từ bốn góc độ: Một là, dòng họ người Việt là quan hệ huyết
thống, có mối quan hệ tín ngưỡng và kinh tế nhưng không cùng chung một ngôi
nhà, không ăn chung một bếp và các gia đình duy trì quan hệ ngang nhau; Hai là,
phần lớn các nghiên cứu đều tập trung nghiên cứu cấu trúc và chức năng của
dòng họ, nhất là dòng họ thuộc bên nội (phụ hệ); Ba là, nghiên cứu những yếu tố
liên quan đến dòng họ quan hệ lãnh thổ, quan hệ nghề nghiệp, quan hệ tín
ngưỡng, thậm chí còn liên quan đến vấn đề văn hóa, khoa cử, quyền lực…; Bốn
là, xu thế phục hưng dòng họ… Tuy nhiên, chưa có nhiều công trình đi sâu phân
tích sự tác động, ảnh hưởng của các nhân tố địa lý tự nhiên, cơ sở kinh tế - xã hội,
mặt bằng văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo, sự cố kết dòng họ, dòng họ trong mối
quan hệ với quyền lực, vị trí của nó trong đời sống của cộng đồng cư dân và so sánh
những vấn đề đó trong dòng họ người Kinh (Việt) và các tộc người ở Việt Nam.
1.1.2. Nghiên cứu về quan hệ dòng họ của các tộc người thiểu số ở Việt Nam và
người Nùng Phàn Slình
1.1.2.1. Các công trình chuyên khảo về quan hệ dòng họ
Trong số những công trình nghiên cứu về dòng họ của các dân tộc thiểu số ở Việt
Nam phần lớn tập trung vào các dân tộc có dân số lớn như Tày, Thái, Hmông,
Mường, Ê-đê Cầm Trọng khi nghiên cứu về người Thái ở Tây Bắc đã làm rõ được
mối quan hệ giữa 3 nhóm ải nọng, lúng ta, nhính xao (“ba họ”).
Qua các nghiên cứu có thể thấy rằng, ở mỗi một tộc người đều có sự khác nhau
về tổ chức dòng họ nhưng có vai trò rất lớn trong xã hội truyền thống và hiện nay ở
các dân tộc thiểu số. Quan hệ dòng họ đều chi phối đến mọi mặt đời sống của từng
gia đình, từng thành viên cộng đồng cũng như quá trình tộc người ở nước ta.
1.1.2.2. Nghiên cứu quan hệ dòng họ của người Nùng và nhóm Nùng Phàn Slình
Đến nay công trình nghiên cứu về quan hệ dòng họ của người Nùng Phàn
Slình còn ít ỏi, chủ yếu là những nghiên cứu về tín ngưỡng truyền thống, lễ nghi,
tôn giáo, ngôn ngữ (Nguyễn Thị Ngân, 2011), Hoàng Thị Niên, 2011, Lê Minh
Anh, 2012…Tóm lại, việc nghiên cứu dòng họ của người Nùng Phàn Slình ở
nước ta còn chưa được quan tâm đúng mức, cả về phương diện lý luận lẫn thực
tiễn, thiếu vắng một công trình có hệ thống và nghiên cứu thực nghiệm về lĩnh

vực này. Đa số nghiên cứu là những vấn đề có liên quan như nghi lễ, tín ngưỡng,
tôn giáo, gia đình, lịch sử tộc người… Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, những vấn
đề liên quan đến quan hệ dân tộc xuyên biên giới/xuyên quốc gia đang đặt ra cho
việc xây dựng nông thôn mới, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, củng
cố khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ an ninh biên giới những yêu cầu mới, đòi hỏi
sự cần thiết phải đi sâu nghiên cứu hơn nữa vấn đề này.
1.2. Lý thuyết nghiên cứu
Trong khuôn khổ của luận án này, chúng tôi áp dụng lý thuyết chức năng của
Bronislaw Malinowsh, Radcliffe - Brown và lý thuyết vốn xã hội (Social Capital) của
Na Lin.
1.3. Phương pháp nghiên cứu và khung phân tích
1.3.1. Phương pháp điền dã dân tộc học
Điền dã dân tộc học là phương pháp nghiên cứu chủ đạo được triển khai để
thực hiện nghiên cứu này. Đồng thời, thông qua nghiên cứu tham dự, chúng tôi áp
dụng phương pháp phỏng vấn sâu để thu thập dữ liệu định tính. Thảo luận nhóm cũng
được triển khai nhằm thu thập thông tin ở cấp cộng đồng tại 3 điểm nghiên cứu.
1.3.2. Phương pháp phân tích mạng lưới xã hội
Phương pháp phân tích mạng lưới xã hội như là một tập hợp các phương pháp
chọn mẫu, thu thập và xử lý nguồn dữ liệu. Các khái niệm và lý thuyết được làm cơ
sở để mô tả và phân tích mối quan hệ giữa các thành viên, vai trò của các thành viên
chủ chốt trong cộng đồng dòng họ (actor trong mạng lưới). Từ đó, tìm hiểu các quy
luật hình thành và biến chuyển của những mối quan hệ đó, và nhất là làm sáng tỏ
những ảnh hưởng của các mối quan hệ xã hội hay cấu trúc mạng lưới đối với hành vi
của các actor.
1.3.3. Phương pháp so sánh
So sánh là một phương pháp quan trọng trong nghiên cứu nhưng không phải là
phương pháp trọng tâm. Luận án sử dụng phương pháp so sánh nhằm tìm hiểu sự
giống và khác nhau trong mối quan hệ dòng họ ở các điểm nghiên cứu.
1.4. Khung phân tích của luận án
Tiểu kết Chương 1

Vai trò và chức năng
Thuyết chức năng
Bronislaw Malinowshi
và Radcliffe - Brown
Quan hệ dòng họ của
người Nùng Phàn Slình
Thuyết vốn xã hội
của Na Lin
Cá nhân:
- Vị thế
- Nhân cách
- Giá trị tinh thần/vật
chất.
- Trao truyền và giữ gìn
giá trị văn hóa của dòng
họ.
Mạng lưới xã hội
Gia đình:
- Vị thế
- Giá trị tinh thần/vật
chất
- Giáo dục
- Kinh tế
- Trao truyền và giữ gìn
giá trị văn hóa của dòng
họ.
Cộng đồng (thôn bản):
- Cố kết tộc người
- Phân ly hay chia rẽ khối
đoàn kết cộng đồng tộc

người
- Tiếp biến và đa dạng văn
hóa
- Tính cục bộ và yếu tố
quyền lực địa phương.
Dòng họ là đối tượng được nhiều lĩnh vực khoa học quan tâm nghiên cứu như
sử học, dân tộc học, xã hội học, văn hóa học… Đã có nhiều công trình nghiên cứu
về dòng họ và quan hệ dòng họ của các tộc người thiểu số nhưng đến nay chưa có
công trình chuyên sâu nào về quan hệ dòng họ của người Nùng nói chung và
Nùng Phàn Slình ở Cao Lộc, Lạng Sơn nói riêng một cách có hệ thống. Để làm rõ
mối quan hệ dòng họ của người Nùng Phàn Slình ở Cao Lộc, Lạng Sơn, trong
luận án này, chúng tôi sử dụng lý thuyết Chức năng của Bronislaw Malinowski và
A.R.Radcliffe - Brown và Vốn xã hội của Na Lin.
Phương pháp nghiên cứu chủ yếu của luận án là điền dã dân tộc học với các công
cụ như quan sát, quan sát tham dự, phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm. Ngoài ra, luận án
còn sử dụng các phương pháp nghiên cứu khác như phân tích mạng lưới xã hội và so
sánh, để có thể nhìn nhận đa chiều về quan hệ dòng họ. Đây là nền tảng để luận án
đưa ra được những phân tích, đánh giá một cách hệ thống, khách quan, khoa học về
mối quan hệ dòng họ của người Nùng Phàn Slình tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.
CHƯƠNG 2
DÒNG HỌ CỦA NGƯỜI NÙNG PHÀN SLÌNH Ở HUYỆN CAO LỘC
2.1. Quan niệm về dòng họ của người Nùng Phàn Slình
Người Nùng Phàn Slình cùng một họ đã thân thích đến mười phần mười (Tồng
sinh síp phăn slăm). Người cùng trong họ không chỉ là những người cùng quan hệ
huyết thống mà còn là những người có cùng ma. Cùng họ tức là cùng chung một
tên họ, còn cùng ma là cùng cách thờ cúng khi tiến hành các nghi lễ liên quan đến
tang ma, cúng ma khi ốm đau bệnh tật và thờ cúng tổ tiên.
Người Nùng Phàn Slình nhận ra họ hàng thông qua hệ thống tên đệm. Mỗi
dòng họ có một hệ thống tên đệm khác nhau. Người Nùng Phàn Slình có tục lệ
đặt tên với đặc điểm riêng biệt, qua tên họ và tên đệm của từng người trong dòng

họ, sẽ biết được thứ bậc của người đó. Một trong những dấu hiệu quan trọng khác
để nhận biết mối quan hệ dòng họ đó là nếu cùng chung số lượng chén thờ và cách
thức cúng giống nhau có nghĩa là họ cùng chung một ông tổ.
2.2. Người Nùng Phàn Slình với ba mối quan hệ dòng họ
Theo quan niệm của người Nùng, những người có quan hệ họ hàng bên bố - bên
nội là anh trai, em trai, chị gái, em gái và những người cùng dòng họ bên bố.
Những thành viên này có quan hệ gần gũi về huyết tộc với họ bố trên cơ sở chung
cha, chung mẹ và cùng tổ tiên nhưng trên thực tế, tại ba điểm nghiên cứu cho thấy
mối quan hệ nghiêng về phía là anh em trai của bố, còn chị em gái của bố có phần
không gần gũi bằng.
Những người có quan hệ với họ bên mẹ - bên ngoại là anh trai, em trai, chị gái,
em gái và những thành viên gần gũi khác có quan hệ huyết tộc về phía mẹ.
Những người có quan hệ họ hàng bên vợ là những người có quan hệ gần gũi về
dòng máu với bố vợ như chú vợ [em trai của bố], bác vợ [anh trai của bố] và mẹ
vợ như anh em trai của mẹ vợ, chị em gái của mẹ vợ.
Mỗi người Nùng Phàn Slình khi có vợ/chồng đều có ba mối quan hệ họ hàng là
họ bố, mẹ, vợ/chồng; trong đó họ nội - họ bố có quyền lực và nghĩa vụ chủ yếu
đối với cháu nội; ngược lại, họ ngoại không có nhiều quyền lực đối với cháu
ngoại. Tuy vậy, mối quan hệ giữa họ nội, họ ngoại và họ vợ vẫn là những mối
quan hệ bao giờ cũng được người Nùng Phàn Slình coi trọng và gìn giữ.
2.3. Cấu trúc dòng họ của người Nùng Phàn Slình
Hệ thống danh từ thân tộc của người Nùng Phàn Slình có những đặc điểm: thể
hiện tôn ti, thứ bậc rõ ràng, đồng thời có sự phân biệt giữa họ nội và họ ngoại
cũng như sự phân biệt nam, nữ.
Hệ thống tên đệm, mỗi dòng họ có một hệ thống tên đệm khác nhau. Qua hệ
thống tên đệm, người ta có thể biết được thứ bậc, vai vế của từng thành viên trong
dòng họ.
Dù có quan hệ gần hay xa ở các chi họ, nhưng các thành viên trong dòng họ
luôn có nghĩa vụ tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong ốm đau, thiên tai, dịch họa…
2.4. Đặc điểm dòng họ của người Nùng Phàn Slình ở huyện Cao Lộc

Về địa vực cư trú: Dòng họ người Nùng Phàn Slình không có khu vực cư trú
riêng mà cư trú đan xen giữa các dòng họ trong cộng đồng thôn bản.
Hệ thống thờ tự của người Nùng Phàn Slình, gồm có: thờ tổ tiên (xoòng cống);
thờ ông táo (xoòng cháo) ở phía trên bếp nấu, là một tấm ván, phía trên để ống tre
cắm hương, đồng bào quan niệm là vị thần trông coi việc bếp núc, hạnh phúc
trong gia đình; thờ bà mụ (ăn va) là nơi thờ những người phụ nữ đã sinh con
trong gia đình; thờ ma sàn, vị thần chuyên trông coi gia súc.
Quan hệ giữa các dòng họ, các dòng họ cư trú trên cùng một địa vực, người
Nùng Phàn Slình luôn có truyền thống đoàn kết, tương trợ nhau trong sản xuất, sử
dụng nguồn nước chung và khai thác các khu rừng, núi xung quanh bản. Vì vậy,
quan hệ giữa các dòng họ của người Nùng Phàn Slình ít có biểu hiện của tư tưởng
chia rẽ, phân biệt
Về cơ sở kinh tế: Dòng họ không có cơ sở kinh tế chung. Khi có công việc cúng
bái chung của dòng họ, như cúng thần thổ công vào dịp đầu năm mới, cúng thần
nước…, các gia đình trong dòng họ cùng nhau đóng góp để thực hiện nghi lễ.
Cũng như các dân tộc khác, những người cùng họ ở người Phàn Slình không được
kết hôn với nhau. Trường hợp tuy cùng tên họ nhưng lại không có liên hệ với nhau về
tổ tiên và ở địa phương khác có thể kết hôn, nhưng không có trường hợp nào ở địa
bàn nghiên cứu.
2.5. Vai trò cá nhân trong dòng họ của người Nùng Phàn Slình
2.5.1. Vai trò của trưởng họ
Trưởng họ người Nùng Phàn Slình có vị trí quan trọng. Trưởng họ thường là
người thuộc ngành trưởng hiểu biết về chữ Hán hay Nôm Nùng, và nắm vững lịch
sử của tổ tiên, mồ mả ngành trưởng và các chi trưởng. Trước đây, trưởng họ
được quyền giữ gia phả của dòng họ mình và ghi vào trong gia phả những biến cố,
thay đổi trong phạm vi dòng họ mình như họ tên, ngày sinh, tử của các thành viên.
Trường hợp nếu người trưởng họ kiêm cả nghề thầy cúng, càng uy tín hơn. Những
dòng họ có số hộ chiếm đa số trong thôn, thì người trưởng họ thường là trưởng bản.
Trưởng họ là người duy trì mọi sinh hoạt theo phong tục, tập quán trong dòng
họ và tổ chức những buổi cúng thần thổ công thổ địa vào dịp tết Nguyên đán và lễ

Thanh minh… Trong trường hợp các gia đình cùng họ có xích mích với họ khác,
trưởng họ phải có trách nhiệm đứng ra vận động và thực hiện hòa giải.
Trưởng họ là người có thể tin cậy để các thành viên trong họ tham vấn ý kiến
trong quan hệ xã hội và nghi lễ văn hóa liên quan đến các gia đình và sinh hoạt
cộng đồng, chẳng hạn như chứng kiến việc chia tài sản cho con trai của một gia
đình trong dòng họ khi cho ra ở riêng. Trưởng họ người Nùng Phàn Slình không
có đặc quyền kinh tế và xã hội do không dựa trên cơ sở kinh tế để thực hiện các
hoạt động lễ nghi và điều hành các quan hệ xã hội ở phạm vi dòng họ mình.
2.5.2. Những người uy tín của dòng họ
Ở xã hội truyền thống những người làm nghề tôn giáo như thầy cúng Nùng
Phàn Slình luôn được kính trọng. Những người này biết chữ Hán, đảm nhiệm
việc cúng bái trong các dịp cưới xin, tang ma, làm nhà mới của các gia đình trong
dòng họ hay các họ khác khi được mời. Thầy cúng Nùng Phàn Slình thường khi
kiêm công việc bốc thuốc chữa bệnh (do vừa chữa bệnh bằng thuốc vừa cúng),
nên ông ta là người có uy tín. Ở cộng đồng Nùng Phàn Slình, những người này do
có nhiều kinh nghiệm nên luôn được trao trách nhiệm giữ và ghi chép, bổ sung
gia phả trong dòng họ.
Những người có học hành cao, kiến thức hơn mọi người và lại có đạo đức; người
nhiều kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất và nghề thủ công hay giỏi về văn thơ,
nghệ thuật trong dòng họ, luôn được đề cao, tôn trọng như thợ mộc, đan lát…
Tiểu kết Chương 2
Người Nùng Phàn Slình ở Cao Lộc, Lạng Sơn có truyền thống rất coi trọng
quan hệ dòng họ. Quan hệ dòng họ tạo nên sự gắn bó bền chặt giữa các thành
viên. Mỗi người Nùng Phàn Slình khi có vợ/chồng đều có ba mối quan hệ về
dòng họ là họ bố (họ nội), họ mẹ (họ ngoại) và họ vợ/chồng.
Dòng họ của người Nùng Phàn Slình được tổ chức khá chặt chẽ dựa trên quan hệ
nhiều chi họ khác nhau. Mỗi chi họ gồm một số hộ gia đình cư trú trong cùng một
thôn hay những thôn lân cận trong phạm vi xã, liên xã, liên huyện và xuyên quốc gia.
Dòng họ của người Nùng Phàn Slình đều có những đặc điểm quan hệ giữa các
hộ gia đình trong cùng dòng họ tương đồng gần gũi nhau về cư trú, hệ thống lễ

nghi thờ cúng cũng như quan hệ hôn nhân, tập quán đặt tên đệm theo thứ bậc thế hệ
trong mỗi dòng họ và vai trò trưởng họ trong đời sống cộng đồng dòng họ. Tất cả
những đặc điểm đó tạo nên những nét riêng biệt của dòng họ người Nùng Phàn
Slình ở Cao Lộc, Lạng Sơn.
CHƯƠNG 3
QUAN HỆ DÒNG HỌ TRONG ĐỜI SỐNG TÍN NGƯỠNG
3.1. Quan niệm về tín ngưỡng của người Nùng Phàn Slình
Tín ngưỡng của người Nùng Phàn Slình được dựa trên cơ tầng quan niệm về
linh hồn và vạn vật hữu linh. Người sống thì có hồn “khoằn”, khi chết đi thành
“phi” (ma) và có thể biến thành nhiều loại phi khác nhau: phi có lợi và phi có hại
đối với người đang sống. Từ những quan niệm đó, người Nùng Phàn Slình hình
thành nhiều hình thức tín ngưỡng dân gian khác nhau như trong phạm vi gia đình,
dòng họ có thờ cúng tổ tiên, thờ bàn mụ, ngoài làng có thờ thổ công. Từ quan
niệm về tín ngưỡng như vậy, người Nùng Phàn Slình đã tổ chức lễ sinh nhật cho
người già, làm lễ tang ma cho người quá cố rất chu đáo.
3.2. Quan hệ dòng họ qua tang ma
Đám tang của người Nùng Phàn Slình phải trải qua rất nhiều nghi lễ bắt buộc
khá rườm rà, đến nay vẫn chưa giảm bớt nhiều. Với một khối lượng công việc
liên quan đến phong tục, lễ nghi nhiều vừa cần đến sức lực, vật chất, gia đình tang
chủ phải nhờ cậy sự giúp đỡ của họ hàng và cộng đồng.
Theo quan niệm của người Nùng Phàn Slình, nếu trong họ hàng có người chết,
gia đình nào trong họ tộc không đến nhận tang thì coi như gia đình đó đã từ bỏ
quan hệ về dòng máu và tổ tiên. Bởi vậy, khi trong họ có việc ma chay, các gia
đình trong họ đều có trách nhiệm trợ giúp về sức lực và vật chất để thể hiện mối
quan hệ này giúp đỡ tang chủ, gia đình có nhiều giúp nhiều, có ít giúp ít, có thế
nào giúp vậy, có thể là vài cân gạo, chai rượu, bó củi, con lợn,…
Thực hiện nghi lễ tang ma, họ hàng gần bên nội đóng vai trò chủ đạo. Người
con trai trưởng phải có mặt trong các nghi lễ chịu tang theo luật tục (trừ lễ tế
minh tinh). Gia đình nào không có con trai phải nhận một cháu trai trong nội tộc
làm con nuôi. Con nuôi được hưởng quyền thừa kế như con trai đẻ trong gia đình.

Lúc cha, mẹ chết phải chống gậy, chịu tang. Họ bên ngoại, các bên thông gia
thường ứng xử như những thành viên trong gia đình. Họ cùng chia sẻ với gia đình
tang chủ thông qua những lễ tế riêng. Điều đó đã trở thành một tập quán quan
trọng đối với người Nùng Phàn Slình. Chính sự tương trợ này đã tạo nên sự cố kết
ngày càng bền chặt hơn trong dòng họ bên nội, ngoại và họ vợ ở người Nùng
Phàn Slình.
Những năm gần đây, nhất là từ sau khi quan hệ Việt - Trung bình thường hóa
trở lại, những người Nùng Phàn Slình có quan hệ họ hàng với bên kia biên giới
đều đến thăm viếng vào các dịp lễ tang, đám cưới hoặc Thanh minh.
3.3. Quan hệ dòng họ trong cưới xin
Trước đây cũng như hiện nay, cưới xin phải trải qua rất nhiều nghi lễ nên rất ít
gia đình có thể tự lực hoàn toàn trong việc lấy vợ gả chồng cho con cái, mà thường
phải nhờ vào sự tương trợ, giúp đỡ của họ hàng gần, sau đó là hàng xóm láng giềng
hoặc là bạn bè.
Trước tiên, khi gia đình có việc cưới xin, người chủ gia đình phải thông báo
cho bà con trong họ hàng biết, để cho các gia đình trong họ tùy theo khả năng mà
giúp đỡ nhân lực, trong việc dựng rạp, thực hiện các nghi lễ, cỗ bàn Thái độ
giúp đỡ nhau trong dịp cưới xin của các gia đình đều rất tận tình và được coi như
một trách nhiệm trong họ với nhau. Lễ cưới chính thức là việc quan trọng nhất
trong nghi thức kết hôn, thường diễn ra từ hai đến ba ngày, trong đó một ngày là
tiệc chính. Những ngày này, chủ gia đình có nghĩa vụ phải mời đông đủ các thành
viên trong họ hàng tới dự. Bên họ nội là những anh em, con cháu thân thiết trong
dòng tộc, còn bên mẹ và bên vợ cũng là những người gần gũi nhất như anh chị
em của mẹ và anh chị em của vợ .
Về quan hệ dòng họ với những người đồng tộc người xuyên biên giới, người
Nùng Phàn Slình ở bên kia biên giới tại những điểm nghiên cứu vẫn có tham dự
những bữa tiệc mừng trong hôn lễ nếu có quan hệ họ hàng, nhưng không nhiều.
3.4. Quan hệ dòng họ trong lễ dựng và về nhà mới
Thực tế, nếu một gia đình chuẩn bị nguyên vật liệu để làm nhà, các gia đình
trong họ sẽ đến giúp đỡ xẻ gỗ, trình tường Tùy theo yêu cầu của gia đình mà

thời gian giúp có thể ngắn hay dài. Thái độ giúp đỡ nhau trong việc chuẩn bị làm
nhà mới của anh em họ hàng bao giờ cũng hết sức nhiệt tình và hăng hái, thể hiện
qua chất lượng từng công việc được giao, tuyệt đối không có biểu hiện trễ nải,
chiếu lệ trong công việc.
Quá trình làm nhà, ngày dựng nhà cần sự giúp đỡ của nhiều người trong họ.
Những người là anh em, chú bác trong dòng họ thường xuyên có mặt từ khi
chuẩn bị nguyên vật liệu đến khi hoàn thành, kết thúc bằng nghi lễ lên nhà mới.
Khi làm lễ lên nhà mới, gia chủ mổ lợn và mời toàn thể họ hàng đến dự bữa cơm
và uống rượu ăn mừng. Nghi lễ lên nhà mới cổ truyền của người Nùng Phàn Slình
có tục lệ chọn 4 người đàn ông của hai bên nội, ngoại là những người làm ăn hòa
thuận, khấm khá đứng ở bốn góc nhà tiến ra châm lửa đốt đống củi ở giữa nhà khi
thầy cúng bắt đầu làm lễ nhập nhà mới.
Truyền thống giúp đỡ nhau trong dịp làm nhà mới của bà con họ hàng người
Nùng Phàn Slình đến nay vẫn còn được gìn giữ cho dù điều kiện kinh tế - xã hội
đã có nhiều thay đổi.
3.5. Quan hệ dòng họ qua một số lễ nghi trong gia đình
3.5.1. Thờ cúng tổ tiên
Thờ cúng tổ tiển là một trong những hình thức tín ngưỡng quan trọng của người
Nùng Phàn Slình nhằm củng cố trật tự trong gia đình, dòng họ. Hệ thống thờ tự
trong gia đình người Nùng Phàn Slình thường được thờ ở 4 khu vực chính: Bộ
bàn thờ tổ tiên (xoòng cống); Bàn thờ thổ công - chỉ là ống hương cắm ở bên phải
cửa ra vào chính (vị thần bảo vệ mùa màng, sức khỏe, con cái, bảo vệ gia đình);
Bàn thờ ông táo (xoòng cháo) ở phía trên bếp nấu, là một tấm ván, phía trên để
ống tre cắm hương (vị thần trông coi việc bếp núc, hạnh phúc trong gia đình;
kiêng không được bày thức ăn hay bất cứ vật gì lên đó); Bàn thờ Mụ (ăn va) là
nơi thờ những người phụ nữ đã sinh con trong gia đình.
Bộ bàn thờ tổ tiên được để ở tầng 2, đặt chính giữa tường, đối diện với cửa chính
của tầng 2. Bộ bàn thờ trên gồm 4 ban với 4 đối tượng thờ, gồm: Bàn thờ bồ tát (tinh
tàn); Bàn thờ tổ tiên (xoòng cống); Bàn thờ thần nuôi súc vật (tử làng); Bàn thờ mụ
(ăn va).

Bộ bàn thờ của các gia đình người Nùng Phàn Slình giống nhau về số lượng
ban thờ, thứ tự trên dưới, chỉ khác biệt là số lượng chén để trên ban thờ. Tùy theo
từng dòng họ mà có số lượng chén để khác nhau, cách bài trí trên từng ban thờ
cũng phụ thuộc theo dòng họ và điều kiện kinh tế của hộ gia đình. Ví dụ như họ
Hoàng thờ 7 chén, nhưng trong họ Hoàng lại chia ra: họ Hoàng thờ 7 chén và họ
Hoàng thờ 5 chén; họ Vi lại để 5 chén. Theo cách giải thích của đồng bào, đây là
dấu hiệu để một người cùng dân tộc từ nơi khác đến, họ có thể nhìn vào số lượng
chén thờ mà đoán định gia chủ thuộc dòng họ nào.
3.5.2. Lễ tạ mộ (sòn mộ)
Hàng năm, người Nùng Phàn Slình ở Cao Lộc còn làm lễ tạ mộ vào dịp mùng 3
tháng 3 Âm lịch. Đây là dịp để con cháu báo hiếu và cầu mong tổ tiên phù hộ cho
các gia đình trong dòng họ gặp được nhiều may mắn, làm ăn thuận lợi. Đến ngày
này, con cháu, họ hàng trong dòng họ tập trung lại để đi tu sửa mồ mả của ông bà,
cha mẹ. Công việc thường là quét dọn, làm cỏ sạch sẽ, sau đó con cháu đến thắp
hương. Thông qua lễ tạ mộ chính là để con cháu mới lớn nhận họ hàng, biết về
phần mộ của tổ tiên, lắng nghe ông trưởng họ và bậc cao niên trong dòng họ kể về
nguồn gốc tổ tiên của dòng họ mình.
Hàng năm những người cùng dòng họ ở bên kia biên giới lại sang các điểm
nghiên cứu vào những dịp lễ tạ mộ. Tính đến tháng 10 năm 2013, tại một số thôn
của các điểm nghiên cứu vẫn còn 13 ngôi mộ của các hộ gia đình của thôn Chiểng
Lầy và Liểu Hàng thuộc xã Thượng Thạch, thị trấn Bằng Tường, huyện Ninh
Minh, tỉnh Quảng Tây. Những ngôi mộ này hiện nay vẫn chưa di dời sang bên kia
biên giới theo như hiệp ước mà hai quốc gia đã ký kết, hiện vẫn được cả người dân
hai bên biên giới trông nom và hương khói vào dịp lễ tạ mộ.
3.6. Quan hệ dòng họ qua lễ tết cổ truyền
Quan hệ dòng họ của người Nùng Phàn Slình ở Cao Lộc còn được thắt chặt
hơn vào những dịp lễ tết cổ truyền. Hàng năm, họ có nhiều lễ tết quan trọng như:
Nguyên đán, Thanh minh, Đoan ngọ, Rằm tháng Bảy, Đông chí Vào dịp này, đều
có những nghi lễ và mục đích khác nhau, nhưng đây là dịp để các thành viên trong
dòng họ thăm hỏi, vui chơi, hay thể hiện sự tôn kính đối với các bậc tiền bối.

Dịp tết cổ truyền, những người có quan hệ họ ngoại như họ mẹ và vợ thường
giành nhiều thời gian thăm hỏi gia đình bên ngoại. Những ngày này cũng là dịp tốt
nhất để anh em, chú bác xa gần họp mặt nhau đông đủ. Nếu vì một lý do nào đó
mà các thành viên trong gia đình chưa gặp mặt được đông đủ, sẽ có cảm giác thiếu
tình cảm gia đình. Tết Nguyên đán được người Nùng Phàn Slình chuẩn bị chu đáo
nhất, thời gian ăn tết cũng dài nhất và là dịp để những người trong dòng họ đến
thăm hỏi, chúc tụng nhau. Vào dịp này, người Nùng Phàn Slình thường có tập quán
là gia đình nào trong dòng họ làm lễ cúng tổ tiên trước sẽ mời những gia đình họ
khác đến ăn uống. Cứ như thế, anh em, chú bác trong họ hàng lần lượt ăn uống từ
nhà này sang nhà khác, đến khi hết lượt anh em trong họ mới thôi. Đây cũng là dịp tốt
nhất để qua lại thăm hỏi và chúc tụng nhau trong họ hàng. Anh em họ gần, họ xa dù
khó khăn và xa xôi đến mấy cũng phải đi thăm hỏi nhau.
Tiểu kết Chương 3
Tín ngưỡng thể hiện quan hệ dòng họ bền chặt trong đời sống người Nùng
Phàn Slình ở huyện Cao Lộc, Lạng Sơn. Những sinh hoạt tín ngưỡng, thờ cúng tổ
tiên và thờ cúng họ, chi họ của người Nùng Phàn Slình hiện tại là sợi dây xuyên
suốt trong sự cố kết các thành viên trong gia đình, dòng họ. Còn trong phạm vi
lớn hơn thì các sinh hoạt tín ngưỡng này cũng tạo nên sự cố kết cộng đồng tộc
người mạnh mẽ.
Hiện nay, những nghi lễ thờ cúng trong gia đình - dòng họ vẫn được người
Nùng Phàn Slình chú trọng và tăng cường càng thắt chặt hơn mối quan hệ dòng
họ và quan hệ trong cộng đồng tộc người này vùng biên giới.
Qua những nghi lễ trong tang ma thể hiện một quy tắc ứng xử giữa cá nhân,
gia đình, dòng tộc với cộng đồng thôn bản. Thế ứng xử đó tạo nên mối giao ước
và những quy tắc không chỉ liên quan đến người chết, mà ràng buộc người sống
với nhau, thể hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của thành viên với cộng đồng. Nghi lễ
trong đám ma là một sinh hoạt thắt chặt hơn mối quan hệ dòng họ.
Cưới xin của người Nùng Phàn Slình cũng mang đậm bản sắc dân tộc với những
quy định thống nhất về lễ nghi, phương thức và những bước tổ chức. Thông qua
những nghi lễ đám cưới, quan hệ họ hàng ngày càng được thắt chặt hơn.

CHƯƠNG 4
QUAN HỆ DÒNG HỌ TRONG HOẠT ĐỘNG KINH TẾ VÀ TƯƠNG TRỢ
4.1. Quan hệ dòng họ trong sản xuất nông nghiệp
Theo tục lệ cổ truyền của người Nùng Phàn Slình, những người trong cùng
dòng họ có bổn phận giúp đỡ, đổi công với nhau trong hoạt động sản xuất nông
nghiệp. Họ giúp nhau chủ yếu trong các khâu làm đất, gieo cấy và thu hoạch. Đây
là hoạt động mang tính hoàn toàn tự nguyện, trên cơ sở mối quan hệ anh em, họ
hàng truyền thống và cũng có nghĩa hai bên cùng có lợi.
Trong thủy lợi, các thành viên trong dòng họ đã liên kết với nhau để có thể tạo
dựng được những mảnh ruộng và hệ thống dẫn nước phục vụ sản xuất nông
nghiệp. Vào các vụ gieo trồng và thu hoạch, các gia đình trong dòng họ thường
giúp đỡ nhau. Nếu một hộ gia đình nào trong dòng họ gặp khó khăn về kinh tế,
không đủ tiền mua lúa giống, trưởng họ đứng ra vận động các gia đình khác trong
họ giúp đỡ tiền
Về chăn nuôi: Đồng bào thường nuôi trâu, bò để lấy sức kéo, gia cầm lấy thịt,
làm phân bón và tạo nguồn thu nhập cho hộ gia đình. Mỗi gia đình thường nuôi
trâu, bò từ 3 đến 4 con; lợn vài con, gia cầm cũng phải vài chục con. Với số lượng
đầu gia súc, gia cầm như vậy, đối với một gia đình khá giả thì không sao nhưng
đối với gia đình còn nghèo thì nguồn vốn để đầu tư vào chăn nuôi là hết sức khó
khăn. Lúc này, ông trưởng họ sẽ huy động sự giúp đỡ của mọi người.
Thực tế tại các điểm nghiên cứu cho thấy, sự liên kết giữa các gia đình người
Nùng Phàn Slình ở Cao Lộc, Lạng Sơn có quan hệ họ hàng gần gũi trong sản xuất
nông nghiệp chủ yếu là hình thức liên kết, đổi công, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau.
Sự liên kết này được thể hiện ở chỗ: Một mặt, canh tác nông nghiệp lúa nước với
những đòi hỏi của quá trình sản xuất như khâu thủy lợi đến các hoạt động khẩn
trương trong mùa vụ cũng như những hạn chế về nguồn vốn, tư liệu sản xuất, lao
động… đã buộc đồng bào nơi đây khó có thể một mình trong sản xuất; mặt khác,
thông qua sự liên kết này cho thấy việc coi trọng dòng họ. Các quan hệ họ hàng ở
đây đã đảm bảo cho quan hệ kinh tế của gia đình người Nùng Phàn Slình có thể
vận hành một cách có hiệu quả hơn kể cả xưa và nay.

4.2. Quan hệ dòng họ qua tương trợ kinh tế
4.2.1. Tương trợ trong sinh đẻ và nuôi con cái
Tư liệu của chúng tôi thu thập được tại các điểm nghiên cứu cho thấy, họ hàng
bên nội và bên ngoại đều đến thăm hỏi và tặng quà cho người mẹ sinh con. Quà
tặng thường là những loại thức ăn mà dân làng coi là nhiều chất dinh dưỡng như
trứng gà, thịt gà, thịt lợn, gạo nếp để gia đình chế biến cho sản phụ ăn tăng cường
sức khỏe, nhiều sữa nuôi con. Với những gia đình thuộc dòng họ lớn trong thôn thì
việc đến thăm hỏi diễn ra tới vài tháng. Đây có thể coi là một sự tương trợ kinh tế
phi chính thức mà chủ yếu là thực phẩm chính để sản phụ dùng trong nhiều ngày.
Tuy nhiên, hiện nay, tặng phẩm của những người trong cùng dòng tộc đang có
xu hướng thay quà tặng bằng tiền, đặc biệt là ở khu vực có mối giao thương thuận
tiện bởi hoạt động thương mại hay dịch vụ làm thuê qua biên giới.
Không chỉ có những vật phẩm thường ngày được họ hàng mang đến tặng sản
phụ mà còn chia sẻ những tri thức truyền thống trong nuôi và chăm sóc trẻ sơ
sinh. Những chia sẻ về kinh nghiệm, kiến thức dân gian trong việc nuôi dưỡng trẻ
là vô cùng quan trọng, đặc biệt với những người phụ nữ làm mẹ lần đầu.
4.2.2. Tương trợ trong dịp tổ chức đám cưới
Đến thời điểm nghiên cứu, tập quán trợ giúp vật chất (lợn, rượu, gạo) của các
gia đình tùy theo mối quan hệ (họ hàng, anh em, bà con trong thôn bản) đối với gia
chủ của người Nùng Phàn Slình vẫn còn tồn tại rõ nét. Trong đám cưới, không chỉ
có sự tương trợ vật phẩm mà còn có tiền mừng đám cưới, trước hết là của anh em
họ hàng ruột thịt - những người đóng vai trò quan trọng trong trợ giúp gia đình khi
có công việc lớn như đám cưới. Việc trợ giúp những vật phẩm của người Nùng
Phàn Slình không bao giờ tính lãi và thời gian giúp đỡ thường rất dài, chỉ đến khi
nào gia đình người trợ giúp có việc thì người được giúp đỡ mới mang đến trả lại.
Thậm chí đời cha chưa trả thì đến đời con trai ở cùng với cha, mẹ có trách nhiệm
trả. Nó được coi như một loại nợ miệng, nợ đồng lần.
Đám cưới của người Nùng Phàn Slình có hai loại quà tặng bằng tiền nổi bật:
thứ nhất là tiền mừng cho gia chủ được ghi vào sổ, gia đình sẽ giao cho một
người đứng ra ghi chép cẩn thận để sau này còn đáp lại; thứ hai là tiền mừng cho

cô dâu, chú rể khi đi mời khách ăn trầu, hút thuốc, uống rượu, trong lễ “sài
hồng”. Những người đến uống rượu ở đám cưới, dù là khách bên nội hay bên
ngoại đều mừng một ít tiền để cho đôi vợ chồng mới cưới gây vốn về sau.
Tài liệu thực địa cho thấy, hệ thống tương trợ hay giúp đỡ đã thể hiện tinh thần
gắn kết của các gia đình trong cộng đồng. Đây là mạng lưới tạo nên sự cố kết
cộng đồng trong dòng tộc thể hiện qua những người được quyền tham gia vào
việc tặng quà cho cô dâu, chú rể và họ nhận lại miếng trầu, cau hay một chén
rượu. Xu hướng chung cho thấy, quà tặng trong đám cưới ở người Nùng Phàn
Slình ngày một tăng cường hơn cả về số lượng người trao đổi và giá trị tương trợ.
4.2.3. Tương trợ trong lễ sinh nhật cho người già
Người Nùng Phàn Slình thường tổ chức lễ mừng sinh nhật cho cha mẹ mình
ngay dưới bàn thờ mụ. Lễ sinh nhật thường diễn ra vào ban đêm với hai phần chính
là lễ sinh nhật và cầu giải hạn cầu an. Thầy cúng mời linh hồn của tổ tiên về chứng
kiến buổi lễ, phù hộ sức khỏe cho người được làm sinh nhật với sự tham dự chủ yếu
là con cháu, họ hàng nội ngoại, thông gia, bạn bè của người được làm sinh nhật.
Khoảng 5 năm trở lại đây, việc mang lễ vật có phần giảm, thay vào đó là tiền
để gia đình tự đi mua thực phẩm. Việc đến mừng gia chủ bằng hiện vật hay tiền
trong lễ nghi này tương tự tập tục “trả nợ miệng”. Việc mừng hiện vật biểu hiện
cho sự chia sẻ trợ giúp về kinh tế với gia chủ là thành viên thuộc quan hệ họ
hàng, nội ngoại.
4.2.4. Tương trợ qua tang ma
Tang ma cho người quá cố thường diễn ra trong nhiều ngày và phải tốn kém
một khoản kinh phí lớn nên chính trong lúc này gia đình tang chủ rất cần sự giúp
đỡ, động viên của mọi thành viên trong họ hàng và bà con thôn bản. Khi nghe tin
có người mất, bà còn họ hàng, thông gia, dân bản đến hỏi thăm, lo tổ chức nghi
lễ hậu sự theo phong tục.
Sự cố kết cộng đồng thể hiện qua đám ma rõ nét nhất chính là “hội hàng
phường”, một tổ chức phi quan phương chuyên giúp đỡ tang chủ các công việc
trong tang ma. Khi nhận được tin báo của gia chủ, người hội trưởng có trách nhiệm
thông báo cho toàn bộ hội viên. Mỗi một gia đình hội viên phải cử một thành viên

trong hộ gia đình đến để giúp đỡ gia đình tang chủ và họ thường đem theo rượu,
gạo, củi, số lượng tùy theo từng phường quy định.
Thông thường, gia chủ đều bị rơi vào tình thế bị động không có sự chuẩn bị về
lợn, rượu và gạo nên phải hỏi mượn anh em trong dòng họ trước, nếu không có
mới hỏi bà con trong thôn. Sau khi đã có sự thống nhất và lên kế hoạch về các
khoản chi cho đám ma, hội trưởng và hội phó sẽ tiến hành phân thành các nhóm
để cùng nhau giúp tang chủ lo chu toàn cho người qua cố.
Tuy nhiên, ở đây vai trò của dòng họ không vì thế mà ít có vị trí quan trọng
khi một thành viên cộng đồng dòng họ quá cố. Đó là, ngoài trách nhiệm của
hội hàng phường còn có trách nhiệm của quan hệ họ hàng thân tộc với người
quá cố. Đây chính là quan hệ chặt chẽ của mạng lưới xã hội giữa các cá nhân
và hộ gia đình với các bên liên quan một cách tự giác, phân cấp trên nền tảng
gia đình, dòng tộc và cộng đồng.
Tiểu kết Chương 4
Cũng như nhiều tộc người và nhóm địa phương khác, quan hệ dòng họ của
người Nùng Phàn Slình ở Cao Lộc, Lạng Sơn cũng được biểu hiện trong các hoạt
động kinh tế, mà trước hết là truyền thống tương trợ trong hoạt động sản xuất
nông nghiệp. Với điều kiện thiên nhiên không thuận lợi cho việc canh tác, nhất là
canh tác lúa nước rất cần đổi công trong các khâu sản xuất, đặc biệt là các khâu
nặng nhọc và cần nhiều công lao động vào thời điểm cho kịp thời vụ. Thông qua
hoạt động đổi công, tương trợ trong sản xuất, không chỉ góp phần giải quyết nhu
cầu trong sản xuất mà còn tăng cường tính gắn kết giữa các thành viên dòng họ ở
người Nùng Phàn Slình.
Quan hệ dòng họ còn được biểu hiện qua các hoạt động trợ giúp trong các lễ
nghi sinh đẻ, cưới xin, tang ma, lễ sinh nhật cho người già, về nhà mới. Trong các
lễ nghi này, dòng họ đóng vai trò thiết yếu trong sự tương trợ cả về vật chất, tinh
thần và công sức. Trợ giúp tạo thành mạng lưới quan hệ của cá nhân, hộ gia đình
với các hộ gia đình khác cùng dòng tộc, cũng như các hộ gia đình có mối liên hệ
thông gia trong cộng đồng. Qua thực hiện các lễ nghi, đã hình thành mạng lưới
quan hệ xã hội, với sự tương trợ được vận hành như một hệ thống hỗ trợ xã hội.

Xu hướng đưa cả quan hệ dòng họ vào trong mạng lưới cá nhân và hộ gia đình
càng được tăng cường. Mối quan hệ này không chỉ có bên dòng họ nội mà còn
bao gồm họ ngoại và họ vợ/chồng, không chỉ ở cộng đồng thôn bản mà trong một
số trường hợp còn vượt ra ngoài phạm vi thôn bản. Tuy nhiên, về căn bản, mạng
lưới quan hệ các cá nhân dòng tộc của người Nùng Phàn Slình chủ yếu vẫn chưa
vượt ra ngoài ranh giới của cộng đồng thôn bản.
CHƯƠNG 5
QUAN HỆ DÒNG HỌ VỚI HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ CƠ SỞ
5.1. Về hệ thống chính trị cơ sở
Hệ thống chính trị cơ sở là toàn bộ các thiết chế chính trị như tổ chức Đảng,
chính quyền, các đoàn thể nhân dân được tổ chức và hoạt động theo những
nguyên tắc nhất định và gắn bó hữu cơ với nhau nhằm thực hiện sự lãnh đạo của
Đảng, sự quản lý của Nhà nước và phát huy quyền dân chủ của nhân dân ở cơ
sở. Trong phạm vi luận án, chúng tôi đề cập tới mối quan hệ dòng họ ở hệ thống
chính trị cấp cơ sở (cấp xã và chân rết hành chính của nó - cấp thôn). Ở đây,
quan hệ dòng họ của người Nùng Phàn Slình được đặt trong bối cảnh quan hệ
dòng họ của các nhóm người Nùng khác và của tộc người khác tại xã được
nghiên cứu. Bởi vậy, việc phân tích có nhiều chỗ không thể tách riêng cho người
Nùng Phàn Slình.
5.2. Quan hệ dòng họ trong hệ thống chính trị cấp xã và cấp thôn
5.2.1. Đặc điểm hệ thống chính trị cấp xã và cấp thôn
Xã Thụy Hùng gồm 12 thôn: Nà Pàn, Nà Hỏ, Còn Phèo, Khuổi Khe, Nà Pài,
Pò Nghiều, Pò Mạch, Nà Lại, Khuổi Mươi, Còn Tòong, Lũng Cọong, Tam Lung.
Xã có 1.038 hộ với 4.765 nhân khẩu, có 3 dân tộc cùng chung sống là Tày, Nùng
(nhóm Nùng Phàn Slình và Nùng Cháo), Kinh, trong đó người Nùng Phàn Slình
sinh sống chủ yếu ở 5 thôn (Pò Nghiều, Nà Pàn, Nà Lại, Còn Phèo, Còn Tòong).
Tính đến thời điểm tháng 12/2012, cán bộ, công chức cấp xã của Thụy Hùng là
31 người (bao gồm cả cán bộ, công chức và những người chuyên trách), trong đó
có 17 người, tức hơn 50% số lượng cán bộ xã là người Nùng (Nùng Phàn Slình: 8
người, Nùng Cháo - 9 người), còn lại là người Tày.

Xã Gia Cát gồm 10 thôn: Bắc Nga, Liên Hòa, Bắc Đông I, Bắc Đông II, Nà
Pó, Sơn Hồng, Hợp Tân, Cổ Lương, Pò Cại, Sa Cao. Xã có 1.072 hộ với 4.581
nhân khẩu, có 6 dân tộc chung sống là Kinh, Nùng, Tày, Hoa, Dao, và dân tộc
khác. Trong số các dân tộc kể trên, người Nùng có 2.102 người, chiếm 45,89%; Tày
là 2.350 người, chiếm 51,30%, còn lại là các dân tộc khác. Tổng số cán bộ công
chức của xã gồm 30 người (bao gồm cả cán bộ, công chức và những người chuyên
trách), trong đó 21 người là dân tộc Tày, 9 người là dân tộc Nùng Phàn Slình.
Xã Thanh Lòa gồm 6 thôn: Còn Phạc, Bản Rọi, Nà Làng, Nà Pheo, Bản Lòa,
Co Khuất. Xã có 325 hộ với 1.630 nhân khẩu, trong đó chỉ có 45 hộ là người Tày,
còn lại là người Nùng Phàn Slình. Tổng số cán bộ công chức của xã gồm 27
người (bao gồm cả cán bộ, công chức và những người chuyên trách), trong đó 5
người là dân tộc Tày, 22 người là dân tộc Nùng (nhóm Phàn Slình) Như vậy, ở xã
Thanh Lòa, đa số cán bộ là người Nùng Phàn Slình; tại xã Thụy Hùng, đa số cán
bộ là người Nùng Cháo; còn ở xã Gia Cát, đa phần là người Tày.
5.2.2. Quan hệ dòng họ với cán bộ chủ chốt cấp xã
Bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay ở địa phương được nghiên cứu cho thấy,
những người giữ vị trí trong bộ máy chính quyền cấp xã đều có lợi ích nhất định
về vật chất, tinh thần và lợi ích chính trị. Các vị trí có tiếng nói quyết định trong
hệ thống này là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân và Bí thư Đảng ủy.
Từ tài liệu điền dã cho thấy, một số chức danh chủ chốt như Chủ tịch Ủy ban
Nhân dân và Bí thư Đảng ủy đều là người thuộc dòng họ chiếm dân số đông
nhất xã. Ở đây, chưa xét đến vai trò, năng lực quản lý của họ mà chỉ muốn nói
đến một hiện tượng, một số người giữ chức vụ chủ chốt của xã đều có mối quan
hệ họ hàng với Chủ tịch và Bí thư Đảng ủy xã. Dựa trên phân tích mạng lưới
quan hệ họ hàng tại địa phương đã chỉ ra, những người đương giữ chức vụ trên
không chỉ là những người ruột thịt bên họ nội, mà còn cả họ ngoại và bên họ vợ
nữa (phi nội, tác ngoại).
Bên cạnh các chức vị Chủ tịch, Bí thư có quan hệ họ hàng nội ngoại gần gũi
còn có các Phó Chủ tịch, Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an xã, Chủ tịch Hội
người cao tuổi cũng như vậy. Ở đây không chỉ có quan hệ cha con (cha - con gái;

cha - con trai; cha - con rể) mà còn có quan hệ thông gia, quan hệ vợ chồng, quan
hệ anh em không chi gần thì cũng là chi xa trong cùng dòng tộc.
Qua đây cho thấy rằng, quan hệ gia đình, dòng họ đều có sự chi phối không
nhỏ đến việc bố trí cơ cấu đội ngũ cán bộ cấp xã. Sự cố kết dòng họ ngày càng rõ
nét, đang chi phối sự vận hành của hệ thống chính trị tại địa phương các điểm
nghiên cứu là một thực tế. Ngoài quan hệ dòng họ là quan hệ bản vị địa phương ở
cấp xã có mối gần gũi với người cùng làng, bản cũng được thể hiện ở các địa bàn
Nùng Phàn Slình vào thời điểm khảo sát.
5.2.3. Quan hệ dòng họ trong hệ thống chính trị cấp thôn
Có thể thấy rằng, mối quan hệ gia đình, họ hàng có những ảnh hưởng tới hoạt
động quản lý cấp xã và cấp thôn nhưng trên thực tế, ảnh hưởng này đối với cấp
thôn yếu hơn so với bộ máy quản lý cấp xã tại những điểm nghiên cứu. Những
người được bầu vào ban quản lý cấp thôn đều có điều kiện thuận lợi về gia đình
(vợ chồng hòa thuận, đủ nhân sự để sản xuất,…) không quá nghèo, có uy tín với
gia đình, thôn bản.
Mỗi thôn thường có vài dòng họ cùng tụ cư với nhau, trong đó thường có một
dòng họ có dân số lớn và là dòng họ đến cư trú đầu tiên trong thôn. Dòng họ lớn
có ưu thế trong việc bầu cử nên dễ giữ những vị trí chủ chốt của cấp thôn. Điều
này cũng dễ lý giải, bởi bên cạnh dòng họ lớn với số hộ, số nhân khẩu đông là
những dòng họ có số hộ, nhân khẩu ít hơn nhưng thường có mối quan hệ thông
gia với họ lớn và các dòng họ khác ở trong thôn. Như vậy, trong một cộng đồng
thôn mặc dù có những dòng họ khác nhau cùng sinh sống nhưng nó hội đủ các
mối quan hệ thân tộc, quan hệ thông gia giữa hai gia đình khác tộc họ với nhau.
Chính những mối quan hệ chằng chéo này đã tạo thành một mạng lưới các quan
hệ xã hội, chi phối các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa trong cộng
đồng thôn bản hiện nay.
5.2.4. Quan hệ dòng họ qua các chương trình phát triển nông thôn miền núi
Với khuôn khổ của luận án, chúng tôi chỉ khảo sát hoạt động một số chương
trình, dự án lớn có tác động tới đại bộ phận người dân tại ba điểm nghiên cứu. Tại
xã Gia Cát gồm 2 Chương trình: xây dựng nông thôn mới và trồng cây phân tán;

xã Thanh Lòa là Chương trình 134, 135, 120 và xã Thụy Hùng là Dự án trồng
rừng Việt - Đức và Chương trình 135.
Qua khảo sát thực tế cho thấy, có một bộ phận không nhỏ các hộ gia đình tại
các thôn được hưởng lợi từ các chương trình dự án này nhờ các mối quan hệ họ
hàng với lãnh đạo cấp xã, thôn hoặc thành viên ban quản lý cấp thôn. Như
Chương trình trồng rừng Việt - Đức (KfW3) tại xã Thụy Hùng là một ví dụ. Mục
tiêu của dự án là hỗ trợ người nông dân trồng rừng trên đất lâm nghiệp được giao.
Xã Thụy Hùng có 12 thôn, chủ yếu là hai nhóm Nùng (Nùng Phàn Slình và Nùng
Cháo), một số hộ người Tày và người Kinh. Theo tiêu chí của dự án, tất cả các
thôn trong xã đều đủ điều kiện để thực hiện chương trình, nhưng khi tiến hành
triển khai phát cây thông giống và kinh phí thì chủ tịch đương nhiệm lúc đó đã
chỉ đạo cho cán bộ nông nghiệp và thành viên chương trình của xã triển khai tới
100 số hộ thuộc thôn có người nhà và gia đình mình. Trong khi dự án đánh giá
lúc ban đầu chỉ triển khai khoảng 50 số hộ mỗi thôn. Nguyên trưởng thôn lúc đó
cho biết, thôn có 59 hộ, trong đó có 31 hộ họ Hoàng (cùng dòng họ với chủ tịch
xã), được nhận số cây thông giống gấp đôi số cây giống so với các hộ khác trong
thôn. Còn tại thôn Pò Nghiều, phần lớn cán bộ trong xã là người thuộc nhóm
Nùng Cháo, chỉ ngoại trừ Chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ xã là người Nùng Phàn
Slình. Vì vậy, họp và phân bổ các chương trình hỗ trợ cho hộ dân thiếu tiếng nói
của nhóm Nùng Phàn Slình. Khi dự án trồng rừng Việt - Đức triển khai ở ba thôn
người Nùng Phàn Slình, số lượng cây giống nhận được rất ít mặc dù 100% số hộ
trong các thôn đều đăng ký nhận cam kết thực hiện dự án.
Tiểu kết Chương 5
Quan hệ dòng họ, trong đó có dòng họ của người Nùng Phàn Slình ảnh hưởng
nhất định đến hệ thống chính trị cơ sở. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng có sự khác
nhau ở ba điểm nghiên cứu. Nguyên nhân khác nhau là bởi điều kiện cư trú, hay
mức độ cư trú xen cài của các tộc người.
Có thể nói, quan hệ dòng họ có tác động hai chiều tích cực và tiêu cực đến bộ
máy quản lý xã hội ở cơ sở. Hiện nay, dòng họ đóng vai trò quan trọng trong
quan hệ giữa gia đình, dòng họ và cộng đồng. Thậm chí, người dân địa phương

còn đánh giá dòng họ hiện nay có vai trò lớn hơn trong quá khứ. Do vậy, trong
quá trình xây dựng nông thôn mới, vai trò của dòng họ ngày càng được khẳng
định, kể cả họ nội, họ ngoại và họ vợ/chồng. Sự phục hưng hay là sự tăng cường
quan hệ dòng họ trong những năm gần đây được coi như là sự trở lại của văn hóa
truyền thống. Các dòng họ trong xã, thôn đã cung cấp cho chính quyền nhiều
thành viên có năng lực, đạo đức, cống hiến cho quá trình phát triển kinh tế - xã
hội ở địa phương. Nếu biết dựa vào yếu tố tích cực của dòng họ, sẽ có tác dụng
tốt trong thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở địa
phương. Tuy nhiên, trong công cuộc Đổi mới, quan hệ dòng họ cũng nảy sinh
nhiều vấn đề có ảnh hưởng tới tính dân chủ, tinh thần đoàn kết và sự vận hành
của hệ thống chính trị cấp cơ sở.
CHƯƠNG 6
KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN
Qua trình bày 5 Chương trong luận án, chúng tôi rút ra một số kết quả chính và
nêu lên những bàn luận.
6.1. Về tổ chức dòng họ
Người Nùng Phàn Slình quan niệm, dòng họ là những người cùng quan hệ
huyết thống, với biểu hiện là có cùng tên họ, cùng hệ thống tên đệm và cùng
“ma” - tức cùng tín ngưỡng thờ cúng Về hệ thống tên đệm của người Nùng
Phàn Slình, một người Nùng Phàn Slình có hai tên: một tên trong khai sinh dùng
trong việc giao tiếp hàng ngày, đi học, đi làm…, còn một tên chỉ dùng trong thực
hành các lễ nghi thờ cúng. Đây chính là hệ thống tên đệm để người Nùng Phàn
Slình nhận ra quan hệ họ hàng, được biểu hiện khác nhau ở mỗi dòng họ.
Dòng họ người Nùng Phàn Slình không có từ đường, không có ruộng hương
hỏa hay những sinh hoạt hội họp như tổ chức dòng họ của người Kinh, nhưng
không vì thế mà dòng họ của người Nùng Phàn Slình lỏng lẻo.
Một người Nùng Phàn Slình khi đã có vợ, có chồng đều có ba mối quan hệ về
họ hàng. Ngoài họ bên nội - bên bố và bên ngoại - bên mẹ, còn thêm họ bên vợ
hoặc chồng nhưng bên nội được coi trọng hơn.
Mỗi dòng họ người Nùng Phàn Slình thường có tổ chức khá chặt chẽ, bao gồm

hai hay nhiều chi họ, mỗi chi họ gồm một số hộ gia đình cư trú trong cùng một
thôn hay những thôn lân cận trong phạm vi một xã và có cả liên xã, liên huyện và
xuyên quốc gia. Trong tổ chức dòng họ của người Nùng Phàn Slình, người trưởng
họ có vai trò quan trọng. Trưởng họ là người đứng đầu dòng họ, có uy tín, am
hiểu phong tục tập quán của dòng họ…
Người Nùng Phàn Slình không có khu vực cư trú riêng theo dòng họ, mà chủ
yếu cư trú đan xen giữa các dòng họ. Trong quan hệ giữa thành viên cùng dòng
họ, bao giờ người ta cũng giữ được tôn ti trật tự, luôn có sự nhường nhịn và thông
cảm mỗi khi chưa có sự thống nhất về ý kiến. Tập quán này không chỉ biểu hiện
đối với các thành viên bên họ nội mà còn đối với bên họ mẹ và họ vợ.
6.2. Về vai trò, chức năng của quan hệ dòng họ
Tính cố kết dòng họ và đặc trưng dòng họ của người Nùng Phàn Slình được
phản ảnh rất rõ nét qua việc thực hành các nghi lễ như: tang ma, cưới xin, làm
nhà… Trong các lễ nghi này, dòng họ đóng vai trò thiết yếu trong sự tương trợ cả
về vật chất, tinh thần và công sức. Trợ giúp trong dòng họ đã tạo thành mạng lưới
quan hệ của hộ gia đình với các hộ gia đình khác cùng dòng tộc, cũng như các hộ
gia đình có mối quan hệ thông gia. Mỗi hộ gia đình sinh sống trong thôn bản vừa
có trách nhiệm của một người cùng dòng tộc vừa có phần đóng góp của chính họ
vào những lễ nghi trong chu kỳ đời người của một hộ gia đình khác, vừa thể hiện
quan hệ của mình qua mối quan hệ thông gia trong một cộng đồng thôn và rộng
hơn là xã, liên xã và xuyên quốc gia. Qua những nghi lễ này của người Nùng
Phàn Slình ở Cao Lộc, có một xu hướng đưa quan hệ dòng họ vào mạng lưới cá
nhân và hộ gia đình trong chiến lược sống của mình. Mối quan hệ này không hẳn
chỉ nghiêng về bên họ nội mà cả họ ngoại và họ bên vợ.
Trong đời sống hàng ngày của người Nùng Phàn Slình, vẫn hiện hữu những
sinh hoạt lễ nghi, tín ngưỡng và hoạt động này là sợi dây xuyên suốt để cố kết các
thành viên trong gia đình, dòng họ. Còn trong phạm vi lớn hơn, những sinh hoạt
này đang tạo nên sự cố kết cộng đồng tộc người mạnh mẽ, và điều đặc biệt, khi có
sự tác động của hội nhập kinh tế thì những sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống lại
hưng thịnh, góp phần tái khẳng định nguồn gốc và bản sắc văn hóa tộc người.

Các nghi lễ trong chu kỳ đời người như cưới xin, ma chay là nơi mạng
lưới
quan hệ dòng họ và quan hệ xã hội nói chung được vận hành như một hệ thống
hỗ trợ xã hội. Uy tín và địa vị của người được trợ giúp trong thôn sẽ được thể
hiện qua số lượng họ hàng và khách đến giúp đỡ (cả về tinh thần và vật chất).
Theo
tập

quán
địa phương, càng đông họ hàng, bạn bè, làng xóm đến dự, thì chủ
nhà càng có thêm uy thế

hội và cũng thể hiện được sức mạnh của sự cố kết
trong dòng họ đó.
Dòng họ không phải là một đơn vị kinh tế, nhưng không có nghĩa là phủ nhận
vai trò của dòng họ đối với các hoạt động kinh tế, nhất là sự tương trợ trong sản
xuất giữa các thành viên, gia đình trong dòng họ. Đối với người Nùng Phàn Slình
ở Cao Lộc, sự tương trợ giữa các thành viên cùng dòng họ thông qua hoạt động
kinh tế không chỉ được biểu hiện trong các lĩnh vực trực tiếp sản xuất mà còn bao
hàm cả các hệ thống trao đổi khác nhau, như đổi công, giúp đỡ trong nông nghiệp
và hoạt động buôn bán vùng giáp biên theo nhóm họ cũng như trao đổi hiện vật
trong khuôn khổ tương trợ nhau. Qua khảo sát cho thấy, có hai hình thức hỗ trợ
lẫn nhau ở đây: Một là, sự trao đổi lao động trực tiếp giữa nhiều
gia

đình trong
cùng dòng họ
- gọi là "đổi công"; Hai là,những gia đình nào thiếu
lao
động

thì tìm sự trợ giúp của họ hàng, bạn bè, làng xóm, sau này tìm cơ hội
thích hợp để hoàn
trả
người giúp đỡ. Như vậy, qua đó vẫn thấy được sự đan xen
đậm nét của các quan hệ họ hàng thể hiện rõ nét nhất ở việc phân công lao động
ưu tiên cho những người thuộc họ tộc thân thích. Những biểu hiện trên mặc dù
không phải là cách giải quyết tối ưu song nó càng khẳng định vai trò của dòng họ
trong điều kiện xã hội có nhiều biến đổi hiện nay.
Do những điều kiện lịch sử, còn có mối quan hệ dòng họ xuyên quốc gia.
Tại địa bàn nghiên cứu, một số dòng họ của người Nùng Phàn Slình còn có
nguồn gốc hoặc có quan hệ với người cùng họ ở các địa phương của Trung
Quốc. Vì thế, việc xem xét chức năng về tinh thần và tương trợ của mối quan
hệ này cần đặt trong bối cảnh đảm bảo an ninh ở vùng biên.
6.3. Quan hệ dòng họ với quyền lực ở hệ thống chính trị cấp cơ sở hiện nay
Xã là đơn vị hành chính thấp nhất trong tổ chức nhà nước của chúng ta. Còn
bộ máy quản lý ở thôn là chân rết của bộ máy hành chính cấp xã, giúp Ủy ban
nhân dân xã thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước ở địa phương. Do
đó, cán bộ chủ chốt ở thôn (như trưởng thôn, bí thư) có vai trò quan trọng trong
việc giúp chính quyền cấp cơ sở quản lý cộng đồng dân cư, trực tiếp triển
khai thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của
Nhà nước. Phần lớn cán bộ thôn hiện tại vẫn đang sinh sống và làm việc tại
thôn của mình - nơi mà sự ràng buộc về gia đình, dòng họ vẫn còn bền chặt. Do
đó, khó tránh khỏi sự ảnh hưởng của mối quan hệ dòng tộc trong công việc.
Như trường hợp nghiên cứu của luận án cho thấy, một làng thường có nhiều
dòng họ cùng cư trú và họ có mong muốn mở rộng và phát triển mối quan hệ họ
hàng, tìm kiếm sự hợp tác giữa các dòng họ để cùng tồn tại. Sự đoàn kết
trong dòng họ ở
l
àng
nhiều dòng họ có thể cùng tồn tại thành công với một

cảm thức bao trùm hơn về cộng đồng
vốn
có thể thay thế nhưng không loại bỏ
nó. Quan hệ họ hàng đã cung cấp một sức mạnh cố kết dưới những hình thức
khác nhau. Những kết quả nghiên cứu của chúng tôi từ những địa điểm nghiên
cứu đã cho thấy sự hợp tác trong gia đình, dòng họ được duy trì qua cả quan hệ
họ hàng
lẫn

quan
hệ thông gia.
Từ sự phân tích trên đây về mạng lưới quan hệ của người Nùng Phàn Slình
ở Cao Lộc, Lạng Sơn chúng tôi thấy có hai điểm cần lưu ý:

Thứ nhất, có một xu hướng đưa cả quan hệ cộng đồng lẫn quan hệ họ hàng
vào mạng lưới

nhân. Người dân ở đây không chỉ sử dụng quan hệ
họ
hàng
thuần túy dựa trên quan hệ dòng tộc chủ yếu trong các nghi lễ chính thức như thờ
cúng trong gia đình , mà còn sử dụng
quan

hệ
họ hàng mang tính chất tình
huống và mềm dẻo, điều đó thể hiện ở những trường hợp cụ
thể
như chúng tôi đã
trình bày trong các chương của luận án. Ở

các điểm nghiên cứu
, hầu hết quan hệ
với họ hàng bên vợ, bạn bè, láng giềng…
,
được chính người dân xây dựng và
vun đắp, chứ không chủ yếu kế thừa từ cha mẹ hay tổ
ti
ên,
và thực sự họ muốn
làm điều đó vì nó mang lại những lợi ích trong cuộc sống. Theo
nghĩa
này, có thể
coi mạng lưới quan hệ họ hàng này là biểu hiện của quan hệ họ hàng thực
tiễn.
Vì vậy, b
ản chất và chức năng của các quan hệ phi họ hàng này cần được
tiếp tục nghiên cứu và bàn luận.
Thứ hai là, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, các cán bộ cấp xã, cấp thôn
ở đây

xu hướng thu hút nhiều hơn quan hệ phi họ hàng vào mạng lưới cá
nhân của họ, và xây dựng
những
mạng lưới lớn hơn, nhờ vậy củng cố thêm vị
trí xã hội chủ đạo của họ. Như chúng tôi đã trình bày ở Chương 5, với
những người có chức vụ, đặc biệt là những chức vụ chủ chốt (như Bí thư
Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân ) trong hệ thống chính trị cấp
xã/thôn đều là những người có quyền hành, uy tín, có khả năng tham gia
vào các hoạt động không chỉ ở địa phương mình mà còn cả ở cấp cao hơn
như huyện, tỉnh… Do đó, họ dễ dàng có thêm được những mối quan hệ

khác trong quá trình làm việc, giao lưu… Vun đắp quan hệ tốt với cấp
trên là việc quan trọng sống còn đối với cán bộ cấp xã/thôn. Việc xây
dựng mạng lưới như vậy giúp cán bộ thực hiện và duy trì được quyền lực
của mình. Bên cạnh đó, cán bộ thôn/xã cũng cần phải xây dựng cho mình
một mạng lưới những người ủng hộ và đồng minh. Với uy tín và quyền hạn
của mình, các cán bộ này đã bố trí, sắp xếp các vị trí quan trọng trong hệ thống
chính quyền cấp cơ sở như cán bộ văn hóa, hộ tịch, văn phòng đảng ủy, đoàn
thanh niên… cho những người thân trong dòng họ, các mối quan hệ xung quanh
mình như quan hệ thông gia, bạn bè… để tạo thêm những người ủng hộ họ trong
quá trình vận hành hệ thống chính quyền cơ sở nơi đây.
Không chỉ thông qua việc tạo mạng lưới những người ủng hộ mình trong công
việc, mà ngay cả trong những sinh hoạt lễ nghi của đời sống hàng ngày, họ cũng
tạo được một mạng lưới quan hệ xã hội xung quanh mình. Như chúng tôi đã trình
bày ở các chương, những lễ nghi chủ yếu trong vòng đời của người Nùng Phàn
Slình là tang ma, mừng sinh nhật người già, cưới xin, mừng nhà mới, sinh đẻ…
Việc mừng quà tặng (cả hiện vật và tiền) nhân những dịp lễ nghi này cho thấy vị
thế và quan hệ quen biết - một bằng chứng biểu hiện về vốn quan hệ mà người ta
có thể huy động. Và trong điều kiện hiện nay, chính cán bộ
l
à
người có thể vượt
lên nhanh chóng, giống như họ đã vượt lên ở các khía cạnh khác của
đời
sống
xã hội để tạo thành những mạng lưới quan hệ dòng họ, quan hệ xã hội vượt ra
ngoài ranh
giới
thôn bản, và những mối quan hệ với cấp trên, cấp dưới đã khiến
họ khác hẳn với những người dân bình thường. Họ làm
như

vậy để giúp
họ duy trì vị trí có uy thế trong đời sống xã hội hiện nay
.
6.4. Nhìn lại việc áp dụng thuyết Chức năng và thuyết Vốn xã hội trong
nghiên cứu
Dựa trên cơ sở của thuyết Chức năng, luận án đã phân tích chức năng dòng họ
của người Nùng Phàn Slình như sau:
Thứ nhất, chức năng sinh học: Cùng với gia đình, dòng họ của người Nùng
Phàn Slình đã thực hiện chức năng duy trì nòi giống. Trong quan hệ của mỗi
dòng họ, một nguyên tắc được tuân thủ là ngoại hôn, tức là không kết hôn với
người cùng họ gần.
Thứ hai, chức năng cố kết tộc người: Mỗi dòng họ của người Nùng Phàn Slình
không chỉ là một cộng đồng những người có quan hệ huyết thống tính theo hệ cha
mà còn là đơn vị cố kết về mặt tinh thần. Tính cố kết dòng họ của người Nùng
Phàn Slình được phản ảnh rõ nét qua việc thực hành các nghi lễ chung của dòng
họ, gia đình và cộng đồng.
Thứ ba, chức năng giáo dục: G
iáo dục không chỉ giản đơn là giáo dục đạo đức
xã hội, mà còn có chức năng quan trọng là truyền thụ văn hóa tộc người cho các
thế hệ sau thông qua sự dạy dỗ và trao truyền ngôn ngữ dân tộc (tiếng Nùng), về những
phong tục tập quán dân tộc, tâm lý và ý thức tự giác dân tộc, thực hành lễ nghi
Thứ tư, bảo tồn văn hóa tộc người: Dòng họ có vai trò nhất định trong việc bảo
tồn bản sắc văn hoá tộc người và tiếp thu các yếu tố văn hóa mới. Thông qua các
sinh hoạt văn hoá của dòng họ, văn hóa tộc người được trao truyền từ thế hệ này
sang thế hệ khác và được thấm sâu vào mỗi thành viên.
Thứ năm, chức năng tương trợ: Chức năng này được biểu hiện rõ nét thông
qua các nghi lễ trong chu kỳ đời người như tang ma, cưới xin, sinh đẻ, làm nhà
Thứ sáu, chức năng quản lý cộng đồng và ổn định chính trị, xã hội: Sự đoàn
kết, gắn bó của mỗi dòng họ tạo nên đoàn kết, gắn bó của cộng đồng. Người
Nùng Phàn Slình quan niệm rằng, dòng họ càng đông càng có sức mạnh. Ở những

thôn có dòng họ lớn, có thế lực thường là những dòng họ có những người được cử
làm trưởng thôn, bí thư,… tham gia vào các hoạt động của chính quyền cơ sở.
Tiếng nói của họ thường có uy tín trong các cuộc vận động xây dựng nếp sống
mới ở thôn.
Với cấu trúc, vai trò, chức năng quan trọng như vậy, rõ ràng dòng họ của người
Nùng Phàn Slình là một bộ phận quan trọng vận hành, đóng góp vào sự vận hành
ổn định chung của cả hệ thống xã hội tộc người từ trước đến nay. Nó cũng có mối
liên hệ mật thiết với các thiết chế xã hội khác như gia đình, làng bản, tôn giáo tín
ngưỡng và hệ thống chính trị…
Có thể nói rằng, việc áp dụng thuyết chức năng vào phân tích cấu trúc, thể chế,
chức năng của quan hệ dòng họ người Nùng Phàn Slình như trên rất có ích cho
việc giải thích, xác định vai trò của dòng họ trong đời sống văn hóa - xã hội của tộc
người, cũng như đóng góp của nó vào sự vận hành, phát triển ổn định hiện nay của
cộng đồng tộc người này. Tuy nhiên, một trong những bất cập khi áp dụng thuyết
chức năng trong nghiên cứu này là nó không giúp ích trong việc giải thích những
biến đổi trong quan hệ dòng họ của người Nùng Phàn Slình đang chịu tác động
mạnh mẽ của bối cảnh hội nhập hiện nay. Gần đây, trong cơ chế kinh tế thị trường,
xu hướng biến đổi về kinh tế - xã hội và các giá trị văn hóa truyền thống đang đứng
trước nguy cơ bị mai một. Phải chăng trong một xã hội chuyển đổi khi các thiết chế
xã hội mới chưa ổn định, chưa đủ mạnh để đảm bảo xã hội vận hành ổn định và
phát triển, những thiết chế xã hội truyền thống như dòng họ trở thành những chỗ
dựa vững chắc của các cá nhân và cộng đồng.
Mục đích của việc vận dụng lý thuyết vốn xã hội đối với đề tài luận án là dựa
trên nguồn lực về niềm tin thực thi và trao đổi có đi có lại được gắn vào trong các
mạng xã hội của cá nhân. Cá nhân có thể sản xuất, duy trì và sử dụng vốn xã hội
thông qua các mối quan hệ trong mạng lưới họ hàng để bảo đảm lợi ích cho bản
thân.
Có thể nói rằng, vốn xã hội của người Nùng Phàn Slình có vai trò rất quan trọng
trong việc giải quyết nhiều vấn đề của cuộc sống hàng ngày, kể cả hoạt động kinh
tế và tương trợ.

Trong lĩnh vực kinh tế, chúng tôi thấy được những cách thức mà người dân ở
đây sử dụng vốn xã hội để đảm bảo lợi ích kinh tế như trong sản xuất nông
nghiệp, làm thủy lợi, buôn bán giáp biên Ở đây, người Nùng Phàn Slình thường
dựa vào các mối quan hệ họ hàng bên cha, họ hàng bên mẹ, họ hàng bên vợ, họ
hàng bên thông gia… để giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất. Hầu hết các hoạt
động này chủ yếu được thực hiện dựa trên sự tin tưởng, kể từ quá trình trao đổi
công giữa các hộ gia đình trong dòng họ đến vay tiền để đầu tư sản xuất, kinh
doanh như mua thóc giống, phân bón, con giống. Do có niềm tin, mọi người trong
dòng họ đều sẵn sàng giúp đỡ nhau, phổ biến cho nhau làm kinh tế.
Trong tương trợ, nhất là khi thực hiện những lễ nghi hay công việc quan trọng
liên quan đến chu kỳ đời người (cưới xin, tang ma, làm nhà…), vốn xã hội của
quan hệ dòng họ được huy động triệt để. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường
hiện nay, cùng với việc mức sống được cải thiện, mức độ nhận được khi tương trợ
càng lớn hơn so với trước đây.
Qua những trình bày nêu trên cho thấy, thuyết Chức năng và Vốn xã hội đã có
vai trò quan trọng trong việc định hướng nghiên cứu của luận án. Quan hệ dòng
họ là vấn đề phức tạp, nhưng bằng việc áp dụng các lý thuyết nêu trên, tác giả
luận án đã xây dựng được cách hệ thống và phân tích mối quan hệ này trong đời
sống của người Nùng Phàn Slình.
Tiểu kết Chương 6
Quan hệ dòng họ là vấn đề không mới trong nghiên cứu dân tộc học/nhân học,
kể cả ở trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các nghiên cứu thường
tập trung ở người Kinh (Việt) mà còn ít được triển khai ở các dân tộc thiểu số.
Hơn nữa, nghiên cứu quan hệ dòng họ thường chỉ xem xét quan hệ một bên, tức
quan hệ của họ bố (theo phụ hệ) hay họ mẹ (theo mẫu hệ). Cách thức ấy vô hình
dung đã giản lược mối quan hệ dòng họ.
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, luận án này tập trung nghiên cứu
quan hệ dòng họ ở một nhóm địa phương của tộc người thiểu số: người Nùng
Phàn Slình tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, với ba bên họ (của một cá nhân đã
có vợ hoặc chồng), đó là họ bố, họ mẹ và họ vợ/chồng. Trên cơ sở áp dụng các lý

thuyết Chức năng và Vốn xã hội, luận án đã tìm hiểu cấu trúc dòng họ và vai trò
của quan hệ dòng họ trong đời sống tín ngưỡng, hoạt động kinh tế và hệ thống
chính trị cơ sở. Nghiên cứu đã chỉ ra tính đa tầng và phức hợp trong quan hệ dòng
họ của người Nùng Phàn Slình. Qua đó, cũng nêu lên vai trò quan trọng của dòng
họ trong bối cảnh chuyển sang nền kinh tế thị trường tại vùng biên và nơi có mối
quan hệ dòng họ xuyên biên giới.
Nhìn lại việc áp dụng các lý thuyết Chức năng và Vốn xã hội, cho thấy tính

×